Mật tông
Ý nghia của tiếng Om trong thần chú tiếng PĀḶI & SANSKRIT
Tống Phước Khải
04/03/2015 13:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiếng OṂ được kết hợp từ ba tiếng A-U-M. Tiếng này được cho là rất thiêng liêng đối với nhiều tôn giáo có xuất xứ từ Ấn Độ. Tiếng OṂ được đề cập đến rất nhiều trong các kinh bản Phật giáo. Không chỉ hiện diện trong hệ thống kinh điển tiếng Sanskrit, tiếng OṂ  còn có cả trong kinh điển tiếng Pāḷi. Chúng ta hãy xem các câu kệ tiếng Pāḷi có đề cập đến tiếng OṂ sau đây:


Namo arahato sammā-sambuddhassa mahesino  

    

Namo uttama-dhammassa svākkhātasseva tenidha  

    

Namo mahā-saṅghassāpi visuddha-sīla-diṭṭhino  

        

Namo omātyāraddhassa ratanattayassa sādhukaṃ   


Đây là bốn câu mở đầu trong bài kệ TÁM CÂU NAMO (NAMOKĀRAṬṬHAKA) thường hay được đọc tụng như một bài hộ chú (paritta) của Phật giáo Thái Lan.   Ý nghĩa của các câu kệ này như sau:


Con xin đảnh lễ Bậc Đại Ẩn Sĩ, Bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.


Con xin đảnh lễ Giáo pháp tối thượng, được khéo thuyết giảng tại đây.


Con xin đảnh lễ đại Tăng chúng, có giới và kiến thanh tịnh.


Con xin đảnh lễ một cách tốt đẹp đến Tam Bảo được bắt đầu bằng OṂ.[1]


Ở câu kệ thứ tư cho thấy việc đảnh lễ Tam Bảo được quy về với sự bắt đầu của tiếng OṂ (AUM) [2]. Ở đây, tiếng OṂ được so sánh với ngôi Tam Bảo gồm Phật, Pháp và Tăng. Xem lại các câu kệ từ thứ nhất đến thứ ba và để ý đến các từ arahato, uttamadhammassa, mahāsaṅghassāpi. Các từ này có ý nghĩa như sau:

- Arahanta: A La Hán, Bậc Ứng Cúng, Đức Phật


- Uttamadhamma: Giáo pháp tối thượng, Phật Pháp


- Mahāsaṅgha: Đại Chúng, Tăng


Các chữ đầu của ba từ này ghép lại thì sẽ thành AUM tức tiếng OṂ. Như vậy tiếng OṂ được ngầm ý là âm thanh khởi đầu của ngôi Tam Bảo với A là khởi đầu của Phật, U là khởi đầu của Pháp và M là khởi đầu của Tăng.


Trong các thần chú thì tiếng OṂ thường được đặt vào vị trí khởi đầu của một câu hay một bài chú. Chẳng hạn như bài thần chú JIVAKA (Kỳ Bà) tiếng Pāḷi, dùng để trị bệnh, được khởi đầu bằng tiếng OṂ:


Oṃ namo jīvako


Karuṇiko sabba sattānaṃ osadha dibbamantaṃ


Pabhāso suriyācandaṃ kumārabhacco pakāsesi vandāmi sirasā ahaṃ


Paṇḍito sumedhasso arogā sumanā homi


Ý nghĩa của bài thần chú như sau:


Oṃ. Con xin đảnh lễ Ngài Jīvaka


Ngài có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh và ban chúng con thánh dược


Kumārabhacca,  Ngài tỏa sáng  rạng ngời như ánh nhật nguyệt.


Con xin tỏ lòng thành kính đến bậc đại học giả, đại trí giả. Cầu xin Ngài cho con được an vui và khỏi bệnh tật.



Trong quyển CAMBODIAN BUDDHISM – HISTORY AND PRACTICE, trang 100, tác giả Ian Harris đã ghi nhận về câu chuyện thần thoại của Campuchia có liên quan đến tiếng OṂ. Câu chuyện nói về một cặp song sinh tên là Nan Cittakumara và Nor Cittakumari rời khỏi  thế giới Yāma (Dạ Ma) để tìm đường tái sinh vào thể giới Jambudvīpa (Diêm Phù Đề). Họ được một Chư Thiên hiện ra hướng dẫn đi tìm quả cầu pha lê quý báu được tạo thành bởi tinh túy của ba chữ A, U và MA. Ba chữ này hợp thành tiếng OṂ thiêng liêng. Tác giả cũng ghi nhận rằng ba chữ này đại diện cho Tam Tạng giáo điển cao quý (tạng Kinh, tạng Luật, tạng Vi Diệu Pháp).


Trong hệ thống kinh điển Phật giáo tiếng Sanskrit thì tiếng OṂ là một tiếng quan trọng, xuất hiện thường xuyên ở vị trí đầu các câu thần chú. Ý nghĩa của tiếng OṂ được tác giả Alice Getty nêu ra trong quyển THE GODS OF NORTHERN BUDDHISM: THEIR HISTORY AND ICONOGRAPHY rằng Đức Phật A Đề (Ādi-Buddha) đã khởi sự từ tiếng OṂ, Ngài hiện thân trong Tính Không (Śūnyatā) bằng chữ A. Sau đó, A Đề Pháp (Ādi-Dharma) tức Bát Nhã Thiên Nữ (Prajñā Devī) được hiển lộ bằng chữ U. Thần chú chủng tử (vīja mantra) của Tăng là M. Do đó ba chữ A-U-M là thần chú chủng tử của Tam Bảo gồm Phật, Pháp và Tăng.


Chúng ta thấy có sự nhất quán giữa hai hệ thống Pāḷi và Sankrit đó là đều lấy tiếng OṂ thiêng liêng làm để biểu tượng cho Tam Bảo gồm Phật, Pháp và Tăng.


Do đó tiếng OṂ bên cạnh nghĩa thông thường là quy mạng, cảnh giác, nhiếp phục, cúng dường… tiếng này mang ý nghĩa là sự đảnh lễ và quy y Tam Bảo. Khi phân tích thành ba âm A-U-M thì tiếng OṂ trong Phật giáo còn mang các ý nghĩa sau:


- Tịnh hóa Thân, Khẩu, Ý


- Chuyển hóa Tham, Sân, Si


- Thực hành Giới, Định, Tuệ


- Kính lễ ba thân Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân v.v.


Xét về sự huyền bí của âm thanh, thì các chú sư Phật giáo cũng như Ấn Độ giáo rất xem trọng sự thực hành âm thanh OṂ. Bởi vì âm thanh này là tinh túy của tất cả các âm thanh chú ngữ khác, do đó trước khi đọc tụng thần chú thì việc luyện tập sao cho thành tựu âm thanh OṂ trở thành yếu tố tiên quyết.


Trong Ấn Độ giáo thì OṂ là biểu tượng liên quan đến Brahman (Phạm Thể, Đại Ngã, Thực tại tuyệt đối).  Khái niệm Brahman trên thực tế thì không thể dùng phương tiện hiện hữu để mô tả được. Tiếng OṂ chính là âm thanh thiêng liêng để có thể liễu tri được Brahman. OṂ vừa là sự thể hiện của Brahman, vừa là vượt ngoài sự thể hiện của Brahman.  Trong Áo Nghĩa Thư  (Upanishad) tiếng OṂ được so sánh như một cây cung, còn bản ngã là mũi tên và Brahman chính là đích bắn.  Khi phân tích thành ba âm A-U-M thì trong Ấn Độ giáo tiếng OṂ đại diện cho các bộ ba như:


- Chư Thần: Brahma, Viṣṇu, Śiva


- Hành trạng: Sáng tạo, bảo tồn, hủy diệt


- Kinh Vệ Đà: Ṛgveda, Yayurveda, Sāmaveda


- Phẩm chất: Chân thật, can đảm, từ bi


- Thời gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai v.v.


Tiếng OṂ là một âm thanh nhiệm mầu. Âm thanh này chứa đựng sức cuốn hút kỳ lạ và đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, nhà văn trong việc sáng tác của mình. Nhà văn người Đức Hermann Hesse, trong tác phẩm SIDDARTHA nổi tiếng, mà bản dịch tiếng Việt đầu tiên dịch tựa là CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG, đã dành trọn một chương để nói về tiếng OṂ. Trong chương này Vesudeva bảo Siddhartha lắng nghe âm thanh của dòng sông “Và khi Siddhartha chăm chú lắng nghe dòng sông, chàng nhận ra đó là tiếng hát của muôn ngàn chất giọng. Khi mà chàng không còn chú tâm đến nỗi đau đớn hay tiếng cười đùa, khi mà chàng cởi trói tâm hồn mình khỏi bất kỳ một  âm giọng riêng biệt nào, để rồi không còn đắm chìm vào đó nữa.Chàng lắng nghe tất cả chúng, nhận thức cái toàn thể, sự nhất thể, và thế là tiếng hát tuyệt vời của muôn ngàn chất giọng vang lên trong một âm từ duy nhất, tiếng OṂ, sự toàn hảo.” [3]                                                                



[1] Toàn bộ bài kệ Tám Câu Namo như sau:

Namo arahato sammā-sambuddhassa mahesino      

Namo uttama-dhammassa svākkhātasseva tenidha      

Namo mahā-saṅghassāpi visuddha-sīla-diṭṭhino          

Namo omātyāraddhassa ratanattayassa sādhukaṃ   

Namo omakātītassa tassa vatthuttayassapi    

Namo kārappabhāvena vigacchantu upaddavā 

Namo kārānubhāvena suvatthi hotu sabbadā

Namo kārassa tejena vidhimhi homi tejavā.

Tham khảo bản dịch tại  https://kinhmatgiao.wordpress.com/2014/09/30/bai-ke-tam-cau-namo/

 

[2] Chú thích của Bhikkhu Indacanda đối với câu kệ thứ tư như sau:

(Viết lại theo thứ tự) Namo Ratanattayassa omātyāraddhassa sādhukaṃ =

omātyāraddhassa = omāti āraddhassa

omāti = oma + iti

Kính lễ một cách tốt đẹp (sādhukaṃ) đến Tam Bảo (Ratanattayassa) đã được bắt đầu (Ratanattayassa) bằng “oma” (“aum”). iti tương đương với ngoặc kép, trích dẫn lại 1 câu nói hay 1 ý nghĩ.

 [3] Theo Hermann Hesse. Siddhartha. Trang 58. Bản  tiếng Anh: “And when Siddhartha was listening attentively to this river, this song of a thousand voices, when he neither listened to the suffering nor the laughter, when he did not tie his soul to any particular voice and submerged his self into it, but when he heard them all, perceived the whole, the oneness, then the great song of the thousand voices consisted of a single word, which was Om: the perfection.” Nguồn https://archive.org/details/ost-english-siddhartha-by-hermann-hesse/

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch