Phật pháp căn bản
Pháp thoại đầu năm
HT. Thích Thiện Siêu
19/02/2015 00:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cầu an là cầu cho thân an mà tâm cũng được an. Chúng ta đến chùa niệm Phật, tụng Kinh là cốt để cầu cho thân và tâm được an. Cầu an ở đây là theo nghĩa rộng, là cầu cho chúng ta và cầu cho mọi người, cho thế giới đều được bình an. Còn cầu an theo nghĩa tâm an là phải cầu cho lòng mình được an. Mà muốn được an thực sự thì chúng ta phải: một mặt cầu Phật gia hộ cho chúng ta, nhưng một mặt khác chúng ta phải cầu cho mọi người cũng được an như chúng ta.

Mỗi độ xuân về, Phật tử chúng ta thường làm lễ Cầu an. Cầu an là mong cho mọi việc trong một năm được bình an, như ý.

Theo tục lệ Việt Nam, thì nửa đêm ngày 30 ÂL, đầu ngày mồng một năm mới, tất cả chúng ta đều cử hành lễ Giao thừa. Theo tục lệ thế gian tin rằng, lễ Giao thừa là Ngọc Hoàng Thượng Đế mỗi năm có sai một vị thần thị sát. Vị thần năm này mãn nhiệm kỳ thì qua năm mới giao lại cho một vị thần khác. Một bên thì giao, một bên thì thừa (nhận) cho nên gọi là Giao thừa.

Phật tử chúng ta ở trong phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng làm lễ Giao thừa. Đồng thời, trong những giờ phút đó, chúng ta cũng làm lễ Kỷ niệm vía của một đức Phật đương lai. Đó là ngày đản sinh của đức Phật Di-lặc. Hễ nói đến đức Phật, thì tất cả chư Phật đều có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Ví dụ như đức Phật Thích-ca, đức Phật Di-đà, đức Phật Dược-sư hay đức Phật Di-lặc đều có tướng hảo quang minh, trí tuệ viên mãn và từ bi vô lượng giống nhau. Nhưng ở đây, tại sao chúng ta thấy đức Phật Di-lặc lại không có hình tướng đó? Ngài là một vị Phật có bụng lớn, miệng luôn luôn cười, xung quanh có trẻ con chọc nách, xoi tai, móc mũi… như thế có ý nghĩa gì?

Như lịch sử cho chúng ta biết đức Di-lặc là một vị Phật sẽ thay thế đức Thích-ca giáng sinh trong thế giới Ta-bà, để hóa độ chúng sinh vào một kiếp sau này. Tượng đức Di-lặc mà chúng ta thường chiêm ngưỡng trong các chùa thì hiện Ngài chỉ mới là một vị Bồ-tát bổ xứ; nghĩa là một vị Bồ-tát sắp sửa làm Phật, một vị Phật tương lai; cũng như đức Thích-ca là vị Phật hiện tại, Phật Di-đà là vị quá khứ. Chúng ta thờ tượng đức Di-lặc với bụng lớn, miệng cười là thờ hóa thân của đức Di-lặc.

Tương truyền kể rằng: Đời trước Ngài hóa thân làm một vị Hòa thượng ở Trung Quốc có tên là Thế Thử. Nhưng tên Thế Thử ấy, thiên hạ ít biết. Thông thường mọi người chỉ biết Ngài với cái tên là "Bố Đại Hòa thượng", bởi vì Ngài thường mang một đẫy vải rất lớn, đi nơi này nơi khác, ai cho thứ gì Ngài đều bỏ hết vào trong đẫy đó. Khi đầy đẫy rồi, Ngài thường đến chỗ có cây im bóng mát, quy tụ trẻ con lại,dạy bảo điều hay lẽ phải và cho chúng những thức ăn mà Ngài vừa xin được.

Chuyện kể rằng: Có một lần, Ngài gặp một vị Sư. Vị này đi trước, Ngài chạy theo và xoa xoa sau lưng. Vị Sư đó xoay lưng lại, Ngài nói: "Cho xin một đồng". Vị Sư ấy đáp: "Nói được thì sẽ cho". Ngài liền hạ đẫy vải xuống. Vị sư đó hỏi: "Chỉ có thế thôi sao?" Ngài liền quảy đẫy vải bỏ đi. Đây là một lối khai thị của Ngài theo truyền thống Bắc tông. Người ta chỉ biết Ngài như thế, nhưng không ai biết Ngài là ai cả, cũng không biết đó là hoá thân của Ngài Di-lặc.
 

 
Một ngày nọ, trước khi thị tịch, Ngài có để lại bốn câu thơ:

"Di-lặc chơn Di-lặc,
Thiên bách ức hóa thân,
Thời thời thị thời nhân,
Thời nhân thường phất thức".


(Di-lặc đúng thật là Di-lặc đây, hóa thân trăm ngàn ức, thường thường chỉ thị cho mọi người, mà mọi người không biết được).

Lúc ấy người ta mới biết đó là đức Di-lặc và mới tạc tượng để thờ. Khi tạc tượng người ta mới tạc tượng hình dáng bụng lớn, miệng cười… Vậy thì bụng lớn, miệng cười này có nghĩa gì? Có một câu đối để diễn tả cái bụng lớn và miệng cười của Ngài như thế này: "Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự. Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân". (Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được. Miệng nở nụ cười mĩm với những điều mà người đời khó có thể cười được).

Trước hết cắt nghĩa cái bụng lớn. Bụng lớn đó là để tiêu biểu cho tâm lượng hỷ xả bao dung của Ngài. Ngài có một lòng từ bi hỷ xả bao dung rộng lớn; chứ không phải như tâm lượng của chúng ta hẹp hòi, không bao dung được. Ai cho mình, ai giúp mình thì mình thương; ngược lại, ai không thương mình, không giúp mình, thì mình xa họ; ai chê mình thì mình ghét, mình không bao dung được.

Ai lỡ đụng một chút thì mình giận, giận mãi giận hoài, không bao dung được. Thấy ai đói, thấy ai nghèo, mình cũng nhắm mắt bỏ qua, không bao dung được. Ngược lại, Ngài có một tấm lòng từ bi hỷ xả bao dung hết thảy. Bao dung những khó khăn, khổ não, buồn vui của tất cả chúng sinh. Cho nên tượng Ngài với một cái bụng to như vậy là tiêu biểu cho một tấm lòng bao dung, chứ không phải chỉ là một cái bụng mỡ không! Tục ngữ ta có câu: "Chín bỏ làm mười". Đó cũng là ý nghĩa của tâm lượng bao dung.

Hai nữa là ý nghĩa của cái miệng cười. Miệng cười của Ngài là một nụ cười hoan hỷ. Hoan hỷ của Ngài là cái hoan hỷ từ trong lòng phát ra, chứ không phải từ bên ngoài vô. Chúng ta thì hoan hỷ từ ngoài vô, chứ ít khi có được cái hoan hỷ từ trong tâm ra.

Hoan hỷ từ bên ngoài vôâ là nghĩa thế nào? là khi người ta đem đến cho mình một món quà gì, thì mình hoan hỷ. Trái lại, khi người ta giựt một món quà từ trong tay mình, thì mình không hoan hỷ nữa. Khi mình được trúng số độc đắc, thì mình hoan hỷ, nhưng khi mình bị người khác ăn cắp tiền thì không hoan hỷ nữa. Thành cái hoan hỷ của mình chỉ như một cái bong bóng. Khi có ai thổi vào thì nó phình lên. Khi không có người thổi thì nó xẹp xuống. Như vậy thì cái hoan hỷ của mình nó tùy thuộc theo ngoại cảnh không thật.

Trái lại sự hoan hỷ của đức Di-lặc là sự hoan hỷ từ trong nội tâm mà ra. Đó là một sự hoan hỷ đánh dẹp kẻ giặc phá phách trong lòng mình, làm cho mình đau khổ triền miên trong luân hồi sinh tử như tham, sân si, kiêu mạn, tật độ, ngã mạn, cống cao…; những thứ giặc ấy, Ngài đã dẹp hết cho nên Ngài hoan hỷ. Cái hoan hỷ từ bên trong cho nên nó lâu bền, chứ không phải hoan hỷ giờ trước rồi giờ sau buồn.

Đầu năm làm lễ vía đức Di-lặc, nhìn lên tượng hoan hỷ của Ngài để chúng ta học lấy cái tâm hoan hỷ, bao dung của đức Phật. Khi biết bao dung hoan hỷ, thì tất cả mọi người đều là bạn thân, đều là thiện tri thức. Do đó có thể nói, nếu chúng ta không biết hoan hỷ, không biết bao dung, thì khi ấy tất cả mọi người xung quanh ta đều trở nên xa lạ với chúng ta. Phật dạy: có hoan hỷ là có an lành, hoan hỷ là nền tảng của hạnh phúc. Phật tử chúng ta cầu an là cầu sự hoan hỷ, mong làm sao thân và tâm được hoan hỷ. Thân an lạc thì tâm mới an lạc, và ngược lại tâm an lạc thì thân mới an lạc được. Cho nên khi cầu an, Phật tử chúng ta phải cầu thế nào để cho thân an lạc mà tâm cũng phải an lạc.

Cầu cho thân tâm an lạc không chỉ là cầu mong sự gia hộ của đức Phật, mà còn phải vâng theo lời dạy của đức Phật mới có thể viên mãn được sự cầu nguyện đó. Phật tử chúng ta trong khi cầu đức Phật gia hộ cho chúng ta được an lành, thì đồng thời, chúng ta cũng phải vâng theo lời Phật dạy, tự sửa lấy mình và dìu dắt những người thân của mình đi theo con đường tốt, lương thiện thì mới là sự cầu an tốt nhất. Hay nói cách khác, cầu an là cầu cho thân an và tâm an như Phật tử chúng ta thường chúc nhau bằng câu "Thân tâm an lạc". Đó là ý nghĩa của sự cầu an mà Phật tử chúng ta mong ước.

Nhưng cầu an cũng có nhiều cách: chúng ta lễ Phật để cầu an, tụng kinh để cầu an, bố thí để cầu an, hiếu để với cha mẹ để cầu an, làm lành tránh dữ cũng để cầu an… tất cả mọi sự đều có thể cầu an được hết. Theo tục lệ ngày xưa, khi chưa hiểu biết giáo pháp của đức Phật, chúng ta đi cúng sao giải hạn. Vì sao phải cúng sao giải hạn? Tất cả sao hạn cũng là tùy theo nghiệp của chúng ta. Nghiệp của chúng ta lành hay dữ là do chính chúng ta tạo ra; còn sao hạn, nếu có chăng, thì cũng chỉ là phụ. Cho nên muốn cầu được an thì chính chúng ta phải cầu cho có được nhiều nghiệp lành, tránh nghiệp dữ, tức là an. Không thể nào an được khi chúng ta muốn không ai đánh mình, mà mình cứ thích đánh người ta. Mình đánh kẻ khác thì người khác đánh lại, thế thì làm sao an được! Mình mắng kẻ khác thì kẻ khác mắng lại, không sao an được!

Lại nữa, có những oan nghiệt sâu xa, chẳng hạn như : có những loại bệnh tật mà ngày nay chúng ta hay con cháu chúng ta vấp phải, hoặc vì nuôi dưỡng thiếu thốn nên tứ đại bất hòa mà sinh bệnh tật. Lại cũng có những thứ bệnh tật vì oan nghiệt, sinh ra là đã bệnh tật rồi. Theo luật nhân quả thì đó là một loại bệnh oan nghiệt do chúng ta đã gây oan nợ đối với ai đó trong dĩ vãng hoặc với kẻ khuất mặt, bây giờ chúng ta phải trả. Nhưng họ là ai, mình không biết được. Khi đã có nhân thì có quả: đã gây oan với họ thì họ trả oan, không làm sao tránh khỏi. Vậy trong trường hợp đó, chúng ta phải làm gì? Chúng ta nên đến trước đức Phật để cầu nguyện hoặc tụng kinh, hầu đem lời dạy của đức Phật để giải hòa, để sám hối, để nhờ đức Từ bi của Phật mà được an. Muốn những oan khiên dĩ vãng của mình được sạch hết để cho mình được an, thì trong hiện tại, mình cũng phải tránh gây ra sự oan khiên với người khác.

Thành thử, nói cầu thì phải cầu một cách cho thực tế. Nghĩa là nguyện với đức Phật làm lành, tránh dữ, không gây oan nghiệt với một ai hết, thì lúc ấy mới được an. Nhớ như vậy, để chúng ta hằng ngày khi cầu an, phải nghĩ đến trên nhờ đức Phật gia hộ, đồng thời cũng phải vâng theo lời Phật dạy, đem thân tâm của mình an trú vào chỗ tốt thì mới an lành được. Chứ chỉ cầu Phật gia hộ cho mình được an lành, mà mình lại làm những việc không an lành, thì làm sao mà an lành được. Đó là ý nghĩa cầu an.

*
 
Hôm nay, nhân ngày khai kinh Pháp Hoa đầu năm, các Phật tử đi chùa lễ Phật, nghe pháp để cầu cho thân tâm được an. Vì vậy tôi cũng xin góp mấy ý trong việc nghe pháp.

Trước khi tụng kinh, mỗi lần mở kinh ra, câu đầu tiên mà chúng ta đọc lên là "Như thị ngã văn", có nghĩa là "Như vậy tôi nghe" hoặc "Tôi nghe như vầy". Bốn chữ này có nghĩa như thế nào? khi đức Phật mới thành đạo, Ngài phân vân không muốn thuyết pháp, vì thấy rằng: "Những Pháp mà Ta chứng ngộ quá cao siêu, huyền diệu, vượt ngoài lý luận. Còn chúng sinh ở giữa này thì ích kỷ, hẹp hòi, tham dục lạc, làm sao mà nghe được đạo lý đó?" Cho nên Ngài không muốn thuyết pháp.

"Nhưng sau khi quán sát, thấy chúng sinh cũng như những cây sen ở trong hồ: có cái còn ở dưới nước, có cái vừa lên lưng chừng nước, có cái đã lên khỏi mặt nước, và có cái đã vươn mình ra khỏi mặt nước để đón ánh nắng trổ hoa và đem hương thơm lại cho đời. Chúng sinh cũng như vậy: có kẻ căn tánh thấp kém, có kẻ căn tánh vừa, nhưng cũng có kẻ căn tánh lanh lợi, chỉ chờ người khai mở là có thể hiểu được giáo pháp. Cùng lúc đó có Phạm thiên Sahampathi cầu thỉnh ba lần, nên đức Phật hứa sẽ thuyết pháp: cửa bất tử mở ra, ai có tai hãy lắng nghe và dứt bỏ vô minh tà kiến của mình."

Khi tuyên bố như vậy rồi thì đức Phật bắt đầu đi thuyết pháp. Lần thuyết pháp đầu tiên là tại vườn Nai cho 5 anh em Ông Kiều Trần Như. Và từ đó Ngài tiếp tục thuyết pháp trong 45 năm, khi chỗ này, khi chỗ khác, Ngài đều thuyết pháp cho chúng sinh, không ngày nào nghỉ chân.

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn rồi, các hàng Thánh đệ tử của Phật, sợ những lời dạy của Ngài bị rơi rớt, bị quên mất, lâu ngày không ai còn nhớ được. Và trong lúc đức Phật còn sinh tiền đi giáo hóa, đến chỗ này Ngài thuyết bài kinh này, đến chỗ khác Ngài thuyết bài kinh khác; có người nghe được, có người không nghe được. Người thì nghe được bài kinh ở chỗ này mà không nghe được bài kinh ở chỗ khác;

Người thì nghe được bài kinh ở chỗ khác mà không nghe được bài kinh ở chỗ này. Nên Tôn giả Đại Ca-diếp mới tập trung các hàng đệ tử Phật hôi họp lại, làm một cuộc kết tập, thâu góp những lời đức Phật dạy trong lúc sinh tiền, để cho tất cả đại chúng ai nấy cũng đều được nghe, được nhớ. Đại hội này gọi là đại hội kết tập kinh điển. Trong đại hội có thỉnh Ngài A-nan đọc lại lời kinh của đức Phật dạy.

Bởi ngài A-nan hầu Phật tới 25 năm, khi nào ngài A-nan cũng thân cận bên Phật, cho nên dầu Phật thuyết pháp ở chỗ nọ, chỗ kia, chỗ này, chỗ khác, ngài A-nan luôn luôn được nghe. Đó là lý do đại chúng thỉnh ngài A-nan tuyên lại lời Phật thuyết cho đại chúng nghe. Khi mỗi câu kinh, mỗi bài kinh do Tôn giả A-nan đọc lên, mà đại chúng xác nhận rằng Phật quả có nói như vậy, tất cả đồng chấp nhận, thì câu kinh đó trở thành một câu kinh cố định; bài kinh đó trở thành bài kinh cố định và tất cả Đại chúng phải vâng theo, phải chấp nhận đó là lời của đức Phật dạy.

Do đó câu "Như thị ngã văn" là câu của Ngài A-nan đọc lên ở trước đại chúng rằng tôi có nghe như vầy: một lúc nọ đức Phật ở tại Tinh xá Kỳ Hoàn, hay ở tại Linh Thứu, ở tại Kỳ-xà-quật, Ngài nói những bài pháp, những bài kinh sau đây v.v…

Thành ra, bốn chữ "Như thị ngã văn" đó là những lời của Ngài A-nan nói lên ở trước đại chúng: Như vậy tôi nghe", Phật ở chỗ đó, nói như thế này, thế này v.v… Hoặc tôi nghe như vầy, Phật ở chỗ nọ nói như thế này, thế này v.v… Nhờ đó mà sau này ba tạng Kinh điển của Phật được chép thành văn. Nếu như không có cuộc kết tập của chúng đệ tử sau đức Phật diệt độ, thì sau này liệu kinh văn của Phật có còn đến ngày nay cho chúng đọc nữa hay không!

Ngày nay chúng ta đọc lại lời Phật. Mở đầu kinh, chúng ta cũng đọc lại "Như thị ngã văn" thì "Ngã văn" đây không còn là của Ngài A-nan nữa, mà "Ngã văn" đây chính là tôi nghe, chúng ta nghe như vậy. "Ngã văn" ngày xưa là chính Tôn giả A-nan nghe, mà "Ngã văn" ngày nay là chính chúng ta nghe. Nhưng cái ta nào nghe?

Thường thì chúng ta có rất nhiều cái ta. Tuy nói ta, nhưng thực tình ra, trong sự diễn tiến của những hành động hàng ngày, chúng ta có rất nhiều cái ta. Khi nổi sân lên nói "Ta đánh mi chết", cũng là ta. Khi khác, "Cho tôi xin một chén nước" cũng là ta. Khi tham lam cũng là ta, khi kiêu mạn, tật đố cũng là ta. Khi thương người giúp vật cũng là ta; khi mở rộng lòng vô ngã vị tha cũng là ta.

Thế thì, "Như vậy tôi nghe" là cái ta nghe. Nhưng chúng ta đem cái ta nào để nghe? Đem cái ta sân si nghe? Đem cái ta tật đố nghe? Đem cái ta tham lam, ích kỷ hẹp hòi nghe? Đem cái ta vô ngã vị tha nghe? Hay đem cái ta từ bi hỷ xả nghe? Vậy chúng ta đem cái ta nào để nghe đây?

Theo tôi, cái ta nào cũng có thể nghe được hết được. Nhưng, nếu đem cái ta sân si, kiêu mạn, tật đố mà nghe thì cái ta đó nghe không lọt lời kinh Phật. Bởi vì, cái ta tham lam tật đố, cái ta ngã mạn cống cao, cái ta nhỏ mọn ích kỷ, chính những cái ta đó đi ngược lại với lời kinh Phật, nên tuy có nghe mà không nghe được.

Đem những cái ta đó mà nghe thì không có kết quả. Ngược lại, nếu đem cái ta từ bi, cái ta hỷ xả, cái ta thiết tha cầu pháp, chân thật nghe pháp, mong nghe pháp để tu hành thì mới có thể nghe lọt tai được. Cho nên khi nói ta nghe thì cũng nên phân biệt cái ta nào nghe đây. Nếu đem cái ta "thử nghe thầy này nói xem có hay không" thì cái ta đó sẽ không nghe được. Hoặc đem cái ta "để xem thầy nọ nói có lý không", thì cái ta đó cũng không nghe được. Tóm lại, chỉ có đem cái ta chân thật, thiết tha cầu pháp, thì mới có thể nghe được.

Đó là mới nói đem cái ta mà nghe, chứ còn phải nghe như thế nào nữa mới gọi là nghe. Nghe cũng có nhiều loại: nghe tiếng cũng là nghe, nghe pháp cũng là nghe, nghe lại lòng mình cũng là nghe.

Nghe tiếng là như nghe ca hát, kịch nhạc, đàn địch; là những cái nghe của thế gian, họ cốt thưởng thức cái khoái cảm về âm thanh du dương trầm bổng mà họ mong đợi.

Nghe Pháp cũng là nghe, nhưng mà nghe nghĩa lý của câu nói. Như các Phật tử nói sáng nay tôi lên chùa nghe pháp, chính là để nghe nghĩa lý của lời Phật. Nghe như vậy cốt để tu mà giải thoát.

Nhưng cũng có trường hợp không nghe tiếng, không nghe Pháp, mà chỉ nghe lại lòng mình, lắng lòng lại để nhớ lời đức Phật dạy mà mình từng được nghe, mình từng được đọc. Cái nghe đó chính từ nơi lòng mình chứ không đâu xa, cái nghe đó là thật nghe, cái nghe bất động, chân thật. Thiền tông nói cái nghe đó là Phật tức tâm, tâm tức Phật.

Vậy thì, "Như vậy tôi nghe" là tôi nghe cái nào đây? Nghe tiếng, có phải là nghe không? Không phải là nghe. Bởi vì chỉ nghe tiếng không, thì các Phật tử chỉ nghe nói tiếng của vị giảng sư đó nói sao mà ấm quá; tiếng của thầy đó sao mà thanh tao quá, hoặc lủng củng quá. Thế thì cũng không khác nào chỉ như nghe một bản nhạc: bản nhạc này hay, bản nhạc đó dở. Đó chỉ là nghe tiếng, chứ không phải nghe pháp.

Vì thế, cũng có những Phật tử đi chùa nghe pháp rất nhiều mà nhớ không được bao nhiêu. Bởi nhiều khi nghe mà cái tâm chỉ để nơi tiếng chứ không phải để nơi pháp. Tâm để nơi pháp là phải lắng lòng nghe nghĩa lý của từng câu nói, nghe đạo lý trong từng âm thanh. Đó mới là nghe pháp.

Có trường hợp không nghe tiếng, không nghe pháp, mà chỉ ngồi lặng thinh để trầm tư lại, lắng lòng lại, bỏ hết những điều tạp niệm riêng tư, ôn lại lời của đức Phật dạy. Khi đó trong tự đáy lòng mình nghe lại lời của đức Phật dạy phát ra âm thanh. Đó cũng là nghe. Cái nghe này cao hơn, vi diệu hơn.

Vì có nhiều cách nghe như vậy, cho nên chúng ta có thể phân biệt ra có bốn loại nghe:
 
1. Không nghe mà không nghe: là không nghe gì hết. Đây chính là trường hợp của những người ở trong hội chúng, trong đạo tràng để nghe Pháp, nhưng kỳ thật là ngồi ngủ gục chớ không nghe được gì. Thành thử, Pháp đã không nghe, tiếng cũng không nghe mà tâm cũng không nghe. Tóm lại họ không nghe được gì, mặc dù họ có ngồi trong hội chúng.
 
2. Nghe mà không nghe: tức trường hợp chỉ nghe tiếng chứ không nghe Pháp. Chỉ nghe từng câu nói, chỉ nghe âm thanh, chứ không nghe Pháp. Đạo lý của lời Phật, lời Pháp đó nói như thế nào, cũng không nghe thấy; ý nghĩa gì trong âm thanh đó, không nghe thấy. Cái nghe đó cũng như nghe một bản nhạc. Chỉ nghe tiếng ngân nga lên xuống rồi qua đi, chứ không biết bản nhạc nói cái gì trong đó. Đó là chỉ nghe tiếng, chứ không nghe Pháp, tức nghe mà không nghe.
 
3. Nghe mà nghe: trường hợp này là vừa nghe tiếng mà cũng vừa nghe Pháp. Nghe tiếng rõ ràng, âm thanh lên xuống, nhưng đồng thời cũng hiểu rõ, cũng thấm thía được đạo lý và ý nghĩa ở trong đó. Cho nên vừa nghe tiếng mà cũng vừa nghe Pháp, đó là một lối nghe trọn vẹn.
 
4. Không nghe mà nghe: không nghe tiếng mà chỉ nghe lại lòng mình, tức chỉ nghe Pháp thôi:
 
Ngày xưa, trong một Tinh xá nọ, có một vị Tăng trúng kỳ đi thuyết pháp. Trong Đại chúng có lệ phải thay phiên nhau đi thuyết pháp hay đi trai tăng tại nhà thí chủ mời. Hể cứ tới kỳ có ai mời, trúng người thứ nhất thì người thứ nhất đi, trúng người thứ hai thì người thứ hai đi, trúng người thứ ba là người thứ ba đi. Tóm lại, hễ tới phiên ai là người đó phải đi thuyết pháp. Bửa đó, có một vị Tăng chỉ chuyên tu thôi, chứ vấn đề thuyết pháp thì không lưu loát, nếu ra giữa chỗ đông người thì không được bình tĩnh lắm.

Ngày kia, có hai vợ chồng một gia đình nọ dự định làm lễ về nhà mới, họ lên Tinh xá thỉnh thầy về làm lễ chú nguyện và thuyết Pháp cho gia đình được phước. Trong khi làm lễ chú nguyện, thầy vẫn hành lễ đầy đủ và rất trang nghiêm.

Khi lễ Phật xong Thầy ngồi vào bàn thuyết Pháp. Hai vợ chồng quỳ gối, chắp tay lắng nghe. Trước khi thuyết pháp Thầy niệm: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật", thì thấy cả hai vợ chồng chắp tay thành tâm lắng nghe. Khi thầy bắt đầu thuyết, nhìn kỷ hai vợ chồng vẫn nhắm mắt lắng nghe. Thấy vậy thầy cũng không sao thuyết được, vì họ đang thành tâm quá nên không nhìn thầy và thầy cũng mừng vì nghĩ họ đang niệm Phật nên thầy im lặng nhè nhẹ rút lui về tinh xá. Họ quỳ khá lâu, đến khi mở mắt, thì Thầy không còn đó nữa. Hai vợ chồng hoảng quá, không biết làm sao, liền chạy đến Tinh xá tìm thầy mà tạ tội.

Thầy biết chắc hai vợ chồng sẽ tìm đến Tinh xá để gặp Thầy, nên thấy hai vợ chồng người đó ở đâu là Thầy tránh mặt không ra tiếp vì biết cái tâm lý tự ti mặc cảm của mình.
Hai vợ chồng đến Tinh xá xin gặp, Thầy không chịu tiếp, Tăng chúng bảo ra cho người ta gặp một chút, Thầy cũng không chịu. Hai vợ chồng không biết làm sao, đành tạm thời trở về, bửa sau lên lại.

Ngày hôm sau lên lại. Hai vợ chồng cứ đợi mãi đợi hoài, Thầy vẫn không chịu tiếp. Bị đại chúng thúc ép: thôi thì Thầy ra cho người ta gặp, chớ làm gì mà cứ tránh né như thế. Thầy đành phải ra tiếp. Đại chúng động viên: Thầy đã thuyết Pháp cho họ bây giờ gia chủ biết ơn, thành tâm xin lên cảm tạ, chớ có gì phải mắc cở đâu mà Thầy phải tránh né như vậy! Nhưng tâm trạng của Thầy khi đến nhà gia chủ thuyết Pháp nửa chừng rồi rút lui thì trong Đại chúng đâu có biết! Vì vậy mà trong Đại chúng có người cầm tay kéo Thầy ra cho được. Thầy đi ra, nhưng trong bụng vẫn cứ phân vân: không biết hai vợ chồng sẽ trách móc mình cái gì đây? Cho nên đi ra mà Thầy cứ rụt rè, bẻn lẻn.

Thầy vừa đi ra. Cả hai vợ chồng gặp được Thầy rồi, sụp đầu bái lạy, cung kính vô cùng, họ quỳ xuống tác bạch: Chao ôi! Vợ chồng chúng con xin thành tâm cảm tạ Thầy. Chúng con đã có một ngày thật hết sức hạnh phúc, hoan hỷ. Ngày qua, Thầy về làm lễ vào nhà mới cho chúng con, Thầy đã thuyết một bài pháp cho chúng con thật thâm thúy quá. Chúng con thật sung sướng vô cùng! Chúng con đã có một ngày mà thân tâm nhẹ nhàng và an lạc! Từ lâu nay con nghe pháp cũng đã nhiều. Nhưng chưa có lần nào sung sướng cho bằng lần này, con nghe Thầy thuyết Pháp! Cho nên chúng con xin cảm ơn Thầy.

Nhưng kỳ thật Thầy có thuyết gì đâu? Thầy chỉ niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi thì Thầy đi thôi, thế mà lại được cám ơn! Nghe khen như vậy Thầy cũng làm thinh thôi, chứ vô lẽ nói tôi không thuyết gì hết à? Như thế thì kỳ quá! Thôi, họ đã nói vậy thì thầy cũng làm thinh vậy.

Đến khi họ đi rồi, Chúng Tăng xúm đến hai bên vợ chồng mà hỏi: Anh này, chị này, ngày hôm qua Thầy đó nói gì mà anh chị khen hay dữ thế? Thầy ấy nói cái gì mà làm cho hai anh chị sung sướng hơn các buổi thuyết Pháp khác. Hai vợ chồng trả lời: thưa quý Thầy, hôm đó chúng con thành tâm nghe Thầy thuyết Pháp.

Thầy nhắc lại lời Phật dạy: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành; tịnh kỳ chí ý, thị chư Phật giáo" Thầy cắt nghĩa từng câu, từng chữ sao mà hay quá, thấm thía quá: Các điều ác chớ làm, các điều lành gắng làm, giữ tâm ý trong sạch; đó là lời chư Phật dạy. Thầy nhắc lại bốn điều đó. Thầy cắt nghĩa chu đáo, súc tích, rõ ràng cho nên chúng con nghe sung sướng và giờ phút đó thật là khinh an vô cùng. Cho nên chúng con đến cám ơn Thầy.

Nghe thế. Chúng Tăng mới kéo đến Thầy và nói: cha, bấy lâu nay Thầy có tài thuyết pháp hay như thế mà lại dấu nghề! Này Thầy có phương pháp như thế nào mà giảng hay thế? Bửa đó thầy giảng bài pháp đó như thế nào? bửa nay Thầy bày cho chúng tôi với?

Khi đó, Thầy mới nói: dạ không, bửa đó tôi có giảng gì đâu! Tôi nói thật với quý Thầy, chứ ngày hôm đó tôi cũng hoảng quá. Tôi vốn đã không có khiếu nói Pháp nên khi thấy hai vợ chồng quá thành tâm, nên tôi cũng không dám ngồi lâu nữa. Khi niệm Phật xong, tôi run quá, nên tôi nhè nhẹ rút lui, chớ tôi có nói và giảng gì đâu!

Thầy không giảng gì cả mà đệ tử vẫn nghe. Thế thì họ nghe cái gì? đó chính là nghe Pháp, chứ không nghe tiếng: nghe chính từ trong lòng mình chứ không từ lời thầy giảng. Đó chính là không nghe mà nghe. Nhưng muốn đạt đến mức không nghe mà nghe, thì trước hết phải có nghe mà nghe đã. Phải nghe mà nghe rồi mới đạt đến không nghe mà nghe được. Chứ nếu như không có trải qua thời gian nghe, là nghe tiếng; rồi đến nghe mà nghe, là vừa nghe tiếng vừa nghe Pháp, thì không làm sao có thể đạt đến không nghe mà nghe được.

Cho nên các Phật tử, mỗi lần nghe Pháp như thế này, lắng lòng lại, nếu chúng ta đem cái ta sân si, ích kỷ, nhỏ mọn, tật đố, để mà nghe pháp thì chắc không có kết quả; trái lại nếu đem cái ta rộng rãi, hỷ xả, cầu Pháp mà nghe Pháp, thì các Phật tử sẽ nhận được lời Pháp của đức Phật dạy. Khi các Phật tử nhận được lời Pháp của đức Phật dạy, nó gắn chặt vào tâm tư của mình, đi đâu mình cũng nghe được bài Pháp đó hết. Dầu không nghe vẫn nghe; dầu không ai thuyết mà vẫn nghe.

Cũng như câu niệm Phật, khi mình nhờ người khác niệm cho mình nghe (hộ niệm), là chỉ khi nào cơ thể mình quá yếu, không đủ sức, nên mới nhờ người xung quanh hộ niệm để mình nghe. Nhưng khi đủ sức, câu niệm Phật gắn chặt trong lòng rồi, thì mình phải tự niệm. Chính cái tâm tự niệm đó mới là Phật, là Phật thật, Phật chắc chắn. Mà khi mình có được tâm niệm Phật thật đó, thì chắc chắn được vãng sanh, chứ còn miệng mình niệm Phật mà tâm không có chút nào là Phật hết thì không làm sao vãng sanh được.

Trong pháp môn niệm Phật được vãng sanh có hai trường hợp: Trường hợp nhất tâm bất loạn vãng sinh. Trường hợp vãng sanh này gọi là Thượng phẩm thượng sanh, tức sinh lên hoa sen cao nhất, sinh lên Tịnh độ là được thấy Phật nghe Pháp liền. Trường hợp thứ hai là đới nghiệp vãng sanh. Tuy nghiệp còn nặng, nhưng nếu mình nhất tâm niệm Phật, thì dầu còn mang nghiệp nặng, nhưng nhờ nhất tâm niệm Phật, nên được Phật tiếp dẫn vãng sanh. Sự vãng sanh này tuy khi mới vãng sanh, thì sinh về hoa sen thấp, nhưng sau một thời gian không xa, nhờ thấy Phật và nghe Pháp thì sẽ sinh lên Thượng phẩm thượng sanh.

Cả hai trường hợp nhất tâm bất loạn vãng sinh và đới nghiệp vãng sanh, thì tâm niệm Phật đó phải có, phải có Phật ở trong tâm. Cho nên khi nhờ người khác hộ niệm, thì sự niệm Phật giúp đó có ý nghĩa gì? Có nghĩa là giúp sức để nhắc cho mình nhớ Phật, mà loại bớt những tạp niệm lăng xăng bên ngoài. Cũng như một người bệnh, đi một mình không vững, phải nhờ người khác dìu. Nhưng để đi được thì ít nhất người đó phải gượng dậy để đi. Nếu không gượng dậy đi, mà lại nằm liệt ra đó, thì làm sao mà đi được! Người đó có được người khác dắt cũng không đi được. Người đó chỉ có để lên trên xe mà đẩy thôi, chứ không đi được.

Suy cho cùng, việc gì cũng có nhân và duyên của nó. Cái nhân là cái chính tự bên trong, cái duyên là cái phụ lực bên ngoài. Khi mình có cái nhân niệm Phật ở trong lòng rồi, thì bên ngoài, sự niệm Phật của thiện hữu tri thức, của chư Tăng hộ niệm làm cái duyên giúp thêm, khi ấy đủ cả nhân cả duyên thì sự vãng sanh Cực lạc được dễ dàng quyết định và mau chóng được thành tựu.

Như vậy là tôi đã nói qua việc niệm Phật để các Phật tử hiểu thêm ý nghĩa của việc nghe Pháp. Nếu như mình nghe câu "Nam Mô A Di Đà Phật" rồi bỏ qua, không dính gì trong lòng, như vậy câu niệm Phật đó không đưa đến kết quả gì cho mình thì làm sao vãng sanh Cực lạc được. Nghe câu niệm Phật đó cũng như nghe tiếng ca, hát mà tâm không dính, thì làm sao có kết quả! Cho nên chính câu "Nam Mô A Di Đà Phật" cũng là một lời Pháp, cũng là một bài thuyết Pháp, chính câu niệm Phật đó làm cho tâm mình được yên lặng, được trong sạch, được sáng suốt thì tâm mình là Phật, Phật là tâm mình, như Thiền tông thường nói: Tâm tức Phật, Phật tức tâm.

Cho nên các Phật tử, mỗi khi đến chùa, nếu không có việc gì cần làm, thì nên ngồi yên lặng định tâm, không nên chuyện trò nhiều. Vì sao? Bởi vì những giờ phút mình đến chùa là những giờ phút hiếm hoi. Ở nhà ta bị lắm chuyện đời chi phối, làm cho lòng mình không yên được. Đến chùa, thấy Phật là một việc tốt để cho lòng mình được yên. Cho nên khi đến chùa dầu chưa tụng kinh đi nữa, mình cũng nên ngồi yên lặng, lắng lòng, tưởng nhớ đến Phật, các vị Bồ-tát, bỏ hết ưu tư, lo lắng như tham lam, tật đố, sân si, ngạo mạn, những cái lăng xăng ra khỏi lòng mình, để cho lòng được yên tĩnh. Khi lòng được yên tĩnh thì mới sáng suốt. Lòng được thanh tịnh thì thân mới an.

Lòng không yên tĩnh, không thanh tịnh thì thân chắc không được an. Mà không có an thì không có hạnh phúc. Không có hạnh phúc chân thật thì dù có giàu đến mấy đi nữa, cũng chỉ là hạnh phúc giả mà thôi. Cái hạnh phúc an lạc chân thật phải là cái hạnh phúc an lạc từ ngay chính trong nội tâm của mình. Có những trường hợp ta thấy những cặp vợ chồng ngồi trong chiếc xe hơi sang và bóng loáng vô cùng, ta cứ nghĩ: "Ồ, cặp vợ chồng đó hạnh phúc chưa kìa!" một trăm người thì chắc chắc hết chín mươi chín người nói cặp vợ chồng đó hạnh phúc. Nhưng nếu có ai đó chịu khó tìm hiểu thật sự họ có hạnh phúc không, thì chưa chắc cặp vợ chồng đó ngồi trong chiếc xe hơi đẹp ấy đã có hạnh phúc. Mà biết đâu, họ ngồi trong chiếc xe đẹp nhưng lại trừng nguýt nhau, ghen tuông nhau cũng không chừng. Vậy thì ngồi trong chiếc xe đẹp mà trừng nguýt nhau thì thử hỏi có hạnh phúc không? Khi ấy chỉ có chiếc xe hạnh phúc, chứ hai con người đó không có hạnh phúc gì hết. Đó là hạnh phúc của chiếc xe, chứ không phải là hạnh phúc của hai người đó.

Từ đó mà suy ra, nếu như chúng ta có được thân xác lành mạnh, bề ngoài thật sang trọng, đẹp đẽ như hai vợ chồng ngồi trong chiếc xe đó, mà trong lòng đầy những mối ưu tư, sầu muộn, thì thử hỏi có hạnh phúc không? Nếu nói là hạnh phúc, thì chỉ là hạnh phúc của cái thân chứ tâm không có gì hạnh phúc cả. Chỉ có sự an lành của cái thân, chứ không có sự an lành của cái tâm. Mà không có sự an lành của tâm, thì sự an lành đó chỉ là sự mong manh, giả dối, tạm bợ không chắc thật, và như thế thì cũng đồng nghĩa với việc không có an lành gì hết. Cũng như người có thân hình đẹp, sống trên chăn ấm nệm êm, có máy điều hòa, ti vi tủ lạnh đủ thứ, không thiếu món gì, mà lúc nào cũng cứ gát tay lên trán suy tư, tức tối… thế thì đâu có hạnh phúc gì. Như vậy họ thân cũng không hạnh phúc, vì trong lòng bất an.

Cho nên cầu an là cầu cho thân an mà tâm cũng được an. Chúng ta đến chùa niệm Phật, tụng Kinh là cốt để cầu cho thân và tâm được an. Cầu an ở đây là theo nghĩa rộng, là cầu cho chúng ta và cầu cho mọi người, cho thế giới đều được bình an. Còn cầu an theo nghĩa tâm an là phải cầu cho lòng mình được an. Mà muốn được an thực sự thì chúng ta phải: một mặt cầu Phật gia hộ cho chúng ta, nhưng một mặt khác chúng ta phải cầu cho mọi người cũng được an như chúng ta. Muốn vậy chúng ta phải vâng lời Phật dạy là đừng đem thân tâm chúng ta và mọi người đi vào chỗ bất an, trái lại phải đem thân tâm của chúng ta và mọi người đi vào chỗ an lạc, thì tất nhiên chúng ta sẽ được thân an, tâm an mọi người và thế giới đều an. Đầu năm chúc tất cả chúng ta đều được an lạc.
 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch