Thiền học
Sự Mầu Nhiệm Của Giây Phút Hiện Tại.
Chánh Niệm
06/02/2010 11:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người ta thường nghĩ rằng thiền tập là một hành động gì đó đặc biệt lắm, nhưng sự thật không đúng hẳn như vậy. Như chúng ta thường nói đùa với nhau: "Ðừng có làm gì hết, ngồi đó thôi!" Nhưng thiền tập cũng không hẳn là ngồi yên đó thôi. Nó có nghĩa là dừng lại và sống trong hiện tại, chỉ có vậy thôi.

Người ta thường nghĩ rằng thiền tập là một hành động gì đó đặc biệt lắm, nhưng sự thật không đúng hẳn như vậy. Như chúng ta thường nói đùa với nhau: "Ðừng có làm gì hết, ngồi đó thôi!" Nhưng thiền tập cũng không hẳn là ngồi yên đó thôi. Nó có nghĩa là dừng lại và sống trong hiện tại, chỉ có vậy thôi. Phần nhiều chúng ta lúc nào cũng bận rộn chạy loanh quanh, làm hết việc này đến việc khác. Bạn có thể nào dừng lại trong cuộc đời của bạn không, dù chỉ trong chốc lát thôi? Có thể là giây phút này không?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm việc ấy? 

Một phương cách để dừng lại là ta hãy chuyển dời sang một trạng thái có mặt. Hãy xem mình là một nhân chứng vĩnh viễn và bất diệt. Hãy quan sát giây phút này, không cần có gắng thay đổi một cái gì hết. Việc gì đang xảy ra? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn thấy gì? Nghe gì? 

Có điều rất ngộ nghĩnh là khi bạn vừa dừng lại, lập tức bạn sẽ rơi vào giây phút hiện tại nầy ngay. Mọi việc được trở nên đơn giản hơn. Nó giống như là bạn đã qua đời và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Nếu bạn có chết đi, mọi bổn phận và trách nhiệm của bạn sẽ tự động tan biến thành mây khói. Những gì còn sót lại cũng sẽ được giải quyết bằng một cách nào đó, mà không cần đến bạn. Nó cũng sẽ chết đi hoặc mờ phai dần theo bạn, cũng giống như số phận của bao nhiêu người khác đã đi trước. Vì thế, bạn đừng nên lo nghĩ về bất cứ một chuyện gì quá mức. 

Nếu sự thật là vậy, có lẽ ngay bây giờ bạn không cần phải gọi thêm một cú điện thoại nữa làm gì, dù bạn có cho là cần thiết. Có lẽ bây giờ bạn cũng không cần đọc thêm gì nữa, hoặc lo làm thêm một việc gì nữa. Khi bạn có thể tập "chết theo ý muốn" trong khi mình vẫn còn sống, bạn sẽ có thể thoát ra được khỏi sự đốc thúc của thời gian, và có thể sống với hiện tại. Bằng "cái chết" theo lối ấy, thật ra bạn lại sẽ biết sống hơn!

Sự dừng lại có thể giúp bạn làm được việc đó. Nó không có gì là thụ động hết. Và khi bạn quyết định bước đi, thì sự tiến bước ấy sẽ rất khác biệt vì bạn đã dừng lại. Thật ra sự dừng lại sẽ làm cho hành trình của bạn được sống động, toàn vẹn và tươi đẹp hơn. Nó giúp ta giữ những sự lo âu và cảm tưởng thua sút của mình trong khuôn khổ. Nó sẽ dẫn đường cho ta đi. 

Thực tập: Trong một ngày bạn hãy dừng lại, ngồi xuống và có ý thức về hơi thở của mình, ít nhất là vài lần. Có thể là năm phút hoặc năm giây cũng được. Hãy buông bỏ hết tất cả và thành thật chấp nhận giây phút hiện tại này, trong đó có cảm thọ và ý tưởng của bạn về những gì đang xảy ra. Trong giây phút này, đừng cố gắng thay đổi bất cứ một điều gì, chỉ thở và buông bỏ. Thở và chấp nhận. Hãy để cho những ý muốn thay đổi trong giờ phút hiện tại này chết đi.

Trong tâm bạn, trong ý bạn, hãy cho phép giây phút này được như là nó thật sự có mặt, và cho phép bạn được là bạn, không cần phải thay đổi gì cả. Và tiếp đó, khi nào sẵn sàng, bạn hãy đi theo sự hướng dẫn của con tim mình, với chính niệm và bằng một sự cương quyết. 

CHỈ CÓ VẬY THÔI 

Một tranh hí họa trong tạp chí New Yorker: Hai vị sư, một già, một trẻ, ngồi xếp bằng tọa thiền trong thiền đường. Vị sư trẻ thỉnh thoảng liếc nhìn vị sư già với ánh mắt dò hỏi, vị sư già quay sang anh ta nói: "Không có gì xảy ra hết. Chỉ có vậy thôi". 

Thật vậy, thông thường khi chúng ta quyết định làm một việc gì, tự nhiên ta muốn có được một kết quả nào đó cho công trình của mình. Chúng ta muốn thấy một kết quả, cho dù đó chỉ là một cảm thọ an vui nhẹ nhàng. Tôi thấy có một ngoại lệ duy nhất trong thiền tập là một việc làm có ý thức và có phương pháp của con người, mục đích không phải để tự cải tiến hoặc đưa chúng ta đi đâu hết. Thiền tập giúp cho ta giản dị nhận thức được thực tại của mình trong bây giờ và ở đây. Có lẽ giá trị của nó là ở chỗ đó. Và có lẽ trong cuộc đời chúng ta cần nên làm một việc nào đó, chỉ là làm là vì làm thế thôi. 

Nhưng nếu ta gọi thiền tập là một hành động thì chữ ấy cũng không đúng lắm. Tôi nghĩ diễn tả nó như là một sự sống thì có lẽ chính xác hơn. Khi chúng ta hiểu được rằng tất cả "chỉ có vậy thôi", thì ta sẽ có thể buông bỏ được quá khứ và tương lai, để tỉnh dậy và sống với hiện tại, trong chính giây phút này đây. 

Nhưng thường thường ít khi nào người ta hiểu được sự thật này ngay. Họ muốn tập thiền để được nghỉ ngơi, để kinh nghiệm một trạng thái đặc biệt nào đó, để được trở thành một người tốt hơn, để làm giảm sự căng thẳng, đau đớn, để thoát ra những tập quán, thói quen ngàn đời của mình, hoặc để được giải thoát và giác ngộ. Mặc dù đó là những lý do chính đáng, nhưng chúng có thể sẽ trở thành những chướng ngại nếu ta hy vọng rằng chúng phải xảy ra, chỉ vì ta bắt đầu tập thiền. Ta sẽ bị kẹt vào sự ước muốn có được một "kinh nghiệm đặc biệt" nào đó. hoặc tìm kiếm một dấu hiệu để chứng tỏ là mình đang tiến bộ và trong một thời gian ngắn nếu không cảm thấy có gì đặc biệt, có thể ta sẽ bắt đầu nghi ngờ con đường mình chọn, hoặc tự hỏi, không biết mình thực hành "có đúng cách" không? 

Trong đa số các lãnh vực học tập thì những đòi hỏi, thắc mắc của ta kể trên rất là chính đáng. Lẽ dĩ nhiên sớm muôn gì chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sự tiến bộ của mình, để được khuyến khích và để tiếp tục sự thực tập. Nhưng trong thiền tập thì khác. Dưới ánh mắt của thiền quán, mỗi trạng thái là một trạng thái đặc biệt, mỗi giây phút là một giây phút đặc biệt. 

Khi chúng ta bỏ đi ý muốn có một sự việc nào khác hơn xảy ra trong giây phút hiện tại, là ta đã bước một bước rất dài và rộng để tiếp xúc với thực tại, ngay bây giờ và ở đây. Ví dù ta có muốn đi đến bất cứ một nơi nào, hoặc phát triển theo một lối nào, ta chỉ có thể bắt đầu từ nơi mình đang đứng đây. Và nếu ta không biết rõ mình đang ở đâu - một cái biết chỉ có thể phát sinh trực tiếp từ sự tu tập chính niệm - chúng ta có thể chỉ đi lòng vòng, dù mình có cố gắng và ước muốn bao nhiêu. Vì vậy trong thiền tập, phương cách hay nhất để đi đến một mục tiêu nào đó là ta hãy hoàn toàn buông bỏ ý muốn cố gắng để đi đến nơi ấy. 

Nếu tâm bạn không bị che mờ bởi những sự việc không cần thiết, thì ngay bây giờ là mùa tốt đẹp nhất của đời bạn. -- Wu Men 

Thực tập: Thỉnh thoảng bạn nên tự nhắc nhở rằng chỉ có vậy thôi. Thử xem có bất cứ một vấn đề nào ta không thể áp dụng câu đó không? Bạn nên nhớ rằng, chấp nhận giây phút hiện tại không có nghĩa là ta chịu thua hay đầu hàng những gì xảy ra trước mắt. Nó đơn giản có nghĩa là ta công nhận và ý thức rõ ràng rằng việc gì đang xảy ra, nó thực sự xảy ra.

Thái độ chấp nhận không hề chỉ cho bạn biết việc gì cần phải làm. Việc gì sẽ xãy ra kế tiếp, bạn chọn một phản ứng nào, những điều ấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự hiểu biết của bạn về giây phút hiện tại này. Bạn nên tập hành động với một ý thức sâu xa rằng, thật ra sự việc chỉ có vậy thôi. Nó có ảnh hưởng gì đến quyết định và phản ứng của bạn không? Bạn có thể suy nghiệm về việc đó một cách chân thành không, bây giờ có thể là mùa tốt đẹp nhất, thời điểm tốt đẹp nhất trong đời bạn? Nếu đó là sự thật thì bạn sẽ làm gì?

NẮM BẮT HIỆN TẠI

Phương pháp hay nhất để nắm bắt hiện tại là chú ý. Ðó cũng là một cách để ta phát triển chính niệm. Chính niệm có nghĩa là tỉnh thức. Nó có nghĩa là khi ta ý thức được việc mình đang làm. Nhưng thường thường mỗi khi ta bắt đầu tập trung sự chú ý của mình vào những gì đang có mặt trong tâm, ta lại hay bị rơi trở về thất niệm, đi vào một trạng thái hành xử tự động vô ý thức. Sự rơi trở về thất niệm này đa số phát sinh từ một sự bất mãn với những gì ta thấy hoặc cảm nhận trong giây phút hiện tại, và từ đó ta mong muốn có một sự thay đổi, một cái gì khác hơn. 

Bạn có thể quan sát được thói quen trốn tránh giây phút hiện tại này của tâm rất dễ dàng. Bây giờ bạn hãy thử chú ý vào bất cứ một đối tượng nào đó, trong một thời gian ngắn thôi. Bạn sẽ khám phá ra rằng, muốn duy trì chính niệm, ta phải liên tiếp đánh thức mình dậy và có ý thức. Chúng ta thực hiện việc đó bằng cách luôn nhắc nhở mình: hãy nhìn, hãy cảm xúc, hãy sống. Chỉ giản dị thế thôi... đánh thức mình dậy trong giây phút này sang giây phút kế, duy trì một chính niệm trong khoảng thời gian vô tận, có mặt trong bây giờ và ở đây. 

Thực tập: Trong giây phút này, bạn hãy tự hỏi mình: "Tôi có tỉnh thức không? Tâm tôi bây giờ đang ở đâu?"

Ý THỨC VỂ HƠI THỞ 

Chúng ta cần phải có một đối tượng cho sự chú ý của mình, một dây neo để giữ ta lại trong giây phút hiện tại và đưa ta trở về, mỗi khi tâm mình trôi dạt đi khắp nơi. Hơi thở của ta có thể làm nhiệm vụ của chiếc neo ấy. Nó có thể là một đồng minh chân thật của ta. Mỗi khi có ý thức về hơi thở là ta tự nhắc nhở rằng, mình đang sống trong bây giờ và ở đây, vì vậy ta hãy có mặt trọn vẹn với những gì đã và đang xảy ra. 

Bạn biết không, hơi thở có thể giúp ta bắt giữ được giây phút hiện tại. Ðiều lạ lùng là rất nhiều người trong chúng ta không biết đến việc đó. Dù sao hơi thở lúc nào cũng có mặt sờ sờ ở đây, ngay trước mũi ta đó! Chắc các bạn cũng tưởng rằng rồi thế nào một ngày người ta cũng sẽ khám phá ra được công dụng của nó! Chúng ta thường có câu: "Bận đến nổi không có thì giờ để thở", để chỉ cho ta thấy rằng giây phút này và hơi thở, chúng liên hệ với nhau rất mật thiết. 

Muốn xử dụng hơi thở để tu tập chính niệm ta chỉ cần tập nhận thức được cảm giác của chúng: cảm giác của hơi thở đi vào thân ta và cảm giác của hơi thở đi ra khỏi thân ta. Tất cả chỉ có vậy thôi. Cảm giác hơi thở của mình. Thở và biết được rằng mình đang thở. Nó không có nghĩa là ta phải cố thở cho sâu, hoặc kiểm soát hơi thở của mình, hoặc cố gắng cảm giác một cái gì đặc biệt, hoặc thắc mắc không biết mình làm có đúng hay không. Và nó cũng không có nghĩa là ta suy nghĩ về hơi thở của mình. Nó chỉ là một ý thức đơn thuần về hơi thở vào và ra của ta mà thôi. 

Sự thực tập chính niệm không nhất thiết mỗi lần phải kéo dài lâu. Xử dụng hơi thở để mang ta trở về giây phút hiện tại không mất chút thì giờ nào hết, chỉ là một thay đổi nhỏ trong sự chú ý của ta. Nhưng nó sẽ đem lại một khám phá rất lớn, nếu ta biết nối liền những giây phút chính niệm ấy lại với nhau, từng hơi thở một, từng giây phút một. 

Kabir hỏi: Này con, hãy nói cho ta nghe. Thượng Ðế là gì?

Ngài là một hơi thở bên trong một hơi thở. 

Thực tập: Hãy có mặt và ý thức trọn vẹn một hơi thở vào của mình, trọn vẹn một hơi thở ra, giữ cho tâm ta được hoàn toàn cởi mở và tự do trong một giây phút này thôi, một hơi thở này thôi. Buông bỏ hết mọi ý niệm về việc sẽ đi đến đâu hoặc mong chờ một cái gì khác xảy ra. Tiếp tục trở về với hơi thở mỗi khi tâm ta suy nghĩ lam man, nối những hạt thời gian chính niệm lại với nhau thành một xâu chuỗi, từng hơi thở một. Thỉnh thoảng bạn nên thực hành những điều ấy trong khi đọc quyển sách này. 

THỰC TẬP, THỰC TẬP VÀ THỰC TẬP 

Kiên trì thực tập là yếu quyết. Khi bạn bắt đầu quen với hơi thở của mình rồi, bạn sẽ khám phá ra rằng thất niệm có mặt ở khắp mọi nơi. Hơi thở chỉ cho ta thấy, sự thất niệm, vô ý thức, không phải chỉ nằm trong lãnh vực tu tập của ta, mà nó chính là lãnh vực tu tập của ta. Nó còn cho ta thấy, rất nhiều lần là có mặt với hơi thở của mình không phải là một chuyện dễ, cho dù ta có muốn. Có rất nhiều chuyện xảy ra, xen vào lôi ta đi, không cho ta tập trung. Chúng ta thấy được tâm mình đã bị chất chứa quá nhiều qua năm tháng, như một căn nhà kho, đầy những đồ phế thải, vô dụng. Và chỉ cần ý thức được bấy nhiêu thôi, cũng đã là một bước tiến rất xa trên con đường tu tập của ta rồi. 

THỰC TẬP KHÔNG PHẢI LÀ DIỄN TẬP 

Ở đây chúng ta thường dùng chữ thực tập (practice) để diễn tả một công phu trau dồi, phát triển chính niệm, nhưng ta không nên hiểu theo nghĩa thông thường như là một sự diễn tập (rehearsal), được lập đi lập lại nhiều lần, để sự trình diễn của ta được thuần thục hơn, hoặc sự tranh đua có nhiều thành quả hơn. 

Chính niệm có nghĩa là ta thực sự sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Ở đây không có một sự trình diễn nào hết. Chỉ có chính giây phút này thôi. Chúng ta cũng không hề cố gắng cải tiến để đi về đâu cả. Ta không cần chạy theo một tuệ giác hoặc một cảnh tượng đặc biệt nào. Ta cũng không ép buộc mình phải trở nên vô tư, tĩnh lặng hoặc là thanh thản. Và chắc chắn là chúng ta không hề đề cao một thái độ vị kỷ hoặc chỉ biết bận rộn lo nghĩ về mình. Thật ra ta chỉ đơn giản muốn kêu gọi mình tiếp xúc với hiện tại cho thật trọn vẹn, để ta có thể là hiện thân của một sự tĩnh lặng, chính niệm và điềm tĩnh, ngay bây giờ và ở đây. 

Lẽ dĩ nhiên, khi ta biết kiên trì tu tập và với một sự tinh tấn đúng mức, thì sự tĩnh lặng, chính niệm và trầm tĩnh sẽ tự nhiên được phát triển và trở nên thâm sâu hơn, nhất là khi ta biết an trú trong sự tĩnh lặng và quan sát nhưng không phê bình hoặc phản ứng. Ðược như vậy, hiểu biết và tuệ giác, an lạc và hạnh phúc, chắc chắn thế nào cũng sẽ đến với ta. Nhưng không phải là ta tu tập với mục đích để đạt được những kinh nghiệm này, hoặc để có thêm chúng nhiều hơn. 

Tinh thần của chính niệm là thực tập vì thực tập. Chúng ta phải biết tiếp nhận mỗi giây phút như là nó đến - dễ chịu hay khó chịu, tốt hay xấu - và làm việc với nó, vì đó là những gì đang thật sự có mặt ngay bây giờ. Có được thái độ này thì cuộc sống tự nó sẽ trở thành một sự tu tập. Và khi ấy, thay vì ta là người thực hành chính niệm, chính niệm sẽ trở lại "thực hành" ta, hay nói một cách khác, sự sống tự nó sẽ trở thành một vị thiền sư, một vị thầy hướng dẫn ta trên con đường tu tập.

Jon Kabat-Zi

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch