Hai năm của Henry David Thoreau sống tại hồ Walden quả thật là một kinh
nghiệm bản thân rất cá biệt về chính niệm. Ông đã dám tạm gác lại cuộc đời của
mình để được vui thú với sự kỳ diệu và đơn sơ của giây phút hiện tại. Nhưng
thật ra bạn không phải làm một hành động gì lập dị, đi tìm một nơi xa xôi hẻo
lánh nào đó để tu tâp chính niệm. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra
chút thì giờ cho sự thinh lặng và ngừng nghĩ, và chú ý đến hơi thở của mình là
đủ lắm rồi.
Hồ Walden đang có mặt trọn vẹn trong hơi thở của ta. Sự huyền diệu của
bốn mùa thay đổi cũng có mặt trong hơi thở; cha mẹ, con cháu ta cũng có mặt
trong hơi thở; thân và tâm ta cũng nằm đó trong mỗi hơi thở của mình. Hơi thở
là một dòng sông nối liền thân với tâm, nối liền ta lại với tổ tiên và con cháu
ta, nối liền thân này với hiện hữu chung quanh. Hơi thở là dòng sông của sự
sống. Trong dòng nước mát ấy chỉ có những con cá vàng óng ánh đang bơi lội.
Muốn thấy được chúng, ta chỉ cần nhìn qua ống kính của chính niệm và ý
thức.
Thời gian chỉ là một dòng suối mát mà tôi thường hay đến đi câu. Tôi
cúi xuống vóc nước uống. Trong khi uống, tôi nhìn thấy được đáy cát và chợt
hiểu rằng lòng suối rất cạn. Dòng nước mỏng manh trượt êm trôi đi, nhưng thời
gian vô tận vẫn còn ở lại đó. Tôi sẽ uống cho thật sâu; cá trên bầu trời, mà
trong lòng suối lấp lánh những viên đá cuội là các vì sao.
Trong khoảng thời gian vô tận này, thật ra có một cái gì đó rất là chân
thật và nhiệm mầu. Nhưng tất cả những thời gian nơi chốn và hoàn cảnh ấy đều là
bây giờ và ở đây. Thượng đế cuối cùng rồi cũng chỉ có thể hiện hữu trong giờ
phút hiện tại này, và sẽ không bao giờ thánh thiện hơn, cho dù có trải qua bao
nhiêu thời đại đi chăng nữa. -- Thoreau, Walden.
TỈNH THỨC DẬY
Khi ta bắt đầu nghiêm chỉnh thực hành thiền tập bằng cách bỏ ra chút
thì giờ mỗi ngày, việc ấy không có nghĩa là ta sẽ không còn biết suy tính,
không thể chạy đây đó, hoặc lo giải quyết công chuyện thường ngày của mình được
nữa. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ ý thức được việc mình đang làm, vì ta đã
biết dừng lại một chút để nhìn, để lắng nghe và để hiểu.
Ông Thoreau đã ý thức được điều này rất rõ tại hồ Walden. Trong lời kết
thúc, ông viết: "Bình minh chỉ có thể xuất hiện trên những gì ta tỉnh thức
dậy". Nếu chúng ta muốn nắm bắt được thực tại này, trong khi chúng vẫn còn
là của ta, ta cần phải tỉnh thức dậy trong giây phút hiện tại. Bằng không, ngày
tháng, có khi cả cuộc đời, sẽ lần lượt trôi qua mà ta không hề hay biết.
Một phương pháp thiết thực để thực hiện được việc ấy là mỗi khi nhìn
một người nào, ta nên tự hỏi ta, ta thật sự thấy người đó không, hay đó chỉ là
những ý tưởng của ta về họ? Nhiều khi ý nghĩ của ta cũng giống như là một cặp
mắt kính mộng tưởng. Khi mang vào rồi, ta chỉ thấy những người chồng mộng
tưởng, người vợ mộng tưởng, đứa con mộng tưởng, việc làm mộng tưởng, đồng
nghiệp mộng tưởng, bạn bè mộng tưởng... Và rồi chúng ta sống trong hiện tại
mộng tưởng, cho một tương lai cũng sẽ là mộng tưởng y như thế. Vô tình chúng ta
lại tô mầu và thêu dệt thêm lên mọi việc. Mặc dù những sự việc trong mộng mơ
đôi khi cũng biến đổi, và chúng có thể đem lại cho ta những ảo giác sống động
như thật, nhưng nó cũng vẫn chỉ là một giấc mộng mà ta đang bị vướng mắc. Nếu
ta biết bỏ cặp kính ấy xuống thì có lẽ, tôi nói có lẽ thôi, chúng ta sẽ có thể
thấy được chính xác hơn một chút, những gì đang thật sự có mặt.
Ông Thoreau cảm thấy cần thiết phải tìm đến một nơi hẻo lánh, quạnh quẻ
trong một thời gian dài (ông đã sống một mình hai năm hai tháng tại hồ Walden)
để thực hiện việc ấy. "Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống một cách có chủ
tâm, muốn đối diện với những gì là thật thiết yếu của sự sống, và để xem có thể
học hỏi được những gì từ nơi chúng. Tôi không muốn rồi một ngày nào khi tôi
chết, lại khám phá ra rằng, tôi chưa từng bao giờ thật sự sống".
Niềm tin sâu xa nhất của ông là : "Ảnh hưởng được phẩm chất của
một ngày là một nghệ thuật cao thượng nhất... Tôi chưa từng bao giờ gặp được
một người nào thật sự là tỉnh thức. Làm sao tôi lại có thể nhìn rõ mặt họ được".
Nội tâm của tôi ơi, hãy lắng nghe đây,
Ðại hồn, một vị thầy đã đến rất kề,
Tỉnh dậy, hãy tỉnh dậy đi thôi!
Chạy đến phủ phục bên chân ngài,
Người đang đứng bên cạnh đầu ngươi đó.
Ngươi đã ngủ mê hằng triệu triệu năm nay,
Sao sáng hôm nay người không tỉnh thức dậy. -- Kabir
Thực tập: Thỉnh thoảng bạn hãy tự hỏi mình: "Bây giờ tôi có thật sự đang
tỉnh thức không?"
GIỮ CHO ÐƠN GIẢN
Nếu bạn quyết định bắt đầu thực tập thiền quán, bạn không cần phải đi
loan báo với người chung quanh, bạn cũng không cần phải giải thích lý do hoặc
lợi ích của sự thiền tập làm gì. Thật ra những việc đó có thể làm hao tán năng
lượng còn yếu ớt và lòng nhiệt tình của bạn rất mau chóng, và đôi khi chúng còn
ngăn trở sự cố gắng, không cho bạn tập trung những nỗ lực của mình nữa. Phương
pháp hay nhất là bạn hãy cứ tu tập mà không cần phải quảng cáo làm gì.
Những khi bạn cảm thấy có một sự thúc đẩy, muốn nói cho người khác nghe
về thiền tập, rằng nó tốt đẹp như thế nào, ảnh hưởng đến bạn ra sao, hoặc muốn
thuyết phục người khác là thiền tập cũng sẽ tốt cho họ, bạn hãy xem chúng như
là những ý nghĩ và cứ tiếp tục sự tu tập của mình. Hãy để yên, sự thúc dục tạm
thời ấy rồi sẽ qua, và mọi người sẽ được lợi lạc - nhất là bạn.
BẠN KHÔNG THỂ NGĂN ÐƯỢC NHỮNG CƠN
SÓNG, NHƯNG BẠN CÓ THỂ TẬP CƯỠI CHÚNG ÐƯỢC
Có người quan niệm rằng, thiền tập là một phương pháp giúp ta thoát ra
khỏi những áp lực của cuộc sống, cũng như của chính bản tâm ta. Nhưng sự thật
những quan điểm ấy không được chính xác cho lắm. Thiền quán không có nghĩa là
đi ngăn chận hoặc trốn tránh bất cứ một vấn đề gì. Nó có nghĩa là ta nhìn thấy
sự vật một cách rõ ràng, và tự chọn cho mình một mối tương quan khác đối với
chúng.
Những người tìm đến y viện của chúng tôi, họ học được một sự thật này
rất mau chóng, là sự mệt mỏi, căng thẳng là một phần tất nhiên của cuộc sống.
Mặc dù chúng ta có thể tập lựa chọn khôn ngoan, tránh không để cho vấn đề trở
nên tệ hại hơn, nhưng trong đời có biết bao nhiêu việc hoàn toàn nằm ngoài sự
kiểm soát của ta. Sự căng thẳng là một phần của sự sống, một phần của con
người, là thực chất của thân phận con người.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải trở thành nạn
nhân của những sức mạnh lớn lao ấy trong cuộc sống. Chúng ta có thể học cách
làm việc với chúng, tìm hiểu chúng, biết chọn lựa và biết xử dụng những năng
lượng ấy, để có thể phát triển trong sức mạnh của từ bi và tuệ giác. Thái độ
sẵn sàng chấp nhận và làm việc với bất cứ những gì đang có mặt là trái tim của
thiền tập.
Một cách để hiểu được sự hoạt động của chính niệm là bạn hãy nghĩ đến
tâm mình như một mặt hồ hay mặt đại dương, chúng lúc nào cũng có sóng. Có lúc
sóng lớn, có lúc sóng nhỏ, có lúc rất tinh tế. Những làn sóng ấy do gió đến và
đi từ muôn hướng, với nhiều cường độ khác nhau, khuấy động lên. Chúng cũng
tương tự như những làn gió của sự thay đổi và mệt mỏi trong cuộc đời, khơi động
lên những con sóng trong tâm ta.
Những người không hiểu về thiền quán thường nghĩ rằng thiền là một loại
thao tác nội tâm đặc biệt nào đó, có một năng lực thần diệu làm yên hết những
làn sóng, giúp mặt hồ tâm được lập tức trở nên bằng phẳng, an bình và tĩnh
lặng. Nhưng cũng như chúng ta không thể nào đặt một cái dĩa kiếng lên trên mặt
nước để làm yên những làn sóng, chúng ta không thể nào giả tạo đè nén được
những làn sóng trong tâm mình. Thật ra việc làm đó cũng không thông minh lắm,
vì nó chỉ tạo thêm một sự căng thẳng, xung đột trong nội tâm mà thôi, chứ không
phải là sự tĩnh lặng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ có
thể đạt đến một trạng thái tĩnh lặng. Nó chỉ có nghĩa là ta sẽ không thể thành
công bằng những nỗ lực sai lầm, như là đè nén những sinh hoạt tự nhiên của tâm
mình.
Qua sự tu tập thiền quán, chúng ta có thể tìm được cho mình một nơi trú
ẩn, tránh được những cơn phong ba làm xáo động hồ tâm. Sau một thời gian, một
phần lớn của sự náo động này có lẽ sẽ dần dần lắng yên xuống, vì ta không còn
cấp dưỡng cho chúng nữa. Nhưng những cơn gió của cuộc đời, của nội tâm bao giờ
cũng vẫn cứ thổi, ta có làm gì cũng vậy thôi. Và thiền tập có nghĩa là ý thức
được điều này, để rồi ta có thể đối diện với nó.
Tinh thần của sự tu tập chính niệm được biểu lộ vui tươi trong một tấm
bích chương có in hình đạo sư Swami Satchitanada bảy mươi mấy tuổi, trong một
chiếc áo thụng trắng dài và bộ râu bạc bay phất phới, đứng trên một chiếc ván
lướt sóng (surfboard), cỡi trên đầu những ngọn sóng to ở cạnh bờ biển Hạ Uy Di.
Bên dưới có in một dòng chữ chú thích: "Bạn không thể ngăn những cơn sóng,
nhưng bạn có thể tập cỡi chúng được".
AI CŨNG CÓ THỂ THIỀN ÐƯỢC?
Người ta hỏi tôi câu ấy nhiều nhất. Tôi ngờ người ta hỏi có lẽ vì họ
nghĩ rằng, những người khác tập thiền được, chứ họ thì không. Họ muốn được an
tâm nghĩ rằng họ không cô đơn, ngoài kia cũng có những hạng người giống như họ,
những linh hồn bất hạnh, sanh ra mà không có khả năng thiền tập. Nhưng vấn đề
không đơn giản như thế.
Cho rằng mình không có khả năng thiền tập cũng giống như cho rằng ta
không có khả năng thở, tập trung hoặc nghỉ ngơi vậy. Hầu hết mọi người trong
chúng ta cũng có thể thở một cách dễ dàng. Và trong tình trạng thích hợp, hầu
hết ai cũng có thể tập trung, ai cũng có thể nghỉ ngơì.
Người ta thường hay lẫn lộn thiền tập với sự nghỉ ngơi hay là một trạng
thái đặc biệt nào đó, mà ta cần phải cảm thấy hoặc đạt đến. Và khi ta đã thử
một vài lần mà chẳng cảm thấy gì đặc biệt, chúng ta vội vàng cho rằng có lẽ
mình là một trong những người không có khả năng thiền tập.
Nhưng thiền tập không có nghĩa là ta phải có một cảm giác nào đặc biệt.
Nó chỉ có nghĩa là thật sự cảm nhận được những gì mình đang cảm nhận trong giờ
phút này. Thiền tập cũng không phải là cố gắng làm cho tâm ta trở nên rỗng
không hoặc tĩnh lặng, mặc dù trong thiền tập sự tĩnh lặng sẽ được phát triển và
trở nên sâu sắc hơn. Trên hết, thiền tập có nghĩa là để cho tâm ta được như nó
và ý thức được tướng trạng của nó trong giây phút ấy. Mục tiêu không phải là ta
sẽ đi đến bất cứ một nơi nào khác, mà là cho phép mình được an trú ở nơi ta
đang có mặt. Không hiểu được điều này, bạn sẽ cho rằng mình không có khả năng
thiền tập. Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi và trong trường hợp này, một ý
nghĩ hết sức là sai lầm.
Sự thật, sự tu tập có đòi hỏi một công phu và sự hết lòng của ta. Nhưng
nếu vậy chúng ta nên nói rằng: "Tôi không muốn cố gắng tu tập" thay
vì là: "Tôi không thể tu tập" thì có đúng hơn không? Bất cứ một người
nào cũng đều có thể ngồi xuống và theo dõi hơi thở hoặc tâm ý của mình. Thật ra
bạn không cần phải ngồi, bạn có thể thực hành trong khi đi, đứng, nằm, ngồi,
chạy bộ, đứng một chân hay trong lúc tắm hoặc gì cũng được. Nhưng duy trì được
nó, cho dù chỉ trong năm phút thôi, đòi hỏi một sự chủ tâm. Và nếu bạn muốn nó
trở thành một phần của đời sống mình, việc ấy đòi hỏi một số kỷ luật. Thế cho
nên, khi người ta bảo rằng họ không thể thiền, điều mà họ thật sự muốn nói là họ
không chịu bỏ thì giờ, hoặc khi họ cố gắng thử, lại không thích những gì xảy
ra. Chúng đã không là những gì họ tìm kiếm hoặc không thoả mãn được những ước
vọng của họ. Nếu bạn là một trong những số người ấy, có lẽ bạn nên thử cố gắng
một lần nữa xem sao, nhưng lần này bạn hãy buông bỏ hết những ước vọng đi và
chỉ việc theo dõi những gì xảy ra mà thôi.
Jon Kabat-Zi
Còn tiếp