1.Nhẫn nhục
Tu pháp nhẫn nhục là quá trình thẳng tắt
để thành tựu đạo nghiệp. Trong Lục độ, đặc biệt có hạnh nhẫn nhục. Đời
người thành tựu được tất cả là biết nương vào đức tính nhẫn nhục. Kinh
Kim Cang đặc biệt đề cập đến “được thành tựu hạnh nhẫn nhục”, cho chúng
ta thấy đức thế Tôn quá khứ về trước 500 đời là tiên tu hạnh nhẫn nhục.
Khi Ngài đối diện với việc Ca-lợi Vương cắt đứt thân thể; tứ chi và các
khớp xương liên tiếp bị cắt rời, Ngài vẫn có thể nhẫn nhục không sinh
tâm sân hận, do lúc đó, Ngài thấy không có tướng ngã, nhân, chúng sinh
hay thọ giả, về sau được Phật Nhiên Đăng thọ ký cho thành Phật. Vì thế,
công đức nhẫn nhục không thể nghĩ bàn. Người học Phật nên tu hạnh nhẫn
nhục, tôn Phật Thích Ca làm Thầy, dùng hạnh nhẫn nhục để thành tựu đạo
nghiệp.
2. Quán chiếu chính mình
Ta luôn đối diện với thói quen xấu cùng
với nhiều chướng ngại từ vô thủy kiếp đến nay. Cho nên trong sự tu hành,
chúng ta luôn luôn hoặc thỉnh thoảng phạm phải sai lầm; có khi nổi giận
hay xích mích, gây gổ với người đời. Lúc này chúng ta cần phải quán
chiếu lại chính mình. Dùng tâm từ bi để đối đãi tất cả thế gian. Dùng
tâm nhẫn nhục để đón nhận những hành động tàn bạo xảy đến với chúng ta
trong cuộc sống hằng ngày.
3. Xả
Các kinh như Kim Cang, kinh Tâm chỉ dạy
chúng ta chữ “xả”. Cần phải xả bỏ, buông xuống tất cả, những cảm giác
không chấp trước cũng không còn. Đây mới chính là chân thật xả bỏ, buông
xuống, không chấp trước.
4. Sám hối
Cuộc
sống hằng ngày, chúng ta luôn tạo bốn tội: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm,
nói dối. Không những chỉ trong lời nói, hành động, cử chỉ, thậm chí đến
cả khởi tâm động niệm không biết đã phạm bao nhiêu tội lỗi. Vì thế kinh
Địa Tạng nói rằng: “Chúng sinh trong cõi Nam Diêm-phù-đề, khởi tâm động
niệm đều là tạo nghiệp tội lỗi”. Lại còn nói rằng: “Nghiệp lớn có thể
ngang bằng núi Tu-di, có thể rộng lớn như biển, hay làm chướng Thánh
đạo”. Đã biết ta và người có đầy đủ nghiệp chướng phàm phu, vậy chúng ta
mỗi ngày cần phải sám hối. Dùng sức mạnh sám hối để tiêu trừ cho sạch
nghiệp chướng nhiều như cát sông Hằng mà ta đã tạo ra.
5. Tội từ tâm khởi, đem tâm sám hối
Tội từ tâm khởi, phải đem tâm sám hối.
Sám hối nhất định phải từ chỗ sâu kín trong tâm, thành thật phát tâm hổ
thẹn. Sám hối lỗi lầm của mình xong thề không tái phạm. Đây mới là chân
chánh như pháp sám hối.
6. Lễ lạy 88 vị Phật
Phương pháp sám hối hay nhất chính là lễ
lạy 88 vị Phật. Dùng phương pháp lễ lạy này để tiêu trừ nghiệp chướng
từ nhiều đời trước. Trong lúc lạy Phật sám hối, đã có thệ nguyện của Chư
Phật nên có thể giúp chúng ta tiêu trừ tội lỗi, tẩy trừ bốn trọng tội
và Ngũ nghịch.
7. Lễ Phật sám hối
Trong quá trình lễ Phật sám hối, thân lễ
Phật, miệng niệm Phật, ý tưởng đến Phật, ba nghiệp thân, khẩu, ý, thanh
tịnh sẽ được chư Phật theo ý bổn nguyện mà thêm sức gia bị. Như đây sám
hối, tội lỗi tiêu trừ không thể nghĩ bàn, công đức đạt được cũng không
thể nghĩ bàn.
8. Răn nhắc và thúc giục
Tâm
học Phật ban đầu của mỗi người đều rất đơn thuần, chỉ nghĩ đến việc lợi
mình, lợi người và thực hành hạnh Bồ-tát, nghĩ sẽ chứng quả, thành Phật
độ khắp chúng sinh. Trong quá trình tu hành, phần đông người đi lệch
đường mà không tự biết; bị tiêm nhiễm tiếng tăm và lợi dưỡng cùng với
tâm tham lam vinh dự hão huyền dấy khởi. Tâm đã chẳng thanh tịnh lại
quên mất việc lớn sinh tử của chính mình, trọn ngày chỉ tất bật chạy
tới, chạy lui cho việc công ích bên ngoài. Kết quả làm được công đức,
chỉ thành phước báu nhơn thiên, vẫn ở trong lục đạo luân hồi thọ khổ.
9. Chớ quên tâm ban đầu
Chúng ta trong quá trình học Phật, cần
phải không quên tâm ban đầu. Giữ gìn tâm niệm thanh tịnh học Phật ban
đầu, phải luôn ấp ủ và gìn giữ tâm trạng cảnh giác. Như kiểu cách người
gìn giữ trật tự phải luôn để ý hành vi và ý định của chính mình có xao
lãng với công việc hay không? Việc làm có dính mắc vào danh lợi hay
không? Chỉ theo duyên bên ngoài mà không cần tự tỉnh? Cầu phước báu nhân
thiên mà không cầu vãng sinh Tây Phương? Vừa có mảy may màu sắc danh
lợi, phải lập tức sám hối tu sửa. Hơi có trái với tâm tốt lành ban đầu,
lập tức hổ thẹn sửa lỗi. Như vậy mới không uổng một đời học Phật, không
đến nỗi đi lạc vào đường tà.
10. Nội công và ngoại công
Phần nội công và ngoại công của người
học Phật cần phải song song và được coi trọng. Nội công chấp trì danh
hiệu Nam mô A-di-đà Phật. Câu Nam mô A-di-đà Phật đến chết giữ không
quên. Khi đi đứng, nằm ngồi luôn nhớ niệm. Ngoại công là Lục độ vạn
hạnh, đoạn ác tu thiện, không sát sinh, ăn chay, phóng sinh và giúp đỡ
mọi người. Nội công là chính, ngoại công là phụ. Nội công là chủ, ngoại
công là kẻ tuỳ tùng. Tiếc cho người đời chỉ trọng ngoại công mà quên nội
công, bỏ gốc theo ngọn, ngu si điên đảo thật đáng tiếc lắm vậy!
11. Ăn chay, phóng sinh
Học Phật, điều tối quan trọng chính là
cần thực hành. Trong cuộc sống không nên làm các điều ác, siêng năng làm
các việc lành. Nghiệp sát sinh nặng nhất, kinh Lăng Nghiêm nói rằng:
“Ăn thịt với sát sinh tội nặng giống nhau”. Ăn thịt tội bằng việc sát
sinh. Vì thế trong việc đoạn ác, phải lấy không sát sinh và ăn chay làm
trước. Trong tất cả các điều thiện, phóng sinh là bậc nhất. Phóng sinh
chính là cứu mạng sống chúng sinh, nên công đức rất lớn. Trong các
nghiệp thiện phải lấy hạnh phóng sinh cứu chuộc mạng sống chúng sinh làm
đầu. Cho nên Luận Đại Trí Độ nói rằng “Trong các tội, tội giết hại rất
nặng; trong các công đức, phóng sinh là bậc nhất”.
12. Bài tập quan trọng
Nói đơn giản, học Phật thực tiễn phải
lấy việc ăn chay làm đầu cho hạnh tu thiện. Vậy việc ăn chay và phóng
sinh là hai bài tập quan trọng nhất của người học Phật
13. Thường xuyên quán chiếu chính mình
Người
học Phật cần thường xuyên quán chiếu lại chính mình, xem xét lời nói,
hành động và cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày của bản thân. Có những ý
nghĩ không tốt, phải luôn hổ thẹn sám hối. Bằng không chúng ta vẫn mãi
là kẻ phàm phu còn trói buộc, luôn làm và nói những điều phạm phải sai
lầm. Vậy việc quán chiếu chính mình, lo tu sửa cho tốt mới có khả năng
tiến bộ trên đường học Phật, ngày càng có thêm công đức và dần dần hướng
đến cảnh giới tốt.
14. Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả
Quả từ nhân đem đến. Người có trí tuệ
nếu gặp sự không tốt, với vấn đề này phải biết kiểm thảo lại chính mình
để tìm ra nguyên nhân, phải tìm ra chỗ thắc mắc không giải quyết được để
sửa lỗi lầm. Phải biết nhân chánh thì quả tròn. Người ngu si ở trên quả
báo tính toán, tìm tòi, cuối cùng chỉ uổng công vô ích, một việc nhỏ
cũng không thành, cho nên Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Người học
Phật cần phải phần nhiều từ nơi nhân hạ thủ công phu.
15. Nhà mình chính là đạo tràng
Ta học Phật để đạt đến sự giác ngộ chứ
không phải hướng theo duyên ngoài. Nhà chúng ta ở chính là đạo tràng tu
học. Công tác sinh hoạt bản thân thể hiện sự tu hành. Trong sinh hoạt nỗ
lực thật tốt làm tròn bổn phận. Hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính các bậc
sư trưởng. Tùy thời, tùy chỗ quán chiếu chính mình quay về xem xét
những ý nghĩ, lời nói, hành động và cử chỉ của bản thân. Từ đó ra sức
hành trì đúng đắn, sửa việc xấu thành tốt. Đây chính là người chân chánh
học Phật.
16. Người học Phật gương mẫu
Thông thường, chúng ta ở cương vị và
công tác, hết lòng làm tốt bổn phận, đồng thời có thể trong sinh hoạt,
tùy thời soi xét lại thân tâm, theo đó nên hổ thẹn sám hối lỗi lầm. Dùng
tâm khiêm tốn đối với người. Trong sinh hoạt phải thường trì tụng câu
Thánh hiệu Nam mô A-di-đà Phật. Ta phải hết lòng chân thật chấp trì danh
hiệu Phật mới xứng đáng là người học Phật gương mẫu.
17. Khó hành đạo - dễ hành đạo
Chúng ta ước muốn được thành Phật, chọn
pháp tu như Thiền tông, Mật tông hay Luật tông đều phải trải qua ba đại
A-tăng-kỳ kiếp, ròng rã tu hành mới có thể thành công, chỉ nương vào tự
lực nên rất khó. Khi ta chọn tu pháp môn Tịnh độ, nương vào câu Thánh
hiệu Nam mô A-di-đà Phật, liền có thể một đời thành tựu vượt phàm vào
Thánh. Nguyên do là chúng ta nương tựa vào sức bổn nguyện của Ngài sẽ
được Ngài gia hộ nên dễ dàng thành tựu.
18. Sự quan trọng của thiện tri thức
Thời đại mạt pháp, chúng sinh nghiệp
chướng nặng nề, phước báo mỏng manh. Người học đạo thì nhiều, song người
được đạo lại rất ít. Nhiều người đã dùng hết tâm huyết, hao tổn hết
tinh thần, tiền của và sức lực để học đạo, cuối cùng lại không được gì
cả. Nguyên nhân chính là do thiếu thiện tri thức dẫn đường, không chọn
đúng phương pháp, lại đi lầm đường lạc mất phương hướng. Vì thế nương
tựa vị thiện tri thức sáng suốt để tu hành là điều không thể thiếu. Dưới
sự quan tâm và chỉ dẫn của thiện tri thức mà dụng công tu hành, tùy
thời thưa hỏi mà tu sửa lấy mình, mới không đến nỗi phí công vô ích.
19. Không nên phát nguyện suông
Ta đã phát nguyện thì cần phải thực
hiện, không nên phát nguyện suông. Có dạng người hứa nhưng không làm
tròn còn thấy không được, huống chi là đệ tử chân chánh của Phật đối
trên chư Phật và Bồ-tát chứng minh phát nguyện. Vì thế cần nên thận
trọng, lượng sức mà làm. Ta không nên tham vinh dự hão huyền, hào nhoáng
bên ngoài hay vì hư danh phẩm vị, để lời nguyện siêu xuất của mình biến
thành nguyện suông.
20. Nền tảng của sự tu hành
Giới luật là nên tảng của đời sống tu
hành. Nhà lầu nhiều tầng nhưng móng không chắc, lại xây cao thì về sau
bất cứ sự chống đỡ nào cũng là uổng công vô ích, không sao tránh khỏi
sụp đổ. Vì thế Phật dạy chúng ta phải lấy “Giới làm thầy”, ta tùy lúc,
tùy nơi xem xét lại thân tâm để kiểm khảo lời nói, cử chỉ và hành động
của chính mình. Hãy nhớ thôi thúc và tu sửa hành vi của mình cho được
ngay thật, mới xứng đáng là đệ tử của Phật.
Theo: tạp chí DPNN