Duyên khởi về thế giới tịnh độ
Từ khởi nguyên đạo Phật, Phật giáo không có danh từ Tịnh độ. Thời ban đầu của thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, mục đích tối thượng là Niết bàn và con đường đi đến Niết bàn là thực hành bát chánh đạo. Sau đó mấy trăm năm và nhất là thời kỳ đại thừa phát triển thì bắt đầu mới có những từ về Tịnh độ hay là từ Cực Lạc.
Duyên khởi về thế giới tịnh độ được ghi trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đó là hình ảnh của bà Vi Đề Hi, bà là một thái hậu đã chán chê cuộc đời khi nhìn thấy con mình là Thái Tử A Xà Thế bức tử cha là vua Tần Bà Sa La để giành ngôi báo. Do đó, bà cầu xin đức Phật cho bà sống ở một thế giới nào đó để đừng có những khổ đau oan trái này. Đức Phật khi ấy mới hiện mười phương Tịnh độ trong đó có Tây phương Tịnh độ là nơi mà bà chọn để bà nguyện vãng sanh về đó.
Điều đó cho thấy rằng: Khi khổ đau chúng ta có một khát vọng là muốn tìm một nơi để an thân, hạnh phúc an vui hơn.
Tịnh độ là hóa thành
Ngày nay, giữa muôn ngàn pháp môn tu tập, Tịnh độ là pháp môn giúp chúng ta có cảm hứng, có sở thích, có khát vọng về con đường tu tập để tránh đi những khổ đau và phiền lụy. Tu theo con đường hóa thành chứ chưa là bảo sở. Trong phẩm “Hóa Thành Dụ” của kinh Pháp Hoa đưa ra hình ảnh của đoàn người muốn về bảo sở nhưng vì đoạn đường quá xa, dài mệt mỏi bây giờ muốn dừng chân nghỉ ngơi tạm thời.
Vì vậy người trưởng đoàn mới làm một hóa thành và nơi đó cũng có đầy đủ các phương tiện để người lữ hành tắm rửa ăn uống, nghỉ ngơi rồi sau đó mới nói mọi rằng đây chỉ là hóa thành thôi và khuyên đoàn nên tiếp tục đi về bảo sở.
Do đó, ý nghĩa Tịnh độ nó cũng gần gũi với ý này, điểm để chúng ta dừng chân để tiếp tục tu hành đến quả vị giác ngộ giải thoát. Bởi vì chúng ta thấy rằng giữa trần gian này, phiền toái phức tạp, con người chúng ta nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, nhiều tham ái, nhiều phiền não.
Chúng ta thấy khó bề đạt được trạng thái Niết bàn tuyệt đối vì vậy người nguyện vãng sanh Tịnh độ mang nghĩa là phương tiện để nương vào nơi đất Phật để hạn chế những duyên ràng buộc, để tiến vào lộ trình giải thoát.
Thế giới tịnh độ có thật không?
Chúng ta đang sống trong ngũ trược ác thể, nghĩa là:
Kiếp trượt: Là thế giới này vô thường, luôn đổi thay và không an toàn cho con người hay chúng sinh nương tựa vào đó.
Kiến trượt: Là nhìn nhận tà kiến lệch lạc của mỗi con người, chính cái tà kiến đã mang lại khổ đau cho chúng ta
Phiền não trượt: Là những tham sân si chi phối con người.
Chúng sinh trượt: Là thế giới cuộc đời này mỗi một chúng sanh có mỗi một nghiệp riêng và vì những cái nghiệp đó tạo nên những ác nghiệp để hoành hành để khổ đau từ đời này đến nhiều đời khác trong luân hồi trong tử sanh cái đó gọi là chúng sinh trượt.
Mạng trượt: Là bản thân mỗi con người chúng ta vô thường, sống nay chết mai mà chúng ta không quyết định được, không có gì là an toàn.
Và chúng ta chưa ai thực thấy cảnh giới Tịnh Độ là như thế nào? Tuy nhiên, Tịnh độ là khát vọng của niềm an vui, hạnh phúc cho người trần thế, nhất là những người gặp rất nhiều khổ đau, rất nhiều oan trái, người bị sanh, già, bệnh, chết những người có gia đình không hạnh phúc, cuộc sống nghèo khổ.
Với những người tu theo pháp môn niệm Phật, thế giới Tịnh Độ là có thật và đó là một thế giới của sự văn minh, thánh thiện được nêu rõ qua kinh điển.
Tịnh độ là một xã hội tịnh độ rất là văn minh, rất là thuần khiết, rất là đạo đức. Tịnh độ, có bốn nơi đồng cư: một là phàm thánh đồng cư, hai là phương tiện hữu dư, ba là thật báu trang nghiêm và bốn là thường tịch quang.
Ở Tịnh độ có giai cấp, giai cấp ở đây không mang nghĩa là người bốc lột người mà giai cấp đây tùy vào phước báu nhơn duyên của mỗi người đản sanh nơi đó để thiết lặp nên giai cấp trong cửu phẩm liên hoa.
Và khi đã là một thế giới chắc chắn sẽ nằm trong quy luật vô thường. Nhưng thời gian vô thường của Tịnh Độ đủ sức cho chúng ta giải thoát, đủ sức cho chúng ta thành Phật, đủ sức cho chúng ta đạt tới chỗ bất sanh bất diệt, đủ sức ở chỗ không còn sanh tử.
Tịnh độ tại nhân gian
Vì sao chúng ta nên tin rằng: Tịnh độ là thế giới có thật? Bởi đây là một thế giới mà chúng ta có thể xây dựng được ngay tại nhân gian này với sự đạo đức, thánh thiện của con người. Chúng ta cùng xét lại những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà:
1. Tất cả chúng sinh trong nước tôi đều đạt nhất thiết chí
Lời nguyện này cho chúng ta thấy quan niệm rất tiến bộ về xóa nạn mù chữ, để gọi là cái dốt không còn trong “nước tôi”. Ở tầm nhìn của một vị lãnh đạo, việc tạo điều kiện cái ăn, cái học, cho toàn thể dân chúng đây là những quan niệm rất tiến bộ, mà quan niệm này đã có ngàn xưa chứ không phải những lời ngày hôm nay. Tịnh độ được thiết lập nơi dân gian chúng ta bằng những quan niệm rất tích cực như vậy.
2. Những chúng sinh vãng sanh về đất nước tôi thì đều được thiên nhĩ thông (nghĩa là tai nghe khắp muôn dặm).
Hiện nay, chúng ta thừa sức để nghe được âm thanh của bất kỳ đâu bằng điện thoại, các thiết bị công nghệ kỹ thuật hiện đại.
3. Những chúng sinh vãng sanh về đất nước tôi thì đều được thiên nhãn thông thấy trăm ngàn dặm na do tha các cõi nước, v.v…
Cũng thế, bằng thiết bị công nghệ, chúng ta không những thấy được mọi nơi trên hành tinh này mà còn có thể thấy được những không gian ngoài vũ trụ.
4. Những chúng sinh vãng sanh về đất nước tôi thì đều được thần túc thông
Nghĩa là chúng ta sẽ bay đi tự tại ở mọi nơi. Và xã hội hiện đại này, chúng ta cũng được như thế. Không những được bay khắp nơi ở trái đất bằng phi cơ mà còn có thể bay ra khỏi trái đất bằng phi thuyền.
5. Tất cả chúng sinh về nơi thế giới của ngài sẽ không bao giờ đạo vào ba đường ác và suốt đời không bao giờ nghe cái tên ác đạo bên tai
Ba đường ác đạo nghĩa là: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ba con đường này cũng giống như ngục tù ở thế gian. Nếu chúng ta không phạm pháp, nếu chúng ta không gây tạo những ác nghiệp, nếu chúng ta là người đạo đức, lương thiện thì chắc chắn ba con đường ác đạo này không bao giờ có mặt. Lời nguyện này muốn nói lên ước mơ về đạo đức trong cuộc đời, về sự tồn tại của những con người hiền lương, sống lành mạnh yêu thương giúp đỡ tương trợ nhau.
Chúng ta nghĩ rằng lời đức Phật mang tính cách mơ hồ, vẽ vời một thế giới nào đó xa xôi, viễn tưởng. Nhưng thực tế, khi nhìn nhận lại, Tịnh Độ chính là thế giới của sự văn minh, đỉnh cao của một xã hội đạo đức toàn diện. Mà nơi đó, con người không phải làm gì để kiếm sống, chỉ mỗi việc tu tập, trưởng dưỡng đạo đức để đạt được quả vị giải thoát.
Nếu chúng ta sống không có giáo dục và không có nền tảng đạo đức, để ràng buộc, để chúng ta học tập và noi theo thì giữa chúng ta và các loài xúc vật không hơn không kém, thậm chí chúng ta còn nguy hiểm hơn xúc vật, bởi vì chúng ta có suy tư. Và nhờ tình cảm, đạo đức đó nó hạn chế đi tội ác của con người. Chúng ta học Phật để trưởng thành hơn và chúng ta nhận thức được hành động đó dẫn đến sai lầm.
Muốn vãng sanh về Tịnh Độ chúng ta phải có nhân tố của Tịnh Độ.
Nếu muốn vãng sanh Tịnh độ, chúng ta phải có nhân tố con người Tịnh độ, phải biết tạo những nghiệp lành: có ăn chay, có niệm Phật, có bố thí có nhịn nhường, có tha thứ có bao dung. Đó nhân tố là những phước báu để ta hồi hướng trang nghiêm Tây phương Tịnh độ.
Như vậy chúng ta muốn trang nghiêm Tây phương Tịnh độ, chúng ta phải trang nghiêm bằng những thiện duyên thì chúng ta mới tận hưởng phước báu ở Tây phương Tịnh độ được.
Tóm lại Tịnh độ tại nhân gian là một thế giới rất thiết thực trong cuộc đời này. Chúng ta phải là theo những hạnh nguyện của Phật Di Đà để góp phần xóa đi những bất an, những khổ đau, bất công, …trong xã hội.
Và hãy là một sứ giả Như Lai, thực hiện nguyện vọng của đức Phật A Di Đà để góp phần làm an vui hạnh phúc cho toàn thể nhân loại trên cuộc đời này.