Khởi tâm niệm Phật cực kỳ quan trọng ở chỗ, phải tha thiết mong cầu liễu sanh thoát tử. Đã tha thiết giải quyết sanh tử, thì đối với sự khổ sanh tử tự sanh tâm nhàm chán; đối với sự vui ở Cực Lạc tự sanh tâm ưa thích. Như thế thì trong hai điều Tín và Nguyện ngay nơi một niệm đã đầy đủ; lại thêm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ mà chuyên cần niệm Phật, thì sức Phật, sức Pháp, sức công đức Tín, Nguyện, ba pháp đều đầy đủ rõ ràng giống như mặt trời giữa hư không, dù có tuyết sương từng lớp dày đặc chẳng bao lâu cũng tự tan rã.
Nếu thường nghĩ sắp bị nước cuốn trôi, lửa thiêu cháy, khó thể cứu vớt và tưởng sắp chết, sắp đọa địa ngục thời tâm tự quyết liệt, tâm tự quy nhất, ngoài pháp “trì danh niệm Phật” ắt sẽ không cầu đến diệu pháp nào nữa cả. Thế nên trong Kinh thường nói “Nhớ khổ địa ngục, phát Bồ đề tâm”. Đây là lời khai thị tối thiết yếu của đức Đại Giác Thế Tôn. Tiếc vì người đời không chịu suy nghĩ điều này. Xét kỹ sự khổ ở địa ngục khổ hơn vô lượng vô biên lần so với sự khổ của nước trôi lửa cháy ở thế gian. Trong khi nghĩ đến sự khổ nước trôi lửa cháy ở thế gian thì sanh tâm vô cùng sợ hãi, thế nhưng khi nghĩ đến nỗi khổ ở địa ngục lại lơ là cho rằng không thiết thực. Ấy là suy nghĩ cạn cợt của hầu hết chúng sanh thời mạt pháp!
Phương pháp “trì danh niệm Phật” rất mau công hiệu, đó là “nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau”. Pháp nhiếp cả sáu căn đó là: Khi niệm Phật, tâm chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức nhiếp Ý căn; miệng không tạp thoại mà phải niệm Phật cho rõ ràng tức nhiếp Thiệt căn; tai nghe rành rẽ danh hiệu Phật do mình niệm tức nhiếp Nhĩ căn; mắt phải khép lại, không nên mở to tức nhiếp Nhãn căn; mũi cũng không ngửi mùi khác tức nhiếp Tỹ căn; thân nghiêm trang cung kính tức nhiếp Thân căn. Sáu căn đã nhiếp nên tâm không tán loạn, không vọng niệm. Sáu căn nếu chẳng nhiếp thì tuy có niệm Phật nhưng trong tâm vọng tưởng lăng xăng, như thế khó được lợi ích thiết thực. Nếu thường hay nhiếp sáu căn mà niệm Phật, đó gọi là “tịnh niệm nối nhau”. Thường xuyên giữ được “tịnh niệm nối nhau” thì “nhứt tâm bất loạn” cùng “Niệm Phật Tam Muội” lần lần có thể chứng đắc vậy.
Trì danh Niệm Phật mà tâm chẳng qui nhứt, cần phải nhiếp tâm tha thiết mà niệm, thì mới có thể quy nhứt. Pháp nhiếp tâm không gì hơn là “chí thành khẩn thiết”. Nếu tâm chẳng chí thành mà muốn nhiếp thì không thể được. Đã nhiếp tâm rồi mà chưa thuần nhất thì cần phải lắng tai mà nghe cho thật kỹ tiếng niệm Phật. Không luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm, tất cả đều phải “niệm niệm từ tâm khởi, tiếng phát ra nơi miệng, rồi tiếng niệm lại vào tai”. Tâm và miệng niệm được rành rẽ, tai nghe cũng rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm như vậy thì vọng niệm tự dứt.
“Niệm Phật thành khẩn cung kính”. Lời này thế gian ai cũng biết nhưng lý này thế gian không ai rõ. Tôi (Ấn Quang Đại sư) vì muốn tiêu tội chướng, muốn báo ân Phật, nên thường “chí thành cung kính niệm Phật”. Đây thật là bí quyết nhiệm mầu để siêu phàm nhập Thánh, liễu sanh thoát tử, nên đối với người có duyên tôi thường hay khuyên nhắc vậy.
Ấn Quang Đại sư