Tịnh độ
48 Cách Niệm Phật
22/07/2015 15:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. NIỆM PHẬT NÊN GIỮ Ý CĂN

537063_10151702419041172_106186155_n.png


Ðã đem tâm này niệm Phật, phàm tất cả việc tạp thiện, tạp ác đều không nên nhớ, tức hàng ngày chỉ nên làm mọi việc với ý niệm vạn bất đắc dĩ, xong rồi thì xả, đừng để day dích, sẽ chướng ngại tâm niệm của chúng ta. Vả lại, sở dĩ tâm niệm của chúng ta cứ còn dây dưa mãi với những tạp thiện, tạp ác là vì ý địa chưa thuần; nếu ta niệm Phật đến lúc tâm địa sáng tỏ, thời ý địa tự nhiên chuyên ròng nơi quán sát, không duyên tạp sự.

Phải biết, niệm Phật có thể chuyển phàm thành Thánh, là phương tiện giải thoát thứ nhứt của thế gian và xuất thế gian vậy.

Lời phụ giải: Sự sống hàng ngày đã chiếm quá nhiều thì giờ của chúng ta, bởi vậy nên những lớp trần ai càng bám riết theo cuộc sống, làm cho chúng ta không rảnh được sự tính toán, mà hễ tính nhiều tức loạn trí, lo âu ắt tổn thần. Thế nên khi xác nhận cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trả vay, quay về với cuộc sống tâm linh vĩnh viễn, chơn thật, thì còn gì nữa mà không buông bỏ tất cả giả cảnh, để sống với cảnh giới chơn thường. Phàm, Thánh, mê, ngộ đều ở nơi ý địa của đương nhơn mà thôi!

2. NIỆM PHẬT NÊN GÌN KHẨU NGHIỆP

Ðã dùng miệng này niệm Phật, phàm tất cả những việc SÁT, ÐẠO, DÂM, VỌNG không nên buông lời nói càng, nói quấy.

Một khi nói lỡ, nên tự nghĩ rằng: Người niệm Phật không nên nói như thế, rồi cố gắng niệm lớn ít tiếng danh hiệu Phật để trấn áp tâm mình và gột tẩy ngay những lời bất thiện ấy.

Lời phụ giải: Phàm đã mang danh từ Phật tử và đã biết niệm Phật, tất cả phải giữ gìn khẩu nghiệp. Nếu thoảng một lời vô nghĩa thốt ra, tự suy nghĩ ăn năn chẳng ít, huống không có lợi ích gì cho ai, mà còn gây khổ hận cho kẻ khác, thì dầu một tiếng cũng không nên mở miệng. Phật là tượng trưng cho sự thanh tịnh, mà ta lại niệm Phật bằng cái miệng bất tịnh thì phỏng được lợi ích gì? Trong kinh Phạm Võng có chép: “Nhựt nhựt khởi tam nghiệp tội, khẩu tội vô lượng.” Miệng là cửa mở muôn điều ác hay thành vạn sự lành, vậy ta cần phải suy kỹ trong lúc mở lời. Huống chi việc niệm Phật, chúng ta lại càng cần phải giữ miệng cho thật sạch, nghĩa là một lời quấy, một tiếng xấu, nhứt định phải tiêu diệt trong khi chúng còn trong trứng nước, không để chúng thành hình, đừng nói phát ra cửa miệng. Tu thân, tu tâm mà không tu miệng là một khuyết điểm lớn!

3. NIỆM PHẬT PHẢI CHỈNH THÂN NGHIỆP:

Ðã đem thân này niệm Phật, thời trong mọi lúc cũng như trong mọi cử chỉ: Đi, đứng, ngồi, nằm, thân cần phải đoan chánh thì tâm mới được thanh tịnh. Người niệm Phật nên tự nghiệm điều này, thật không bao giờ dối.

Lời phụ giải: Thân thể có ảnh hưởng mãnh liệt đến tinh thần. Thế nên, muốn cho tinh thần vững mạnh, tin tưởng chí thiết nơi tự lực, tha lực, kiên cố chấp trì câu danh hiệu Phật, tất phải dọn mình cho thật đoan chánh, trước khi niệm. Tâm ta tịnh được là do thân nghiệp không động, không nhiễm. Vậy nên, muốn công phu niệm Phật có kiến hiệu, điều kiện trước tiên là phải giữ gìn thân nghiệp cho đoan chánh.

4. NIỆM PHẬT LẦN CHUỖI:

Niệm Phật một tiếng, tay lần một hột. Chỉ nên niệm bốn chữ, đừng lộn sáu chữ, vì bốn chữ rất dễ thành khối. Trong bốn chữ A Di Ðà Phật, hoặc lần chuỗi tại chữ A, hoặc lần tại chữ Ðà, hoạch định cho có phép tắc, không được lầm lẫn, đây là pháp mượn chuỗi để nhiếp tâm vậy.

Lời phụ giải: Giữ tâm niệm thành khối, danh hiệu Phật, mỗi câu xâu xuốt với nhau không xen hở một tạp niệm nào, ví như xâu chuỗi, hột này dính liền với hột khác, hột hột dính liền với nhau, đó là ý nghĩa của sự niệm chuỗi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện nhắc nhở kẻ sơ cơ, chưa thuần với chánh niệm, nhớ lại câu niệm Phật. Kẻ lười nhờ đó mà siêng, kẻ trễ nhờ đó mà gắng.

Khi chánh niệm đã tinh thuần, Phật niệm không lìa tự tâm, bây giờ có chuỗi hay không cũng chẳng thành vấn đề. Thế nên kẻ sơ cơ cần nhờ nó để làm phương tiện. Chẳng lẽ sắm chuỗi để mốc à?

5. NIỆM LỚN TIẾNG

001_500_02.jpg


Nếu lúc thần trí hôn trầm, hay khi vọng tưởng đua khởi, hãy nên trấn tỉnh tinh thần, to tiếng niệm Phật, niệm cho được vài ba trăm tiếng tự nhiên đổi thành cảnh giới an tịnh. Bởi vì nhĩ căn thính lắm, nên ngoại duyên dễ vào, tiếng làm cho tâm động, tạp tướng nổi dậy, nên phải to tiếng niệm Phật để giữ gìn nhĩ căn, hầu mở tỏ tâm linh. Bấy giờ tâm chỉ nghe tiếng của chính mình, mỗi tiếng liên tục, đầy đủ, tất cả những gì phải quấy, nên, hư tự nhiên phóng xả.

Lời phụ giải: Lúc ta mệt nhọc, trong người hay uể oải, hay sanh chứng ngủ gật, hay cả thân thể lẫn tâm linh như có cái gì đè nặng, bấy giờ nếu ta dùng cách tịnh niệm, thì chỉ càng giúp cho sự mệt nhọc, ngủ gật kia đắc lực. Thế nên ta phải to tiếng niệm Phật, quán sát tiếng niệm Phật kia từ tự tâm lưu xuất, rồi theo lỗ tai vào lại tự tâm, vòng quanh mãi như thế, đến khi nào, tâm ta sáng suốt, ma ngủ gật kia biến mất, chỉ thuần một câu niệm Phật rõ rành mới thôi.

6.- NIỆM NHỎ

Nếu lúc tinh thần tán thất, hoặc khi nhiều việc nhọc nhằn hay phải nhiều điều bức bách, thì không cần phải niệm to, chỉ nên thấu liễm thần minh nhỏ tiếng niệm kỹ. Ðến khi hơi thở điều hòa, tinh thần hứng khởi, an định tâm hồn mới nên niệm to tiếng.

Lời phụ giải: Phương pháp niệm nhỏ là để đối trị bệnh tán loạn. Nhiều khi vì quá bề bộn công việc, mà thân tâm ta phải quá nhọc nhằn, hay có những việc làm ta phải cực lòng, bực trí. Bấy giờ nên dùng pháp niệm nhỏ, vì nếu niệm to sẽ giúp phương tiện cho ma tán loạn thêm sức mạnh. Niệm nhỏ từng tiếng từng câu thật kỹ, thật rõ, lần lần tâm thần ta sẽ được an tịnh, bấy giờ nên niệm lớn.

7. NIỆM THẦM

Nếu tâm khí không được điều hòa, hoặc người hay chỗ có ngại, niệm to, niệm nhỏ đều thấy không tiện, thì chỉ nên động môi, dùng pháp niệm thầm (Kim Cang trì), không bắt buộc nhiều ít, nhưng cần nhứt: Mỗi chữ, mỗi câu phải từ tự tâm lưu xuất.

Lời phụ giải: Pháp này khác với pháp niệm nhỏ trước, vì chỉ được động môi mà không cho phát ra tiếng; nói cho dễ hiểu là chỉ nhép miệng mà thôi. Vả như có người nằm gần ta, hay chỗ ta ở khít gần với kẻ khác, niệm thành tiếng dù lớn dù nhỏ cũng có thể đụng đến họ, vậy nên chỉ nhép miệng niệm thầm, không cần hạn số, bao nhiêu cũng được, miễn sao câu niệm Phật bắt nguồn từ tự tâm, kích động đầu môi, bật thành một thứ âm thanh huyền diệu, không thành tiếng mà vang khắp đại thiên, nhưng vẫn không ngoài đương niệm.

8. MẶC NIỆM

Lại hoặc niệm to, niệm nhỏ đều không hợp, tay lần chuỗi lại hiềm phiền phức, niệm thầm vẫn thấy còn có dấu vết, thì xưa có phương tiện chí xảo là không cần động mồm, không phát ra tiếng, chỉ bắt tâm niệm duyên chuyên một cảnh, âm thầm dùng lưỡi gõ vào răng trước (răng cửa) hay tâm tưởng cũng được, tùy ý, chỉ phải làm sao cho tiếng thật rõ ràng, nhưng tiếng không phải phát ra từ cửa miệng mà phải phát ra từ tự tánh. Tánh nghe lại phải dung thông nội tâm, nội tâm lại phải in nơi đầu lưỡi, đầu lưỡi kéo lấy niệm căn, tự tánh nghe nghe tự tánh, ba thứ dung hội, niệm niệm viên thông, lâu sau sẽ được thành tựu pháp quán: Duy tâm thức.

Lời phụ giải: Dùng pháp mặc niệm để thành tựu duy tâm thức quán này hơi khó và cao, đa phần dành cho những bực có trình độ khá và cao trên bước đường tu tập. Người thực hành phải dùng quán tâm, không phải dùng niệm tưởng. Không động miệng mà tiếng ấy phải rõ ràng, tiếng ấy là tiếng của tự tâm, dùng lối đem tánh nghe (văn tánh) nghe lại tiếng nói của tự tánh (phản văn văn tự tánh) đó là đã thấm đạt thật tướng của vạn pháp, thâm đạt nhứt thiết duy tâm vậy.

9. ÐIỀU HÒA HƠI THỞ

Hoặc lúc khí tịnh, tâm bình, thì trước nên tưởng thân mình đang ở trong vòng hào quang tròn, thầm quán trên đầu chót mũi, tưởng hơi thở ra vào, mỗi một hơi thở thầm niệm một câu A Di Ðà Phật. Phương tiện điều hòa hơi thở, không hưởn không gấp, tâm niệm và hơi thở nương nhau, theo nhau ra, vào; đi, đứng, ngồi nằm đều nên làm như thế, đừng để gián đoạn. Thường phải tự “Mật trì,” nhiếp tâm đã lâu, cả hơi thở lẫn câu niệm, cả hai đều không còn phân biệt, tức thâm tâm này cũng đồng với hư không. Trì đến thuần thục, tâm nhãn khai thông, tam muội thoạt nhiên hiện tiền, chính là “Duy tâm tịnh độ” đó.

Lời phụ giải: Pháp này cũng giống như Sổ tức quán trong Lục diệu môn. Dùng pháp đếm hơi thở, để điều hòa hơi thở ra vào.

Mỗi một hơi thở hoặc ra, hoặc vào đều thầm niệm một câu A Di Ðà Phật đều đều, không nên quá gấp cũng không được quá hưởn, vì sẽ làm chướng ngại cho sự chuyên nhứt. Phật niệm không dứt, tâm được thanh tịnh, trí được chuyên ròng không tạp, hòa hợp với sự bao la vô ngại của Thái hư, tất cả đều duy tự tâm, mà hễ tự tâm thanh tịnh thì quốc độ sẽ hoàn toàn thanh tịnh đối với ta vậy.

10. TÙY PHẬN

Hoặc lúc hôn trầm nhiều, thời nên kinh hành niệm Phật, hay khi tạp loạn nhiều thì nên ngồi ngay thẳng, yên lặng mà niệm. Giả sử đi hay ngồi đều không hợp, thời hoặc quỳ, hoặc đứng, cho đến tạm nằm, cũng đều cho phương tiện rộng rãi, có thể niệm Phật được cả. Cốt yếu: Bốn chữ hồng danh đừng để một niệm lãng quên, đó là yếu thuật hàng phục tâm ma vậy.
Lời phụ giải: Câu niệm Phật không phải chỉ dành lúc rảnh rang, hay tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật, mà nhứt thiết thời không được xao lãng. Bởi tâm niệm chúng sinh hàng ngày quá tạp loạn, hễ hở là tạp tưởng xen vào ngay, quấy rối tâm niệm.

Như bàn tay quậy vũng nước màng màng, nếu quậy ít hay quên quậy, màng màng sẽ trở lại ngay. Thế nên đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh đều phải cố giữ câu niệm Phật, không cho xen hở. Như ông tướng giữ trại, như con mèo rình chuột, đừng để một niệm gián đoạn. Một câu niệm Phật không hở, tùy phương tiện, tùy trường hợp, miễn sao cố giữ tâm niệm chuyên câu niệm Phật là được.

11. CHỖ NÀO CŨNG NIỆM PHẬT ÐƯỢC

Không luận chỗ sạch hay chăng, hoặc chỗ vắng vẻ hay chỗ chộn rộn, chỗ vừa dạ hoặc nơi thất ý, chỉ “Hồi quang phản chiếu” và suy nghĩ: Những cảnh thế này ta đã gặp hơn trăm ngàn muôn ức lần, từ nhiều kiếp đến giờ; chỉ có việc “Niệm Phật vãng sanh” là ta chưa có thể thực hành trọn vẹn được, nên vẫn còn bị trong vòng lẩn quẩn luân hồi. Giờ đây ta cũng chẳng quản niệm được cùng chăng, chỉ thề giữ chặt “Tâm niệm Phật’ này, dầu chết cũng không để dứt “niệm đầu”. Tại sao? Bởi niệm đầu mà để một phút gián đoạn, thời tất cả thiện, ác, vô ký bao nhiêu tạp niệm lại sanh. Vì lẽ đó, nên dù lúc đi đại, tiểu tiện hay sản phụ lúc lâm bồn, chỉ chăm chú việc niệm Phật, càng khổ càng niệm, càng đau càng niệm nhiều hơn, như con thơ gọi mẹ, không sợ mẹ hiềm giận, nếu sợ mẹ giận mà không gọi nữa, ắt đứa trẻ sẽ bị sa chân vào hầm phẩn nhơ nhớp, vì những sự dại dột do nó gây nên. Như thế chỉ có chết mất đi mà không làm sao được gặp mẹ.

Lời phụ giải: Thế thường, có người không hiểu cho rằng: Vào chỗ nhơ như nhà xí v.v… mà niệm Phật sẽ có tội. Nhưng trong pháp môn niệm Phật thì không phải vậy. Vì câu niệm Phật lúc nào cũng phải ngự trị trong tâm hồn ta; nếu vì lúc ăn, khi đi cầu v.v… mà để dứt, thì tức nhiên tạp niệm sẽ xen vào, mà hễ tạp niệm xen vào được, niệm này sanh niệm khác, nối luôn không dứt, tránh sao khỏi điều tội lỗi, và tránh sao thoát nẻo sanh tử luân hồi.

Chúng ta giờ đây, chưa có thể nhứt thiết thời niệm Phật, nên phiền não niệm xen vào, biết bao điều phiền phức, đau khổ, nhọc nhằn; vậy thời chúng ta hãy cố gắng tập nhiều, tập mãi câu niệm Phật, hễ bận việc thời thôi. bằng hễ rảnh là ta niệm Phật.

Không có gì tự nhiên mà được, phải đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực, vậy sau mới thành công. Bao nhiêu việc đời sẽ làm ta phiền lụy, muốn tránh bao phiền lụy không chi hơn luôn giữ câu niệm Phật.

Ðức Phật như bà mẹ hiền thương con dại, không có bà mẹ nào là không thương con. Thế nên, ta một lòng tưởng nhớ, tha thiết kêu cầu đức Phật sẽ thương mà hiện cứu. Phật không bao giờ bỏ và cũng không bao giờ có giận hờn vì hễ còn giận hờn ắt chưa thể thành Phật, cũng như không có đức Phật, Bồ tát nào mà thiếu lòng từ bi cả.

Xin hãy gắng niệm, đừng khinh mà coi thường.

12. NIỆM PHẬT CÓ ÐỊNH THỜI HAY KHÔNG

Trong pháp thứ mười một, không có định thời, nếu vậy sẽ ít người làm được. Bài này phương tiện nói có định thời là: Sớm, tối hai thời, hoạch định thường khóa, từ nay đến suốt đời, không thêm, không bớt, ngoài ra trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, có thể niệm được một câu, thì nên niệm một câu, có thể niệm được nhiều câu, thì nên niệm nhiều câu, bất luận niệm lớn hay nhỏ.

Cổ nhơn có bảo:

Ít nói một câu tạp

Nhiều niệm một câu Phật

Ðẹp đẽ biết bao nhiêu!

Lời phụ giải: Vì sợ có nhiều vị, không thể lúc nào cũng giữ câu niệm Phật được (bởi quá bận kế mưu sinh) nên phải phương tiện định thời. Thế là ai cũng có thể tu Tịnh độ pháp môn được. Nhưng điều cốt yếu: Khi đã định thời, thì phải cố gìn, đừng để sai siển, dù lúc bịnh hoạn hay đau khổ.

Tuy nhiên, hễ khi nào rảnh rỗi là ta phải nhớ ngay câu niệm Phật.

Ðánh đổi chúng sinh niệm bằng Phật niệm, tuy không được cao siêu nhưng là một phương tiện hiếm có để chuyển mê thành giác vậy.

13. CÓ ĐỐI TRƯỚC TƯỢNG HAY KHÔNG TRONG KHI NIỆM PHẬT?

Lúc đối trước tượng Phật, phải cho tượng này là thật Phật, không cần câu chấp một phương hướng nào, chẳng luận một thân nào trong ba thân của Phật, chỉ tự nghĩ: Ta chỉ nhứt tâm, tâm chỉ nhứt Phật, mắt nhìn tượng Phật, tâm niệm danh Phật, thật hết sức thành kính tất được linh cảm.

Lúc không có tượng Phật, nên ngồi ngay ngắn xây mặt về phương Tây, lúc khởi tâm động niệm, nên niệm tưởng hào quang của đức Phật A-Di-Đà trụ trên đỉnh đầu ta, mỗi niệm, mỗi câu, tự chẳng để rơi vào khoảng không, hắc nghiệp cũng có thể tiêu diệt.
Lời phụ giải: Người sơ cơ chưa có thể quán tự tâm đức Phật, thế nên phương tiện đối trước Phật tượng cho dễ xúc cảnh sanh tâm. Nhưng điều cần thiết là phải hết sức thành kính, vì hễ có cảm mới có ứng được.

Bài này dạy rõ, khỏi phải bàn luận dài dòng, hành giả nên coi kỹ và theo như thế, tội nghiệp sẽ được tiêu trừ, Phật tâm tự hiện.

14. NIỆM PHẬT TRONG LÚC BẬN RỘN

Nếu niệm được một câu thì nên niệm một câu, có thể niệm 10 câu, thì niệm 10 câu; chỉ làm sao trong 100 điều bận rộn, có được trong khoảnh khắc một chút rảnh rang, liền buông bỏ thân tâm sáng suốt tụng trì.

Ngài Bạch Lạc Thiên có bài thi rằng:

Đi niệm A-Di-Đà,

Ngồi niệm A-Di-Đà,

Ví dù bận rộn như tên,

A-Di-Đà Phật niệm lên thường thường.

Người xưa dụng tâm như thế, thật không thể chê được!

Lời phụ giải: Có người quá bận rộn với cuộc sống, có rảnh đâu nhiều mà niệm Phật; tuy nhiên trong trăm việc bận, chắc cũng có chút thì giờ rảnh, hễ rảnh thì niệm Phật, đừng để trí phải nghĩ tưởng vẩn vơ, khổ sầu vô ích. Việc đời, chuyện đâu bỏ đó, đeo đẳng làm gì thêm mệt, để thì giờ niệm Phật cho khỏe trí có hơn không? Có nhiều người để phí bao nhiêu thời giờ tán gẫu những chuyện đâu đâu, chỉ chuốc lấy bao nhiêu điều phiền lụy, do vài câu bất ý trong lúc vui miệng, cũng đủ gây cho lòng những mối lo âu, khổ sở, hay chuốc cho thân những đau đớn lụy phiền!

15. LÚC NHÀN RỖI NÊN NIỆM PHẬT

Trong đời có nhiều kẻ quá ư khốn khổ, muốn chút rảnh cũng không sao có được, nên không thể tu hành. Nay ta được rảnh rang, lại nghe biết được pháp niệm Phật này, cần phải gắng gổ, tương tục, thúc liễm thân tâm, chuyên trì Phật niệm; như thế mới không uổng phí tấc bóng quang âm. Nếu để tâm niệm buông trôi, không làm được việc gì, luống tiêu hao ngày tháng, cô phụ bốn ơn, một mai vô thường thoạt đến, sẽ lấy gì để chống cự đây?

Lời phụ giải: Có người cầu được chút rảnh rang để niệm Phật còn không có, ta nay duyên đời không bận buộc, vậy đừng nên bê trễ nữa, hãy cố gắng niệm Phật, đừng để ngày lại, ngày qua, rồi già, rồi chết, đến khi bấy giờ, dù muốn rảnh được một chút, sống thêm một giờ để niệm Phật cũng không được. Thật tiếc lắm thay!

16. NGƯỜI SANG GIÀU PHẢI NÊN NIỆM PHẬT

Phước đức của đời này đều từ việc tu hành kiếp trước, những vị tôn quý vinh huê, quá nữa là các bực cao tăng chuyển thế.

Nhưng, tuy có vinh huê mà không được trường cửu, nếu lại tạo điều nghiệp chướng, ắt khó thoát khỏi biển trầm luân. Vậy nên các ngài phải tự suy nghĩ: Những gì ta có thể mang theo được khi nhắm mắt? Ấy là công đức niệm Phật. Cũng như thuyền đi nhờ nước. Thế nên, hoặc lập thất niệm Phật, hoặc mời chư Tăng hướng dẫn mình niệm Phật, hoặc in khắc kinh sách Tịnh Độ, hoặc đặt tượng Phật Di-Đà để chiêm ngưỡng mà niệm, việc làm tuy ít, nhưng phải dụng công cho nhiều, lại phải chí quyết vãng sanh, đó là con đường tu hành của tất cả mọi người, chẳng luận giàu, nghèo, sang, hèn. Làm vị sứ giả của ngôi pháp vương, còn gì tôn quý hơn!

Lời phụ giải: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”, dầu ta có nhờ phước đức đã gieo trồng đời trước, hưởng được phú quý vinh hoa, song chỉ hưởng tạm mà thôi, khi ba tấc hơi dứt, mọi việc buông xuôi, chỉ nắm hai bàn tay trắng. Vậy thì ta có nên bám víu những cái giả ảnh đấy chăng? Chúng ta chắc đã ý thức được rõ ràng điều đó. Thế thì chúng ta phải kíp lập thành tích niệm Phật ngay và thật hết lòng cố gắng như chúng ta đã cố gắng lo làm giàu vậy. Người vô trí cho giả là thật, nên chạy theo những cảnh tướng, danh sắc phù phiếm bề ngoài, có được chút vui, song chỉ là cái vui tạm bợ, trong chốc lát. Kiếp người chóng tàn, thân người chóng diệt, chỉ có đạo đức thường còn, chân thật, không có những ồ ạt bề ngoài, không có cái vui chốc lát. Xem như ngài Khổng Tử còn bảo: “Ăn cơm nguội, uống nước lạnh, co tay lại mà gối đầu cũng có điều vui ở trong vậy!”. Cái vui đó mới là cái vui của người trí.

17. KẺ NGHÈO HÈN CŨNG NÊN NIỆM PHẬT

Than ôi! Có kẻ đã đem thân làm nô lệ, bị người khác sai sử, vất vả, khổ sở, mà không cầu mong thoát khỏi, thì về sau càng khổ hơn.

Nên biết bốn chữ Hồng-danh chẳng luận sang, hèn, giàu, nghèo, già, trẻ, trai, gái, chỉ cần mỗi ngày vào lúc sáng sớm, chí tâm xây mặt về hướng Tây, niệm 10 câu danh hiệu Phật, không xen, không dứt, để cầu sanh Cực lạc, thì hiện đời sẽ được hưởng nhiều lợi ích, khi thác tự được vãng sanh. Đức Phật A-Di-Đà thiệt là chiếc thuyền cứu mạng cho mọi người trong biển khổ vậy.
Lời phụ giải: Ở đời, đâu có ai nghèo cho đến đỗi không có thân, tâm? Vậy ta nên đem thân tâm sẵn có đó niệm Phật. Trong kinh Hiền Ngu nhân duyên có đoạn: Tôn giả Ca-Chiên-Diên độ bà già ở mướn, bán nghèo bằng phương pháp NIỆM PHẬT, bà đã đạt kết quả. Vậy chúng ta nên bắt chước bà già bán quách cái nghèo đi cho rảnh, đeo đẳng làm gì thêm khổ?

Khổ mà biết là khổ để tìm phương pháp thoát ly ấy là kẻ trí. Khổ mà vẫn không biết là khổ, mà lại còn cho cái khổ là vui, thì thiệt là hết chỗ nói!

18. TỊNH TẾ NIỆM PHẬT

Đã là người có trí huệ thì đừng để bị mê hoặc, cần phải hết sức tịnh tế niệm Phật để cho trí huệ được thêm kiên cố.

Phải biết, người trí niệm Phật, thì thiên hạ sẽ có rất nhiều người niệm Phật. Người trí niệm Phật thời những kẻ tu hành theo ngoại đạo sẽ dễ trở về chánh đạo. Tại sao? Vì tiếng tăm của người trí có thể mở tỏ lòng dạ họ, vì có tác dụng trí của người trí cứu rỗi họ.

Lời phụ giải: Việc làm của người trí sẽ mang đến một ảnh hưởng tốt đẹp và hữu ích cho kẻ thấp hay thiếu trí, trong trường hợp việc làm ấy với ý nghiệp lành. Vậy nên người trí phải tỏ ra xứng đáng sự tin tưởng của mọi người, đừng nên để những việc ngu hèn, như thị dục thấp kém gạt gẫm.

Một người có quyền thế tu niệm, sẽ có ảnh hưởng thật tốt đẹp đến những kẻ chung quanh. Nhờ sự khôn khéo, sáng suốt, cộng vào đó sự tin tưởng mãnh liệt của người lân cận, mà người trí khả dĩ làm được những chuyện to tát có ảnh hưởng đến thế đạo, nhơn tâm. Làm một mà kết quả được nhiều, đó là điều của nhiều người mong muốn. Ấy thế mà nhiều kẻ có thể làm được lại không chịu làm, hay làm cho lấy có, thì thật là đáng tiếc rẻ lắm thay!

19. LÃO THẬT NIỆM PHẬT

Đã không cầu danh lợi, cũng không khoe tài năng, chắc thật tu hành thật là rất khó có người làm được.

Tổ sư dạy: Về phương diện tham thiền, bới tìm một người si độn cũng không có. Nay người niệm Phật chính lo mình không được si độn mà thôi. Hai chữ LÃO THẬT là một đại lộ thẳng tắp đưa người sang Tây phương vậy. Tại sao? Vì hai chữ LÃO THẬT là ngoài bốn chữ A-DI-ĐÀ PHẬT không thêm một mảy may vọng tưởng nào.

Lời phụ giải: Người nhứt tâm niệm Phật, không duyên ngoại cảnh, lòng không chao động trước bất cứ một khuấy rối nào, coi như tất cả không có gì dính líu đến mình, con người ấy bề ngoài hình như kẻ ngây ngô, si độn lắm, nhưng trái lại thật là sáng suốt, thật là thanh tịnh đó. Người như thế thật không phải dễ kiếm! Phương chi, trong pháp môn niệm Phật có câu: Niệm bất nhứt bất sanh Tịnh độ. Mà hễ niệm nhứt thì muôn duyên buông bỏ, chuyên ròng câu niệm Phật. Lòng ta niệm Phật cùng lòng Phật tương ưng, Tây phương không lìa đương niệm, không cần đoán xa xét rộng chi cả mà Phật cảnh vẫn hiện tiền. Hy hữu thay Pháp môn Tịnh độ!

20. ĐƯỢC ĐIỀU VUI MỪNG NÊN NHỚ NIỆM PHẬT

Hoặc nhân nơi người mà vui, hoặc nhân nơi việc mà mừng, mối manh tuy nhỏ nhít, nhưng đều là những cảnh vui vẻ của kiếp người. Song phải biết: Cái vui đó nó hư huyễn không thật, không thể còn lâu, vậy nên nương nơi giây phút tươi vui đó, xoay tâm niệm Phật, thời ắt được nhờ ánh hào quang của Phật, trong thuận cảnh ấy, bỏ dứt đi ít nhiều ác niệm, những điều tốt đẹp liên miên, như ý tu hành, mãi đến lúc mạng chung, sẽ được vãng sanh Cực lạc, há chẳng vui mừng lắm sao!

Lời phụ giải: Kiếp sống của ta vui ít khổ nhiều, có vui chăng chỉ là cái vui tạm bợ, chốc lát rồi qua đi, nhường chỗ cho điều đau khổ dày vò con người. Vậy thì cái vui có bền bỉ gì mà ta lại tự hào hay níu nắm nó.

Những điều vui vẻ đáng cho ta ưa thích, vì nó chân thật, thường còn ấy là cái vui Thanh tịnh của tự tâm – Cảnh Cực Lạc của Phật A-Di-Đà sẵn sàng đón tiếp những con người tự tâm được thanh tịnh. Về được đó rồi còn gì vui hơn?

21. HỨA NGUYỆN NIỆM PHẬT

Trì danh niệm Phật nguyện để cầu vãng sanh; nhưng oai quang của chư Phật không thể nghĩ bàn, hễ niệm danh hiệu của các Ngài thì sở nguyện đều tùy tâm. Vì lẽ đó, trong kinh dạy: Niệm Phật có 10 điều lợi ích. (Xin xem lời phụ giải ở pháp số 44).

Những việc cầu cúng quỷ thần, tạp tu sự sám, khấn hứa nhiều ác nguyện, tin xằng những việc bói toán, xâm quẻ, không bằng dùng phương pháp niệm Phật để cầu nguyện.

Có kẻ hỏi: Vả như niệm Phật mà không ứng nghiệm thì làm sao?

Đáp: Ông chưa niệm Phật mà đã lo không ứng nghiệm, chính cái nhân không ứng nghiệm đó sẽ đem cái kết quả không ứng nghiệm vậy. Nhân thế nào thì quả thế ấy, há không đáng sợ lắm sao!

Lời phụ giải: Phật là đấng đại từ, đại bi, đại trí, đại đức, tối tôn vô thượng, là bậc thầy của trời, người sáu đường. Thế thì, khi cầu nguyện sao không cầu nguyện nơi các ngài? Thật cũng đáng lấy làm lạ! Có lắm kẻ sợ ma quỷ yêu tinh hơn sợ Phật, có lẽ cho rằng Phật hiền mà quỷ dữ chăng? Hay tại lòng mình không chân chánh, vì có điều tội lỗi, vạy tà, nên lờn chánh, ngán tà? Người Phật tử hãy suy nghĩ cẩn thận điều này, kẻo mình là Phật tử lại vô tình làm đệ tử của ma!

22. NIỆM PHẬT ĐỂ CẦU CỞI MỞ

Phàm tất cả nghịch cảnh quanh ta, đều do trái duyên nên có hiện, (ta phải cố cam nhận chịu) không nên lại khởi ác niệm, để phải dẫn khởi oan trái đến mãi về sau không dứt.

Ta phải nên tùy thuận nhận lãnh, có thể tránh được thời tránh, dứt được thời dứt, chỉ tùy nhân duyên mà đừng quên niệm Phật.

Phật có vô lượng trí huệ, phước đức quang minh, ngài sẽ gia hộ cho ta; dù gặp nghịch duyên, trái cảnh, cũng chuyển thành thuận cảnh, thuận duyên ngay.

Lời phụ giải: “Oan gia nghi giải bất nghi kết”, đừng nên đem oán trả oán, thì oan trái mới dứt. Vậy, chỉ có pháp niệm Phật là ổn nhứt.

Ví dù muôn đắng ngàn cay,

Một câu niệm Phật tan ngay cấp kỳ!…

Niệm Phật dứt bỏ oán thù,

Lòng không hung dữ ngục tù đâu vương?…

Niệm Phật mở rộng lòng thương,

Oán thân bình đẳng tai ương có nào?…

23. HỔ THẸN, TỰ GẮNG NIỆM PHẬT

Phàm đời này hay kiếp trước, ác quả đã thành tựu, thì khổ báo ắt đến, mà một phần khổ ở đời này tức là một phần ác trong kiếp trước, không thể đổ thừa cho vận mạng bất tề, mà chỉ nên tự hổ phận mình chẳng sớm lo tu. Mỗi một khi tưởng Phật, tưởng như lông trong thân đều dựng đứng, năm vóc như rã rời, buồn thương, cảm mến, đau xót, không muốn sống. Như vậy thời mỗi câu, mỗi chữ, từ trong gan, tủy mà ra, mới là chân cảnh niệm Phật.

Ngày nay, kẻ tăng, người tục niệm Phật, hoặc miệng niệm mà tâm tán, hoặc chỉ nhiếp tâm lúc niệm, dứt niệm thì tâm mê. Lại có người đang lúc niệm Phật xen nói chuyện tạp. Thế thì dù niệm suốt đời cũng không linh cảm. Mọi người thấy vậy, cho rằng: Niệm Phật vãng sanh là những lời láo khoét. Lỗi ấy đâu phải do Phật sao?

Lời phụ giải: Ta cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, không hai không khác, thế mà các Ngài đã giác ngộ, sáng suốt bỏ giả theo chân, còn chúng ta lại cứ mãi nhận hư làm thật, bối giác hiệp trần, cam chịu quanh quẩn mãi trong vòng khổ lụy trần ai. Thật còn gì hổ thẹn cho bằng! Vậy nên phải vận dụng tận cùng năng lực, hết chí lo tu, lấy chết làm kỳ hạn, cầu thoát sanh tử, không còn nghĩ ngợi, đắm lụy trần ai, để phải nhiều kiếp trôi chìm trong sông mê, bể khổ.

24. KHẨN THIẾT NIỆM PHẬT

Phàm người ở trong tất cả hoàn cảnh khổ đáng thương, mà ta không thương, tất trái với nhân tình, nhưng ở trong tất cả hoàn cảnh đáng thương ta chỉ thương suông thì làm sao hợp được với tánh Phật? Đã thương thì phải tìm phương thoát khổ, phải tìm cách cho mọi người rốt ráo thoát khổ. Phải biết rằng: Phật sở dĩ được tôn xưng là ĐẤNG ĐẠI BI, vì Ngài hay cứu khổ cho chúng sanh. Ta do lòng từ bi niệm Phật là cốt cầu lòng từ bi của Phật ban cho, cứu vớt khổ não cho chúng ta, thì cái niệm đó phải khẩn thiết đến bực nào!

Lời phụ giải: Niệm Phật để cầu thoát sanh tử, mà sanh tử là cái vòng xích vô cùng kiên cố, vì nghiệp hoặc phiền não của chúng ta quá đỗi sâu dày, lại thêm tội chướng ngày càng chồng chất thêm lên, nếu niệm lực không kiên cố, tâm niệm không tha thiết chí thành, thì riêng mình nói đến chuyện giải thoát còn là chuyện xa vời, huống là muốn cứu khổ cho người sao? Vậy ta nên hết lòng khẩn thiết niệm Phật để mong được lòng từ bi chiếu cố của Phật, như con thơ tha thiết trông được về với từ mẫu. Họa chăng?

25. CÚNG DƯỜNG NIỆM PHẬT

Phàm gặp giai tiết (tiết đoan ngũ, tiết trung thu v.v…) hoặc ngày vía Phật, Bồ tát thì nên hương đăng hoa quả tùy phận cúng dường, nhưng đó chỉ là tài cúng, chưa phải pháp cúng. Pháp cúng thuộc về tâm, quý hơn tất cả tài cúng.

Gần đây, vì tà giáo thạnh hành, bày đặt các pháp cúng kiến, la liệt quả phẩm, tam sanh, heo, dê, gà, vịt có ích gì cho sự tu hành? Thậm chí, còn bày bố trận đồ, chiêu hồn dẫn quỷ, tà mị, dị đoan, càng làm cho hao tài tổn mạng, dối dá bậy bạ, phỉnh gạt người đời. Chỉ pháp môn niệm Phật thì vạn bịnh tiêu trừ không tốn không hao, lại ít người chịu biết đến.

Kính mong những trang thức giả đừng để bị lầm.

Lời phụ giải: Giết mạng sống của kẻ khác để cúng cầu cho mạng mình được sống, thật là hết sức ích kỷ và vô nhân đạo!

Câu: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát, bất dĩ tế hưởng nhi giáng phước, bất dĩ thất lễ nhi giáng họa” sao không suy xét cho kỹ càng. Thần thánh đâu vì của cũng như tham quan ăn hối lộ sao? Trời đất không có lòng tư vị ai, hễ làm lành thì hưởng quả tốt, làm dữ mắc báo xấu thế thôi. Các bậc thần minh thầm xét nghiệm những tâm niệm, hành vi thiện, ác của mình tùy thời răn phạt, nào phải vì ta cúng tế mà các Ngài bỏ qua những điều tội lỗi của ta đâu?
Hơn nữa, tâm mình ngay, thân mình chánh, có sợ gì mà phải bận tâm lo nghĩ?
Khi niệm Phật, Phật hiệu đã ngự trong tâm ta, lòng ta xứng hợp với lòng Phật, cùng xứng hợp một điển lực thanh tịnh, thì tà ma nào dám nhập? Nghe theo tà mị, dị đoan chỉ càng làm cho hàng thức giả chê cười, mà cũng lại chuốc lấy họa hại không ít do một số kẻ lợi dụng lòng tin tưởng và sợ sệt của ta. Vậy hãy suy nghiệm cho thật chín chắn.

26. NIỆM PHẬT ÐỂ BÁO ÂN CHA MẸ

Ân của cha mẹ là cái ân to lớn nhứt phải làm sao báo đáp? Cung phụng tất cả những thức uống ăn, lập công danh để hiển đạt phụ mẫu, chỉ là phép báo đáp của thế gian; mặc dầu không phải là bất thiện, song xét cho tột thì đây chưa phải trọn vẹn (vì dù sao cũng vẫn còn trong vòng khổ lụy của kiếp người). Chỉ có cách là ta niệm Phật và khuyên cha mẹ niệm Phật, đem công đức ấy hồi hướng Tây phương, đó là gieo một hột giống kim cương, về sau ta và cha mẹ cùng tự được giải thoát. Huống chi một câu niệm Phật lại có thể tiêu được vô biên tội chướng. Những ai muốn báo thâm ân cha mẹ, không thể không biết pháp này.

Lời phụ giải: Cung phụng cha mẹ về mặt vật chất, nào quạt nồng, ấp lạnh, món ngon vật lạ, áo ấm cơm no, đó mới chỉ là cái hiếu thế gian mà thôi. Nếu không lo tu nhơn xuất thế, tất phải đọa

lạc tam đồ, quanh đi quẩn lại sanh tử không cùng, sao gọi là báo hiếu trọn vẹn được? Thế tất phải tìm cách nào cho rốt ráo? Chỉ có Pháp môn Tịnh độ Niệm Phật, cầu sau khi xả báo thân này, nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Ðà mà được cùng vãng sanh Cực Lạc. Nhờ chiếc thuyền nguyện lực của Phật, bao nhiêu tội chướng của chúng ta dù nặng như đá cũng nương đó mà qua sông dễ dàng. Thế thì công ít mà quả to, ta còn chần chờ gì nữa?

27. BỐ THÍ BẰNG CÁCH NIỆM PHẬT

Phàm thấy người khổ não, trước phải giúp cho họ an thân (cho cơm, cho áo) rồi sau mới an ủi khuyên họ niệm Phật. Bởi vì cứu cái khổ trong nhứt thời, bố thí là gấp, mà cứu cái khổ nhiều kiếp, phương pháp niệm Phật lại gấp hơn. Hoặc thấy người hay vật bị nạn, sức mình không cứu rỗi được phải gấp niệm Phật cầu an cho hồn thức ấy. Hoặc đêm thanh tụng niệm cầu nguyện cho mọi loài thoát khỏi tai ương. Gặp lúc đao binh, tật dịch, năm canh trì niệm Phật danh, cầu cho chúng sanh được tiêu trừ mọi oan khổ.

Nên quán tưởng: Một câu A Di Ðà Phật của ta đây, trên tột trời Hữu đảnh dưới suốt đáy phong luân mọi loài chúng sanh một thời đều được lợi ích. Cách bố thí đó thật không thể nghĩ bàn vậy.
Lời phụ giải: Trước cho ăn no, mặc ấm để đỡ khổ phần xác, sau khuyên bảo niệm Phật để cứu rỗi linh hồn. Gặp nhiều trường hợp mà sức ta vô khả nại hà, chỉ nên nhứt tâm niệm Phật, vận dùng tất cả điển lành của mình chí hướng về kẻ ấy, cầu nguyện cho họ thoát khỏi khổ lụy của kiếp sống triền miên, giải thoát an nhàn nơi thiện cảnh. Một câu niệm Phật diệt oan khiên.
28. TỰ TÂM NIỆM, TỰ TÂM NGHE

Tâm tưởng, rồi mới động đến lưỡi, lưỡi khua động thành tiếng lại trở vào tự tâm, là pháp: Tâm niệm tâm nghe vậy. Mà hễ tâm niệm tâm nghe thời mắt không thể thấy bậy, mũi không thể ngửi bậy, thân không thể động bậy, vị chủ nhơn ông (tự tâm) đã bị bốn chữ A Di Ðà Phật bắt cóc mất rồi.

Lời phụ giải: Niệm tức là niệm tự tâm Phật, tai nghe tiếng niệm là nghe tiếng của tự tâm, tiếng ấy từ tự tâm mà ra, rồi lại chạy ngược vào tự tâm, xoây vòng như vậy, thời một mảy vọng tưởng cũng không còn, tất cả vọng trần, vọng cảnh cũng từ đấy mà diệt.

Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật

Tham thiền tham tánh, tánh tham thiền.

29. NIỆM PHẬT TRONG TIẾNG NIỆM

Tiếng niệm Phật đã thuần thục rồi, thời trong sáu trần chỉ còn một thinh trần. Tất cả sáu căn hoàn toàn gởi nơi nhĩ căn (lổ tai). Thân cũng không còn cảm biết tới lui, lưỡi cũng không còn biết khua động, ý cũng không còn cảm biết phân biệt, mũi cũng không còn cảm biết hít thở, mắt cũng không còn cảm thấy mở nhắm. Hai thứ viên thông của hai ngài Quán Âm và Thế Chí cũng tức là một, không chi là chẳng viên và chẳng chi là không thông cả. Vì căn tức là trần, trần tức là căn, căn và trần tức là thức. Mười tám giới đều dung hợp thành một giới. Trước chưa được thuần, lâu sau sẽ dần dần thâm nhập.

Phàm trong khi niệm Phật, phải lựa một chỗ vắng, yên, sạch sẽ, khoảng 4,5 thước vuông, đi nhiễu một vòng theo phía tay mặt, rồi sau từ từ cất tiếng niệm Phật, tiếng cao lên dần dần, niệm như vậy độ 3 vòng trở lên sẽ tự cảm thấy tâm, tiếng to bay vòng quanh khắp thái hư, bao bọc cả 10 phương, trùm đầy toàn pháp giới. Ðó là cách an trụ thân tâm, thế giới vào trong tiếng niệm Phật, và đó là đem thân, tâm của mình an trụ trong tiếng niệm Phật mà niệm Phật. Ðây là cảnh thù thắng để tiêu diệt tâm địa phiền não nhơ trược, hành giả cần phải gắng tập cho kỳ được. (Bài này chỉ vẽ rõ ràng, không cần phụ giải)

30. NIỆM PHẬT TRONG ÁNH SÁNG CỦA TỰ TÂM

Phàm tiếng là tiếng của tự tâm, thì ánh sáng cũng là ánh sáng của tự tâm. Hễ tiếng của tự tâm quanh lộn ở chỗ nào thì ánh sáng của tự tâm phóng ra ở chỗ ấy; nếu ta an trụ trong tiếng của tự tâm mà niệm Phật, tức là an trụ trong ánh sáng của tự tâm mà niệm Phật vậy. Ðây cũng là cảnh thù thắng diệt được lòng tham phiền não nhơ bẩn, hành giả nên gắng siêng tu tập.

31. NIỆM PHẬT TRONG THỂ CỦA TỰ TÂM

lang_que.jpg


Tiếng nói của tự tâm vòng quây và ánh sáng tự tâm chiếu phát, tự nhiên tâm thể phơi bày. Một chơn tâm này như tấm gương tròn lớn (Ðại viên cảnh) rỗng thông sáng suốt, không gì ngăn ngại, mười phương, ba đời, ta, Phật, và chúng sanh, vòng khổ của đời trược, đài sen nơi cảnh tịnh đều là bóng trong gương cả. Cho nên niệm Phật trong tiếng tức trong ánh sáng, trong ánh sáng tức trong gương không phải một, khác. Ðây cũng là cảnh thù thắng tột cùng, diệt hẳn được tâm nhơ, cần phải gia công hết lòng tu tập.

Lời phụ giải: Tâm thể vốn luôn luôn thanh tịnh (tịch), nhưng hằng phát khởi diệu dụng sai thù (chiếu). Khi chúng ta nhận được toàn thể đại dụng không ngoài tánh thể thường như, thì bấy giờ, tâm, Phật và chúng sanh vốn chỉ là một, rỗng thông, sáng suốt, không gì ngăn ngại. Thật hành pháp niệm Phật mà đạt được như đây, thật quả là bậc đại căn tánh vậy! Muôn pháp đều chỉ là bóng hình trong gương, vốn dĩ hư huyễn, tự sanh, tự diệt, đâu can phạm gì đến tánh thể tự cổ thường như, bất sanh bất diệt của chơn tâm. Thấu triệt được lý này ắt đã thoát được ngoài dòng cương tỏa của không gian và thời gian rồi vậy.

32. KHÔNG DỨT

Buổi sáng niệm, buổi tối cũng niệm; vô sự niệm, hữu sự cũng niệm; chỗ sạch niệm, chỗ nhơ vẫn niệm, không một niệm nào mà không phải là niệm Phật. Giả sử hàng ngày có sự thù tiếp bạn bè, đãi đằng khách khứa, có lúc gián đoạn, nhưng chỉ gián đoạn thinh niệm, chớ không thể gián đoạn được tâm niệm. Niệm Phật mà công phu đến thế, thì dễ thành Tam muội lắm.
33. KHÔNG TẠP

Không xen tạp niệm tức là Chỉ, Chỉ là nhơn của Ðịnh, dừng được tạp niệm, thì chánh niệm (định) tự nhiên phát hiện.

Tạp niệm có 3: Thiện, ác, và vô ký, trừ hết ba thứ mới là không tạp. Tâm cần vắng lặng, vắng lặng thời các niệm thiện, ác không sanh. Tâm cần sáng suốt, sáng suốt thời vô ký niệm không có.
Ngoài Phật không có niệm nên tường vắng lặng, trong niệm có Phật nên thường sáng suốt rõ ràng.
34. KHÔNG DỪNG

Không dừng tức là Quán, Quán là nhơn của Huệ. Câu (niệm Phật) trước đã qua, câu sau chưa đến, câu hiện tại cũng không dừng. Cứ thế mà quán sát, rõ ràng nhưng không thể được (không câu chấp), không thể được nhưng lại rõ ràng. Ðuổi như vậy mãi sẽ thấu đạt lẽ vạn pháp duy tâm, tức Phật tức tâm, tức tâm tức Phật.

Lời phụ giải: (cho cả ba pháp trên) Niệm Phật tức niệm tự tâm Phật, cho nên không ngại gì chỗ nhơ sạch. Lại chúng sanh vốn đồng một thể tánh chơn tâm với Phật, vì vọng động bất giác nên để tánh Phật vốn sẵn sáng suốt phải bị phiền não vô minh che lấp, làm cho mê tối đảo điên, càng ngày càng chạy theo vọng trần vọng cảnh, xa lần thật thể, nhận giả làm chân; bấy giờ nhất niệm giác ngộ quay về ánh sáng của tâm, thì dễ gì trong một ít thời gian mà có thể bôi xóa đi được những phiền não đen tối vốn nhuộm đậm từ lâu. Thế nên, chúng ta cần phải luôn luôn liên tục theo dõi câu niệm Phật (niệm Phật tức niệm tự tâm Phật) Phật niệm liên tục mãi mãi thì chúng sanh niệm không còn, thế nên dù có bận rộn gì cũng chỉ gián đoạn được thinh niệm mà thôi, chớ làm sao ràng buộc được tâm niệm bên trong của chúng ta? Khi mà tâm chúng ta thuần một Phật niệm thì tạp niệm đâu còn? Tạp niệm bặt dứt (gió dừng) tâm không còn bị gì làm chao động nữa, bấy giờ tự tâm an nhiên tại định (nước lặng) thì muôn tượng hiện bày, không thiếu sót một mảy may, bấy giờ vạn pháp đương nhiên hiển lộ, tự tâm quán chiếu một cách thần diệu phi thường (huệ). Hành giả thật hành pháp môn niệm Phật được như đây quả đã đạt đến viên mãn cứu cánh rồi vậy.

35. TỨC THIỀN TỨC PHẬT

Hoặc khởi từ một câu thoại đầu gọi là tham thiền, hoặc ngồi mà dứt niệm gọi là tọa thiền. Tham hay tọa đều là Thiền cả, Thiền hay Phật đều là tâm cả. Thiền tức là Thiền của Phật. Phật tức là Phật của Thiền. Pháp môn niệm Phật đâu có gì ngại với pháp tham thiền, tọa thiền? Vả lại, người tham thiền có thể dùng bốn chữ A Di Ðà Phật làm một câu thoại đầu, niệm đến, niệm lui, niệm xuôi, niệm ngược, trở lại, xoây qua không rời đương niệm, mặc dù không nói tham thiền, mà thiền ở trong đó rồi. Người tọa thiền cần phải đến giai đoạn một niệm tương ưng, hoát nhiên như vinh vào hỗ hư không, mới là Ðắc thủ. Niệm Phật đến lúc nhứt tâm bất loạn, không phải là tương ưng là gì?

Niệm đến lúc tâm không, không phải vĩnh viễn tương ưng sao? Trong lúc niệm Phật, không hôn trầm, không tán loạn, chỉ, quán, định, huệ mỗi niệm viên thành; nếu muốn tìm thiền, thiền ở đâu nữa?

Lời phụ giải: Thiền tức Tịnh vì Thiền hay Tịnh đều cầu đạt mục đích nhứt tâm bất loạn, phương tiện tuy hai, nhưng kết quả vẫn một, mà Thiền thì khó thập bội! Trong Quy ngươn trực chỉ có đoạn thí dụ người tu các pháp môn khác, như thiền v.v… mà đi đến mục đích, khác nào như con kiến bò lên núi cao, như con mọt đục từng mắt tre mà lên, từ gốc cho đến tận ngọn.   Pháp môn Tịnh độ niệm Phật thẳng tắt nhờ tha lực, như thuyền thuận buồm, xuôi nước, như con mọt đục ngang cây tre mà ra, còn gì nhanh chóng hơn!

36. TỨC GIỚI TỨC PHẬT

Trì giới luật của Phật để trị thân, trì danh hiệu của Phật để trị tâm. Trì lâu thì thân thuần, niệm lâu được tâm không. Tánh của niệm hay tánh của giới không hai; luôn luôn trì giới thì tội lỗi không hiện, luôn luôn niệm Phật, thời lúc lâm chung đánh tan được quỷ môn quan, vượt khỏi ba cõi. Nếu giữ giới đã có công phu, liền đem công đức này hồi hướng Tây phương, chắc được về trung phẩm. Còn như chưa có thể giữ trọn cả hai, thời nên phải siêng niệm Phật, như cứu lửa cháy đầu.

Lời phụ giải: Trì giới cốt làm cho tự tâm thanh tịnh, vì không gây tội lỗi, không có hối hận. Niệm Phật cũng cốt cho thanh tịnh tự tâm. Vậy nên trì giới tức là niệm Phật. Nhưng niệm Phật là phương tiện thiết yếu hơn khi người chưa giữ giới được trọn vẹn. Thế nên ta hãy cấp tốc niệm Phật, để cho tâm tịnh rồi thì tự nhiên giới được thanh tịnh.

37. TỨC GIÁO TỨC PHẬT

Một Đại tạng kinh đều từ tâm khởi, tâm nếu không Phật thì giáo lý cũng luống mà thôi. Nhưng có tâm ai mà không Phật? Chỉ vì tự mình không niệm vậy. Người có học giáo lý, ắt có coi kinh Lăng Nghiêm, mà có coi kinh Lăng Nghiêm, ắt có kẻ chê đức Thế Chí mà trọng đức Quán Âm.

Một chút chấp trước đó cũng đủ kết thành nguồn gốc sanh tử, dù học hay, thấy xa, hiểu rộng, chẳng qua chỉ giúp cho cái mầm khổ thêm tươi mà thôi, không giúp ích được gì trong việc thoát ly sanh tử. Xin hãy mau mau bỏ đi, bỏ tất cả, để tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, gần gũi đức Di Đà. Còn nếu không buông bỏ được thì hãy đem công đức học kinh, giảng thuyết này, hồi hướng Tây phương, phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn, cũng được kết quả không luống. Thoảng hoặc hoằng dương được pháp môn Tịnh độ, nói cho người ta hiểu công đức niệm Phật, thời nháy mắt, động niệm đều là trang nghiêm Tịnh độ, thế thì được vãng sanh thượng phẩm đâu còn nghi gì?

Lời phụ giải: Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Chí tu niệm Phật tam muội đắc nhập viên thông, còn đức Quán Thế Âm tu nhĩ căn mà được chứng viên thông, hai vị đồng chứng viên thông như nhau… nhưng vì theo căn tánh tương hợp của chúng sanh ta bà mà khi vâng lời Phật tuyển trạch viên căn, đức Văn Thù phải chọn nhĩ căn của đức Quán Âm là đệ nhứt, nếu không hiểu hoặc chấp giáo, cho là đức Quán Âm hơn đức Thế Chí, tất sai với tinh thần giáo điển. Thế là vì chấp giáo lý mà có sanh phân biệt hơn kém do cái ngã kiến sẵn có từ hồi nào đến giờ, làm cho ta mê mờ dễ sanh dị kiến, dễ tạo điều khổ ngay trong tự tâm và cái khổ vẫn gắn bó mãi mãi đến vô tận. Thật nguy hiểm thay!

Học, hiểu, giảng hay, nói giỏi mà cứ bị gò bó trong sự học, hiểu, đầu óc phải bị chi li, phiền toái trong văn tự, ngôn ngữ, có khác gì con tằm mắc trong cái kén, rồi cũng đến chết trong đó mà thôi!

Chi bằng đem hết thân mạng để trang nghiêm Tịnh độ, hay dùng cách lão thật niệm Phật cầu sanh Cực lạc còn hơn, cứ nói Thánh, nói tướng, bàn ra tán vào, luận dọc luận ngang, đều làm rối đạo niệm, không ích gì cho việc thoát ly sanh tử cả!

Thoảng hoặc tận dụng sở học, sở hiểu cùng tất cả khả năng ra xiển dương pháp môn Tịnh độ, hay rộng tán thán công đức niệm Phật, phương tiện diễn dụ khắp ba căn đồng tu hành niệm Phật tam muội, thời thật ngày vãng sanh về Cực lạc không xa mấy đâu!

38. KHÔNG TRÌ MÀ TRÌ

Khi vừa làm xong một việc gì, hay lúc nói dứt một lời nào, còn chưa kịp đá động đến câu niệm Phật, nhưng bốn chữ hồng danh của Phật đã nổi hiện lên ngay. Đây là trạng thái dễ thành tam muội (chánh định).

39. TRÌ MÀ KHÔNG TRÌ

Trì danh niệm Phật không mỏi chán, khoan khoái lại càng khoan khoái hơn.

Trong lúc niệm Phật, trì niệm bốn chữ thật rõ ràng, niệm đầu không lay động, bốn chữ bỗng nhiên tạm dừng. Cũng không phải có cái niệm tức bốn chữ, cũng không có cái niệm ngoài bốn chữ, như thế có thể tạm gọi là được thắng cảnh, chớ chưa phải thật tâm không. Nhưng siêng năng niệm Phật, cảnh này thường hiện, thời dần được tâm không, nếu nhơn một niệm tâm không liền bị hôn trầm, thì gọi là không có huệ.

Phải biết rằng: Tâm càng không thời niệm càng linh, tâm càng không thời niệm càng tịnh, đem cái ta trong tâm Phật mà niệm Phật ở trong tâm ta, không và bất không (có) đâu còn xứ sở? Ví như mặt trời, mặt trăng rực rỡ nơi bửu cung, vòng quanh núi Tu di, châu lưu chiếu thiên hạ.

Ôi! Còn gì bằng Diệu giác được viên minh!

Lời phụ giải: (cho cả hai pháp trên) Niệm Phật khi đã đến mức vô công dụng thì tự tại vô ngại, không cần dụng công, không cần tác ý, không niệm mà vẫn không lìa niệm, có niệm cũng không lìa thể vô niệm của tự tâm.

Như khi chúng ta mới tập đi xe đạp, thì cả đầu, mình, hai tay, hai chân đều như vận dụng tất cả, thế mà xe vẫn nghiêng ngã, lủi đây lủi kia, quanh qua lộn lại, thế mà khi ta đã thuần thục, tay không cần cầm, thân không cần uốn, chân đạp tự nhiên, không dụng công gì mà chiếc xe chạy ngay đi thẳng, không khó khăn như khi ta mới tập.

“Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên”. Ơû trên đời không có gì là khó, là không làm được, chỉ sợ ta không làm và có làm lại không bền chí, thì chung quy việc gì cũng chẳng ra việc gì cả. Thế mới đáng ân hận!

40. CÔ THÂN NIỆM PHẬT

Tỳ kheo tu hành không cần bạn lữ. Cảnh niệm Phật càng cô tịch càng hay! Cao thấp tùy hợp, huởn gấp tùy phần, cốt mong cầu được thành một khối (nhất tâm). Chính lúc bấy giờ nên biết: thân côi nhưng tâm không côi, vì, tâm của chư Phật và đức Di-Đà chưa từng tạm rời ta. Móng lòng là Phật biết, khởi niệm thì Phật hay, lo gì cô tịch? Nếu pháp môn Tịnh độ còn điều gì chưa thật hiểu rõ, nên tìm kinh sách Tịnh độ mà coi. Như kinh A-Di-Đà, kinh Quán Vô lượng thọ, Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Thập Nghi Luận, Thiên Như Hòa Thượng Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Hựu Thiền Sư Tịnh Độ Chỉ Quy, Long Thơ Tịnh Độ Văn, Tịnh Độ Thần Chung, Tây Phương Công Cứ, Tây Phương Xác Chỉ, Di Đà Sớ Sao,v.v… Đây chỉ dẫn một ít điều rõ ràng dễ hiểu, ngoài ra, còn nhiều thứ hay ho hơn,không kể xiết. Nên tìm học hỏi nơi các bậc cao minh thông hiểu Tịnh độ.

Lời phụ giải: Người tu hành cần nơi vắng vẻ để cho tâm được chuyên, nhất là tu Tịnh độ. Vì không nhất tâm tức không thể sanh Tịnh độ, mà muốn nhứt tâm, đầu tiên phải tìm chỗ yên lặng để lắng tâm tư. Như mặt nước có đứng lặng thì muôn sao mới hiện, mà muốn mặt nước lặng không gì hơn là đừng có gió. Khi đã nhập vào thể tịch của tự tâm tức đã nhập vào pháp giới thân của chư Phật, bấy giờ không chỉ là một ngọn đèn huệ của ta độc hiện, mà đã hòa đồng cùng vô lượng vô biên huệ đăng của mười phương chư Phật, ai bảo là cô tịch? Chỉ sợ ta dại dột không hiểu, mãi lo đua chen chốn trần tục lao xao, đến khi bỏ xác thân này, lại một mình một bóng thui thủi vào chốn Địa ngục A tỳ, đấy mới thiệt là cô tịch!

41. KẾT KỲ NIỆM PHẬT

Kết kỳ là kết thất (7 ngày làm một kỳ); nếu kết kỳ một mình, thì nên sắm 4 thứ để ăn: cơm khô, trái cây, gừng sống, dầu mè; 8 thứ để dùng: lư hương, đèn dầu, bồ đoàn (đồ để ngồi thiền), ghế dựa, áo bông (đồ ấm), khăn hay mũ, thùng vệ sinh, giấy vệ sinh (giấy sút). Ngoài 12 thứ đó, không để một thứ gì cả. Có thể trong suốt một tuần, không cho ai lai vãng, để rảnh rang niệm Phật.

Nếu có 5, 6 người đồng phát tâm kết kỳ niệm Phật, thời cần phải thỉnh một vị hộ thất, lập quy điều cho nghiêm chỉnh dán ở trước cửa.

Tất cả mọi cử động, uống ăn, hương hoa đăng quả, đều do vị hộ thất cung cấp đầy đủ, thời những người đồng thất cũng có thể suốt trong bảy ngày, chí tâm niệm Phật. Nếu còn hạn cuộc trong tình chấp buộc ràng, chưa biết những điều lợi hại của việc tu hành, thì đừng nên sớm khinh suất mà làm việc này.

Lời phụ giải: Sợ không vào thất hết kỳ, thì bao nhiêu công chuyện ngoài đời, hoặc khách khứa bạn bè, không sao được yên tĩnh mà niệm Phật. Thế nên cần phải kết kỳ, tức là lập thế trốn khách, trốn việc vậy. Những thứ cần dùng phải sắm đủ, để khỏi phải bận tâm, không nghĩ móng, hoặc nhờ nhõi người ngoài, hầu yên tâm niệm Phật. Đây chỉ nói đến bảy ngày, nhưng nếu người nhiều phương tiện, hoặc rảnh rang, có thể kết hai, hoặc ba thất, v.v… không hạn cuộc. Khi đã quyết định, thì đừng để ngoại sự chi phối, rồi nửa chừng dở thất, nếu chưa hết kỳ mà vội mở cửa, thì thật là chua! Nên biết rằng: người tu, càng tu nhiều ma càng khảo nhiều, nên không thể lơ mơ được, bởi thế nên phải hiểu và phải nhận định kỹ trước khi làm, không thì thua cuộc mà hỏng việc, lại để cười cho kẻ bàng quan.

42. TỤ HỘI NIỆM PHẬT

Bốn, năm người hẹn nhau hội họp tu pháp niệm Phật. Trước hết phải đặt điều ước, trật tự, sau mới bắt đầu niệm. Lúc đầu niệm thì một tiếng mõ một tiếng niệm, một người xướng bao nhiêu người niệm theo, đều đều, không nên so le, lộn xộn, mà làm loạn động tâm người đồng niệm.

(Pháp này không kết thất như pháp trên, mà tùy phương tiện tu tập, thế thôi, bao nhiêu ngày cũng không hạn cuộc.)

43. NIỆM PHẬT ĐỂ THÀNH TỰU CHO NGƯỜI

Hoặc ở yên một chỗ niệm Phật mà cầu nguyện cho người, hoặc đồng với người khác kết kỳ niệm Phật. Hoặc đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy cho người biết, hoặc cho người mượn sách tịnh độ mà xem, hoặc phá những mối nghi lầm của người khác trong pháp môn này, hoặc khuyên người bền chí niệm Phật, những việc ấy đều tốt và đều có công đức cả.

Nhưng nếu người trong lúc lâm chung mà có mình đến hộ niệm, khiến cho người bịnh luôn nhớ câu niệm Phật, vừa nhớ vừa niệm, làm cho người ấy sau khi tắt hơi rồi được vãng sanh về cõi Tây phương, đó là thành tựu pháp thân huệ mạng cho người, công đức này lại càng thù thắng hơn!

( Pháp này không có gì là khó hiểu cả)

44. KHI CÓ TAI NẠN NÊN NIỆM PHẬT

Phàm lúc xảy ra tai nạn, mà nhớ phát tâm niệm Phật, tất có kỳ ứng (Ứng nghiệm lạ thường). Tuy rằng một nước có bị can qua hay một làng bị dịch lệ, mà niệm Phật để cầu, thì một người niệm một người an, trăm người niệm trăm người an. Không phải Phật có lòng riêng, lúc nào cũng ở trong ánh sáng bình đẳng, vô tâm mà ứng hiện. Vì sao? Vì động niệm thành tiếng tự mình rõ biết hào quang của đức Phật A-Di-Đà trụ trên đỉnh đầu ta, thời tự nhiên mỗi niệm đầy đủ, mỗi ni?m bền chắc, mỗi niệm dài lâu, thời hào quang của Phật chiếu đến gia hộ, các vị thiên thần độ trì, tự mình có thể lìa khỏi nạn tai, xin đừng chuyển niệm.

Lời phụ giải: Có người bảo: niệm Phật làm sao dứt được nạn này, nạn khác. Đó là tại vì mình không tha thiết hay niệm mà lòng vẫn nghi ngờ, thì bao nhiêu đó cũng chứng tỏ không đem kết quả tốt đến cho mình rồi. Nên hiểu rằng: Tâm mình lúc bấy giờ chỉ nghĩ có một chuyện niệm Phật, ngoài ra không còn nghĩ gì khác, một niệm quên thân, một niệm an tâm ấy càng kéo dài, thì khổ nào đày ải ta được? Câu “Linh tại ngã bất linh tại ngã”có ý vị lắm thay! Một người rồi bắt đầu nhiều người niệm Phật tức là chuyển ác niệm thành thiện niệm cả, thiện niệm ấy càng kéo dài, thì tai nạn nào mà không khỏi, tội khổ gì mà chẳng an?

Ngoài ra, trong kinh ghi 10 điều lợi ích của sự niệm Phật, tôi xin kính chép ra đây để quý vị tin mà cố gắng:

  1. Ngày đêm thường được các vị đại lực thần tướng của các cõi Trời ẩn hình ủng hộ.
  2. Thường được đức Quán Thế Âm Bồ Tát và các vị Bồ Tát khác ủng hộ.
  3. Phật Di-Đà thường phóng ánh quang minh mà nhiếp thọ người niệm Phật.
  4. Hết thảy các loài ác quỉ, rắn độc, thuốc độc không thể hại được.
  5. Không mắc phải tất cả nạn nước, lửa, đao, binh, hoạnh tử, uổng tử, lao ngục, v.v…
  6. Những tội lỗi đã làm về trước đều được tiêu diệt.
  7. Đêm nằm chiêm bao không thấy điềm dữ, thường được thấy Phật, Bồ Tát, hào quang, hoa sen,…
  8. Tâm thường vui mừng và làm việc gì cũng được kiết lợi.
  9. Thường được mọi người thương mến và cung kính cúng dường.
  10. Lúc gần thác lòng không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, tự mình thấy Phật và Bồ Tát phóng quang tiếp dẫn vãng sanh Tây phương Cực lạc.

45. NIỆM PHẬT TRONG LÚC CHIÊM BAO

Nguyện lực bền chắc, công phu tinh thuần, ban ngày giữ niệm khăng khăng, ban đêm vẫn giữ niệm khư khư, thời trong giấc chiêm bao tự mình có thể niệm Phật, đó là triệu chứng sắp vãng sanh, vậy phải giữ điều hòa và cố gắng lên mãi, đừng lui, đừng loạn.

Lời phụ giải: Niệm Phật đến giai đoạn này, thật đã khá tinh thuần. Có nhiều người niệm được ban đêm, ban ngày không, lúc thức niệm lúc ngủ không. Như vậy tất còn gián đoạn, do công phu chưa thuần. Phải tập thế nào: luôn luôn giữ niệm niệm Phật, dù khi thức hay lúc chiêm bao. Muốn tập điều này, thì trước khi đi ngủ hãy cố niệm Phật đến khi nào ngủ mòm mới thôi, lại trước khi lên giường phải đánh thức tâm niệm niệm Phật bằng cách tự dặn dò: muốn thoát ly sanh tử không gì hơn ngươi phải luôn luôn nhớ niệm Phật, dù khi thức hay lúc ngủ. Mỗi hôm nhớ dặn thế, sẽ quen dần dần, tự nhiên có kết quả. Quý vị muốn khuya thức dậy đúng giờ, nên tập theo cách này: trước khi đi ngủ phải dặn thành tiếng: Đúng 5 giờ (hay 4 giờ tùy) phải thức dậy, nói đôi ba lần như thế, sáng ra sẽ thức dậy đúng giờ; nhưng nên nhớ một vài ngày đầu có khi bị xê dịch ít nhiều, vì ý niệm chưa thuần, nhưng sau đó thì sẽ thức đúng dần dần, rồi thì đúng hẳn, mười hôm như một. Điều này gọi là tập quen thành lệ chứ không có gì lạ cả.

46. NIỆM PHẬT TRONG LÚC BỊNH

Bịnh là cơ sắp chết, chết là mối quan hệ của các thánh, phàm, tịnh, uế. Trong lúc bịnh (bịnh nặng) phải khởi tưởng niệm là sẽ chết (để không sợ chết). Phải siêng niệm Phật, quyết định chờ chết, ắt có hào quang của Phật đến tiếp dẫn, làm toại chí nguyện vãng sanh của ta. Nếu trong lúc bịnh, dừng không niệm Phật, thì tất cả sự ái luyến, sợ sệt, phiền não hiện lên rần rần, các thứ tạp niệm nhứt tề chổi dậy. Thế thì con đường sanh tử lấy gì cứu vớt? Ngày xưa, có một vị Tăng bịnh nặng, rên thành tiếng “Ôi cha”. Bỗng tự biết người tu lúc nghĩ nhớ đến đạo mà lại rên như thế là sái, liền khởi niệm A-Di-Đà Phật. Nhưng cơn đau không chịu dứt. Nên một tiếng rên “ôi cha” là một tiếng niệm Phật tiếp theo, ngày đêm không dứt. Khi bịnh lành, thầy bảo mọi người: Trong lúc bịnh tôi rên thành tiếng “ôi cha” và chen một tiếng niệm A-Di-Đà Phật, hôm nay bịnh lành, tiếng A-Di-Đà Phật hiện mà còn tiếng rên “ôi cha” chẳng biết biến đâu.

Hy hữu thay ! Đây là trường hợp tinh tấn trong lúc bịnh vậy.

Lời phụ giải: Ở đời, có ai khỏi chết, thế mà có kẻ sợ chết đến thành đớn hèn, hay tham sống đến quên chết, thật khổ thay!

Sợ chết rồi cũng không thoát chết, thì có sợ cũng bằng thừa. Ngày xưa có nhiều vị làm những chuyện có thể gọi là đáng buồn cười, thế mà thật là ý vị: Sắm sẵn một cái hòm (quan tài), đêm đêm vào ngủ trong ấy, thật là một việc mà người đời ai cũng sợ. Một người thân, rất thân, vừa mới dứt hơi, có kẻ đã không dám léo hánh đến gần, đừng nói dở mặt để xem. Vào ngủ trong hòm, cho biết rằng vị ấy coi cái chết như một giấc ngủ, không có gì đáng sợ. Hơn nữa để thấy rằng: Cái chết nó sẵn sàng đến với ta bất cứ lúc nào, để mà, không phải sợ chết, chỉ cố lo vun quén cho mình một kiếp sống không bao giờ chết: Con đường giải thoát. Vậy chúng ta hãy cố mà niệm Phật đừng sợ chết, vì cái chết của một xác thân này chỉ là một cái cổi lốt tạm của vô lượng thân vô thường biến chuyển về sau, nếu ta chưa được giải thoát!

47. PHÚT LÂM CHUNG NÊN NIỆM PHẬT

Phút lâm chung nên cố gắng ghi nhớ bốn chữ A-Di-Đà Phật đừng để sót quên. Nếu niệm lớn được thời niệm, còn không niệm lớn được thì niệm nhỏ. Trường hợp lớn nhỏ đều không niệm được (vì quá mệt), thì nên ghi khắc, thầm tưởng bốn chữ trong thâm tâm, đừng cho quên sót.

Những người hầu hạ chung quanh phải thường nhắc nhở, khuyến khích người bịnh nhớ Phật, niệm Phật.

Phải biết rằng: trong nhiều đời, nhiều kiếp, sở dĩ ta bị loạn niệm trong lúc này (gần chết) mà phải luân hồi mãi trong vòng ba cõi. Tại sao? Vì sanh tử, luân hồi đều do nhứt niệm làm chủ, nếu nhứt niệm chuyên chú niệm Phật, thì thân tuy chết nhưng tâm thần không tán loạn, liền theo nhứt niệm ấy mà vãng sinh tịnh độ.

Vậy nên hãy nhứt tâm ghi nhớ bốn chữ A-Di-Đà-Phật đừng quên!

Lời phụ giải: Người tu tịnh độ khi gần mạng chung, nên phải dự tính rằng:

Phút lâm chung là điều quan trọng cuối cùng của đời người tu hành niệm Phật; nếu giữ gìn không kỹ, vận dụng không khéo, thì chẳng những luống uổng công phu trong một đời mà lại vẫn mang cái khổ lụy luân hồi sanh tử, không sao tránh khỏi. Huống chi thân ta đây do nơi nghiệp thức, nhờ chút tinh cha, huyết mẹ tạo nên, hễ có hình phải có hoại, có sanh tất có tử, thật không vĩnh viễn tồn tại!

Còn cõi ta ở đây, đầy đủ uế trược, ác hiểm, cũng từ nơi vọng nghiệp nhơ bẩn mà sanh, không phải là cảnh thanh tịnh, an nhàn, đáng cho ta quyến luyến. Ngày nay ta nhứt tâm niệm Phật cầu khi bỏ thân này, được vãng sanh Tây phương Cực lạc, chẳng khác nào bỏ áo cũ dơ, mặc áo mới sạch, thì còn mong gì hơn nữa.

Nếu suy nghĩ, dự tính được như thế, thì đến khi sắp chết, trong lòng không còn tham luyến sắc thân, ngoài không đắm mến cõi đời, nhứt tâm chánh niệm trực vãng Tây phương, dù sức muôn trâu cũng không kéo lại được.

48. PHÁT NGUYỆN SÁM HỐI NIỆM PHẬT

Than ôi! Trong đời có thiếu gì kẻ không biết niệm Phật, có người cho niệm Phật là dị đoan nên không chịu niệm, người xuất gia cho niệm Phật là việc tất nhiên của mình phải làm, chớ không biết tại sao phải niệm, kẻ cuồng huệ biết có Phật, nhưng lại không khứng niệm, kẻ ngu si không biết Phật nên không niệm. Đây là đem so sánh, còn có những ngu phu, ngu phụ, nghe nói lý nhân quả cũng biết niệm Phật, nhưng lại mong cầu được phước báo đời sau, vẫn không thoát khỏi hột giống luân hồi.

Tìm kẻ thật vì đường sanh tử mà niệm Phật, trong trăm người họa chăng chỉ có một hai! Nên biết rằng, người đã niệm Phật, tức xứng hợp với lòng từ của Phật, phát thệ nguyện rộng lớn tế độ chúng sanh. Tất cả tội cấu oan khiên thảy đều sám hối. Tất cả những công đức dù nhỏ dù lớn đều đem hồi hướng Tây phương, như thế mới là CHÁNH NHƠN NIỆM Phật.

Lời phụ giải: Làm một việc gì đều phải có mục đích và tất nhiên phải có đạt đến kết quả của nó. Một việc niệm Phật, siêu xuất luân hồi, vãng sanh Tịnh độ, với mục đích đã nhắm và với kết quả sẽ đạt thật là cao siêu và thật tế, thời hành nhân ắt phải rõ thấu và tận dụng trí giác của mình, đâu phải những điều huyễn hoặc, vu vơ hay thiển cận mà khinh hốt!

Nhận thức đúng đắn điểm này thời việc làm ắt không đến đỗi luống, thiệt lòng niệm Phật cầu thoát sanh tử thời cầu mong phước báo hữu lậu ở thế gian làm gì? Vạn vật vô thường của cõi thế nào phải là chỗ gửi thân vĩnh viễn của ta đâu? Nhưng đó chẳng qua vì hoặc nghiệp, phiền não nhiều kiếp sâu dày, mặc dù cũng có hiểu biết đấy, nhưng lại phải chướng dày mà huệ mỏng, nên rồi phải tự cam với số phận hẩm hiu. Vậy khi đã rõ thông và phát tâm niệm Phật thì phải hết lòng, hết sức sám hối nguyện tiêu trừ tất cả chướng cấu trần lao để lòng thanh thoát, không còn bị những ảo ảnh gạt lường, mới mong đạt thành sở nguyện.

Giang Ðô Trịnh Vi Am

(Sa-môn Thích Tịnh Lạc dịch và chú giải)

theo:daibi.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch