Tịnh độ
Quan niệm về Tịnh Độ
02/05/2010 00:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 50 tại chùa Phổ Quang)

Khi dùng từ quan niệm thì có nhiều quan niệm khác nhau, vì mỗi người có một quan niệm riêng. Nhưng quan niệm về Tịnh độ ở đây căn cứ trên pháp môn tu của Đức Phật dạy và của những vị tiền nhân đã thực tập có kết quả, để chúng ta học theo, áp dụng cho đời sống tu hành của mình. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Trên bước đường giáo hóa độ sinh, trước tiên Đức Phật dạy Tịnh độ tự tâm là chính; vì Ngài tu hành đã vượt qua tất cả nghiệp chướng trần lao để thâm nhập thế giới Thường Tịch Quang. Đó là thế giới Pháp thân của mười phương chư Phật đồng một thể, mà ở Bồ đề đạo tràng khi trí giác của Đức Phật đạt đến đỉnh cao là Vô thượng Bồ đề, Ngài mới thấy được toàn Pháp giới hiện ra Tịnh độ. Sau đó, Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm là nói Tịnh độ tự tâm, là thế giới siêu hình, không phải thế giới vật chất hữu hình hữu hạn.

Thật vậy, Đức Phật nhận thấy rằng tâm hồn ô uế sẽ tạo thành thế giới tội lỗi, xấu xa. Vì vậy, tất cả mọi người trên thế gian này đều muốn có đời sống tốt đẹp, nhưng cái muốn đó thuộc về lòng tham, nên không bao giờ có được. Riêng tôi rất tâm đắc với bài pháp này của Phật dạy. Tại sao những gì chúng ta sợ thì nó tới, những gì chúng ta ước mơ thì không bao giờ được ? Vì cái chúng ta sợ là nghiệp của mình, cho nên nó nhất định tới. Thử nghiệm lại cuộc đời chúng ta xem từ khi sinh ra cho đến nay, đã làm gì, nợ bao nhiêu người và người nào nợ mình. Nếu mình mắc nợ nhiều, mà đi đâu cũng gặp chủ nợ, thì chắc chắn mình phải sợ. Nhưng Phật dạy rằng Bồ tát và Thánh Tăng đối diện với thực tế và giải quyết êm đẹp tất cả nợ nần oan trái đã tạo, Tịnh độ sẽ có, không phải sợ gì cả.

Phật dạy chúng ta sợ thì phải tìm cách trả nợ, nợ từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay đã vay quá nhiều. Còn người sợ mà cứ vay thêm để mong khá lên, để trả được nợ cũ, nhưng nợ chồng chất ngập đầu, không có lối thoát, không thể nào trả nổi. Theo Phật, hiểu đạo, có trí tuệ, sẽ thấy rõ nhân quả, chúng ta không tạo nghiệp ác nữa, mà chỉ tạo thiện nghiệp.

Tìm cách trả nợ cũ, không vay nợ mới, bằng cách nào ? Phật dạy phải sống thiểu dục tri túc, nghĩa là chi phí cho bản thân nên giới hạn tối đa, ăn ít, ngủ ít, ở đơn giản, để hạn chế chi phí cho mình, còn thặng dư mới trả nợ được. Theo kinh nghiệm riêng tôi, từ khi xuất gia tu học, luôn dành dụm tiền để trả nợ đời trước và để có điều kiện làm phước trong đời này, thì mới tích lũy được công đức. Vì vậy, việc ăn mặc giảm tối đa. Vào Ấn Quang làm học Tăng, tôi chuyên lượm đồ tang của Phật tử xả tang vứt bỏ, sửa lại và nhuộm vỏ măng cụt, để mặc, chứ cũng không có thuốc nhuộm. Suốt một thời gian dài, không tốn tiền mua sắm quần áo và cũng không mua gì ăn, chùa cho gì ăn đó; thậm chí có nhiều cũng bớt ăn, vì biết mình nghiệp nặng, phải lo trả nợ cũ, bằng cách nhường cho người khác ăn để mình bớt nợ. Hạn chế việc ăn mặc một cách tối đa, còn ở thì tìm cách ở không tốn tiền. Sang Nhật tu học, ở trọ chùa để công quả, ngủ chỗ nào cũng được để khỏi tốn tiền, vì sáng sớm đi học đến tối mới về, chỉ cần có chỗ ngủ qua đêm, rồi sáng đi học nữa. Không tốn kém cho bản thân và gặp việc thì hết lòng làm để trả nợ cũ từ nhiều kiếp quá khứ, cũng như để tạo nhân lành mới, bằng cách sẵn lòng giúp đỡ kiến thức và tiền của cho người khác. Vì vậy, trải qua gần 60 năm hành đạo, đối diện với cuộc đời và những chủ nợ cũ từ quá khứ, tôi đã thanh toán xong, nên không còn ai đòi nợ nữa, là biết oan gia nghiệp chướng đã hết. Từ đó, mảnh đất Tịnh độ từ tâm hiện ra.

Đức Phật dạy rằng vô não, vô ưu, chơn Cực Lạc; nghĩa là lòng chúng ta không buồn giận, không lo sợ, cho đến tâm thanh tịnh, thì đó là chốn Cực Lạc thật sự. Không lo, không buồn, không sợ, không giận, vì không có việc gì khiến chúng ta phải lo buồn, giận sợ, chứ không phải chúng ta dửng dưng trước hoàn cảnh. Đừng hiểu lầm ý nghĩa của “không lo” rồi sống không biết lo, kể cả không lo tu thì trở thành gỗ đá, trở thành kẻ vô trách nhiệm hay sao. Trước kia, chúng ta lo vì phải trốn tránh chủ nợ, nợ đời này và nợ của nhiều đời trước nữa, không biết họ đến đòi lúc nào; nhưng nay, không lo nữa vì tất cả nợ cũ đã thanh toán rồi, cho nên không còn nợ để lo nữa.

Chẳng những không lo, mà cũng không buồn. Tại sao không buồn ? Người thế gian thường buồn khổ vì bị lường gạt, bị giựt tiền của, bị thua thiệt trong việc làm ăn, bị mất uy tín, mất người thương, v.v… Nhưng chúng ta bước theo dấu chân Phật, tâm đã huân tập thật đầy pháp Phật, trong lòng chúng ta đã có đủ những gì tốt đẹp nhất, không thiếu Thánh tài nào cả, có Phật, có Bồ tát, có Thánh chúng, nghĩa là đã xây dựng được Tịnh độ tự tâm cho mình rồi. Tôi ngồi yên, thấy Phật, thấy Bồ tát đồng học, cuộc sống trầm mặc an lạc, giải thoát như vậy, thì không thể buồn, không thể cảm thấy đơn độc.

Đức Phật khi còn là thái tử được vua cha nuông chiều, xây dựng ba cung điện với những tiện nghi thích hợp cho mùa Đông, mùa Hạ và mùa khô để Ngài ở được khỏe khoắn. Nhưng Đức Phật đã nhận thấy cuộc sống sung sướng như vậy được xây dựng trên đau khổ của biết bao nhiêu người, nghĩa là mang nợ người khác và nếu món nợ này chồng chất thì không biết làm sao trả nổi. Đức Phật đã từ bỏ gánh nặng trần gian đó, dấn thân trên con đường cát bụi, một mình một bóng ẩn tu chốn núi rừng để lặn sâu vào đời sống nội tâm. Ngài bỏ đời sống cao sang và coi đó là ngục vàng đang giam hãm mình. Ngài xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh và cảm thấy lòng thật vô cùng an lạc, mới nói rằng con đường cát bụi gai góc nhưng là con đường huy hoàng nhất của Phật và Bồ tát, thì làm gì có cô độc.

Mới tu, có thể chúng ta thấy đơn độc, nhưng thể nghiệm được pháp Phật, thâm nhập đời sống tâm linh thánh thiện, sự đơn độc tự tan biến. Thật vậy, trên bước đường tu, đi đâu cũng gặp Bồ tát hiện thân dẫn lối đưa đường để giúp chúng ta thăng tiến, hoặc tác động Phật tử tìm đến hỗ trợ chúng ta, tạo thành quyến thuộc Bồ đề. Nghĩa là chúng ta có bạn đồng tu và minh sư chỉ đạo, nên không còn cô độc trong cửa Phật. Bước đầu tôi đi một mình, nhưng vào Phật học viện Ấn Quang, tôi có 40 người bạn đồng tu và được các vị Hòa thượng hướng dẫn. Vì vậy, sống đời xuất gia, từ bỏ phiền não và chấp nhận cuộc sống cô độc, để sau đó, sống cùng Thầy hiền bạn tốt gọi là an trú trong học xứ Bồ tát, thì chúng ta được khai tâm; nhờ đó Phật pháp sáng lần, mới mở ra cho chúng ta cánh cửa Tịnh độ.

Hoặc các Phật tử tu học tại khóa tu Một ngày an lạc, đầu tiên, có bạn đồng tu học. Nếu quyết tâm tu, quý vị sẽ thấy người nào cũng là bạn mình, nên cảm thấy vui và nghe chư tôn đức giảng dạy, tâm quý vị được khai mở. Từ tâm an lạc một ngày, làm cho quý vị thanh tịnh, nên hướng được tâm đi xa hơn, là hướng về các Tịnh độ của chư Phật, trong đó chúng ta có Tịnh độ của Đức Phật Di Đà. Và từ Tịnh độ nội tâm biến thành Tịnh độ hiện thực trong cuộc sống. Phật dạy rằng thế giới tốt hay xấu đều do chúng ta tạo nên. Người hung dữ, kiêu căng tạo thành thế giới tội lỗi. Người thanh tịnh tạo nên Tịnh độ.

Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ thứ bảy, Phật Thích Ca và Phật Di Đà đều là con của Đức Đại Thông Trí Thắng. Đức Phật này khi còn làm vua có 16 vương tử đều có khả năng lãnh trị bốn phương, tức các Ngài cai trị chỗ nào, dân chúng cũng được an lạc. Khi vua cha thành Phật Đại Thông Trí Thắng, 16 vương tử cũng bỏ ngôi theo Ngài tu hành và mỗi vị có tâm niệm khác, có hạnh nguyện khác, cho nên tạo thành các mô hình Tịnh độ của các Ngài khác nhau. Vì vậy, học tấm gương của các vị này, việc tu hành của chúng ta phải có định hướng, phải tới đích. Nếu không chọn định hướng, thuyền cứ quanh quẩn vào ra bến cũ mãi, đi một vòng rồi chúng ta cũng trở lại sinh tử luân hồi.

16 vương tử học đạo với Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, nhưng các Ngài đều có định hướng khác nhau và theo các hướng đó mà đi tới. Kết quả là hai vị thành Phật ở phương Đông là A Súc Phật, Tu Di Đảnh Phật, hai vị thành Phật ở phương Đông Nam, hai vị thành Phật ở phương Nam … và Đức Thích Ca thành Phật ở phương Đông Bắc. Con đường của Đức Phật Thích Ca chọn là giáo chủ ở Ta bà, tức Ngài nguyện sống mãi với những người đầy nghiệp chướng phiền não. Ngài chọn cuộc sống ở ngay trong cõi ngũ trược ác thế này để thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề. Đức Phật Thích Ca chọn ở Ta bà để độ sanh thì Ngài phải chấp nhận thực tế của thế giới này, nghĩa là chấp nhận những người hung dữ, tham lam, ngu dốt … làm đối tượng cho Phật tu hành, giáo hóa. Tại sao Đức Phật Thích Ca lại chọn đối tượng kinh khủng như vậy để hóa độ ? Vì Ngài có hạnh nguyện muốn làm những việc khó làm. Trong khi Đức Phật Di Đà chọn con đường khác, Ngài tìm một thế giới thật xa để dựng nghiệp. Nói theo ngày nay là đi tìm miền đất mới để khai thác, vì ở mảnh đất cũ này không tốt.

Chọn đối tượng ở ngay Ta bà để chuyển hóa họ là tu theo Phật Thích Ca; chọn thế giới khác để sống là tu Tịnh độ theo Phật Di Đà. Riêng tôi theo Phật Thích Ca, nên chọn tu kinh Pháp Hoa, phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp Hoa, tuyên dương Phật pháp ở thế giới này. Và phát nguyện như vậy, tôi ở lại Ta bà mà không cảm thấy cô độc, vì được Đức Phật Thích Ca phóng quang gia bị cho tôi đủ sáng suốt, đủ nghị lực để hành đạo nơi cõi ngũ trược này. Tôi thấy ở đây tu thích hợp với tôi, vì có người ngang bướng, tôi có điều kiện thực tập được hạnh nhẫn nhục, bằng mọi cách phải mỉm cười được với người hung ác với mình. Không có người nghèo đói, làm sao chúng ta thực hiện hạnh bố thí. Có người kém hiểu biết, chúng ta mới làm Thầy được, có người hoạn nạn, chúng ta mới có cơ hội giúp đỡ. Họ thiếu thốn, chúng ta cho một chút xíu, họ cũng vui. Tôi không về Tịnh độ, vì ở đó tất cả đều tốt, thì mình tu cái gì, ở đó ai cũng giàu thì làm sao mình bố thí. Còn ở Ta bà có rất nhiều việc để tôi làm.

Tuy nhiên, tu Pháp Hoa, Đức Phật mở ra cho chúng ta một con đường nữa, không phải tuyệt đối ở Ta bà. Vì đối với người nợ nhiều, nghiệp nặng, thì không có cách gì khác hơn là phải trốn nợ. Ở Ta bà không làm được, vì chúng ta vừa nghèo, vừa bệnh, vừa ngu và toàn những việc không tốt xảy đến cho mình. Vì vậy, Đức Phật mở ra cho chúng ta pháp tu Tịnh độ để chúng ta được vãng sanh; đó là pháp trốn nợ, nhưng không phải trốn luôn. Khi quyết tâm niệm Phật, được vãng sanh về Cực Lạc, được nhiều tiền của và nhiều điều cực kỳ tốt đẹp, thì phải trở về Ta bà hành Bồ tát đạo.

Điển hình là Thuận Trị Hoàng đế, cha của vua Khang Hy, gặp Ngọc Lâm quốc sư khai ngộ, bảo cho ông biết rằng thật sự ông là dân Mãn Châu rất yếu kém, mà lại đánh thắng nhà Minh hùng cường, rồi lên làm vua thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn, lập nên nhà Thanh, sự thành công như vậy không đơn giản chút nào. Đó là vì vua Thuận Trị ở Tây phương Tịnh độ sinh lại Ta bà này, để trả nợ cũ. Ông mang theo một khối công đức và trí giác của Cực Lạc mà trở lại Ta bà thì ông thừa sức trả nợ cũ và còn dư phước báu nữa, cho nên quần thần mới hết lòng với vua Thuận Trị. Trong suốt 17 năm chinh chiến, ông đánh đâu thắng đó và được dân chúng nhiệt tình ủng hộ, vì ông hiểu họ, giúp đỡ họ; nói cách khác, họ đã từng thiếu nợ ông, nên họ quy phục và hợp tác với ông, giúp ông lật đổ nhà Minh một cách dễ dàng.

Nhờ Ngọc Lâm khai ngộ, vua Thuận Trị bừng tỉnh rằng tại sao đã qua Cực Lạc tạo được công đức, rồi lại về Ta bà tạo nghiệp mới, chinh chiến chém giết làm chi, để tạo một gánh nặng tội lỗi và phải đọa địa ngục hay sao. Ý thức như vậy, nhà vua đã bỏ ngôi vua, ẩn thân nơi Ngũ Đài sơn, quyết tâm tu hành.

Đến khi vua Khang Hy lên nối ngôi, tương truyền rằng trên lưng ông có một bớt son ghi hàng chữ “An Nam quốc Sa Diệt Tỳ kheo”. Vì trong tiền kiếp, ông là Tăng sĩ Việt Nam, đã đắc đạo, nên biết kiếp tới, sẽ tái sinh ở Trung Quốc. Ông sợ quên việc tu hành, mới nhờ người viết lên lưng ông một câu như vậy. Vua Khang Hy là người đã cho dịch thuật nhiều kinh điển, trong đó nổi tiếng có quyển Khang Hy Từ điển là quyển từ điển đầu tiên của Trung Quốc. Và tiếp theo là vua Càn Long phát nguyện gặp chùa thì trùng tu, gặp Tăng thì cúng dường. Phải nói ở thời nhà Thanh, Phật giáo Trung Quốc phát triển rất mạnh và phổ biến pháp môn Tịnh độ; người Việt Nam đã chịu ảnh hưởng pháp môn Tịnh độ từ đây. Còn trước kia, từ thời Phật giáo du nhập cho đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo Việt Nam theo Thiền tông. Từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn, người tu Tịnh độ nhiều hơn, sách vở truyền sang nước ta phần lớn thuộc về Tịnh độ.

Có thể khẳng định rằng người Việt Nam đều biết niệm Phật Di Đà, còn các pháp môn khác thì số người biết có phần hạn chế hơn. Thiết nghĩ người tu ở đất nước chúng ta có nhân duyên rất đặc biệt với pháp môn Tịnh độ, có lẽ vì ở thế giới Ta bà này quá khổ, cho nên nhiều người phát nguyện sinh về Cực Lạc để được thân cận toàn là Phật, Bồ tát, Thánh giả và nương theo các Ngài mà thân tâm dễ dàng được an lạc, dễ tiến tu đạo hạnh.

Hôm nay, nhân ngày vía Đức Phật Di Đà, tôi gợi ý cho những hành giả có nhân duyên với Đức Phật Di Đà, đã chọn định hướng vãng sanh Cực Lạc, thì nên nhớ rằng sau khi gặt hái được phước đức và trí tuệ ở Cực Lạc rồi, cần trở lại Ta bà để hành Bồ tát đạo, để trả nợ cũ và hướng dẫn nhiều người tiến tu đạo hạnh giải thoát. Làm được như vậy là thể hiện hạnh Bồ tát, trang nghiêm cho hành giả phước đức và trí giác, nuôi lớn Báo thân của hành giả, tức mở rộng Tịnh độ của riêng mình và đồng thời cũng mở rộng được Tịnh độ tại thế giới Ta bà này. Bấy giờ, hành giả chính là vị khách quý của thế gian mà mọi người luôn mong đợi và quy ngưỡng, là chỗ nương tựa quý báu vô cùng của tất cả chúng sinh trong sáu đường sinh tử, là sứ giả của Đức Phật Thích Ca, của Đức Phật Di Đà và của mười phương chư Phật vậy./.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

HT Thích Trí Quảng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch