Niệm Phật không phải chuyên chỉ về miệng niệm, mà dùng tâm để tưởng niệm, cũng là niệm Phật. Cho nên trong môn Niệm Phật ngoài phương pháp Trì Danh, còn có ba pháp khác nhau nữa là: Thật Tướng, Quán Tưởng và Quán Tượng.
1. Thật Tướng Niệm Phật, tức là nhập vào đệ nhất nghĩa tâm, là niệm tánh Phật bản lai của chính mình. Đây là quán pháp thân thật tướng của Phật, kết quả sẽ chứng được Chân Như Tam Muội. Phương pháp này vẫn thuộc về Thiền, nhưng cảnh giới do tâm Thiền hiển lộ lại là Tịnh Độ, nên cũng nhiếp về Tịnh Độ. Pháp này không gồm thâu bậc trung, hạ căn, và nếu không phải là bậc thượng thượng căn, tất không thể ngộ nhập. Vì thế trong tông Tịnh Độ ít có người đề xướng, mà phần hoằng hóa lại thuộc về các vị bên Thiền Tông. Nhưng theo thiển ý: khi còn đi trên đoạn đường hành trì chưa đạt đến địa vị viên giác, thì tất cả pháp môn đều thuộc về phương tiện, niệm Phật cũng là phương tiện mà tham thiền cũng là phương tiện. Theo ba kinh Tịnh Độ, đức Thích Tôn mở phương tiện chỉ bày cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, khuyên chúng hữu tình nên niệm Phật cầu sanh về thế giới ấy để không còn bị luân hồi, mượn cảnh duyên thắng diệu tiếp tục tu hành mau tiến lên Phật quả. Niệm Phật tinh chuyên cũng tỏ ngộ như bên Thiền Tông, nhưng điểm chánh yếu của môn Niệm Phật là cầu vãng sanh, còn tỏ ngộ được bao nhiêu cũng thuộc về phần thứ yếu. Cho nên pháp Thật tướng niệm Phật, luận về chỗ cứu cánh, vẫn nhiếp thuộc Tịnh Độ. Nhưng nếu nói đến phương tiện vãng sanh nó vẫn chưa chính thức thuộc về Tịnh Độ, như ý nghĩa ba kinh Tịnh Độ mà đức Thích Tôn đã đề xướng. Có lẽ do điểm này nên chư Tổ bên Tịnh Tông chỉ đề cập để cho rộng thêm về nghĩa lý Tịnh Độ, mà không rộng tuyên hóa để khuyên người tu chăng?
2. Quán Tưởng Niệm Phật, là chiếu theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ, để quán tưởng y báo chánh báo nơi cõi Cực Lạc. Trong kinh này có dạy mười sáu phép quán, nếu quán hạnh được thuần thục, thì lúc mở mắt hay nhắm mắt hành giả đều thấy cảnh Cực Lạc hiện tiền tâm thần dạo chơi nơi cõi tịnh, khi mạng chung quyết định sẽ vãng sanh. Công đức của pháp này lớn lao không thể nghĩ bàn, nhưng vì cảnh quán quá vi tế sâu mầu, nên ít người hành trì được thành tựu. Bởi đại để trong ấy có năm điều khó. Điều thứ nhứt, nếu căn độn tất khó thành tựu. Điều thứ hai, nếu tâm thô tất khó thành tựu. Điều thứ ba, nếu không biết khéo dùng phương tiện xoay chuyển trong khi tu, tất khó thành tựu. Điều thứ tư, nếu ghi nhận ấn tượng không sâu, tất khó thành tựu. Điều thứ năm, nếu tinh lực yếu kém, tất khó thành tựu. Trong năm điều kiện này, ít có người được đầy đủ, nên phép Quán tưởng xét lại cũng thuộc về môn khó hành trì.
3. Quán Tượng Niệm Phật, là phương thức đem một bức tượng Phật A Di Đà để trước mặt, ghi nhận mọi nét của bức tượng ấy, rồi quán tưởng cho đến khi dù không có tượng, lúc mở mắt nhắm mắt đều thấy hình tượng Phật hiện rõ nơi trước. Phương pháp này cũng khó, vì cần phải có tinh lực mạnh, ký ức sâu, và trí phương tiện khéo. Đã có người áp dụng cách thức này, nhưng vì không khéo dùng phương tiện thay đổi, bị hư hỏa xông lên, mang chứng bịnh nhức đầu khó trị. Nhưng xét lại dùng pháp Quán tượng để vãng sanh, trong kinh không thấy nói. Đây chỉ là cách thức phụ giúp cho sự trì danh hiệu Phật, để hành giả tâm không tán loạn, dễ được chánh niệm mà thôi. Nếu người tu, với lòng tinh thành, cũng có thể được cảm ứng, tiêu tội nghiệp sanh phước huệ, từ nơi hình tượng giả mà thấy được Phật tướng thật và được vãng sanh.
4. Trì Danh Niệm Phật, là phương pháp niệm ra tiếng hay niệm thầm bốn chữ hoặc sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật." Trì bốn chữ "A Di Đà Phật" được điểm lợi dễ nhiếp tâm; trì đủ sáu chữ được điểm lợi dễ phát khởi sự kính thành cơ cảm. Phương pháp này trong kinh Phật Thuyết A Di Đà, đức Thích Tôn đã đề xướng, hiện đang được thông dụng nhứt.
* Xét qua bốn phương pháp niệm Phật, pháp Thật Tướng và Quán Tượng trong ba kinh Tịnh Độ không thấy nói, chỉ có Kinh Niệm Phật Tam Muội, quyển Phổ Hiền Quán Hạnh Ký và một vài kinh luận khác đề cập đến mà thôi. Nhưng cả hai cũng chỉ là phương tiện thứ yếu, để nói rộng thêm về giáo nghĩa niệm Phật, không phải đường lối chánh thức của môn Tịnh Độ mà chư Tổ bên Liên Tông hằng tuyên dương. Pháp Thật Tướng duy có tác dụng suy diễn sâu rộng về ý nghĩa niệm Phật, lại quá cao thâm, không trùm khắp ba căn, đi lạc về bên Thiền. Pháp Quán Tượng chỉ là cách thức phụ trợ, lại cũng không dễ thật hành. Đối với người tu Tịnh Độ, hai môn ấy không được thích nghi. Phương pháp Quán Tưởng tuy do Phật tuyên dương, công đức vô lượng nhưng chỉ để dành cho bậc thượng căn, người thời mạt pháp ít ai hành trì được. Kết yếu, duy môn Trì Danh Niệm Phật đã gồm khắp ba căn, lại đắc hiệu mau lẹ, ai cũng có thể thật hành. Trì Danh nếu tinh thành sẽ có cảm cách, hiện tiền thấy ngay chánh báo y báo cõi Cực Lạc, tỏ ngộ bản tâm, đời nay dù chưa chứng thật tướng, sau khi vãng sanh cũng quyết được chứng. Vì thế „n Quang đại sư, vị Tổ thứ mười ba của Liên Tông, đã khen:
Chỉ duy trì danh mà chứng thật tướng,
Không cần quán tưởng cũng thấy Tây Phương!
Cổ đức cũng phê luận: "Môn Tịnh Độ là con đường tắt để chứng đạo trong các pháp môn, mà pháp Trì Danh lại là con đường tắt trong môn Tịnh Độ." Hiện nay phương pháp này là đường lối thông hành nhứt trong môn Niệm Phật.