Tịnh độ
Tin sâu pháp môn Tịnh độ
Tác giả: Thích Tâm Hải
24/02/2010 04:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Quy y tam bảo

Muốn trở thành một người Phật tử trước hết chúng ta phải quy y Tam bảo. Cho nên, việc quy y Tam bảo là việc cần thiết không thể thiếu được.
Như thế nào gọi là quy y Tam bảo?
   Chúng tôi xin giải nghĩa bốn chữ “Quy y Tam bảo”.
   - Quy: quay về
   - Y: nương tựa.
   - Tam bảo: ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

   Vậy, “Quy y Tam bảo” là quay về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng.
   Tại sao chúng ta phải quy y Phật? Phật là đấng giác ngộ sáng suốt, là bậc “thiên nhân chi đạo sư, tứ sinh chi Từ phụ”. Vì vậy, chúng ta nên quy y Phật.

   Tại sao chúng ta phải quy y Pháp? Bởi vì pháp là chân lý do đức Phật nói ra, nhờ pháp mà chúng ta có được cuộc sống an lạc, giải thoát, cho nên chúng ta phải quy y Pháp.

   Tại sao phải quy y Tăng? Tăng là hòa hợp, là trang nghiêm thanh tịnh, chư Tăng là những người thay thế đức Phật hoằng truyền Chánh pháp, cho nên chúng ta phải quy y Tăng. Đây là nói về sự quy y Tam bảo. Còn lý quy y Tam bảo là sao? Là chúng ta quy y (nương tựa) tự tánh Tam bảo trong ta, trong ta cũng sẵn có đủ Phật, Pháp, Tăng. Nhưng muốn đạt được tự tánh Tam bảo, điều cần thiết chúng ta phải quy y sự Tam bảo. Tại sao chúng ta cần phải quy y sự Tam bảo? Là vì thế này, nhờ ông Phật bằng gỗ, bằng xi măng mà chúng ta lễ lạy, mới đánh thức được ông Phật bên trong của chúng ta. Nhờ sự quy y Pháp là những lời đức Phật dạy, qua những lời dạy đó, giúp chúng ta nhận ra được, hiểu ra được đâu là chánh đâu là tà, rồi áp dụng tu hành thì lúc đó chúng ta mới thức tỉnh được pháp tánh trong ta. Sự quy y Tăng, là nhờ hình bóng của chư Tăng hiện tại mà ta khởi được lòng tôn kính, nhờ sự tôn kính này mới giúp ta thấy được bản thể thanh tịnh hòa hợp trong ta. Như vậy chúng ta cũng đã hiểu được như thế nào là sự, lý quy y Tam bảo.

    Khi quy y thì chúng ta lãnh thọ năm giới:
  
1. Không sát sinh.
   2. Không trộm cắp.
   3. Không tà dâm.
   4. Không nói dối.
   5. Không uống rượu.

   Năm giới này rất quan trọng, không chỉ riêng người Phật tử thọ trì mà hàng xuất gia cũng lấy năm giới này làm gốc. Muốn đạt được quả vị Phật thì cũng không ngoài năm giới này.

   Năm giới này là nền tảng sống, là chân hạnh phúc cho chúng ta, nếu chúng ta tu tiến hơn nữa là chúng ta tu thêm thập thiện: Thân có ba, khẩu có bốn, ý có ba.

   Thân có ba: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
   Khẩu có bốn: Không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác.
   Ý có ba: Không tham, không sân, không si

   Nếu như toàn thế giới ai ai cũng biết giữ năm giới, tu thập thiện thì ắt hẳn thế giới đó sẽ có tràn đầy hạnh phúc, người với người sống trong tình đạo, luôn sống trong tình huynh đệ, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, người mạnh thì biết nâng niu người yếu, biết tôn trọng lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới, biết hoan hỷ xả bỏ cho nhau. Ôi! Nhân quả không sai chạy. Nếu chúng ta biết gieo nhân lành thì chúng ta sẽ hưởng quả lành, đây là một chân lý từ muôn thuở không bao giờ sai chạy.

   Khi đức Phật còn tại thế, có Bà-la-môn hỏi Phật: “Con đã thọ trì năm giới, tu thập thiện, hằng ngày con luôn sống là một người hiền lành đạo đức thì sau này con chết con sẽ đi về đâu, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con được rõ”.

   Đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, có một cây nghiêng về hướng Tây, khi nó ngã, thì nó sẽ ngã về hướng nào? 
    – Bạch đức Thế Tôn, tất nhiên nó phải ngã về hướng nó đã nghiêng.
   – Cũng vậy, cả cuộc đời Bà-la-môn biết sống là một người hiền lương thì sau khi chết sẽ sinh vào một thế giới an lành”.

   Chúng ta phải biết rằng, theo đạo Phật là phải tin chắc nhân quả.
   Nếu chúng ta gieo hạt ớt thì cho ra quả ớt. Nếu chúng ta gieo hạt chanh thì sẽ cho ra quả chanh. Chớ không ai mà gieo hạt ớt cho ra quả chanh bao giờ. Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác, niệm Phật thì sẽ thành Phật, chúng ta phải hiểu nhân quả một cách rõ ràng như vậy thì sự tu hành của chúng ta mới phát triển được.

   Trong sách này chúng tôi chỉ đề cập đến giới thứ nhất: “Không sát sinh”.
Khi chúng ta chưa quy y Tam Bảo, chưa thọ trì năm giới thì chúng ta sát sinh vô tội vạ, gặp con vật nào mà thích ăn là giết nó chớ không hề có lòng từ gì cả. Chỉ vì món ăn ngon, vì vỗ béo cho thân thể mình mà mình tàn nhẫn cầm dao cướp mất đi mạng sống của mọi loài. Thử hỏi quý vị, có ai đó cầm dao cắt cổ mình, mình có biết đau không? Đau lắm phải không quý vị. Cũng vậy, khi chúng ta cầm dao cắt cổ con vật thì nó cũng biết đau như chúng ta vậy đó, chúng ta cũng biết ham sống sợ chết, thì con vật nó cũng vậy, nó cũng biết ham sống sợ chết, tuy hình hài của nó khác chúng ta, nhưng đời sống tâm thức của nó cũng không khác ta.

   Thượng tọa Chơn Thanh có kể một câu chuyện như sau: Có một anh chàng nọ, nhà ở gần chùa, chuyên làm nghề đồ tể. Mỗi ngày vào khoảng 4 giờ khuya, chùa đổ chuông, anh đều thức dậy mổ lợn. Một hôm, chùa không đổ chuông nên anh ngủ luôn tới sáng. Tức giận vì hôm nay không có thịt để ra chợ, anh lăm lăm cầm dao qua chùa quát tháo inh ỏi, chửi bới lung tung. Nghe ồn ào, Hòa thượng bước ra ngoài xem sao. Anh ta thấy Hòa thượng lại càng hung hăng, quơ dao chửi bới, bộ dạng đáng sợ vô cùng: “Tu hành gì mà ham ngủ, khuya không chịu dậy đổ chuông, làm cho tôi mất một buổi chợ…”. Với thái độ điềm tĩnh và lời lẽ từ hòa, Hòa thượng ôn tồn giải thích: “Đêm qua tôi nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn theo 12 đứa nhỏ đến van xin tôi hãy mở lòng từ bi cứu lấy mạng sống của họ, bằng cách khuya nay đừng đổ chuông”. Nghe Hòa thượng giải thích, anh ta ngạc nhiên và dịu dần cơn giận. Trở về nhà, ra chuồng lợn coi, thì anh thấy con lợn mà anh chuẩn bị giết đã đẻ ra 12 con lợn nhỏ. Quá sợ hãi, anh vội vàng qua chùa xin gặp Hòa thượng kể lại sự tình. Nhân đó, Hòa thượng giảng cho anh nghe về hậu quả của nghiệp sát sinh. Nghe xong, anh tự thấy tội lỗi tày trời, gục đầu dưới chân Hòa thượng, cầu xin sám hối, nguyện buông dao, dứt nghiệp sát, chuyển sang nghề lành để sinh sống.

   Trong kinh Tạp A Hàm nói: “Nếu có người nào muốn giết hại ta, ta không vui, thì tất nhiên kẻ khác cũng vậy, không vui cho ta giết hại họ. Tại sao mình muốn mạng sống mình còn mà lại giết hại mạng sống của kẻ khác? Như vậy là trái ngược, con người cần phải sửa chữa”.

   Đức Phật dạy: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”. Nếu chúng ta giết một con vật, là ta tự giết Phật tánh của nó, tội rất nặng.

   Nếu hôm nay chúng ta ăn 1 ký thịt thì mai sau sẽ phải trả 10 ký thịt, nếu giết người bằng một viên đạn thì sau này sẽ nhận lãnh bằng một viên đại bác, không bao giờ nằm ngoài luật nhân quả.

   Khổng Tử than rằng: “Sinh tiền bất tri thiên đường lộ, tử hậu nan ly địa ngục môn”, nghĩa là: lúc sống mà không biết làm việc lành, thời sau khi chết khó mà thoát khỏi cửa địa ngục. Đây là một chân lý không bao giờ sai chạy được.
“Nhất thiết chúng sinh vô sát nghiệp,
Thập phương hà xứ động đao binh.
Gia gia, hộ hộ đồng tu thiện,
Thiên hạ hà sầu bất thái bình”.

                Nghĩa là:
“Hết thảy chúng sinh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nổi đao binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện.
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình”.

   Bởi vì chúng sinh do vô minh che lấp mà cứ hơn thua, đố kỵ đâm giết lẫn nhau, chính vì nhân vô minh này khiến cho chúng sinh cứ mãi trôi lăn trong vòng sinh tử không khi nào ra khỏi. Khi thì đầu thai thành người, khi thì đầu thai làm con vật, cứ thay nhau đầu thai như vậy để mà trả vay, vay trả cho nhau không khi nào ngừng nghỉ.

   Chúng ta hãy lấy lời đức Phật dạy mà suy rộng ra, mỗi ngày chúng ta giết những con cá, con gà, con vịt, con bò v.v… không ngờ là chúng ta cầm dao giết cha mẹ anh em, con cái của ta nhiều đời nhiều kiếp mà ta không hay không biết. Nhất là những bữa ăn, những đĩa thịt, những đĩa cá tràn đầy. Không ngờ những đĩa thịt, đĩa cá đó là thịt của cha mẹ, anh em, con cái của ta đó. Quý vị thấy kinh hoàng không, tại sao không ngưng ngay nghiệp sát ư?

   Trong kinh Vu Lan có đoạn ghi: “Ta lễ bái những bậc tiền bối và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa. Đống xương hỗn tạp chẳng vừa, không phân trai gái bỏ bừa khó coi, chắc cũng có ông bà, cha mẹ hoặc thân ta hoặc kẻ ta sinh, luân hồi sinh tử lộn quanh, lục thân đời trước thi hài còn đây”.

   Phật dạy từ vô lượng kiếp cho đến nay, chúng ta lang thang mãi trong vòng sinh tử luân hồi bất tận đến nỗi tất cả chúng ta đều là thân bằng quyến thuộc của nhau, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Vì thế Phật nói: “Này các Tỳ kheo, thật khó mà tìm được kẻ nào trong đời quá khứ chưa từng là cha mẹ, anh em, chị em, con cái của các ngươi”.

   Chúng ta là người Phật tử, là con Phật, phải thấu hiểu lời Phật dạy, không chỉ chúng ta có cha mẹ, anh em, con cái trong một kiếp này đâu, mà phải hiểu rằng, vì sinh tử luân hồi hiện bây giờ cha mẹ, anh em, con cái của chúng ta đang ở cảnh giới súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la, nhân, thiên, nói tóm lại là ở trong lục đạo.

   Kinh Phạm Võng, phẩm Bồ Tát Giới, đức Phật dạy: “Tất cả người nữ là mẹ ta, tất cả người nam là cha ta, mỗi đời ta từ đó sinh ra, chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ của ta, nếu ta giết mà ăn chính là ta giết cha mẹ của chúng ta”.

   Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp có tu rồi, nên hôm nay chúng ta biết quy y Tam bảo, gặp được Chánh pháp, nghe được lời Phật dạy, biết được trong vô lượng kiếp ai ai cũng là thân bằng quyến thuộc của ta cả. Chúng ta đã hiểu một cách tường tận như thế rồi thì phải mau mau lập tâm sám hối, ngưng ngay việc sát sinh, bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên mua vật phóng sinh để chuộc lại những tội lỗi mà mình đã tạo từ vô lượng kiếp cho đến bây giờ.

   Như vậy, đã quy y Tam Bảo, cũng đã hiểu rõ lời Phật dạy rồi, thì chúng ta nên phát khởi cái tâm Bồ-đề rộng lớn.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch