Chỉ nương pháp niệm Phật sẽ được qua biển sinh tử.
Kinh Đại Tập nói rằng: ”Thời đại mạt pháp hàng trăm triệu người tu
hành, ít có một người đắc đạo, chỉ nương niệm Phật sẽ qua được biển sinh
tử”.Thời đại mạt pháp, căn khí chúng sinh ngu si yếu đuối. Không nương
tựa vào sức đại từ, đại nguyện của đức Phật A Di Đà mà có thể đời này
thành tựu sự giải thoát sinh tử, trong ức ức vạn người khó có một. Vậy
hãy cẩn thận tuân theo lời chỉ dạy của đức Phật. Xin khuyên các vị hãy
thành thật niệm Phật, một cửa thâm nhập, bằng không thì khó lo xong việc
lớn sinh tử!
Chẳng biết tốt xấu
Thời mạt pháp nếu bỏ đi pháp môn niệm Phật thì không có bất cứ pháp môn
nào có thể giải thoát được sinh tử. Bạn chẳng biết được tốt xấu, chẳng
biết mình là phàm phu ngã mạn, trí tuệ mờ tối, chướng sâu, phước mỏng,
nghiệp dày. Không chịu căn cứ vào lời dạy của đức Phật, thành thật tu
hành nương nhờ sức Phật cứu giúp. Pháp môn niệm Phật không thể nghĩ bàn.
Lại theo ý riêng tu hành các pháp môn khác thì không có cách gì đạt
được lợi ích và thọ dụng chân thật, lại không thể giải thoát khổ đau
sinh tử trong đời này!
Nguyên nhân Như Lai ra đời
Đại sư Thiện Đạo nói rằng: ”Nguyên nhân Như Lai ra đời chỉ nói bản
nguyện của Phật A Di Đà“. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đời ác năm trược
nói pháp 49 năm, điều quan trọng nhất là dạy chúng ta niệm Phật một câu
“Nam Mô A Di Đà Phật”, giới thiệu cho chúng ta pháp môn Tịnh Độ thù
thắng, có thể một đời thành tựu việc giải thoát sinh tử.
Người niệm Phật có đại phước báo
Người có thể nghe và tin đến được một câu Nam Mô A Di Đà Phật này, họ
đã nhiều đời nhiều kiếp đến nay tích lũy bao nhiêu nhân duyên căn lành
phước đức, mới có thể đời nay gặp nghe và thọ trì pháp môn Tịnh Độ. Vì
thế, người hay niệm Phật đều có phước báo lớn.
Phước báo trời, người
Đời nay nếu không niệm Phật cầu vãng sinh, tất cả sự nỗ lực chỉ là
phước báo nhân thiên, không có cách gì đời nay thoát khỏi sinh tử, vẫn
còn trở lại luân hồi nơi sáu đường, quả thật đáng tiếc.
Tro tàn
Tro tuy đã tàn nhưng hơi nóng vẫn còn ngấm ngầm bên trong, chỉ cần một
làn gió thoảng qua cũng làm nó lóe sáng lên, rồi sau đó trở lại nguội
như trước. Tâm của người tu hành cũng nên tập như đống tro tàn, không
sinh thêm chuyện phiền phức, khởi tâm phân biệt phải trái. Chỉ cần một
câu A Di Đà Phật giữ vững đến cùng!
Thiền thâm diệu vô thượng
Kinh Đại Tập nói rằng: ”Người tu hành chỉ niệm A Di Đđà Phật, đó gọi là
thiền thâm diệu vô thượng. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật chính là
thiền, mà thiền này lại là vô cùng sâu xa”.
Thần chú thật đơn giản và chân thật
Một câu Nam Mô A Di Đà Phật chính là mật. Sáu chữ hồng danh này y
theo phạn văn, chưa phiên dịch một chữ, nên sáu chữ Nam Mô A Di Đà
Phật là thần chú rất đơn giản và chân thật.
Niệm Phật bằng với việc tụng hết thảy Kinh
Trọn bộ kinh Đại Bát Nhã cô đọng lại chính là một câu Nam Mô A Di Đà
Phật. Lại còn nói thêm rằng: ”Tam tạng mười hai bộ kinh gói gọn trong
một câu Nam Mô A Di Đà Phật”. Vì thế, niệm Phật liền bằng với tụng hết
Tam tạng kinh điển.
Niệm Phật không thể nghĩ bàn
Một câu Nam Mô A Di Đà Phật đã là thiền, là mật rồi, lại còn tổng
quát hết Tam tạng kinh điển. Nên pháp môn niệm Phật thật không thể nghĩ
bàn.
Niệm Phật là hạnh chánh
Kinh Di Đà nói rằng: ”Không thể dùng chút ít nhân duyên căn lành phước
đức mà được sinh về cõi Cực Lạc”. Nên người niệm Phật phải thường niệm
Phật để làm hạnh chánh, lấy sáu độ và vạn hạnh làm phụ thêm. Không nên
để tâm phan duyên. Đối với các duyên xấu cần phải hết sức tránh xa, đối
với các duyên tốt cần phải nỗ lực tùy duyên mà làm. Nhưng cần phải có
trí tuệ cân nhắc và có chừng mực. Không nên bỏ gốc theo ngọn, các hạnh
chánh và hạnh phụ lộn xộn. Chỉ đuổi theo phước báu trời người mà quên
mất việc lớn giải thoát sinh tử của chính mình.
Một môn thâm nhập
Thời đại mạt pháp, người học Phật nên dùng tâm thành thật niệm Phật làm
phép tắc. Duy chỉ dùng một môn trì danh niệm Phật để thâm nhập. Khởi
phát phải dính dáng tới quán tưởng hay quán tượng Phật. Nhân vì chúng
sinh thời mạy pháp căn cơ chậm lụt, nên việc quán tưởng và quán tượng
chẳng phải người thượng căn thì không thể thành tựu. Chỉ có hết lòng
chân thật tụng một câu Thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ vô cùng bảo
đảm.
Niềm tin sâu
Chúng ta là những người tu học theo pháp môn Tịnh Độ. Đối với thế giới
Cực Lạc ở Tây phương, không những chỉ có niềm tin mà cần phải tin cho
thật sâu. Đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà và
pháp trì danh hiệu Phật, có được niềm tin sâu sẽ vãng sanh không nghi.
Dù cho bất kỳ sự cản trở phỉ báng nào, đều không dao động đến tín tâm,
cầu sinh Tịnh Độ của chúng ta. Được vậy mới gọi là người có niềm tin
sâu.
Nguyện cấp thiết
Chúng ta đã tin sâu lòng đại từ đại bi không bờ bến của đức Phật A Di
Đà. Chúng ta nên phát nguyện cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Không chỉ là
nguyện thôi, mà phải nguyện cấp thiết. Trong tâm phải hết lòng thiết
thực chán chia lìa cái khổ vô cùng của thế giới Ta Bà, vui mừng cầu cái
vui vô cùng của thế giới Cực Lạc. Lập nên nguyện rộng lớn, chắc chắn cầu
sinh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Dù cho bất cứ tiếng tăm và lợi dưỡng
nào, hoặc bệnh khổ hành hạ đều không thể thay đổi tâm nguyện cầu sinh
Tịnh độ của chúng ta. Được vậy mới gọi là người có nguyện tha thiết.
Tự hỏi lương tâm
Nếu hiện tại đức Phật A Di Đà hiện thân trước mặt chúng ta, mở rộng
cánh cửa của thế giới Cực Lạc ở phương Tây để tiếp dẫn chúng ta đi về
với Ngài, ngay tại đây, người có nguyện đi ít lại càng ít. Đây là do
người tu học pháp môn Tịnh Độ có niềm tin nhưng không được sâu, có
nguyện nhưng nguyện không tha thiết, có thực hành nhưng thực hành không
đủ sức, y như cứ quyến luyến cõi Ta Bà. Đối với danh lợi thế tục, tình
duyên con cái nhiều thứ ràng buộc. Vẫn còn nhiều duyên không buông
xuống. Mọi người tự hỏi lương tâm mình. Đối với thế giới Cực Lạc, ba món
tư lương “Tín, Nguyện và Hạnh” của các bạn đầy đủ được bao nhiêu? Đối
với danh lợi trần duyên của thế giới Ta Bà, bạn đã buông bỏ được bao
nhiêu?
Thành thật niệm Phật
Chân thật niệm Phật chính là thành thật đem một câu A Di Đà Phật làm
“bổn mạng nguyên thần” của chính mình. Cần phải rành mạch, rõ ràng,
miên mật, khít khao mà trì niệm. Tuyệt đối không vì bất cứ phương pháp
huyền diệu, thần kỳ nào hay bất cứ người có danh vọng học vấn làm cho
dao động.
Sống chuyển thành chín, chín chuyển thành sống
Người hành trì pháp môn niệm Phật cần phải thực hành hai nguyên tắc lớn
“chỗ sống chuyển thành chín, chỗ chín chuyển thành sống”, nghĩa là phải
đem một câu Nam Mô A Di Đà Phật niệm cho thật nhiều. Luôn thúc giục
chính mình trong bốn oai nghi đi đứng, nằm ngồi; luôn để khởi một câu
Phật hiệu. Lâu ngày dài tháng niệm thành thói quen tốt niệm Phật. Đến
phút lâm chung rất quan trọng, Phật hiệu tự nhiên liền có thể đề khởi
lên được, lúc này nguyện vãng sinh đã có phần nắm chắc trong tay.
Tức một tức ba
Niệm Phật chính là tịnh, là thiền mà cũng chính là mật. Một tức ba, ba
tức một. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật bao gồm tất cả tinh hoa mà Thế
Tôn thuyết pháp trong 49 năm. Niệm Phật đích thực là không thể nghĩ bàn.
Hãy hết lòng thành thật, đem một câu Nam Mô A Di Đà niệm liên tục đều
đặn. Tất cả tinh túy của Phật giáo trọn ở trong đó.
Nương tự lực hay nương Phật lực?
Học thiền, mật sở dĩ khó thành tựu là do nương tựa ở sức mình. Điều đó
chỉ có căn cơ bậc thượng mới có thể thành tựu. Nguyên nhân niệm Phật dễ
thành tựu là biết nương vào sức Phật. Đức Phật A Di Đà có đại từ, đại
bi. Hãy nương vào bổn nguyện tiếp dẫn chúng sinh của Ngài. Đã nương vào
sự gia hộ của Phật, các bậc thượng, trung, hạ căn đều được nhiếp thọ.
Cắt ngang sinh tử hèn hạ, một đời thành tựu vượt phàm vào thánh.
Niệm Phật mới là chân chánh cứu cảnh, lại còn bủa khắp cả ba căn
thượng, trung, hạ. Không có hạng nào không thu nhiếp. Thử xem kinh Hoa
Nghiêm, ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 53 lần tham học, về sau ngài Bồ Tát
Phổ Hiền còn dạy lấy mười Đại Nguyện Vương dẫn dắt quay về Cực Lạc. Bởi
thế, kinh Hoa Nghiêm là vô thượng kinh vương. Sau khi Thế Tôn thành đạo,
vì 41 vị pháp thân Đại sĩ ở nơi hội Hoa Tạng Hải, dạy dỗ và dẫn dắt,
đều khuyên Đại Bồ Tát niệm Phật cầu sinh Tây Phương để viên mãn Phật
quả. Chúng ta là hạng phàm phu, lại coi thường niệm Phật, cho niệm Phật
là cạn cợt, bảo đó là chỗ hành trì của hành nam nữ ngu si. Chúng ta thật
quá ngu si mê muội, thật đáng thương không thể cứu được!
Bí quyết niệm Phật
Bí quyết niệm Phật không gì lạ, chính là cần nhiều niệm. Niệm từ lúc
thô sơ cho đến khi thuần thục, nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật. Đem
một câu Nam Mô A Di Đà Phật hết lòng cung kính niệm, ứng dụng vào các
việc như ăn mặc, đi đứng thường ngày. Lâu ngày như thế, tự mình có thể
biết được sự mầu nhiệm trong câu niệm Phật.
Niệm Phật lớn tiếng
Khi niệm Phật nếu vong niệm dấy khởi liên miên, tâm thức tạp loạn,
không thể chuyên chú, ắt cần phải niệm lớn tiếng để nhiếp tâm. Dùng tai
lắng nghe có thể trừ được vọng niệm. Kinh Nghiêp Báo Sai Biệt nói rằng:
”Niệm Phật lớn tiếng có 12 thứ công đức. Một, có thể trừ bệnh ngủ gật.
Hai, thiên ma kinh sợ. Ba, tiếng biến khắp mười phương. Bốn, dứt khổ
trong ba đường ác. Năm, âm thanh bên ngoài không lọt vào tai. Sáu, tâm
chẳng toán loạn. Bảy, tinh tấn dũng mãnh. Tám, Chư Phật hoan hỷ. Chín,
Tam Muội hiện tiền. Mười, vãng sinh Tịnh Độ”.
(Tam muội: Còn gọi là Tam Ma Đề hoặc Tam Ma Địa. Trung Hoa dịch là
Chánh Định, tức là lìa các tà niệm, tâm trụ một chỗ không các tà niệm).
Cách hành trì của người học Phật
Điều tối quan trọng trong cách hành trì của người học Phật là cần phải
thâm nhập một môn, thành thật chấp trì Thánh hiệu A Di Đà Phật. Dù cho
biển động, núi tan hoặc trải qua thời gian lâu dài, tuyệt không hề thay
đổi. Mọi hành vi trong cuộc sống đều không nên sát sinh, ăn chay làm đầu
cho hạnh đoạn các điều ác. Lấy việc chuộc mạng phóng sinh làm trước cho
hạnh làm các điều thiện.
Nội công và ngoại công
Phần nội công và ngoại công của người học Phật cần phải song song và
được coi trọng. Nội công chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Một
câu Nam Mô A Di Đà Phật đến chết giữ không quên. Khi đi đứng, nằm ngồi
luôn nhớ niệm. Ngoại công là Lục độ vạn hạnh, đoạn ác tu thiện, không
sát sinh, ăn chay, phóng sinh và giúp đỡ mọi người. Nội công là chính,
ngoại công là phụ. Nội công là chủ, ngoại công là kẻ tùy tùng. Tiếc cho
người đời chỉ trọng ngoại công mà quên nội công, bỏ gốc theo ngọn, ngu
si điên đảo thật đáng tiếc lắm vậy!
Khó hành đạo – dễ hành đạo
Ước muốn được thành Phật, chúng ta chọn pháp tu như Thiền tông, Mật
tông hay Luật tông đều phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp, ròng ra tu
hành mới có thể thành công, bởi chỉ nương vào tự lực nên rất khó. Khi
chọn tu pháp môn Tịnh Độ, chúng ta nương vào một câu thánh hiệu Nam Mô A
Di Đà Phật, liền có thể một đời thành tựu vượt phàm vào Thánh. Nguyên
do là chúng ta nương tựa vào sức bổn nguyện của Ngài sẽ được Ngài gia
hộ cho nên dễ dàng thành tựu.
Đại sư Liên Trì dạy: ”Giúp cha mẹ giải thoát sinh tử, mới tròn bổn phận
làm đạo con”. Hạnh hiếu lớn nhất ở thể gian không gì hơn khuyên cha mẹ
niệm Phật, phát nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc. Giả sử chúng ta cúng
dường cha mẹ rất nhiều vàng ngọc châu báu, xây nhà cao đẹp lộng lẫy cho
cha mẹ ở, nhưng lúc già chết đến, cha mẹ không thể mang theo được. Trong
cuộc sống dẫu nhiều năm được gần gũi bên cha mẹ, ân cần thăm hỏi với
tâm mến thương, tất cả đều chỉ là hư giả, tạm thời. Chỉ có khuyên cha mẹ
thường niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật mới tròn đạo hiếu thảo. Đây
mới thật sự mời đón cha mẹ đến chỗ hoàn toàn lợi ích. Nguyện khắp thiện
hạ, những người con có tâm hiếu thảo, cố gắng phụng dưỡng và báo đáp
công ơn cha mẹ với tâm hiếu thảo này.
Tự thanh tịnh ý mình
Giáo nghĩa chư Phật dạy không ngoài 16 chữ “việc ác chớ làm, siêng làm
việc lành, thanh tịnh ý mình, lời chư Phật dạy”. Trong 16 chữ ấy quan
trọng nhất là bốn chữ “thanh tịnh ý mình”. Với người niệm Phật để thanh
tịnh được ý mình, phải bền vững nắm chắc một câu Nam Mô A Di Đà Phật.
Dùng nhất tâm niệm Phật để chặt đứt và hàng phục muôn vàn vọng niệm,
thanh tịnh từ tâm. Nếu niệm Phật không gián đoạn, sẽ hiện rõ tánh Phật
xưa nay có sẵn nơi mỗi chúng ta.
Chỉ và quán
Có người nói rằng: Thế nào gọi là Chỉ và Quán? Quả thật chỉ niệm một
câu A Di Đà Phật chính là chỉ và quán rồi. Có thể chuyên niệm danh hiệu
Nam Mô A Di Đà Phật đến khi không còn khởi niệm, vọng niệm không sinh
gọi là chỉ. Khi niệm danh hiệu Phật thường biết từng niệm, từng niệm rõ
ràng đều đặn gọi là quán. Có thể nương vào chương đại Thế Chí Bồ Tát
Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm: ”Thu nhiếp sáu căn, tịnh
niệm liên tục”. Chân thật chấp trì danh hiệu Phật chính là Chỉ và Quán
vậy.
Tức tâm tịnh độ
Dù bạn dốc sức nghiên cứu các pháp môn Chỉ Quán, có thể nơi giáo chỉ
tông Thiên Thai đã dung hội và quán thông. Thậm chí còn có thể tụng
thuộc làu làu Tam tạng kinh điển, đều không có chỗ dùng. Bạn vẫn là kẻ
phàm phu còn trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử. Muốn thành Phật phải
trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp. Tuy cái gì bạn cũng không biết, nhưng
chỉ cần bạn thành thật chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật với lòng
tin sâu xa và tâm nguyện tha thiết cầu sinh về cõi Cực Lạc, là có thể
thành tựu việc giải thoát sinh tử một đời, sẽ vượt phàm vào thánh. Pháp
môn niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Xin khuyên tất cả Phật tử hãy
biết tâm mình là cõi Tịnh Độ, nên an tâm niệm Phật chớ để thời gian qua
suông, vì mạng người có hạn!
Thời mạt pháp niệm Phật dễ thành tựu
Đức Phật là bậc thông suốt Tam Giới. Ngài dạy rằng: ”Thời đại chánh
pháp giải thoát thành tựu. Thời đại tượng pháp thiền định thành tựu.
Thời đại mạt pháp niệm Phật thành tựu”. Những lời này chúng ta đã hiểu
biết rõ ràng. Thời đại mạt pháp ngày càng xa cách Thánh nhân. Vận mạng
pháp môn ngày càng suy giảm. Căn cơ chúng sinh ngày càng châm lụt, phước
báo mong manh, trí tuệ thô thiển, tội nghiệp sâu nặng, không đủ tư cách
để nói đến trì giới và thiền định. Chỉ còn nương tựa vào nguyên lực đại
từ đại bi của đức A Di Đà. Nương tựa vào một câu Thánh hiệu hết sức cao
thượng, hết sức đơn giản và chân thật, mới có thể vượt thoát khỏi vòng
sinh tử luân hồi
Niệm Phật càng về sau càng quan trọng
Thời mạt pháp tương lai sẽ đến đoạn cuối cùng. Pháp môn niệm Phật nhất
định càng về sau càng quan trọng. Chúng sinh đời vị lai phước báu mỏng
dần, nghiệp chướng nặng thêm. Như ngày này một bộ kinh điển quý báu, để
mặc cho hư hết, không xem tới. Có thể đến cuối cùng, Phật giáo tại thế
gian còn lưu truyền một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng sinh
đã quá đau khổ, nương tựa một câu Phật hiệu là nương tựa vào sức thệ
nguyện đại từ đại bi của Phật A Di Đà. Chỉ cần đơn giản chấp trì danh
hiệu Phật, tin và nguyện vãng sinh, liền có thể nương nhờ sức Phật cứu
vớt thoát khỏi biển khổ sinh tử. Như đây có thể thấy một câu Nam Mô A Di
Đà Phật thật tinh hoa vô cùng trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo.
Thành thật niệm Phật
Đại sư Liên Trì là bậc Tổ sư của tông Tịnh độ vào đời nhà Minh. Trước
khi vãng sinh Cực Lạc đại chúng cầu thỉnh để lại lời di chúc. Đại sư dạy
rằng ”Thành thật niệm Phật”. Tổ sư một đời tu hành chỉ để lại bốn chữ
đơn giản, nhưng bốn chữ ấy đã nhiếp tất cả cương lĩnh của người tu hành
thật sự bên trong. Vào thời mạt pháp, ma mạnh pháp yếu, chúng tà đầy
dẫy. Chúng ta chỉ cần nắm chắc bốn chữ “thành thật niệm Phật” này làm
nguyên tắc cho việc tu hành thì không bị tất cả tà ma ngăn trở, mê hoặc
điên đảo.
Đệ tử Phật chân chánh
Tất cả việc tu hành không nên xa rời pháp niệm Phật, tất cả sự hành trì
không nên trái với sự thành thật. Không niệm Phật, tu hành không thể
thành tựu; không thành thật, tu hành không thể được đắc lực. Nhớ kỹ lời
giáo huấn để lại của Đại sư Liên Trì; “Thành thật niệm Phật”. Chúng ta
chỉ có thành thật trì danh hiệu Phật mới đúng là đệ tử chân chánh của
Ngài.
Học Phật chân chánh
Nếu chúng ta đã chân chánh học Phật thì càng học càng đạt đến chỗ đơn
giản và thuần thục, càng học nhất định càng khiêm tốn và luôn biết hổ
thẹn. Đơn giản và thuần thục đến mức trong sinh hoạt chỉ là một câu
thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật tràn ngập trong tâm; tâm khiêm tốn đến
lúc chỉ thấy tất cả mọi người đều là Bồ Tát, duy chỉ có mình ta là phàm
phu. Lòng hổ thẹn nên tất cả việc tốt chỉ hướng cho người khác, nếu có
việc xấu, lỗi lầm mình nhận lấy hết. Người có tâm lượng cao cả này trên
đường học Phật sẽ đạt được thành tựu chân chánh.
Đầy đủ lòng tin và tâm nguyện
Đại sư Ngẫu Ích trong “Di đà yếu giải” giảng rất rõ ràng: ”Được sinh
Cực Lạc hay không, phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do nơi niệm Phật sâu
hay cạn”. Người niệm Phật chỉ cần đầy đủ niềm tin và tâm nguyện, khiến
khi lâm chung mười niệm cũng quyết được vãng sinh. Nhưng sao hiện nay
người niệm Phật rất nhiều mà người vãng sinh thì rất ít? Then chốt chính
là niềm tin và tâm nguyện không rõ ràng, sự tu hành quá thô thiển không
cố gắng tới cùng.
Một câu niệm Phật nhiếp hết tất cả
Đại sư Ngẫu Ích nói: ”Niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật thuần thục,
thì tất cả tinh hoa của Tam tạng kinh điển đều ở trong ấy. Một ngàn bảy
trăm công án, các cơ quan hướng thượng cũng ở bên trong, ba ngàn oai
nghi, tám muôn tế hạnh, Tam tụ tịnh giới cũng ở trong ấy”. Một danh hiệu
Phật đầy đủ tất cả thiền, giáo, mật chú và tất cả phương pháp tu hành.
Một danh hiệu Phật đầy đủ tất cả Giới, Định, Tuệ pháp môn Tịnh độ đích
thực không thể nghĩ, không thể bàn!
Niệm Phật chính là thiền
Bạn nghĩ cần phải học thiền ư? Hãy niệm Phật đi! Vì trong kinh Đại Tập
dạy chúng ta rằng: ”Niệm Phật chính là thiền vô thượng thậm thâm vi
diệu”.
Niệm Phật chính là mật
Bạn nghĩ cần phải học mật tông ư? Hãy niệm Phật đi! Bởi một câu thánh
hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ hồng danh này nương vào Phạn văn
chưa phiên dịch một chữ. Đó là mật chú đơn giản, chân thật nhất.
Niệm Phật chính là giáo
Bạn nghĩ cần phải học kinh giáo ư? Hãy niệm Phật đi! Vì niệm Phật chính
là tụng hết thảy kinh. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là tinh hoa cô
đọng của ba tạng kinh điển.
Niệm Phật chính là Giới, Định, Tuệ
Giải thích và phát huy hết ý nghĩa của ba tạng kinh điển chẳng qua chỉ
có ba chữ Giới, Định, Tuệ mà thôi. Nhưng một câu Nam Mô A Di Đà
Phậtđầy đủ và viên mãn phước đức và trí tuệ. Nói hết tất cả lời tốt
trong thiên hạ chẳng bằng không nói một lời mà chỉ thầm niệm một câu Nam
Mô A Di Đà Phật. Làm hết tất cả việc tốt trong thiên hạ chẳng bằng
không làm gì, chỉ chuyên niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Học hết tất
cả học vấn của thế gian không bằng không biết một chữ, chuyên niệm một
câu Nam Mô A Di Đà Phật.
Đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền đều niệm Phật
Trong kinh Quán Phật Tam muội, ngài Bồ Tát Văn Thù nói kệ rằng:
Nguyện tôi khi mạng chung,
Diệt hết các chướng ngại.
Đối diện Phật Di Đà,
Sinh về nước Cực Lạc.
Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện kinh Hoa Nghiêm, ngài Bồ Tát Phổ Hiền nói kệ:
Nguyện cho tôi khi sắp lâm chung
Trừ sạch tất cả các chướng ngại.
Mắt thấy rõ đức Phật Di Đà,
Tức được sinh về nước Cực Lạc.
Đến như những bậc đại Bồ Tát như Ngài Văn Thù, Phổ Hiền còn niệm Phật,
nguyện cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Ngày nay không ít người coi thường
việc niệm Phật phát nguyện vãng sinh. Thật đáng tiếc! Đáng thương thay!
Bạn tự cho mình là hạng người gì? Đức Phật chỉ dạy, khuyên bảo chúng
sinh sinh về cõi Cực Lạc Phương Tây, bạn lại không chịu nghe lời Phật
dạy. Đem “giá trị Liên Thành” vô giá đổi một văn tiền có giá trị vứt bỏ
bên đống rác. Đáng trách bạn không biết tốt hay xấu. Có mắt không tròng,
nên nhìn không thấy Thái Sơn, nghiệp chướng quá nặng, phước báu lại
mong manh!
Pháp môn đặc biệt
Đại sư Ấn Quang tán thán pháp môn Tịnh độ: ”Chín cõi chúng sinh lìa
pháp môn này không thể viên thành quả Phật, mười phương chư Phật bỏ pháp
môn này dưới không thể lợi khắp các hạng chúng sinh”. Niệm Phật là pháp
môn đặc biệt. Đức Phật một đời chỉ dạy, căn cơ thượng, trung và hạ đều
được lợi ích. Tất cả chúng sinh trong pháp giới đều nên tu tập. Trên đến
Bồ Tát Đẳng Giác, dưới đến kẻ buôn bán nhỏ, hạng đầy tớ thấp hèn, chỉ
cần chịu niệm Phật đều giống như nhau; thừa cơ nương vào sức Phật cứu
độ, chót vót vượt phàm vào Thánh thoát khỏi sinh tử. Niệm Phật là pháp
môn vô thượng, rất cao siêu, huyền diệu không thể nghĩ bàn, chỉ trong
một đời là thành tựu.
Bình thường rất cao, thành thật rất diệu
Tâm bình thường thì đạo càng cao, lòng thành thật thì pháp phật mầu
nhiệm. Pháp môn tu hành cao siêu, mầu nhiệm chính là giữ tâm rất bình
thường. Tu hành và học vấn sâu xa chính là hết lòng thành thật. Một câu
Nam Mô A Di Đà Phật rất bình thường nhưng rất cao siêu và mầu nhiệm.
Một câu Nam Mô A Di Đà Phật rất thành thật nhưng rất sâu xa. Chúng ta
có thể giữ tâm như ngu, nhưng bình thường và thành thật, thường niệm một
câu Nam Mô A Di Đà Phật. Từ thủy đến chung, vĩnh viễn không thay
đổi, chính là hạng người bậc nhất trong số người tu tập Phật pháp.
Tu pháp niệm Phật là vững vàng nhất
Thiền sư Bách Trượng nói rằng: ”Tu hành, dùng pháp môn niệm Phật là
vững vàng nhất”. Đây là một trong 20 điều phép tắc. Thiền sư Bách Trượng
là bậc cao đức trong Thiền Tông, vì dạy dỗ đệ tử mà đề xuất ra. Pháp
niệm Phật là con đường tu hành rất an ổn, vì niệm Phật được nương vào
sức đại từ đại bi của Phật A Di Đà và sẽ được Ngài nhiếp thọ. Đây là con
đường tu hành thành công tuyệt đối có bảo chứng. Tham thiền, học giáo
và các pháp môn khác chỉ nương tựa vào sức mình. Chúng sinh thời mạt
pháp căn cơ ngu đần và yếu đuối, nghiệp chướng sâu nặng, không nương sức
bồn nguyện của Phật làm sao mà hành cho thông!
Hãy nhanh quay về niệm Phật
Quá trình lịch sử là một tấm gương. Bao nhiêu thí dụ về sự tu hành của
chư vị cổ đức đều để cảnh giác chúng ta. Hiện tại, người tri thức về học
vấn rất thích tham thiền và nghiên cứu giáo lý, lại coi rẻ việc niệm
Phật, xem niệm Phật là cạn cợt, là pháp môn của kẻ nam nữ ngu si. Xin
những người này hãy tự hỏi lại lương tâm. Trí tuệ của quý vị có sánh
được Thiền sư Bách Trượng, Đại sư Liên Trì, Triệt Ngộ hay không? Sự tu
hành tinh tấn của quý vị có vượt trội như chư vị cổ đức hay không? Chư
vị cổ đức với nghị lực và trí tuệ hơn người, đã tiêu phí tâm huyết hơn
mấy mươi năm đều không có cách gì ở trong tham thiền đạt được thành tựu.
Quý vị tự cho mình là hạng người gì, còn lớn tiếng không thẹn thùng,
chỉ muốn tham thiền không nguyện niệm Phật? Có thể nói rõ với quý vị,
tất cả sự nỗ lực đều phí tổn tâm huyết mà thôi, tuyệt không có cách gì
thành công được. Hãy nhanh quay về niệm Phật đi, chớ nên coi thường việc
này. Rất mong! Rất mong!
Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng
Nghĩ muốn tiêu trừ nghiệp chướng phải cần nội công và ngoại công song
hành, hạnh chánh và hạnh phụ gồm tu. Nội công là hạnh chánh, đó là niệm
Phật lễ Phật . Niệm Phật trong sinh hoạt phải luôn nhớ thầm niệm một câu
thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Dùng nhất niệm vạn đức hồng danh chí
tôn vô thượng để trung hoà tất cả vọng niệm và thói xấu tham, sân, si từ
vô thủy kiếp đến nay. Những nghiệp chướng nặng nề này sẽ dung hòa vào
một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, và được đức Phật A Di Đà đại
từ đại bi và tất cả chư Phật trong mười phương hộ niệm, che chở và bao
bọc, giúp tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình. Lạy Phật chính là kính
lễ chư Phật để sám hối nghiệp chướng của chúng ta. Mỗi ngày lễ 88 vị
Phật hoặc chuyên lạy Phật A Di Đà để sám hối. Trong quá trình lễ lạy, ba
nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh nương vào sức bồn thệ nguyện của chư
Phật, dùng sức mạnh sám hối để diệt trừ tội lỗi và tiêu trừ nghiệp
chướng. Ngoại công là hạnh phụ có thể giúp thành tựu đạo nghiệp của
chúng ta. Ngoại công chính là ăn chay và phóng sinh. Chúng ta trong sinh
hoạt hàng ngày không nên làm điều ác, nhớ phải tu nghiệp lành. Việc cực
ác chính là ăn thịt và giết hại. Vì thế, muốn dứt điều ác trước hết
phải ăn chay. Việc thiện lớn nhất là chuộc mạng phóng sinh. Vì thế, muốn
tu điều thiện, trước phải lo chuộc mạng phóng sinh. Ăn chay và phóng
sinh là hai bài tập quan trọng nhất của người tu Phật
Nếu như có thể nội công và ngoại công cùng tu, thì dùng nội công niệm
Phật, lạy Phật làm chính; lấy hạnh ăn chay và phóng sinh làm phụ. Cần
phải hết lòng chí kính nỗ lực tinh tấn thì sẽ thành tựu nhanh chóng.
Một câu danh hiệu Phật
Trong Phật giáo, pháp tu đơn giản nhất chính là một câu Nam Mô A Di Đà
Phật. Pháp tu sâu xa nhất cũng là một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Rất
đơn giản chỉ dành cho hạng người buôn bán nhỏ, người bình dân, kẻ tôi
tớ. Quá sâu xa thì trên đất Bồ Tát Đẳng giác cũng không thể hiểu hết.
Một câu Nam Mô A Di Đà Phật cũng rất đơn giản, rất sâu xa, tột cùng
viên mãn những thuần thục, hết sức bình thường nhưng huyền diệu, dễ hành
trì nhưng cũng khó giải thích. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là mục
đích chủ yếu mà Phật thị hiện nơi cõi đời ô trược này cũng là đại pháp
vô thượng thông suốt bổn nguyện của đức Phật. Đó cũng là tinh hoa trí
tột của ba tạng giáo điển. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật vượt lên tất cả
pháp Giáo, Thiền, Mật và Luật học, nhiếp hết tất cả pháp môn.
Trích: Liên Trì Cảnh Sách
Việt dịch: Thích Quảng Ánh