Tịnh độ
Niệm Phật sự lý viên dung tất được giải thoát
04/03/2014 07:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hạnh phúc thật sự trong cuộc sống không chỉ đơn thuần đạt được bằng những phương tiện vật chất cũng như những tiến bộ khoa học kỷ thuật hiện đại mang lại mà còn phải kết hợp với sự phát triển về tinh thần theo một định hướng cao thượng, trong lành bằng một phương pháp đúng đắn...


 

MỤC LỤC

A. MỞ ĐỀ:  

B. CHÁNH ĐỀ: 

I. Định nghĩa Niệm Phật.
II. Lý do phải niệm Phật.
III. Phương pháp niệm Phật:

1. Trì danh niệm Phật
2. Tham cứu niệm Phật
3. Quán tưởng niệm Phật
4. Thật tướng niệm Phật

IV. Danh hiệu Phật thường niệm.
V. Lợi ích niệm Phật.

C. KẾT LUẬN:

 

 

PHẦN NỘI DUNG

 A. MỞ ĐỀ:

Hạnh phúc thật sự trong cuộc sống không chỉ đơn thuần đạt được bằng những phương tiện vật chất cũng như những tiến bộ khoa học kỷ thuật hiện đại mang lại mà còn phải kết hợp với sự phát triển về tinh thần theo một định hướng cao thượng, trong lành bằng một phương pháp đúng đắn. Bởi chúng ta biết rằng từ vô thỉ đến nay, ta gây nghiệp ác vô lượng vô biên, như kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp ác có hình tướng, mười phương hư không chẳng thể dung chứa hết”.

 

Đức Phật vì thương xót chúng sanh không đủ sức dứt nghiệp riêng, Ngài đã thị hiện ra đời với nhân duyên mở bày chân tướng, khiến cho chúng sanh thoát vòng mê khổ, ngộ bản thể sáng suốt, an vui. Bao nhiêu pháp môn, tất cả nghĩa lý mầu nhiệm trong một đời giáo hóa của đức bổn sư đều không ngoài mục đích ấy. Nhưng tìm một lối thẵng tắt để mau thoát khỏi vòng sanh tử, một pháp hợp lý, hợp cơ chúng sanh giữa thời buổi này đó là pháp môn “nương nhờ Phật lực, đới nghiệp vãng sanh”, hay nói rõ hơn là pháp môn “Niệm Phật”. Bởi đức Như Lai huyền ký rằng: “Đời mạt pháp ức ức người tu hành, song khó được một kẻ ngộ đạo, chỉ nương nhờ pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi…”.

Vậy chúng ta nên hết lòng sám hối, nhờ Phật gia bị, khiến cho nghiệp tiêu, thân tâm yên ổn, qua đó tìm được tiền đồ thoát khỏi sanh tử luân hồi.

B. CHÁNH ĐỀ:


I. Định nghĩa:
Niệm: là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật và luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.

Về môn niệm Phật tuy giản dị nhưng rất rộng sâu. Điều cần yếu là phải chí thành tha thiết, thì đạo cảm ứng mới thông nhau, hiện đời mới được sự lợi ích chân thật.

II. Lý do phải niệm Phật:
Tâm chúng ta luôn bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn thì các chất nhơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng phá trừ các vọng niệm đen tối ở trong tâm chúng ta, làm cho tâm mê muội trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước đục trở nên trong vậy.

Ở đây ta cần tìm hiểu vì sao Niệm Phật lại làm cho tâm mê muội trở nên trong sáng? Vì lý do rất dễ hiểu là tâm của chúng ta rất điên đão, không bao giờ dừng nghỉ. Kinh thường nói: “Tâm viên, ý mã”, nghĩa là tâm lăng xăng như con vượn nhảy từ cành này sang cành khác, và ý như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi. Vậy thì làm sao cho tâm ý ta đừng nghĩ sằng bậy, chỉ có một cách là bắt nó nhớ nghĩ các điều lành, điều hay đẹp. Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những vị hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào thì ít niệm ma chừng nấy. Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế, chúng ta nên luôn luôn niệm Phật.

III. Phương pháp niệm Phật:
Pháp môn Niệm Phật tuy rất nhiều nhưng không ngoài mục đích là thâu góp nhiều niệm làm một niệm, biến nhiễm niệm thành tịnh niệm. Gồm bốn pháp niệm căn bản:

1. Trì danh niệm Phật:
Tức là giử một lòng nhớ nghĩ danh hiệu Phật, Như niệm Nam Mô A Di Đà Phật… Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, ăn uống cũng niệm được. Trì danh hiệu có nhiều cách: "Mật trì", "Cao thanh trì" và "Kim cang trì".


Mật trì: Là niệm thầm ở trong tâm.
Cao thanh trì: Là niệm lớn tiếng.
Kim cang trì: Là chỉ mấp máy đôi môi mà không nói ra tiếng.


Những phương pháp ấy, chúng ta có thể tùy ở năng lực mình mà thực hành.

2. Tham cứu niệm Phật:
Pháp niệm Phật này tương tợ như pháp trì danh, nhưng mà có khác. Nghĩa là môi miệng mấp máy không động, niệm không ra tiếng mà chỉ niệm trong tư tưởng.

Khi niệm có tiếng thì xét tiếng ấy từ đâu mà sanh ra. Đến khi hết niệm, không nghe nữa thì xét tiếng ấy coi nó đi vào chỗ nào. Xét cho biết chỗ sanh ra, chỗ trở về là đã được một phần công phu khá cao rồi, cứ giử như thế mà niệm, đừng cho tán loạn thì chắc có ngày minh tâm kiến tánh.

3. Quán tưởng niệm Phật:
Là quán tưởng hình dung đức Phật ở trước mắt ta, như tưởng đức Phật A Di Đà ở trước mắt, mình cao một trượng, đứng trên hoa sen và quán thân ta cũng ngồi trên hoa sen, chắp tay hầu Phật. Phật thấy ta, ta thấy Phật. Quán như thế lâu ngày đi, đứng, nằm, ngồi, nhắm mắt, mở mắt đều thấy Phật, tức là pháp quán đã thành thục.

Theo kinh quán vô lượng Thọ Phật và kinh Quán Phật Tam Muội Hải, chúng ta quán tưởng thân Phật là thanh tịnh, mầu nhiệm, cõi Phật là trang nghiêm, đến khi đã được thông cảm, chúng ta sẽ được phép Tam Muội. Cũng có hạng người mới phát tâm, chỉ quán tưởng trực tiếp vào tượng hình hoặc tượng giấy, tinh tấn chuyên tâm niệm Phật, đều thuộc về quán tưởng niệm Phật.

Vâng, đến như tượng Phật mà phải tôn kính như Phật sống, không nên xem là đất, gỗ, giấy, đồng. Khi đối trước tượng, cung kính quán tưởng, được như thế tội nghiệp nào không tiêu, phúc tuệ nào chẳng đủ. Bởi cổ đức nói: “Muốn được sự thật ích lợi của Phật pháp, phải tìm nơi lòng cung kính. Có một phần cung kính thì tiêu một phần tội nghiệp, thêm một phần phúc tuệ”. Hai, ba phần cho đến mười phần cung kính cũng như vậy. Trái lại, nếu càng khinh thường thì tội chướng càng thêm, phúc tuệ càng suy giảm.

4. Thật tướng niệm Phật:
Là Niệm Phật hợp với chân tâm, tất cả các pháp đều do tâm biến hiện. Bởi tâm biến hiện nên tướng nó đều là hư vọng. Kinh nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là vậy. Duy có chân tâm là chân thật, không sanh, không diệt, không khứ, không lai, xưa nay thanh tịnh, bình đẵng như như, không hư vọng, không biến diệt, cho nên mới gọi là thật tướng.

Như vậy, bất cứ lúc nào chúng ta cũng soi sáng tâm tính, ý niệm nào cũng được hòa hợp với nó, tức tâm tức Phật, không còn phân biệt. Như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Lấy Phật làm cảnh giới, chăm niệm mà không nghĩ, người ấy được thấy Phật, số lượng đồng với tâm”. Một chúng sanh niệm Phật được thấy một đức Phật, nhiều chúng sanh niệm Phật được thấy nhiều đức Phật. Số lượng Phật đó vẫn đồng với tâm của chúng sanh. Tuy bản tánh đồng với chư Phật, nhưng vì chúng sanh bị hoặc nghiệp che lấp, không thể hiển hiện. Ví như tấm gương báu lâu đời, chẳng những không ánh sáng mà thể gương cũng bị khuất mất. Nếu biết gương sẵn tính sáng, gia công lau chùi mãi, ánh sáng lần phát cho đến khi rực rở cùng cực, thành ra một vật quý báu trong đời. Nên biết ánh sáng sẵn có, không phải lau chùi mà được. Biết gương sẵn có ánh sáng, nhưng nếu không lau chùi thì cũng không thể chói sáng được.

Tâm tính chúng sanh cũng thế, tuy đồng với Phật, nhưng nếu không đổi dử làm lành, bội trần hiệp giác thì tánh đức sẵn đủ không thể hiện bày. Đem tâm thức sẵn đủ tính Phật tạo nên nghiệp khổ nhiều kiếp đắm chìm, cũng như nhà tối có chứa của báu, đã không dùng được lại bị tổn thương, há chẳng đau tiếc lắm sao? Cho nên ta phải biết thật tướng niệm Phật để được trở về với thật tướng sáng suốt, thanh tịnh, vĩnh hằng trong mỗi chúng ta.


Chân giác uơm trồng vườn tuệ uyển
Đoan nghiêm thuyền cập bến thong dong
Công phu nở đoá sen nghìn cánh
Quê cũ rong chơi thỏa nguyện lòng


Trong bốn pháp niệm Phật trên, ba pháp trước thuộc về sự, có tính cách tiệm tu, tiệm quán. Đến pháp thứ tư này là thuộc về lý tánh, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tánh là Phật A Di Đà, tâm mình là cảnh tịnh độ.

Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, nhờ có sự mới hiển ra lý. Trước hết cũng nhờ lối dụng công tu ba pháp trước, đến lúc thuần thục, không còn thấy mình là người niệm Phật, và Phật là vị mình niệm, chỉ còn có một chơn tánh vừa yên lặng, vừa chiếu soi, không năng, không sở, không bỉ, không thử, không hữu, không vô. Như trong kinh Tứ thập Nhị Chương Phật nói: “Niệm đến chỗ vô niệm”hay trong kinh Di Đà nói: “Nhất tâm bất loạn”.

Ngoài bốn pháp trên còn có bốn pháp niệm khác là hòa hoãn niệm, truy đãnh niệm, thuyền định niệm và tham cứu niệm.

Hòa hoãn niệm: Tức là đầu tiên chúng ta phải phóng xã tất cả sự vật, dần đến quán tưởng cũng tuyệt trừ, rồi sau chúng ta mới lên chánh điện để niệm Phật. Mỗi một hơi thở chúng ta niệm thầm một chữ. Nếu kinh hành thì mỗi bước ta niệm một chữ, cứ để thư thái âm thầm, không nên buột chặt, cũng không nên thả lỏng, tự nhiên sẽ được thông cảm.

Truy đãnh niệm: Là chúng ta căn cứ nơi một câu danh hiệu của Phật, cứ một mực hướng tiến niệm mãi, hoặc một ngày, hoặc hai ngày… đến khi nào thoát ly thời gian, bấy giờ thế giới phẵng bằng, mọi vật cùng ta đều tiêu điều, một pháp cũng không còn, thoát ly cả không gian. Phương pháp này mạnh mẽ, hăng hái lắm, nhưng đừng niệm lớn tiếng quá làm tổn hơi, cũng đừng nịêm trầm mà hại huyết. Chỉ cần mỗi niệm, mỗi niệm tiếp luôn, tự nhiên chúng ta được nhất tâm không rối loạn, ba tâm (hiện tại, quá khứ, tương lai) đều tiêu diệt.

Thiền định niệm: Trước hết chúng ta cần phải nương vào pháp Sa Ma Tha (là phép quán niệm tất cả đều không), lắng sạch các tâm tướng, làm cho chúng yên lặng không chao động, yên lặng tột bực là được sáng suốt. Sau đó chúng ta sẽ dùng tâm yên lặng sáng suốt ấy, niệm thầm danh hiệu Phật. Trong kinh Toạ Thiền Tam Muội có nói: “Bậc Bồ Tát ngồi thiền định không nghĩ gì tất cả, chỉ nhớ một đức Phật, tự nhiên được tam Muội”. Đó là phương pháp cao nhất mà an ổn nhất.

Tham cứu niệm: Trong khi niệm Phật, ta nên tham cứu và tự hỏi Niệm Phật là gì, và tham cứu tâm niệm Phật này do từ đâu mà sanh, và do đâu mà diệt, nó đi về đâu. Nếu tham cứu đến tận nơi, thì ta được mở mang, tỏ ngộ. Một ngày kia trông thấy chân tướng của núi sông, chúng ta mới biết chúng sanh đã thành thật, không thiếu cũng không thừa. Đó là phương pháp thiền và tịnh đồng tu.

Nhìn chung, các pháp môn ấy có thể tùy căn tánh của mỗi người, tự chọn lấy một pháp để tu tập suốt đời, mới mong có hiệu quả. Chúng ta không thể tùy thời để thay đổi hoặc chấp chặt một pháp môn nào, vì sẽ bị pháp môn ấy làm chướng ngại.

IV. Danh hiệu Phật thường niệm:
Đức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sanh vô cùng vô tận. Cho nên chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật nào cũng đều được cảm ứng đến tất cả chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên. Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh thì hiện nay chúng ta là người ở thế giới Ta Bà, nhằm quốc độ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên ta phải niệm danh hiệu của Ngài. 

Dụ như dân chúng ở trong nước nào, phải nhớ ơn nhà cầm quyền chính trị sáng suốt ở trong nước đó. Nếu tu theo pháp môn tịnh độ thì thường ngày phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh về nơi cực lạc là quốc độ của đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh về Tây phương cực lạc là quốc độ của đức Phật A Di Đà . Cũng có thể niệm danh hiệu đức Phật Di lặc để cầu sanh về cõi trời Đâu Suất, hoặc niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư để cầu khỏi tật bệnh, hoặc bệnh khổ bức bách không thể nhận chịu thì sớm hôm niệm danh hiệu Quán Thế Am, với bổn nguyện tầm thinh cứu khổ, Bồ Tát hiện thân khắp mười phương tùy cơ cảm chúng sanh mà cứu giúp khiến cho thoát khổ được vui.

 Nhìn chung, trước mắt, là Phật tử, phải niệm đủ Tam Thế Phật. Niệm danh đức Phật Thích Ca Mâu Ni là niệm đức Phật hiện tại, mà cũng là đức Phật giáo chủ. Niệm đức Phật A Di Đà là niệm đức Phật đã thành từ quá khứ, cũng là đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực Lạc. Niệm đức Phật Di Lặc là niệm đức Phật vị lai.

 Nói chung, dù niệm danh hiệu nào thì cũng phải lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tông yếu. Trước phải có lòng tin sâu sắc để rồi lập nguyện tu trì, thực hành theo đúng chí nguyện tốt đẹp đó mới thâm nhập Phật tâm.

V. Lợi ích niệm Phật:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: “Sau khi Phật nhập diệt đã lâu, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh A Di Đà lưu truyền lại được một thời gian rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ, chỉ còn một câu niệm Phật gồm sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi Cực Lạc”.

Như thế, niệm Phật, công đức thật to lớn, một câu niệm Phật mà có thể gồm thâu cả ba tạng giáo điển, hết thảy thần chú, cùng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng, v.v…

Hơn thế nữa, niệm Phật là điều quan trọng quyết định trong lúc lâm chung. Bởi trong các nghiệp nhân, cận tử nghiệp là có mãnh lực rất lớn trong sự đầu thai. Nếu còn tâm niệm tham lam mến tiếc thì bị luân hồi trở lại để giữ của cải và kết duyên làm tình nghĩa ái ân nữa, mãi mãi sanh tử luân hồi không dứt. Cho nên, trong phút lâm chung, người đương sự cần có tâm hồn thanh thoát không luyến tiếc đau khổ mà thiết tha cầu sinh tịnh độ với câu niệm: “Nam mô A Di Đà Phật”, thì vong linh người lâm chung sẽ được nhẹ nhàng siêu thoát.

Như vậy, niệm Phật có nhiều lợi ích, không những đời sau được vãng sinh về cõi Phật là lợi ích chính mà hiện tại cũng có nhiều lợi ích thiết thực. Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh, tức là trừ được những điều xấu xa như tham, giận, kiêu căng. Nếu ta niệm Phật thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa, khẩu và thân không tạo ra nghiệp ác, nghĩa là ta đã diệt được niệm chúng sanh. Niệm Phật sẽ trừ được tâm buồn phiền, vì khi ta nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà thì không còn bận tâm đến những nỗi niềm riêng khi phải biệt ly. Nên nói niệm Phật đổi được phiền não là thế. Nếu niệm Phật tăng thì phiền não giảm. Cho nên, cổ đức có nói: “Một câu niệm Phật giải oan khiên”.

C. KẾT LUẬN:
Đạo Phật có muôn ngàn pháp môn, tựu trung có pháp môn niệm Phật là dễ tu hơn cả. Niệm Phật không phải hao công, nhọc sức, khó khăn. Người trí thức, kẻ đi buôn, người làm ruộng v.v… bất luận đâu và lúc nào đều có thể niệm được cả. Song, muốn có kết quả, điều kiện tiên quyết là phải có: Tín, Hạnh, Nguyện đầy đủ, phải có sự lý viên dung, không nên chấp sự bỏ lý hay chấp lý bỏ sự. Cốt yếu là phải niệm đến nhất tâm bất loạn, cầu sanh về cực lạc, không còn khổ: Sanh, Già, Chết nữa.

Chúng ta đã trót sanh ra ở cõi đời này, ai lại không biết có thân là khổ, dù có vui đi nữa cũng chỉ vui trong chốc lát, mà cái khổ lại đeo đuổi theo luôn. Vây chúng ta nên chuyên cần niệm Phật để sớm được giải thoát.

Sách nói:

Mạc đãi lão lai phương niệm Phật
Cô phần đa thị thiếu niên nhơn


Nghĩa là: Chờ đợi đến già mới niệm Phật, trong nghĩa địa, thiếu chi mồ của hàng thiếu niên. Vì vậy, trong giờ phút mạnh khỏe, chúng ta phải chuyên cần niệm Phật. Biết vô thường còn kiên tâm chờ đợi chúng ta đến ngày mai chăng?


Phải nên phát nguyện, nguyện vãng sanh
Đất khách sơn khê mặc người luyến
Tự không muốn về, về sẽ được
Quê xưa trăng gió có ai tranh

 


 PHẦN CÂU HỎI


1.  Chuyên niệm danh Phật, hiệu lực so với sự trì chú như thế nào?
Phật hiệu cùng chú công đức bằng nhau, duy cần phải chí thành mới được cảm cách. Nếu trong tâm trước có một niệm xem khinh hiệu Phật, tất không được sự lợi ích chân thật.

2. Phật có vô số, vì sao chỉ niệm Phật A Di Đà?
Tất cả chư Phật đều đồng một thể tánh chơn như bình đẳng. Niệm Phật A Di Đà tức là niệm tất cả các chư Phật, ví như trong một căn phòng rộng, quanh tường có treo trăm cái gương, ta chỉ đứng soi vào một tấm gương mà cả trăm tấm gương kia đều phản chiếu hình ảnh ta.

3. Phật đã có ở khắp nơi thì cảnh Phật cũng có khắp nơi, tại sao không niệm về Đông hoặc Nam phương mà chỉ cầu về Tây phương Cực Lạc?
Đúng là cõi Phật ở đâu cũng có, muốn cầu về cõi nào cũng được, nhưng chúng ta chỉ cầu về Tây Phương Phật vì: cảnh Cực Lạc Tây Phương là cảnh mà nhờ đức Phật Thích Ca giới thiệu, chúng ta biết rõ hơn cả. Đến một cảnh giới mà ta đã có ý niệm bao giờ cũng hơn là ta đến một nơi ta còn xa lạ, không biết rõ gì cả. Hơn nữa, nếu ta chuyên tưởng niệm một cảnh giới nhất định thì tâm sẽ được duy nhất. Nếu hôm nay niệm cảnh giới này, hôm sau niệm cảnh giới khác thì tâm sẽ tán loạn. Cũng như nhiều ngã dễ lạc. Bắn tên phải nhắm vào một mục đích nhất định mới hy vọng trúng. Tu pháp môn niệm Phật cốt nhất là được”nhất tâm bất loạn”.

4. Vì sao phải niệm Phật?
Bởi tâm chúng sanh luôn vọng tưởng theo cõi trần, tham, sân si đầy dẫy. Nếu luôn nhớ nghĩ đến Phật thì giảm đi sự nhớ đến phiền não, giúp tâm ta hiện tại an ổn, làm tiền đề tốt để vãng sanh.

5. Pháp môn niệm Phật thuộc tông nào? Tông này dùng yếu tố gì làm căn bản cho sự tu tập giải thoát?
Niệm Phật thuộc Tông Tịnh Độ, luôn dùng Tín. Hạnh, Nguyện - làm tiền đề để tu niệm. Bởi nuốn thực hiện tốt điều gì, trước phải có lòng tin, để rồi lập nguyện tu hành và nguyện có lập thì mới mong thành đạo quả. 


BBT

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch