Danh lam
Chùa Bạch Mã: cái nôi của Phật giáo Trung Quốc
24/06/2017 14:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa Bạch Mã (白馬寺) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Trung Quốc và được xem là cái nôi của Phật giáo xứ này. Theo truyền thuyết, vào năm 64 TL, vua Minh Đế (28-75) nhà Hán nằm mơ thấy một vị thần có sắc thân vàng bay từ phương Tây đến hoàng cung.


Sáng hôm sau nhà vua kể lại sự việc với các triều thần và được một vị đại thần tâu rằng ông nghe nói ở Tây Trúc có một người đắc đạo được xưng là Phật. Người này có thể bay trên không và thân thể phát ra ánh sáng vàng rực rỡ. Và rằng vị thần mà nhà vua gặp trong mơ có thể là Đức Phật đó. Tin lời vị đại thần, nhà vua sau đó phái một phái đoàn gồm 18 người đến Tây Trúc để thỉnh kinh Phật.

Phái đoàn này đã đến Ấn Độ và ba năm sau, vào niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10, cùng với hai Tăng sĩ Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapa Matanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaranya), họ trở về và mang theo một tượng Phật, xá-lợi cùng với nhiều kinh sách được chở bởi một con ngựa trắng.

chua bm 2.jpg
Một góc chùa Bạch Mã

Khi hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Lạc Dương1, họ được thỉnh đến cư ngụ tại Hồng Lô tự, một dinh thự dành để tiếp đón khách nước ngoài. Năm tiếp theo nhà vua cho xây dựng một ngôi chùa bên ngoài Tây Ung Môn (西雍門) của Lạc Dương để cho hai vị Tăng cư ngụ và dịch kinh. Sử sách ghi chép rằng địa điểm xây dựng ngôi chùa vốn là nơi Hán Minh Đế sử dụng như một nơi nghỉ mùa hè. Ngôi chùa được đặt tên là “Bạch Mã” để tưởng nhớ công việc khó khăn mà con bạch mã đã đảm nhiệm, là mang kinh Phật từ Ấn Độ đến Trung Quốc.

Bản dịch Hán ngữ đầu tiên kinh Tứ thập nhị chương (四十二章經) được thực hiện tại ngôi chùa này. Ngôi chùa sau đó trở thành một địa điểm quan trọng trong việc phát triển Phật giáo ở Trung Quốc và truyền bá sang các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó thậm chí được sử dụng như một nơi lánh nạn trong suốt thời kỳ nổi loạn của Vương Mãng (王莽) vào đời Đông Hán. Vào năm 258, một Tăng sĩ người Kuchean (Quy Từ) đã dịch sáu bản kinh Phật sang Hán ngữ tại ngôi chùa này, trong đó có kinh Vô lượng thọ.

Ngài Trúc Pháp Hộ (竺法護 Dharmarakṣa), một dịch giả nổi tiếng của Phật giáo, đã đến Lạc Dương vào năm 266 và đã lưu trú ở chùa Bạch Mã từ năm 289 đến 290. Vào triều Đường, ngài Huyền Trang sau khi trải qua 17 năm ở Ấn Độ, lúc trở về đã lưu trú tại Bạch Mã và ở đây ngài đã dành cả cuộc đời còn lại cho việc dịch thuật kinh Phật. Dưới thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên (624-705), chư Tăng tu học tại chùa Bạch Mã được cho lên đến 1.000 vị.

Chùa Bạch Mã trải qua nhiều thăng trầm và đã có những lần bị tàn phá nặng nề. Ngôi chùa này từng bị tàn phá nghiêm trọng vào thời nổi loạn của An Sử (755-763). Đến thời Hội Xương (840-846) tiêu diệt Phật giáo, nó lại bị phá hoại nghiêm trọng hơn. Dưới thời Tống Thái Tông, chùa Bạch Mã lại được sửa chữa. Một bản chữ viết trên tấm bia nằm cận tháp Tề Vân có niên đại 1175 nói rằng năm thập kỷ trước đó có một vụ hỏa hoạn xảy ra đã thiêu hủy ngôi chùa và một ngôi bảo tháp. Và bản khắc bia cũng nói rằng một triều thần đời Nguyên sau đó đã cho xây dựng lại ngôi chùa.

Những kiến trúc chính tại Bạch Mã hầu như được xây vào đời Minh (1368-1644) và đời Thanh (1644-1912). Vào những năm 50 thế kỷ trước, ngôi chùa lại được trùng tu; và sau đó vào năm 1973, nó lại một lần nữa được sửa chữa do những ảnh hưởng sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Vào năm 1992, với sự tài trợ của Thái Lan và những thí chủ Trung Quốc, một điện thờ mang kiến trúc Thái Lan đã được xây dựng ở phía Tây của ngôi chùa cũ.

Vào năm 2008, ngôi chùa được mở rộng với việc xây dựng một ngôi bảo tháp mang kiến trúc Ấn Độ (tương tự như tháp Sanchi ở bang Madhya Pradesh); và một sảnh đường mới cũng được xây dựng dưới sự hợp tác của Trung Quốc và Ấn Đô.

Tọa lạc trên một diện tích khoảng 13 héc-ta, chùa Bạch Mã hiện nay bao gồm nhiều công trình khác nhau, như Thiên vương điện, Đại Phật điện, Đại hùng bảo điện, Phật điện Tỳ Lô, Tổ đường, Tiếp dẫn điện, La Hán đường, Thanh lương đài.v.v… Ở đây cũng có lăng mộ của hai vị Đại sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Hai Tăng sĩ Ấn Độ này sau khi qua đời được an táng tại đây.

Cách chùa Bạch Mã 250 mét về phía Đông có một ngôi bảo tháp được gọi là Tề Vân (齊雲塔). Ngôi tháp này vốn được làm bằng gỗ dưới thời nhà Đường, nhưng đã bị hư hoại vào cuối đời Bắc Tống (960-1127). Ngôi tháp hiện tại được làm bằng gạch và được xây vào năm 1175 dưới thời nhà Nguyên. Ngôi tháp này gồm 13 tầng và cao 25 mét, được xem là một kiến trúc cổ nhất tại Lạc Dương.

chua bm 1.jpg
Đây là địa chỉ tham quan không thể bỏ qua của du khách thập phương

Ngày nay chùa Bạch Mã là một địa chỉ tham quan không thể bỏ qua đối với nhiều người khi đến Lạc Dương. Mặc dù không phải là ngôi chùa lớn nhất cũng không phải là một danh lam đẹp nhất, chùa Bạch Mã vẫn là một nơi đáng được tham quan và chiêm bái bởi những sự kiện lịch sử gắn liền với nó cũng như một số lớn nhưng di tích Phật giáo có mặt ở đây.

 Nguyễn Đăng

________________

(1)  Nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Nam, Lạc Dương là một trong bảy kinh đô cổ của Trung Quốc. Lạc Dương là kinh đô của chín triều đại trải qua một thời kỳ kéo dài hơn 1.500 năm. Tầm quan trọng của Lạc Dương được thể hiện ở sự ảnh hưởng đáng kể của nó vào di sản văn hóa Trung Quốc. Mặc dù những chuyển biến lịch sử trong những thế kỷ cuối đã hủy hoại một số những di tích lịch sử tại đây, Lạc Dương vẫn giữ lại được nhiều nét cổ xưa ý nghĩa và nhiều di tích quan trọng.

Theo NSGN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch