Lý
Phật Mã là Hoàng tử trưởng của Vua Lý Công Uẩn, lên ngôi lúc 28 tuổi.
Dân gian còn truyền tụng nhiều sự tích lạ lùng về vị vua này như sau gáy
ông có tới 7 nốt ruồi tụ lại như chòm sao thất tinh (sao Bắc đẩu); ông
thường bắt bọn trẻ cùng lứa, dàn hàng tả hữa trước sau để làm quân hầu
hộ vệ cho mình...
Lý Thái Tổ có để
lại di chiếu truyền ngôi cho Thái tử Lý Phật Mã. Các hoàng tử của Lý
Thái Tổ khá đông và người nào cũng có tài cầm quân. Vì vậy khi Vua vừa
mất, 3 trong số các hoàng tử đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi
Thiên tử. Nhờ sự giúp sức của quan nội thị Lý Nhân Nghĩa, Lý Phật Mã vào
cung an toàn (Lý Công Uẩn để Thái tử sống bên ngoài cung) và lên ngôi
Hoàng đế. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép, khi nghe tin các hoàng tử em
làm phản, Thái tử Lý Phật Mã đã nói: “Ta lấy làm xấu hổ là Tiên đế mới
mất chưa quàn mà anh em đã giết lẫn nhau, há chẳng để cho muôn đời chê
cười sao?”
Phật Mã lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Thành. Qua sự việc các hoàng
tử mưu phản, vua Lý Thái Tông nghĩ ngay đến việc phải có một hình thức
tâm linh để thu phục lòng người, cố kết nhân tâm. Vua cho dựng miếu thờ
Thần Đồng Cổ ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ. Sau đó lập đàn
trong miếu và đọc lời thề: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai
bất hiếu, bất trung xin Thần trừng phạt”. Các quan lần lượt từ cửa đông
đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề. Từ đó, thành lệ, hằng
năm vào dịp đầu xuân, vua quan nhà Lý đều phải dự Hội thề đền Đồng Cổ.
Lý Thái Tông cũng là người ban bố bộ luật Hình thư – bộ luật thành
văn đầu tiên ở nước ta. Về việc này, sử sách còn ghi rõ: “Trước kia việc
kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật
văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng.
Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho
thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biến thành điều khoản, làm
thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách
làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án
được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc
tiền Minh Đạo”.
Suốt 27 năm ở ngôi, khi mất chưa đến 60 tuổi, Lý Thái Tông thân chinh
cầm quân nhiều lần. Năm 33 tuổi, ông đánh châu Định Nguyên, năm 35 tuổi
đánh châu Ái, năm 39 tuổi đánh Nùng Tồn Phúc, năm 42 tuổi đánh Nùng Trí
Cao, năm 44 tuổi vào tận phía Nam đánh Chiêm Thành...
Ngoài việc cầm quân, Lý Thái Tông còn là người yêu thơ văn, tinh
thông Phật pháp. Ông làm thơ mà nổi tiếng nhất là bài thơ ngũ ngôn “Tăn
tì -i- đa -lưu-chi thiền sư”. Về ngôi chùa Một Cột-một biểu tượng của
kiến trúc thời Lý, theo sử sách chép lại, đã được xây dựng bằng ý tưởng
của vua Lý Thái Tông. Nhà vua nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên
toà sen... Sau đó, vua cho dựng cột, làm toà sen đặt lên đúng như trong
mộng. Ngôi chùa Một Cột lúc ấy được lấy tên là chùa Diên Hựu...
Sử sách còn chép rằng: năm vua 38 tuổi, mùa xuân, tháng hai ông ra
cửa Bồ Hải cày ruộng khai lễ Tịch Điền. Vua thân tế Thần Nông, tế xong
tự cầm cày xuống ruộng. Các quan có người can: Đó là việc của nông phu,
Bệ hạ cần gì làm thế? Vua đã nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi
cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo”...
Có một chi tiết thật thú vị mà nói theo ngôn ngữ thời nay là gần 1000
năm trước, vua Lý Thái Tông đã chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”.
Năm 1040, ngay sau khi vua dạy cho cung nữ tự dệt được gấm vóc, vua đã
“xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để may áo ban
cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở
lên thì áo bào bằng vóc”. Phát hết như vậy, để trong kho không còn vải
ngoại nữa nên từ đó chỉ dùng vải của nước mình. Thật là một vị vua đầy ý
chí tự cường!