Tọa lạc trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, các công trình như Nhà
tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa Song Tử Tây, chùa Trường
Sa là những công trình văn hóa tiêu biểu của Huyện đảo Trường Sa, mang
lại cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên nơi đây hình bóng đất liền và
điểm tựa tinh thần vững chắc.
Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử
Tây có quy mô hoành tráng với tam quan bề thế, gian thờ Phật to rộng
cùng cảnh quan xung quanh thoáng đãng, trong lành. Trong ảnh, toàn cảnh
chùa Song Tử Tây nhìn từ trên cao.
Hoành tráng với 3 lớp mái ngói kiên cố, kết cấu hình chồng diêm sừng
sững nhìn ra biển, tam quan chùa Song Tử Tây có thể đủ chỗ đứng cho cả
trăm người, được xây dựng từ gạch, gỗ với dáng dấp kiến trúc thuần Việt.
Từ tam quan dẫn tới gian thờ Phật của chùa là con đường lát gạch đá rất
sạch sẽ, đặt dọc trục thần đạo, hai bên đường là dãy các cây vạn niên
thanh.
Chính giữa gian thờ là Đại hùng Bảo điện, nơi đặt tượng Phật làm từ đá nguyên khối.
Xung quanh các bên đặt tượng các vị kim cương, cũng làm từ đá nguyên
khối. Nội thất như bàn ghế bên trong chùa Song Tử Tây được làm từ các
loại gỗ quý. Cả những mảng vách trong chùa cũng được ghép từ nhiều phiến
gỗ rất dày.
Nét đặc sắc của chùa Song Tử Tây và các ngôi chùa khác ở trên quần đảo
Trường Sa là tất cả các hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng đều viết
bằng chữ quốc ngữ.
So với nhiều đảo khác trên quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây được thiên
nhiên ưu đãi chút ít nước ngầm và thảm thực vật phong phú hơn cả. Nơi
đây xen kẽ cây phong ba, cây bàng vuông là các cây tre, chuối, đu đủ,
gần giống như những làng quê bình dị trên đất liền.
Một ngôi chùa nổi tiếng khác trên quần đảo là chùa Trường Sa lớn. Tuy
không bề thế như chùa Song Tử Tây nhưng vẫn đạt được kiến trúc chuẩn mực
của chốn tôn nghiêm.
Ở Chùa Trường Sa lớn có treo quả chuông đồng. Trên đó có dòng chữ "Chùa
Trường Sa lớn, thuộc quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa - Nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam".
Các ban thờ Phật trong các ngồi chùa đều được nhân dân nhang khói quanh
năm. Trên bàn thờ Phật không bao giờ thiếu hương hoa quả phẩm của người
dân dâng lên đấng chí tôn. Anh Nguyễn Tấn Thi, ngư dân trên đảo Trường
Sa cho biết, do khí hậu khắc nghiệt, hoa quả trên đảo chủ yếu được mang
từ đất liền, chỉ có đu đủ là loại quả luôn sẵn có nơi đây.
Dù khó khăn, nhưng nhân dân Trường Sa luôn cố gắng duy trì nét văn hóa
đặc trưng như trên đất liền. Sau mỗi mùa biển động, mùa gió muối, các
cây hoa đại trồng trước các cửa chùa lại nở hoa khoe hương sắc.
Đến đảo Trường Sa lớn, không thể không thăm quan Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tinh thần quan trọng bậc nhất trên
toàn quần đảo. Chính giữa gian thờ là tượng Hồ Chủ tịch, làm từ đồng
nguyên khối với tỷ lệ 1:1, bên trên là khẩu hiểu "Không có gì quý hơn
độc lập, tự do". Xung quanh là các tủ kính trưng bày tài liệu, hình ảnh
về quãng đời hoạt cách mạng của Người.
Công trình là nơi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo tưởng nhớ Bác
trong các dịp lễ, tết và báo công dâng Người sau mỗi lần hoàn thành
nhiệm vụ. Trong ảnh là bia đá ghi tiểu sử của Hồ Chủ tịch.
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa là những người thay mặt cho đồng
chí, đồng đội trên toàn quần đảo ngày ngày chăm sóc, quét dọn Nhà tưởng
nhiệm. Trong ảnh, thượng úy Nguyễn Đình Hoán dâng hương tưởng nhớ Bác
Hồ.
Đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa là công trình có quy mô lớn, là nơi ghi
nhớ công lao của các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc,
bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Toàn bộ công trình
được ghép từ các khối đá rất lớn, đặt trên 9 bậc thang lát đá sạch sẽ và
trang trọng.