Thở hết dốc, và thêm một chút nữa là tới Thông Đàn. Cái tên
này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn
thông. Các vị vua cùng các nhà sư từ đời Trần đã lựa chọn nơi này bởi
lẽ, vào đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang
được tấu lên.
Để đến am Ngọa Vân con đường thú vị là đi qua dốc Đô Kiệu, theo lối
Thông Đàn. Xuất phát từ Hà Nội, bạn hãy đến làng Trại Lốc (Đông Triều -
Quảng Ninh). Chúng tôi xuất phát từ Trại Lốc. Đoạn đường trước khi đến
dốc Đô Kiệu không quá khó đi, vì phần lớn là đi theo lối mòn. Nhưng
con dốc Đô Kiệu thì quả không sai với ý nghĩa của cái tên. Dốc dựng
đứng, và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này,
đến đây cũng đành dừng lại (vậy nên tên gọi khởi thủy của nó là Đỗ
Kiệu).
|
Chính vì vậy, ở Thông Đàn, cũng giống như ở chùa Vân Tiêu bên Yên Tử
Đông, có một nét phong thủy rất đặc trưng, đó là khối kiến trúc gồm
một tòa tháp tọa giữa hai gốc thông cao vút.
Nền đá còn lại của Thông Đàn cho thấy rõ đây đã từng là một rừng
tháp quy mô lớn. Giống như một khoảng sân rộng lớn gồm ba tầng rõ rệt.
Có đá lát, đá viền xung quanh. Thời gian, cùng với sự thèm khát thiếu
văn hóa của nhiều con người đã biến Thông Đàn trở thành bãi đá ngổn
ngang và những gốc thông trơ trọi.
Những khối đá vuông vức này là phần còn lại của những tòa tháp cổ đã
bị đào xới, đánh mìn, lật tung lên để tìm của báu. Còn Thông Đàn, sau
nhiều năm bị khai thác bừa bãi và chặt trộm… giờ chỉ còn sót lại một
vài gốc đứng chơ vơ hứng chịu mọi tia sấm sét của bầu trời.
Cách Thông Đàn không xa là khu hoang phế gồm phần nền móng và một
bức tường đổ sau những biến động của thời gian và lịch sử. Bức tường đá
ong và những nét họa tiết còn sót lại cho thấy khi còn nguyên vẹn, đây
là một gian kiến trúc khá cầu kỳ, và được xây dựng rất cẩn thận.
|
Mộ tháp dưới hai gốc thông - Ảnh: Hoàng Hà Mai
|
|
Toàn cảnh Thông Đàn - Ảnh: Hoàng Hà Mai
|
|
Những gì còn sót lại tại Thông Đàn - Ảnh: Hoàng Hà Mai
|
Dù vừa đi vừa nghỉ, nhưng cũng phải dồn hết sức chúng tôi mới đến
được Ngọa Vân. Đặt chân tới đây, bạn cảm nhận được sự yên tĩnh đến diệu
kỳ. Những bậc đá phủ rêu đưa bước chân thoát tục hướng cao lên đỉnh
núi, nơi có Ngọa Vân am. Vẫn còn nguyên vẹn tại đây hai tòa mộ tháp
nhuốm màu thời gian: tháp Đoan Nghiêm và tháp Phật Hoàng.
Dấu ấn vương giả một thời đã chìm vào quên lãng với voi đá, ngựa đá…
giờ nằm lại nơi này như minh chứng cho sự gác bỏ phồn hoa trần tục của
vị vua kiệt xuất đời Trần.
Phía sau gian thờ là tòa am nhỏ đề ba chữ Hán: “Ngọa Vân am”. Bên
trong thờ tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch có Bảo Sái
quỳ chắp tay hầu.
|
Tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm - Ảnh: Hoàng Hà Mai
|
|
Tượng Phật Hoàng lúc viên tịch có Bảo Sái hầu bên cạnh - Ảnh: Hoàng Hà Mai |
Trong nhiều tài liệu sử liệu cổ có ghi chép về sự việc Trần Nhân
Tông viên tịch, đó là tại am Ngọa Vân, vào đêm 1-11-1308. Khi dặn dò
Bảo Sát, Điều Ngự nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch.
Việc xác định vị trí am Ngọa Vân ở đâu - một vấn đề mang nhiều tranh
cãi của các nhà khoa học - đến nay đã được nhà khảo cổ học Nguyễn Văn
Anh và nhiều đồng sự khác tại Viện Khảo cổ học giải đáp thỏa đáng. Khi
thám sát, khai quật am Ngọa Vân đoàn đã tìm được nhiều dấu tích liên
quan đến việc đức vua Trần Nhân Tông viên tịch tại đây.
Tiêu biểu như di vật Phật hoàng tháp, được xác định là mộ tháp của
Phật hoàng, bài vị thờ ngài trong tháp và tấm bia thời Nguyễn được vua
Minh Mạng cho dựng để ghi nhớ vị trí tháp mộ Trần Nhân Tông. Trong khi
đó vị trí được coi là am Ngoạ Vân ở di tích Yên Tử hiện nay chỉ là công
trình mới được hình thành vào thời Lê, Nguyễn.
Điều này khẳng định nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch là am Ngoạ Vân ở
xã An Sinh, huyện Đông Triều chứ không phải am Ngoạ Vân tại di tích
Yên Tử hiện nay như nhiều người vẫn nghĩ.
Thầy trụ trì đi vắng, chúng tôi xin phép sư thầy Thích Tiến Thắng
cho nghỉ lại một đêm. Không phải là những người đầu tiên lên chùa, hơn
thế, gần đây đội khảo sát Thông Đàn cũng xin nghỉ đêm lại gian nhà
khách, nên các thầy không bất ngờ. Những ngày rằm, hay ngày giỗ Nhất Tổ
(3-11), các Phật tử sẽ còn lên đông nữa.
Tự nhiên, trong lòng cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó, giống như cảm giác sự yên tĩnh của Ngọa Vân đang bị lấy mất dần đi.
|
Giếng đá tại Ngọa Vân có nước trong vắt - Ảnh: Hoàng Hà Mai
|
Thời gian gần đây, khách du lịch lên chùa ngày một nhiều. Trong
tương lai, khi con đường bộ hoặc đường cáp treo hoàn thành, Ngọa Vân
rồi sẽ trở về đúng vị trí, sẽ giống như Yên Tử hiện tại, với ồn ã kinh
doanh, hành hương chen chúc... Liệu lúc đó, cửa Ngọa Vân có còn đủ chỗ
cho 1 người qua đường lỡ bước xin nghỉ qua đêm?
Sáng hôm sau, tiếng tụng kinh và tiếng mõ của các thầy đánh thức mọi
người dậy sớm. Lịch của các thầy bắt đầu từ 4 giờ. Trong ánh đèn pin,
hai anh em dậy thu dọn đồ đạc, rồi xuống bếp chùa nấu nhờ bữa sáng. Dù
các thầy có máy phát điện chạy từ con đập nhỏ phía dưới, nhưng không
phải lúc nào cũng có đủ nước để máy chạy. Thế nên, đèn, nến và bếp lửa
vẫn là nguồn ánh sáng chính lúc này.
Buổi sáng quen thuộc của Yên Tử lại bắt đầu với nắng sớm, gió lạnh,
tiếng tụng kinh gợi cảm giác thiền lặng như từ một miền xa xôi. Chào
tạm biệt các thầy, chúng tôi quay về theo lối đi qua dốc Voi rồi về
thôn Tân Sơn. Con đường này, đoạn gần am Ngọa Vân, hai bên trúc mọc dày
đặc, ken kín một màu xanh dịu mát.
Lối đi này dễ đi hơn nhiều so với lối đi từ Trại Lốc và là ngã ba
đường để đi tới chùa Hồ Thiên, nơi bắt đầu câu chuyện thứ hai về Tây
Yên Tử.
Nguồn: Tuổi Trẻ