|
Một góc chùa Việt Nam trên đất... Nepal. |
Sau khi quay được khá nhiều cảnh ở Lâm Tỳ Ni, điểm đến kế tiếp của chúng tôi sẽ là chùa… Việt Nam.
Sau gần một tuần lễ trên đất Ấn, dường như mọi thông
tin từ quê nhà trở nên xa xôi, lạ lẫm. Ở một vùng đất khô cằn và nắng
nóng như thế này mà nghe vang lên hai chữ… Việt Nam bỗng nhiên lòng
chúng tôi cảm thấy ấm lên rất nhiều.
Ngôi chùa có tên Việt Nam Phật Quốc Tự do sư thầy
Huyền Diệu làm trụ trì. Ông là người ở Long Thành (Đồng Nai), từng đỗ
học vị giáo sư tiến sĩ ở Đại học Sorbonne của Pháp, hiện đang giữ chức
Chủ tịch Hội đồng Phật giáo Quốc tế.
Với diện tích khoảng hai hecta, những ai lạc vào
chùa Việt Nam cứ tưởng như mình đang sống ở… quê nhà, bởi từ cảnh trí
của ngôi chùa, những mái ngói cong lượn, những hình họa tiết của long
phụng trên các ô ban công trên các dãi nhà ba tầng, những bụi tre, cọng
cỏ, mặt hồ nước mênh mang dễ làm người ta xao động về một vùng đất quê
hương trên xứ… người!
|
Sư thầy Huyền Diệu vui vẽ và thân thiện tiếp đoàn phim. |
Muốn gặp sư thầy Huyền Diệu, đoàn phim đã phải liên
lạc qua email với thầy từ nhiều ngày trước đó. Dù đã có hẹn trước,
nhưng chúng tôi vẫn cứ hồi hộp, bởi thông tin về ông luôn có sự hấp
dẫn với nhiều người tới đây.
Phải qua nhiều con đường nắng cháy da khô, qua những
cánh đồng lúa mì bát ngát, đặc biệt xe chở chúng tôi đí qua những ngôi
chùa Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… xa xa hơn một chút thì
có chùa Thái Lan, Miến Điện, Đài Loan…
|
Câu chuyện luôn có sức thu hút bởi tài thuyết pháp của thầy ... quá tuyệt |
Hỏi anh phiên dịch: “Sao ở đây có nhiều chùa như
thế? “. Anh ta cười bảo: “ Đây là một trong “Tứ thánh địa” của vùng đất
Phật với tên gọi Tứ Động Tâm. Thứ tự từng nơi như sau: Bồ đề Đạo
tràng, là nơi đức Phật giác ngộ. Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh. Vườn
Lộc Uyển, nơi đức Phật giảng pháp lần đầu. Và Câu Thi Na, nơi Ngài
nhập niết bàn. Ngày nay, cả “Tứ thánh địa” này đều được xếp vào hàng di
sản văn hóa thế giới. Đang có kế hoạch xây dựng Bồ đề Đạo tràng thành
Trung tâm Phật giáo Thế giới, Trung tâm hành hương của các tín đồ đạo
Phật... nên ở đây còn được xem là "Liên hợp quốc … chùa"!
Cuối cùng, xe cũng đến được trước cổng chùa Việt Nam
Phật Quốc Tự, tiếp chúng tôi là một “chàng trai” cao to, nhanh nhẹn
trong bộ trang phục nâu sòng, miệng luôn cười niềm nở đón khách phương
xa, thì ra đó là sư thầy… Huyền Diệu!
Gặp và tiếp xúc với thầy, so với tưởng tượng ban đầu
hoàn toàn khác hẳn. Trong đầu tôi luôn thắc mắc: Vị sư một mình xây
chùa Việt Nam trên xứ Phật đây sao? Người từng đưa thông điệp hòa bình
với òoài người… sao lại giản dị và gần gũi đến thế!
Đầu tiên, các vị khách được thầy Huyền Diệu dẫn tham
qua đến từng nơi của ngôi chùa. Tất nhiên mọi lời nói, hành động của
thầy được Quốc Thành quay phim liên tục.
Phải nói cách “thuyết pháp” của thầy khá ấn tượng,
từng câu chuyện bình dị của đời thường, đến những câu chuyên huyền diệu
của… tâm linh qua lời nói của thầy, mọi chuyện như được minh họa một
cách và thực tế và sống động. Kiến thức uyên thâm, cộng với sự nhiệt
tình, cởi mở, những câu chuyện của thầy kể như một sức hút vô hình,
luôn làm người nghe hấp dẫn và thích thú.
|
Chùa Việt Nam cao hơn đỉnh núi Ever! Một ý tưởng độc đáo |
Thầy kể: “Quý vị có thấy trước mắt là dãy núi
Everest không? Đó là đỉnh núi cao nhất thế giới đấy, nhưng nếu nhìn kỷ
thì chùa Việt Nam của mình còn cao hơn cả ngọn núi kia, bởi khi bắt tay
vào xây dựng chùa, tôi thấy chùa của các nước khác quy mô và vĩ đại
quá, họ xây chùa bằng ngân quỹ của Nhà nước mà, nhưng với chùa Việt Nam
thì tôi chỉ có… 600 đô la. Nên ngày đầu xây chùa, tôi chì có lòng thành
và sự giúp đỡ của các Phật tử trên thế giới mà thôi. Với tôi, khi hình
thành thiết kế tổng quan cho ngôi chùa này, tôi quan niệm là không nên
bắt chước một ai, phải có điểm riêng độc đáo của người Việt Nam mình,
phải mang cả phong cách, tính cách, khát vọng của đất nước Việt Nam.
Dân tộc mình có lịch sử 4.000 năm, có quá trình phát triển Phật giáo
lâu đời. Đã đến lúc mình phải vươn vai đứng dậy cho bằng người ta
chứ!”.
Thầy dẫn đoàn người lên chánh điện tham qua, bên
trong là một tượng Phật rất to. Nhìn xung quanh các họa tiết hoa văn
Mai Lan Trúc Cúc, rồi hình Long Lân Quy Phụng… từ các dãi nhà song song
chánh điện, mới thấy được sự khéo léo từ đôi tay của các nghệ nhân
được mời từ Việt Nam sang, và đó là những nét độc đáo tinh tế của
“kiến trúc sư ”… Huyền Diệu.
|
|
|
Những hoa văn được chạm khắc rất tinh xảo ở chùa |
|
Một góc chùa trên cao |
Nhưng điểm để chúng tôi nể phục và cả quay phim Quốc
Thành cố thu hình cho bằng được trong điều kiện ánh sáng không tốt
lắm, đó là quốc kỳ Việt Nam và hình tượng Bác Hồ nằm ở phía sau sảnh
đường của chánh điện, Thầy bảo: “ Tổ quốc luôn ở trong tâm cuả tôi
mà!”.
|
Bản đồ Việt Nam đã xuất hiện trên đất Phật |
Từ chánh điện nhìn xuống cổng chính là một tấm bản đồ
Việt Nam bằng xi măng được khắc lên từng vị trí của 64 tỉnh thành, bên
trái là một thửa ruộng nho nhỏ, hình ảnh mục đồng ngồi lưng trâu, bên
phải là những lùm cây trái xum xuê. Kế bên là ngôi chùa Một Cột đang
còn trong giai đoạn xây dựng dỡ dang, với đường đi vào chùa là 7 lá
sen, tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật khi mới chào đời. Những
cảnh vật này dễ làm người xem chạnh lòng, bởi ở một vùng đất xa xôi
như thế này sao vẫn cứ hiện về những hình ảnh thân thương của văn hóa
Việt Nam.
|
Sếu đầu đỏ, loài chim quý trên thế giới, có mặt tại chùa của sư Huyền Diệu |
Sau lưng chùa Một Cột là khu đất trống đang có hai
con sếu đầu đỏ cao to, và thầy bảo: “Đây là giống chim quý, không phải
nơi nào cũng có, nhưng với chùa Việt Nam ở đây, mỗi khi chiều về chúng
bay thành từng đàn khoảng 70 con, quanh quẩn bên chùa, quý vị thấy có
phải đây là vùng đất an lành quá phải không?".
|
Buổi trò chuyện diễn ra trong căn nhà lá đơn sơ |
Tiếp chúng tôi ngay trong một căn chòi lá đơn sơ, nơi
thầy thường ngủ nghĩ, sáng tác thơ văn… hàng chục câu chuyện về nhân
quả, chuyện tâm tình của người sống xa quê luôn hướng về Việt Nam,...
khiến đoàn phim như lằng đi trong không gian yên tịnh. Chỉ có bước chân
của quay phim Quốc Thành cứ tới lui rồi lui tới, để cố thu hết vào
khung hình mọi chuyện đang diễn ra.
Chỉ là một ngôi chùa bình thường, nhưng lại có mạch
nước ngầm trong lành chảy suốt ngày đêm, từng cụm rau má um sùm mọc rãi
rác quanh chùa, từng nhánh bồ đề được chiết nhỏ, từng bụi trúc bờ
mương. Và không chỉ có vậy, những ai đến nơi đây dù chỉ một lần cũng sẽ
không bao giờ quên vị sự thầy luôn mang những ý tưởng an lành để cầu
chúng sanh được bình an.
Huyền Diệu, tên của người xây chùa bằng tâm huyết,
được truyền đi như một câu chuyện huyền diệu trong lòng chúng tôi. Chắc
chắn những thước phim thu được trong ngày đáng nhớ ấy, sẽ là những tư
liệu quý cho đoàn phim chúng tôi trong lần sang đất Phật.
Bài và ảnh: Lữ Đắc Long
Theo: Zing News