Từ xa, chùa Bửu Minh thấp thoáng vươn
lên trời xanh như đầu con chim phượng hoàng, khi đến gần ngôi chùa với
ba mái tháp khoảng cách cân đối, tuy mái bằng bêtông (tiếng Pháp: béton)
cốt thép nhưng rất mềm, mái cong mềm như mũi chiếc ghe độc mộc, cả ba
mái tháp độ cong mềm giống nhau.
Chùa Bửu Minh hình chữ nhật chỉ có một
đòn giông, nên mái xòe ra rất to và mạnh, thoáng trông giống như kiến
trúc chùa Nhật Bản, nhưng với độ dốc mái nghiêng 45°, dốc khá nhiều
trông tựa mái nhà rông Tây Nguyên, kiến trúc cổ chùa Việt Nam không có
kiểu này. Chính mái chùa có độ dốc như nhà rông, cộng với sáu đầu đao
góc vươn ra nhiều nên rất giống thân chim phượng hoàng.
Các đầu đao không khắc chạm nguyên con
mà chỉ điêu khắc đầu rồng, với độ cong rất mềm, kế đầu rồng là cá hóa
long, xung quanh cổ lầu Sư trang trí chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng (chữ Phạn)
nằm trong hoa sen. Tháp vuông ba mái nằm phía sau đòn giông, mọc vút
lên cao, từ xa nhìn chỉ thấy ba mái tháp, tháp và chùa cùng liên kết với
nhau hài hòa.Tính từ mặt đất lên đến đỉnh tháp thờ xá lợi Phật chiều
cao là 47,25m.
Nội điện chùa Bửu Minh không thờ nhiều:
Gian chính thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bằng đá cẩm thạch trắng
cao hơn 3m, phía trước và thấp hơn là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, phục
chế lại từ nguyên mẫu tượng Bồ Tát chùa Bút Tháp - Bắc Ninh, bằng gỗ
mít, cao gần 3m. Pho tượng này làm tại làng Sơn Đồng - Hà Tây.
Hai gian bên tả hữu là thờ tượng Bồ Tát
Địa Tạng, Bồ Tát Quan Âm bằng gỗ mít, một tượng làm tại làng Sơn Đồng,
một tượng làm tại làng Võ Lăng (Hà Tây) chiều cao mỗi tượng cao gần 4m.
Hai phía bên vách là hai pho tượng Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền điêu
khắc nổi bằng xi măng (tiếng Pháp: ciment), cốt thép, làm theo kiểu âm
tường nên không chiếm diện tích xử dụng. Phía trước tiền sảnh có tượng
điêu khắc nổi Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ, trông rất oai vệ như một võ
tướng.
Màu sắc để sơn trụ cột, kèo, xiên,
trính, đều sơn bằng màu nâu, màu gỗ, tường màu ruốc nhạt nên trông chùa
sáng, không u tịch. Những bức hoành phi, bao lam,cửa võng, rồng ngậm bảo
cái che trên đầu Phật, phù điêu chạm trổ…. sơn màu truyền thống theo
chùa miền Bắc là màu đỏ sẫm, màu vàng. Màu sắc dùng bên trong chánh điện
không lờ loẹt, sặc sỡ, nên khách thập phương có cảm giác ấm cúng.
Điểm rất lạ, rất khác là bên trong nội
điện, sau lưng pho tượng Đức Thế Tôn là một con rồng, thân uốn lượn
trong tư thế rất duyên, đắp nổi trong tường, rồng ngẩng cao đầu, hả
miệng ngậm bảo cái che trên đầu Phật, bảo cái hình lục giác, hai mái,
điêu khắc bằng xi măng, có sắt thép nhỏ bên trong, bảo cái thực hiện rất
kỳ công, tỷ mỷ từng chút một, thoáng trông giống như bằng gỗ.