Đức Phật & Thánh chúng
Nước Mắt Khóc Người Thân Còn Nhiều Hơn Nước Đại Dương
01/01/2022 16:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nước bốn biển tuy nhiều, nhưng chẳng đáng,
Gọi là bằng nước mắt của chúng sinh.
Do dập vùi trong sầu khổ, vô minh
Nầy đệ tử, chú ý nghe, nhớ kỹ.

Nước Mắt Khóc Người Thân Còn Nhiều Hơn Nước Đại Dương


NƯỚC MẮT KHÓC NGƯỜI THÂN CÒN NHIỀU HƠN NƯỚC ĐẠI DƯƠNG
(CHUYỆN VỀ THÁNH NI ĐỆ NHẤT GIỚI LUẬT PAṬĀCĀRĀ)

Cô gái Paṭacārā sinh ra trong một gia đình thương gia tại Sāvatthi, cao sang, giàu có; lại được cha mẹ rất cưng chiều, cho cô ở trên tầng bảy của một tòa lầu, có kẻ ăn người ở hầu hạ sớm hôm. Đến tuổi trưởng thành Paṭacārā yêu tha thiết một chàng trai giúp việc trong nhà. Nàng chỉ muốn lấy người này làm chồng, chứ không muốn chung chăn với ai khác. Nhưng cha mẹ nàng lại ép gả nàng cho một thanh niên cùng giai cấp, môn đăng hộ đối. Paṭacārā đã nói rõ tình cảm của mình cho cha mẹ nghe, và bị từ chối. Nàng tự biết mối tình của nàng không bao giờ được cha mẹ chấp thuận, nên quyết định bỏ trốn theo tình nhân. Lúc ra đi, Paṭacārā cải trang, ăn mặc như một gia nhân, trên đầu đội một bình nước, nên không bị phát giác. Nàng cùng chàng trai trốn đi lập tổ ấm. Họ dựng một mái nhà lá cách khá xa thành Sāvatthi. Hàng ngày chồng phải ra ngoài làm mướn thù lao chẳng bao nhiêu. Vợ ở nhà phải mua bán gạo thóc, nấu ăn, giặt quần áo, và làm tất cả những việc khác. Nghĩa là Paṭacārā bây giờ phải gánh vát tất cả những nhọc nhằn, mà lúc còn sống với cha mẹ, gia nhân của nàng đã làm. Từ đó Paṭacārā sống cơ cực, như để trả giá cho sự bất hiếu với cha mẹ.

Ngày tháng trôi qua, khi Paṭacārā có thai đứa con thứ nhất, theo phong tục Ấn Độ thuở bấy giờ, người đàn bà phải về nhà cha mẹ để sinh nở. Lúc cảm thấy gần ngày lâm bồn, Paṭacārā yêu cầu chồng đưa mình về cha mẹ, nhưng nàng bị chồng từ chối, viện dẫn rằng “Anh chắc chắn cha mẹ mẹ sẽ rất giận, có thể đánh đập hay giết anh, về tội rủ con gái họ bỏ trốn”.

Paṭacārā biết không thể thuyết phục chồng được, nàng quyết định đi một mình. Nếu lỡ gặp những người hàng xóm thì nàng bảo rằng “Tôi về thăm cha mẹ”. Rồi Paṭacārā chờ chồng đi vắng lìền lên đường, trở về thành Sāvatthi.

Người chồng về nhà không thấy vợ thì giận lắm. bèn đuổi theo bắt được nàng trở lại, Anh ta viện dẫn như trước và còn thêm rằng “Anh không thể đi với em. Và anh cũng không muốn để em đi một mình. Chắc chắn cha mẹ sẽ giữ em lại, không cho em trở về với anh….”.

Ngay lúc ấy Paṭacārā chuyển bụng, hạ sinh một đứa con trai. Vì chồng năn nỉ và vì mới sinh, nên Paṭacārā đành ngoan ngoãnn nghe lời chồng, quay về mái nhà lá.

Vài năm sau, Paṭacārācó thai lần thứ hai. Khi gần ngày sinh Paṭacārā quyết định kỳ nầy phải lâm bồn trong sự che chở của cha mẹ. Chờ lúc chồng đi làm, Paṭacārā lấy một ít tư trang, dẫn đứa con cùng nàng đi về hướng thành Xá-Vệ. Đi được nửa đường thì cũng bị chồng nàng bắt kịp. Một lần nữa chồng lại năn nỉ, thuyết phục Paṭacārā quay lại, nhưng nàng nhất định không nghe.

Lúc ấy đang mùa mưa bão. Những trận tố lốc làm gãy đổ cây cối. Những trận mưa to trút nước từ trên không đổ xuống, thành nhiều dòng lũ hung dữ. Bất hạnh thay, giữa hoàn cảnh kinh hoàng như thế, Paṭacārā lại chuyển bụng muốn sinh con. Nàng bảo chồng mau dựng tạm một cái chòi để che chở mẹ con nàng trong cơn nguy khốn. Người chồng lập tức vác rựa vào rừng, chặt cây về làm chòi che mưa bão.

Paṭacārā vừa đau bụng vừa ngồi chờ chồng, nhưng đến tận khuya cũng không thấy chồng về. Trong khi nàng đang phải dùng tấm thân mệt nhọc để che chở cho đứa con đầu, thì nàng sinh đứa con thứ hai. Không còn cách nào khác, Paṭacārā đành chui vào bụi rậm chịu trận, chờ qua đêm. Nàng quỳ gối, khom lưng che chở cho cả hai đứa con, đầu óc nặng trĩu, choáng váng, rồi nàng thiếp đi không còn biết gì nữa. May mắn sau đó, cơn giông bão bỗng dừng hẳn.

Sáng hôm sau, Paṭacārā tỉnh dậy, rồi theo dấu chân, bồng dắt con vào rừng tìm chồng. Ba mẹ con đang rò rẫm trong sợ sệt thì nàng thấy xác chồng bị rắn độc cắn chết nằm bên đường. Đau khổ tột cùng, Paṭacārā không còn lời lẽ nào để than thở, nàng chỉ biết một mình ôm hai đứa con, ngồi khóc nức nở.. Khóc chán rồi Paṭacārā lủi thủi dẫn hai con ra khỏi rừng, lên đường về nhà cha mẹ.

Đi một đoạn xa thì trước mặt Paṭacārā hiện ra một dòng suối chảy xiết và dâng lên tới ngang bụng. Vì Paṭacārā vừa sinh con, sức lực chẳng còn bao nhiêu, nàng không thể đưa hai con qua sông cùng một lúc. Paṭacārā bèn bảo đứa lớn đứng chờ mẹ bên bờ, để bồng con nhỏ sang đặt bên kia, rồi quay lại đón nó.

Khi Paṭacārā trở lại đến giữa dòng suối dữ thì một con chim ưng trên không trung thấy đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn, tưởng là một khối thịt bèn lao xuống quắp lấy đứa bé. Paṭacārā hoảng hốt quơ cả hai tay hét lên để đuổi chim ưng và cầu cứu. Bất hạnh thay, đứa con lớn tưởng mẹ gọi, liền chạy xuống và bị lũ cuốn trôi luôn….

Đứng giữa dòng lũ chảy xiết, Paṭacārā đau đớn nhìn thấy hai đứa con chốc lát biến mất. Trong hoàn cảnh ấy, có sự khổ đau nào bằng ? Paṭacārā như người điên dại, nước mắt tuôn tràn, tóc tai bù xù, quần áo tả tơi, ướt đẫm. Nàng mất hết cảm xúc, vô cảm bước lên khỏi dòng sông, đi về hướng còn cha mẹ.

Paṭacārā vừa đi vừa khóc, thêm một quãng đường thật dài nữa, thì xa xa đã trông thấy nhà cửa ngoại thành Sāvatthi. Lòng Paṭacārā tuy bấn loạn nhưng gặp một người ven đường, nàng vẫn hỏi tin tức về gia đình thương gia nọ (tên gia đình của nàng). Người kia tỏ sự thương xót, yêu cầu nàng Paṭacārā đừng hỏi về gia đình ấy vì chuyện đau xót lắm.

Paṭacārā liền năn nỉ, thì được biết hai hôm trước, trong cơn bão lớn, cả gia đình ấy đã bị nhà sập chết hết, cả cha mẹ và anh trai của nàng. Người ấy tay chỉ về phía trước mặt, nơi cột khói bốc đen lên nói “Khói đó là do đang hỏa thiêu ba nạn nhân đáng thương đó !”.

Như sét đánh ngang tai, sức chịu đựng đau khổ của Paṭacārā đã hoàn toàn bị quá giới hạn. Thần kinh của nàng trở thành điên loạn. Paṭacārā đã hóa điên. Nàng liền gục xuống đất, như một cái xác không hồn mà khóc nức nở, không biết trải qua bao lâu, chết lặng chẳng còn ý thức mình là con người hay thú vật nữa. Sau đó, hoàn toàn mất trí, Paṭacārā quờ quạng múa may, xé tóc tai, kéo giật quần áo đến tả tơi, lõa lồ, thảm hại….Người lớn thấy kẻ điên thì lánh xa, còn trẻ con thì đi theo hò reo, trêu chọc kẻ điên khùng Trong cơn điên loạn, như duyên tiền kiếp, đôi chân của người đàn bà bất hạnh ấy lê bước hướng về Jeatavana vihāra – nơi Đức Phật đang ở đó. Nhiều người thấy thế ngăn cản không cho Paṭacārā đến gần. Nhưng Đức Thế Tôn, với thần nhãn thanh tịnh, thấy Paṭacārā từ xa, Ngài biết người đàn bà bất hạnh nầy, vốn hữu duyên giác ngộ, nên Đức Phật từ bi bảo mọi người xung quanh để nàng tiến vào

Đức Thế Tôn từ bi dùng Phạm âm nói với Paṭacārā “Con hãy tỉnh đi”. Âm thanh hiền hòa của Đức Phật như một cơn gió mát, thổi mạnh vào nhĩ thức và khổ tâm một người đang bị lửa sầu đốt cháy. Âm thanh ấy làm kinh cảm và khiến Paṭacārā tỉnh táo liền.

Sau khi thấy ánh mắt của Paṭacārā dịu lại, một người tốt bụng liền tới khoác cho nàng mảnh vải che thân. Nàng quì xuống, bắt đầu kể lại toàn thể câu chuyện đáng thương của nàng cho Đức Thế Tôn và mọi người nghe.

Nghe Paṭacārā kể xong, Đức Phật từ bi nói “Này thiếu phụ hữu duyên, từ nay người sẽ không còn phiền muộn nữa. Như Lai có thể giúp người ra khỏi khổ đau. Đừng quá bi lụy như vậy vì không phải chỉ ngày hôm nay người mới mất con, mất chồng, và mất cha mẹ, mà trong vô số vòng tử sinh luân hồi, người đã từng mất những thân nhân như thế”.

Ngừng một chút rồi Đức Phật nói tiếp : “Trong vô số kiếp tử sinh luân hồi ấy, nước mắt của người khóc thân quyến còn nhiều hơn là nước của bốn đại dương”.

Đức Phật nói chưa dứt câu sau thì tâm Paṭacārā đã hoàn toàn sáng tỏ. Đôi mắt của nàng trở lại tinh anh. Kế đó, Paṭacārā chăm chú nghe Đức Phật ngâm kệ rằng :

Nước bốn biển tuy nhiều, nhưng chẳng đáng,
Gọi là bằng nước mắt của chúng sinh.
Do dập vùi trong sầu khổ, vô minh
Nầy đệ tử, chú ý nghe, nhớ kỹ.
Gặp quả xấu, con nào lo được nhỉ ?
Cha nào lo, hay chồng, bạn nào lo ?
Giúp ta thoát ra khỏi cảnh hỏa lò,
Khỏi thần chết đang đợi chờ trước mặt.
Khi nhớ rồi, ta không còn thắc mắc.
Nơi pháp hành, trong pháp tịnh con tâm.
Tinh tấn và tu lên hạnh cao thâm.
Niết Bàn sẽ đạt, chẳng đợi, chẳng cầu!
(PC 268, 288,289)

Đức Phật thuyết xong thì Paṭacārā không còn là người đàn bà điên loạn, mê sảng như lúc bước vào Kỳ Viên tịnh xá nữa. Paṭacārā đã thật sự giác ngộ được chân lý vô thường, trong tất cả vạn vật hợp tan có điều kiện, và đắc quả Nhập Lưu Sotāpanna. Sau đó, nàng xin Đức Phật cho xuất gia.

Sau khi thọ giới tỳ-khưu-ni, Paṭacārā tinh tấn hành đạo, và kết quả đã trổ ra không bao lâu sau đó. Tỳ khưu ni Paṭacārā đắc quả Thánh Arahán. Và Thánh Ni bày tỏ pháp tự tại, trong tâm thanh tịnh của mình, bằng bài kệ sau đây :

Nhờ cái cày, mà ruộng nương vun xới.
Nhờ hạt gieo, mà đất trổ hoa màu.
Gia đình nông dân no ấm dồi dào.
Già với trẻ cùng xây đời thịnh vượng.

Còn bần ni, khi lục trần hết vướng.
Thanh tịnh ngày qua sống đúng Phật ngôn.
Niết Bàn là hoa, là trái trong hồn.
Bần ni chẳng dễ duôi, không tự đại

Khi rửa chân, ta nghĩ về vật thải.
Nước chẳng dơ, chẳng sạch, chỉ biến thôi
Và khi nhìn dòng nước rửa chân trôi
Cùng một tính từ non cao xuống dốc.

Tâm khi nhất định, thấy cùng một gốc
Cứu cánh thuần chân, đạo chứng không hai.
Và khi bước vào tịnh thất Như Lai
Ta thấy rõ chỗ nằm ngồi thanh tịnh.

Đèn trí tuệ ta khêu bằng kim tính
Gạt tim tàn cho ánh sánh quang minh
Đuổi hết màn đêm, soi sáng tâm mình,
Bằng sức sáng vạn năng thánh tuệ. (Therīgāthā 112-116)

Thánh Ni Paṭacārā đã đắc Bậc Vô Học. Với sự quét sạch vô minh của ánh đèn trí tuệ, trong tâm tư của bà, một người từ bị chìm ngập trong đau khổ, đã trở thành hoàn toàn giải thoát. Thánh Ni sau đó cũng đã được Đức Phật chỉ định đóng vai trò “Ni Trưởng”, trông coi kỷ luật của cộng đồng ni chúng.

Nếu xưa kia cô bé Paṭacārā đã bướng bỉnh với cha mẹ và dễ giận, cô đã chống lại sự dàn xếp của song thân, và gặt hậu quả bất hạnh như thế nào, thì ngày nay không có gì ngạc nhiên cho mọi người thấy rằng, Thánh Ni luôn luôn đánh giá đúng tầm quan trọng của kỷ luật trong ni chúng, để bà trở thành một vị Thánh Ni đệ nhất về giới luật.

TIỀN KIẾP CỦA THÁNH NI PAṬĀCĀRĀ.

Paṭacārā đã từ một cô gái cứng đầu, dể giận, nhanh chứng đắc trở thành một Thánh Ni là nhờ tiền kiếp Bà đã phát hạnh nguyện cao cả.

Vào thời đức Phật Pudumuttara, 100.000 đại kiếp qua, tiền kiếp Paṭacārā đã vì ngưỡng mộ Đức Phật ban bố phẩm vị “Thánh Ni phạm hạnh đệ nhất về gíới luật ” đến một vị Tỳ Khưu Ni nên phát nguyện cũng được thành như thế trong thời Đức Phật vị lai. Đức Phật Pudumuttara biết việc sẽ thành tựu, bèn tiên đoán “Đức Phật vị lai ấy là Gotama sẽ có một nữ đại đệ tử tên là Paṭacārā”.

Tiếp theo, tiền thân Paṭacārā đã nhiều kiếp làm đệ tử lớn của chư Phật, trước khi gặp Đức Phật Thế Tôn Gotama vào kiếp chót, và có trí tuệ xuất chúng, giác ngộ nhanh chóng, nhờ trí duyên quá khứ.

Đã có rất nhiều tỳ khưu ni nghe pháp và hành theo Paṭacārā mà đạt quả lành, giải thoát phiền não. Sau đây là kệ ngôn biết ơn và tán dương của tỳ khưu ni Cunda, trước vốn là một người ăn xin, sau được Thánh Ni Paṭacārā tiếp độ, ban cho phép xuất gia, tinh tấn tu học :

“Vì Người đã tỏa long từ bi
Dẫn đường cho tôi tiến hóa.
Rồi Người đã cho tôi xuất gia, hành đạo,
Nên tôi mới đượcgiải thoát cuối cùng

Sau khi nghe Người nói Pháp
Tôi đã áp dụng chuyên cần
Sự hướng dẫn của Người, của một Thánh Nhân.
Tôi đã hết bịnh nơi thân tâm, và chứng tròn Tam Muội.
(Therīgātā 125-126)

Trong kinh điển, còn có đoạn diễn tả kinh nghiệm quí báu trong pháp hành, của một nhóm 30 tỳ khưu ni, được Thánh Ni Paṭacārā hướng dẫn :

Khi nghe Thánh Ni nói Pháp
Các đệ tử thân trang nghiêm an tọa
Một lòng giữ tâm thanh tịnh
Nhập định hành thâm theo pháp Thế Tôn

Suốt canh đầu của đêm thâu
Tất cả thấy nhiều kiếp tiền thân
Qua canh giữa, tự phát sinh thần nhãn
Rồi canh cuối, vẹt tan màng u ám.

Hành đạo xong, cùng đảnh lễ Thánh Ni.
Lui về tư phòng, ngưỡng mộ luôn khi
Như ba mươi tiên nữ hướng về Đế Thích.
Ấy là bậc vô song trong trận đồ tịnh tịch.

Đệ tử cung xưng là một minh sư,
Nhờ Người chúng tôi đắc trí Tam Như !”.
(Therīgāthā, các số 119,120,121).

Kệ ngôn trên đây rõ ràng đã diễn tả sự tri ơn của những tỳ khưu ni đối với bậc thầy, mà sự hướng dẫn đã giúp đệ tử đạt được giải thoát Nibbāna. Nghĩa là ngoài sự tôn kính Đức Phật ra, ni chúng còn vô cùng biết ơn thầy tổ, hay giáo thọ đã trực tiếp dạy dỗ họ Pháp Bảo, để họ biết cách thực hành.

Chính Đức Phật cũng từng biết ơn cây Bồ Đề, đã cho Ngài bóng mát, và khung cảnh thích hợp. Ngài đã cần nó để tập trung tư tưởng, nhập định, đắc quả giải thoát.

Thánh Ni Paṭacārā, nếu thuở thanh niên đã chịu khổ rất nhiều, vì tính ương ngạnh và bồng bột, thì sau khi gặp Đức Phật trở thành giác ngộ, Bà là bậc trí tuệ biết cách hướng dẫn ni giới trẻ một cách hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ. Thánh Ni Paṭacārā xứng đáng được chư đệ tử tôn kính như một vị thầy giàu lòng từ bi, giúp họ thoát vòng sinh tử luôn hồi.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch