Nhân vật
HT.Thích Bích Lâm - Tấm gương dấn thân vì đạo pháp
Trí Bửu
22/12/2016 11:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hòa thượng Thích Bích Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; nguyên Chánh Đại Diện GHPGCT Trung phần, Tổ thứ 3 Tổ đình Nghĩa Phương, Tổ Khai sơn các chùa thuộc Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương, Tông trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương (1921-1972).

image


1. Thân thế sự nghiệp:        

Hòa thượng Thích Bích Lâm, thế danh Trần Văn Vinh, huý thượng Chơn hạ Phú, tự Chánh Hữu, hiệu  Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Đệ Nhị, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ là cụ ông Trần Đức Tựu, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đủ, nguyên quán làng Xuân Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngài là người con thứ tám trong gia đình mười anh chị em. Ðược sinh ra trong một gia đình nhân hậu, đời đời kính tin Tam Bảo, nên năm lên 8 tuổi, Ngài đã được Tổ Phước Huệ, chùa Sắc Tứ Hải Đức Nha Trang cho quy y, pháp danh thượng Chơn hạ Phú.

Năm Kỷ Mão (1939), Ngài được Tăng cang Hòa thượng Thích. Phước Huệ cho thế độ, phú pháp tự là Chánh Hữu. Năm 1945, Ngài được Hòa thượng Bổn Sư cho thọ Tam đàn Cụ Túc giới tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Quảng Trị)  và được Hòa thượng Bổn sư  phú pháp nhãn tạng hiệu BÍCH LÂM.  Sau khi Tổ Khai sơn Tổ đình Nghĩa Phương viên tịch, Tổ Phước Huệ đã cử Hòa thượng Thích Bích Lâm về Trụ trì Chùa Nghĩa Phương vào tháng 7 năm 1948.

 Năm Nhâm Thìn (1952) tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Bửu, Ninh Hòa, Khánh Hoà,  Ngài được tôn cử  làm Tôn chứng sư.  Tháng 1 năm Đinh Dậu (1957) Ngài đã vận động Phật tử phát tâm cúng dường Đại trùng tu ngôi Tam Bảo Nghĩa Phương, gồm Nhà Tổ, Chánh điện, giảng đường, nhà Linh, Văn phòng giáo hội…Tháng 7 năm Đinh Dậu (1957) nhân lễ Khánh tạ Lạc thành chùa  Nghĩa Phương, Ngài đã kiến tạo Đại giới đàn cung thỉnh Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Thắng, chùa Thiên Hưng (Phan Rang)  Chứng minh. Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp chùa Sắc tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn đương vi  Đường đầu Hoà Thượng truyền giới, Ngài được tôn cử làm Giáo thọ A Xà Lê sư.  Tháng 1 năm 1958, Ngài  xây  trường Nghĩa thục  Bát Nhã  Nha Trang dạy dỗ con em nghèo, và cử Đại đức Thích Trí Tâm làm Hiệu trưởng- đây là tiền thân của trường  Tư thục Bát Nhã, Tư thục Vạn Hạnh sau này. Tháng 12 năm 1958 (Mậu Tuất)  Ngài vận động Phật tử mua đất tại Đồng Đế để làm Nghĩa Trang Nghĩa Phương.  Năm 1959, Ngài tiếp nhận ngôi thảo am của cụ Trần Trứ tại Ba Ngòi Cam Ranh do con cháu cụ hiến cúng, và khai sơn lập tự an danh là  chùa Thiên Long. Cũng trong năm 1959 Ngài kiến tạo Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần tại Đồng Đế Nha Trang, để đào tạo tăng tài.

Năm Canh Tý (1960), sau khi xây cất Tăng Học Viện Phật Giáo Cổ truyền Trung phần hoàn thành, Khánh thành và khai giảng Tăng Học Viện,  nhân dịp này Ban đại diện Giáo hội Phật Giáo Cổ truyền miền Trung kiến lập đại giới đàn, Chư Sơn thiền đức cung thỉnh Ngài  làm Đường đầu Hòa Thượng truyền giới.  Năm 1961, để phát triển Phật sự tại tỉnh Phú Yên, Ngài đã khai sơn chùa Nghĩa Phú, tại thôn Đông Phước, xã Hoà Thắng, huyện Tuy Hoà và cử Đại đức Thích Trí Giác trụ trì.. Năm 1962, Ngài khuyến hoá bổn đạo mua ruộng tại thôn Tân Lâm, xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hoà, để hằng năm cung cấp gạo cho tăng chúng yên tâm tu học. Năm 1963 (Quý Mão) tại giới đàn chùa Sắc tứ Minh Tịnh , Quy Nhơn,  Ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư. Năm 1969 sau khi Thượng tọa  Thích Trí Giác (Huệ Hải) đại trùng tu chùa Nghĩa Phú, Tuy Hoà, (Phú Yên) hoàn thành. Trong lễ khánh tạ Lạc thành, đã kiến tạo Đại giới đàn Ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư. Năm Canh Tuất (1970), để phát triển Phật sự tại Diên Khánh, Thượng tọa Thích Trí Minh (Huệ Đăng) khai sơn kiến tạo chùa Phước Duyên tại thôn Phò Thiện, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh đã cung thỉnh Ngai Chứng minh khai sơn. Trong lễ khánh tạ lạc thành chùa Phước Duyên đã kiến lập Đại giới đàn, đại chúng cung thỉnh Ngài  tái thí Đường đầu Hòa Thượng.


2. Các nhiệm vụ Phật sự:

 Trong suốt cuộc đời hành đạo Ngài được Chư Tôn đức  giao cho các nhiệm vụ: Từ năm 1950 đến 1954: Ngài làm Tổng Thư ký Giáo Hội Tăng Già  Khánh Hòa. Từ năm 1955 đến 1959: Tăng Giám Trung Việt, Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam. Từ năm 1960 đến 1968: Ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Trung phần kiêm Giám đốc Tăng Học Viện  Phật Giáo Cổ Truyền  miền Trung.Từ năm 1969 đến 1972:  Ngài được tôn cử đảm nhiệm Phó Viện Trưởng Nội Vụ, Viện Hoằng Đạo Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam.

Ngài đã thay mặt Giáo hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam đi hoằng pháp, thăm viếng thân hữu Phật giáo các nước: Thái Lan (tháng 5.1958).. Hai lần hoằng pháp thăm viềng thân hữu Phật giáo Nhật Bản vào năm 1968, 1969. Thăm viếng thân hữu Phật giáo  Hồng Kông, Đài Loan,  Hàn Quốc v.v...vào tháng 11.1969.  Bằng giới  đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, năng lực phi thường, Hòa Thượng  là Bổn Sư, là Y Chỉ Sư của gần 100 Tăng, Ni và nhiều Phật tử. Đồng thời để có người thừa kế sự nghiệp đạo pháp nên Ngài đã cho hai đệ tử là Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Trí Đức đi đu học tại Nhật Bản.

Đệ tử xuất gia của Ngài có  gần 100 vị, chỉ nói riêng hàng đệ tử lớn đã có gần 20 vị được Ngài truyền trao Phú pháp Nhãn tạng và hiện nay đã có những vị đã được tấn phong Hoà Thượng như: Cố HT.Thích Huệ Quang, Cố HT. Thích Trí Giác (Huệ Hải), Cố HT. Thích Huệ Đăng (Trí Minh), cố HT.Thích Trí Hải (Huệ Lạc), HT. Thích Trí Tâm (Huệ Minh),HT.Thích Trí Đức, HT.Thích Tâm Khai, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện (Huệ Hạnh) v.v…

 Năm 1965 (Ất Tỵ)  Ngài đã đại trùng tu ngôi Tam bảo Nghĩa Phương, như quy  mô hiện nay và suốt hơn một phần tư thế kỷ hoằng pháp lợi sanh, dấu chân Ngài bước đến đâu là nơi đó nở hoa chánh pháp, Ngài đã khai sơn trên hai mươi ngôi tự viện tại Khánh Hòa cùng các tỉnh miền Trung như:

1.Chùa Nghĩa Quang, Phường Phương Sài, Nha Trang. (1952)

2.Chùa Nghĩa Lương, Lương Sơn, Nha Trang, (1954)

3.Chùa Nghĩa Minh, Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên, Nha Trang.(1955)

4. Chùa Nghĩa Hương, Phường Phước Tiến, Nha Trang (1955)

5. Chùa Nghĩa Hoà, Phường Vĩnh Hiệp, Nha Trang.(1957)

6. Chùa Nghĩa Phước, Lương Sơn, Nha Trang.(1966)

7. Tăng Học Viện Trung Phần, chùa Phước Huệ, Phường Vĩnh Hải, Nha Trang (1959)

8. Chùa Thiên Long, Ba Ngòi, Cam Ranh.Khánh Hòa; (1959)

9. Chùa Ngọc Lâm, Ngọc Diêm, Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa.(1969)

10. Chùa Nghĩa Phú, Đông Phước, Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. (1961)

11.- Chùa Nghĩa Lâm, Phước Lộc 2, Đông Hoà, Phú Yên (1961)

12- Chùa Nghĩa Thành, Phước Thành, Tuy Hoà, Phú Yên..(1961)

13.- Chùa Nghĩa Phong, Phong Niên, Tuy Hoà, Phú Yên.(1961)

14.- Chùa Nghĩa Lâm, Lâm Trúc, Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định.(1961)

15. Chùa Nghĩa Bổn, xã IA Rbol, Phú Bổn, tỉnh Gia Lai.v.v…(1961)

Và các chùa Nghĩa Lợi, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hài, Nghĩa Đạo, Nghĩa Thiện, Nghĩa Trường… do hoàn cảnh chiến tranh tàn phá và nhiều lý do khác nhau các chùa này hiện nay không tồn tại. Ngoài ra Ngài còn Chứng minh Đại trùng tu trên 20 ngôi chùa thuộc Môn phong Tổ đình Nghĩa Phương như: Chùa Sắc tứ Minh Thiện, Chùa Phước Duyên, Chùa Oai Linh, Chùa Đào Viên, Chùa Minh Quang, Chùa Minh Thành v.v…


3. Thời kỳ viên tịch:

Cuối năm 1970, Hoà Thượng lâm trọng bệnh, tuy được các thầy thuốc Đông y, các bác sĩ bệnh viện Gral Sài Gòn,  Quân y viện Đại Hàn tận tình chữa trị, nhưng sức khỏe của Ngài  dần dần giảm sút. Thế rồi ngày qua tháng lại, sức khỏe Ngài yếu dần theo bạo bệnh, tuy vậy Hoà Thượng  vẫn tỉnh giác chánh niệm an nhiên tự tại với các Phật sự, sinh hoạt thường nhật trong ý niệm “vô thường lão bệnh bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong sát na  dị thế”.

Rồi những ngày giữa đông, cuối tháng mười một Tân Hợi đã đến, chùa xưa còn đó, pháp lữ còn đây mà Ngài đã thuận thế vô thường, an tường xả báo thân vào lúc 19 giờ  ngày 24 tháng 11 năm Tân Hợi (10.01.1972). Trụ thế 49 năm. trãi qua 28 mùa an cư kiết hạ. Tháp của Ngài được tôn trí tại khu Tháp Tổ chùa Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, Nha Trang.

Thế là Hòa thượng Thích Bích Lâm đã vĩnh viễn đi xa, để lại phía sau hàng đệ tử, biết bao nổi tiêc thương ngậm ngùi.. Tiếc  thay,  hạnh nguyện chưa tròn, đường phụng sự đạo pháp còn dài Tăng Ni Phật tử còn nhiều mong đợi, để lại tang chung cho môn đồ đệ tử, cùng sự luyến tiếc của Tăng Ni Phật tử đối với một bậc Tôn đức Tăng tài, sớm chuyển nghiệp trần, giữ lúc tinh hoa đang phát chất. Cõi trần thế từ đây đã khuất một vì sao, miềm Lạc cảnh lại them một trang xuất trần Thượng sĩ. Cố nhiên, công đức cống hiến phụng sự đạo pháp và lợi lạc quần sanh của Ngài sẽ vẫn còn sống mãi trong tâm tư môn đồ đệ tử…

Những tưởng duyên hóa độ còn lâu hơn nữa, nào ngờ đâu, sớm Lạc cảnh quy Tây, trong vô thường vẫn điêm nhiên tự tại, sinh tử dường gió thoảng mây bay. Nguyện Giác linh Ngài sơm hồi nhập Ta bà, cùng pháp lữ xiễn dương chánh pháp…

Nam mô Nghĩa Phương Đường thượng Từ Lâm Tế chánh Tông, Tứ thập thế, huý thượng Chơn hạ Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm, Trần công Hoà Thượng Bổn Sư giác linh, thuỳ từ chứng giám.

Đệ tử Trí Bửu khể thủ Tưởng niệm Húy kỵ Bổn sư lần thứ 44 (24/11Tân Hợi -1972-2016)


 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch