Nhân vật
Bổ Chính Sử Liệu Về Thiền Sư Minh Hải Pháp Bảo
Thích Như Tịnh
04/07/2012 02:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiền sư Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo (1670-1746), là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 18. Ngài là tổ khai sơn tổ đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam và cũng là sơ tổ của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, một dòng thiền góp phần rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Nhưng đáng tiếc là những thư tịch cổ Hán Nôm cũng như các tư liệu về Ngài lại rất hiếm, do đó đàn hậu thế đã gặp không ít khó khăn trong khi nghiên cứu về hành trạng của Ngài. Hơn nữa, đa phần chúng ta chỉ được nghe chư tôn đức kể vài nét về Ngài chứ chưa từng đọc qua tiểu sử về cuộc đời của Ngài từ một văn bản Hán Nôm nào cả! Vì thế, “tam sao” dễ đưa đến “thất bổn”, cộng với sự khan hiếm tư liệu văn bản nên hậu nhân viết về Ngài không sao tránh khỏi những nhầm lẫn về niên đại cũng như những sự kiện lịch sử trong đời Ngài. Mới đây, trong chuyến nghiên cứu điền dã tại Tổ đình Bảo Sơn, thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chúng tôi đã tìm được một vài tư liệu Hán Nôm liên quan đến Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo đã thất lạc lâu nay, góp phần để chúng tôi minh định lại một số vấn đề sắp chia sẻ dưới đây.

Theo tư liệu gần đây chúng tôi tìm được là cuốn Sa di luật nghi yếu lược tăng chú được tổ Minh Hải Pháp Bảo khắc in lại tại chùa Chúc Thánh, Hội An. Cuốn sách được in trên giấy dó khổ 20x25cm với 70 tờ gấp đôi gồm 140 trang, mỗi trang chia thành mười cột, mỗi cột chữ lớn nhỏ không đồng nhau vì đây là cuốn sách chú giải. Nội dung cuốn sách chú thích về 24 thiên Oai nghi của một thầy Sa di do Luật sư Châu Hoằng (1532-1612) đời nhà Minh biên soạn và ngài Hoằng Tán (1612-1685) đời nhà Thanh chú thích, bao gồm hai quyển Thượng-Hạ in chung một cuốn. Cuối sách, lạc khoản có ghi:

康 熙 丁 未 仲 冬 鼎 湖 山 經 寮 梓 玆 在

大 越 國 廣 南 處 奠 磐 府 新 福 縣 順 安 社 凡 慈

祝 聖 寺 得 智 大 師 法 名 明 海 合 本 寺 眾 等 共

募 化 奉 刊

沙 彌 律 儀 要 略 增 註

慶 四 年 歲 次 壬 子 仲 冬 穀 日

Phiên âm:

Khang Hy Đinh Mùi trọng đông đỉnh Hồ Sơn kinh liêu tử.Tư tại

Đại Việt quốc Quảng Nam xứ Điện Bàn phủ Tân Phước huyện Thuận An xã phàm từ

Chúc Thánh tự Đắc Trí đại sư pháp danh Minh Hải hiệp bổn tự chúng đẳng cộng

Mộ hóa phụng san

Sa di luật nghi yếu lược tăng chú

Vĩnh Khánh tứ niên, tuế thứ Nhâm Tý trọng đông cốc nhật.

Dịch nghĩa:

Kinh làm tại đỉnh Hồ Sơn vào tháng 11 Đinh Mùi (1667) đời vua Khang Hy. Nay tại

Nước Đại Việt, xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, huyện Tân Phước, xã Thuận An. Nơi chùa Chúc Thánh Đại sư Đắc Trí pháp danh Minh Hải cùng với tăng chúng bổn tự quên góp hóa duyên phụng khắc Sa di luật nghi yếu lược tăng chú.

Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, nhằm ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tý (1732.[1])

Căn cứ vào lạc khoản "Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, nhằm ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tý (1732)" chúng ta biết được cuốn Sa di luật nghi yếu lược tăng chú được tổ sư Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo khắc in vào tháng 11 năm Nhâm Tý (1732), niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 4 đời vua Lê Đế Duy Phường (1729-1732) nhằm đời Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) tại Đàng Trong.

Mặc dù trong bản văn dòng lạc khoản ngay chỗ chữ 永 (vĩnh) bị khiếm khuyết nhưng vẫn còn một phần của nét “mác” nên ta cũng có thể suy đoán ra được chữ “vĩnh”. Tuy nhiên, cẩn thận và trung thực hơn, ta xét những năm có can chi Nhâm Tý thuộc các triều vua có vương hiệu chữ "… Khánh tứ niên tuế thứ Nhâm Tý trọng đông cốc nhật" trong giai đoạn đất Quảng Nam được gọi là "Quảng Nam xứ".

Theo địa bạ tỉnh Quảng Nam thì cụm từ "Dinh Quảng Nam" được Tiên chúa Nguyễn Hoàng đặt tên vào năm 1601 và đến năm 1827 được vua Minh Mạng đổi lại là "Trấn Quảng Nam", rồi năm 1832 đổi lại "tỉnh Quảng Nam". Trong các văn bản thời Chúa Nguyễn thì thường dùng là Quảng Nam xứ, từ đời Minh Mạng trở về sau thì gọi là Quảng Nam trấn, sau đó là Quảng Nam tỉnh. Tính từ năm 1601 đến năm 1827 thì có 4 năm thuộc can chi Nhâm Tý như sau: 1612, 1672, 1732, 1792. Trong 4 năm nầy, chỉ có năm Nhâm Tý (1732) là thuộc niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 4 đời vua Lê Đế Duy Phường (1729-1732). Qua đối chiếu địa danh, vương hiệu và năm can chi Nhâm Tý, chúng ta xác định chữ bị khiếm khuyết trong lạc khoản là chữ (vĩnh).Vì thế, chúng ta có thể khẳng định và bổ khuyết chữ trong dòng lạc khoản nầy là: " Vĩnh Khánh tứ niên tuế thứ Nhâm Tý trọng đông cốc nhật": Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, nhằm ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tý (1732).

Bên cạnh đó, trên văn bia tháp tổ Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh, Hội An ghi như sau:

祿 生 庚 戌 六 月 廿 八 戌 時 壽 享 七 十 七 歲, 寂 於 丙 寅 十 一 月 初 七 酉 時.

Phiên âm:

Lộc sanh Canh Tuất lục nguyệt trấp bát Tuất, thời hưởng thọ thất thập thất tuế, Tịch ư Bính Dần thập nhất nguyệt sơ thất Dậu thời.

Dịch nghĩa:

Sanh giờ Tuất ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất, hưởng thọ 77 tuổi, viên tịch giờ Dậu ngày mồng 6 tháng 11 năm Bính Dần.

Căn cứ vào lòng văn bia này, trước đây có hai nguồn tư liệu về năm sinh và năm tịch (tính từ âm lịch sang dương lịch) của tổ Minh Hải Pháp Bảo như sau:

1.Tại Bình Định, tác giả soạn bản Lược sử tổ đình Sơn Long ghi rằng " Tổ Pháp Bảo đã khai sơn tổ đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam Đà Nẵng. Ngài sinh năm Canh Tuất (1610), thị tịch năm Bính Dần (1686)"[2].

2. Trong cuốn Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, tác giả Lê Mạnh Thát tính là: "...Tổ Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo (1670-1746), người khai sinh ra dòng thiền Chúc Thánh tại nước ta."[3]

Nay căn cứ vào niên đại cuốn Sa di luật nghi yếu lược tăng chú được tổ Minh Hải Pháp Bảo khắc in vào năm Nhâm Tý (1732) thì chúng ta biết được tác giả bản Lược sử tổ đình Sơn Long đã tính nhầm trước một chu kỳ 60 năm, thay vì tính tổ Minh Hải Pháp Bảo sinh năm Canh Tuất (1670) thì lại tính là năm Canh Tuất (1610). Bởi vì, nếu như tổ Minh Hải Pháp Bảo sinh năm 1610 và tịch năm 1686 thì làm sao năm 1732 Ngài đứng khắc in bộ luật Sa di luật nghi yếu lược tăng chú? Trừ phi, Ngài sinh năm Canh Tuất (1670) và tịch năm Bính Dần (1746) thì năm Nhâm Tý (1732) mới có thể thực hiện việc khắc in bản luật đó được. Qua đó, chúng tôi thấy cách tính của giáo sư Lê Mạnh Thát là hợp lý hơn. Như vậy, tổ Minh Hải Pháp Bảo sinh giờ Tuất ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) và viên tịch giờ Dậu ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), thế thọ 77 tuổi âm, 76 tuổi dương.

Và trong cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tác giả Nguyễn Hiền Đức có viết:

"Quảng Phú là người Hoa kiều sống ở Qui Nhơn, chắc hẳn là đệ tử của chùa Thập Tháp Di Đà do tổ sư Nguyên Thiều khai sơn, Thông và Huệ có lẽ cũng đã quy y thọ giới Bồ tát với thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh (Quảng Nam) hay quy y với tổ Nguyên Thiều ở chùa Quốc Ân hoặc thọ Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ. Vì vậy, ngay từ năm 1694, sau khi âm mưu nổi loạn trên bị đổ bể, tổ sư Nguyên Thiều cùng các đệ tử trong phái thiền Lâm Tế như Minh Hải-Pháp Bảo bị liên lụy nên phải bỏ chùa trốn đi nơi khác, đổi pháp danh để tránh nạn:

- Tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai đổi pháp danh là Siêu Bạch, lập chùa Kim Cang ở Bình Thảo (Bến cá, Đồng Nai) hoằng hóa.

- Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo rời chùa Chúc Thánh vào núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi lập chùa ẩn tu, đổi pháp danh là Pháp Hóa, chùa này sau phát triển thành tổ đình Thiên Ấn cho đến nay" [4].

Nhưng trong lạc khoản cuốn Sa di luật nghi yếu lược tăng chú do tổ sư Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo đứng tên khắc in vào năm Vĩnh Khánh thứ 4, Nhâm Tý (1732) cho thấy: kể từ khi khai sơn chùa Chúc Thánh vào năm 1696 cho đến năm 1732, tổ Minh Hải Pháp Bảo vẫn hành đạo tại Hội An chứ không liên quan đến vụ nổi loạn của người Hoa (thời bấy giờ gọi là cuộc nổi loạn của Linh Vương) vào năm 1894. Và cũng không hề thay tên đổi họ Nguyên Thiều thành Siêu Bạch, Minh Hải thành Pháp Hóa rồi vào lập chùa Kim Cang-Đồng Nai và Thiên Ấn-Quảng Ngãi như tác giả Nguyễn Hiền Đức đã nói trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Vì tính đến năm 1732, tổ Minh Hải Pháp Bảo đã 63 tuổi, trải qua gần 40 năm hoằng hóa tại Quảng Nam thì Ngài mới đủ uy tín và đức độ để làm một Phật sự to lớn như vậy.

Cũng trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tác giả Nguyễn Hiền Đức cho rằng: " Ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1754), giờ Ngọ, thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo viên tịch tại chùa Thiên Ấn, đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa" [5].

Như trên chúng tôi đã trình bày, căn cứ vào lạc khoản của cuốn luật in vào năm 1732 tại chùa Chúc Thánh dưới sự chủ trì của tổ sư Minh Hải Pháp Bảo đã chứng minh được rằng: tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và tổ sư Pháp Hóa Phật Bảo là hai chứ không phải là một. Vì năm 1732, tổ Minh Hải Pháp Bảo đã 63 tuổi thì không thể vào Quảng Ngãi khai sơn Thiên Ấn được. Bởi Thiên Ấn đã được sắc tứ từ năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu cai trị Đàng Trong. Do đó đã không phải là Tổ khai sơn Thiên Ấn, cũng không phải trụ trì Thiên Ấn thì dĩ nhiên nhục thân của Ngài không thể được môn đồ an táng tại Thiên Ấn được! Tuy nhiên, từ trước đến nay, có một số vị căn cứ vào dòng chữ 望 創 造 (Thượng vọng sáng tạo) trên bia tháp Tổ tại Chúc Thánh mà cho rằng môn đồ làm tháp vọng để tưởng niệm chứ không có nhục thân của Ngài bên trong.

Nhưng trong dịp khánh thành tổ đình Chúc Thánh vào tháng Giêng năm 2009, chúng tôi được Hòa thượng Thích Nhật Tu[6] giải thích về hai chữ "Thượng Vọng" như sau: "Thượng vọng đây là chỉ cho rằm tháng Giêng theo cách nói của người Trung Hoa xưa. Phong tục người Hoa chia một năm ra làm ba tiết: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên. Vì thế, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là Thượng vọng; Rằm tháng bảy gọi là Trung vọng; rằm tháng 10 là Hạ Vọng". Ngoài ý nghĩa trông xa ngưỡng vọng thì chữ (vọng) ở đây còn có nghĩa là ngày rằm, Thượng vọng là "Rằm tháng Giêng". Như vậy dịch đúng nghĩa cụm từ "Thượng vọng sáng tạo" là: tạo lập vào rằm tháng Giêng.

Từ đó đối chiếu với ngày tịch của Tổ Minh Hải Pháp Bảo là mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746) thì dĩ nhiên việc kiến lập Bảo tháp và dựng văn bia được tiến hành ngay sau tang lễ và hoàn tất vào những ngày đầu năm sau. Chính vì thế, khi dựng bia tháp, môn đồ đã để "Thượng vọng sáng tạo" chỉ cho việc lập tháp hoàn tất vào ngày rằm tháng Giêng năm Đinh Mão (1747).

Từ lạc khoản ghi trong cuốn Sa di luật nghi yếu lược tăng chú do Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo đã khắc in vào năm Vĩnh Khánh thứ 4, Nhâm Tý (1732)[7] chúng ta có thể đính chính và bổ khuyết một số sử kiện liên quan đến hành trạng của Tổ như sau:

- Tổ Minh Hải Pháp Bảo sinh năm 1670 và tịch năm 1746 chứ không phải sinh năm 1610- tịch năm 1686.

- Tổ Minh Hải Pháp Bảo không phải là người khai sơn tổ đình Thiên Ấn tại Quảng Ngãi.

- Nhục thân của tổ Minh Hải Pháp Bảo được nhập bảo tháp tại tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam chứ không phải tại tổ đình Thiên Ấn, Quảng Ngãi.

Trên đây là một số điều bổ chính của chúng tôi căn cứ vào tư liệu Hán Nôm liên quan đến tổ sư Minh Hải Pháp Bảo được khắc in vào năm Nhâm Tý (1732). Hy vọng với những điểm bổ chính nầy sẽ giải tỏa những thắc mắc lâu nay cũng như minh định lại các sử kiện liên quan đến hành trạng của tổ sư Minh Hải Pháp Bảo mà trước đây vì thiếu tư liệu văn bản nên chúng ta đã ngộ nhận.

Bản in năm 1808 tại miền Nam

Thích Như Tịnh

Nguồn: Đặc San Suối Nguồn - Tu Viện Huệ Quang (Số mới T.02)


[1] Năm Nhâm Tý 1732 nhằm Long Đức nguyên niên (Lê Thuần Tông) chứ không phải Vĩnh Khánh tứ niên (Lê Đế Duy Phường). Duy Phường chỉ làm vua đến Vĩnh Khánh tam niên, tức năm 1731. Vì Đàng Trong cách trở, không cập nhật kịp, người làm sách đã cho Duy Phường làm vua thêm một năm nữa, nên thay vì ghi Long Đức nguyên niên tuế thứ Nhâm Tý trọng đông cốc nhật, lạc khoản lại đề: Vĩnh Khánh tứ niên tuế thứ Nhâm Tý trọng đông cốc nhật. Dù niên hiệu ghi khác nhau nhưng đều ám chỉ năm 1732 cả. (SN chú thích)

[2] Cố Hòa thượng Thích Đỗng Quán, Lược sử tổ đình Sơn Long, 1996, bản vi tính năm 2003.

[3] Lê Mạnh Thát, Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr122.

[4] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1995, tập 2, trang 6.

[5] Nguyễn Hiền Đức, Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1995, tập 2, trang 7.

[6] Hòa thượng Nhật Tu là người Hoa, hiện đang trụ trì chùa Thảo Đường, quận 6, TP.Hồ Chí Minh.

[7] Bản luật này được Thiền sư Tổ Minh Chánh Trực trụ trì chùa Sùng Đức, Gia Định trùng khắc vào năm Mậu Thìn (1808), niên hiệu Gia Long năm thứ 7. Lần trùng khắc này được chứng minh bởi Hòa thượng Khánh Hưng chùa Hội Tông cũng như sự hỷ cúng của Chư Tăng Gia Định thời bấy giờ như ngài Tánh Không Huệ Chơn chùa Viên Giác; Tổ Tông Viên Quang chùa Giác Lâm v.v... và tàng bản được lưu tại chùa Long Thiền, Đồng Nai.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch