Bởi vậy, trong nếp sống thiền môn, từ thuở nhỏ tập sự xuất gia, mỗi người đều được dạy thực tập sống tỉnh thức và mở rộng tâm từ bi qua một cuốn sách nhỏ (luật tiểu), gọi là “Tì-ni nhật dụng thiết yếu” - những điều luật căn bản và quan trọng trong đời sống hàng ngày, do Thiền sư Độc Thể (Trung Quốc) biên soạn.
Giáo hội, Ban Tăng sự cũng nên có những quy định, hướng dẫn
để các những thành tựu kỹ thuật hiện đại được sử dụng trong nhà chùa...
Sách này gồm khoảng năm mươi bài kệ, một số do ngài Độc Thể viết, một số trích từ kinh Hoa nghiêm.Người tập sự được hướng dẫn học thuộc lòng các bài kệ ấy để thực tập, như đã nói trên, nhằm ý thức một cách trọn vẹn những hành vi của mình, đồng thời gợi mở lòng từ hướng đến mọi chúng sinh. Hầu hết các bài kệ đều kết thúc bằng một câu thần chú.
Những bài kệ này ứng với những hành vi trong đời sống hàng ngày ở chốn thiền môn xưa. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với sự tác động của đời sống thị trường, nhiều năm gần đây nếp sống trong không gian chùa chiền đã có quá nhiều thay đổi.
Thời xưa hoàn toàn không có khái niệm về đèn điện, điện thoại, xe máy, truyền hình, internet, thư tín điện tử, v.v… nên trong Tì-ni nhật dụng thiết yếu hoàn toàn không có các bài kệ liên quan đến các hành vi sử dụng chúng. Thế nhưng, những phương tiện đó lại gần gũi và quen thuộc với hầu hết mọi người, kể cả người xuất gia.
Nhiều năm trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã soạn thêm nhiều bài thi kệ lấp vào khoảng trống đó, được kết tập trong cuốn sách có tên gọi là Từng bước nở hoa sen.
Tác giả cho biết các bài thi kệ mới đã thừa hưởng được tinh thần và đường hướng của các bài kệ cũ. Thêm vào đó, những thi kệ này có tính cách thực dụng hơn, cụ thể hơn, hiện đại hơn và đem lại cho ta nhiều niềm vui khi thực tập. Những bài thi kệ mới vừa là sự thực hành chánh niệm vừa là thi ca, rất thích hợp với truyền thống Thiền. Sách này có thể vừa được dùng trong thiền môn để thay thế cuốn Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu, vừa được dùng trong cuộc sống hàng ngày ngoài xã hội.
Tuy nhiên, như điều thường thấy, giữa cái cũ và cái mới không dễ có sự dung hòa, chưa nói đến sự thay thế.
Hoàn cảnh xã hội đã có sự thay đổi một cách sâu sắc so với khoảng ba mươi năm trước đây thôi, nó chắc chắn có tác động đến nếp sống thiền môn, ảnh hưởng đến hành vi của người xuất gia. Trong khi đó, chúng ta dường như không quan tâm đến những hướng dẫn khi nhiều phương tiện mới xuất hiện và được người xuất gia sử dụng trong đời sống thiền môn, mà chỉ kêu gọi và phó thác cho tinh thần tự giác, tự ý thức nơi mỗi người. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ việc, hành vi không phù hợp với người xuất gia rất đáng tiếc mà báo chí đã đưa tin gần đây, tác hại không nhỏ đến cách nhìn của xã hội về người xuất gia tu hành nói riêng và về Phật giáo nói chung.
Mong rằng trong thời gian tới, nếu chưa thể có những điều luật như các điều khoản trong luật tiểu - bộ luật căn bản cho người mới xuất gia, thì Giáo hội, Ban Tăng sự cũng nên có những quy định, hướng dẫn để các những thành tựu kỹ thuật hiện đại được sử dụng trong nhà chùa là phương tiện, chứ không làm xáo trộn đến nếp sống thiền môn - nếp sống tỉnh thức, tự tại giữa những ràng buộc.