Trên con đường tu học, chúng tôi thường được các thầy nhắc nhở
phải biết tiếp xúc với hạnh phúc. Ta đâu cần phải giàu có hoặc có nhiều
quyền lực mới có thể hưởng được những cái sang đẹp, cao cả của cuộc đời.
Có lần, tôi nghe kể về một bài văn của nhà văn Pháp Marcel Proust viết
gửi cho một anh thanh niên nghèo. Ông ta tưởng tượng ra chàng thanh niên
ấy sống trong một căn gác nhỏ chật hẹp, sống một cuộc đời rất tầm
thường. Anh ta ngồi một mình trong bóng tối, bên cửa sổ, mơ tưởng đến
những cuộc sống xa hoa của xã hội Paris thời ấy, với những buổi tiệc
linh đình, với những lâu đài tráng lệ, những buổi dạ vũ thâu đêm...
Ông Proust viết thư cho người thanh niên ấy. Biết anh đang buồn chán vì
thấy cuộc đời mình quá tầm thường, ông muốn mời anh đi thăm bảo tàng
viện Lourve ở Paris để xem tranh. Nhưng ông không đưa anh vào xem tranh
của những lâu đài, về đời sống của những bậc vua chúa mà anh mơ tưởng.
Ông sẽ mời anh ta vào xem phòng tranh của Jean-Baptiste Chardin, một
danh họa Pháp thế kỷ 18. Điều đặc biệt là những bức tranh của Chardin
không vẽ những gì kiêu xa, cầu kỳ. Đối tượng của ông là những tĩnh vật
rất tầm thường như trái táo, chén rượu bạc, nồi nấu súp, ống điếu, chùm
nho, một tủ chén... hoặc những sinh hoạt bình thường như là mẹ đi chợ
về, cậu bé thổi bóng xà phòng... Những hình ảnh của sự vật tầm thường
trong một cuộc sống bình thường. Nhưng màu sắc của những bức tranh ấy
rất sống động và tuyệt mỹ. Chúng gợi cho ta thấy được một cái nhìn thật
tươi mới và sâu sắc. Và sau khi dẫn anh thanh niên nghèo ấy đi xem những
bức tranh tuyệt mỹ ấy xong, ông ta sẽ hỏi: “Sao, bây giờ cậu đã thấy
mình là người hạnh phúc hay chưa?”
Những bức tranh này giúp ta nhìn lại những vật tầm thường quanh mình
bằng một con mắt mới. Chúng nhắc nhở ta về cái đẹp của những sự vật
trước mắt mình mỗi ngày, mà ta không thấy được. Sau chuyến viếng thăm
ấy, chàng thanh niên nghèo sẽ hiểu rằng, những cái hay, cái đẹp, cái cao
sang, cái chân thiện mỹ, không phải chỉ dành riêng cho bậc vua chúa, mà
chính anh ta cũng có thể có được. Hạnh phúc đang có ngay trước mắt anh.
Chỉ cần anh biết dừng lại mà nhìn cho sâu sắc. Mặt trời lúc hoàng hôn
cũng đẹp mà một ngọn đèn dầu nhỏ cũng đẹp, trời mùa thu cũng đẹp mà một
chiếc lá, cọng cỏ cũng đẹp. Trăng rằm mười sáu đẹp mà một con đom đóm
lập lòe trên cánh đồng mùa hè cũng đẹp. Không có một cái gì trên đời này
là tầm thường cả! Nếu mình chưa thấy có hạnh phúc thì phải biết cách
làm cho mình có hạnh phúc. Mỗi năm chúng ta có tổ chức và đi tham dự
những khóa tu cũng chỉ để làm việc ấy thôi. Chữ “khóa tu” vẫn làm cho
một số bạn thấy ngại! Nhưng thật ra trong khóa tu ta chỉ thực tập bấy
nhiêu đó thôi, thật sự có mặt với sự sống này, thực tập tiếp xúc với
hạnh phúc. Sự sống này có những cái hay và đẹp, muốn tiếp xúc được với
chúng, ta phải có mặt. Và việc ấy đòi hỏi nơi chúng ta một công phu, một
sự thực tập.
Có lần trong một khóa tu, tôi có trình bày về vấn đề tiếp xúc với hạnh
phúc trong giờ phút hiện tại. Trong bài nói chuyện, tôi có trình bày hai
bức vẽ. Bức thứ nhất vẽ một cặp thanh niên nam nữ đang ngồi ăn ngoài
trời, thảnh thơi trên bãi cỏ giữa trời rộng bao la. Bức vẽ thứ hai là
một cặp thanh niên nam nữ đang nhảy nhót theo điệu nhạc trên một sàn
nhảy đông người, với khói thuốc, đàn trống, âm thanh náo nhiệt... Tôi
giải thích, bức vẽ thứ nhất tượng trưng cho niềm vui của những người
sống trong hiện tại, và bức vẽ thứ hai là cuộc vui của những người bị
lôi cuốn theo những khích động của giác quan trong giờ phút hiện tại.
Sau buổi nói chuyện, có một người bạn trẻ đến gặp tôi. Anh tâm sự: “Tôi
hiểu điều anh muốn nói. Nhưng riêng cá nhân tôi, trong cuộc sống tôi vẫn
thích chọn những cuộc vui được diễn tả trong bức vẽ thứ hai của anh
hơn.”
Tôi cũng hiểu những gì anh muốn nói. Anh đã nói lên một điều rất thực.
Tôi rất đồng ý với anh, nếu ta chưa tiếp xúc được với niềm vui trong sự
tu tập, của giờ phút hiện tại, thì ta khó có thể nào cưỡng lại được sự
lôi cuốn của những thú vui kích động trong cuộc đời. Nếu ta chỉ biết có
mỗi một thú vui qua sự kích thích của giác quan, thì làm sao ta có thể
có một sự chọn lựa nào khác hơn được? Bỏ chúng đi, ta chỉ cảm thấy trống
vắng mà thôi. Mà việc gì cũng vậy, nếu ta không cảm thấy hạnh phúc
trong những gì mình đang làm, ta sẽ không chọn con đường ấy được dài
lâu. Trên con đường tu học, khi ta có được niềm vui trong sự thực tập
rồi, ta sẽ từ bỏ những thú vui khác rất dễ dàng, vì biết rằng chúng
không mang lại hạnh phúc như mình nghĩ. Cũng giống như người đang cầm
một hòn than nóng trong tay, ta sẽ tự động buông mà không cần ai khuyên
bảo gì hết.
Thầy biết không, có lần có người hỏi chúng tôi làm sao có thể có được
nhiều thì giờ quá vậy? Họ biết chúng tôi ai cũng đi làm, có gia đình bận
rộn, vậy còn thì giờ đâu nữa để viết sách, làm báo, đi tu học, tham dự
những ngày quán niệm... Hỏi vậy thôi, chứ tôi biết họ cũng đâu có ít thì
giờ hơn tôi đâu! Tôi thấy có những người vừa đi làm, vừa đi học, có
người bận rộn chuyện gia đình mà còn phải làm một lúc hai, ba việc, đeo
đuổi hai, ba dự án... Thật ra, tôi nghĩ vấn đề chỉ là hạnh phúc nào
chúng ta cho là quan trọng hơn mà thôi!