Có lần tôi được dịp ngồi chung với một số bạn trẻ. “Trẻ” ở đây là
xấp xỉ vào tuổi của chúng ta, cũng có gia đình và sự nghiệp vững vàng,
chia sẻ với nhau về những hoài bão của họ về tương lai đất nước, về các
vấn đề thời sự. Có một anh bạn trẻ, khoảng chừng ba mươi mấy, nói rằng,
nhìn lại lịch sử thế giới thì đạo Phật khó có thể làm cho một quốc gia
được trở nên giàu có và phú cường được. Anh dẫn chứng tình trạng nghèo
khó của những quốc gia ở Đông Nam Á và xứ Tây Tạng hiện nay. Có một số
bạn khác không đồng ý với anh, họ nêu lên trường hợp của Nhật Bản, Đài
Loan... những quốc gia theo truyền thống Phật giáo mà vẫn giàu mạnh. Họ
giải thích thêm, nếu anh bảo rằng trường hợp Nhật Bản khác, là vì không
thuần túy Phật giáo mà còn theo Thần giáo (Shinto), thì Tây Tạng, Việt
Nam chẳng hạn, cũng đâu hẳn theo Phật giáo “thuần túy” đâu! Như vậy thì
Phật giáo anh nói đây là Phật giáo nào?
Có phải tự đạo Phật đã làm cho chúng ta trở thành thụ động và yếm thế đi
chăng? Tôi nghĩ, đạo Phật không bao giờ dạy cho chúng ta có một thái độ
an phận và buông xuôi. Ngược lại, sự tu học sẽ giúp cho con người ta
được trở nên nguyên vẹn hơn. Con người đâu phải chỉ có bạo lực, tham
lam, thù hận và trả vay mà thôi. Con người cũng còn có những từ bi, dũng
lực, tha thứ và tuệ giác nữa. Nếu những quốc gia chỉ có thể giàu mạnh,
tiến bộ bằng vũ khí, bạo lực, tranh chấp thì sự giàu mạnh đó, phú cường
đó có thật sự là những gì chúng ta muốn không? Ta có thể dùng từ bi và
tha thứ để sống giữa cuộc đời này, và ta vẫn có hạnh phúc, xã hội ta vẫn
giàu mạnh, nước ta vẫn phú cường được, Thầy có nghĩ vậy không? Viết
những lời này mà chân tôi vẫn đặt vững vàng trên mặt đất, tôi không đi
trên mây đâu Thầy! Nhưng làm được việc ấy chúng ta cần những bậc đại
trượng phu, những người có một sự hiểu biết và một tình thương lớn.
Ngày xưa khi đọc kinh, tôi thấy ở cuối kinh thường có một đoạn kể lại,
sau khi Phật nói xong có bao nhiêu người đắc được quả này, và bao nhiêu
người chứng được quả kia. Có người giải thích rằng, vì trong thời Phật
còn sống, những người đến nghe Phật là những bậc có căn cơ tốt, nghiệp
quả ít, vì vậy sau khi nghe Phật giảng xong, họ được chứng đắc rất dễ
dàng. Còn chúng ta ngày nay nghiệp còn nặng, quả còn dày, nên học bao
nhiêu kinh sách vẫn chưa thấy chứng ngộ gì hết. Có lẽ là vậy! Nhưng cũng
có thể là vì các vị ấy được nghe từ chính đức Phật! Con người của đức
Phật tự đó cũng đã là một bài thuyết pháp hùng tráng rồi. Tôi nghĩ, các
vị ấy có được một sự chuyển hóa lớn không hẳn là do những gì đức Phật
nói, mà là nhờ ở chính con người của đức Phật. Cái năng lượng của sự có
mặt của ngài khiến cho người nghe có một niềm tin lớn, một chuyển hóa
lớn. Giáo pháp thì đời nào cũng có, cái mà ta cần là một con người có
thực chứng. Tự thân của họ lúc nào cũng là một bài pháp sinh động. Chắc
Thầy cũng còn nhớ ngày xưa có một vị vua đến xin quy y với Phật và ông
ta nói với Phật rằng, “Con chưa biết ngài dạy những giáo lý gì, nhưng
con nhìn cách đi, đứng, hành xử của tăng đoàn của ngài mà con có lòng
tin sâu xa vào sự tu tập của ngài, nên con muốn xin được quy y.”
Thuở xưa các vị đến nghe Phật giảng được chuyển hóa, tôi nghĩ, cũng nhờ
cùng một kinh nghiệm ấy. Và điều tôi muốn chia sẻ ở đây là cuộc đời
chúng ta đang cần những con người có thực chứng, những con người có tự
chủ, có nhiều tình thương và hiểu biết lớn. Mà những con người ấy, họ
không bao giờ là những người an phận và yếm thế.
Những người bạn trẻ của tôi có những hoài bão lớn, họ ý thức được sự may
mắn của họ được sống trên xứ sở này, có nhiều điều kiện để học hỏi và
phát triển hơn những người khác. Họ muốn làm một cái gì để giúp những
người bạn của mình ở những quốc gia kém phát triển hơn. Nhưng tôi nghĩ
chúng ta cũng nên tự hỏi cuộc đời này đang cần gì? Có cần những tài năng
mới để đóng góp vào một nền kinh tế phồn thịnh hơn, hoặc cho một xã hội
kỹ thuật tân tiến hơn không? Thầy ơi, tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta đã và
đang có rất nhiều nhân tài, có đầy đủ khả năng trong mọi lĩnh vực. Nhưng
điều mà ta cần không phải chỉ là tài năng thôi, mà còn ở sự biết tu học
của người đi phụng sự nữa. Ta cần những người biết tha thứ, biết cởi mở
và tự chủ, những người có hạnh phúc. Chúng ta không thể nào kêu gọi tha
thứ nếu chính bản thân ta chưa biết thứ tha. Ta không thể mang cho ai
hạnh phúc nếu bản thân ta vẫn còn mang nhiều sân hận. Và ta không thể
lắng nghe ai nếu trong ta còn đầy nghi kỵ và sợ hãi!
Tôi không tin có một giải pháp nào có thể mang lại cho đời sống chúng ta
một sự phú cường, thịnh vượng, một hạnh phúc thật sự, nếu nó không được
thực hiện bởi những người biết tu học. Cái mà ta có thể thật sự đóng
góp cho người chung quanh là chính con người, tự thân của ta.
Thật ra, tôi không nghĩ đạo Phật dạy chúng ta phải từ bỏ hạnh phúc hoặc
bài bác một xã hội phú cường. Phật chỉ nhắc nhở chúng ta hãy ngồi xuống
và nhìn lại xem thế nào là hạnh phúc chân thật và thế nào là một xã hội
phú cường. Có những hạnh phúc mà ta bỏ cả đời mình ra đi tìm kiếm,
tranh dành, để rồi một ngày nào đó khám phá ra rằng chúng chỉ là một ảo
tưởng.
Hãy nhìn lại đời sống trong xã hội phương Tây ngày nay, tất cả có là như
những gì chúng ta mơ tưởng không? Tôi có một anh bạn người Trung Đông,
cứ vài năm lại đưa cả gia đình về thăm xứ sở mình một tháng. Sau khi trở
lại, anh ngồi kể cho tôi nghe về những kỷ niệm đẹp bên ấy. Anh ta nói,
đời sống bên ấy nghèo, quá thiếu thốn so với bên đây, nhưng xét ra thì
họ thảnh thơi hơn, người ta có nhiều thì giờ cho nhau hơn.
Tôi cũng biết một người bạn có gia đình, anh ta bảo tôi rằng mùa hè anh
dự định sẽ mang các con anh về quê hương, để chúng có dịp học thêm về
những lễ nghĩa, văn hóa tốt đẹp của xứ mình. Anh nói, nhìn thấy tuổi trẻ
tự do và sự giáo dục của xứ sở này mà anh lo cho tương lai của mấy
cháu. Nhiều khi đời sống vật chất đầy đủ quá cũng chưa hẳn thật sự là
một điều tốt, phải không Thầy? Chắc có người nghe vậy sẽ nhắc khéo tôi
“phú quý sinh lễ nghĩa”, có đầy đủ rồi tôi mới nói được chuyện xa xôi...
Nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, ngọn núi mà chúng tôi đang đứng đây,
bầu trời không hoàn toàn xanh và cuộc đời cũng không thần tiên như người
đang đứng bên ngọn núi kia vẫn tưởng.
Có những người thường sợ rằng đạo Phật, sự tu học, sẽ làm cho họ yếm thế
và mất đi ý chí phấn đấu trong đời sống. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không
phải là ta có nên phấn đấu với cuộc đời hay không, mà là ta phấn đấu vì
lý do gì! Vì tham lam hoặc thù hận chăng? Và chấp nhận hoàn cảnh không
có nghĩa là ta thụ động ngồi yên. Mà chấp nhận có nghĩa là ta ý thức rõ
ràng những gì đang xảy ra, không trách cứ, không hờn giận, và làm những
gì mình cần phải làm để chuyển hóa tình trạng của mình.
Một người hoạt động không có nghĩa phải là một người náo động. Có những
người bôn chôn làm đủ mọi thứ chuyện nhưng rồi không hoàn tất được việc
gì hết, và có người tuy có vẻ như đang ngồi yên nhưng thật ra lại làm
được tất cả. Trong đời và trong đạo, chúng ta bao giờ cũng cần có một sự
phấn đấu để đi tới. Nhưng phấn đấu không có nghĩa là lúc nào ta cũng
phải lăng xăng làm một cái gì đó, mà thật ra nhiều lúc điều ta cần làm
là tập ngồi cho yên.
Trong đạo Phật, phương tiện và cứu cánh phải là một. Tôi nghĩ, ta không
thể tìm được sự tĩnh lặng nếu con đường ta đi là náo động; ta không thể
nào có một cứu cánh giải thoát khi chọn một phương tiện trói buộc. Chúng
ta thường nghe kể câu chuyện trong đạo Phật về một người chủ thuyền chở
mấy trăm người khách qua sông. Nửa đường, tàu gặp một tên cướp định
giết hết mọi người trên tàu để cướp của. Người lái tàu là một vị Bồ Tát
hóa thân, ngài đã hy sinh đứng ra giết tên cướp kia, riêng mình chịu đọa
điạ ngục để cứu mạng hàng trăm người khác, cũng như chính tên cướp kia
khỏi bị tội sát nhân.
Vị Bồ Tát hành động là vì tấm lòng từ bi của mình. Phương tiện và cứu
cánh của ngài là một, là lòng thương đối với tất cả mọi người. Chúng ta
có thể làm một hành động tương tự như ngài, nhưng chúng ta làm vì những
sự thúc đẩy do sợ hãi, sân hận hoặc hoang mang của mình. Cũng cùng một
hành động, cùng một phương tiện nhưng hai cứu cánh lại hoàn toàn khác
nhau, vì được thúc đẩy bởi những lý do khác nhau. Vì vậy tôi nghĩ, vấn
đề không phải là việc mình làm mà là ở tác ý của mình trong công việc
ấy, mà sự si mê vì thất niệm của chúng ta thì vẫn còn rất sâu và rất
đậm!
Tôi nhớ câu chuyện về một dũng sĩ Nhật Bản. Chàng là vệ sĩ thân tín của
một vị lãnh chúa. Một đêm, có tên thích khách lẽn vào và giết chết vị
lãnh chúa của anh. Chàng dũng sĩ vì trách nhiệm và lời thề nên có bổn
phận phải tìm giết tên thích khách ấy. Sau mấy năm trời trèo non lội
suối, cuối cùng anh tìm gặp được tên thích khách đã giết Chúa mình. Sau
một trận đấu kiếm sống chết, chàng dũng sĩ đánh rơi gươm của kẻ thích
khách và dồn hắn vào một góc tường. Trong khi anh ta đưa gươm lên, sửa
soạn giết hắn, thì bất ngờ tên thích khách ngước lên và nhổ nước bọt vào
mặt anh. Chàng dũng sĩ bỗng dừng lại. Anh ta đưa tay lên lau mặt, rồi
từ từ tra gươm vào vỏ. Anh ra lệnh cho tên thích khách hãy cút đi mau!
Khi những người theo anh thấy vậy hỏi vì sao anh lại để cho hắn thoát
đi, anh đáp: “Bổn phận của tôi là một lòng phò chúa của mình, tôi có
trách nhiệm giết những ai đã làm hại Chúa tôi. Tôi giết họ vì bổn phận
của mình. Khi hắn nhổ nước bọt vào mặt tôi, trong lòng tôi nổi lên một
cơn giận. Và vì vậy mà tôi phải để cho hắn thoát đi. Nếu ngay trong giây
phút ấy tôi có giết hắn thì đó là vì cơn giận hơn là vì bổn phận!”
Trở lại nhận xét của người bạn trẻ, tôi muốn đóng góp rằng, một xã hội
phú cường thật sự phải được làm bằng những con người có hạnh phúc. Và
không thể là ngược lại. Mà tôi định nghĩa những người có hạnh phúc là
những người có sự tu học để có được một tình thương và một tuệ giác bao
dung. Việc ấy đòi hỏi một công phu tu tập.
Nhìn lại lịch sử, ta thấy những con người như vua Trần Nhân Tông, thánh
Gandhi, Mẹ Theresa, các vị ấy đâu có dựa trên một giáo lý nào mới lạ
đâu, hành động của họ đặt trên nền tảng của tình thương và bất hại. Và
đường lối của họ đâu có làm cho xứ sở mình chậm tiến hoặc yếu hèn đi?
Các vị ấy đã đóng góp cho thế giới này bằng chính con người của họ. Cuộc
đời của các bậc ấy đã khiến trái đất này tươi mát hơn, bầu trời trong
xanh hơn, và những người họ tiếp xúc có nhiều hạnh phúc hơn. Cuộc đời
này không cần thêm những giáo thuyết mới, mà rất cần những con người có
tự chủ và một tấm lòng vị tha. Tôi nghĩ, học hỏi kinh sách nhiều có thể
mang lại cho ta thêm niềm tin và sự phấn khởi, cũng như giúp ta làm sáng
tỏ vấn đề hơn. Nhưng sự tu tập để chuyển hóa khổ đau cho mình, hoặc
giúp kẻ khác, ta không cần phải biết cho thật nhiều, nhưng ta cần phải
thật sự thực hành những gì mình đã học, đã biết. Giả sử như nếu tôi có
gặp khổ đau, tôi nghĩ mình sẽ không đi tìm một người có kiến thức nhiều
để nhờ giúp đỡ, mà tôi sẽ tìm và nương tựa vào một người có thực tập.
Khi ra giữa trận mạc, chúng ta đi với một chiến sĩ bao giờ cũng an toàn
hơn là đi với một vị quân sư hoặc một chiến thuật gia!