Tôi chưa bao giờ có dịp lên tu viện vào mùa thu, nhưng tôi dám
đoan chắc với Thầy rằng thu bên ấy không đẹp bằng thu bên này đâu! Nói
đùa với Thầy vậy thôi, chứ năm nào đó nhất định Thầy phải thưa với thầy
Viện Trưởng tổ chức một khóa tu vào mùa thu ở đây. Chúng ta sẽ được đi
thiền hành dưới những cơn mưa của màu sắc, có tiếng gió lùa những chiếc
lá khô chạy đuổi nhau lào xào trên mặt đường theo mỗi bước chân đi. Vòm
cây che ngang trên con đường thiền hành của ta sẽ có muôn màu lá chín.
Mỗi tờ lá chín cũng có một hương thơm riêng của nó! Thầy có hình dung
được trong vũ trụ này có biết bao nhiêu là màu vàng khác nhau không?
Biết bao nhiêu là những màu cam, màu tím, màu đỏ... khác nhau không? Một
ngày ngồi yên trong rừng, ta có thể lắng nghe được tiếng cây lá chuyển
mùa. Mùa thu miền này đẹp lắm, nhất định phải mời Thầy sang đây một lần
cho biết! Trịnh Công Sơn có nói về chiếc lá thu phai. Ông ví tuổi cuối
đời như một chiếc lá mùa thu, đã vậy mà còn phai nữa thì buồn và tội
lắm! Nhưng lá thu nơi đây không phai mà rất đậm màu! Mùa thu không phải
là mùa của hoàng hôn, của đoạn cuối, mà tôi thấy chúng tượng trưng cho
sự sống và sự chín tới. Trong cuộc đời có những hạnh phúc rất tự nhiên,
chân thật và sâu sắc, trong đó có thiên nhiên và đất trời của mùa thu.
Có những buổi sáng đi trên con đường nhỏ phủ lá quanh bờ hồ, nhìn mặt
nước phẳng lặng phản chiếu bóng rừng cây màu lá, tôi cảm thấy một hạnh
phúc thật vững vàng và bình yên.
Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật trong thời gian ngài còn đang trên đường
tìm đạo. Trước khi giác ngộ dưới cội bồ-đề, Phật đã có thời gian theo
con đường khổ hạnh. Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ, thân thể chỉ còn
da bọc xương mà thôi. Cho đến một hôm, quá đuối sức, Phật tự nghĩ, “Nếu
những bậc tu sĩ khác có thực tập khổ hạnh thì cũng chỉ đến mức này mà
thôi! Nhưng tại sao ta vẫn không cảm thấy chút gì là giác ngộ hay giải
thoát? Phải có một con đường nào khác nữa chứ!” Lúc đó, Phật chợt nhớ
lại ngày xưa khi còn là một thái tử, có một lần được theo Vua cha ra
ngoài thành, đến một miền đồng quê. Trong khi Vua cha đang quan sát
người khác làm việc, thái tử tìm đến dưới gốc một cây hồng táo ngồi lặng
yên. Bỗng nhiên, khi đó tâm ngài trở nên rất tĩnh lặng. Thái tử nhập
được vào sơ định, và cảm thấy trong mình có một niềm hỷ lạc rất sâu sắc.
Niềm vui ấy không hề xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào bên ngoài. Nó
có mặt ngay bên trong, với một tâm hồn tĩnh lặng. Nhưng trên con đường
tìm kiếm, tu tập khổ hạnh, Phật đã vô tình đánh mất đi cái hạnh phúc ban
đầu đó. Một hạnh phúc rất đơn sơ, nhưng sâu sắc và rất thực. Nó không
đòi hỏi ta phải nắm bắt hoặc chối bỏ bất cứ một điều gì khác trên cuộc
đời này!
Niềm vui đơn sơ đó không hề xuất phát từ bất cứ một sự thỏa mãn ái dục
hay một nhu cầu nào! Ta không cần phải có được một cái gì, thành đạt một
điều gì, hoặc chối bỏ một điều gì để có được an lạc. Ý thức được rằng
hạnh phúc chân thật không hề tùy thuộc vào những gì ta có, đó là một
điều giác ngộ và giải thoát rất lớn!