Thầy ơi, trên tu viện các thầy cô thường nhắc đến chuyện đi suối.
Nghe nói trên ấy chỉ có thầy Viện Trưởng với Thầy và vài người nữa thôi
mới có dịp đi suối. Nói “có dịp” cho oai vậy thôi chứ nghe kể đi suối
cũng mất cả ngày. Đường đi là những con dốc phủ một lớp lá khô dày, loại
lá thông dài, tròn và nhỏ, và những vách đá cheo leo, gập ghềnh, ai
thấy cũng ngán. Mà đó là chưa kể chuyện gặp sư tử núi hoặc chó sói nữa!
Bé Diệu Phương, Diệu Thư, Minh Nghĩa có về cho tôi xem hình năm ngoái
Thầy dẫn chúng đi suối. Mỗi lần nhắc lại, chúng nói: “Bác không tưởng
tượng được nó ‘ghê’ như thế nào đâu!” Tôi cũng thích mạo hiểm, nhưng lần
sau nếu Thầy có rủ thì chắc tôi cũng sẽ lấy cớ là mình không còn “trẻ”
như xưa nữa! Bé Diệu Phương, Diệu Thư mà còn thấy “ghê” thì tôi thật
không dám!
Trên tu viện có nhiều cảnh đẹp thật Thầy nhỉ! Những đêm khuya đứng ngoài
hiên cốc Trăng Lên nhìn lên bầu trời cao tôi thấy hiện rõ dãi Ngân Hà.
Có lần Thầy chỉ cho tôi sự di chuyển rõ rệt của ngàn triệu vì sao trên
bầu trời đêm. Những đêm có trăng, rừng núi tu viện thật sáng và sống
động. Tôi đi không cần mang đèn và thấy bóng mình đổ dài trên con đường
dốc nhỏ. Vào những sớm bình mình trên tu viện, tôi thích thức dậy sớm ra
ngoài hiên thiền đường đứng nhìn mặt trời mọc. Mặt trời không lên từ
chân trời mà xuất hiện ngay giữa những tầng mây. Trên tu viện, chúng ta
không ngước lên nhìn mây mà cúi xuống nhìn mây. Mây mênh mông mỗi sáng
từ ngoài vịnh kéo vào nơi tôi đứng. Đôi khi tôi cũng mơ được thấy mình
là mây thênh thang ngoài kia!
Thầy biết không, mấy năm trước tôi có viết một bài văn ngắn về những ước
muốn của tôi trong quyển Lời kinh xưa, buổi sáng này. Tôi có gửi cho
Thầy xem, chắc Thầy vẫn còn nhớ! Có một bác đọc xong nhắc khéo tôi rằng,
“Tu thiền là sống trong hiện tại, sao còn ước muốn xa xôi, này nọ nhiều
thế!” Mà trong đạo Phật mình có được phép ham muốn một cái gì không
Thầy nhỉ? Hơn mười mấy năm trước, tôi có đi tham dự một khóa tu. Trong
bài pháp thoại, vị thiền sư có nói rằng, trên con đường tu tập, muốn cho
con đường mình đi được an vui và lâu dài, mỗi chúng ta cần phải có một
sự tham muốn lớn, thật lớn. Ngày ấy tôi không đồng ý với lời dạy đó, tôi
có nêu câu hỏi rằng đạo Phật dạy chúng ta phải diệt dục, diệt sự ham
muốn, tại sao Thầy lại dạy chúng tôi nên có một sự ham muốn! Vị Thầy
nhìn tôi đáp: “Khi ta có một sự ham muốn cao thượng, to lớn thì những sự
ham muốn nhỏ nhen của cuộc đời sẽ không còn động chuyển đến ta được. Sự
ham muốn mà ta nói đây chính là cái tâm bồ-đề của mình, sự ham muốn
được giác ngộ, giải thoát.” Thầy biết không, tôi được học rằng phát tâm
bồ-đề cũng có nghĩa là một sự ham muốn lớn. Nếu cái ta muốn là một
phương trời cao rộng thì mình đâu còn bị dính mắc vào những góc nhỏ khổ
đau nữa làm gì!
Như vậy thì tu tập đâu có nghĩa là để dẹp hết tất cả mọi ham muốn, phải
không Thầy? Người ta thường nghĩ đến đạo Phật như là một đạo diệt dục,
có nghĩa là người tu phải diệt hết mọi ham muốn. Bởi họ nghĩ hễ còn ham
muốn là ta sẽ còn khổ đau. Nhưng thế nào là dục, là ham muốn? Trong cuộc
đời có những cái dục dẫn ta đến khổ đau, và cũng có những cái dục đưa
ta đến sự thảnh thơi, hạnh phúc. Như Phật cũng có dạy chúng ta phải biết
ham muốn thăng tiến và đi lên. Chẳng phải Dục như ý túc là một trong
bốn điều như ý túc mà ta cần phải có đó sao?
Thật ra thì lòng ham muốn không có nguy hại, chỉ có sự dính mắc và mê
đắm mới là đáng sợ mà thôi! Theo tôi nghĩ, sự ham muốn cần trừ bỏ chính
là những thứ dính mắc mà đức Phật thường nhắc nhở chúng ta như là tiền
tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ chẳng hạn. Tôi nghĩ chúng
ta vẫn có thể muốn cho cuộc đời này được đẹp hơn, người chung quanh ta
bớt khổ đau hơn, trái đất này xanh hơn, những bước chân của ta được
khoan thai hơn, và dòng suối nhỏ được trong hơn...
Vị thiền sư của tôi nói đúng, khi cái muốn của ta rộng lớn nó sẽ bao
trùm tất cả, không còn bị dính mắc vào đâu, và những tham muốn nhỏ sẽ
không còn khả năng trói buộc gì được ta. Thảo nào mà những vị Bồ Tát lại
có những cái muốn to tát như là cứu giúp hết mọi người, chuyển hóa hết
mọi phiền não, thực tập hết mọi pháp môn và thành tựu hết mọi đạo quả...
Những cái muốn ấy, dục ấy, trong kinh gọi là nguyện.
Thầy biết không, có lần nói chuyện với một người bạn, anh ta bảo, nếu
sống mà không có hạnh phúc của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống,
ngủ nghỉ thì cuộc đời này còn có gì đáng sống nữa chứ? Nếu như trên cõi
Tịnh độ hay Thiên đàng mà không có những thứ đó thì anh ta không cần lên
đâu, thà ở những cõi khác vui hơn! Anh ta nghĩ rằng hạnh phúc phải được
làm bằng những thứ đó, bỏ chúng ra thì cuộc đời sẽ không còn gì là hạnh
phúc nữa, không còn đáng để sống nữa! Làm như hạnh phúc của cuộc đời
này chỉ có bấy nhiêu đó thôi vậy! Thật ra, ta cũng không thể nào chối bỏ
được ảnh hưởng của những thứ ấy trong cuộc sống của mình. Chúng có thể
giúp đời sống ta được dễ chịu hơn, thoải mái hơn. Nhưng nếu bảo rằng
không có những cái ấy cuộc đời này sẽ trở hành hư vô, trống không thì
tôi thấy hơi quá! Nhiều khi, chính những quan niệm như thế về hạnh phúc
đã nuôi dưỡng mầm mống khổ đau trong cuộc đời này!
Sống trong một xã hội tiêu thụ, chúng ta bị điều khiển bởi những thôi
thúc chung quanh, bị đánh lừa bởi những hạnh phúc hào nhoáng, đầy sôi
động và kích thích bên ngoài. Nhưng có điều là những thứ hạnh phúc ấy
không bao giờ tồn tại lâu, và ta lại cứ phải đi tìm một cái khác. Ta sẽ
không bao giờ thấy được những gì chúng ta đang có có thể đã là quá đủ!
Mà nếu những gì chúng ta đang có không thể mang lại cho mình hạnh phúc,
thì lý do gì ta lại nghĩ rằng, có thêm những cái khác nữa sẽ giúp mình
có hạnh phúc? Nếu chúng đã có thể đem lại hạnh phúc, thì ta đâu cần tìm
kiếm thêm nữa làm gì? Có lần tôi nói đùa với một người bạn là tôi nghĩ
chúng ta ai cũng đều có đầy đủ hết rồi, nhưng mình chỉ cảm thấy thiếu
thốn khi nhìn sang người bên cạnh! Sống trong cuộc đời mà ta cứ phải đi
tìm cầu hạnh phúc ở bên ngoài mãi thì có gì là vui đâu Thầy nhỉ! Nhưng
không phải tôi khuyên người bạn tôi nên buông bỏ hết tất cả những thứ
ấy. Tôi chỉ muốn nói với anh rằng, tiền bạc, vật chất và danh vọng có
thể mang lại cho ta những thú vui, giúp cho đời sống ta được dễ chịu
hơn, thú vị hơn, nhưng không nhất thiết nó sẽ mang lại cho ta cái hạnh
phúc bền vững mà ta tìm cầu!
Mấy năm trước tôi có gởi tặng Thầy một quyển sách có tựa đề “Nơi ấy cũng
là bây giờ và ở đây”. Tôi thích cái tựa dịch đó lắm. Vì nơi nào mình
đến mà chẳng phải là bây giờ và ở đây? Nếu bây giờ ta đang có những
phiền muộn, khổ đau thì ta có bỏ đi đâu cũng vậy thôi, nơi ấy cũng sẽ có
những phiền muộn và khổ đau. Nếu chiếc lá vàng mùa thu nơi này không
đẹp thì chiếc lá vàng nơi nào sẽ đẹp? Nếu những gì ta đang có trong tay
vẫn chưa đem lại cho ta hạnh phúc, thì có thu thập thêm cho nhiều đi
nữa, làm sao ta chắc rằng ta sẽ có hạnh phúc?
Ở xã hội này tôi thấy người ta bận rộn lắm. Không chỉ bận rộn trong việc
làm, mà còn bận rộn trong lúc nghỉ ngơi và giải trí nữa. Người ta lúc
nào cũng phải làm một việc gì, tìm kiếm một cái gì đó... Tôi nghĩ, chúng
ta luôn tìm kiếm một cái gì sắp tới, hy vọng có thể mang lại cho mình
hạnh phúc. Một chuyến đi, một cuộc tình, một chiếc xe mới, một cuốn
phim, một dự án, một cuộc gặp gỡ... Có lẽ vì bên trong tâm hồn chúng ta
còn trống vắng quá! Vì sợ đối diện với khoảng trống ấy, nên nhiều khi
chúng ta muốn đi tìm một hơi ấm từ bên ngoài, dù vẫn biết rằng nó rất
phù du. Những ngày cuối tuần Thầy có dịp xuống phố không? Thầy sẽ thấy
người ta chen lấn nhau để đi tìm quên lãng, trong tiếng cười nói ồn ào,
bên ly rượu, dưới ánh đèn màu. Nhưng rồi khi về lại căn phòng nhỏ của
mình, họ cũng chỉ thấy có riêng ta “soi bóng mình giữa tường trắng lặng
câm...”.
Cuộc đời có nhiều thứ hạnh phúc. Có những hạnh phúc mang ta đến hạnh
phúc và có những hạnh phúc đưa ta đến khổ đau. Có những cuộc vui mang
lại cho ta một sự bình yên và tĩnh lặng, ta gọi là an lạc. Và có những
thú vui đem lại cho ta sự dính mắc, đó là những niềm vui của dục lạc,
chúng trói buộc ta. Những hạnh phúc của tiền tài, danh vọng chúng rất là
quyến rũ và kích động, nhưng ta có nên gọi đó là hạnh phúc không?
Tôi nghĩ, hạnh phúc phải có hai yếu tố là vững chãi và thảnh thơi. Hạnh
phúc thật sự phải nuôi dưỡng thêm hạnh phúc và phải có khả năng khai
phóng tôi. Tôi nhớ trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về một vị thần,
anh ta mải mê đeo đuổi theo hình bóng của một người đẹp. Nhưng đến khi
anh ta bắt được nàng rồi thì cô ta lại hóa thành một thân cây, trong khi
anh ta đứng đó bàng hoàng và bối rối. Câu chuyện ấy nhắc nhở chúng ta
rằng hạnh phúc trên cuộc đời không bao giờ có thể mang lại sự an ổn cho
ta, vừa bắt được thì nó đã trở thành nhàm chán và tầm thường. Nhưng có
lẽ người ta vẫn cứ tìm kiếm và theo đuổi mãi, vì họ không tin cuộc đời
này còn có một hạnh phúc nào khác hơn!
Tôi mong người bạn sẽ đến tham dự khóa tu một lần cho biết! Một bước
chân thiền hành, đi cạnh người thân thương, trên đồi cỏ, dưới trời
xanh... tất cả đều là những yếu tố nuôi dưỡng hạnh phúc của ta! Tiếp xúc
được với những hạnh phúc ấy sẽ giúp ta trân quý cuộc đời mình hơn, nhất
là những gì mình đang có trong tay.
Mấy năm trước, có một anh bạn trẻ đến tham dự khóa tu lần đầu tiên. Cuối
khóa tu, anh chia sẻ rằng vào những ngày đầu, anh thắc mắc tại sao
chúng ta lại phải đi đứng chậm rãi, và lại chắp tay chào nhau mỗi khi
tiếp nhận một vật gì, hoặc trước khi ngồi xuống trên tọa cụ! Anh nói,
sau vài ngày thực tập, một buổi sáng bước ra khỏi phòng, bên ngoài mọi
người đang đi thiền hành trên đồi cỏ, anh ngước lên nhìn trời xanh mây
trắng, bỗng dưng anh cảm thấy không gian chung quanh mình đẹp lạ thường.
Trong giây phút ấy, bất chợt anh tự động chắp tay lại và cúi xuống, cám
ơn một hạnh phúc. Hạnh phúc không thể là một ý niệm mà phải là một sự
chứng nghiệm. Tôi nghĩ, tu tập không có nghĩa là ta sẽ chối bỏ những
niềm vui của cuộc đời. Trong sự tu tập, ta vẫn biết thưởng thức và tiếp
xúc với hạnh phúc và những cái đẹp, những cái đẹp tốt lành và chân thật!