Trong các khóa tu, vấn đề hạnh phúc là một vấn đề thường xuyên
được các bạn trẻ đưa ra để chia sẻ và trao đổi ý kiến. Và hạnh phúc của
những người trẻ lại có liên quan rất mật thiết đến vấn đề sự nghiệp. Có
bạn nói rằng, anh ta rất yêu thích công việc của mình, rất muốn được
thăng tiến trong sở làm, và lúc nào cũng muốn học hỏi, trau dồi để mỗi
ngày được tiến bộ hơn. Anh ấy hỏi: Con đường tu tập liệu có làm trở ngại
việc xây dựng sự nghiệp của anh hay chăng?
Vấn đề anh ấy đưa ra là một vấn đề rất thật. Có lẽ nhiều người cũng đã
và đang đối diện với thắc mắc này. Nhưng ta hãy thử đặt lại câu hỏi ấy,
khi chọn con đường tu tập có phải là từ bỏ việc xây dựng sự nghiệp của
mình không? Và theo Thầy nghĩ thì thế nào là xây dựng một sự nghiệp?
Tôi được đọc rằng, sự nghiệp có nghĩa là làm nên những việc gì mang lại
lợi ích cho xã hội và mọi người quanh ta. Mà cuộc đời này đang thật sự
cần đến những gì Thầy nhỉ? Xã hội chúng ta có cần thêm những kỹ thuật
tối tân hơn không? Có cần những máy điện toán chạy chớp nhoáng hơn
không? Và những kỹ thuật tân tiến ấy sẽ được chúng ta áp dụng vào những
lĩnh vực nào? Tôi đang được may mắn sống trên một quốc gia giàu có, tôi
có dịp chứng kiến sự phồn thịnh và dư dả của một xã hội tiến bộ vào hàng
nhất, nhì về kinh tế và kỹ thuật. Và trong môi trường đó, tôi cũng đã
có dịp tiếp xúc với những người có địa vị trong xã hội nhưng lại có
những nỗi khổ đau và cô đơn rất lớn. Họ là những người có sự nghiệp
trong xã hội, nhưng thành công của họ là sự thành công rất cá nhân. Và
vì nó có tính cách cá nhân nên đa số họ là những con người rất cô đơn.
Có thể vì lý do ấy mà trong những khóa tu học tổ chức cho người phương
Tây, những người ở độ tuổi trung niên có sự nghiệp đến tham dự rất đông.
Thầy biết không, thời đại ngày nay chúng ta có những vấn đề mới tinh như
là “road rage” chẳng hạn. Người ta có thể chửi mắng thậm tệ một người
mà mình không quen biết, nhiều khi có thể giết nhau, chỉ vì người kia đã
lỡ lái xe cắt ngang ta, chạy nhanh hơn ta, hoặc chậm hơn ta... Cách đây
mấy chục năm, khi xe cộ còn là một phương tiện thô sơ: nóng, chạy chậm,
đường xá gập ghềnh, xe hư dọc đường là chuyện thường, mà có nghe ai nói
đến vấn đề “road rage” đâu! Ngày nay trong xe có máy lạnh, âm nhạc, ghế
ngồi êm ái, rộng rãi... mà người ta lại dễ trở nên nóng nảy hơn! Kỹ
thuật tân tiến nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đem lại cho chúng ta sự an tĩnh.
Ngược lại, có khi còn mang đến cho chúng ta thêm những sự căng thẳng và
bất an!
Có lần tôi nghe kể về một cuộc thăm dò với các em nhỏ, người ta hỏi các
em muốn gì ở cha mẹ mình. Thầy có biết đa số các em nói mình muốn gì
không? Phần lớn các em không cần quà, không cần được đi chơi, cũng không
cần cha mẹ dành thời gian cho mình... Thầy thấy có lạ không? Đa số các
em chỉ muốn cha mẹ mình bớt lớn tiếng, bớt gay gắt, khó chịu với nhau
sau một ngày đi làm về! Mấy thế hệ trước, tôi không biết các bậc ông bà
của chúng ta ra sao, nhưng trong thời đại này, cuộc sống vật chất có dễ
chịu hơn thật đấy, kỹ thuật có tân tiến hơn đấy, mà hạnh phúc dường như
vẫn chỉ là một ảo tưởng mà thôi! Thời đại ngày nay ta có thể liên lạc
với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này,
bằng điện thoại, bằng điện thư, bằng hình ảnh... Phương tiện truyền
thông của chúng ta ngày nay quá tinh vi. Nhưng chúng ta vẫn không biết
cách để truyền thông với những người thân yêu đang sống ngay bên cạnh
mình, như là chồng ta, vợ ta, cha mẹ ta, con cái ta... Khổ đau do sự
hiểu lầm, thiếu truyền thông vẫn còn là một vấn đề rất lớn của chúng ta,
ngay chính trong thời đại này!
Năm trước, tôi có đi nghe bác sĩ tâm lý trị liệu Mark Epstien nói chuyện
với độc giả trong dịp ra mắt một quyển sách mới của ông, có tựa đề là
“Going On Being”. Có một độc giả hỏi ông có biết ở phương Đông, ví dụ
như là Nhật Bản, ngành tâm lý trị liệu đang phát triển như thế nào, có
được quần chúng chú ý đến nhiều không? Tôi nhớ ông Mark Epstien trả lời
rằng, ông không được rõ lắm, nhưng theo ông thì ngành ấy hình như vẫn
chưa được phát triển mấy. Và ông có nói thêm nửa đùa, nửa thật rằng:
“Quý vị cứ chờ một thời gian đi, rồi sẽ đến lúc người phương Đông bắt
đầu bị cái hào nhoáng bề ngoài của phương Tây hấp dẫn, bắt chước sống
theo chủ nghĩa cá nhân của phương Tây, chỉ biết vì vật chất và sống cho
riêng mình mà thôi. Khi ấy, những người phương Tây chúng ta sẽ sang bên
ấy mà giúp chữa bệnh cho họ bằng sự hiểu biết mà ta đã học được từ chính
họ!”
Nhưng hy vọng các bạn đừng hiểu lầm rằng tôi chống đối sự cầu tiến, hoặc
bài bác những văn minh khoa học và kỹ thuật. Tôi nghĩ, chúng ta bao giờ
cũng cần làm cho cuộc sống này được dễ chịu hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng
điều tôi muốn nói ở đây có liên quan đến vấn đề sự nghiệp và hạnh phúc
của mỗi người . Tôi nghĩ, vấn đề không phải là sự tu học có ngăn trở ta
trong việc gầy dựng một sự nghiệp hay không, mà là trong khi ta dấn thân
vào những thử thách mới, để lập sự nghiệp và làm đẹp cuộc đời, ta có vô
tình đánh mất chính mình hay không? Trong đạo Phật, con người là một
yếu tố vô cùng quan trọng. Chúng ta cần ngồi lại và nhìn cho sâu để thấy
rõ vấn đề sự nghiệp và hạnh phúc của chính mình. Chúng thật ra chỉ là
một mà thôi!