Thầy biết không, có người đề nghị chúng ta nên chọn một tên gọi
khác cho những khóa tu, thay vì gọi là khóa tu học. Đối với một số
người, nhất là những người mới hoặc chưa quen, chữ tu học nghe có vẻ
nặng nề quá. Họ nói, nó gợi lên những hình ảnh khắc khổ, lập dị, và có
vẻ trốn tránh cuộc đời. Tôi có một người bạn theo Thiên Chúa giáo, khi
những người bạn của chị nghe nói chị sắp đi dự một khóa tu học, họ ngạc
nhiên và sợ lắm. Họ thắc mắc như là mình phải có vấn đề gì ghê gớm lắm
mới phải đi tu học vậy! Người ta thường liên tưởng một khóa tu với những
sinh hoạt gò bó, khắc khổ. Thầy nghĩ sao? Thật ra đó chỉ là một sự hiểu
lầm, phải không Thầy?
Có thể những người ấy nghĩ rằng, tu tập thì nhất định phải chịu cực khổ,
và có thể chính họ đã có những kinh nghiệm như vậy. Nhưng thật ra, tu
tập không nhất thiết có nghĩa là phải khắc khổ. Mục đích của một khóa tu
học không phải là để người ta cảm thấy cuộc đời khổ đau hơn, mà ngược
lại là thấy cuộc đời này có nhiều hạnh phúc hơn! Nhưng thành kiến thì
không dễ gì thay đổi. Chả trách gì các bác lại cứ bảo là chúng tôi chỉ
lo tu “chơi chơi” mà thôi! Tôi nghĩ, mục đích của những khóa tu thật ra
không gì khác hơn là giúp các thiền sinh tiếp xúc và chuyển hóa những
khó khăn, khổ đau của chính mình. Sự chuyển hóa ở đây phải là một sự
chuyển hóa sâu sắc, tận gốc rễ của khổ đau. Mà khi khổ đau vắng mặt thì
mới có điều kiện để cho hạnh phúc có mặt!
Thầy đã có dịp đi hướng dẫn nhiều khóa tu trong những năm qua, chắc Thầy
cũng đã chứng kiến được điều ấy. Có nhiều người, sau khóa tu đã cảm
nhận được một sự thay đổi lớn, họ có thể mở rộng lòng mình ra và tiếp
xúc được với những hạnh phúc đang có mặt chung quanh. Họ đã có thể ôm
lại được một người thân yêu của họ. Chứng kiến những sự thay đổi ấy đem
lại cho chúng ta một niềm tin. Không có việc gì là dễ, nhưng con đường
ngàn dặm cũng phải bắt đầu bằng một bước chân nhỏ bé. Hạnh phúc của ta
được bắt đầu từ một nụ cười nhỏ trên môi.
Mỗi năm chúng ta vẫn thường cố gắng tổ chức ít nhất là hai khóa tu học
nhiều ngày. Chúng ta chọn những địa điểm có một khung cảnh thiên nhiên
yên tĩnh và rộng rãi. Cả năm sống trong thành phố ồn ào đầy khói bụi,
giờ được trở về hít thở không khí trong lành giữa miền đồng quê cũng là
một thay đổi tốt rồi. Trời đất nơi này phải cao rộng, xanh mát và nằm
giữa thiên nhiên. Phải có bóng mát của cây cỏ, của trời, của mây và của
nước. Về đây rồi thì bụi đỏ cũng thôi bay!
Có nhiều người đề nghị chúng ta nên tổ chức những khóa tu ở gần thành
phố hơn, chọn những nơi mà các thiền sinh có thể đi về dễ dàng, và thuận
tiện cho sự di chuyển hơn. Nhưng chúng ta biết rằng sự tu tập và chuyển
hóa rất cần một không gian và thời gian đặc biệt. Thật ra nơi đó không
cần phải thật xa thành phố, nhưng nhất định phải có một không gian rộng
rãi và yên tĩnh. Chúng ta cần có một không gian và thời gian riêng biệt,
để giúp mình thật sự sống và thật sự có mặt với khóa tu. Nơi đây, chúng
ta cùng tập đi thiền hành trên những ngọn đồi cỏ, trên cao có trời xanh
mây trắng, mỗi bước chân của ta làm dậy lên những làn gió nhẹ. Hoặc
cùng ngồi với nhau thành từng nhóm nhỏ bên bờ suối trong, chia sẻ những
quan tâm, ưu tư của mình với thầy, với bạn. Khung cảnh và môi trường của
khóa tu cũng là những yếu tố rất cần thiết cho sự chuyển hóa. Khi ta
sống với nhau bằng tình thương, biết lắng nghe với sự hiểu biết, thì khổ
đau nào mà còn có thể có mặt được, Thầy nhỉ!
Mà Thầy đã có đề nghị nào để thay thế chữ tu học hay chưa? Thú thật với
Thầy, tôi thấy việc ấy cũng không cần thiết lắm. Tôi chỉ muốn bắt chước
đức Phật trả lời với những người bạn ấy rằng “Hãy đến đi rồi sẽ thấy!”
Tên gọi nào rồi cũng có những giới hạn và những khiếm khuyết của nó. Họ
chỉ có thể đến thực hành và rồi tự mình trải nghiệm để hiểu đúng mà
thôi!