Tôi nhớ những ngày tu học trên Tu Viện, buổi sáng có tiếng chim
hót, có ánh nắng ấm mặt trời chiếu tan sương mù bên ngoài cửa sổ. Sau
những ngày thực tập chính niệm, không gian chung quanh mình dường như
trở nên nhiệm mầu hơn! Vào những ngày cuối, chúng tôi được hướng dẫn để
mang sự thực tập của mình trở về với đời sống hằng ngày. Ngày xưa tôi
thường cho rằng, ngồi thiền từ sáng đến tối là chuyện khó làm, nhưng bây
giờ tôi hiểu rằng ngồi đều đặn mỗi ngày mới là một thử thách lớn hơn.
Nhất là khi chung quanh ta có bao nhiêu chuyện đòi hỏi đến sự chú ý của
mình. Ngày đầu bước chân vào khóa tu, tôi ý thức được ngày mình sẽ bước
chân trở về với cuộc sống bận rộn chung quanh. Sự tu học của ta, vấn đề
giải thoát và hạnh phúc, không thể nào là một việc làm tách biệt với sự
sống của mình.
Con đường tu học là một con đường chuyển hóa. Một con đường làm cho cuộc
đời mình được tốt đẹp hơn, và giúp chúng ta bớt khổ đau hơn. Theo tôi
nghĩ, vấn đề hạnh phúc và khổ đau không phải là những gì vĩ đại và lớn
lao như ta tưởng. Một đêm khuya sau giờ ngồi thiền, tắt ngọn nến trên
chiếc bàn con, tôi thấy ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ sáng căn phòng
nhỏ. Hai đứa con tôi ngủ say. Quận đang nằm với hơi thở nhẹ, thật bình
yên. Tiếng máy sưởi chạy đều. Căn phòng ấm. Tôi thấy mình thật hạnh
phúc. Chúng ta còn có một đòi hỏi nào lớn hơn không? Đâu có một hạnh
phúc nào là quá nhỏ hay một khổ đau nào là quá lớn, phải không Thầy?
Con đường tu học là một con đường chuyển hóa và giải thoát. Thế nhưng ta
chuyển hóa những gì và giải thoát những gì? Chúng là những phiền muộn,
lo âu, thao thức của chính ta. Giải thoát có nghĩa là cởi trói, là tháo
gỡ những sợi dây trói buộc ta vào một hoàn cảnh khổ đau, nghịch ý nào
đó. Chúng là những lo lắng, phiền giận, ganh tỵ... của chính ta.
Thật ra thì giải thoát chỉ có nghĩa là giải thoát ra khỏi những ham
muốn, hờn giận, hiểu lầm của chính mình - của chính mình chứ không phải
của bất cứ một người nào khác. Ta phải tập tháo gỡ những khổ đau trước
mắt, trong đời sống và trong gia đình mình trước hết. Đối với tôi thì
giải thoát không bao giờ là một chuyện xa vời, lớn lao nào đó mà mình
chỉ biết khoanh tay chờ đợi.
Chúng ta có thể nghĩ, giải thoát có nghĩa là ta được sinh lên một cảnh
giới khác cao đẹp hơn, như là Tịnh độ hay là Niết-bàn chẳng hạn. Thật ra
muốn có một giải thoát lớn ta cần phải có những giải thoát nhỏ. Tôi nhớ
hình ảnh của một cây tùng to lớn vững vàng đứng ở giữa rừng, nó có thể
đứng bất động trước những cơn mưa to, dông tố. Nhưng vào một buổi sáng
đẹp trời nó chợt ngã đổ. Người ta đến gần xem thì khám phá ra rằng thân
nó đã bị mục nát từ lâu vì những con mối nhỏ. Cây tùng ấy sụp đổ không
phải vì những sức mạnh bão tố, phong ba bên ngoài, mà là vì những con
mối nhỏ gậm nhấm từ bên trong! Những “con mối” ấy chính là những nỗi lo
lắng, muộn phiền nho nhỏ trong đời sống hằng ngày của ta.
Nhiều khi chúng ta lo bận rộn đi tìm một giải thoát lớn mà quên đi sự có
mặt của những sợi dây đang trói buộc ta trong đời sống mỗi ngày. Cuộc
đời đâu phải chỉ có sinh, lão, bệnh, tử mới là khổ. Cuộc đời còn có biết
bao nhiêu là những cái khổ đau nhỏ nhặt khác, nhưng phiền toái hơn, dày
vò chúng ta thường xuyên hơn. Đó là những cái khổ ta cần phải nhận thức
để thấy được nguyên nhân của chúng và để chuyển hóa chúng.
Như đã nói, giải thoát lớn phải được làm bằng những giải thoát nhỏ. Sự
tu học và thực tập của chúng ta là làm sao có được những bước chân cho
khoan thai và an ổn trên con đường ta đang đi. Tôi nghĩ, giải thoát có
nghĩa là ngày hôm nay tôi được cảm thấy hạnh phúc hơn ngày hôm qua. Giải
thoát phải là những gì thật cụ thể, là chuyển hóa được những khó khăn
đang có mặt với tôi trong giờ phút này.
Bốn sự thật mầu nhiệm, hay Tứ diệu đế, là một phương pháp sống, một
phương pháp chuyển hóa khổ đau rất mầu nhiệm và sâu sắc. Bốn sự thật ấy
không phải chỉ để giúp chúng ta thoát được sinh tử luân hồi, mà chúng
còn giúp ta giải thoát được bất cứ một khổ đau nào đang có mặt.
Sự thật mầu nhiệm thứ nhất dạy ta rằng, bất cứ khổ đau nào cũng có
nguyên nhân của nó. Cho dù đó là nỗi phiền giận của ta, hay tình trạng
bất an của xã hội, là sự nghèo khó, chậm tiến của một quốc gia, hay vấn
đề sinh tử... tất cả đều phải có nguyên nhân.
Sự thật thứ hai dạy chúng ta nên nhìn cho sâu với một tâm không thành
kiến để nhận thức được đúng mọi nguyên nhân, gốc rễ của những khổ đau.
Và khi hiểu rõ được nguyên nhân của chúng rồi, ta cũng sẽ thấy được
phương cách để chuyển hóa chúng.
Sự thật thứ ba dạy ta rằng mọi khổ đau đều có thể chấm dứt bằng cách
loại trừ đi nguyên nhân của chúng. Cũng như bếp lửa không thể tiếp tục
cháy nếu chúng ta lấy hết củi ra khỏi đó.
Và cuối cùng, sự thật thứ tư là con đường thực hiện. Tôi nghĩ điều quan
trọng là làm sao để ta có thể nhìn thấy được nguyên nhân, gốc rễ của vấn
đề, của những khó khăn của mình, với một tâm không thành kiến. Việc ấy
đòi hỏi nơi ta một sự tu học.
Trên con đường tu học, chúng ta thường nhắc nhiều đến chuyện an lạc và
hạnh phúc. Người ta thường nghĩ, sự giải thoát trong đạo Phật phải cao
hơn thế, phải vượt lên trên mọi ý niệm, phải thoát ra ngoài cả khổ đau
và hạnh phúc. Khi còn nằm trong hạnh phúc thì ta vẫn còn bị vướng mắc
vào sự đối đãi.
Có lẽ sự thật tuyệt đối là vậy! Nhưng tôi nhớ lời Phật dạy, “Ta chỉ dạy
có một điều và mỗi một điều mà thôi, đó là khổ và con đường diệt khổ.”
Mà khi khổ đau diệt mất thì ta còn lại gì? Theo tôi nghĩ, trong thế giới
tương đối này, hễ bóng tối vắng mặt thì ánh sáng phải có mặt. Và khi
khổ đau không còn nữa thì hạnh phúc chắc chắn sẽ hiển lộ. Khổ đau vắng
bóng bao nhiêu thì hạnh phúc sẽ hiển hiện bấy nhiêu. Tôi nghe nói
thường, lạc, ngã và tịnh là những yếu tố của Niết-bàn. An lạc, một niềm
vui an ổn, cũng là một yếu tố của Niết-bàn, là tự tính của chính ta,
phải không Thầy? Khi nào còn đi trên mặt đất, còn thở giữa chân không,
tôi vẫn thấy an lạc là một yếu tố rất cần thiết cho cuộc đời này.
Mà an lạc không phải là một ý niệm để cho ta nắm bắt, và nó cũng không
thể là một ý thức suông. Điều ấy có nghĩa là nếu chúng ta muốn có được
hạnh phúc trong gia đình, trong đời sống của mình, thì ta phải chịu khó
thay đổi, phải làm một cái gì đó! “Làm một cái gì” nhiều khi chỉ là thay
đổi thói quen và tập quán của mình, nếu đó là những gì đã gây khổ đau
cho ta và người chung quanh. Suy nghĩ hay nói suông về hạnh phúc sẽ
không bao giờ mang lại cho ta hạnh phúc. Allen Watt viết: “Nobody can
get wet from the word ‘water’.” Đâu ai có thể bị ướt vì chữ “nước” bao
giờ đâu!
Chúng ta thường đặt câu hỏi: Làm thế nào để cho sự tu tập của mình được
sâu sắc hơn, hiệu quả hơn? Nhưng tôi thấy câu hỏi đó tự nó chưa được
chính xác lắm. Tôi nghĩ ta nên hỏi là làm thế nào để sự tu tập của ta
được chân thật hơn, hết lòng hơn. Vấn đề tự thành thực với chính mình là
một vấn đề rất quan trọng. Tôi tin là nếu ta không thật sự thành thật
với mình thì ta không thể nào tu tập được. Thấy được cái hay, cái dở của
mình là ta đã bước một bước rất xa trên con đường tu học của mình rồi!
Chữ tu (修) có nghĩa là sửa đổi. Và muốn sửa đổi, ta phải rất thành thực
với chính mình!