Sau khóa tu vừa rồi, trở lại tu viện Thầy làm gì? Hỏi vậy thôi,
chứ tôi biết việc Thầy nhiêu khê, bận rộn hết đủ mọi chuyện. Có biết bao
việc đang chờ đến bàn tay của Thầy. Tôi cũng có đề nghị với anh Minh
Tuệ, nghỉ phép nên lên tu viện giúp Thầy một tay. Anh Minh Tuệ cũng
nhiều tài lắm đó Thầy, nhất là rất khéo trong việc trồng cây và làm
vườn, anh làm gì cũng giỏi!
Khóa tu năm nay chúng ta thấy có nhiều người trẻ đến tham dự hơn mọi
năm. Nói trẻ vậy chứ tuổi của những người ấy cũng bằng chúng tôi. Họ
cũng có gia đình và sự nghiệp hết rồi, và phần lớn cũng bắt đầu có những
quan tâm về vấn đề con cái. Nhưng chúng tôi, không hiểu sao, bao giờ
cũng vẫn cứ nghĩ mình là còn trẻ! Thường thường trong những khóa tu học,
các bác đến tham dự bao giờ cũng đông hơn lứa tuổi của chúng ta. Năm
ngoái, khi đi dự khóa tu của Sư Ông, có một bác đứng lên đặt câu hỏi
rằng, bác thấy số người đến tham dự khóa tu đa số thuộc tuổi già, nếu
mai này thế hệ của bác không còn nữa, thì có ai còn đi tu học nữa không?
Bác thao thức, không biết chúng ta nên làm gì để khuyến khích tuổi trẻ,
giúp cho họ thấy được những ích lợi của sự tu học?
Thắc mắc của bác khiến tôi cũng tự hỏi, có thật rằng khi thế hệ lớn tuổi
đi qua rồi thì sẽ không còn ai nghĩ đến chuyện tu học hay không? Thật
ra, vấn đề bác nêu ra là vấn đề phổ biến ở mọi thế hệ chứ không chỉ
riêng cho thế hệ ngày nay. Tôi nghĩ đó là một mối băn khoăn, thao thức
từ xưa đến giờ. Thế nhưng, tại sao qua nhiều thế hệ, ở bất cứ thời điểm
nào, những người lớn tuổi tìm đến nương tựa vào một đời sống tâm linh
vẫn có mặt đông đảo mà không bao giờ thiếu vắng đi? Họ là ai? Phải chăng
cũng chính là những người trẻ của ngày hôm qua? Và vòng xoay sẽ tiếp
tục, những người trẻ của hôm qua lại băn khoăn cho đời sống tâm linh của
người trẻ hôm nay!
Cái gì là chân thật thì bao giờ cũng sẽ tồn tại, phải thế không Thầy!
Tôi không bao giờ sợ nó bị mất đi. Nhưng điều chúng tôi có thể làm là
mang sự tu học đi vào cuộc đời, đến với những người bạn trẻ trong thời
đại này, giúp họ có thể có một đời sống tâm linh đầy đủ hơn, một cuộc
sống hạnh phúc hơn. Chừng nào khổ đau còn có mặt trong cuộc đời, chừng
ấy tôi nghĩ vấn đề tu học sẽ vẫn còn là cần thiết.
Thầy ơi, những người trẻ đến với khóa tu, Thầy nghĩ họ tìm kiếm những
gì? Như Diệu Hảo, Diệu Hiền, Mỹ Hạnh, Trí Hùng, anh Dũng, Huệ Mai, Diệu
Linh, Thi... và còn nhiều nữa. Phần lớn họ đều là những người còn trẻ,
có gia đình và sự nghiệp vững vàng. Họ đến với những khóa tu với những
kỳ vọng gì? Trong khóa tu Thầy bận rộn hướng dẫn nhóm của các bác, còn
tôi có dịp được ngồi chia sẻ với với các anh chị trẻ. Đời sống vật chất
của những người bạn ấy đâu phải là thiếu thốn, và sự nghiệp của họ đâu
thể gọi là thất bại. Nhưng trong những dịp trao đổi, tôi đã học được rất
nhiều. Tôi hiểu rằng, trong cuộc đời này không phải hạnh phúc nào cũng
là hạnh phúc thật sự. Và có lẽ họ đến đây chỉ với bấy nhiêu đó thôi,
muốn đi tìm một cái gì chân thật, một hạnh phúc thật sự.
Chúng tôi cũng có dịp đi tham dự những khóa tu học của người phương Tây,
những khóa tu này được hướng dẫn thực tập theo giáo lý của đạo Phật.
Tôi nhận thấy ở xã hội này, số người vào lứa tuổi của chúng ta đi tham
dự rất đông, đông hơn các bác lớn tuổi. Sự kiện ấy có nhiều lý do khác
nhau! Nhưng tôi nghĩ, một lý do là vì phương pháp tu tập của đạo Phật có
thể giúp họ giải quyết được những khổ đau của mình, một cách rất cụ thể
và không nặng phần tín ngưỡng. Tham dự những khóa tu này tôi mới thấy
rõ sự có mặt của khổ đau trong một xã hội văn minh, giữa những cuộc sống
quá đầy đủ trên mọi phương diện. Họ là những người tương đối thành công
trong cuộc đời, nhưng vẫn cảm thấy rất cô đơn, và trong lòng có những
vết thương rất sâu đậm. Khi đời sống nghèo khó và túng thiếu, mình có
thể hy vọng rằng nếu được giàu có và đầy đủ hơn, ta sẽ bớt khổ đau.
Nhưng đối với một người đã có đầy đủ vật chất, họ còn biết đặt kỳ vọng
vào đâu? Những người ấy đến với các khóa tu và sự thực tập để mong tiếp
xúc được với một cái gì sâu sắc hơn, chân thật hơn là những gì họ đang
có trong tay.
Ở đây mỗi tháng chúng tôi có một ngày thực tập chung với nhau gọi là
ngày quán niệm. Ngày ấy là một khóa tu một ngày được tổ chức trong một
khung cảnh yên tĩnh, gần thiên nhiên. Chúng tôi chọn một ngôi chùa, cũng
là một trung tâm tu học ở xa thành phố, không gian rất tươi mát. Buổi
sáng, trong giờ kinh hành, chúng tôi thường đi chậm rãi ngang qua một
bàn thờ nhỏ trong chánh điện, có đặt di ảnh của những người quá cố. Sau
giờ kinh hành, tôi thường đứng yên trước chiếc bàn nhỏ này. Nó nhắc nhở
tôi về tính chất vô thường và phù du của cuộc sống. Trên bàn thờ có rất
nhiều gương mặt thật trẻ, yêu đời, đầy sự sống. Ánh mắt họ nhìn vào
tương lai đầy hứa hẹn. Những người ấy cũng đã từng như tôi, từng có
những ước vọng, lo âu... Họ cũng có những người thương và kẻ thù, những
ngày vui, những nỗi buồn... Và bây giờ, họ đang ở đâu? Tôi chợt nhớ một
lời khuyên của người xưa: “Mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần tận
thị thiếu niên nhân. Hãy nhìn đi, đừng đợi tuổi già rồi mới học đạo,
những nấm mồ hoang ngoài nghĩa trang phần lớn là người trẻ! Mà chúng ta
cũng có mấy ai là còn trẻ đâu! Viết cho Thầy những dòng này khi vết
thương của thảm kịch Trung tâm Thương mại Thế giới vào tháng 9 vừa qua
tại New York vẫn còn rất mới. Trong phút chốc thôi, những cuộc sống đầy
hy vọng, đầy sinh lực đã mãi mãi bị đổi thay hoàn toàn! Có ai thật sự
biết được việc gì sẽ xảy ra cho mình vào buổi sáng này không?