Thầy có nhớ gia đình chị Quảng Diệu Hiền, Quảng Diệu Hảo, gia đình
chị Mỹ Hạnh đã đến tham dự khóa tu năm ngoái? Các chị có những em bé
chưa được hai tuổi cũng đã mang đến tham dự khóa tu. Đi tham dự một khóa
tu mà được đi cùng với cả gia đình là một điều vô cùng may mắn! Có
những gia đình mà cả ba thế hệ đều đi tu tập chung với nhau. Một hình
ảnh thật đẹp phải không Thầy?
Và cũng có những anh chị đến dự khóa tu một mình. Các anh chị đi với bạn
bè, chứ người trong gia đình không có ai đi chung. Mà đó là một vấn đề
rất phổ thông. Trong giờ ngồi lại chia sẻ với nhau, vấn đề này được các
bạn đặt ra nhiều lần. Những người thân của ta không tin vào chuyện tu
học này, họ không nghĩ đây là chuyện gì có ích lợi. Họ không cảm thấy sự
tu học là cần thiết cho bản thân. Thời giờ nghỉ hè để đưa gia đình đi
chơi xa, đi biển, đi du lịch đây đó có vui hơn không! “Tội gì phải đi tu
học, vừa cực thân mà lại không thực tế.” “Ai mà không biết tu là gì, và
tu nơi nào mà chẳng được, cần gì phải đến những khóa tu!” Trong nhóm
trẻ có nhiều bạn nêu lên vấn đề ấy. Mà các bác cũng vậy, các bác thấy
khóa tu có thật nhiều lợi lạc nhưng không biết làm sao có thể khuyên nhủ
con cháu mình đi tham dự chung. Thầy có ý kiến gì giúp cho các bác
không?
Tôi thì chỉ khuyên các bạn ấy nên cố gắng thực tập cho thật sâu sắc
trong những ngày sống nơi đây. Chúng ta đến đây cũng là một sự cố gắng
rất lớn rồi. Chúng ta vẫn có thể giúp cho những người thân không đến
được khóa tu, bằng sự thực tập của chính mình. Ta tập đi đứng cho thật
vững chãi và cho thật khoan thai. Vì hạnh phúc của ta sẽ là hạnh phúc
của người mình thương. Nhìn cho sâu, ta sẽ thấy sự có mặt của ta nơi đây
cũng là sự có mặt của những người thân của mình, vì sự an ổn, vững vàng
của ta sẽ ảnh hưởng đến họ. Có một chị trong ngày cuối khóa tu đến chào
để ra về, chị nói: “Những ngày sống ở đây tôi thấy thật an vui và hạnh
phúc. Tôi rất thích đi tu học. Nhưng thôi, chào anh, bây giờ tôi lại trở
về với những vấn đề của riêng tôi.” Chị là người đến tham dự khóa tu
với một người bạn. Người chồng của chị không tham dự vì anh ta không
thấy thích hợp với “mấy chuyện tu học” này lắm. Tôi chào chị, và nhắc
nhở chị về những gì chị đã kinh nghiệm được trong mấy ngày qua. Ta không
thể chuyển hóa người khác bằng giáo lý, bằng kiến thức, mà là bằng sự
thực tập của chính mình. Sự an lạc của ta là một năng lượng chuyển hóa
rất mầu nhiệm. Và nếu về nhà, anh có hỏi đi khóa tu này chị có thu thập,
học hỏi được thêm những gì mới lạ không, chị nên trả lời rằng chị không
thu thập thêm gì hết, mà chỉ bỏ bớt đi thôi. Bỏ bớt những muộn phiền,
những lo âu và những giận hờn của mình!
Tôi nghĩ sự tu tập của chúng ta, nhất là trong những gia đình mà người
chung quanh chưa quen với vấn đề tu học, ta nên bớt đi vấn đề hình thức.
Nhất là trong đời sống hằng ngày. Một khóa tu có sự thực tập dành cho
một khóa tu, và trong sở làm, gia đình ta cũng có sự thực tập trong môi
trường của sở làm và gia đình. Ta không thể dùng chương trình của khóa
tu đem về áp dụng cho người thân mình được. Mà tôi nghĩ trong gia đình
và sở làm ta lại có nhiều cơ hội để thực tập hơn. Ta thực tập lắng nghe,
ta thực tập nhìn để hiểu, ta tập tha thứ, ta tập bước những bước chân
thảnh thơi trong những ngày có lắm mưa, khi chung quanh ta mọi người
đang vội vã, xô đẩy nhau đi tìm hạnh phúc. Khi trở về sau khóa tu, chắc
chắn là ta phải có sự thực tập cho riêng mình, nhưng sự thực tập ấy, tôi
nghĩ, phải thông minh và khéo léo!
Và cũng có những trường hợp trong gia đình mà người thương của mình lại
là người không cùng một tôn giáo. Vấn đề này cũng đã gây nên không ít
khổ đau cho nhau. Chắc Thầy cũng đã chứng kiến điều ấy. Tôi thấy có
những trường hợp tan vỡ và tôi cũng đã thấy có những sự chuyển hóa, hòa
hợp thật bất ngờ của cả hai bên. Có một thiền sinh phương Tây đã chia sẻ
như thế này, gia đình cô ta là một gia đình theo Thiên Chúa giáo. Ba má
cô rất tức giận khi thấy cô tu tập theo đạo Phật. Nhưng từ khi cô buông
bỏ những hình thức bên ngoài, cố gắng thực tập lắng nghe, đem tình
thương đối lại với ba má cô thì có một sự thay đổi rất lớn. Ông bà chấp
nhận và thương cô hơn xưa. Cô nói: “Gia đình tôi rất ghét tôi khi tôi
làm một Phật tử, nhưng lại rất yêu quý tôi khi tôi là một vị Phật!”
Hạnh phúc trong gia đình rất quan trọng, và nó phải được bắt đầu bằng
hạnh phúc của chính ta. Tôi thấy trong xã hội ngày nay, nhất là trong
thế giới phương Tây, người ta ít xem vấn đề hạnh phúc gia đình là quan
trọng. Chúng ta ai cũng có những hoài bão, những sự nghiệp, những ưu
tiên khác nhau, mà trong đó vấn đề cảm thông và hiểu nhau chỉ là thứ
yếu. Người ta thường nghĩ về quyền lợi cá nhân của mình nhiều hơn. Trong
một thời đại mà chúng ta có đủ phương tiện để có thể liên lạc với bất
cứ ai trên trái đất này, nhưng lại không thể cảm thông được người thương
sống cạnh mình là điều thật đáng buồn Thầy nhỉ! Những kỹ thuật tân tiến
ngày nay giúp trái đất này trở nên nhỏ bé hơn mấy chục năm trước, nhưng
vẫn chưa có khả năng làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn.
Nhưng thật ra, dù muốn hay không, chúng ta cũng có những liên hệ mật
thiết với nhau hơn là mình nghĩ. Tôi nghĩ trong đạo Phật cái “ta” không
quan trọng. Cái “ta” đó chỉ có thể hiện hữu với một cái gì khác. Sự sống
của ta có mặt nhờ vào sự liên hệ với những sự sống khác chung quanh. Vì
vậy mà hạnh phúc của ta cũng là hạnh phúc của kẻ khác, và khổ đau của
kẻ khác cũng là khổ đau của ta. Khi người thân thương của ta đau khổ thì
ta có thể ngồi an ổn được không?
Hạnh phúc không bao giờ là chuyện riêng tư, cá nhân được. Ta không thể
đóng kín mình lại và bỏ mặc hết chuyện chung quanh. Và cũng nhờ hạnh
phúc là chuyện chung nên ta biết rằng, khi ta được an vui và hạnh phúc
thì chắc chắn rằng người chung quanh ta sẽ có được hạnh phúc.
Mỗi năm chắc Thầy phải đi máy bay nhiều lần, theo Thầy Viện Trưởng đi
hướng dẫn những khóa tu. Trước khi phi cơ cất cánh, tôi nhớ người tiếp
viên bao giờ cũng hướng dẫn chúng ta cần phải làm gì trong những trường
hợp khẩn cấp. Trong trường hợp khi bên trong phi cơ bị thiếu dưỡng khí,
sẽ có những mặt nạ dưỡng khí đưa ra cho mỗi người. Và nếu ta có đi chung
với các em còn nhỏ, bổn phận của ta là mang mặt nạ cho mình trước hết,
rồi mới lo cho các em nhỏ sau. Vì muốn lo cho sự an toàn của em bé cạnh
bên mà ta phải mang mặt nạ dưỡng khí cho chính mình trước. Cũng vậy,
trong đời sống hằng ngày, cái mà người chung quanh cần ở nơi ta là sự an
ổn và hạnh phúc của chính ta. Ta không thể nào ban cho người mình
thương những gì mình không có!
Vì hạnh phúc không thể là chuyện cá nhân nên tôi biết rằng niềm vui của
tôi cũng sẽ là niềm vui của những người tôi thương. Và vì vậy mà tôi
biết quý trọng sự tu học của chính mình. Vì hạnh phúc của người thương
mà ta tập ngồi cho yên tĩnh, đi cho thong dong. Có bạn khi nghe nói hạnh
phúc không thể là chuyện cá nhân họ lại không đồng ý, vì như vậy có
nghĩa là mình không bao giờ có hạnh phúc trừ khi những người thân của
mình có hạnh phúc? Nhưng tôi nghĩ khác, hạnh phúc là vấn đề chung có
nghĩa là hạnh phúc của những người tôi thương được bắt đầu bằng sự an
lạc của chính tôi.
Thầy có thấy những năm gần đây trong các khóa tu chúng ta có những
chương trình riêng cho các em thiếu nhi. Nhớ mấy năm trước đi dự khóa
tu, chúng tôi mỗi người tay bế, tay bồng. Các ba má phải thay phiên nhau
giữ các em để người kia được đi tham dự những giờ pháp thoại, pháp đàm.
Vậy mà bây giờ các em đã đứng cao hơn ba má, trở thành những thanh niên
và thiếu nữ hết cả rồi. Trong lứa tuổi này các em lại rất cần sự hướng
dẫn của người lớn hơn bao giờ hết. Vì vậy mà trong khóa tu, chương trình
dành cho các em cũng phải thay đổi luôn để được thích hợp hơn. Vào lứa
tuổi đang lớn, muốn hướng dẫn các em là một thử thách không nhỏ. Nhất là
trong các vấn đề bè bạn và học hành. Xã hội mà các em đang lớn lên chú
trọng nhiều đến vấn đề tự do cá nhân và đề cao vật chất hơn tâm linh. Đa
số các em cũng bị những ảnh hưởng ấy, nhất là vào lứa tuổi này, các em
ưa thích mạo hiểm và không còn chấp nhận đường lối cũ. Tôi cũng có những
kinh nghiệm qua các giờ hướng dẫn các em. Các em nghĩ rằng mình thông
minh và biết nhiều hơn chúng ta ngày xưa, vì vậy chúng ta cũng cần đặc
biệt cởi mở trong sự truyền thông với các em hơn.
Tôi thấy, muốn hướng dẫn các em, chúng ta cần rất nhiều tình thương.
Nhưng tình thương không có nghĩa là sự chiều chuộng vô ý thức. Có nhiều
bậc cha mẹ chủ trương để cho các em được tự do phát triển, muốn làm gì
thì làm. Nhất là các em nhỏ. Những em này gây rất nhiều khó khăn cho các
em khác. Đôi khi cũng có những trường hợp vì bậc cha mẹ bận rộn với
đời, không có thì giờ dành cho các em, nên đôi khi họ đền bù lại bằng
cách chiều chuộng các em quá mức. Có bậc cha mẹ nghĩ rằng xã hội phương
Tây được tiến bộ và văn minh là nhờ trẻ con được tự do phát triển, nhờ
vậy mà các em có thể phát huy tinh thần độc lập và sáng tạo của mình.
Theo tôi thì để cho các em có sự tự do phát triển cũng là một điều rất
cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần hướng dẫn cho các em cách sống chung
với người khác. Có lần thầy Viện Trưởng nói rằng, một cây lớn lên trong
rừng được để mọc tự do cũng có vẻ đẹp của nó, nhưng vì vậy mà nó cũng
mọc hoang dại và chen lấn sang những cây khác. Mà hình như tôi thấy rằng
bên đây những bậc cha mẹ trẻ nuông chiều con hơn ở bên nhà mình, Thầy
có thấy vậy không?