Vài năm trước đây, chúng tôi có tổ chức một khóa tu học để chia sẻ
vấn đề “Sự nghiệp và hạnh phúc”. Trong khóa tu có bạn nói rằng, trước
khi người ta nghĩ đến vấn đề tâm linh, tu học, ít nhất người ta cần phải
có một cuộc sống tương đối đầy đủ cái đã. Tôi nghĩ điều ấy rất thật!
Trong pháp môn bố thí, Phật có dạy chúng ta về ba cách bố thí. Tài thí
là cho người khác tài vật. Pháp thí là chỉ cho họ phương cách tu học. Và
vô úy thí là giúp cho người ta được hết sợ hãi. Tôi được học rằng, tài
thí là thấp nhất và pháp thí là cao nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng
không nên coi thường vấn đề tài thí. Trong cuộc đời có nhiều lúc vật
chất cũng rất là cần yếu. Đối với một người đang đói khổ, miếng ăn chiếc
áo mới là điều quan trọng hơn hết! Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà Phật đã
nhắc đến tài thí trước cả pháp thí và vô úy thí nữa. Chúng ta cần có một
đời sống tương đối an ổn trước!
Chúng ta ai cũng muốn có được một cuộc sống tương đối đầy đủ, nhưng thế
nào là tương đối đầy đủ? Ta có một tiêu chuẩn nào để cho rằng đời sống
vật chất của mình là đầy đủ chăng? Chắc chắn, tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ sẽ
không giống với đời sống của những người ở một quốc gia kém phát triển.
Nhu cầu tối thiểu ở một nơi này có thể được xem là xa xỉ ở một nơi khác!
Chúng ta nghĩ, phải có vật chất đầy đủ rồi mới có thể lo cho phần tâm
linh của mình, nhưng ta có thể định nghĩa được thế nào là đầy đủ không?
Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ có nhắc: “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà
thời túc.” Biết đủ là đủ, còn cứ chờ đợi thì biết đến bao giờ mới đủ,
phải không Thầy?
Trong truyền thống Ấn Độ giáo, người ta thường chia cuộc đời ra làm 4
giai đoạn: tuổi nhỏ - học hỏi; tuổi thanh niên - thành lập gia đình và
sự nghiệp; tuổi về hưu - từ giã thế giới bon chen; và tuổi già - lo về
phần tâm linh. Họ phân chia cuộc đời thành những giai đoạn khác biệt, và
mỗi lứa tuổi dành riêng cho những mục tiêu khác nhau. Nhưng Thầy biết
không, theo tôi thì lối phân chia ấy không được thực tế lắm! Ta có thể
nào cứ cả đời bon chen lo gầy dựng sự nghiệp, rồi chờ khi lớn tuổi mới
bắt đầu nghĩ đến vấn đề tâm linh? Nếu cả đời ta đi huân tập những thói
quen, tập quán của cuộc sống, dính mắc đủ chuyện, rồi một sớm một chiều
ta có thể nào đơn giản buông chúng xuống được dễ dàng không? Một thân
cây cả đời nghiêng về hướng đông, chỉ một ngày có thể ngả về hướng tây
được chăng?
Đạo Phật là con đường đi ở giữa. Chúng ta không thể chối bỏ bất cứ một
bên nào được hết, vật chất hoặc tâm linh. Tôi nghĩ, nếu ta bỏ bên này
thì ta cũng sẽ mất luôn bên kia. Ta không thể nào chỉ trông cậy vào phép
lạ, niềm tin để sống mà bất cần đến đời sống vật chất, hoặc coi thường
tất cả những sự việc khác trong cuộc đời. Vật chất cũng có thể hỗ trợ và
làm phong phú cho phần tâm linh của ta rất nhiều, và ngược lại cũng
thế. Câu trả lời nằm ở sự tu học của chúng ta. Cụ Nguyễn Hiến Lê có
khuyên con cháu mình rằng, sống ở đời, cuộc sống vật chất của ta nên
dưới trung bình một chút và đời sống tâm linh nên trên trung bình một
chút, cụ viết trong Hồi Ký: “Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với
cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình.
Nhưng khi đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những
việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị con người ở chỗ làm được
nhiều việc như vậy hay không.” Tôi nghĩ, nghèo quá thì ta dễ bị mất tự
do, đôi khi có thể mất đi nhân phẩm của mình. Nhưng giàu sang quá thì ta
có thể dễ bị kẹt vào sự tham đắm, dính mắc và có thể quên đi những gì
mới là hạnh phúc chân thật.
Có lẽ không bao giờ có thể tìm được một câu trả lời chung làm thoả mãn
tất cả mọi người. Vấn đề là ta thật sự muốn gì, và đó là một vấn đề rất
cá nhân. Tôi nghĩ, chúng ta cần dừng lại và tự hỏi mình câu hỏi ấy. Và
ta cũng không nên vội vàng trả lời ngay. Hằng năm, số người về tham dự
những khóa tu vì muốn được chuyển hóa khổ đau mỗi lúc lại càng đông.
Nhất là những người phương Tây. Họ là những thành phần trí thức và rất
thành đạt trong xã hội này. Đối với tôi, họ là những người đang có đầy
đủ vật chất và thành công hơn tôi, nhưng vẫn chưa có hạnh phúc. Tôi có
gặp một sư cô người Hoa Kỳ, cô tâm sự rằng trước khi đi tu cô đã từng có
nhiều triệu bạc trong tay, nhưng vẫn không được hạnh phúc như bây giờ,
khi cô không có gì cả! Không phải tôi nói rằng chúng ta nên coi thường
địa vị, của cải, vật chất trên đời này. Cuộc đời này vẫn rất cần những
người kỹ sư, bác sĩ, những chuyên gia và thương gia, những người thành
đạt trong xã hội... nhưng hãy là những con người có hạnh phúc, thật sự
hạnh phúc!