Thầy ơi, mùa thu ở miền này trời có những cơn mưa kéo dài liên
tiếp đôi ba hôm. Ngày ngắn đi và buổi sáng đầy sương mù. Có những hôm
bước chân ra khỏi sở làm, ngày mới chiều mà trời đất đã tối mù. Những
chiếc lá thu giờ đã rụng gần hết. Sau những ngày mưa và gió lớn, lá rơi
phủ trước sân nhà tôi thành một tấm thảm màu vàng tươi.
Mỗi năm, chúng ta thường tổ chức những khóa tu học vào mùa hè hoặc mùa
xuân. Thật ra chúng ta muốn các em, và những người trẻ tuổi có thể về
tham dự cho đông vì đó thường là thời gian nghỉ học. Chúng ta lúc nào
cũng tìm cách làm mới mãi, làm sao cho những ngày tu học có thể giúp ích
được cho nhiều người hơn. Một cây mà thôi không còn mọc và lớn nữa là
một cây chết, phải không Thầy!
Sự tu học của ta cũng vậy, lúc nào cũng phải được làm mới thường xuyên.
Thầy còn nhớ trong khóa tu năm nay, có bác đặt câu hỏi về sự thực tập
sau một khóa tu? Bác nhờ chúng tôi chia sẻ về vấn đề làm sao mang sự
thực tập của mình về với gia đình, vào trong sở làm, ngoài xã hội, trong
khi giao tiếp với bạn bè... Trong khóa tu, chúng ta thực tập có chính
niệm trong mỗi hành động, theo dõi hơi thở, chúng ta thực tập đi thiền
hành, chắp tay chào nhau, dùng cơm trong im lặng... những việc ấy đem áp
dụng vào đời sống hằng ngày của ta có thực tế lắm không?
Thật ra, tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh riêng và vì
vậy mỗi người sẽ có một sự thực tập riêng, nhưng điều quan trọng là ta
phải có một sự thực tập. Trong khóa tu, ta có phương cách của khóa tu,
trong gia đình ta cần phải có phương cách áp dụng trong gia đình, và ở
sở làm hay ngoài xã hội cũng thế. Sự thực tập phải thực tế và thích ứng
với hoàn cảnh, nhưng nhất định là ta phải có một sự thực tập.
Tôi nghĩ ta không thể nào phân chia sự sống ra thành những ngăn kéo
riêng biệt được. Ta không thể nào ban ngày bon chen, hơn thua, dối lừa
rồi tối về ngồi thiền trong an lạc! Ta cũng không thể buổi sáng làm
những công việc nhỏ nhen, ganh tỵ, ích kỷ rồi ngồi thực tập từ bi quán
được. Có một vị thiền sư nói rằng, không có vấn đề “tập” ngồi thiền,
“tập” đi thiền hành, mà chỉ có ngồi thiền, đi thiền mà thôi. Người
phương Tây thường dùng chữ “practice” (thực tập), nhưng ta nên nhớ
“practice” không phải là một “rehearsal”, nó không phải là một sự tập
dợt thử, mà nó chính là thực tại của mình. Thực tập cũng chính là sự
sống của ta.
Sự sống của chúng ta là một tiến trình thực tập không ngừng nghỉ. Sư Ông
có dùng câu “thiền tập miên mật” để nhắc nhở chúng ta về việc này. Miên
mật có nghĩa là liên tục tiếp nối nhau và không có một kẽ hở nào xen
vào giữa. Nghe nói vậy, có thể chúng ta cảm thấy ái ngại, vì có vẻ như
nó đòi hỏi nhiều công phu quá! Nhưng thật ra tôi nghĩ mình đâu có làm gì
khác hơn đâu, đó cũng chính là sự sống của mình mà thôi.
Trong đời sống mỗi ngày, lúc nào ta cũng phải làm một cái gì đó, ta luôn
đối diện trước một sự chọn lựa. Ta chọn lựa hạnh phúc hay khổ đau! Ta
đứng hay đi? Nằm hay ngồi? Hành động sắp tới của ta sẽ là gì? Mà không
làm gì hết thì cũng vẫn là một hành động, và nó sẽ mang lại cho ta một
hậu quả nào đó. Nếu như trong giờ phút này ta không thực tập sống hạnh
phúc, thì ta đang thực tập gì đây? Ta đang tưới tẩm những hạt giống nào
trong tâm mình?
Theo tôi nghĩ, những sự chọn lựa của chúng ta đều có tính cách lặp lại.
Nhà sinh vật học Rupert Sheldrake có nói về một hiện tượng trong thiên
nhiên là khi một việc nào đã xảy ra một lần đầu rồi, thì cùng một việc
ấy sẽ rất dễ dàng xảy ra thêm một lần nữa. Những hành động, lời nói của
ta cũng bị điều khiển bởi cùng một quy luật ấy. Nếu ta có chính niệm và
nhìn cho sâu sắc, ta sẽ thấy rằng những hành động của mình đã được quyết
định sẵn bởi những hành động, những hạt giống ta vun trồng trong quá
khứ. Ta gọi chúng là tập khí, hay là tập quán, thói quen. Người có những
hạt giống tu tập mạnh mẽ sẽ tiếp tục đi trên con đuờng tu tập, dù có
bất cứ chuyện gì xảy ra. Và những người ham thích vui chơi, chạy theo
danh lợi đời này, thì đời sau những hạt giống ấy cũng sẽ thúc đẩy họ ngả
theo con đường ấy. Và nếu ta không thay đổi cách hành xử của mình thì
sẽ không có gì thay đổi hết!
Tôi còn nhớ câu chuyện của ông Nasrudin, một nhà hiền triết Trung Đông.
Ông hay chọn làm những việc nghịch đời để làm gương và răn dạy kẻ khác.
Có một lần, ông ra ngồi ở giữa chợ, bốc những trái ớt từ một giỏ lớn và
ăn hết trái này đến trái khác. Nước mắt, nước mũi ông cứ chảy ràn rụa,
mặt ông đỏ bừng vì cay và nóng. Ông ngồi ăn mà gương mặt rất khổ sở.
Thấy vậy có người dừng lại hỏi tại sao ông phải làm việc ấy. Ông đáp:
“Tôi tiếp tục ăn vì tôi hy vọng rằng rồi sẽ có được một trái ớt thơm
ngọt!” Chúng ta không thể nào tiếp tục lặp đi lặp lại mãi cùng một việc,
và rồi mong chờ sẽ có một kết quả khác hơn được! Nếu chúng ta cứ tự
mình chọn lấy “những chốn đoạn trường”, khổ đau để mà đi, thì ta đâu có
ai để trách, phải không Thầy!
Lúc nào chúng ta cũng phải hành xử, cũng tiếp xúc, cũng chọn lựa, và nếu
ta không thực tập đi theo con đường của hạnh phúc, an lạc thì ta nên
nhìn lại xem con đường mình đang theo sẽ đưa ta về đâu! Có lần, có người
đến hỏi Phật: “Con bình thường tu giữ năm giới, thực tập chính niệm,
giả sử con chết bất thình lình trong lúc tâm tư không bình tĩnh, mất
chính niệm thì con sẽ đi về đâu?” Đức Phật trả lời bằng cách ví dụ: “Nếu
như trong rừng có một cây cổ thụ nó lớn lên mọc nghiêng về hướng tây,
một hôm trong cơn dông tố, sét đánh cây ngã đổ, thầy nghĩ nó sẽ ngã về
hướng nào?” “Dạ thưa, nếu nó cả đời nghiêng về hướng Tây thì khi ngã nó
chắc chắn sẽ ngã về hướng tây!” “Chúng ta cũng vậy, nếu ta tu tập giữ
gìn giới luật, trau dồi những tánh thiện, thì khi mất ta cũng sẽ đi theo
con đường thiện mà thôi, không có gì để lo hết!”