Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một
ngàn hai trăm năm mươi người du hành trong nhân gian, đến phía Bắc xóm
Bà-la-môn Khư-nậu-bà-đề ở Câu-tát-la, nghỉ đêm trong rừng Thi-xá-bà.
Bấy giờ, có Bà-la-môn tên Cứu-la-đàn-đầu đang nghỉ tại thôn
Khư-nậu-bà-đề. Xóm ấy sung túc, nhân dân đông đúc, vườn quán, ao tắm,
cây cối, trong xanh, tươi mát. Vua Ba-tư-nặc phong thôn ấy cho Bà-la-môn
Cứu-la-đàn-đầu làm phạm phần. Bà-la-môn này từ bảy đời trở lại cha mẹ
đều chân chánh không bị người khinh nhờn, đọc tụng thông suốt ba bộ dị
học, có khả năng phân tích các loại kinh thư. Thế điển u vi, không thứ
nào không tổng luyện; lại giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đoán cát
hung, tế tự nghi lễ. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không hề bỏ phế. Khi
ấy, Bà-la-môn muốn thiết lễ đại tế, chuẩn bị năm trăm con bò đực, năm
trăm con bò cái, năm trăm con bê đực, năm trăm con bê cái, năm trăm con
dê và năm trăm con cừu để dâng cúng.
Lúc bấy giờ, các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong thôn
Khư-nậu-bà-đề nghe tin Sa-môn Cù-đàm, con trai dòng họ Thích, đã xuất
gia và thành đạo, từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nghỉ ở
rừng Thi-xá-bà. Ngài có tiếng tăm lớn, lan truyền khắp thiên hạ, là Như
Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên,
Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn. Mà tự thân chứng ngộ,
rồi giảng pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối
đều chân chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. “Bậc Chân
nhân như vậy, nên đến thăm viếng. Nay chúng ta hãy cùng đi thăm viếng
Ngài”. Nói như vậy rồi, họ kéo nhau ra khỏi thôn Khư-nậu-bà-đề, từng
đoàn nối tiếp nhau, cùng đến chỗ Phật.
Khi ấy Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu đang ở trên lầu cao, từ xa trông thấy từng đoàn người nối tiếp nhau, bèn quay lại hỏi người hầu:
“Những người kia do nhân duyên gì mà từng đoàn nối tiếp nhau, muốn đi đâu vậy?”
Người hầu thưa:
“Tôi nghe đồn, Sa-môn Cù-đàm, con trai dòng họ Thích, đã xuất gia và
thành đạo, từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nghỉ ở rừng
Thi-xá-bà. Ngài có tiếng tăm lớn, lan truyền khắp thiên hạ, là Như Lai,
Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Người
đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn. Mà tự thân chứng ngộ, rồi
giảng thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng
cuối đều chân chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Những
người Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong thôn này, từng đoàn nối tiếp
nhau, muốn đến thăm viếng Sa-môn Cù-đàm vậy.”
Rồi Bà-la-môn Cưu-la-đàn-đầu liền ra lệnh cho người hầu rằng:
“Ngươi hãy nhanh chóng mang lời ta đến với các người ấy rằng: Các
khanh hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm
kia.”
Người hầu tức thì mang lời của Cứu-la-đàn-đầu đến nói với các người
ấy rằng: “Các người hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi
đến chỗ Cù-đàm kia”.
Lúc ấy, mọi người trả lời rằng:
“Ngươi hãy nhanh chóng trở về thưa với Bà-la-môn rằng, nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”
Người hầu trở về thưa:
“Những người ấy đã dừng rồi. Họ nói: nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”
Bà-la-môn liền xuống đài, đến đứng cửa giữa.
Bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn khác đang ngồi bên ngoài cửa giữa, giúp
Cứu-la-đàn-đầu thiết lễ đại tự. Thấy Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu đến, thảy
đều đứng dậy nghinh đón, hỏi rằng:
“Đại Bà-la-môn, ngài muốn đi đâu đây?”
Cứu-la-đàn-đầu đáp:
“Có Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, đang ở
Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến rừng Thi-xá-bà, phía Bắc thôn
Khư-nậu-bà-đề. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí
Chân, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư Thiên, Người đời,
Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp
cho người , lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chân
chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc Chân nhân như vậy
nên đến viếng thăm. Này các ngài Bà-la-môn, ta lại nghe nói Cù-đàm biết
ba loại tế tự, mười sáu tư cụ tế tự. Ta tuy là hàng tiên học cựu thức
trong chúng, nhưng có chỗ chưa biết rõ. Nay ta muốn cử hành đại tế tự,
bò và dê đã đủ. Ta muốn đến Cù-đàm để hỏi về ba pháp tế tự và mười
sáu tư cụ tế tự. Nếu chúng ta có được pháp tế tự rồi, công đức đầy đủ,
tiếng tăm sẽ đồn xa.”
Năm trăm người Bà-la-môn liền thưa với Cứu-la-đàn-đầu:
“Đại sư chớ đi. Vì sao? Kia nên đến đây chứ đây không nên đến kia.
Đại sư có bảy đời cha mẹ đều chân chánh không bị gièm pha. Nếu đã có đủ
yếu tố như vậy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia. Lại nữa,
Đại sư tụng đọc thông suốt ba bộ sách dị học, có thể phân tích các loại
kinh thư, thế điển u vi, không thứ nào là không tổng luyện. Lại giỏi
xem tướng đại nhân, xem tướng tốt xấu, nghi lễ tế tự. Đã thành tựu những
pháp ấy, thì kia nên đến đây, chứ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư dung mạo đoan chánh, có sắc tướng của Phạm thiên. Đã
thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư có giới đức tăng thượng, trí tuệ thành tựu. Đã thành
tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.”
“Lại nữa, Đại sư có lời nói nhu hòa, biện tài đầy đủ, nghĩa và vị
thanh tịnh. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến
kia.
“Lại nữa, Đại sư là vị dẫn đầu đại chúng, có đông đệ tử. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư thường dạy dỗ năm trăm Bà-la-môn. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư có học giả bốn phương đến xin thọ giáo; được hỏi các
kỹ thuật, các pháp tế tự, thảy đều trả lời được cả. Đã thành tựu pháp
ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa cung kính cúng
dường. Đã thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến
kia.
“Lại nữa, Đại sư giàu có nhiều tài bảo, kho tàng đầy ắp. Đã thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại sư có trí tuệ sáng suốt, nói năng thông lợi, không hề
khiếp nhược. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không
nên đến kia.
“Đại sư nếu đã đủ mười pháp như vậy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.
Cứu-la-đàn-đầu nói với các Bà-la-môn:
“Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như điều các ông nói. Tôi thật có đủ các
đức ấy, chớ không phải không có. Nhưng các ông hãy nghe tôi nói. Sa-môn
Cù-đàm có công đức để chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
Sa-môn Cù-đàm từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chân chánh không bị gièm
pha. Kia đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia, chớ kia không nên
đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, xuất thân từ giai cấp
Sát-lỵ. Đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia chớ kia không nên
đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh chỗ tôn quý, nhưng đã xuất gia hành đạo .
Thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sắc sáng đầy đủ, chủng tánh chân chánh, nhưng
đã xuất gia tu đạo. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia
không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh vào gia đình giàu có, có uy lực lớn,
nhưng đã xuất gia hành đạo. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ
kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có đủ giới Hiền thánh, thành tựu trí tuệ. Đã
thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khéo léo nơi ngôn ngữ, dịu dàng hòa nhã. Đã
thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm là Bậc Đạo Sư của đại chúng, có đông đệ tử.
Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm vĩnh viễn diệt trừ dục ái, không có sơ suất
thô tháo, ưu tư và sợ hãi đã trừ, lông tóc không dựng đứng, hoan hỷ, hòa
vui; được người khen thiện, khéo nói quả báo của hành vi, không chê bai
đạo khác. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên
đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm thường được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ
kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia, chớ kia
không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la lễ kính cúng
dường; cũng được Bà-la-môn Phạm, Bà-la-môn Đa-lỵ-giá, Bà-la-môn Chủng
Đức, Thủ-ca Ma-nạp Đô-da Tử thăm gặp cúng dường. Đã thành tựu pháp ấy,
thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Thanh văn đệ tử tôn thờ, lễ kính cúng
dường; cũng được chư Thiên và các chúng quỷ thần khác cung kính. Các
dòng họ Thích-ca, Câu-lỵ, Minh-ninh, Bạt-kỳ, Mạt-la, Tô-ma, thảy đều tôn
thờ. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia, chớ kia không nên đến ta.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa
ba quy y và năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia
không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao ba quy năm giới cho Bà-la-môn
Phất-già-la-sa-la vân vân. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia
không nên đến đây.
“Lại nữa, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thọ ba quy năm giới; chư Thiên,
dòng họ Thích, Câu-lỵ., đều thọ ba quy năm giới. Đã thành tựu pháp này,
ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi du hành được hết thảy mọi người cung kính
cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến
đây.
“Lại nữa, những thành quách, thôn ấp mà Cù-đàm đã đến, không đâu là
không khuynh động, cung kính cúng dường . Đã thành tựu pháp này, ta nên
đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, các loài phi nhân, quỷ thần
không dám xúc nhiễu. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia
không nên đến đây.
“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, nhân dân ở đó đều thấy ánh
sáng, nghe âm nhạc trời. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ
kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi muốn rời khỏi chỗ đã đến. Mọi người đều
luyến mộ, khóc lóc mà tiễn đưa. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến
kia chớ kia không nên đến đây.
“Sa-môn Cù-đàm khi mới xuất gia, cha mẹ, tông thân, khóc lóc, thương
nhớ tiếc nuối. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không
nên đến ta.
“Sa-môn Cù-đàm xuất gia khi còn trai trẻ, dẹp bỏ các thứ trang sức,
voi, ngựa, xe báu, ngũ dục, anh lạc. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên
đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khước từ ngôi vị Chuyển luân vương, xuất gia
hành đạo. Nếu Ngài tại gia, sẽ trị vì bốn thiên hạ, thống lãnh dân vật,
thì chúng ta đều là thần thuộc. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia
chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ Phạm pháp, có thể nói cho người khác
và cũng nói chuyện trao đổi với Phạm thiên. Đã thành tựu pháp này, thì
ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba mươi hai tướng. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thông suốt, không có khiếp nhược.
Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Cù-đàm kia nay đến thôn Khư-nậu-bà-đề này, đối với ta là tôn quý, vả lại là khách. Ta nên thân hành đến thăm viếng.”
Năm trăm Bà-la-môn khi ấy thưa với Cứu-la-đàn-đầu rằng:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, công đức của vị kia đến như vậy chăng?
Trong các đức, giả sử Cù-đàm chỉ cần có một đức là đã không nên đến đây
rồi, huống hồ nay gồm đủ cả. Vậy ta hãy kéo hết đi thăm hỏi.”
Cứu-la-đàn-đầu đáp:
“Các ngươi muốn đi thì nên biết thời.”
Rồi Bà-la-môn liền thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm Bà-la-môn và
các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ ở Khư-nậu-bà-đề, trước sau vây quanh,
đi đến rừng Thi-xá-bà. Đến nơi, xuống xe, đi bộ, tiến đến chỗ Thế Tôn,
chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Trong lúc ấy, trong số các Bà-la-môn,
trưởng giả, cư sĩ, có người lễ Phật rồi ngồi xuống; có người chào hỏi
xong rồi ngồi xuống; có người chỉ xưng tên rồi ngồi xuống; có người chắp
tay hướng về Phật rồi ngồi xuống; có người im lặng ngồi xuống. Khi mọi
người ngồi yên chỗ, Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật rằng:
“Tôi có điều muốn hỏi. Nếu Ngài có rỗi, cho phép, tôi mới dám hỏi.
Phật nói:
“Xin cứ hỏi tùy ý.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Tôi nghe nói Cù-đàm thông hiểu ba loại tế tự và mười sáu tư cụ tế
tự, là những điều mà chúng tôi, tiên túc kỳ cựu, không hiểu biết. Nay
chúng tôi muốn cử hành đại tế tự; đã chuẩn bị đủ năm trăm bò đực, năm
trăm bò cái, năm trăm bê đực, năm trăm bê cái, năm trăm con dê, năm trăm
con cừu. Hôm nay cố ý đến đây, tôi muốn hỏi ba pháp tế tự và mười sáu
tế cụ. Nếu tế tự này mà được thành tựu, sẽ được quả báo lớn, tiếng tăm
đồn xa, được trời và người kính trọng.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Cứu-la-đàn-đầu rằng:
“Nay ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ, tôi sẽ giảng thuyết cho.”
Bà-la-môn nói:
“Xin vâng, thưa Cù-đàm, tôi rất muốn nghe.”
Rồi Phật nói với Cứu-la-đàn-đầu:
“Vào một thời quá khứ xa xưa, có vị vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lỵ,
muốn thiết lễ đại tự, tập họp đại thần Bà-la-môn đến bảo rằng:
Ta nay rất giàu có, tài bảo dồi dào, ngũ dục thỏa mãn. Tuổi ta đã già
yếu. Dân chúng cường thịnh, không có sự khiếp nhược. Kho tàng đầy ắp.
Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Theo các ngươi, pháp tế tự cần những gì?”
Khi ấy, có vị đại thần kia tâu vua rằng:
“Tâu Đại vương, quả như lời Đại vương, nước giàu, binh mạnh, kho tàng
đầy ắp. Nhưng dân chúng phần nhiều ôm ác tâm, tập các phi pháp. Nếu tế
tự vào lúc này thì không thành phép tế tự. Như sai ăn cướp đuổi ăn cướp,
thì sự sai khiến chẳng thành.
“Tâu Đại vương, chớ nghĩ rằng, đây là dân của ta; ta có thể đánh, có
thể giết, có thể khiển trách, có thể ngăn cấm. Những kẻ gần gũi vua, nên
cung cấp chúng những thứ cần yếu. Những người buôn bán, nên cung cấp
chúng tài bảo. Những người chuyên tu điền sản, hãy cung cấp chúng bò,
bê, hạt giống. Chúng mỗi người tự mình kinh doanh. Vương không bức bách
dân, thì dân được an ổn, nuôi nấng con cháu, cùng nhau vui đùa.”
Phật lại nói với Cứu-la-đàn-đầu:
“Rồi thì, sau khi nghe lời của các đại thần, vua liền cung cấp y phục
ẩm thực cho những người thân cận, tài bảo cho những người buôn bán,
trâu bò, thóc giống cho những người làm ruộng. Bấy giờ nhân dân mỗi
người tự lo công việc của mình, không xâm hại nhau, nuôi nấng con cháu,
cùng nhau vui đùa.”
Phật lại nói:
“Sau đó, vua lại triệu quần thần đến bảo rằng: Ta nước giàu, binh
mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì.
Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nay ta muốn thiết lễ đại
tự. Theo các ngươi, phép tế tự cần có những gì?
“Các đại thần tâu:
“Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương nói, Nước giàu, binh mạnh, kho
tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì. Chúng
nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nếu Đại vương muốn tế tự, có thể
truyền lệnh cho cung nội biết.
“Vua làm như lời các đại thần; vào truyền lệnh cung nội: Ta nước
giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu
thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nay ta muốn
thiết lễ đại tự.
“Các phu nhân liền tâu vua:
“Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương, nước giàu binh mạnh, kho tàng
đầy ắp, tài bảo dồi dào. Nếu muốn tế tự, nay thật đúng lúc.
Vua trở ra, báo cho quần thần biết:
“Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân
không thiếu thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa.
Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Ta đã truyền lệnh cung nội. Các ngươi hãy
nói hết cho ta, cần có những thứ gì?
“Bấy giờ, các đại thần liền tâu vua rằng:
“Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương nói. Đại vương muốn tế tự. Đã
truyền cho nội cung biết, nhưng chưa nói cho thái tử, hoàng tử, đại
thần, tướng sĩ biết. Đại vương nên lệnh truyền cho biết.
“Vua nghe lời các đại thần, bèn truyền lệnh cho thái tử, hoàng tử, đại thần, tướng sĩ rằng:
“Ta nước giàu binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Nay ta muốn thiết lễ đại tự.
“Khi ấy, thái tử, hoàng tử, quần thần và các tướng sĩ, tâu vua rằng:
“Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương, nước giàu binh mạnh, kho tàng
đầy ắp, tài bảo dồi dào. Nếu muốn tế tự, nay thật đúng lúc.
“Vua lại báo cho quần thần biết:
“Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Tài bảo dồi dào. Nay ta
muốn thiết lễ đại tự. Ta đã truyền lệnh cung nội, thái tử, hoàng tử, cho
đến tướng sĩ. Nay muốn thiết lễ đại tự, cần có những thứ gì?
Các đại thần liền tâu:
“Như lời Đại vương. Muốn thiết lễ đại tự, nay chính là lúc.
“Vua nghe lời, cho dựng những ngôi nhà mới ở thành Đông. Vua đi vào
nhà mới. Mình khoác áo da hươu, thoa mình bằng dầu bơ thơm, lại đội sừng
hươu lên đầu. Sai trét phân bò lên đất, rồi ngồi nằm trên đó. Rồi đệ
nhất phu nhân, đại thần Bà-la-môn, chọn một con bò cái màu vàng. Một
phần sữa để vua ăn; một phần sữa để cho phu nhân ăn; một phần sữa để cho
đại thần ăn; một phần sữa cúng dường đại chúng, còn lại cho bê. Bấy
giờ, nhà vua thành tựu tám pháp, đại thần thành tựu bốn pháp.
“Những gì là tám pháp nhà vua thành tựu?
“Nhà vua thuộc dòng Sát-lỵ, từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chân chánh,
không bị người khinh chê. Đó là thành tựu pháp thứ nhất. Nhà vua thuộc
dòng tộc Sát-lỵ, có dung mạo đoan chánh. Đó là pháp thứ hai.
“Nhà vua có giới đức tăng thạnh, trí tuệ đầy đủ. Đó là pháp thứ ba.
Nhà vua tập đủ các loại kỹ thuật: cưỡi voi, xe ngựa, đao mâu, cung tên,
phương pháp chiến đấu; không thứ nào là không biết. Đó là pháp thứ tư.
Nhà vua có uy lực lớn, thâu nhiếp các tiểu vương; không ai không thần
phục. Đó là pháp thứ năm. Nhà vua khéo léo về ngôn ngữ, lời nói dịu
dàng, đầy đủ nghĩa và vị. Đó là pháp thứ sáu. Nhà vua có tài bảo dồi
dào, kho tàng đầy ắp. Đó là pháp thứ bảy. Nhà vua có trí mưu, dũng mãnh,
quả cảm, không hề run sợ. Đó là pháp thứ tám. Nhà vua thuộc dòng Sát-lỵ
kia thành tựu tám pháp này.
“Thế nào là đại thần thành tựu bốn pháp? Đại thần Bà-la-môn kia từ
bảy đời nay cha mẹ đều chân chánh không bị người khinh chê; đó là pháp
thứ nhất. Đại thần đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, có khả năng phân
tích các loại kinh thư; thế điển u vi, không thứ nào không tổng luyện;
lại giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đoán tốt xấu, tế tự nghi lễ; đó là
pháp thứ hai. Lại nữa, đại thần giỏi về ngôn ngữ, lời nói dịu dàng,
nghĩa vị đầy đủ; đó là pháp thứ ba. Lại nữa, đại thần có trí mưu, dũng
cảm, quả quyết, không hề run sợ; thấu hiểu tất cả mọi pháp tế tự; đó là
pháp thứ tư.
“Bấy giờ, vua thành tựu tám pháp; đại thần Bà-la-môn thành tựu bốn
pháp; và vua có đủ bốn viện trợ. Đó là, ba pháp tế tự, với mười sáu tư
cụ tế tự.
“Bấy giờ, đại thần Bà-la-môn ở nơi ngôi nhà mới mở bày tâm ý của vua
bằng mười sáu việc, dứt trừ ý tưởng nghi ngờ của vua. Mười sáu việc ấy
là gì? Đại thần tâu vua:
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng từ bảy
đời trở lại cha mẹ vua không chân chánh, thường bị người khinh chê. Giả
sử có lời ấy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương từ bảy đời
nay cha mẹ đều chân chánh.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng dung
mạo xấu xí, không thuộc dòng dõi Sát-lỵ. Giả sử có lời ấy, Đại vương vẫn
không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có dung mạo đoan chánh, thuộc dòng dõi
Sát-lỵ.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
có giới tăng thượng, trí tuệ không đầy đủ. Giả sử có lời như vậy, Đại
vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương giới đức tăng thượng, trí tuệ
đầy đủ.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
giỏi các thuật: cưỡi voi, xe ngựa, các thứ binh pháp cũng không biết.
Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương
giỏi các kỹ thuật, binh pháp chiến trận, không thứ nào không biết.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
có uy lực lớn để thống nhiếp các tiểu vương. Giả sử có lời như vậy, Đại
vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có uy lực lớn, thống nhiếp
các tiểu vương.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
giỏi ngôn ngữ; lời nói thô lỗ, không đủ nghĩa vị. Giả sử có lời như vậy,
Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương giỏi ngôn ngữ, lời nói
dịu dàng, đầy đủ nghĩa và vị.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
có nhiều tài bảo. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì
sao? Đại vương có nhiều tài bảo, kho lẫm tràn đầy.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
có trí mưu, ý chí khiếp nhược. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn
không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có trí mưu, dũng mãnh và quả cảm, không
hề khiếp nhược.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
nói với nội cung. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì
sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói cho nội cung.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
nói với thái tử và các hoàng tử. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn
không bị ô uế. Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với thái tử và
các hoàng tử.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
nói với quần thần. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế.
Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với quần thần.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng không
nói với tướng sĩ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì
sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với tướng sĩ.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng
Bà-la-môn đại thần từ bảy đời trở lại cha mẹ không chân chánh, bị người
khinh chê. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao?
Tôi bảy đời trở lại cha mẹ chân chánh, không bị người khinh chê.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng
Bà-la-môn đại thần không đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, không có khả
năng phân tích các thứ kinh thư, thế điển u vi không hề lão luyện, không
giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đoán cát hung, tế tự nghi lễ. Giả sử
có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi đọc tụng thông
suốt ba bộ dị học, có khả năng phân tích các thứ kinh thư, thế điển u vi
không thứ nào không lão luyện, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, dự
đoán cát hung, tế tự nghi lễ.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng
Bà-la-môn đại thần không giỏi ngôn ngữ; nói năng thô lỗ, nghĩa vị không
đủ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi khéo
léo nơi ngôn ngữ; nói năng dịu dàng, đầy đủ nghĩa và vị.
“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lỵ muốn cử hành đại tự, nhưng
Bà-la-môn đại thần không đủ mưu trí, ý chí khiếp nhược, không hiểu rõ
phép tế tự. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao?
Tôi đủ mưu trí, ý chí không khiếp nhược, không phép tế tự nào mà không
hiểu rõ.”
Phật bảo Cứu-la-đàn-đầu:
“Nhà vua có mười sáu chỗ ngờ vực, mà đại thần kia cởi mở ý vua bằng mười sáu việc như thế.”
Rồi Phật nói tiếp:
“Bấy giờ, vị đại thần ở nơi ngôi nhà mới, bằng mười sự hành, chỉ bày,
khuyến khích, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ cho nhà vua. Những gì là
mười?
“Vị đại thần nói: Khi Đại vương tế tự, những kẻ sát sanh hay những kẻ
không sát sanh cùng tụ hội đến. Hãy bố thí cho họ một cách bình đẳng.
Nếu có những kẻ sát sanh đến, cũng bố thí cho và kia sẽ tự biết lấy. Kẻ
không sát sanh đến, cũng bố thí cho, vì lý do ấy mà bố thí; bố thí với
tâm như vậy . Nếu có những kẻ trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói
dối, ỷ ngữ, tham lam, tật đố, tà kiến, cùng tụ hội đến, hãy bố thí cho
họ. Kia sẽ tự biết lấy. Nếu những kẻ không trộm cắp, cho đến, có chánh
kiến, cùng đến, cũng hãy bố thí cho họ, vì sự ấy mà bố thí, bố thí với
tâm như vậy.
Phật lại nói với Bà-la-môn:
“Vị đại thần kia, bằng mười sự hành này, chỉ bày, khuyến khích, khiến cho được lợi ích, hoan hỷ.”
“Rồi thì, vua Sát-lỵ kia ở nơi ngôi nhà mới sanh ba tâm hối tiếc. Vị đại thần khiến cho được dứt trừ. Ba tâm hối là gì?
“Nhà vua sanh tâm hối tiếc rằng: Ta nay tổ chức đại tự, đã làm đại
tự, sẽ làm đại tự, đang làm đại tự. Tốn nhiều tài bảo. Đại thần tâu vua:
Đại vương đã tổ chức đại tự, đã bố thí, sẽ bố thí, đang bố thí. Không
nên sanh hối tiếc đối với tế tự có phước này.
“Như thế, nhà vua khi ở ngôi nhà mới có ba sự hối tiếc, đã được đại thần dứt trừ.”
Phật lại nói với Bà-la-môn:
“Bấy giờ, vua Quán đảnh dòng Sát-lỵ, vào ngày rằm, khi trăng tròn, ra
khỏi ngôi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống lửa
lớn. Tay vua cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: Hãy cho!
Hãy cho!
“Khi ấy phu nhân của vua hay tin nhà vua, vào ngày rằm trăng tròn, ra
khỏi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống lửa lớn,
tay cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: Hãy cho! Hãy cho! Bà
cùng với thể nữ cầm nhiều tài bảo, đi đến chỗ vua, tâu vua rằng:
“Các tạp bảo này, giúp Đại vương làm tế tự.
“Này Bà-la-môn, nhà vua liền nói với phu nhân và thể nữ rằng:
“Thôi, đủ rồi. Các ngươi như thế là đã cúng dường rồi. Ta có sẵn tài bảo riêng mình, đủ để tế tự.
“Phu nhân và các thể nữ suy nghĩ: Chúng ta không nên mang các bảo vật
này trở về nội cung. Nếu khi đức vua thiết lễ đại tự ở phương Đông,
chúng ta sẽ dùng để hỗ trợ.
“Này Bà-la-môn, sau đó nhà vua ở phương Đông thiết lễ đại tự, khi ấy
phu nhân và các thể nữ liền đem các bảo vật ấy trợ giúp thiết lễ đại tự.
“Bấy giờớ, thái tử, hoàng tử, hay tin nhà vua, vào ngày rằm trăng
tròn, ra khỏi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống
lửa lớn, tay cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: Hãy cho! Hãy
cho! Thái tử, hoàng tử cầm nhiều tài bảo, đi đến chỗ vua, tâu vua rằng:
“Các tạp bảo này, giúp Đại vương làm tế tự.
“Này Bà-la-môn, nhà vua liền nói với thái tử và hoàng tử.
“Thôi, đủ rồi. Các ngươi như thế là đã cúng dường rồi. Ta có sẵn tài bảo riêng mình, đủ để tế tự.
“Thái tử, hoàng tử suy nghĩ: Chúng ta không nên mang các bảo vật này
trở về. Nếu khi đức vua thiết lễ đại tự ở phương Nam, chúng ta sẽ dùng
để hỗ trợ.
“Này Bà-la-môn, sau đó nhà vua ở phương thiết lễ đại tự, khi ấy thái
tử, hoàng tử liền đem các bảo vật ấy trợ giúp thiết lễ đại tự.
“Cũng vậy, đại thần cầm tài bảo đến, hỗ trợ vua tế tự ở phương tTây. Tướng sĩ cầm tài bảo đến hỗ trợ vua tế tự ở phương bBắc.”
Phật lại nói với Bà-la-môn:
“Nhà vua kia khi cử hành đại tự không giết bò, dê và các chúng sanh;
chỉ dùng bơ, sữa, dầu mè, mật, đường đen, đường thẻ để tế tự.”
Phật lại nói với Bà-la-môn:
“Vua Sát-lỵ kia khi cử hành đại tự, khoảng đầu hoan hỷ, khoảng giữa hoan hỷ, khoảng cuối hoan hỷ. Đó là phép tổ chức tế tự.”
Phật lại nói với Bà-la-môn :
“Vua Sát-lỵ kia, sau khi cử hành đại tự, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp
y, xuất gia hành đạo, tu Bốn vô lượng tâm. Khi thân hoại mạng chung,
sanh lên cõi Phạm thiên.
“Phu nhân của vua, sau khi cử hành đại tự, cũng cạo tóc, mặc ba pháp
y, xuất gia hành đạo, hành bốn phạm hạnh. Khi thân hoại mạng chung, sanh
lên cõi Phạm thiên.
“Đại thần Bà-la-môn sau khi chỉ dẫn vua tế tự bốn phương, cũng tổ
chức đại thí, sau đó cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia hành đạo,
hành bốn phạm hạnh. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi Phạm thiên.”
Phật lại nói với Bà-la-môn:
“Bấy giờ, nhà vua bằng ba pháp tế tự, mười sáu tư cụ tế tự, đã tổ chức thành công đại tự. Ý ông nghĩ sao?”
Cứu-la-đàn-đầu nghe Phật nói, im lặng không trả lời. Lúc ấy, năm trăm Bà-la-môn hỏi Cứu-la-đàn-đầu:
“Những điều Sa-môn Cù-đàm nói thật vi diệu, sao Đại sư im lặng không trả lời?”
Cứu-la-đàn-đầu đáp:
“Những điều Sa-môn Cù-đàm nói thật là vi diệu. Không phải tôi không
thừa nhận. Lý do mà tôi im lặng, là vì có điều suy nghĩ. Sa-môn Cù-đàm
nói sự việc này, không nói là nghe từ người khác. Tôi thầm nghĩ: Há
Sa-môn Cù-đàm không phải là vua Sát-lỵ kia chăng? Hoặc giả là vị đại
thần Bà-la-môn kia chăng?”
Bấy giờ Thế Tôn nói với Cứu-la-đàn-đầu:
“Lành thay, lành thay. Ngươi quán sát Như Lai, thật sự là thích hợp.
Vua Sát-lỵ cử hành đại tự lúc ấy há phải là ai khác chăng? Chớ nhận xét
như thế. Người ấy chính bản thân Ta vậy. Ta lúc bấy giờ đã huệ thí rất
lớn.”
Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật rằng:
“Chừng ấy thôi, ba loại tế tự và mười sáu tư cụ tế tự, là được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn thế nữa không?”
Phật nói: “Có”.
Hỏi: “Đó là cái gì?”
Phật nói:
“So với ba tế tự và mười sáu tế cụ, nếu thường cúng dường chúng Tăng, không để gián đoạn, công đức còn hơn nhiều.”
Lại hỏi:
“So với ba tế tự và mười sáu tế cụ, nếu thường cúng dường chúng Tăng,
không để gián đoạn, do thế công đức tối thắng. Nhưng còn có cái tối
thắng nữa không?”
Phật nói: “Có”.
Lại hỏi: “Đó là cái gì?”
Phật nói:
“Nếu bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ và thường cúng dường chúng Tăng
không để gián đoạn, chẳng bằng vì Chiêu-đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà
cửa, lầu gác. Thí ấy tối thắng.”
Lại hỏi:
“Bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ và thường cúng dường chúng Tăng
không để gián đoạn và vì Chiêu-đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu
gác; phước ấy tối thắng. Những có cái gì hơn thế chăng?”
Phật nói: “Có”.
Lại hỏi:
“Đó là cái gì?”
Phật nói:
“Nếu bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ và thường cúng dường chúng Tăng
không để gián đoạn và vì Chiêu-đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu
gác; chẳng bằng khởi tâm hoan hỷ, miệng tự phát thành lời rằng: Tôi quy y
Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phước này tối thắng.”
Lại hỏi:
“Chừng ấy ba pháp quy y được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?”
Phật nói: “Có”.
Hỏi: “Đó là cái gì?”
Phật nói:
“Nếu với tâm hoan hỷ thọ và hành năm giới, suốt đời không giết, không
trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu; phước này tối thắng.”
Lại hỏi: “Chừng ấy ba pháp tế tự (...), cho đến năm giới, được quả báo lớn hay còn có cái gì hơn nữa?”
Phật nói: “Có”.
Lại hỏi: “Đó là cái gì?”
Phật nói:
“Nếu có thể bằng Từ tâm nhớ nghĩ chúng sanh bằng khoảnh khắc vắt sữa bò; phước ấy tối thắng.”
Lại hỏi: “Chừng ấy ba pháp tế tự, cho đến Từ tâm, được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?”
Phật nói: “Có”.
Lại hỏi: “Đó là cái gì?”
Phật nói:
“Nếu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, có người
theo Phật pháp xuất gia tu đạo, mọi đức đều hoàn bị, cho đến, đầy đủ ba
minh, diệt các sự tối tăm, đầy đủ tuệ minh. Vì sao? Vì không buông lung,
ưa sống nơi thanh vắng; phước này tối thắng.”
Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm! Tôi vì tế tự mà chuẩn bị bò, dê mỗi thứ năm trăm con.
Nay sẽ thả hết, mặc chúng tùy ý đi tìm cỏ, nước. Tôi nay quy y Phật, quy
y Pháp, quy y Tăng, xin nhận tôi làm Ưu-bà-tắc trong chánh pháp. Từ nay
về sau, cho đến hết đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không
dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng nhận lời mời sáng
mai của tôi.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bà-la-môn thấy Phật im lặng nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.
Trở về nhà, ông sửa soạn đủ các loại hào soạn. Sáng hôm sau, khi đến
thời, Thế Tôn khoác y, cầm bát, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai
trăm năm mươi người, đi đến nhà Bà-la-môn, ngồi trên chỗ dọn sẵn. Khi ấy
Bà-la-môn tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Ắn xong, thâu y bát,
dùng nước rửa xong, Phật đọc cho Bà-la-môn nghe một bài tụng:
Tế tự, lửa là nhất.
Đọc tụng, thơ là nhất.
Loài người, vua là nhất.
Các sông, biển là nhất.
Các sao, trăng là nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trên, dưới và bốn phương,
Phàm sanh vật hiện hữu,
Chư Thiên và Người đời,
Duy chỉ Phật tối thượng.
Ai muốn cầu đại phúc,
Hãy cúng dường Tam bảo.
Bấy giờ Cứu-la-đàn-đầu lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật. Thế Tôn
thuyết pháp cho ông theo thứ tự, chỉ bày, khuyến khích, khiến được lợi
ích, hoan hỷ. Ngài nói về thí, về giới, về sanh thiên; nói dục là tai
họa, phiền não là chướng ngại, xuất ly là tối thượng, phân bố, hiển thị
các hạnh thanh tịnh.
Rồi Thế Tôn quán sát Bà-la-môn, ý chí đã mềm dịu, ấm cái đã vơi nhẹ,
dễ được điều phục. Như thường pháp của chư Phật, Ngài giảng thuyết cho
ông về Khổ thánh đế, phân biệt hiển thị, thuyết Tập thánh đế, Tập diệt
thánh đế. Cứu-la-đàn-đầu ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, đắc pháp
nhãn tịnh. Cũng như tấm lụa trắng rất dễ nhuộm màu. Bà-la-môn
Cứu-la-đàn-đầu cũng vậy, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu đạo quả, quyết
định an trú, tự tín không do ai, đắc vô sở úy, bèn bạch Phật rằng:
“Nay con ba lần xin quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Nguyện Phật chấp
thuận con là một Ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến
trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống
rượu.”
Rồi lại bạch Phật tiếp rằng:
“Cúi mong Thế Tôn nhận lời mời của con trong bảy ngày.”
Thế Tôn khi ấy im lặng nhận lời.
Trong bảy ngày ấy, Bà-la-môn tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Qua bảy ngày, Thế Tôn du hành trong nhân gian.
Phật đi chưa bao lâu, Cứu-la-đàn-đầu mắc bệnh mà mạng chung. Khi ấy,
số đông Tỳ-kheo nghe tin Cứu-la-đàn-đầu sau khi cúng dường Phật bảy ngày
và khi Phật đi chưa lâu, ông lâm bệnh mà mạng chung. Các Tỳ-kheo này
bèn nghĩ thầm rằng: “Người kia nay mạng chung, sẽ sanh về đâu?" Rồi các
Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật xong, ngồi xuống một bên,
bạch Phật rằng:
“Cứu-la-đàn-đầu nay mạng chung, sẽ sanh về đâu?”
Phật nói với các Tỳ-kheo:
“Người ấy tịnh tu phạm hạnh, thành tựu pháp và tùy pháp và cũng không
bị xúc nhiễu bởi pháp, do đã đoạn trừ năm hạ phần kết, hiện
Bát-niết-bàn ở nơi kia, không trở lại cõi này nữa.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-