Nam truyền
Tương Ưng Bộ Kinh Samyutta Nikàya
10/07/2554 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tương Ưng Bộ Kinh
Samyutta Nikàya
Mục lục
Xem toàn bộ

[04] Chương IV

Tương Ưng Ác Ma

-ooOoo-

I. Phẩm Thứ Nhất

I. Khổ Hạnh Và Nghiệp (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà bên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài vừa giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh ấy. Tốt lành thay, thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh không liên hệ đến lợi ích ấy! Tốt lành thay, Ta kiên trì, chánh niệm, chứng đạt Bồ-đề!"

3) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Từ bỏ pháp khổ hạnh,
Giúp thanh niên trong sạch,
Không tịnh, nghĩ mình tịnh,
Ði ngược thanh tịnh đạo.

4) Rồi Thế Tôn, biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Biết được pháp khổ hạnh,
Ðược xem là bất tử,
Pháp ấy không lợi ích,
Không đem lợi ích nào,
Như chèo và bánh lái,
Chiếc thuyền trên đất cạn.
Giới, định và trí tuệ,
Con đường hướng chánh giác.
Ta tu tập hạnh ấy,
Ðạt được tối thắng tịnh,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông bị bại trận rồi.

5) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. Con Voi (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, bên bờ sông Neranjarà, dưới cây Nigrodha Ajapàla, khi Ngài mới giác ngộ. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

2) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.

3) Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn (aritthako), ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi của nó ví như đầu cái cày lớn.

4) Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,
Hình thức tịnh, bất tịnh.
Thôi vừa rồi, Ác ma,
Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Tịnh (S.i,104)

1) Trú tại Uruvelà.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn.

4) Sau khi đến, hiện lên những hình tướng cao thấp, tịnh, bất tịnh, không xa Thế Tôn bao nhiêu.

5) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,
Hình thức tịnh, bất tịnh.
Thôi vừa rồi, Ác ma,
Ông đã bị bại trận.
Những vị thân, khẩu, ý,
Khéo hộ trì chế ngự,
Này kẻ Ác ma kia,
Những vị ấy như vậy,
Không bị Ông chi phối,
Không phải đệ tử Ông
.

6) Rồi Ác ma biết được... liền biến mất tại chỗ.

IV. Bẫy Sập (S.i,105)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Barànasi (Ba-la-nại), Isipatana (chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: -- "Này các Tỷ-kheo." -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn ". Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, chính nhờ chánh tác ý, chính nhờ chánh tinh cần. Ta chứng đạt Vô thượng giải thoát. Ta chứng ngộ Vô thượng giải thoát. Vậy này các Tỷ-kheo, các Ông cũng phải với chánh tác ý, chánh tinh cần, chứng đạt Vô thượng giải thoát, chứng ngộ Vô thượng giải thoát.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,
Trong bẫy sập của ma,
Bởi những dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.
Ngài đang bị cột chặt,
Trong triền phược của ma.
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

4) (Thế Tôn):

Ta đã được giải thoát,
Khỏi bẫy sập của ma,
Thoát khỏi dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.
Ta đã được giải thoát,
Khỏi triền phược của ma,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma... biến mất tại chỗ.

V. Bẫy Sập (S.i,105)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại) tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo." "-- Thưa vâng Thế Tôn." Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ đi đến Uruvelà, thị trấn Senà để thuyết pháp.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,
Trong bẫy sập của ma,
Bởi những dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.
Ngài đang bị cột chặt,
Trong triền phược của ma,
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

4) (Thế Tôn)

Ta đã được giải thoát,
Khỏi bẫy sập của ma,
Thoát khỏi dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.
Ta đã được giải thoát,
Khỏi triền phược của ma,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

VI. Con Rắn (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, bèn biến thành con đại xà vương và đi đến Thế Tôn.

4) Thân của nó to lớn ví như một chiếc thuyền đẽo ra từ một thân cây. Cái mang của nó ví như cái khay đan của người nấu rượu. Mắt của nó ví như cái đĩa bằng đồng của nước Kosala; lưỡi của nó le ra từ miệng ví như mũi tên chớp sáng lòe khi trời mưa gió sấm sét; tiếng hơi thở vô, hơi thở ra của nó ví như bệ thổi của người thợ rèn.

5) Rồi Thế Tôn biết: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ này với Ác ma:

Quý thay bậc Mâu-ni,
Sống trong nhà không tịch,
Biết chế ngự tự ngã,
Tại đấy vị ấy trú.
Sống từ bỏ tất cả,
Với hạnh tu tương xứng,
Nhiều loại thú bộ hành,
Nhiều sự vật khủng khiếp,
Nhiều ruồi muỗi độc xà,
Không mảy may rung động
Sợi lông bậc Mâu-ni
Sống trong nhà không tịch.
Dầu trời nứt, đất động,
Dầu muôn loài khủng bố,
Dầu bị giáo, đao, tên,
Quẳng ném vào ngực Ngài,
Chư Phật không tạo nên,
Những căn cứ sanh y
.

6) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", liền biến mất tại chỗ.

VII. Thụy Miên (S.i,107)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sao Ngài còn nằm ngủ,
Sao Ngài vẫn nằm ngủ,
Sao Ngài ngủ như vậy,
Như kẻ chết nằm co?
Nghĩ rằng nhà trống không,
Nên Ngài ngủ như vậy,
Sao Ngài ngủ như vậy,
Khi mặt trời đã mọc?

4) (Thế Tôn):

Khi không còn tham ái,
Với lưới triền, nọc độc,
Người vậy được giải thoát,
Không bị dẫn nơi nào.
Ác ma! Bậc Giác Ngộ
Mọi sanh y diệt tận,
Vị ấy nếu có ngủ,
Các Ông làm được gì?

VIII. Hoan Hỷ (S.i,107)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Cha sung sướng vì con,
Người chăn sướng vì bò,
Người sướng vì sanh y,
Không sanh y, không sướng.

(Thế Tôn):

Cha sầu vì con cái,
Người chăn sầu vì bò,
Người sầu vì sanh y,
Không sanh y, không sầu.

Rồi Ác ma biết rằng: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", liền biến mất tại chỗ.

IX. Tuổi Thọ (S.i,108)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Loài Người thọ mạng dài,
Người lành chớ âu lo,
Bú sữa no, hãy sống
Tử vong đâu có đến.

5) (Thế Tôn):

Loài Người thọ mạng ngắn,
Người lành phải âu lo,
Như cháy đầu, hãy sống,
Tử vong rồi phải đến.

6) Rồi Ác ma, biết được "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ.

X. Tuổi Thọ (S.i,108)

1) Tại Ràjagaha (Vương Xá).

Tại đây, Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải ra đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Ngày đêm không trôi qua,
Thọ mạng không chấm dứt,
Thọ mạng người xoay vần,
Như vành theo trục xe.

3) (Thế Tôn):

Ngày đêm có trôi qua,
Thọ mạng có chấm dứt,
Mạng người phải khô cạn,
Như suối nhỏ đầu non.

4) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

 

II. Phẩm Thứ Hai

I. Hòn Ðá (S.i,109)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakuta (Linh Thứu).

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi giữa trời, trong bóng đêm tối, và trời mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn làm Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, xô những tảng đá lớn rơi xuống không xa Thế Tôn bao nhiêu.

4) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói bài kệ với Ác ma:

Dầu Ông làm chấn động,
Toàn bộ núi Linh Thứu,
Cũng không làm rung động,
Bậc Giác Ngộ, Giải Thoát.

5) Rồi Ác ma được biết: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

II. Con Sư Tử (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng ấy."

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài lại rống lên,
Rống như loài sư tử,
Vô úy không sợ hãi,
Trước hội chúng đông đảo?
Nay Ngài có địch thủ,
Chớ nghĩ Ngài thắng trận!

4) (Thế Tôn):

Bậc Ðại Hùng rống lên,
Vô úy trước đại chúng,
Như Lai chứng mười lực,
Vượt tham ái ở đời.

5) Rồi Ác ma biết được : "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Phiến Ðá (S.i,110)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Maddakucchi, vườn Nai (Migadaya).

2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị phiến đá gây thương tích. Thế Tôn cảm xúc khốc liệt, toàn thân đau đớn, nhói đau, đau nhức mãnh liệt, không thích thú, không vừa ý. Và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu không để tâm tư buồn nản.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài uể oải nằm,
Hay tìm thơ, tìm vận,
Phải chăng việc sai biệt,
Không chờ đợi Ngài làm,
Phải một mình cô độc,
Trên ghế giường nằm, ngồi,
Với gương mặt ngái ngủ,
Sao Ngài ngủ như vậy?

(Thế Tôn):

Ta không uể oải nằm,
Không tìm thơ, tìm vận,
Mục đích Ta đã đạt,
Ðâu có sầu muộn gì!
Ta nằm ngồi một mình,
Trên ghế giường vắng lặng,
Yên tĩnh Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.
Những kẻ, ngực bị đâm,
Hổn hển tim dồn dập,
Vẫn tìm được giấc ngủ,
Dầu bị thương tích nặng.
Sao Ta lại không ngủ,
Khi không bị thương tích,
Khi thức không âu lo,
Khi ngủ chẳng sợ hãi,
Ngày đêm không khởi lên,
Phiền não bận lòng Ta?
Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời,
Do vậy, Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.

5) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. Tương Ưng Thích Nghi (S.i,111)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Ekasàlà. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này, xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng này."

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Thật không chút thích hợp,
Ðể Ngài giảng dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Chớ hành nghề đứng giữa.

4) (Thế Tôn):

Với lòng từ, thương tưởng,
Bậc Giác Ngộ dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Như Lai chơn giải thoát.

5) Rồi Ác ma biết được : "Thế Tôn đã biết ta..." liền biến mất tại chỗ ấy.

V. Ý (S.i,111)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Mọi hành tung của ý
Là bẫy sập trên không,
Chính với bẫy sập ấy,
Ta trói buộc lấy Ngài,
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

3) (Thế Tôn):

Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Làm tâm ý ưa thích,
Ta không ưa muốn chúng,
Ta vượt thoát ngoài chúng,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

4) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. Bình Bát (S.i,112)

1) Trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy".

3) Lúc bấy giờ có nhiều bình bát được đặt ra ngoài trời để phơi cho khô.

4) Rồi Ác ma biến hình thành con bò đực và đi đến các bình bát ấy.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

-- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, con bò đực này sẽ làm bể các bình bát.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:

-- Này Tỷ-kheo, nó không phải con bò đực. Nó chính là Ác ma muốn đến làm mờ mắt các ông.

7) Và Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
Cái ấy không phải tôi,
Cái ấy không của tôi,
Như vậy đây ly tham,
Ly tham vậy, tâm an,
Mọi kiết sử siêu thoát,
Dầu tìm mọi xứ sở,
Ma quân không gặp được.

8) Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. Xứ (S.i,112)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), Ðại Lâm, chỗ Trùng Các giảng đường.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các vị Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tư tưởng, lóng tai nghe pháp.

3) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ- kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy".

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Ác ma hét lên một tiếng to lớn, khủng khiếp, dễ sợ, như đất bị nứt vỡ.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

-- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, hình như quả đất này bị nứt vỡ.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy :

-- Này Tỷ-kheo, không phải đất nứt vỡ. Ðó là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

7) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thanh, vị và hương,
Cùng toàn bộ xúc, pháp,
Là thế vật rùng rợn,
Làm mê loạn ở đời.
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Chánh niệm, vượt khỏi chúng,
Vượt thế lực Ác ma,
Như mặt trời sáng chói.

8) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VIII. Ðoàn Thực (S.i,113)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Magadha, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà.

2) Lúc bấy giờ, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà, lễ trao đổi tặng vật giữa nam nữ thanh niên đang được xảy ra.

3) Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát đi vào làng Bà-la- môn Pancasàlà để khất thực.

4) Lúc bấy giờ, các Bà-la-môn gia chủ ở Pancasàlà bị Ác ma xâm nhập và quyết định: "Chớ để Sa-môn Gotama nhận được đồ ăn khất thực".

5) Rồi Thế Tôn đi vào làng Bà-la-môn tên Pancasàlà để khất thực với bình bát rửa sạch như thế nào, cũng đã trở về cùng với bình bát được rửa sạch như vậy.

6) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

-- Này Sa-môn, Ngài có nhận được đồ ăn khất thực không?

7) -- Này Ác ma, có phải Ông làm cho Ta không nhận được đồ ăn khất thực?

8) -- Vâng bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đi vào làng Bà-la-môn Pancasàlà một lần thứ hai nữa. Và tôi sẽ làm để Thế Tôn nhận được đồ ăn khất thực

(Thế Tôn):

Ác ma làm điều ác,
Ðể tấn công Như Lai,
Này Ác ma, vì sao,
Ông có thể nghĩ rằng,
Ðiều ác Ông hại Ta,
Sẽ không có kết quả.
Chúng ta sống sung sướng,
Những người không có gì,
Như chư Thiên Quang Âm,
Như chư Thiên Quang Âm,
Có hào quang sáng chói,
Lấy hỷ làm đồ ăn
.

9) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. Người Nông Phu (S.i,114)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo về các vấn đề liên hệ đến Niết-bàn... Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama để làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy."

3) Rồi Ác ma biến hình thành một người nông phu, mang trên vai một cái cày lớn, tay cầm một cây gậy đâm bò, đầu bù tóc rối, mặc đồ vải gai, chân lấm bùn nhơ, đi đến, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

4) -- Này Sa-môn, Ngài có thấy con bò đực không?

5) -- Nhưng này Ác ma, con bò đực đối với Ông là gì?

6) -- Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta?

Này Sa-môn, tai là của ta, tiếng là của ta...

Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta...

Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta...

Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta...

Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?

7) -- Này Ác ma, mắt là của Ông, sắc là của Ông, thức xứ do mắt xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mắt, không có sắc, không có thức xứ xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

8) Này Ác ma, tai là của Ông, tiếng là của Ông, thức xứ do tai xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có tai, không có tiếng, không có thức xứ do tai xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

9) Này Ác ma, mũi là của Ông, hương là của Ông, thức xứ do mũi xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mũi, không có hương, không có thức xứ do mũi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

10) Này Ác ma, lưỡi là của Ông, vị là của Ông, thức xứ do lưỡi cảm xúc là của ông. Này Ác ma, chỗ nào không có lưỡi, không có vị, không có thức xứ do lưỡi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma. Này Ác ma, thân là của Ông, xúc là của Ông, thức xứ do thân xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có thân, không có xúc, không có thức xứ do thân xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

11) Này Ác ma, ý là của Ông, pháp là của Ông, thức xứ do ý xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có ý, không có pháp, không có thức xứ do ý xúc chạm, thời này Ác ma, chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

12)

-- Sự vật được Ngài nói:
"Cái này là của tôi".
Và những người đã nói:
"Cái này là của tôi".
Nếu ở đây có ý,
Ðối với sự vật ấy,
Như vậy, này Sa-môn,
Ngài không thoát khỏi ta.

13) (Thế Tôn):

Sự vật được Ông nói:
"Cái này không của tôi".
Và những người đã nói:
" Chúng không phải là tôi".
Này Ác ma, như vậy,
Ông có biết được chăng,
Cho đến Ông không thấy ,
Con đường của Ta đi?

14) Rồi Ác ma... liền biến mất tại chỗ ấy.

X. Thống Trị (S.i,116)

1) Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

2) Trong khi Thế Tôn Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?".

3) Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp.

4) -- Này Ác ma, Ông thấy gì mà Ông nói với Ta như vậy: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại...,... một cách đúng pháp"?

5) -- Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành căn cứ địa, kiên trì, chất chứa, khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.

6) (Thế Tôn):

Dầu cho cả ngọn núi,
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.
Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.

7) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

 

III. Phẩm Thứ Ba (Thêm năm kinh)

I. Ða Số (S,i.117)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatii

2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Ác ma biến hình thành một Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến các Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

-- Chư Ðại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Ðại đức hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối.

4) -- Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối và chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.

5) Khi nghe nói vậy, Ác ma cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy bỏ đi.

6) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

7) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Rồi bạch Thế Tôn, một người Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến chúng con; sau khi đến, nói với chúng con như sau:

" -- Chư Ðại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Ðại đức, hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối".

8) Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, chúng con nói với Bà la môn ấy:

" -- Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đây càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu".

9) Khi được nghe nói vậy, người Bà-la-môn ấy cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy rồi ra đi.

10) -- Này các Tỷ-kheo, người ấy không phải là Bà-la-môn, chính là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

11) Rồi Thế Tôn biết được ý nghĩa này, ngay khi ấy nói lên bài kệ:

Ai thấy rõ khổ đau,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng các dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.

II. Samiddhi (S.i,119)

1) Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatii.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Tôn giả Samiddhi, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi những vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!"

4) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Tôn giả Samiddhi, liền đi đến Tôn giả Samiddhi. Sau khi đến, không xa Tôn giả Samiddhi, Ác ma hét lên tiếng hét to lớn, rùng rợn, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

5) Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

6) -- Bạch Thế Tôn, con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Bạch Thế Tôn, trong khi con Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi các vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!" Khi ấy, bạch Thế Tôn, không xa con, một tiếng hét to lớn rùng rợn khởi lên, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

7) -- Này Samiddhi, không phải quả đất vỡ tung đâu. Ðó là Ác ma đã đến để làm mờ mắt Ông. Này Samiddhi, Ông hãy đến tại chỗ ấy và sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

8) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi ra đi.

9) Lần thứ hai, Tôn giả Samiddhi tại chỗ ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Lần thứ hai, trong khi Tôn giả Samiddhi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta khi...,... và hành trì thiện pháp!". Lần thứ hai, Ác ma biết được tư tưởng của Tôn giả Samiddhi...,... khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

10) Rồi Tôn giả Samiddhi, sau khi biết: "Ðây là Ác ma" liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ta với lòng tín ngưỡng,
Bỏ gia đình, xuất gia,
Niệm tuệ ta tăng trưởng,
Tâm tư ta Thiền định.
Dầu Ông tạo sắc gì,
Không làm ta sợ hãi.

11) Rồi Ác ma biết được: "Tỷ-kheo Samiddhi biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

III. Godhika (S.i,120)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika trú ở sườn núi Isigili, tại Kàlasilà.

3) Rồi Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát. Rồi Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

4) Lần thứ hai, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và chứng được nhất thời tâm giải thoát. Và lần thứ hai, Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

5) Lần thứ ba, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

6) Lần thứ tư, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

7) Lần thứ năm, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

8) Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhất thời tâm giải thoát. Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika cũng thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

9) Lần thứ bảy, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát.

10) Rồi Tôn giả Godhika suy nghĩ: "Cho đến lần thứ sáu, ta bị thối thất nhất thời tâm giải thoát. Vậy nay ta hãy đem lại con dao".

11) Rồi Ác ma biết được tâm tư của Tôn giả Godhika, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ôi, bậc Ðại Anh hùng!
Ôi, bậc Ðại Trí tuệ!
Ngài chói sáng hào quang,
Thần lực và danh xưng.
Ngài vượt qua tất cả,
Mọi sân hận hãi hùng.
Con chân thành đảnh lễ,
Dưới chân bậc Pháp nhãn.
Ôi, bậc Ðại Anh hùng!
Bậc Chinh phục tử thần!
Ðệ tử Ngài muốn chết,
Ðang suy nghĩ đến chết.
Ôi, bậc Chói Hào quang!
Hãy ngăn chặn vị ấy.
Làm sao, bạch Thế Tôn,
Vị đệ tử của Ngài,
Hoan hỷ trong giáo lý,
Lại không chứng hữu học,
Còn muốn đoạt mạng sống?
Ôi, danh vọng thế gian!

12) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

13) Rồi Thế Tôn được biết: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Như vậy là sở hành,
Của bậc Ðại Anh hùng,
Không còn nuôi ước vọng
Tạo thêm dòng sinh mạng,
Ðoạn tận ái, ái căn,
Godhika nhập diệt.

14) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, tại chỗ thiện nam tử Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

15) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

16) Rồi Thế Tôn cùng với một số đông Tỷ-kheo đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, và Thế Tôn thấy từ đằng xa, Tôn giả Godhika đang nằm trên giường, với hai vai mở rộng (bị thương hay co quắp lại).

17) Lúc bấy giờ một làn khói đen tối đi về phía Ðông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới.

18) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy làn khói đen tối ấy đi về phía Ðông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới không?

-- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy như vậy.

19) -- Này các Tỷ-kheo, đó là Ác ma đang đi theo dõi thức của thiện nam tử Godhika: "Thức của thiện nam tử Godhika được an trú ở đâu?". Và này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả.

20) Rồi Ác ma tay cầm đờn thất huyền cầm màu vàng, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ:

Trên, dưới và bề ngang,
Bốn phương, các phương giữa,
Ta tìm, nhưng không gặp,
Godhika đi đâu.

21) (Thế Tôn):

Vị Anh hùng kiên chí,
Thường Thiền lạc, Thiền tư,
Ngày đêm đầy nhiệt tình,
Nhưng sự sống, không tham,
Chiến thắng quân thần chết,
Tái sanh không đi đến,
Chinh phục ái, ái căn,
Godhika nhập diệt.

22)

Còn kẻ bị sầu muộn,
Từ nách rơi huyền cầm,
Dạ-xoa bị thất vọng,
Liền biến mất tại chỗ.

IV. Bảy Năm (S.i,122)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới cây Ajapàla Nigrodha.

2) Lúc bấy giờ, Ác ma đi theo Thế Tôn trong suốt bảy năm, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, nhưng tìm không được.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,
Ngài Thiền tư trong rừng,
Vì tài sản hao mòn,
Hay vì thèm tài sản?
Có thể tại xóm làng,
Ngài đã gây tội phạm.
Sao Ngài không làm thân
Với bà con xóm giềng?
Sao Ngài không có thể
Làm bạn với một ai?

4) (Thế Tôn):

Mọi sầu căn nhổ sạch,
Không tội phạm, Ta Thiền,
Không sầu muộn, Ta Thiền.
Mọi hữu ái, đoạn tận,
Vô lậu, Ta Thiền định,
Này Bà con phóng dật!

5) (Ác ma):

Sự vật được Ngài nói:
"Cái này là của tôi".
Và những người đã nói:
"Cái này chính là tôi".
Nếu ở đây móng ý,
Ðối với sự vật ấy,
Như vậy, này Sa-môn,
Ngài không thoát khỏi ta.

6) (Thế Tôn):

Sự vật được ông nói:
"Cái này không của tôi"
Và những người đã nói:
"Họ không phải là tôi".
Hãy hiểu biết như vậy,
Này kẻ Ác ma kia!
Cho đến Ông không thấy,
Con đường của Ta đi.

7) (Ác ma):

Nếu Ngài chứng ngộ được,
Ðường an toàn bất tử,
Ngài hãy đi một mình.
Sao lại dạy người khác?

8) (Thế Tôn):

Người đi đến bờ kia,
Họ hỏi nước bất tử,
Ðược hỏi, Ta trả lời,
Cảnh giới vô dư y.

9) -- Bạch Thế Tôn, ví như một hồ nước không xa làng hay thị trấn. Tại đấy có một con cua. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều người con trai hay người con gái, từ làng ấy đi ra, đi đến hồ nước ấy. Sau khi đến, họ kéo con cua ấy lên khỏi nước và đặt nó trên đất liền. Bạch Thế Tôn, khi nào con cua ấy thò ra cái càng nào, những người con trai hay những người con gái ấy, lấy gậy hay lấy miểng sành chặt đứt, bẻ gãy hay đập nát cái càng ấy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con cua ấy, với mọi càng bị chặt đứt, bẻ gãy, đập nát, không thể bò xuống hồ nước ấy nữa. Ví như lúc trước có những lộn xộn, mâu thuẫn, xuyên tạc gì đã được Thế Tôn chặt đứt, bẻ gẫy, đập nát. Và nay, bạch Thế Tôn, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, con không thể đến gần Thế Tôn được.

10) Rồi Ác ma, trước mặt Thế Tôn, trong nỗi niềm thất vọng, nói lên bài kệ này:

Như quạ liệng hư không,
Thấy đá như miếng mỡ,
Tưởng rằng sẽ tìm được,
Miếng gì mềm và ngon.
Không tìm được gì ngon,
Liền từ đó bay đi,
Như quạ mổ hòn đá,
Thất vọng ta bỏ đi,
Giã từ Gotama.

11) Rồi Ác ma, sau khi nói lên những bài kệ ấy trước mặt Thế Tôn, từ chỗ ấy bỏ đi, rồi ngồi kiết-già trên đất, không xa Thế Tôn, im lặng, hổ ngươi, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, câm miệng, lấy chiếc gậy cào trên đất.

V. Những Người Con Gái (S.i,124)

1) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, đi đến Ác ma, sau khi đến, nói lên bài kệ này với Ác ma:

Cha thân yêu, sao cha
Lại thất vọng như vậy?
Vì ai, vì người nào,
Khiến cha phải sầu muộn?
Chúng con với ái dục,
Sử dụng như bẫy mồi,
Sẽ buộc chặt họ lại,
Như buộc chặt voi rừng,
Và dẫn họ đến cha,
Khiến họ quy phục cha.

2) (Ác ma):

Bậc La-hán, Thiện Thệ,
Bậc Chánh Giác ở đời,
Không dễ dùng ái dục,
Khéo nhiếp phục vị ấy.
Vị ấy đã vượt qua,
Lãnh vực của Ác ma,
Do vậy, ta sầu não,
Buồn phiền đến cực độ.

3) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc, và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

4) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: "Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta biến hình thành một trăm thiếu nữ".

5) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, sau khi biến hình thành một trăm thiếu nữ, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

6) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: "Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta hãy biến hình thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con".

7) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục sau khi biến thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

8) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh một con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

9) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh hai con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

10) Rồi các nữ ma Khát ái...,.... sau khi biến hình thành một thiếu phụ trung niên, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

11) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một phụ nữ lớn tuổi, đi đến Thế Tôn...,... Vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

12) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua một bên và nói như sau:

-- Cha chúng ta nói thật đúng sự thật:

Bậc La-hán, Thiện Thệ,
Bậc Chánh Giác ở đời,
Không dễ dùng ái dục,
Khéo nhiếp phục vị ấy.
Vị ấy đã vượt qua,
Quyền lực của Ác ma,
Do vậy ta sầu não,
Buồn phiền đến cực độ.

13) Nếu chúng ta tấn công với phương tiện này, một Sa-môn hay Bà-la-môn nào chưa ly ái dục, người ấy sẽ bể tim, hay miệng hộc máu nóng, hay bị loạn tâm, hay bị cuồng ý. Ví như một cây lau xanh bị gặt hái sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy. Cũng vậy, người ấy sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy.

14) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, liền đứng một bên.

15) Ðứng một bên, nữ ma Khát ái nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,
Ngài Thiền tư trong rừng,
Vì tài sản hao mòn,
Hay vì thèm tài sản?
Có thể tại xóm làng,
Ngài đã gây tội phạm,
Sao Ngài không làm thân
Với bà con xóm giềng?
Sao Ngài không có thể
Làm bạn với một ai?

16) (Thế Tôn):

Với mục đích đạt thành,
Với thân tâm an tịnh,
Ta chiến thắng quân binh.
Hình sắc lạc, khả ái.
Ta độc tọa Thiền tư,
Chứng ngộ chơn an lạc,
Do vậy, giữa chúng sanh,
Ta không bạn một ai.
Làm bạn với một ai,
Ðối với Ta không cần.

17) Rồi nữ ma Bất lạc nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Làm sao vị Tỷ-kheo,
Sống giữa nhiều chướng ngại,
Ðã vượt năm bộc lưu,
Lại gắng vượt thứ sáu?
Làm sao Thiền tư được,
Giữa rất nhiều dục tưởng,
Ðược giữ ngoài vị ấy,
Không bắt vị ấy được?

18) (Thế Tôn):

Với thân được khinh an,
Với tâm khéo giải thoát,
Không còn các sở hành,
Chánh niệm, không tham trước,
Biết rõ được Chánh pháp,
Không tầm, tu Thiền định.
Không phẫn nộ, vọng niệm,
Không thụy miên, giải đãi,
Như vậy vị Tỷ-kheo,
Sống giữa nhiều chướng ngại,
Ðã vượt năm bộc lưu,
Lại gắng vượt thứ sáu,
Như vậy tu Thiền tư,
Giữa rất nhiều dục tưởng,
Ðược giữ ngoài vị ấy,
Không bắt vị ấy được.

19) Rồi nữ ma Tham dục, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ðoạn tận được khát ái,
Sống giữa các chúng đoàn,
Phần lớn các chúng sanh,
Chắc chắn sẽ sống vậy.
Vị không tham trước này,
Sống từ bỏ đám đông,
Ðoạn tận dẫn quần sanh,
Thoát khỏi Ma vương quốc.

20) (Thế Tôn):

Thật vậy, chư Ðại Hùng,
Thật vậy, chư Như Lai,
Với chơn vi diệu pháp,
Hướng dẫn mọi quần sanh,
Ðược Chánh pháp hướng dẫn,
Dầu có ganh tức gì,
Không thể không biết vậy.

21) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Ác ma.

22) Và Ác ma thấy các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục từ xa đi lại. Thấy vậy, Ác ma liền nói lên bài kệ:

Các Ngươi thật kẻ ngu,
Lấy cành sen phá đá,
Lấy móng tay đào núi,
Lấy răng nhai sắt thép.
Các Ngươi thật giống người,
Lấy đầu húc đá tảng,
Cố gắng tìm chân đứng,
Trong vực thẳm thâm sâu.
Các Ngươi thật giống người,
Lấy ngực đâm lao nhọn.
Thất vọng, các Ông đến,
Giã từ Gotama.

23)

Trong áo xiêm lòe loẹt,
Con gái ma, chúng đến,
Khát ái và Bất lạc,
Cùng với nàng Tham dục.
Bậc Ðạo Sư quét sạch,
Các con gái Ác ma,
Như Thần gió quét sạch,
Các cây lá rơi rụng.

Tiêu điểm: