Nam truyền
Tương Ưng Bộ Kinh Samyutta Nikàya
10/07/2554 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tương Ưng Bộ Kinh
Samyutta Nikàya
Mục lục
Xem toàn bộ

[06] Chương VI

Tương Ưng Phạm Thiên

-ooOoo-

I. Phẩm Thứ Nhất

I. Thỉnh Cầu (S.i. 136)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Rồi Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên:

3) "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta."

4) Rồi những bài kệ vi diệu này, từ trước chưa từng được nghe, được Thế Tôn nói lên:

Pháp Ta chứng khó khăn,
Sao nay Ta nói lên?
Tham, sân chi phối ai,
Khó chứng ngộ pháp này.
Pháp này đi ngược dòng,
Vi diệu và thâm sâu,
Khó thấy, rất vi tế.
Những ai ưa ái dục,
Bị vô minh bao phủ,
Rất khó thấy pháp này.

5) Thế Tôn với suy tư như vậy, tâm hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được tâm tư Thế Tôn nhờ tâm tư của mình, liền suy nghĩ: "Thật sự thế giới bị tiêu diệt, thật sự thế giới bị diệt vong, nếu tâm Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp".

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi thẳng; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.

9) Phạm thiên Sahampati nói lên như vậy. Nói xong như vậy, vị ấy lại nói thêm như sau:

Tại xứ Magadha,
Thuở trước có hiện ra,
Tà pháp không thanh tịnh,
Do uế tâm suy diễn.
Mở cửa bất tử này,
Ðể họ được nghe pháp,
Do bậc Thánh vô uế,
Ðã chơn chánh giác ngộ.
Như đứng trên tảng đá,
Tại đỉnh một núi cao,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình.
Cũng vậy, Ngài Thiện Thệ,
Leo lên lầu Chánh pháp,
Biến nhãn, không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh
Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.
Anh hùng, hãy đứng lên,
Bậc Chiến thắng chiến trường,
Vị Trưởng đoàn lữ khách,
Ðấng Thoát ly nợ nần,
Thế Tôn hãy thuyết pháp,
Bộ hành khắp thế gian,
Có người nhờ được nghe,
Sẽ thâm hiểu diệu nghĩa.

10) Rồi Thế Tôn biết được lời thỉnh cầu của Phạm thiên, vì lòng thương xót đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn.

11) Thế Tôn trong khi nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.

12) Ví như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy, Thế Tôn trong khi với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác, và sự nguy hiểm của các hành động lỗi lầm.

13) Thấy vậy, Ngài trả lời cho Phạm thiên Sahampati với những bài kệ:

Hãy rộng mở cho họ,
Cửa trường sanh bất tử,
Hỡi những ai có tai,
Hãy giải thoát tà tín,
Ý thức sự nguy hại,
Ta sẽ có thuyết giảng
Pháp tốt đẹp vi diệu,
Giữa nhân loại, chúng sanh,
Ôi Phạm thiên Sahampati!

14) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được: "Ta đã tạo ra cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp", nên đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ ấy.

II. Cung Kính.

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Và Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật là khó khăn, sống không có cung kính, không có vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn".

3) Rồi Thế Tôn, suy nghĩ: "Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa các Sa-môn, giữa quần chúng loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giới uẩn cụ túc, tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

4) "Với mục đích làm cho đầy đủ định uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác..."

5) "Với mục đích làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa được đầy đủ..."

6) " Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa được đầy đủ..."

7) "Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, giữa loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giải thoát tri kiến uẩn tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

8) "Với pháp này, Ta đã chánh đẳng giác, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp này".

9) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

10) Rồi Phạm thiên Sahamapati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

11) -- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, trong thời quá khứ, các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, trong thời vị lai, các vị ấy sẽ thành A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy sẽ cung kính, tôn trọng và sẽ sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, mong rằng trong thời hiện tại, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác cũng cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp.

12) Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói như vậy, lại nói thêm như sau:

Chư Phật thời quá khứ,
Chư Phật thời vị lai,
Và đức Phật hiện tại,
Ðoạn sầu muộn nhiều người.
Tất cả các vị ấy,
Ðã, đang và sẽ sống,
Cung kính và tôn trọng,
Pháp chơn chánh vi diệu,
Pháp nhĩ là như vậy,
Ðối với chư Phật-đà.
Do vậy, muốn lợi ích,
Ước vọng làm Ðại nhân,
Hãy cung kính, tôn trọng
Pháp chơn chánh vi diệu,
Hãy ghi nhớ giáo pháp,
Chư Phật Chánh Ðẳng Giác.

III. Phạm Thiên.

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ con một nữ Bà-la-môn, tên là Brahmadeva đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn.

3) Rồi Tôn giả Brahmadeva sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay hiện tại với thắng trí tự mình chứng đắc, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Và Tôn giả Brahmadeva trở thành một vị A-la-hán.

4) Rồi Tôn giả Brahmadeva vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Trong khi bộ hành thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, Tôn giả Brahmadeva đi đến nhà người mẹ của mình.

5) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn, mẹ Tôn giả Brahmadeva, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ: "Nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva này, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên. Vậy ta hãy đến bà ấy và làm cho bà chấn động".

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trong nhà mẹ Tôn giả Brahmadeva.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này với nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva:

Ôi! Nữ Bà-la-môn,
Phạm thiên giới rất xa,
Chính Bà thường cúng dường,
Cho chính Phạm thiên ấy,
Món cúng dường như vậy,
Không món ăn Phạm thiên.
Người bập bẹ làm gì,
Chưa biết Phạm thiên đạo.
Này nữ Bà-la-môn,
Brahmadeva này
Là con trai của bà,
Ngài đoạn mọi sanh y,
Chứng pháp siêu Thiên giới,
Khất sĩ, không sở hữu,
Không nuôi dưỡng một ai.
Vị ấy nay đã đến,
Nhà Bà để khất thực,
Xứng đáng được cúng dường,
Thâm hiểu các Thánh điển,
Các căn khéo tu tập,
Nhơn, Thiên xứng cúng dường.
Vất ngoài mọi tà ác,
Thoát ly mọi nhiễm ô.
Ngài đi, tìm độ thực,
Lắng dịu mọi ưu phiền,
Về sau ngài không có,
Về trước, ngài cũng không.
Vắng lặng, không mù quáng,
Não phiền, không đắm say.
Ngài bỏ rơi gậy gộc,
Ðối kẻ yếu, người mạnh.
Mong ngài được thọ hưởng,
Món thượng vị Bà dâng,
Không bị ác quân phá,
Tâm tư thuần lắng dịu.
Như voi thuần, ngài đi,
Thoát ly mọi ái dục.
Vị Tỷ-kheo trì giới,
Tâm tư khéo giải thoát,
Hãy mời ngài thọ hưởng
Thượng vị Bà cúng dường.
Bà hãy dâng cúng dường.
Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,
Xứng đáng Bà cúng dường.
Hãy làm điều phước đức,
Dành an lạc đời sau.
Này nữ Bà-la-môn,
Nay Bà đã thấy Ngài.
Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,
Bậc vượt khỏi bộc lưu.

9)

Bà hãy dâng cúng dường
Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,
Xứng đáng Bà cúng dường.
Bà đã làm công đức,
Dành an lạc đời sau,
Này Nữ Bà-la-môn,
Nay bà đã thấy ngài,
Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,
Bậc vượt khỏi bộc lưu.

IV. Phạm Thiên Baka (S.i.142)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Phạm thiên Baka khởi lên ác tà kiến như sau: "Ðây là thường. Ðây là thường hằng. Ðây là thường trú. Ðây là viên mãn. Ðây là bất động. Ðây là không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và ở ngoài đây ra, không có một sự giải thoát nào khác".

3) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Phạm thiên Baka. Như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất ở Jetavana (Thắng Lâm) và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

4) Phạm Thiên Baka thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền bạch Thế Tôn:

-- Hãy đến đây, Tôn giả ! Ðón chào mừng Tôn giả! Thưa Tôn giả, đã từ lâu Tôn giả tạo ra cơ hội này, tức là đến đây. Thưa Tôn giả, đây là thường. Ðây là thường hằng. Ðây là thường trú. Ðây là viên mãn. Ðây là bất động. Ðây là không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi. Ngoài đây ra, không có một pháp giải thoát nào khác hơn.

5) Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Phạm thiên Baka:

-- Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ở đây, cái vô thường lại nói là thường. Cái không thường hằng lại nói là thường hằng. Cái không thường trú lại nói là thường trú. Cái không viên mãn lại nói là viên mãn. Cái không bất động lại nói là bất động. Và ở đây có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói ở đây không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và có pháp giải thoát khác nữa, lại nói là không có pháp giải thoát nào khác.

6) (Baka):

Này Ngài Gotama,
Bảy hai công đức nghiệp,
Chúng ta ngự thế giới,
Chinh phục sanh và già,
Ðây đời sống cuối cùng,
Thâm hiểu Thánh Vệ-đà,
Ðạt được Phạm thiên vị,
Nhiều người lễ bái ta.

7) (Thế Tôn):

Ngắn thay đời sống này,
Thọ mạng đâu có dài,
Chỉ có Ông, Baka,
Nghĩ rằng thọ mạng dài,
Ta biết thọ mạng Ông,
Này Brahma như vậy,
Khoảng trăm ngàn năm dư,
(Nirabbudànam).

8) (Baka):

Nếu Ngài là Thế Tôn,
Thấy được sự bất tận,
Ngài vượt qua, chinh phục,
Sanh già và sầu muộn,
Giới hạnh thuở xưa ấy,
Nào ích gì cho con,
Hãy nói lên cho con,
Ðể con biết rõ ràng.

9) (Thế Tôn):

Có khá đông nhiều người,
Khát nước và nhiệt não,
Quá khứ Ông cho uống,
Và cứu độ nhiều người.
Chính giới ấy, hạnh ấy
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức
Ta có nhớ như vậy.
Tại bờ sông Sơn Dương,
Khi quần chúng bị bắt,
Ông giải thoát cho họ,
Ông dắt trốn kẻ tù.
Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.
Khi giữa dòng sông Hằng,
Có thuyền bị công hãm,
Bởi loại rắn bạo ngược
Muốn nuốt sống loài Người,
Với sức mạnh thần lực,
Ông chinh phục, giải cứu,
Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.
Ta với tên Kappa,
Một thời đệ tử Ông,
Ta được Ông xác nhận,
Bậc thông minh trí tuệ,
Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.

10) (Baka):

Chắc chắn Ngài được biết,
Thọ sanh con như vậy,
Ngài cũng biết người khác,
Vì Ngài, bậc Giác Ngộ.
Như vậy oai đức Ngài,
Chói sáng là như vậy,
Hào quang Ngài sáng chói,
An trú Phạm thiên giới.

V. Tà Kiến Khác (S.i.144)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, một Phạm thiên khác có khởi lên một ác tà kiến như sau: "Không một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể đến ở đây".

3) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Phạm thiên ấy. Như người lực sĩ...,... hiện ra trong Phạm thiên giới ấy.

4) Rồi Thế Tôn ngồi kiết-già giữa hư không, trên đầu Phạm thiên ấy, toàn thân phun lửa.

5) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna khởi lên ý nghĩ: "Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?".

6) Mahà Moggallàna, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy Thế Tôn đang ngồi kiết-già giữa hư không, trên đầu Phạm thiên ấy, toàn thân phun lửa. Thấy vậy, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, ngài biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

7) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna ngồi kiết-già giữa hư không về phía Đông, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

8) Rồi Tôn giả Mahà Kasspa (Ðại Ca-diếp) khởi lên ý nghĩ: "Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?". Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Mahà Kassapa thấy Thế Tôn đang ngồi kiết-già giữa hư không...,... thấy vậy như nhà lực sĩ...,... cũng vậy, biến mất ở Jetavana, hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa ngồi kiết-già giữa hư không về phía Nam, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

9) Rồi Mahà Kappina (Ðại Kiếp-tân-na) khởi lên ý nghĩ: "Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?"

10) Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Mahà Kappina thấy Thế Tôn...,... toàn thân phun lửa. Thấy vậy, như nhà lực sĩ...,... cũng vậy biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Mahà Kappina ngồi kiết-già giữa hư không về phía Tây, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

11) Rồi Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà) khởi lên ý nghĩ: "Thế Tôn hiện nay đang trú ở đâu?". Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Tôn giả Anuruddha thấy...,... hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Anuraddha ngồi kiết-già giữa hư không về phía Bắc, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

12) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nói lên bài kệ với Phạm thiên ấy:

Này Hiền giả, hôm nay,
Người còn giữ tà kiến
Như tà kiến của Ông,
Ðã gìn giữ thời xưa.
Ông có thấy hào quang
Siêu việt Phạm thiên giới?

13) (Phạm thiên ấy):

Này Thân hữu, nay tôi
Không còn giữ tà kiến,
Như tà kiến của tôi,
Ðã gìn giữ thời xưa.
Tôi có thấy hào quang,
Siêu việt Phạm thiên giới,
Làm sao tôi chấp nhận:
"Tôi là thường, là hằng"?

14) Rồi Thế Tôn sau khi làm cho Phạm thiên ấy dao động, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất tại Phạm thiên giới ấy và hiện ra ở Jetavana.

15) Rồi Phạm thiên ấy gọi một Phạm thiên chúng:

-- Này Tôn giả, hãy đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna; sau khi đến, thưa với Tôn giả Mahà Moggallàna: "Thưa Tôn giả Moggallàna, bậc Thế Tôn ấy có những vị đệ tử nào khác, cũng có thần lực, cũng có uy đức như các Tôn giả Moggallàna, Kassapa, Kappina và Anuruddha?"

16) -- Thưa vâng, Tôn giả.

Phạm thiên chúng ấy vâng đáp Phạm thiên ấy và đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna.

17) Sau khi đến, vị ấy thưa với Tôn giả Mahà Moggallàna:

-- Thưa Tôn giả Moggallàna, bậc Thế Tôn ấy có những đệ tử nào khác, cũng có thần lực, cũng có uy đức như các Tôn giả Moggallàna, Kassapa, Kappina, Anuruddha?

18) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nói lên bài kệ với Phạm thiên chúng ấy:

Chứng ba minh thần lực,
Khéo đọc hiểu tâm người,
Bậc lậu tận La-hán,
Ðệ tử Phật rất nhiều.

19) Rồi Phạm thiên chúng ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Mahà Moggallàna nói, đi đến Ðại Phạm thiên; sau khi đến, nói với vị Phạm thiên ấy:

-- Thưa Tôn giả, Tôn giả Mahà Moggallàna nói như sau:

"Chứng ba minh thần lực,
Khéo đọc hiểu tâm người,
Bậc lậu tận La-hán,
Ðệ tử Phật rất nhiều."

20) Phạm thiên chúng ấy nói như vậy. Vị Phạm thiên kia hoan hỷ, tín thọ lời nói của Phạm thiên chúng ấy.

VI. Phóng Dật (S.i.146)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang Thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi hai Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Suddhavàsa đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, họ đứng mỗi người dựa vào một cột cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà nói với Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa:

-- Này Tôn giả, nay không phải thời để hầu thăm Thế Tôn, Thế Tôn đang Thiền tịnh vào buổi trưa. Và có một Phạm thiên giới phồn vinh và thịnh vượng, tại đấy có Phạm thiên an trú, sống phóng dật. Này Tôn giả, hãy đi đến Phạm thiên giới ấy; sau khi đến hãy làm cho Phạm thiên ấy dao động.

5) -- Thưa vâng, Thân hữu.

Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa vâng đáp Bích-chi Phạm thiên Subrahmà.

6) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa, như một lực sĩ...,... cũng vậy, các vị này biến mất trước mặt Thế Tôn và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

7) Phạm thiên này thấy các Phạm thiên kia từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với các vị Phạm thiên kia:

-- Này chư Tôn giả, chư Tôn giả từ đâu đến?

8) -- Này Tôn giả, chúng tôi đến, sau khi được diện kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tôn giả, Tôn giả nên đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

9) Khi được nói vậy, Phạm thiên này không để ý đến lời nói ấy, tự mình biến hình thành một ngàn thân, rồi nói với Bích-chi Phạm thiên Subrahmà:

-- Này Tôn giả, Tôn giả có thấy thần lực, uy đức của ta như vậy không?

10) -- Này Tôn giả, ta có thấy thần lực, uy đức của Tôn giả như vậy.

11) -- Này Tôn giả, thần lực và uy đức của ta như vậy, thời ta còn phải đi hầu thăm một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác để làm gì?

12) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà tự thân biến hình thành hai ngàn thân rồi nói với Phạm thiên kia:

-- Này Tôn giả, Tôn giả có thấy thần lực, uy đức của ta như vậy không?

13) -- Này Tôn giả, tôi có thấy thần lực, uy đức của Tôn giả như vậy.

14) -- Này Tôn giả, Thế Tôn có đại thần lực và đại uy đức thắng hơn Ông và ta nữa. Này Tôn giả, Tôn giả hãy đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác.

15) Rồi Phạm thiên kia nói lên bài kệ với Bích-chi Phạm thiên Subrahmà:

Ba hàng kim sí điểu,
Và bốn hàng thiên nga,
Năm hàng trăm hổ cái
Rực rỡ và sáng chói,
Cung điện này chiếu diệu,
Bừng sáng cả Bắc phương.

16) (Bích-chi Phạm thiên Subrahmà):

Dầu cho cung điện Ông,
Rực rỡ và chói sáng,
Chiếu diệu cả vòm trời,
Bừng sáng cả Bắc phương.
Bậc Thiện Thệ sáng suốt,
Thấy nguy hiểm trong sắc,
Luôn luôn phải biến hoại,
Nên không ái lạc sắc.

17) -- Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa; sau khi làm vị Phạm thiên ấy dao động, liền biến mất tại chỗ ấy.

18) Và Phạm thiên ấy, sau một thời gian đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác.

VII. Kokàlika (S.i,148)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn Thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đứng mỗi người dựa vào một cái trụ cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà vì Tỷ-kheo Kokàlika nói lên bài kệ trước mặt Thế Tôn:

Ai là người có trí,
Biết nhận xét phân tích,
Lại muốn đem ước lượng,
Bậc siêu vượt ước lượng?
Ta nghĩ kẻ phàm phu,
Bị hạn chế bao vây,
Làm sao ước lượng được,
Bậc siêu vượt ước lượng?

VIII. Tissaka (S.i,148)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi người đứng dựa vào một cột trụ cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà vì Tỷ-kheo Katamodaka Tissaka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ai là người có trí,
Biết nhận xét phân tích,
Lại muốn đem ước lượng,
Bậc siêu vượt ước lượng?
Ta nghĩ người vô trí,
Bị hạn chế bao vây,
Làm sao ước lượng được,
Bậc siêu vượt ước lượng?

IX. Tudubrahmà (S.i, 149)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ Tỷ-kheo Kokàlika bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi Bích-chi Phạm thiên Tudu khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Tỷ-kheo Kokàlika.

4) Sau khi đến, vị ấy đứng trên hư không, và nói với Tỷ-kheo Kokàlika:

-- Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa nhã.

5) -- Ông là ai, này Hiền giả?

6) -- Ta là Bích-chi Phạm thiên Tudu.

7) -- Này Hiền giả, phải chăng Ông đã được Thế Tôn nói là đã chứng quả Bất lai. Vậy Ông đến ở đời này làm gì? Ông có thấy lỗi lầm của Ông như thế nào?

Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy thân.
Ai khen kẻ làm bậy,
Ai chê người làm hay,
Tự nhen nhúm bất hạnh,
Do chính miệng của mình;
Chính do bất hạnh ấy,
Nên không được an lạc,
Nhỏ thay bất hạnh này,
Trong canh bạc rủi may,
Bị tan hoang tài sản,
Trong giờ phút đỏ đen!
Lớn hơn, sự bất hạnh,
Hơn mọi bất hạnh khác,
Do tự mình gây nên,
Cho tự ngã của mình!
Ai đối xử ác ý,
Với chư Phật, Thiện Thệ,
Phải trải qua thời gian,
Trăm ngàn, nhiều hơn nữa,
Ba mươi sáu và năm,
Trải thời gian thật dài.
Ai với lời và ý,
Phỉ báng bậc Hiền Thánh,
Dùng ác tâm chống đối,
Sẽ sa đọa địa ngục.

X. Kokàlika (S.i,119)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Sàriputta và Moggallàna là hạng ác dục. Họ bị ác dục chi phối.

4) Khi được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Kokàlika:

-- Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa ái.

5) Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn đáng tin tưởng, rất đáng tin cậy; nhưng Sàriputta và Moggallàna là hạng ác dục. Họ bị ác dục chi phối.

6) Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Kokalika:

-- Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa ái.

7) Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

-- ... Họ bị ác dục chi phối.

8) Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tỷ-kheo Kokàlika:

-- ... Sariputta và Moggallàna thật là hòa ái.

9) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên phải hướng về Ngài, rồi ra đi.

10) Tỷ-kheo Kokàlika ra đi không được bao lâu, toàn thân mọc lên những mụt nhọt lớn bằng hột cải. Từ hột cải, chúng lớn lên bằng hột đậu xanh (mugga). Từ hột đậu xanh, chúng lớn lên bằng hột đậu lớn (kalàya). Từ hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng rolatthi (hột cây jujube, cây táo). Từ hột rolatthi, chúng lớn lên bằng hột kolama. Từ hột kolama, chúng lớn lên bằng hột amala (a-ma-la quả). Từ quả amala, chúng lớn lên bằng quả beluva chưa chín. Từ quả beluva chưa chín, chúng lớn lên bằng quả billa. Từ hình lớn bằng quả billa, chúng nứt vỡ ra, chảy máu và mủ.

11) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàlika sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

12) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

13) Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàlika đã mệnh chung. Bạch Thế Tôn, sau khi mệnh chung Tỷ-kheo Kokàlika phải sanh vào địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

14) Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.

15) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, hồi hôm, Phạm thiên Sahampati, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: " Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Kokàlika đã mệnh chung. Và bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàlika sau khi mệnh chung đã sanh vào địa ngục Sen hồng với tâm thù hận đối với Tôn giả Sàriputta và Moggattàna". Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.

16) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, bao nhiêu lâu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?

17) -- Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng. Không dễ gì tính được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm.

18) -- Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng một ví dụ?

19) Thế Tôn đáp:

-- Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có một bao hột đậu mè, nặng hai mươi khàrika, theo đo lường ở nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh (với tuổi thọ) ở địa ngục Abhuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abhuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này-Tỷ kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ababa bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ahaha. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Sen trắng). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sen trắng bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sen hồng. Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Kokàlika sanh tại địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

20) Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:

Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy thân.
Ai khen kẻ làm bậy,
Ai chê người làm hay,
Tự nhen nhúm bất hạnh,
Do nơi miệng của mình,
Chính do bất hạnh ấy,
Nên không được an lạc.
Nhỏ thay bất hạnh này,
Trong canh bạc rủi may,
Bị tan hoang tài sản,
Trong giờ phút đỏ đen.
Lớn hơn sự bất hạnh,
Hơn mọi bất hạnh khác,
Do tự mình gây nên,
Cho tự ngã của mình.
Ai đối xử ác ý,
Với chư Phật, Thiện Thệ,
Phải trải qua thời gian,
Trăm ngàn nhiều hơn nữa,
Ba mươi sáu và năm,
Trải thời gian thật dài.
Ai với lời và ý,
Phỉ báng bậc Hiền Thánh,
Dùng ác tâm chống đối,
Sẽ sa đọa địa ngục.

 

II. Phẩm Thứ Hai

I. Sanamkumàra - Thường Ðồng tử (S.i,153)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), trên bờ sông Sappini.

2) Rồi Phạm thiên Sanamkumàra, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng bờ sông Sappini, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, Phạm thiên Sanamkumàra nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Sát-đế-lỵ tối thắng,
Giữa người tin giai cấp.
Vị đầy đủ trí, đức,
Tối thắng giữa Nhơn, Thiên.

4) Phạm thiên Sanamkumàra nói như vậy, và bậc Ðạo Sư chấp nhận.

5) Rồi Phạm thiên Sanamkumàra biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta", đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

II. Devadatta (S.i,153)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, trên núi Linh Thứu, khi Devadatta bỏ đi không bao lâu.

2) Rồi Phạm thiên Sahampati, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng núi Linh Thứu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

3) Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Devadatta:

Cây chuối bị trái giết,
Cũng vậy cây tre, lau.
Danh vọng giết kẻ ác,
Như thai giết con la.

III. Andhakavinda (S.i,154)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Andhakavinda.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong bóng đêm, trong khi trời mưa từng hột một.

3) Rồi Phạm thiên Sahampati, trong khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Andhakavinda, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

4) Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy ở chỗ núi non,
Xa vắng các xóm làng,
Hãy sống đời giải thoát,
Từ bỏ các kiết sử !
Nếu tại đấy không đạt
Ðiều Ông ưa, Ông thích,
Hãy sống giữa chúng Tăng,
Hộ trì, giữ chánh niệm,
Và bộ hành khất thực,
Nhà này đến nhà khác,
Các căn được hộ trì,
Thận trọng, giữ chánh niệm.
Hãy ở chỗ núi non,
Xa vắng các xóm làng,
Thoát ly mọi sợ hãi,
Vô úy, sống giải thoát.
Những chỗ có rắn độc,
Có đêm chớp, sấm vang,
Trong đêm đen tối mịt,
Vị Tỷ-kheo lặng ngồi,
Không run, không hoảng sợ,
Lông tóc không dựng ngược,
Chính mắt con thấy vậy,
Không phải chỉ nghe đồn.
Chính trong một Phạm hạnh,
Ngàn người thoát tử thần.
Hơn năm trăm hữu học,
Mười, mười lần một trăm,
Tất cả chúng Dự lưu,
Khỏi sanh loại bàng sanh.
Còn các vị còn lại,
Theo con đều hưởng phước,
Con đếm không kể xiết,
Sợ rơi vào vọng ngữ.

IV. Arunavàti (S.i,155)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi...,...

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo.

3) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

5) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Arunavà. Này các Tỷ-kheo, kinh đô vua Arunavà này tên là Arunavati. Này các Tỷ-kheo, gần kinh đô Arunavati, Thế Tôn Sikhì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác an trú.

6) Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có hai vị đệ tử xuất chúng, thượng túc, tên là Abhibhu và Sambhava.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi Tỷ-kheo Abhibhu:

" -- Này Bà-la-môn, chúng ta hãy đi đến một Phạm thiên giới cho đến thời dùng bữa ăn".

8) "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn."

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, hai vị biến mất ở kinh đô Arunavati và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Chánh Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

" -- Này Bà-la-môn, hãy nói bài pháp cho Phạm thiên này, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên".

11) "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn."

Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuyên thuyết bài pháp cho Phạm thiên ấy, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên, khích lệ, làm họ phấn khởi, làm họ hoan hỷ.

12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối và nói rằng: "Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Ðạo Sư?".

13) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

"-- Này Bà-la-môn, Phạm thiên, Phạm thụ thiên, và Phạm chúng thiên ấy cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối, nói rằng: 'Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Ðạo Sư?' Vậy này Bà-la-môn, hãy làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên càng dao động bội phần hơn nữa".

14) "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hiện thân thuyết pháp, tàng thân thuyết pháp, hiện nửa thân dưới không hiện nửa thân trên thuyết pháp, hiện nửa thân trên không hiện nửa thân giữa thuyết pháp.

15) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên, tâm khởi lên hy hữu, kỳ diệu nói rằng: "Thật là hy hữu, thật là kỳ diệu, đại thần lực và đại uy lực của vị Sa-môn".

16) Rồi Tỷ-kheo Abhibhu bạch Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

"-- Bạch Thế Tôn, con xác nhận với lời nói này giữa chúng Tỷ-kheo Tăng: "Ðứng ở Phạm thiên giới, con có thể khiến cho ngàn thế giới nghe được tiếng của con."

17) "-- Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, Ông hãy đứng ở Phạm thiên giới và làm cho ngàn thế giới nghe được tiếng nói của ông".

18) "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đứng ở Phạm thiên giới và nói lên bài kệ này:

"Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo,
Hãy đánh bại Ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong pháp luật này,
An trú không phóng dật,
Ðoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau".

19) Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, sau khi làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên dao động, như người lực sĩ...,... biến mất ở Phạm thiên giới ấy và hiện ra ở Arunavati.

20) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các vị Tỷ-kheo:

"-- Này các Tỷ kheo, các Ông có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, nói lên không?".

21) "-- Bạch Thế Tôn, chúng con có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên."

22) "-- Này các Tỷ-kheo, như thế nào các ông nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng lên tại Phạm thiên giới đã nói lên?"

23) "-- Bạch Thế Tôn, chúng con nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên như sau:

Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo.
Hãy đánh bại Ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong pháp luật này,
Ai trú không phóng dật,
Ðoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau.

24) Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con đã nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên."

25) "-- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo. Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông đã được nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, đã nói lên".

26) Thế Tôn đã nói như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

V. Parinibhàna - Bát-Niết-Bàn (S.i,157)

1) Một thời Thế Tôn ở Kusinàrà, tại Upavattana, trong rừng cây ta-la, giữa dân chúng Mallà, giữa hai cây ta-la song thọ trong khi Ngài nhập Niết-bàn.

2) Rồi Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên các Ông, hãy tinh tấn, chớ phóng dật. Các pháp hữu vi là vô thường. Ðây là những lời cuối cùng của Như Lai.

3) Rồi Thế Tôn vào định sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ thư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

4) Ra Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Thế Tôn liền nhập diệt.

5) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Phạm thiên Brahmà nói lên bài kệ:

Mọi sinh vật ở đời,
Tử bỏ thân năm uẩn,
Bậc Ðạo Sư cũng vậy,
Ðấng Tuyệt Luân trên đời,
Như Lai, đấng Hùng Lực,
Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

6) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Thiên chủ Sakha nói lên bài kệ:

Các hành là vô thường,
Có sanh phải có diệt,
Sau khi sanh, chúng diệt,
Tịnh chỉ chúng, an lạc.

7) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Tôn giả Anada nói lên bài kệ:

Thật kinh khủng bàng hoàng,
Thật lông tóc dựng ngược,
Bậc Thắng Tướng đầy đủ,
Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

8) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này Tôn giả Anuruddha (A-nậu-lâu-đa) nói lên bài kệ:

Không thở ra, thở vào,
Tâm trú vào chánh định,
Không tham ái, tịch tịnh,
Bậc Biến Nhãn diệt độ.
Với tâm an, bất động,
Ngài cảm thọ lâm chung,
Như đèn sáng chợt tắt,
Tâm giải thoát Niết-bàn.

Tiêu điểm: