[44] Chương X
Tương Ưng Không Thuyết
-ooOoo-
I. Trưởng Lão Ni Khemà (S.iv,374)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana,
vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Khemà đang đi du hành
giữa dân chúng Kosala và trú ở tại Toranavatthu, giữa Sàvatthi và Sàketà.
3) Vua Pasenadi nước Kosala cũng đang đi từ Sàketa
đến Sàvatthi và trú một đêm ở Toranavatthu, giữa Sàketa và Sàvatthi.
4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi một người và
nói:
-- Hãy đến, này Người kia. Ông có biết vị
Sa-môn hay Bà-la-môn nào ở tại Toranavatthu để hôm nay ta có thể
đến yết kiến vị ấy?
-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi tìm
khắp Toranavatthu không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vua Pasenadi
nước Kosala có thể đến yết kiến.
5) Rồi người ấy thấy Tỷ-kheo-ni Khemà đến trú
ở Toranavatthu; sau khi thấy, người ấy đi đến vua Pasenadi nước Kosala và
thưa:
-- Tâu Ðại vương, tại Toranavatthu không có vị Sa-môn
hay Bà-la-môn nào để Ðại vương có thể yết kiến. Nhưng tâu
Ðại vương, có Tỷ-kheo-ni Khemà là đệ tử của Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền
đi về bậc nữ Tôn giả ấy: "Nữ Tôn giả là bậc hiền trí, thông
minh, có trí, nghe nhiều, lời nói đến tâm, ứng đáp lanh lợi".
Ðại vương có thể đến yết kiến vị ấy.
6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Tỷ-kheo-ni
Khemà; sau khi đến, đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với
Tỷ-kheo-ni Khemà:
-- Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết
không?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời:
"Như Lai có tồn tại sau khi chết".
8) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn
tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
9) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại
và không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
10) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
11) -- Ðược hỏi: "Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có
tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại
vương, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi
chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải
Như Lai không tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời:
"Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không có
tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn
giả, có phải Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Nữ
Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời:
‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược
hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu
Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết"". Thưa Nữ Tôn giả, do nhân gì,
do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?
12)-- Vậy thưa Ðại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Ðại
vương. Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.
13) Ðại vương nghĩ thế nào, thưa Ðại vương,
Ðại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào
có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm
hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như
vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
14) -- Ðại vương có người kế toán nào, có người
chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước
của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy,
có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
-- Vì sao?
-- Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô
lường, khó dò đến đáy.
15) -- Cũng vậy, thưa Ðại vương, nếu có người
muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupeena), nhưng sắc thân ấy, Như
Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho
không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được
giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Ðại vương, Như Lai là
thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói
rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận.
Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không
thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau
khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp
nhận.
16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua
cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận
gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho
không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng
của cảm thọ. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không
thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn
tại sau khi chết", không thể chấp nhận... Nói rằng: "Như Lai
không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không
thể chấp nhận.
17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua
các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đã đoạn tận,
cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái
sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi
sự ước lượng của thức. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường,
không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai
không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói
rằng: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết",
cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
20) Rồi vua Pasanadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ
lời của Tỷ-kheo-ni Khemà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ
Tỷ-kheo-ni Khemà, thân phía hữu hướng về Nữ Tôn giả rồi ra đi.
21) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau một thời gian, đi
đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên.
22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế
Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết
không?
-- Thưa Ðại vương, Ta không trả lời: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết".
23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn
tại sau khi chết?
-- Thưa Ðại vương, Ta cũng không trả lời: "Như
Lai không có tồn tại sau khi chết".
24-25)... (Như trên)...
26-34... (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những
thay đổi cần thiết)...
35) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy
hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý
nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự
tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến
Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả
lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này,
giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu,
bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với
ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa,
không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con
phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.
-- Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì
Ðại vương nghĩ là hợp thời.
37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ
lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân
bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
II. Anuràdha. (S.iv380)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở
Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha đang ở một ngôi chòi
trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
3) Rồi rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến Tôn
giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào
đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu,
liền ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy thưa với Tôn
giả Anuràdha:
-- Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng
Nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng.
Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai
có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết".
-- Thưa chư Hiền, Như Lai ấy là bậc Thượng nhân,
bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai
ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp sau đây: "Như Lai có tồn tại
sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có
tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết".
Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói
với Tôn giả Anuràdha:
-- Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia không bao
lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông
minh.
5) Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách
(apasàdetvà) Tôn giả Anuràdha là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ
ngồi đứng dậy và ra đi.
6) Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các du sĩ ngoại đạo
ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ: "Nếu các du sĩ ngoại đạo
ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu ta
trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không
có xuyên tạc Thế tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp,
thuận pháp, và những ai nói lời tương ứng đúng pháp, không có cơ hội
để chỉ trích".
7) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi
đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế
Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con trú trong một ngôi
chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi, bạch Thế Tôn, rất
nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến con, sau khi đến, nói lên với con
những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm
thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, các
du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là
bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị
tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp:
‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi
chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai
không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’". Bạch Thế
Tôn, khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:
"Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân,
là bậc đã đạt được địa vị tối thắng. Bậc Như Lai ấy được trình bày
ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay
Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn
tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết"". Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con:
"Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia chưa bao lâu. Hay nếu là
vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh". Các du sĩ
ngoại đạo ấy, sau khi chê trách con là người mới tu và ngu si, liền từ
chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
9) Bạch Thế Tôn, khi các vị du sĩ ngoại đạo ấy đi
không bao lâu con suy nghĩ như sau: "Nếu các vị du sĩ ngoại đạo ấy
hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu trả
lời của ta cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta
không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng
pháp, thuận pháp và những ai nói lời tương ưng đúng pháp, không có cơ hội
để chỉ trích".
10)-- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là
thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có
hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi.
Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ là thường hay vô thường?. .. Tưởng là
thường hay vô thường?... Các hành là thường hay vô thường?. .. Thức là
thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có
hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi.
Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11) -- Do vậy, này Anuràdha, phàm có sắc gì quá khứ,
vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt
hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí
tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi.
Cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, quá khứ, vị
lai, hiện tại... Phàm có tưởng gì... Phàm có các hành gì... Phàm có
thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay
tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như
thật quán với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái
này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi".
12) Thấy vậy, này Anuràdha, vị Ða văn Thánh đệ tử
nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với
tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán
nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải
thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy
biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm
đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
13) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán
sắc là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán thọ là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán tưởng là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán các hành là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán thức là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14-18) -- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có
quán Như Lai ở trong sắc không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong thọ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong các hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong thức không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
19-20) -- Ông nghĩ như thế nào, này Anuràdha, Ông
có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có
thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Ở đây, này Anuràdha, Ông ngay trong hiện
tại không có nắm được Như Lai một cách chân thật, một cách xác chứng,
thời có hợp lý chăng khi Ông tuyên bố về Như Lai rằng:
"Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân,
là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như
Lai ấy được biết đến ngoài bốn trường hợp sau đây: ‘Như Lai
có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay
Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết"".
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Lành thay, lành thay! Này Anuràdha. Trước đây và
hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.
III. Sàriputta-Kotthika (1) (hay Trú trước)
(S.iv,384)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika
trú ở Barànasi, tại Isipatana, trong vườn Nai.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ
chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi
đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Mahà Kotthika nói với Tôn giả
Sàriputta:
-- Thưa Hiền giả Sàriputta, Như Lai có tồn tại sau
khi chết hay không?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn không trả lời:
"Như Lai có tồn tại sau khi chết".
4)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai không tồn
tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai không tồn tại sau khi chết".
5)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai có tồn tại
và không tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
6)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
7) -- Ðược hỏi: "Thưa Hiền giả, Như Lai có
tồn tại sau khi chết không?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền
giả, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi
chết"". Ðược hỏi: "Thưa Hiền giả, thế là Như Lai
không tồn tại sau khi chết?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền
giả, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại sau khi
chết’". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai
có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Hiền giả trả lời:
"Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn
tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thưa
Hiền giả, thế là Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn
cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết"". Thưa Hiền giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế
Tôn lại không trả lời?
8) "Như Lai có tồn tại sau khi chết", thưa
Hiền giả, là chấp trước sắc. "Như Lai không có tồn tại sau khi
chết" là chấp trước sắc. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại
sau khi chết" là chấp trước sắc. "Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc.
9) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là
chấp trước thọ. "Như Lai không có tồn tại sau khi chết" là
chấp trước thọ. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi
chết" là chấp trước thọ. "Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ.
10) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là
chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp
trước tưởng. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"
là chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết" là chấp trước tưởng.
11) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là
chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là
chấp trước các hành. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi
chết" là chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành.
12) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là
chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp
trước thức. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"
là chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết" là chấp trước thức.
13) Này Hiền giả, do nhân này, do duyên này, Thế
Tôn không trả lời.
IV. Sàriputta - Kotthika (2) (hay Tập khởi) (S.iv,387)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika
trú ở Bàranasi (Ba-la-nại), tại Isipatana, chỗ vườn Nai...
2-7) -- Thưa Hiền giả, do nhân gì Thế Tôn không
trả lời câu hỏi ấy?
8) -- Thưa Hiền giả, do không như thật biết, như
thật thấy sắc; do không như thật biết, như thật thấy sắc tập khởi; do
không như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt; do không như thật
biết, như thật thấy con đường đưa đến sắc đoạn diệt nên mới
có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai
không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại
sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết..".
9-11). .. thọ... tưởng... các hành...
12) Do không như thật biết, như thật thấy thức; do
không như thật biết, như thật thấy thức tập khởi; do không như thật
biết, như thật thấy thức đoạn diệt; do không như thật biết, như
thật thấy con đường đưa đến thức đoạn diệt nên mới có quan
điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có
tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi
chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
13) Do như thật biết, như thật thấy sắc; do như
thật biết, như thật thấy sắc tập khởi; do như thật biết, như thật
thấy sắc đoạn diệt; do như thật biết, như thật thấy con đường đưa
đến sắc đoạn diệt nên không có quan điểm rằng: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như
Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết".
14-16). .. thọ... tưởng... các hành...
17) Do như thật biết, như thật thấy thức; do như
thật biết, như thật thấy thức tập khởi; do như thật biết, như thật
thấy thức đoạn diệt; do như thật biết, như thật thấy con đường đưa
đến thức đoạn diệt nên không có quan điểm rằng: "Như Lai có
tồn tại sau chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai
có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết".
18) Thưa Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên,
đây là lý do mà Thế Tôn không trả lời vấn đề ấy.
V. Sàriputta - Kotthika (3) (hay Ái) (S.iv,368)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika
trú ở Bàranasi (Ba-la-nại), tại Isipatana, chỗ vườn Nai...
2-7) -- Thưa Hiền giả, do nhân gì, do duyên gì,
Thế Tôn không trả lời câu hỏi ấy?
8) -- Thưa Hiền giả, đối với ai chưa đoạn trừ tham
đối với sắc, chưa đoạn trừ dục, chưa đoạn trừ ái, chưa đoạn trừ khát,
chưa đoạn trừ nhiệt tâm, chưa đoạn trừ khát ái, thời người ấy có quan
điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn
tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết.
Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
9-11). .. đối với thọ... đối với tưởng... đối
với các hành...
12) Thưa Hiền giả, đối với ai chưa đoạn trừ tham
đối với thức, chưa đoạn trừ dục, chưa đoạn trừ ái chưa đoạn trừ khát,
chưa đoạn trừ nhiệt tâm, chưa đoạn trừ khát ái, thời người ấy có quan
điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn
tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết.
Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) Này Hiền giả, đối với ai đã đoạn trừ tham
đối với sắc, đã đoạn trừ dục, đã đoạn trừ ái, đã đoạn trừ khát, đã
đoạn trừ nhiệt tâm, đã đoạn trừ khát ái, người ấy sẽ không có quan
điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn
tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết.
Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
14-16) ... đối với thọ... đối với tưởng... đối
với các hành...
17) Này Hiền giả, đối với ai đã đoạn trừ lòng
tham đối với thức, đã đoạn trừ dục, đã đoạn trừ ái, đã đoạn trừ khát,
đã đoạn trừ nhiệt tâm, đã đoạn trừ khát ái, thời người ấy không có
quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau chết. Hay Như Lai không có tồn
tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết.
Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
18) Này Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên,
đây là lý do mà Thế Tôn không trả lời vấn đề ấy.
VI. Sàriputta - Kotthika (4) (hay Vườn) (S.iv,388)
I
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika
trú ở Bàranasì, tại Isipatana, ở vườn Nai.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ
tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kotthika; sau khi đến, nói
lên với Tôn giả Mahà Kotthika những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả
Kotthika:
-- Thưa Tôn giả Kotthika, Như Lai có tồn tại sau khi
chết?... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?...
Ðược hỏi vậy, Hiền giả trả lời: "Thế Tôn không trả lời:
‘Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết"".
Do nhân gì, thưa Hiền giả, do duyên gì, Thế Tôn
không trả lời vấn đề ấy?
4) -- Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc sắc, ưa
thích sắc, hoan hỷ sắc, không như thật biết, như thật thấy sắc đoạn
diệt, thời người ấy có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi
chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết". Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc thọ, ưa thích
thọ, hoan hỷ thọ, không như thật biết, như thật thấy thọ
đoạn diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại
sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết"... tưởng... các hành... Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc
thức, ưa thích thức, hoan hỷ thức, không như thật biết, như thật thấy
thức đoạn diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết".
5) Này Hiền giả, đối với ai không ái lạc sắc,
không ưa thích sắc, không hoan hỷ sắc, như thật biết, như thật thấy
sắc đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai
có tồn tại sau khi chết. .. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết". Thưa Hiền giả, với ai không còn ái lạc thọ...
tưởng... các hành... không ái lạc thức, không ưa thích thức, không hoan
hỷ thức, như thật biết, như thật thấy thức đoạn diệt, thời
người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi
chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
6) Này Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên, đây
là lý do mà Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
II
7) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do đấy
Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
8) Ai còn ái lạc hữu, thưa Hiền giả, ưa thích hữu,
hoan hỷ hữu, không như thật biết, không như thật thấy hữu đoạn
diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau
khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
9) Ai không còn ái lạc hữu, thưa Hiền giả, không
ưa thích hữu, không hoan hỷ hữu, như thật biết, như thật thấy hữu
đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết".
10) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế
Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
III
11) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy
Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
12) Ai còn ái lạc thủ, thưa Hiền giả, ưa thích
thủ, hoan hỷ thủ, không như thật biết, như thật thấy thủ đoạn
diệt, thời người ấy có những quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau
khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
13) Ai không còn ái lạc thủ, thưa Hiền giả, không
ưa thích thủ, không hoan hỷ thủ, như thật biết, như thật thấy thủ
đoạn diệt, thời người ấy không có những quan điểm: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết".
14) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế
Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
IV
15) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy
Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
16) Với ai còn ái lạc ái, thưa Hiền giả, ưa thích
ái, hoan hỷ ái, không như thật biết, không như thật thấy ái đoạn
diệt, thời người ấy có những quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau
khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
17) Với ai, thưa Hiền giả, không còn ái lạc ái,
không ưa thích ái, không hoan hỷ ái, và như thật biết, như thật thấy
ái đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai
có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết".
18) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế
Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
V
19) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy
Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, sao Hiền
giả còn muốn hỏi thêm chi nữa. Ðối với Tỷ-kheo đã được giải thoát
nhờ đoạn tận ái, thời không còn gì để nêu rõ là được tăng trưởng.
VII. Moggalàna (hay Xứ) (S.iv.391)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Tôn giả Mahà
Moggalàna; sau khi đến, nói với Tôn giả Mahà Moggalàna những lời chào
đón hỏi thăm, sau khi nói những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền
ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Tôn giả
Mahà Moggalàna:
-- Thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là thường còn?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế
giới là thường còn".
4) -- Vậy thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là vô
thường?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Thế giới là vô thường".
5) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải thế giới là
hữu biên?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế
giới là hữu biên".
6) -- Vậy thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là vô
biên?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời:
"Thế giới là vô biên".
7) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải sinh mạng và thân
thể là một?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Sinh mạng
và thân thể là một".
8)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy sinh mạng và thân
thể là khác?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Sinh
mạng và thân thể là khác".
9)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải Như Lai có tồn
tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai
có tồn tại sau khi chết".
10)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai không có tồn
tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai không có tồn tại sau khi chết".
11) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai có tồn tại
và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
12)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai không tồn tại
và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì
các vị du sĩ ngoại đạo, khi được hỏi như thế này, thời trả lời như
thế này: "Thế giới là thường còn. Hay thế giới là vô
thường. Hay thế giới là hữu biên. Hay thế giới là vô biên. Hay sinh
mạng và thân thể là một. Hay sinh mạng và thân thể là khác. Hay Như
Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết.
Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
14) Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì,
Sa-môn Gotama, khi được hỏi như thế này, thời không trả lời như thế
này: "Thế giới là thường còn. Hay thế giới là vô thường. Hay
thế giới là hữu biên. Hay thế giới là vô biên. Hay sinh mạng và thân
thể là một. Hay sinh mạng và thân thể là khác. Hay Như Lai có tồn tại
sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có
tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết"?
15) -- Này Vaccha, vì rằng các du sĩ ngoại đạo quán con
mắt là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi";. .. quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý
là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi. Cái này là tự ngã của
tôi". Do vậy, các du sĩ ngoại đạo, nên khi được hỏi như vậy, trả lời
như vầy: "Thế giới là thường còn... Hay Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết".
16) Và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, này
Vaccha, quán con mắt là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải
là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi"... quán tai... quán mũi...
quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này không phải của tôi.
Cái này không phải là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi". Do
vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không có trả lời như vầy: "Thế
giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
17) Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy đi
đến Thế Tôn; sau khi đi đến, nói lên với Thế Tôn những lời
chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu
liền ngồi xuống một bên.
18) Ngồi một bên, Vacchagotta bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, thế giới thường còn?
-- Này Vaccha, Ta không trả lời: "Thế giới là
thường còn".
19-26)... (như trên)...
27) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
28) -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì các
du sĩ ngoại đạo, khi được hỏi như vậy, thời trả lời như vầy: "Thế
giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết"? Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, khi Tôn giả Gotama
được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường
còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
29)-- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán con mắt là:
"Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi",
quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái
này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi". Do vậy,
các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, nên trả lời như vầy:
"Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết".
30) Còn Như Lai, này Vaccha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác, quán con mắt là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải
là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi", quán tai... quán mũi...
quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này không phải của tôi.
Cái này không phải là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi". Do
vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không trả lời như vầy: "Thế
giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết".
31) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy
hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Vì rằng giữa Ðạo sư với nam đệ tử, ý
nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự
tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
32) Thưa Tôn giả Gotama, nay con đi đến Sa-môn Mahà
Moggalàna và nói về ý nghĩa này. Sa-môn Moggalàna, với những câu như
thế này, với những lời như thế này đã trả lời về ý nghĩa
này giống như Tôn giả Gotama. Vì rằng giữa Ðạo sư với nam đệ tử, ý
nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự
tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
VIII. Vaccha (hay Trói buộc) (S.iv,395)
1) ...
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi
đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, thế giới có phải là thường
còn?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Thế giới
là thường còn..".
4-11)... (như trên)...
12) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải Như Lai không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, các
du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, thời trả lời như vầy: "Thế
giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Tôn giả Gotama
được hỏi như vậy, lại không trả lời: "Thế giới là thường còn...
Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
14) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là
tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc. Họ quán thọ như là tự ngã... quán tưởng... quán các
hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở
trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được
hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn...
Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
15) Như Lai, này Vaccha, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay sắc
không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán thọ
không phải tự ngã... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là
tự ngã, hay tự ngã không phải có thức, hay thức không ở trong tự ngã, hay tự
ngã không ở trong thức. Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, lại không trả
lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết".
16) Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta từ chỗ ngồi
đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Moggalàna; sau khi đến, nói lên với
Tôn giả Mahà Moggalàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những
lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
17) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta nói với Tôn giả
Mahà Moggalàna:
-- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải thế giới là
thường còn?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế
giới là thường còn".
18-26)... (như trên)...
27) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không có trả lời: "Như
Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
28) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì,
các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy:
"Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Moggalàna,
Sa-môn Gotama khi được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế
giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết"?
29) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là
tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở
trong sắc. Họ quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức
như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự
ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy,
liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
30) Còn Như Lai, này Vaccha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, quán
sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán
thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là tự ngã,
hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không có trả lời như vầy:
"Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết".
31) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Moggalàna! Vì
rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn
với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn,
tức là tối thượng văn cú.
32) Thưa Tôn giả Moggalàna, nay tôi đi đến Sa-môn
Gotama, sau khi đến tôi hỏi về ý nghĩa này. Sa-môn Gotama với những
câu văn, với những lời văn đã trả lời về ý nghĩa này giống như
Tôn giả Moggalàna. Thật vi diệu thay, Tôn giả Moggalàna! Thật hy hữu thay,
Tôn giả Moggalàna! Vì rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với
ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa,
không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
IX. Luận Nghị Ðường (Kutùhalasàlà) (S.iv,398)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi
đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những
ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo
ngồi tụ tập, tụ hội tại Luận nghị đường, và câu chuyện sau đây được
khởi lên: "Vị Pùrana Kassapa này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư
trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái,
được quần chúng tôn sùng". Khi nói về một đệ tử từ trần,
mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại
chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ tử là vị
thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ
trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh
tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này".
4-9) Makkhali Gosàla... Nigantha Nàtaputta... Sanjaya
Belatthiputta... Pakuddha Kaccàyana... vị Ajita Kesakambala này là vị hội chủ, vị
giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai
tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử từ
trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh
tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ tử là vị
thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ
trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh
tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này".
10) Còn Sa-môn Gotama này là vị hội chủ, vị giáo
trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ
giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử đã từ
trần, đã mệnh chung, Sa-môn Gotama nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị
này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ
tử là bậc thượng nhân, tối thắng nhân đã đạt địa vị tối thượng, khi vị
này từ trần, mệnh chung, Sa-môn Gotama không có trả lời: "Vị này sanh
tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nhưng Ngài nói về vị
ấy như sau: "Vị ấy đã chặt đứt ái, đã phá hủy các kiết phược,
nhờ chơn chánh thấy rõ kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau".
11) Thưa Tôn giả Gotama, con có khởi lên phân vân và
nghi ngờ như sau: "Như thế nào, cần phải thấu hiểu pháp của
Sa-môn Gotama?"
12) -- Này Vaccha, thôi vừa rồi sự phân vân của Ông.
Thôi vừa rồi sự nghi ngờ của Ông. Chính do trên điểm Ông phân vân mà
nghi ngờ được khởi lên. Ta tuyên bố sự sanh khởi, này Vaccha, đối với những
ai có chấp thủ, không phải đối với ai không có chấp thủ.
13) Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi
nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng
vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ
(sanh y), không phải với người không có chấp thủ.
14) -- Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi
ngọn lửa đi thật xa, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên
liệu cho ngọn lửa này?
-- Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi
thật xa, thời Ta nói chính gió là nhiên liệu. Trong khi ấy, này Vaccha,
chính gió là nhiên liệu (upàdàna).
15) -- Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình
quăng bỏ thân này để sanh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên
bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?
-- Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân
này và sanh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính
ái (tanhà) là nhiên liệu (upàdànam).
X. Ananda (hay Sự có mặt của ngã) (S.iv,400)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi
đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
Khi được hỏi vậy, Thế Tôn im lặng.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
Lần thứ hai, Tôn giả Gotama giữ im lặng.
Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy và ra
đi.
4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du sĩ Vacchagotta ra đi
không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời
câu hỏi của du sĩ Vacchagotta?
5) -- Này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã
không?", và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã", như
vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường
kiến.
6) Và này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải
không có tự ngã?"Và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có
tự ngã", như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn
chấp đoạn kiến.
7) Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự
ngã không?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã",
như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: "Tất cả
các pháp là vô ngã"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
8) -- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có
phải không có tự ngã?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không
có tự ngã", như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ
ngác bối rối hơn nữa: "Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã
nữa".
XI.Sabhiya (S.iv,401)
1) Một thời, Tôn giả Sabhiya Kaccàna trú ở Nàtika, tại
ngôi nhà bằng gạch.
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Tôn giả Sabhiya
Kaccàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sabhiya Kaccàna những lời chào
đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi
ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta nói với Tôn giả
Sabhiya Kaccàna như sau:
-- Thưa Tôn giả Kaccàna, có phải Như Lai có tồn tại
sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai
có tồn tại sau khi chết".
4) -- Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai không
tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai không tồn tại sau khi chết".
5) Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai có tồn
tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
6) -- Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai không
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như
Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
7) -- Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi:
"Như Lai có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả lại nói: "Này
Vaccha, Thế Tôn không có trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi
chết’"?
8) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi:
"Như Lai không có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả lại nói:
"Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau
khi chết""?
9) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi:
"Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả
lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại
và không có tồn tại sau khi chết’"?
10) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi:
"Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?" Tôn
giả lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai
không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"".
11) Thưa Tôn giả Kaccàna, do nhân gì, do duyên gì,
Sa-môn Gotama lại không trả lời về vấn đề ấy?
12) -- Này Vaccha, do nhân gì, do duyên gì, mà trình bày
người ấy là có sắc, hay không có sắc, có tưởng hay không có tưởng, không
có tưởng hay không không có tưởng, thì khi nhân ấy, duyên ấy được đoạn
diệt không có dư tàn, một cách toàn diện, một cách hoàn toàn, khi ấy
lấy cái gì để trình bày người ấy là có sắc, hay không có sắc, có
tưởng hay không có tưởng, không có tưởng hay không không có tưởng?
13) -- Này Tôn giả Kaccàna, Tôn giả xuất gia đã bao
lâu?
-- Thưa Hiền giả, không lâu, chỉ có ba năm.
14) -- Hãy xem, với thời gian ngắn như vậy, lại được
thấy nhiều như vậy. Còn nói gì đến các vấn đề vi diệu!