Tịnh độ
Khóa Hư Lục
Tác giả: Hoàng Đế Trần Thái Tông Dịch giả: HT. Thích Thanh Kiểm
03/11/2553 01:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

QUYỂN THƯỢNG

---o0o---

   Bàn Về Tọa Thiền

Ôi! Những người học đạo, chỉ cần thấy tính. Dù có thọ hết thẩy tịnh giới, nếu không tọa thiền sức định khó sinh. Định lực chẳng sinh, tức vọng niệm chẳng diệt, mà muốn thấy tính, quả thật là khó.

Thích-Ca Văn-Phật vào núi Tuyết-Sơn, ngồi định sáu năm. Chim thước làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế, thâm tâm vẫn tự như. Tư-Cơ dựa ghế (1) ngồi, hình như cây khô, tâm như tro nguội. Nhan-Hồi tọa-vong (2), rời thân thể, bỏ phán đoán, lìa ngu trí, cùng thông với đại-đạo. Đó là những cổ-đức Thánh-Hiền trong 3 giáo, cũng từng lấy ngồi định mà thành tựu.

Song đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều là Thiền, không chỉ ở ngồi. Bởi vì, đi thì phóng bước, đứng lại sinh mỏi, nằm thời mờ tối nhưng yên tĩnh. Yên tĩnh tất mối nghĩ sinh, mỗi nghĩ sinh thì niệm khởi. Muốn tắt mọi niệm, phải tập tọa-thiền. Nếu khi ngồi thiền chẳng tắt mọi niệm thời tâm vượn nổi dậy, ý ngựa lông bông. Hoặc do loạn tưởng mà biết tiền trần, hoặc do vô-ký mà quên tự-tính. Dựa ghế tựa vách, nhắm mắt che con ngươi, ngủ say chảy dãi, cúi đầu khom lưng, tuy mượn danh là tọa-thiền, nhưng cũng như người ngồi trong núi đen, hang quỉ. Hoài-Nhượng thiền-sư nói: "Mài ngói làm gương là nghĩa thế vậy".

Vả lại, Thiền có 4 thứ:

1) Người làm kế lạ, vui cao chán thấp mà tu là ngoại đạo thiền.

2) Người chính tín nhân-quả, cũng vui chán mà tu là phàm-phu thiền.

3) Người liễu lý sinh không, chứng đạo thiên-chân mà tu là tiểu-thừa thiền.

4) Người đạt nhân, pháp đều không mà tu là đại-giáo thiền. Kẻ hậu học đời nay, nên lấy đại-giáo-thiền làm chính. Đó là tập tọa-thiền dứt vọng niệm, chớ sinh ngờ vực.

* Chú thích:

(1) Tử-Cơ dựa ghế: Dịch chữ Tử-Cơ ẩn kỷ. Sách Trang-Tử, Tề-vật-luận chép: Nam-Quách Tử-Cơ, tựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà xem hơi thở (ẩn kỷ nhi tọa, ngưỡng thiên nhi hư).

(2) Nhan Hồi tọa-vong: Nghĩa là ông Nhan-Hồi ngồi ngay ngắn, tâm vẳng lặng, quên cả vật và mình, vượt cả tướng sai biệt, tâm cảnh dung thông vô ngại. Thơ Bạch-Cư-Di- viết: "Hành Thiền dữ Tọa-vong, đồng qui vô dị lộ" (Tọa-Thiền và Tọa-Vong cùng giống nhau).

 

---o0o---