QUYỂN THƯỢNG
---o0o---
Bài
Tựa Kinh Kim Cương Tam Muội
Trẫm nghe! Bản tính nhiệm mầu, chân tâm vẳng lặng.
Thành hoại đều dứt, chẳng phải tính trí hay xét ngọn nguồn. Tan
hợp đều không, đâu thể mắt tai xem nghe tường tận. Có, không
xóa hết, đạo, tục san bằng. Đứng riêng một mình, không chi sánh
được. Đó là then chốt của tự tính Kim-cương vậy.
Khốn nỗi! Chúng sinh đã lâu: Vì huân tập ô-nhiễm;
thức thần dao-động, bởi sóng gió thấy nghe. Noi hạnh xấu làm theo
ấy nhiều, xoay ánh tuệ để soi lại ít. Bèn khiến, bốn phương đổi
chốn, mê mất ngả về; lối rẽ sai đường, mơ hồ chính đạo. Gốc
ngọn chẳng rõ, chân vọng khó phân. Vàng ròng đem tạp khoáng nấu
chung, trăng sáng lẫn bụi trần cùng hiện. Quê, mê ngả về nơi
"Hà-hữu" (1), mặt, quên mất cả vẻ bản lai. Trên đường
niết-bàn khó tiến lên, trong hố tử sinh cam lùi bước. Nên đấng
năng-nhân (Phật) thầy ta, hiện vô-sinh từ-nhẫn, thương mọi khổ
trầm luân. Bốn hoằng thệ nguyện để lòng, ba nghĩ (2) đắn đo càng
thiết. Pháp-thân lắng, báo thân hiện sao lành ứng ở triền Chu.
Tượng-pháp tới, chính-pháp qua, người vàng mộng trong cung Hán.
Ma-Đằng, Pháp-Lan truyền đến, Tây-Trúc, Chấn-Đán mới thông. Chữ
Phạn phiên thành, văn Hoa rực-rỡ. Thay thế lá bối, lấy lụa chép
kinh. Bể giáo phô mọi ngọc châu. Trời nghĩa điểm bao sao sáng. Hoặc
muốn thêm chỗ chưa đúng, hoặc đem vá chỗ chưa bằng. Đường
nước Y-Ngô nối tung, lối mòn sa-mạc tiếp gót. Lối gần vượt
biển, dốc chí tới Hoa. Từ Hán bắt đầu, tới nay mở rộng. Thiên,
viên, bán, mãn, đều không thiếu trong tráp ngà; đốn, thực, tiệm,
quyền, muôn có thừa trong rương báu. Kinh Kim-cương Tam-muội, há
không phải là giáo-viên, mãn, đốn, thực đó sao? Nếu không thế,
sao lại, lấy vô-sinh pháp-yếu, dùng phương-tiện thần-thông.
Tu-Bồ-Đề hỏi xuất-thế nhân, Đức Như-Lai gieo vô-thượng quả.
Muốn ngăn chận só sinh có diệt, trước phải bày vô-tướng
vô-sinh. Thấy sinh niệm ở vọng niệm mà mờ, dấy thủy-giác nơi
bản-giác để tỏ. Chuyển mọi tình thức, vào Úm-ma-la (vô cấu thanh
tịnh thức). Mê đầu chẳng đoái tự thân, thõng tay dẫn về
thật-tế (3). Hoặc vin ngoại-trần duyên có, nên nói chân-tính vốn
không. Đến lúc ba tướng (4) chẳng quan, ắt hẳn bốn thiền nào có.
Hòa các vị thành vô-thượng-vị. nắm mọi dòng làm bất-nhị-lưu.
Chuyển xoay biến kế vọng tâm, tiếp vào Như-lai tạng-thức. Thâu tóm
mọi pháp, hiển rõ nhất tâm. Nhân chấp mà mê, như nước Thục,
nước Man cùng giữ chặt; bởi sai biết sửa, như nước Tề, nước
Lỗ đều đổi thay.
Trẫm, vin vào đức làm chủ đất nước, dựa vào
pháp để cai trị dân. Lo nghĩ gian nan, quên cả sớm tối. Việc tuy có
hàng vạn, giờ rảnh lấy khoảng thừa. Siêng việc quý giờ, học
thêm tiến ích. Chữ nghi ngờ chưa biết rõ, đêm đến khuya vẫn còn
xem. Để đọc sách nho, lại ngẫm kinh Phật. Kinh này mới thấy, cảm
tựa nhiều đời. Tìm lý ẩn, đào nghĩa cao sâu, chín lần nghĩ, ba
hồi xét lại. Nghiên ngẫm nghĩa lý, trau chuốt văn hoa. Muốn hiến
lời vàng, giúp cho hậu học. Lạm dùng vằn báo thấy một, dẫn dắt
đàn khỉ giận ba (5). Bởi thế, Trẫm viết điều chứa trong lòng, lại
thân làm văn chú giải. Tìm lời nhiệm mầu non Thứu-Lĩnh, xét nghĩa
uẩn-áo đáy Long-Cung. Vá vào giống hạt bụi trên đường chân-như,
giảng ra tựa giọt nước trong nguồn chính-giác. Phát huy ý thâm
diệu, khai xiển tông chân-thừa. Khiến người, vừa mở văn xem,
liển nhận rõ nghĩa. Phá thành-trì kiên cố tà đảng, làm đội
quân mưu lược nghĩa đồ (6). Vọng kiến mênh mang, dần biết quay về
sao Bắc-đẩu; đường mê khúc-khuỷu, chợt biết hướng theo kim
chỉ-nam. Nguyện vì người học có chỗ nương, mới thấy lòng Trẫm
không sẻn tiếc.
Nay Tựa,
* Chú thích:
(1) Hà-Hữu: Rút gọn ở câu "vô hà-hữu
chi hương" nghĩa là quê hương nơi không có. Tức nơi tịch diệt
vô vi. Trang-Tử nói: "Vô hà hữu chi hương, quảng mạc chi
dã". Đó là cái nghĩa không-vô. Tam giới vạn pháp đều không.
(2) Ba nghĩ: Dịch ở chữ Tam-tư. Sách Luận-Ngữ
chép: "Tam tư nhi hậu hành", ý nói làm việc gì cũng phải
đắn đo, nghĩ đi xét lại nhiều lần rồi mới làm.
(3) Thông tay dẫn về thật tế: Dịch ở câu:
"Thùy thủ đạo quy thật-tế", nghĩa là tiếp dẫn về nơi chân
thật cứu cánh, tức là về nơi bản-thể của bình đẳng nhất như.
(4) Ba tướng (hữu vi): 1) Tướng sinh.
2) Tướng trụ, dị.
3) Tướng diệt. (a)
a) Ba tướng: Cũng là ba thứ tự-tánh:
i) Biến kế sở chấp tánh,
ii) Y tha khởi tánh,
iii) Viên thành thật tánh.
5) Đàn khỉ giận ba: Dịch ở chữ "Thư chúng
nộ tam". Theo điển sách Trang-Tử, Tề-vật-luận chép: Xưa có ông
Thư-công (chủ đàn khỉ) chia thức ăn cho khỉ. Ông nói: "Sáng cho
ba chiều cho bốn, đàn khỉ đều giận. Lại nói: "Thế sáng cho bốn
chiều cho ba, đàn khỉ đều mừng". Sáng 3 chiều 4, sáng 4 chiều 3,
số lượng bằng nhau, mà đàn khỉ hoặc giận hoặc mừng. Đó là
chúng không biết được nghĩa danh với thật chỉ là một.
(6) Làm đội quân mưu lược nghĩa-đồ: Dịch câu "Tác
nghĩa-đồ tôn trở chi sư". Tôn là vò rượu, trở là cái kỷ
đựng đồ tế, dĩa đựng thịt, ám chỉ cho yến tiệc. Trong yến tiệc
có bàn tính mưu lược, mà phá được định quân ngoài ngàn dặm.
Văn bia chùa Đầu-Đà chép: "Cố năng sử tam thập thất phẩm
hữu tôn trở chi sư, cửu thập lục chủng vô phiên ly chi cố".
Chú rằng: "Nghĩa đồ tinh nhuệ, cố mưu sâu trong yến tiệc".
Lại chú rằng: Kinh Đại-Phẩm, tam thập thất phẩm nói: Các phẩm này
là yếu chỉ của Phật-Pháp, mà các Tỷ-kheo vâng làm để hàng phục
chỗ cố chấp của ngoại đạo. Cũng như Yến-Tử ở Trong bữa tiệc
mà ngăn chặn được quân Tấn. Vì Tấn muốn đánh Tề, liền sai sứ
sang Tề. Nước Tề đặt tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, sứ nước
Tấn nói vui rằng sẽ làm loạn Tề. Thái-sư Yến-Tử biết ý. Khi
sứ Tấn trở về liền bảo: "Nước Tề không thể đánh
được". Do đó Tấn lui quân. Khổng-Tử nghe biết liền nói:
"Bất xuất tôn trở chi gian, triết-xung thiên lý chi ngoại giả,
Yến-Tử chi vị dã", nghĩa là trong bữa yến tiệc mà hay ngăn
chặn được quân địch ngoài ngàn dặm, chính Yến-Tử đã làm
được vậy.
---o0o---