QUYỂN THƯỢNG
---o0o---
Nói Rộng Một Đường
Hướng Thượng
(1)
Bàn-Sơn thiền-sư (2) để lại lời
dạy rằng: "Một đường hướng thượng, ngàn thánh chẳng
truyền. Người học nhọc hình, như vượn bắt bóng". Khiến
người học khắp nơi, đều hướng con đường ấy, tham cứu thiền-ý
(3). Thử hỏi tất cả mọi người, thiền-ý làm thế nào tham
được? Nếu quả tham được ý ấy, lại giống như một gã si (4).
Đầu lại thêm đầu, đuôi nối đuôi nữa. Bỏ bụi trong mắt, thêm
bướu trên thân. Nói đến thời môi miệng méo xiên, ngó thấy
thời mắt, người rơi rụng. Cụ già vàng mặt (Phật), liếc mắt dòm
bên, Thày Tăng mắt xanh (Tô Đạt-Ma) chau mày đứng cạnh. Mã-Tổ
treo phất (5), Thủ-Sơn dấu bề (6). Triệu-Châu xé rách thiên-sam (7),
Vân-Môn vứt bỏ hồ bính. Đức-Sơn buông gậy (9), Lâm-Tế nuốt
lời (10). Dấu vết Phật Phật, Tổ Tổ đều mờ, gan mật kẻ kẻ,
người người đều mất. Châm không chỗ thấu, dùi củng chẳng vào.
Đầu đồng tiến tới không đường, trán sắt lao vào chẳng thủng.
Lửa đá sẹt mà chẳng kịp, điện chớp loáng còn chậm xa. Tĩnh ngộ
vào chốn chìm say, động mê xéo đường sinh tử. Ví khiển, Linh-Sơn
Phó chúc, chỉ là nơi chốn rườm rà; Thiếu-Thất đan truyền, cũng
là ổ hang rắc rối. Mặc dù cơ đương tựa chốp, tiếng thét ứng
cơ. Lời diễn chảy trôi, thoại đầu lưu loát. Tham đi tham lại, ngày
lâu tháng dài. Chút vương miệng nói trơn tru, sao thoát thân nằm hang
ổ.
Này mọi người! Đến chỗ ấy rồi, chẳng được
buông qua một bước. Xô người học đưa mắt nhìn vách đá treo leo,
càng khó tiến bước. Ta ngày nay vì tất cả các người! Chẳng khỏi
vuốt râu miệng hùm, đầu sào tiến bước. Chốn nói thời như gió
bay tùng réo, chốn im thời tựa trăng chiếu đầm trong. Khi đi, nước
cuốn mây bay; khi đứng, núi yên non vững. Lời lời là Thích-Ca
hoạt-kế, câu câu là Đạt-Ma gia-phong. Buông ra thời 8 chữ mở tung,
thu lại thời một môn đóng chặt (11). Ở trong hang quỷ, cũng là
Di-Lặc lâu đài, trụ dưới núi đen, chẳng khác Phổ-Hiền
cảnh-giới. Nơi nơi là đại-quang-minh-tạng, cơ cơ là bất nhị pháp
môn. Mặc cho sáng lại tối đi, quản gì mây che trăng khuất. Trên tay
ngọc sáng, xanh ánh xanh, vàng ánh vàng; gương xưa đương-đài, Hồ
hiện Hồ, Hán hiện Hán. Dù ngay huyễn thể, hết là Pháp-thân.
Chẳng nhọc trên đỉnh phóng quang, vốn đủ lục-thông diệu-dụng. Cung
điện Ma-Vương lật đổ, tâm can ngoại đạo mở toang. Biến trái đất
làm cõi nước vàng son, khuấy sông dài cho trời người nước
sữa. Trong hổng mũi pháp-luân thường chuyển, dưới lông mày
bảo-sát hiện ra. Gái đá (12) trong nước múa điệu bà-sa, người
gỗ thổi kèn hát bài khoản-đãi. Hoặc gặp trường bận rộn, hoặc
được chốn thảnh thơi. Hoặc thõng tay (xuống núi) giúp đời, hoặc
quay đầu đồng nội. Khi biếng nhác ngủ mây gối đá, lúc thích
hứng vịnh gió ngâm trăng. Rong chơi nơi quán rượu phòng trà,
cười đùa giữa đường hoa ngõ liễu. Hoa vàng tua tủa, đều là
Bát-nhã tâm, trúc biếc xanh xanh, hết là Chân-như lý. Vén cỏ hiện
bản-lai diện-mục, xới đất dứt đường rẽ tử sinh. quay đầu
ngựa sắt (13) cưỡi rong về, xỏ mũi trâu đất đi lùi bước.
Chẳng lấy muôn pháp làm bạn, ai bảo một vật hãy còn. Phật cũng
không, tâm cũng không, chân cũng được, giã cũng được. Ngoài
cửa tam yếu, tha hồ thét hai làm ba, chữ thập đầu đường, mặc
sức gọi mười làm chín. Sáo không lỗ (14) tấy vô-sinh khúc, đàn
không giây gẩy khoái-hoạt ca. Nơi nơi kia đều là tri-âm, chốn chốn
nọ há dung tai lắng. Chỉ một đường hướng thượng này, ngần ngại
nói thế nào đây! Chà! Lửa ấy chưa từng đốt miệng! Nghe cho kỹ,
nghe cho kỹ! Ví bằng nghe được lời ấy, ắt phải tai điếc ba ngày.
Nếu nghe chẳng được, mau nên chạy qua. Còn ngần ngại gì!
Chốn chốn dương xanh kham buộc ngựa,
Nhà nhà có lối đến Trường-An.
Trở về dưới nguyệt người thưa vắng,
Một ánh trăng soi đại-địa hàn. (15)
(Xứ xứ lục dương kham hệ mã,
Gia gia hữu lộ đáo Trường-An.
Hồi trình nguyệt hạ nhân hy đáo,
Nhất đạo thiều quang đại-địa hàn).
* Chú thích:
(1) Nói rộng một đường hướng thượng: Nói
rộng (phổ thuyết): Trái với độc-tham. Nghĩa là nối về yếu chỉ
chính truyền của Phật, Tổ và bàn rộng tới các kinh luận, chứng
tích của các thiền-sư xưa nay, để chỉ bảo cho kẻ hậu học. Một
đường hướng thượng (nhất lộ hướng thượng) nói về nghĩa tối
thượng. Cựa tắc của hướng thượng, ta không thể đem ngôn ngữ
suy tư để diễn tả.
(2) Tức Bàn-Sơn Bảo-Tích thiền-sư đời Đường,
pháp-tự của Mã-Tổ.
(3) Thiền-ý: ý cùng cực thiền, không dấu vết,
không tự tánh, bất khả đắc. Hoặc gọi là tư-tưởng thiền.
(4) Gã Si (Si nhi): Chỉ kẻ ngu, chẳng biết tìm
trí-tuệ ở tự mình, tức tự-Phật, lại cứ đuổi theo ngoại-cảnh,
tìm phật bên ngoài, chẳng khác gì như kẻ si , đầu lại thêm đầu.
(5) Mã-Tổ treo phất (Mã-Tổ quải phấi): Phất là
một dụng cụ đuổi ruồi muỗi. Xưa đức phật chế cho hàng đệ tử
dùng, có cán làm bằng tre hay gỗ. Phất làm bằng lông ngựa hay
giây gai. Sau này các thiền-sư dùng phất để mỗi khi thượng
đường thuyết pháp. Mã-Tổ, tức Mã-Tổ Đạo-Nhất đời Đường,
pháp tự của Nam-Nhạc Hoài-Nhượng. Mỗi khi có học nhân tới
tham-vấn, Mã-Tổ dựng phất để biểu thị thiền-cơ. Đây nói treo
phất tức gác cái phất lại. Có ý nghĩa là không cần tới. Các
câu sau ý nghĩa tương tự.
(6) Thủ-Sơn giấu bề: (Thủ-Sơn tàng bề):
Bề tức trúc-bề. Các thiền-sư dùng để tiếp dẫn học-đồ.
Trúc-bề dài khoảng 3 tấc, làm bằng tre, hình khom cánh cung, sơn son.
Thủ-Sơn, tức Thủ-Sơn Tỉnh-Niệm thiền-sư đời Đường, dòng
Lâm-Tế. Khi thượng-đường, Thủ-Sơn dựng cây trúc-bề (cây
thước) thị chúng rằng: "Này tất cả mọi người. Nếu gọi là
cây thước thời phải (khẳng định), nếu chẳng gọi là cây thước
thời trái (phủ định). Vậy tất cả mọi người gọi là cái
gì?". Giấu bề có nghĩa không cần tới trúc-bề.
(7) Triệu-Châu xé rách thiên-sam (Triệu-Châu liệt
phá bố-sam). Triệu-Châu tức Triệu-Châu Tòng-Thẩm, thiền-sư
đời Đường, dòng phái Nam-Nhạc. Theo công-án, một vị Tăng hỏi
Triệu-Châu: "Muốn pháp trở về một, một về chốn nào?" Sư
đáp: "Ta ở Thanh-Châu làm một áo vải nặng 7 cân" (Ngã
tại Thanh-Châu tác nhất lãnh bố-sam trọng thất cân). Bố-sam tức
là áo thiên-sam bằng vải. Thiên-sam là một thứ áo lót cộc tay,
treo từ trên vai phía trái xuống, bọc che hai bên nách. Xẻ rách áo
thiên-sam, nghĩa là không cần đến áo thiên-sam.
(8) Vân-Môn vứt bỏ hồ-bính: (Vân-Môn quyên
khước hồ-bính). Vân-Môn tức là Vân-Môn Văn-Yển thiền-sư,
khai sáng tông Vân-Môn. Theo công-án, có vị Tăng hỏi Vân-Môn:
"Thế nào là lời bàn siêu Phật, việt Tổ"? Vân-Môn đáp
"Hồ-bính". Hồ-bính là một thứ bánh là bằng bột và
vừng.
(9) Đức-Sơn buông gậy: (Đức-Sơn khí bổng).
Đức-Sơn, tức Đức-Sơn Tuyên-Giám thiền sư, pháp tự của
Long-Đàm Sùng-Tín. Mỗi khi học-đồ tới tham-học, hỏi đạo, ngài
đều dùng gậy để chỉ bảo hướng dẫn về ý-chỉ Thiền.
(10) Lâm-Tế nuốt lời (Lâm-Tế thôn thanh):
Lâm-Tế tức Lâm-Tế Nghĩa-Huyền thiền-sư, Tổ sáng lập tông
Lâm-Tế. Học đồ mỗi khi đến tham thiền hỏi đạo, ngài thường
dùng tiếng "Thét" để tiếp dẫn.
(11) Buông ra thời tám chữ mở tung, thu lại thời
một môn đóng chặt: Dịch câu "Phóng chi tắc bát tự đả
khai, bả chi tắc nhất môn tuyệt hố". Câu trên có nghĩa là nhất
phóng tức phóng ra, buông ra. Câu dưới có ý nghĩa là nhất thu,
bắt lại. Hướng thượng tới cảnh giới tuyệt đối bằng đẳng
cùng cực có nghĩa thu lại, thu lại thời một môn đóng chặt. Khi
hướng hạ độ sinh có nghĩa buông ra, buông ra thời tám chữ mở
tung. Vậy tám chữ đây, ám chỉ cho tám hướng, mười phương hay
nhiều phương hướng, không chỉ giới hạn ở số tám.
(12) Gái đá nhẩy múa (thạch nữ khởi vũ) là
người gái khắc bằng đá nhẩy múa. Người gỗ thổi kèn (suy-dịch
mộc nhân), đều dụ cho phần diệu dụng thiên-chân vô-tác, xa lìa
mọi hình thức phân biệt.
(13) Ngựa sắt, trâu đất (thiết mã, nê ngưu)
Ngựa làm bằng sắt, trâu nặn bằng đất, đều dụ cho cảnh giới
giải-thoát vô-ý-thức, xa lìa mọi phân biệt.
(14) Sáo không lỗ (một khổng địch), đàn không
dây (vô huyền cầm) dụ cho thuyết pháp không lệ thuộc vào ngôn
ngữ, lìa mọi tình thức.
(15) Đại ý bài thơ nói: Người người đều có bản lai
diện mục (Phật-Tính) nên người người đều có lối đến
Trường-An. Trở lại được có rất ít người. Nhưng một khi đã
trở về được, thì một ánh trăng soi đại-địa hàn, tức chứng
ngộ được nhất chân thế-giới
---o0o---