QUYỂN
THƯỢNG
---o0o---
Bàn Về
Giới Định Tuệ
Ôi! Hết thẩy người tu hành đều chán ngán hai
đường sinh tử. Bỏ vộ con cha mẹ, xuất gia cầu đạo, phụng Phật
làm thầy. Noi theo đường lối của chư Phật, duy ở kinh mà thôi.
Trong kinh chỉ nói giới, định, tuệ. Luận Giải-thoát nói: "Giới,
Định, Tuệ là con đường giải thoát". Giới là nghĩa oai nghi.
Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa hiểu biết. Đó là lấy
giới trừ ác-cấu (1), định trừ triền-cấu, tuệ trừ sử-cấu,
nên phải lấy giới, định, tuệ để gieo giống thiện, gây mầm đạo.
Giới định tuệ còn chia ra sơ-thiện, trung-thiện và hậu-thiện. Lấy
giới làm đầu, định làm giữa và tuệ ở sau. Giới là thiện
đầu. Vì có tinh tiến trì giới, mới thành tựu được bất thoái,
nên sinh vui mừng. Bởi mừng nên nhún nhẩy. Vì nhún nhẩy nên thân
đứng. Bởi thân đứng lại nên vui. Bởi vui nên tâm không định.
Đó là sơ-thiện. Định làm thiện giữa. Bởi thân đứng nên
ngừng. Bởi ngừng nên tâm trụ. Bởi tâm trụ nên biết thấy như
thất. Đó là trung-thiện. Tuệ làm thiện cuối. Bởi biết thấy như
thật, nên sinh lo chán. Bởi lo chán nên lìa dục. Bởi lìa dục nên
giải-thoát. Đó là hậu-thiện. Cho nên lấy giới trừ bỏ ác thú,
định trừ bỏ dục-giới, tuệ trừ được hết thấy cõi Hữu. Y
vào giới, định, tuệ này mà tu, thời đường lối của chư Phật
cũng rất gần vậy.
* Chú thích:
(1) Ác-cấu, Triền-cấu, Sử-cấu: Tức tam cấu là tham,
sân, si. Tam-cấu cũng gọi là tam-hoặc: 1) Kiến tư hoặc, 2) Trần sa
hoặc, 3) Vô minh hoặc. Trong đây nói ác-cấu, triền-cấu, sử-cấu
là chỉ nói về thập triền, thập sử, phần kiến tư hoặc trong tam
giới.
---o0o---