Phật pháp ứng dụng
Bài Pháp Cho Người Già Bịnh
01/02/2010 09:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mục lục

Lời nói đầu: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tôi có may mắn được nghe cuộn băng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng cho các người già bịnh. Nhận thấy bài pháp rất thực tế và hữu ích cho tôi, tôi nghĩ nó có thể hữu ích cho nhiều người khác không có may được nghe. Do đó, tôi chép lại.

Vì đây là văn nói, nên lời văn không bóng bẩy, văn chương. Kính mong độc giả đạt ý, quên lời. Trong khi chép lại tôi cố gắng giữ nguyên lời Hòa Thượng nói. Tuy nhiên tôi cũng có bỏ bớt vài điệp ngữ để dễ đọc. Có vài chữ tôi không nghe rõ, tôi để dấu hỏi (?) để độc giả hiểu là có thể tôi đã chép lại chữ đó không đúng.

Tôi cám ơn bác Lê Huy Nhâm và anh Dương Quí Thưởng đã đọc và sửa lỗi dùm cho tôi.
Tuệ Phúc
________________________________________
 
Lý do có bài pháp này là do một Phật tử đến yêu cầu chúng tôi, nói rằng có cha mẹ già đang bịnh nặng muốn trong khi cha mẹ lâm chung được tỉnh táo sáng suốt. Chớ sợ e khi đó hôn mê hay là hoảng sợ thì không tốt. Vì cái tình của người Phật tử hiếu thảo cho nên tôi hứa nói bài pháp này, đồng thời cũng nghĩ thêm người già bịnh trong khi mệt mỏi mà đau đớn. Bài pháp này chúng tôi nói lên là cốt vì những người già và bệnh. Như vậy dường như là một bài pháp nói riêng cho một số người. Nhưng sự thực, tất cả chúng ta có người nào rồi khỏi cái già và bệnh đâu? Như vậy tất cả chúng ta cũng đều có ảnh hưởng trong đây.

Khi nói bài pháp này nhằm trong lúc tôi đang làm người vô sự, cho nên không có đọc sách, xem kinh. Do đó những câu chuyện mà tôi kể lại đây có khi tôi nhớ ý mà kể, hoặc là nhớ câu chuyện xảy ra lúc nào đó. Chỉ nhớ chừng mực, chớ không nhớ hết đầu đuôi gốc ngọn. Ðồng thời cũng không nhớ được tên tuổi, vân vân. Mà tôi kể lên cốt để quí Phật tử nghe hiểu ý, chớ đừng có nghĩ rằng tôi kể không có đủ chứng cớ, hay là kể không đủ tên họ. Vì đây là lúc tôi đang làm cái việc vô sự. Ðó là lý do tôi nói cái bài pháp này.

Bây giờ tới cái mục nói lên người chết hay cái chết không đáng sợ. Bởi vì tất cả người ta ai cũng có quan niệm sanh là vui, mà chết là khổ. Sanh là mừng, chết là sợ. Vì vậy cho nên ngày sinh nhựt người ta gọi là ngày ăn mừng sinh nhựt. Còn ngày chết, con cháu gọi là ngày úy kỵ, tức là ngày sợ sệt, sợ hãi. Như vậy, thì đối với người Phật tử hiểu đạo, cái ngày chết là cái đáng sợ hay không đáng sợ?

Thực tình thì cái chết là cái không đáng sợ gì hết. Tại sao? Một là vì cái già, cái bệnh là hai cái khổ trong bốn cái khổ nhà Phật nói sinh lão bệnh tử. Mà đã mang hai cái khổ này vào mình là một gánh nặng đau khổ. Như vậy đương gánh một gánh nặng đau khổ mà quăng đi thì liền được nhẹ nhàng. Như vậy chết là quăng được cái gánh nặng của già và bệnh. Lúc đó chúng ta thảnh thơi, chúng ta nhẹ nhàng thì có gì đâu mà phải sợ. Ðó là một lý do chúng tôi nói chết là một cái không đáng sợ.

Hai nữa, là người Phật tử hiểu đạo thì tự nhiên biết rõ rằng kinh Phật thường nói có sanh là có tử. Tức là có sinh ra thì phải chết. Cái chuyện đó là cái chuyện thường, không ai tránh khỏi hết. Như đức Phật tu hành rốt cuộc rồi tám mươi tuổi Ngài cũng phải chết. Rồi các ông tiên mà chúng ta đọc ở trong truyện Tàu, tỉ dụ như bát tiên chẳng hạn, các ông đó tu nói rằng trường sanh bất tử. Nhưng sự thật thì cao lắm tám chín trăm năm rồi cũng mất, cũng chết. Cho nên tám ông tiên bây giờ tìm một ông cũng không ra. Dù như tu đắc đạo như Phật cái thân này tới hoại cũng phải hoại. Dầu cho luyện được thuốc trường sanh bất tử của mấy ông tiên, thân này tới lúc hoại cũng phải hoại. Chớ không bao giờ có người nào mà giữ được?

Vì vậy cho nên cái chết là cái lẽ thường, là cái việc chung cho tất cả, không ai tránh khỏi hết. Cái không tránh khỏi mà mình sợ thì chỉ là chuyện vô ích, nếu không nói đó là chuyện khờ khạo. Như vậy thì chúng ta là người hiểu đạo rồi, biết rằng mình có sanh thì mình phải có tử. Thì cái ngày chết là cái ngày nó sẽ đến. Bất cứ người nào cũng phải nhận. Như vậy thì chuyện chết là cái chuyện thường. Mà đã là thường thì không có sợ.

Cho nên chúng tôi nhớ ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi ngài sắp tịch, ngài nằm trên bộ ngựa ở giữa chân trang (?). Ngài nằm nghiêng bên phải, nhắm mắt để tịch. Khi đó những người thiếp, những người hầu họ khóc rống lên. Ngài liền ngồi dậy súc miệng rửa mặt rồi ngài quở. Ngài nói rằng "sanh tử là lẽ thường nhiên tại sao các ngươi làm náo loạn chân tánh ta?" Thế rồi các vị hầu thiếp im lặng, ngài nằm nghiêng bên hữu rồi ngài tịch. Như vậy chúng ta thấy rằng cái chết đối với ngài chỉ thấy là chuyện thường. Mà đã là chuyện thường thì không có gì phải quan trọng hết. Do đó nên ngài tự tại ra đi.

Còn chúng ta cứ cho cái chết là lớn lao, đáng sợ, cho nên rồi tới đó chúng ta kinh hoàng. Mà kinh hoàng thì đau khổ. Vì vậy mà người Phật tử chân chính lúc nào cũng biết rõ rằng cái chuyện chết sống là cái chuyện không tránh được. Mà không tránh được thì chúng ta chuẩn bị ngay những cái gì cần sau khi chết. Chớ đừng có để tới đó rồi hoảng hốt, rồi sợ hãi, chỉ là chuyện vô ích thôi. Ðó là điểm thứ hai.

Ðiểm thứ ba nữa, người Phật tử khi chúng ta đã hiểu đạo thì tự nhiên chúng ta tu, ít nhất là cũng giữ năm giới. Còn nếu nhiều hơn là thập thiện. Có giữ năm giới, biết tu thập thiện thì chết chúng ta sanh về đâu? Nếu giữ năm giới trọn vẹn thì chết chúng ta sẽ trở lại làm người đầy đủ các (?) đức. Tức là giới không sát sanh thì được tuổi thọ. Giới không trộm cướp thì được nhiều của cải. Giới không tà dâm thì được đẹp đẽ trang nghiêm. Giới không nói dối thì được lời nói thanh tao và mọi người tín nhiệm. Giới không uống rượu thì được trí tuệ sáng suốt. Mình sanh làm người rất đầy đủ các phần tốt đẹp của con người, không có gì thiếu thốn hết. Như vậy thì thân này nó hoại rồi được cái thân kế nó tốt đẹp hơn, phúc đức hơn, thì có gì chúng ta phải sợ?

Còn nếu chúng ta tu thập thiện thì bỏ thân này, chết sanh lên cỏi trời được hưởng nhiều phúc đức bằng mấy lần ở đây, tức là cái đẹp đẽ gấp bao nhiêu phần. Do đó, cho nên chúng tôi thường nói cái chết cũng như chúng ta đổi cái xe cũ lấy cái xe mới. Mà chiếc xe cũ xấu hư, chúng ta lấy chiếc xe mới tốt đẹp và toàn hảo hơn, thì có cái gì chúng ta buồn không? Do đó, cho nên chúng ta hoan hỉ khi bỏ thân này, vì biết rằng bỏ thân này chúng ta sẽ được cái tốt đẹp hơn, cái quý báu hơn, có gì đâu mà phải lo buồn. Vì vậy chết là cái không đáng sợ, mà chỉ sợ là mình không biết tu. Ðó là cái điều mà tôi nhắc tất cả quí vị nào trong cái hoàn cảnh bệnh hoạn, đau ốm, không thể tin tưởng rằng mình sống lâu thì ráng nhớ để tu hành.

Ðến một mục nữa là nói về cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp nó rất là mạnh, nó có cái công dụng đưa chúng ta tới chỗ tốt hay chỗ xấu trong khi mà chúng ta sắp lâm chung. Bây giờ trước hết nói cái cộc cạnh (?) cận tử nghiệp của người làm ác lúc gần chết. Nếu người khi gần chết mà khởi cái tâm ác thì liền đổi cả cái sự tu hành hay là cái công đức trước của mình có mà liền sanh ở cái chỗ không tốt.

Tôi có đọc ở trong kinh, có một đoạn mà tôi quên tên. Có một người tu theo ngoại đạo đến cái quả vị định phi phi tưởng. Nếu người đó chết thì sẽ sanh về cỏi trời phi phi tưởng thiên. Nhưng mà khi gần chết có một cái duyên, nó làm cho ông nổi giận. Ông bực tức lên, rồi ông chết. Khi chết ông phải sanh làm con chó sói. Thì như vậy, từ cái quả vị cõi trời phi phi tưởng mà chuyển thành một con vật xấu xa, thì quí vị nghĩ cái cận tử nghiệp nó nguy hiểm vậy.

Cận tử nghiệp là cái nghiệp gần lúc chết. Gần lúc chết mà khởi cái niệm ác, khởi cái niệm dữ thì có thể sanh ở cõi ác, cõi dữ. Bởi vậy cho nên chúng ta thấy ở trong cõi người cũng như ở trong các loài thú, có những con thú sinh ra, hoặc có những con người sanh ra một thời gian ngắn rồi chết. Chúng ta không hiểu nếu là cái duyên làm người, hoặc là làm thú thì họ phải ở lâu để cho mãn cái kiếp người, kiếp thú. Tại sao chỉ một thời gian ngắn rồi họ đi? Ðó là để nói rằng những người đó, lý đáng họ không sanh ở chỗ đó. Nhưng vì cái cận tử nghiệp của họ mạnh cho nên rồi họ phải sanh. Sanh trong đó một thời gian, rồi họ phải chết để họ sanh chỗ khác theo cái tích lũy nghiệp, tức là cái nghiệp chứa đựng lâu dài của họ. Chớ không phải ngay nơi đó họ liền hết. Vì vậy cho nên cái cận tử nghiệp có một sức mạnh đưa đẩy người ta đi tới cái chỗ mà sinh ra không đúng như cái sở nguyện của mình, vì cái cơn nóng giận hoặc là nổi những cái niệm ác trong khi sắp lâm chung. Ðó là tôi nói trường hợp cái cận tử nghiệp về ác.

Bây giờ nói cái cận tử nghiệp thiện. Tức là người gần chết mà khởi cái niệm lành, tức là lúc sắp lâm chung khởi cái niệm lành liền sanh ở cái cõi lành. Dù cho cái tích lũy nghiệp của họ là ác, tức là cái nghiệp chứa đựng sẵn có là ác, nhưng mà khi sắp chết họ lại khởi cái niệm thiện thì chuyển được sanh ở chỗ lành. Vì vậy mà cái cận tử nghiệp nó làm cho cái tích lũy nghiệp bị mờ đi. Nói như vậy không có nghĩa là mất. Nhưng mờ nghĩa là họ phải theo cái cận tử nghiệp một thời gian rồi mới dừng cái cận tử nghiệp. Tức là hết cái cận tử nghiệp thì họ mới trả lại cái tích lũy nghiệp.

Cái nghiệp tích lũy là cái nghiệp quan trọng mình chứa đựng từ trước. Tức là trong cái đời sống của mình từ thuở nhỏ cho đến lớn, giả sử mình chứa những điều lành, điều tốt, mình chứa đầy đủ, nhưng tới giờ chót mình lại khởi những cái ác, cái xấu, thì cái cận tử nghiệp nó lôi đi. Lôi đi trả hết cái cận tử nghiệp đó rồi thì trở lại cái tích lũy nghiệp cũ. Tức là mình lành thì được hưởng lành, chớ không phải là mất hẳn. Nhưng mà vì cái cận tử nghiệp nó mạnh cho nên nó dẫn mình đi trước để mà trả theo cái tâm niệm lúc sắp lâm chung. Bởi vậy cho nên khi sắp lâm chung chúng ta phải ráng dè dặt tối đa không có nên khởi những tâm niệm ác, vân vân.

Bây giờ nói cái cận tử nghiệp thiện nó có thể chuyển cả cái nghiệp ác của mình trước, tích lũy nghiệp ác hồi trước. Thí dụ như trường hợp này chúng tôi đọc trong kinh thấy. Người mà phạm hai tội trong năm tội ngũ nghịch là ông Ðề Bà Ðạt Ða. Chính ông khi sắp chết thì Ðức Phật đã thọ ký rằng phải đọa địa ngục. Do đó cho nên khi ông gần chết ông hối hận, ông chấp tay hướng về Phật, ông xin sám hối. Sau đó ông chết, ông đọa địa ngục. Tới sau này, Ðức Phật kể lại cho ngài A Nan nghe. Ông Ðề Bà Ðạt Ða tuy là đọa địa ngục vì phạm tội ngũ nghịch, nhưng mà khi ông sắp chết, ông biết hối hận, thành tâm sám hối với Phật, cho nên sau khi đọa địa ngục rồi thì ông sẽ được trở lại làm người. Gặp Phật Pháp tu hành, sau này ông cũng chứng quả thành Phật, cho nên Phật thọ ký ông sau này thành Phật.

Như vậy mới thấy rằng cả đời ông, ông đã tạo những nghiệp ác. Nhưng khi sắp lâm chung, ông đã có cái tâm thức tỉnh, hối cải, thì sau này cái nghiệp ác hết thì ông cũng dược sanh ở cõi lành, và ông sẽ được tu hành chớ không có mất. Ðó là để nói cái cận tử nghiệp lành nó có thể giúp cho người mà sau này có thể phải chịu cái khổ lâu dài liền chuyển được cái khổ ngắn chớ không có lâu dài nữa. Ðó là một chuyện.

Còn một chuyện nữa, có một vị thiên ở cỏi trời Ba Mươi Ba. Hôm đó ông biết ông hết phước, ông sắp chết. Khi chết ông dùng con mắt thiên nhãn. Ông nhìn ông biết cái nghiệp của ông sẽ được sanh làm con ông trưởng giả ở dưới nhân gian. Và sau cái kiếp làm con ông trưởng giả đó, ông sẽ đọa địa ngục. Cho nên ông hoảng quá, ông sợ, ông khóc rống lên. Ông kêu "có ai cứu tôi". Ông cứ la mãi như vậy. Khi đó trời Ðế Thích đến hỏi vì lý do gì mà ông khóc than như vậy. Ông mới trình bày cái chỗ thấy của ông, và ông hoảng sợ quá. Trời Ðế Thích bảo nếu ông muốn cứu thì ông nên hướng về tam bảo, qui y tam bảo, thì ông có thể sẽ được cứu. Ông mới hỏi qui y tam bảo là sao. Trời Ðế Thích mới bảo qui y tam bảo có nghĩa là qui y với Phật, qui y với Pháp, qui y với Tăng. Ông mới nói Phật ở đâu. Trời Ðế Thích mới nói Phật đang thuyết pháp ở vườn Trúc gần Vương Xá. Ông mới nói tôi sắp chết làm sao đi xuống đó để qui y được. Trời Ðế Thích nói không sao. Bây giờ ông cứ quì chấp tay hướng về chỗ Phật thuyết pháp, ông nói to lên như thế này. Nói con tên gì đó, xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Nói như vậy ba lần, xin Phật cứu con, xin Phật độ con. Ông nói ba lần như vậy thì sẽ được Phật độ.

Ông liền quì gối chấp tay hướng về vườn Trúc mà ông nói (?) ba lần con xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, xin Phật cứu độ con. Sau khi nói ba lần đó rồi thì ông liền chết. Quả là ông sanh xuống trần gian làm con ông trưởng giả. Nhưng khi người con ông trưởng giả đó lớn lên, một hôm gặp Phật đi khất thực ngang nhà thì đứa bé thấy Phật liền phát tâm muốn đi tu. Rồi sau đó được Phật độ đi tu và tu hành chứng được quả A La Hán. Thì như vậy để thấy rằng cái cận tử nghiệp để hướng về tam bảo, qui y mà sau này thoát khỏi đọa địa ngục và lại còn được xuất gia tu hành tiến tới giải thoát.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch