Phật pháp ứng dụng
Thiền trong đời thường
Tác giả: Thích Thông Huệ
24/02/2010 05:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 3: CHỨNG NGHIỆM THIỀN

Tất cả thiền sinh, ai cũng phải ít nhiều bơi lội trong công phu. Dù có lúc ta bị tán tâm, quay cuồng theo các cảnh, nhưng nhờ kịp thời tỉnh thức nên lấy lại sự tự chủ tự do. Cũng có những khi thân thể khoẻ mạnh, khí lực sung mãn, điều kiện xung quanh thuận lợi, sự tọa thiền quyết liệt giúp ta đi sâu vào công phu, ta cảm thấy tươi mát, bình an và tự tin vô cùng. Như vậy, có thiền tập là có sự cảm nhận trên chính bản thân mình một trạng thái vô nhiễm của tâm, khi tâm ta an nhiên bất động trong phút giây hiện tại.

Có thể nói, nếu xa rời Thiền, ta không thể hiểu  bản chất của đạo Phật, vì Thiền là tinh túy, là cốt tủy của đạo Phật. Nhưng nếu không có chứng nghiệm thì cũng không có Thiền. Chính nhờ chứng nghiệm khi hành thiền, ta mới có sự bình an vững chãi trước mọi cảnh huống, mới có thể vượt qua những chướng ngại đến từ bên ngoài và trong thân tâm, mới có cơ hội phát minh việc lớn.

Trong chương nầy, chúng ta sẽ triển khai những khía cạnh và mức độ chứng nghiệm Thiền, để có cơ sở soi rọi lại bản thân mình, từ đó có niềm tin vững chắc trên đường tu. Dĩ nhiên, kết quả công phu và sự cảm nhận của mỗi người là những kinh nghiệm tự nội, không ai giống ai; hơn nữa, sự giác ngộ không phải đến một cách thứ lớp, tiệm tiến, mà là một trạng thái đột biến, bất ngờ. Tuy vậy, trong lộ trình công phu, bước sau phải khác bước trước. Và vì tiến trình tu tập có rất nhiều gian lao thử thách, và cả những hầm hố cạm bẫy, nếu không dựa vào kinh nghiệm của nguời đi trước như những bảng chỉ dẫn bên đường, chúng ta có thể phạm những lỗi lầm đáng tiếc.

I. CHỨNG NGHIỆM THIỀN LÀ KẾT QUẢ CỦA TRỰC GIÁC

 Pascal, một nhà triết học lừng lẫy người Pháp đã nói: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết tư duy” (L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la nature, mais c’est un roseau pensant). Thật vậy, khả năng của con người thích nghi với môi trường với hoàn cảnh kém xa so với loài vật, nhưng lại đứng trên ngôi vị chúa tể muôn loài là nhờ đâu? – Chỉ nhờ bộ óc biết lý luận, phân tích, tư duy. Trí óc là phương tiện tối cần trong thế giới hữu vi để tồn tại và phát triển, để ổn định trật tự xã hội, để thăng hoa về đạo đức. Đối với người tu, bước đầu cũng phải vận dụng trí óc để nghe và hiểu đúng chánh pháp. Trí hữu sư là trí tuệ nhờ thầy dạy và trò vận dụng tư duy mà có, là bước căn bản khi mới vào đạo để khỏi sa vào tà kiến, mê tín.

 Mặt khác, người tu Phật như người chèo thuyền ngược dòng. Chỉ nói việc tọa thiền, những hành giả sơ cơ chưa quen với tư thế tĩnh tọa, nếu không vận dụng ý chí để làm chủ thân tâm, làm sao có thể vượt qua những cảm giác đau tê của thân và những vọng niệm lẫy lừng của tâm trong suốt 1-2 giờ bất động? Và những ma chướng cám dỗ của ngũ dục, nếu không kiên định chiến đấu liên tục với chúng, làm sao có thể chiến thắng?

 Như thế, ý thức và ý chí đều là những điều kiện quan yếu của người tu lúc nhập môn. Nhưng đó có phải là điều kiện duy nhất để được giác ngộ giải thoát không?

 Ta đã biết, Thiền không lệ thuộc vào một tư thế, một hình thức lễ nghi nào. Thiền là trạng thái của tâm thanh tịnh mà luôn tỉnh sáng, là sự thể nhập toàn triệt vào thực tại sinh động. Đối với người mới vào đạo, tọa thiền là tư thế tối ưu giúp tâm dễ an định, nhờ ý chí hỗ trợ để kéo dài thời gian tĩnh tọa. Nhưng khi nỗ lực bằng sự tác ý, vô tình ta lại nuôi dưỡng ngã tướng vì thấy có cái ta trong dụng công; cái ta ấy cũng trải dài, lớn dần theo thời gian công phu. Đây là điều rất tế nhị mà nếu không khéo chú ý, ta khó thể nhận ra.

 Ngài Đạo Nhất lúc còn là thiền sinh ở núi Hoành Nhạc, hằng ngày tọa thiền rất tinh tấn. Thiền sư Nam Nhạc biết là bậc pháp khí nên một hôm đến gần hỏi :

- Đại đức ngồi thiền để làm gì ?

Ngài Đạo Nhất thưa:

- Ngồi thiền để làm Phật.

Câu trả lời rất hay, biểu lộ ý chí xuất trần. Theo gương Đức Phật tọa thiền liên tục 49 ngày đêm dưới cội Tất-bát-la và trở thành bậc giác ngộ, chúng ta đều mong có ngày, nhờ nỗ lực tọa thiền, chúng ta cũng được thành tựu đạo quả. Tuy nhiên, chúng ta chỉ biết thời điểm cuối cùng lúc sao Mai vừa mọc, đánh dấu sự thành công của Đức Bổn sư ; còn quá trình tu tập trước đó, tâm thức ngài diễn biến  thế nào, thì ai hiểu thấu? Thiền sư Nam Nhạc muốn cảnh tỉnh nên đem gạch đến mài trước cửa am Ngài Đạo Nhất. Và đây là đoạn đối đáp rất lý thú và nghĩa lý rất sâu xa:

Đạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

Sư đáp:

- Mài để làm gương.

- Mài gạch đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

- Vậy làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Chấp vào việc tọa thiền cho là cứu cánh, cũng ví như người muốn mài gạch thành gương hay nấu cát thành cơm. Trâu và xe dụ cho tâm và thân, chúng ta tu là trị ngay con trâu tâm, trị ở mọi nơi mọi lúc chứ không chỉ ở lúc tọa thiền. Lời dạy sau đây của Thiền sư càng làm rõ hơn ý ấy.

- Người học ngồi thiền hay học ngồi Phật ? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia ([1]).

Nói như thế, không phải chúng ta bài bác việc tọa thiền. Đạo Phật là Trung đạo, không chấp bên nầy cũng không thiên bên kia. Chúng ta cần khéo hiểu lời dạy của các Ngài để có cái nhìn toàn diện về mọi vấn đề, ngoài đời cũng như trong đạo.

Ở mức độ cao, Thiền là trí tuệ Bát–nhã, là hành vi của trực giác. Trực giác Bát-Nhã phóng xuất khi vắng bặt những suy luận tư duy. Trí hữu sư do vay mượn kiến thức bên ngoài kết hợp với ý thức bên trong, trở nên chướng ngại nếu hành giả chấp chặt vào đó. Đức Phật gọi là Sở tri chướng. Thiền không đồng hoá với mặc tọa, cũng không phụ thuộc vào yếu tố tri thức là những kỷ niệm trải dài theo tiến trình nhân quả. Đưa tay vào lửa liền biết nóng, tự nhiên rút tay lại; nghe gọi liền thưa, không cần suy nghĩ … Hàng ngày, có bao nhiêu điều ta không cần suy luận mà vẫn thấy nghe hay biết. Khả năng ấy do đâu mà có? Mọi động dụng thi vi đều không rời cái BIẾT. Biết là biết tức thì, suy nghĩ liền trái. Cái biết hiện hữu ở mọi chúng sanh, không phân biệt giống loài. Biết ấy chính là TÂM. Nhớ câu chuyện gió và phướn trong Kinh Pháp Bảo Đàn: Gió và phướn động là việc của duyên, còn cái biết có sự lay động là Tâm. Do tâm động nên tranh cãi, tâm không động thì có gì dính dáng?

   Các pháp biểu hiện bằng muôn màu muôn vẻ, biến đổi không dừng. Đó là thực tại sống động. Thiền giả chứng nghiệm vào thực tại sống động ấy, nhận ra sát-na bất động vĩnh hằng. Sự minh triết nhờ công phu thiền tập là trí tuệ phát sinh qua chứng nghiệm tự thân, là kết quả của trực giác. Nhà Phật gọi là Trí vô sư, trí tuệ không nhờ Thầy mà có, là trí tuệ chân chính, là cái Biết đích thực đến tận cùng bản thể của muôn pháp.



([1]) Thiền sư Trung Hoa. 1995: 24 - 25. HT Thích Thanh Từ.


II. TRỰC TIẾP THỂ NHẬP VÀO THỰC TẠI SỐNG ĐỘNG

 Có vị khách hỏi:

- Thế nào là Niết-bàn thường trụ?

Sư đáp:

- Lá rụng theo dòng nước,trăng sáng trên đỉnh đồi.

 Lời đáp rất nên thơ và diễn tả cảnh tức thì, nhưng nếu người nghe phóng tâm chạy theo cảnh thì đã lầm qua. Nếu Thiền sư trả lời bằng cách mô tả một cảnh giới vi diệu của Niết-bàn, thì cũng chẳng thấu đến bản chất thật sự mà còn làm người nghe thêm kiến giải. Bởi vì Niết-bàn thường trụ không phải một nơi chốn xa vời nào đó để ta hướng đến, mà chính là thực tại hiện tiền sống động, khi tâm ta hoàn toàn thanh tịnh hằng tri. Thiền không là mong cầu tìm kiếm, vì thực tại nhiệm mầu ấy chỉ hiện hữu khi ta bặt dứt mọi ý niệm phân biệt hai bên, như mặt hồ lặng sóng thì bóng trăng hiện sáng ngời. Khi hành giả luôn thắp sáng chánh niệm, tỉnh giác trong đương xứ, vị ấy thấy mọi vật mọi cảnh đều là thực tại hiện tiền.

Shiki có bài thơ ngắn:

Ta nhìn sâu xa

Dưa nằm trong cỏ

Hé mấy nụ hoa.

(Nhật Chiêu dịch)

 Cái “nhìn sâu xa” chính là cái nhìn thẩm thấu vào mọi sự vật hiện tượng. Đây là cái nhìn của Thiền, thấy biết các pháp nhưng không khởi niệm. Lúc này, một trái dưa trong đám cỏ, vài nụ hoa hé nở cũng đều là thực tại nhiệm mầu. Bằng cái nhìn sâu xa ấy, Thiền giả nhận ra sự bất động vĩnh hằng trong một hiện hữu sống động, sự tịch tĩnh muôn đời trong cái linh hoạt muôn màu muôn vẻ của thế giới.

Có vị tăng hỏi:

- Thường nghe nói chư Phật và giáo pháp vi diệu đều từ kinh nầy lưu xuất. Vậy kinh nầy là kinh nào?

Sư đáp:

- Luôn ở bên ông, đừng tra hỏi, đừng lý luận, cũng đừng nói năng, thì sẽ nắm bắt được.

- Làm sao nhận ra và nắm bắt được?

- Phải nghe bằng hai con mắt .

Thật là ngôn phong của các Thiền sư! Lời đáp của các Ngài không phải cho ta hiểu, mà để ta sống ngay vào giây phút hiện tại. Những câu hoạt ngữ như thế là tuyệt đường lý luận, tuyệt đường so sánh, là lìa tướng ngôn thuyết lìa tướng tâm duyên. Hàng ngày, ta đi đứng nói năng hoạt động, đó là ai? Chỉ nên thầm nhận biết, đừng tư duy lý luận, đừng mong tìm kiếm, vì có niệm sở thủ sở đắc là đã xa rời Đạo. Người tu thường mong mau kiến tánh, vì nghe nói kiến tánh là điều kiện vào cửa nhà Thiền. Ý thức muốn tìm thấy tánh mà không hiểu tánh ấy chính là mình, chỉ có thể tự tri tự nhận. Như khi ta nhìn rõ cảnh vật, ta tự biết mình có mắt sáng, chứ không thể thấy lại cặp mắt của mình. Cái Biết cũng vậy, nó tự thầm nhận đang thấy nghe hay biết mà không có ý thức “ta đang biết”. Trạng thái nầy không thể diễn tả bằng lời cho người khác hiểu, mà chỉ trực tiếp kinh qua, trực tiếp chiêm nghiệm, hành giả mới tự mình khám phá. Điều nầy nói lên sự khác biệt rõ ràng giữa một bên là sự thể nhập trạng thái của tâm, và bên kia là khái niệm về trạng thái đó. Ví như một cơn đau, chỉ có người bệnh mới biết rõ cường độ, tính chất, vị trí chính xác của nó; còn người ngoài cuộc chỉ có những khái niệm về cơn đau ấy nhờ tưởng tượng, suy luận mà thôi.

   Một số người nghĩ rằng, trạng thái chết lịm ý thức hay si định là một bước tiến quan trọng trong công phu, nên hết sức tránh duyên để mong sớm đạt được. Trạng thái nầy thật ra không dễ dàng mà có, nhưng lại không phù hợp với yếu lý nhà Thiền. Pháp giới luôn hiện hữu với muôn vàn hình tướng, luôn sống động biến đổi không ngừng. Đây là sự hữu, sự tướng bên ngoài. Và nơi hiện hữu bề mặt ấy, lại tiềm ẩn sự vô là cái bất động thường trụ, là bản chất của pháp giới. Sự hữu là hiện tượng sanh diệt, sự vô là bản chất bất sanh. Hiện tượng và bản chất, cả hai không thể tách rời nhau, đứng ngoài nhau. Các pháp hiện diện là biểu tướng sự hữu, nhưng nếu ta chạy theo sự hữu, tức duyên theo trần cảnh, thì còn trôi lăn trong luân hồi; còn chỉ chú tâm vào sự vô thì trở nên khô cằn bất động, không giúp ích được gì cho ai.Thiền sư kiến tánh không phải kiến chiếu vào sự vắng lặng khô chết, mà nhận rõ cái hằng hữu của sự vô ngay từ cái sinh động vô thường của sự hữu. Thiền là trạng thái tịch tĩnh nơi sự hữu chứ không phải tịch lặng ở sự vô. Hoa đào nở là sự hữu, Ngài Linh Vân ngộ đạo; Tôn giả Ca-Diếp mỉm cười khi cành sen giơ lên, đây là cái sống động nhiệm mầu nơi sự hữu. Thế giới nầy dù hoại diệt, cái sống động nhiệm mầu ấy vẫn miên trường; con người mất đi chỉ là kết thúc tạm thời một giai đoạn sống, còn tánh Biết thường hằng thì không đến không đi, không bao giờ biến đổi.

Tánh Biết hay Phật tánh, Bản lai diện mục…, tất cả chúng sanh đều sẵn đủ. Con người không biết mình có gia tài quý báu ấy nên cứ mãi làm kẻ bần cùng, lang thang trong cuộc tử sinh. Cũng có người chạy quanh bốn phía tìm cái bóng hứa hẹn nào xa xôi; nhưng hễ còn niệm tìm kiếm, còn tâm khao khát mong được hạnh phúc, ta còn xa rời thực tại, và hạnh phúc đích thực vẫn ở ngoài tầm tay. Thiền tập là dừng lại, sống trọn vẹn với phút giây hiện tại, không theo đuổi truy cầu quá khứ tương lai.

 Tuy nhiên, sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại không phải là duyên theo cảnh rồi sanh tâm phân biệt. Nhà Phật gọi đó là phan duyên, tức đuổi theo các duyên, bệnh trầm kha của chúng sanh, nguồn gốc của luân hồi. Hành giả tu Thiền không trốn tránh các duyên, nhưng khi đối cảnh phải quét sạch mọi tạo tác, mọi dính mắc trên cảnh. Ta có thể thấy nghe hay biết tất cả mà không có ý niệm khen chê tốt xấu: đó là sống với tâm bình thường.

III. SỐNG HỒN NHIÊN VÀ TÙY DUYÊN HOÁ ĐỘ

Đời sống thiền tập giúp hành giả thoát khỏi ý niệm phân biệt hai bên. Giai đoạn đầu, tọa thiền theo dõi hơi thở hay tri vọng, mọi việc xảy ra xung quanh ta vẫn biết nhưng không vận dụng tư duy, dần dần ta có sự bình an khi tĩnh tọa. Tiến thêm một bước, trong cuộc sống thường ngày, nhờ chánh niệm tỉnh giác trước mọi biến chuyển của thân tâm cảnh để nhận diện và chuyển hoá, ta có thể đối phó với mọi tình huống mà không mất sự bình ổn tự chủ. Nhà Thiền dùng bát phong làm thước đo định lực của người tu, chứ không đánh giá kết quả hành trì dựa vào sự diễn đạt khéo léo, lời thuyết giảng lưu loát hoặc những cảnh giới thấy được lúc tọa thiền.

Khi công phu đến chỗ thâm sâu, như cây có gốc rễ vững vàng trước giông bão, người tu có một sức sống riêng, một phong thái riêng, biểu hiện sự tự tại trước mọi hoàn cảnh. Các Ngài không thấy đạo phải thủ đắc và đời phải xa lìa, vì không có cái phi tục ở ngoài phàm tục, cái xuất thế ở ngoài thế gian, cái thường hằng ở ngoài sinh diệt. Cuộc sống là một dòng chảy bất tận, và Thiền không phải xa rời cuộc sống hay chận đứng dòng sống sinh động để tìm sự bất động vĩnh hằng. Thiền tập là bơi lội vào dòng  sống luân lưu không dừng nghỉ ấy, vào thế gian pháp sinh diệt ấy mà nhận ra Phật pháp nhiệm mầu. Phiền não tứcBồ- đề là như thế.

Nhà Thiền có câu:

Tùy duyên tiêu nghiệp cũ

Hồn nhiên mặc áo xiêm.

Hay:

Ở đời vui đạo khéo tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Những bậc đạt đạo thường không theo một khuôn mẫu nhất định nào trong phong cách sinh hoạt. Mỗi vị biểu hiện một vẻ rất riêng, nhưng hồn nhiên đói ăn mệt ngủ. Người đời thường lầm tưởng, phải ra vẻ nghiêm trang đạo mạo mới đúng phong thái Thiền sư, lâu ngày sự miễn cưỡng cường điệu ấy trở thành một loại kiết sử, trói buộc họ vào khuôn khổ cứng nhắc. Ngược lại, có người chủ trương phá chấp triệt để, trở thành buông lung phóng túng. Đó là hai cực đoan không hợp lẽ đạo.

Sự hồn nhiên của những bậc đạt đạo, trước hết là vô tâm khi tiếp duyên xúc cảnh. Vô tâm không phải là không biết, mà là thấu hiểu tất cả mọi điều nhưng không khởi niệm phân biệt hai bên. Do lìa nhị biên nên không vướng bận ngã nhơn, các Ngài vẫn sinh hoạt giữa lòng cuộc đời, vẫn sống bình thường như mọi người, nhưng trong cái bình thường ấy lại hàm chứa sự phi thường, vì buông xả được tất cả phiền não chấp trước. Hơn thế nữa, tính hồn nhiên  còn là tự chủ, kham nhẫn và lòng can đảm vô song- đó là cái Dũng của Thánh nhân. Các Ngài đã chiến thắng chính mình, nên trước những thử thách gian nan hay cám dỗ ngũ dục, trước những chướng ngại bệnh tật của thân tâm, trước cả niềm vui xuất thế do các tầng Thiền định đưa đến, các Ngài vẫn an nhiên tự tại. Thiền sư Linh Hựu khi về núi Qui, chỉ một thân một bóng, ăn trái rừng uống nước suối mỗi ngày. Gặp thú dữ, Ngài chỉ bình thản nói một câu: “Nếu ta có duyên với núi nầy, các ngươi nên tránh đi chỗ khác; nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt ta đi!” ([1]) dữ bỏ đi. Tự chủ trước hiểm nguy, kham nhẫn trước khó khổ, can đảm chiến đấu với hoàn cảnh ngặt nghèo bên ngoài cùng nỗi cô liêu cay đắng bên trong, để cuối cùng trở thành vị Đại Thiện tri thức cho 1.500 đồ chúng, đó có phải là cái Dũng của Thánh nhân? Không có cái Dũng phi phàm ấy, Thiền sư Linh Hựu khó thể sống hồn nhiên suốt bảy năm trên ngọn núi không một bóng người.

Vua Kế Tân mang gươm đến trước Tổ Sư Tử, hỏi:

- Thầy đã được không tướng chưa?

- Đã được.

- Đã được, thì còn sợ sống chết không?

- Đã lìa sống chết thì đâu có sợ?

- Chẳng sợ, có thể cho ta cái đầu chăng?

Ngài đã trả lời rất hồn nhiên:

- Thân chẳng phải cái của ta,huống nữa là đầu.([2])

Kinh Pháp Hoa có ví dụ về Hoá thành và Bảo sở. Đường tu xa vời hiểm trở dễ gây sự chán nản thối chí, nên cần có những nơi nghỉ ngơi tạm thời gọi là Hoá thành. Khi hành giả đã phục hồi sức lực, phải tiếp tục tiến bước, đến Bảo sở mới là mục tiêu cuối cùng. Hoá thành là những tầng Thiền định từ thấp lên cao, khi công phu còn có sự dụng công tác ý, còn có bóng dáng của  Thọ và Tưởng. Thọ là cảm giác, Tưởng là tư tưởng. Những cảm giác khinh an hỷ lạc hoặc những linh ảnh cảnh giới lúc tọa thiền đều thuộc các tầng Thiền định giới hạn. Người tu theo tinh thần Đại thừa biết buông xả những cảm thọ ở thân tâm, khéo vượt qua mọi vọng tưởng chấp trước, khéo công phu đúng ý nghĩa Vô sở đắc Vô sở cầu, mới có thể đến Bảo sở. Tuệ Trung Thượng Sĩ có lần dạy vua Trần Nhân Tông:

Trì giới cùng nhẫn nhục

Chuốc tội chẳng chuốc phúc.

Muốn biết không tội phúc

Không trì giới nhẫn nhục.

Lời dạy có vẻ lạ lùng kỳ quái khiến người nghe phải giựt mình, nhưng đây là lối công phá tột cùng của Bát-nhã và là yếu lý của Đạo. Thường thì  khi làm một công hạnh gì, ta thích người khác biết đến. Người đang trì giới còn thấy ta là người trì, có giới luật để trì. Người nhẫn nhục cũng thấy ta đang thực hiện nhẫn nhục, có sự việc phải nhẫn và có đối tượng cho sự nhẫn nhục của ta. Càng trì nhẫn, càng thấy ta hơn người, sự chấp ngã càng sâu nặng nên chuốc tội chứ chẳng chuốc phúc. Người tu siêu việt cả tội phúc thì làm tất cả việc gì cũng không thấy thật có ta là người làm, có công hạnh để làm và có đối tượng cho việc làm ấy. Đây là ý nghĩa của của Tam luân không tịch. Đến mức độ nầy, các Ngài không thấy mình trì giới nhưng không có giới nào không giữ, chứ không phải buông lung phá giới. Chỗ nầy là điểm rất quan trọng và tế nhị, nếu không khéo hiểu và khéo hành, ta dễ sa vào đường tà, uổng một đời tu. Vì thế, Thượng Sĩ phải dặn thêm “Chớ bảo cho người không ra gì  biết”. Lời dạy của Ngài là chân lý, nhưng vì quá cao siêu nên nếu đến tai người còn nông cạn khiến họ hiểu lầm sanh phóng túng lơi lỏng, càng chuốc thêm tội lỗi .

   Bài kệ thứ hai làm rõ thêm lời dạy của Ngài:

               Như khi người leo cây

               Trong an tự cầu nguy.

               Như người không leo cây

               Trăng gió có làm gì?([3])

   Người đang ở dưới đất yên ổn, tự nhiên leo lên cây làm gì để mang hoạ vào thân? Không leo cây nghĩa là không tác ý miễn cưỡng, là hồn nhiên khi sống khi tu. Vì không còn ý thức chấp ngã, các Ngài làm mọi việc một cách tự nhiên như hơi thở ra vào. Không còn khởi niệm phân biệt tội phúc thì vấn đề trì-nhẫn cần gì phải đặt ra? Cho nên, các vị Thiền sư có cuộc sống phóng khoáng thuận hạnh nghịch hạnh tùy duyên, ta không thể dùng kiến giải của phàm phu mong hiểu thấu hành tung của các Ngài.

   Đối với hàng môn đệ, các Ngài cũng tùy đương cơ mà có phương tiện giáo hoá thích hợp. Bởi vì, Thiền không phải là một hệ thống lý luận sư phạm, một triết thuyết có biện chứng, mà là nội dung tâm chứng, là cảm hứng tùy duyên. Do vậy, sự thuyết pháp hay lối dạy của các Ngài không theo đề mục bài bản soạn sẵn, mà là lối tác động trực tiếp vào tâm thức người nghe, khiến đương cơ lãnh hội trong chớp nhoáng.

   Một môn nhân hỏi Thiền sư:

- Sau khi chết đi về đâu?

   Sư đáp:

- Nằm dài lưng sát đất, ngực hướng thẳng lên trời.

   Câu trả lời không theo phương pháp biện chứng, không giảng giải dài dòng để người nghe sa vào mê cung chữ nghĩa.Thiền sư nói về vấn đề trọng đại ấy một cách thẳng tắt, thực tế ngay trước mắt. Nhận thì ngay đó liền nhận, không thì thôi, bặt đường suy nghĩ.

   Tăng hỏi Thiền sư Huyền Sa:

   - Thế nào là đại ý Phật Pháp?

   Ngài trả lời:

   - Rất ít người nghe tôi thuyết

   -Xin Hòa thượng trực tiếp dạy cho con

   - Ông có điếc không?

   Tăng mờ mịt không hiểu.

   Ngay câu đáp đầu tiên“Rất ít người nghe tôi thuyết”, Ngài Huyền Sa đã dạy rồi, nhưng do vị tăng mãi chạy theo tiếng mà quên xoay lại Tánh nghe, nên bị Ngài bảo là điếc. Chúng ta cũng như thế, hàng ngày tiếp xúc với trần cảnh mà quên Tánh biết thường hằng, nên không thấy tất cả các pháp đang diễn bày Phật pháp.



([1]) Thiền sư Trung Hoa tập I. 1995: 289. HT Thích Thanh Từ.

([2]) Sử 33 vị Tổ Thiền tông Ấn - Hoa. 1972: 134 - 135. HT Thích Thanh Từ.

([3]) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải. 1996: 10 - 103. HT Thích Thanh Từ.


IV. GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT

Ý nghĩa của sự tu hành, cũng là mục tiêu tối hậu mà người tu luôn nhắm đến, là Giác ngộGiải thoát. Giác ngộ là thầm nhận ra và sống với Phật tâm sẵn đủ của chính mình, Giải thoát là vượt thoát mọi ràng buộc của phiền não và sanh tử. Bậc Giác ngộ thấy rõ muôn loài chúng sanh đều bình đẳng ở Phật tánh, cũng như muôn ngàn đợt sóng, dù có hình dạng khác nhau nhưng cùng bản chất nước. Thân năm uẩn có sanh có diệt, nhưng sanh diệt thế nào cũng không ngoài thể tánh thường  hằng. Các Ngài vẫn ở trong trần lao, làm mọi việc lợi ích cho chúng sanh nhưng không bị trần cảnh chi phối, không bị trói buộc bởi kiết sử và những hệ luỵ của cuộc đời. Hơn thế nữa, các Ngài đã thoát khỏi vòng kềm tỏa của nghiệp lực, tự tại trước sanh tử. Đây chính là sự tự do đích thực mà Đức Phật đã thể nhập và muốn truyền trao cho chúng sanh muôn loài.

   Tổ Quy Sơn có nói trong một bài Minh:

               Thử tông nan đắc kỳ diệu

               Thiết tu tử tế dụng tâm

               Khả trung đốn ngộ chánh nhơn

               Tiện thị xuất trần giai tiệm.

   Chỗ kỳ diệu của tôn chỉ nhà Thiền rất khó nắm bắt, nếu dựa vào thức tình phân biệt của phàm phu. Hành giả phải khẩn thiết chín chắn mà dụng tâm. Khéo công phu thì trong ấy chợt nhận ra chánh nhơn tu hành. Đây là thềm bậc đưa hành giả thoát khỏi trần lao, vì tu nhơn vô sanh mới được quả không sanh diệt. Vậy thế nào là tôn chỉ nhà Thiền ?

   Bài Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán viết: “Quy căn đắc chỉ, Tùy chiếu thất tông”. Trở về nguồn cội mới đạt yếu chỉ, phóng chạy ra ngoài thì mất bổn tông. Yếu lý của sự tu hành là trở về nguồn cội, tức xoay lại soi sáng chính mình, tự  tri ngay nơi thân tâm mình mà nhận ra bộ mặt thật xưa nay. Về nguồn là đời sống nội tu tự tỉnh, tự sống với chân thân, tự bào mòn tập khí, tự buông xả mọi vọng tưởng chấp trước đảo điên. Nắm vững yếu chỉ thì dù tung hoành ngang dọc,  hành giả cũng không ra khỏi quỹ đạo tu hành. Nếu không rõ yếu chỉ, mãi cầu giác ngộ ngoài tâm thì dù công phu tinh cần đến  mấy cũng không có kết quả như ý; đôi khi còn ngược lại, vì cố ý tạo tác là có ngã tướng. Công phu càng nhiều, ngã chấp càng lớn, càng tăng trưởng tham vọng chứng đắc, càng làm hại cho pháp thân huệ mạng của mình.

   Một vị tăng hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

   - Thân nầy từ đâu đến, lúc chết đi về đâu?

   Ngài trả lời :

- Trên trời dù có đôi vành chuyển

   Biển cả ngại gì hòn bọt con.      

   Hai câu kệ rất nên thơ mà trả lời một cách sâu sắc vấn nạn lớn nhất của đời người. Ai cũng muốn biết thực chất của vấn đề sống chết, có luân hồi hay không, chết là hết tất cả hay còn lại những gì? Những bậc đạt đạo đều thấy rõ, dù trên trời đôi vành nhật nguyệt lặn mọc không dừng, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hư không. Biển cả là tự thể, hòn bọt chỉ là biểu tướng; biển cả mênh mông có ngại gì hòn bọt con sinh diệt? Thân năm uẩn như hòn bọt con, dù sanh ra hay chết đi cũng không ảnh hưởng đến Pháp thân thường trụ. Vạn pháp quy tâm, tâm là nguồn cội phát sinh muôn pháp, là bản thể của vũ trụ vạn loại. Trở về bản tâm là đầy đủ trọn vẹn, không thiếu thốn điều gì. Nhà Phật dù có  thiên kinh vạn quyển, tám mươi bốn ngàn pháp môn, cũng chỉ có một mục đích duy nhất là chỉ cho mọi người nhận ra bản tâm.

   Lục Tổ bảo: “Chỉ luận kiến tánh, không luận thiền định giải thoát”. Thiền tông chỉ cốt cho hành giả trực nhận bản tâm; và đến khi nhận ra tâm thanh tịnh thường nhiên, hành giả mới thật tu nhơn vô sanh, mới bước chân vào cửa nhà Thiền. Có thể nói, khai ngộ là lẽ sống, là cứu cánh của Thiền; không có khai ngộ thì không phải Thiền.Tuy nhiên, khi nào ta còn ý thức về giác ngộ như một đối tượng, thì giác ngộ vẫn còn xa thẳm. Sự ràng buộc về giác ngộ là một căn bịnh nan y của Thiền giả, vì khơi dậy những khát vọng thầm kín, những nỗi ray rứt trăn trở, làm che lấp cái thấy biết như thật về tất cả các pháp.

   Một vị Tăng hỏi Quốc sư Huệ Trung:

   - Làm sao được thành Phật ?

   Sư đáp:

   - Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, ngay đó giải thoát.

   - Làm thế nào được tương ưng?

   - Không nghĩ thiện ác, tự thấy Phật tánh.

   Qua lời dạy trên, mọi ý niệm lưỡng phân đồng thời bị quét sạch, nhà Thiền gọi là “nhổ đinh tháo chốt”. Hành giả bặt mọi vọng tưởng, chặt đứt sắn bìm, trực nhận chân lý.

   Có người hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ :

   - Cổ nhân nói tức tâm tứcPhật, vì sao không thấy Phật hiện tiền?

Ngài đáp :

   - Mổ trai tìm ngọc tuy khó gặp

   Xẻ cá kiếm châu nhọc công thôi.

   Bắt con trai mổ tìm ngọc, tuy không phải dễ gặp nhưng nếu kiên trì cũng có ngày tìm thấy, vì ngọc vốn có trong con trai. Còn người xẻ cá mong tìm châu, biết bao giờ thấy được? Người tu cũng thế, đã nắm được yếu chỉ tu hành thì cứ bền lòng vững tiến; khi đủ thời tiết nhân duyên sẽ có kết quả không nghi. Còn người tu theo thức tưởng phân biệt, hướng ngoại cầu huyền, cũng như xẻ cá đòi thấy ngọc thì cũng như chơi trò đuổi bóng, chỉ nhọc công thôi. Đức Phật bảo Hãy đến để mà thấy. “Thấy” tức là kiến tánh, là nhận ra bộ mặt thật xưa nay của chính mình. Giờ phút chứng nghiệm sâu sắc về bộ mặt thật ấy là giờ phút giác ngộ. Và chỉ có những vị đã giác ngộ mới hiểu rõ thế nào là giải thoát.

   Giải thoát thật sự là ở đâu? Theo quan niệm thông thường, giải thoát là cởi bỏ sự trói buộc của gông cùm xiềng xích nơi thân hay những mối lo lắng ràng buộc nơi tâm. Đạo Phật chú trọng đến tâm ý, quan niệm giải thoát là làm chủ được tâm, không dính mắc khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Vì không dính mắc nên không tạo nghiệp - kể cả nghiệp thiện và ác, nên thoát khỏi vòng kềm tỏa của phiền não và luân hồi. Kinh tạng Pali đề cập đến hai loại giải thoát, tùy đạo lực của hành giả. Thời giải thoát là sự giải thoát có hạn cuộc về thời gian, không gian. Ví như khi tọa thiền thấy khinh an, lúc ấy hành giả được giải thoát khỏi những kiết sử; nhưng khi xả thiền, những lo toan hệ lụy của cuộc sống lại ùa đến bủa vây. Đó là chỉ giải thoát trong lúc tọa thiền. Các vị Thiền sư đạt đạo, dù vẫn tiếp duyên, vẫn sinh hoạt như người thường, nhưng các Ngài luôn sống với tâm không, nên tự tại thong dong ở mọi nơi mọi lúc. Ấy là Phi thời giải thoát.

   Mặt khác, khi nói đến giải thoát, ta thường tưởng tượng một cảnh giới hoàn toàn tịch lặng, không còn dấu vết của phiền não và vọng tình. Bởi vì chúng ta phân biệt hai bên rất minh bạch: Trắng là trắng, đen là đen, không thể lẫn lộn. Nhà Phật không chủ trương như thế. Do trắng mới có đen và ngược lại, cho nên trắng và đen là hai mặt tương tác tương hỗ với nhau; chúng không chống trái nhau mà lại làm thành cho nhau. Đây là ý nghĩa sâu xa của cái nhìn bất nhị, mà nếu quán triệt được, hành giả sẽ thấy thực tại  luôn toàn vẹn không thể phân chia. Phàm phu chạy theo vọng tưởng nên bị phiền não chi phối, đó là. Nhị thừa lại lầm cho rằng phiền não có thật, là đối tượng cần trừ diệt. Chỉ có Bồ-tát theo Trung Đạo, lúc cần thiết thì ở trong cõi miền tịch lặng của Thánh nhân; khi muốn độ sanh thì thị hiện đến các cõi, hòa quang đồng trần hành Bồ-tát hạnh. Nước sâu vén áo, nước cạn nhón gót đi qua; nước đục giặc khố, nước trong giặc mũ, tùy duyên mà các Ngài du hí làm lợi lạc quần sanh.

   Nhà Thiền luôn cảnh tỉnh “Trạm trạm hắc ám thâm khanh”, trạng thái lặng lẽ là hố sâu đen ngòm ; hay “Vô tâm du cách nhất trùng quan”, vô tâm vẫn còn cách một lớp rào. Nếu cho cảnh giới lặng lẽ là lý tưởng, trạng thái vô tâm là cứu cánh rồi muốn ở mãi trong ấy, hoàn toàn cách ly với thế gian, thì đã có sở thủ sở đắc. Từ đó nẩy sinh ý thức  chấp có ta là người chứng (Ngã), có trạng thái yên tĩnh là sở chứng (Ngã sở). Dẹp sạch Ngã phàm nhưng lại sa vào Ngã thánh, nên nhà Thiền gọi là Si định, là nước chết, là hang động của quỷ.

   Nói thế, không phải chúng ta bài bác sự lặng lẽ yên tĩnh, rồi mặc tình tạo tác theo duyên. Đời sống ẩn dật là điều kiện cần cho những hành giả sơ cơ để củng cố và phát triển định lực. Những lúc nhập thất, một mình sống trọn vẹn với bản thân là những cơ hội để hành giả phát minh đại sự. Tuy nhiên, cuộc sống không phải là sự bất động miên viễn, mà là sự lưu chuyển sinh động không ngừng. Và trong dòng luân lưu sinh diệt ấy, lại luôn có một trật tự ổn định mà nhà Phật gọi là Sát-na vĩnh cửu. Sát–na vĩnh cửu chỉ có trong giây phút hiện tại, trong cái bây giờ tuyệt đối, khi tâm hành giả hoàn toàn an định mà liễu liễu thường tri. Tất cả những cảnh giới tâm chứng chưa đến mức nầy đều chỉ là Hoá thành chứ chưa phải Bảo sở.

   Như vậy, có giác ngộ là có giải thoát. Giải thoát không thể tìm cầu bên ngoài, mà chính là bản tánh của ta. Nếu giải thoát không phải bản tánh của ta thì không thể nào ta giải thoát được. Vì thế, nếu ta có ý niệm đi tìm giải thoát, thì mâu thuẫn sẽ phát sinh từ trong tâm thức, và ý niệm rong tìm ấy sẽ là một ràng buộc mới. Thiền không chủ trương buông bỏ cái nầy để được cái kia, vì cái nầy và cái kia vốn đồng nguồn. Chỉ khi rời bỏ mọi  tư tưởng nhị phân và rong tìm, tự tỉnh phản quan những vận hành của thân tâm, thì một lúc nào đó, ta sẽ có cơ hội trực nhận tự tánh thanh tịnh vốn có xưa nay, ta sẽ rõ thế nào là tự do giải thoát.

   Tứ Tổ Đạo Tín khi còn là Sa-di, một hôm đến trước Tam Tổ Tăng Xán thưa:

           - Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát

Tam Tổ hỏi:

- Ai trói buộc ngươi ?

Ngài Đạo Tín thưa:

- Không ai trói buộc.

 - Đã không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì ?

   Ngài Đạo Tín nhân đây đại ngộ.

   Các vị Thiền sư luôn muốn học nhơn dứt bặt suy tính phân biệt và ý niệm tìm cầu, tự phản tỉnh và trực nhận chính mình. Có lúc các Ngài phải sử dụng nhiều phương tiện quyền xảo tùy đương cơ, chỉ cốt giúp người khai ngộ. Nhiều người đọc một đoạn kinh hay nghe thuyết pháp, tự nhiên cảm nhận một sự rúng động lạ lùng, có lúc chảy nước mắt hay phát cười ra tiếng. Đây là một biểu hiện khai tâm. Chủng tử Thiền có sẵn trong tàng thức, gặp duyên thích hợp nên sống dậy, nẩy mầm. Chúng ta tu, ít nhất trong đời phải có một lần tiểu ngộ, nếu chưa tỉnh ngộ hay đại ngộ. Tu 5-10 năm mà vẫn mịt mù không rõ đường đi, có thể do ta tu sai đường hoặc không có duyên với pháp môn Thiền. Muốn khế hợp lý thật, ta cần tinh tấn hành trì theo đường lối của bậc Thiện tri thức hướng dẫn. Vị ấy chỉ dạy bảo cho chúng ta đường hướng và phương pháp thích hợp, còn đi hay không và đi như thế nào là việc riêng của mỗi người chúng ta.

   Tóm lại, Thiền là công phu, là chứng nghiệm ngay từ bản thân hành giả. Những gì người khác trao truyền, kể cả lời dạy của Phật-Tổ, đều chỉ là những kinh nghiệm bên ngoài, chỉ là những bảng hướng dẫn trên đường xe chạy. Muốn thật sự bình an giải thoát, muốn nhận lại con người thật xưa nay, mỗi người phải tự nỗ lực hành trì, tự phiêu lưu vào mảnh đất tâm của chính mình.

   Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta luôn luôn đối diện với ngoại cảnh, nhiều lúc bị vọng tưởng dẫn lôi, quay cuồng theo các pháp. Nhưng nhờ biết thắp sáng chánh niệm trên từng động thái của thân tâm, ta có thể kịp thời nhận diện và chuyển hoá chúng. Tâm quá khứ đã qua, tâm hiện tại đang trôi chảy, tâm vị lai chưa đến…, tất cả chỉ là những đợt sóng tâm thức trên biển chân như. Đợt sóng tâm thức là vọng tưởng, dù sanh dù diệt cũng không ngoài mặt biển chân tâm. Chứng nghiệm Thiền là nhận ra bản chất toàn diện bất sanh bất diệt của tâm ngay trên từng đợt sóng vọng tưởng sanh diệt. Nếu không hiểu rõ điều nầy, dù ta học Thiền nói Thiền suốt kiếp cũng không tỏ ngộ lý Thiền. Bởi vì, sự chứng nghiệm Thiền không phải là kết quả của việc học nói suông, mà phải trải qua quá trình thúc liễm thân tâm, bằng ý chí kiên định và sự tinh tấn trường kỳ.



Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch