Tu học nhập môn
Hoa Sen ngày Xuân - Phát Nguyện Học Phật
06/02/2016 11:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thế nào là "Phật Pháp?" Phật Pháp tức là Thế Gian Pháp, nhưng là thứ pháp mà người đời không muốn thực hành. Người đời suốt ngày bận rộn, lo lắng, bôn ba; nếu nguyên do chẳng phải là do lòng ích kỷ thì cũng vì muốn bảo toàn sanh mạng, tài sản, cuộc sống cá nhân.

1_1.jpg

Phật Pháp không vì ích kỷ riêng tư, mà hoàn toàn vì công ích, vì lợi lạc của thế nhân. Vì vậy, kẻ học Phật Pháp phàm làm gì, nói gì cũng nên vì người khác. Phải coi nhẹ chính mình, sẵn sàng xả thân vì người khác, và không gây phiền-não, khổ đau cho kẻ khác. Ðó chính là Phật Pháp vậy.

Vì sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì Ngài thấy rằng: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Bởi "cha mẹ" của Ngài đang ở trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau; do đó, bất luận thế nào Ngài cũng phải cứu độ chúng sanh, hy vọng rằng "cha mẹ" của Ngài sẽ được xa lìa khổ não, được hưởng sự an vui!

Ðức Phật có đại trí huệ; chúng ta có đại ngu si. Do đó, chúng ta phải học Phật, học trí-huệ của Ngài. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình; lúc nào cũng thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả bốn thứ tâm thái không bến bờ; lúc nào cũng phải tu tập Pháp Môn "Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành," điều khó nhẫn mình có thể nhẫn, việc khó làm hay không ai muốn làm thì mình có thể làm.
Học Phật thì chẳng nên học những thứ cao siêu, thâm áo, vì:
Tâm bình thường là Ðạo,

Tâm thẳng thắn là chùa.

Cho nên, mọi người hãy dùng lòng ngay thẳng mà tu hành!

Người học Phật phải làm thế nào để đạo Phật ngày một rạng rỡ; chớ để cho Ðạo ngày một hủ bại.

Làm sao để khiến Ðạo Pháp thêm huy hoàng? Trước hết, hãy nuôi dưỡng, vun bồi một phẩm cách cao thượng, tốt đẹp. Khi nền móng vững vàng thì lầu cao mới không sụp đổ; do đó, mọi kiến trúc cao vọi đều được dựng lên từ nơi nền móng kiên cố. Ðối với chuyện tu dưỡng, nếu chúng ta muốn xây đắp một nền tảng chắc thực thì trước hết phải vun bồi phẩm cách, tập tành đạo đức.

Bất luận là Ðại Thừa, Tiểu Thừa, hay Phật Thừa, thừa nào đầu tiên cũng dạy chúng ta phải trừ khử thói hư tật xấu, lỗi lầm sai quấy, dứt bỏ vô-minh, phiền não, tham, sân, si.
Nếu bạn có thể quét sạch mọi thói hư tật xấu thì tự nhiên sẽ tương ưng với nghĩa lý kinh điển. Tật hư, lầm lỗi không trừ, thì bạn chẳng bao giờ có thể thấu hiểu được nghĩa lý trong kinh!

Các bạn hãy dùng chân-tâm mà niệm Phật. Niệm một tiếng Phật thì trong hư không sinh ra một đạo hào-quang. Nếu bạn khẩn thiết, chí tâm niệm Phật, thì đạo hào-quang này sẽ chiếu khắp Tam-thiên thế giới, khiến cho không khí trong ba ngàn Ðại-thiên thế giới trở nên kiết tường, bao nhiêu thứ không khí ô nhiễm, độc địa, tai ương đều biến đổi hết.

Hằng ngày chúng ta niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát; song, "Quán Thế Âm" nghĩa là gì?

"Quán Thế Âm" tức là quán xét các âm thanh ở cõi thế gian. Quán cũng có nghĩa là nhìn, song không phải nhìn bên ngoài, mà là nhìn vào tâm của chúng sanh.

Khi chúng ta niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát thì không nên cúi đầu xuống mà niệm. Phải ngẩng đầu lên để biểu thị tinh thần dũng mãnh, tinh tấn; không nên có vẻ ủ rủ, hết hơi, hết sức.

Nếu bạn muốn học Phật Pháp, bạn nhất định cần phải tinh tấn, dũng mãnh, giống như con cọp từ núi cao xồng xộc lao xuống, nhai nuốt nghiệp chướng của mình!

Nhớ lấy! Nhớ lấy! Người mới bắt đầu học Phật nhất định phải tu Hạnh Nhẫn Nhục. Dù cho có người thật sự muốn giết bạn, bạn cũng tuyệt nhiên chớ sanh lòng sân hận!

Người học Phật cần phải:
"Nhận thật mình là sai,

Ðừng trách cứ lỗi người.

Lỗi người là lỗi mình,

Ðồng thể mới Ðại Bi!"

Người học Phật phải tự hỏi mình: "Tôi bố-thí là cầu danh vọng hay thật tâm muốn giúp kẻ khác? Tôi trì Giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tập Thiền-Ðịnh, tu trí huệ... là để cho người ta xem, hay vì tôi thật sự muốn tu hành?"

Tu Ðạo không phải là đeo mặt nạ, giả dối đóng kịch, làm điệu bộ để cho người khác xem. Tu Ðạo là hoàn toàn dựa vào công phu nội tại của chính mình. Ðổ hơi sức ra làm, dụng công một chút thì thu hoạch được một chút. Dùng một phần thành tâm thì được một phần cảm ứng. Tất cả đều phải chân thật, không giả dối. Chớ tự lừa mình, lừa người!

Kẻ học Phật cần phải chịu thua lỗ, thiệt thòi. Ðại Sư Vĩnh-Gia Huyền-Giác có câu:
"Quán lời ác, là công đức,

Thầy lành của ta là kẻ ấy!

Chẳng vì chửi mắng sanh thương, ghét,

Sao tỏ Vô-Sanh Từ Nhẫn Lực?"

Có người chửi mắng bạn, đó là giúp bạn trở thành tốt hơn; bạn cần phải:
Nghịch hay thuận, đều tinh tấn,

Chê hay khen, chẳng động tâm!

Ðừng nên vì bị chế nhạo, nhục mạ mà sanh lòng oán hận. Phải coi kẻ oán ghét và người thân yêu đều như nhau, và dùng lòng nhân ái mà đối xử với họ; nếu không vậy thì làm sao thể hiện được sức mạnh từ-bi phát xuất từ Vô-Sanh Pháp Nhẫn?

Vì sao dụng công mà chẳng đạt đến chỗ tương ưng? Là vì những tập khí, thói quen từ vô lượng kiếp để lại quá sâu đậm. Do đó, lòng tuy muốn hướng về Bồ-đề, song, sự thật thì chẳng chịu tiến bước tới trước, cứ muốn thụt lùi. Phải biết bởi thói quen quá nặng, nghiệp chướng lại cũng sâu dày, nên mình càng cần phải vất bỏ vọng tưởng. Vất bỏ vọng tưởng không khóớchỉ cần quên bẵng chính mình đi, thì vọng tưởng sẽ chẳng còn!

Người tu Pháp Môn Niệm Phật, ở mọi thời mọi nơi phải niệm không gián đoạn, không ngừng nghỉ sáu chữ "Nam mô A Di Ðà Phật." Lúc thức cũng niệm, lúc ngủ cũng niệm. Phải niệm sáu chữ hồng danh "Nam mô A Di Ðà Phật" làm sao mà kéo cắt không đứt, bẻ chẳng gãy, kiếm chém không rời. Phải dùng sức kiên cố như kim cương mà niệm.
Nếu bạn không có cách gì phá hoại nổi chuổi hồng danh "Nam mô A Di Ðà Phật" thì đó mới gọi là thực hành phép Niệm Phật Tam-Muội. Niệm Phật thì như vậy, tụng Kinh và trì Chú cũng phải giống như thế.

Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài bốc một nắm đất, rồi hỏi chư đệ tử: "Các con nói xem, đất trong lòng bàn tay Ta nhiều hay đất trên mặt đất này nhiều?"
Ðệ tử thưa: "Ðương nhiên là đất trên mặt đất nhiều, còn đất trong tay Thế Tôn thì quá ít ỏi."

Ðức Phật liền nói:

"Ðắc nhân thân giả,

Như chưởng trung thổ.

Thất nhân thân giả,

Như đại địa thổ."

Nghĩa là: "Những kẻ được thân người thì ít như nắm đất trong tay Ta; còn những kẻ mất thân người thì nhiều như đất trên mặt đất vậy."

Những ai mất thân người, đọa lạc trong đường ác, quả thật nhiều như đất trên mặt đất vậy!

Thiền Tông là pháp môn "chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật" và cũng chính là Ðốn Giáo. Ðốn Giáo là do siêng năng tu hành Tiệm Giáo mà raớlý tuy đốn ngộ, sự cần tiệm tu.
Hiện giờ, chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, đều thuộc về tiệm tu. Chờ đến một ngày nào đó, khi bạn chân chánh sáng tỏ, thì sẽ hoát nhiên khai ngộ; lúc đó gọi là đốn ngộ. Ðốn không tách rời tiệm. Tiệm vốn trợ giúp đốn.

Những kẻ tu hành hễ tu pháp gì thì cho pháp đó là hay nhất; vì nếu không hay nhất thì họ không vui vẻ, không chịu tu pháp đó! Nếu các bạn thật sự hiểu được rằng "tất cả các pháp đều là Phật Pháp, tất cả đều không thể nắm bắt được," thì sẽ nhận thấy rằng chẳng có thứ gì để mà chấp trước vào cả.

Ðốn ngộ là do bình thường dụng công mà ra. Khi công phu đạt đến chỗ tương ưng thì bạn hoát nhiên khai ngộ. Nếu bình thường không dụng công, thì bạn chẳng thể nào đốn ngộ được.
Giống như con nít sau khi chào đời thì được huân tập hằng ngày (thâu thập dữ kiện về ngôn ngữ), và đến một lúc nào đó nó sẽ bập bẹ nói thành tiếng; khi nó thốt ra được câu đầu tiên, thì cũng giống như được "khai ngộ." Rồi đến một lúc nào đó, nó sẽ chập chững biết đi; và khi nó đi được bước đầu tiên thì cũng tương tự như được "khai ngộ" vậy. Vì sao đứa bé có thể đi được bước đầu tiên ấy? Nhờ ngày ngày nhìn người lớn đi đứng, nó huân tập những dữ kiện ấy, do đó mà tự nhiên biết đi.

Chúng ta dụng công tu hành cũng vậyớngày nay dụng công, ngày mai dụng công, dụng tới dụng lui cho tới khi công phu chín muồi thì tự nhiên chẳng sanh vọng niệm. Khi vọng tưởng tiêu mất, thì sẽ được khai ngộ!

Lỗi lầm mà chúng ta thường phạm phải là thích được kẻ khác khen ngợi, tâng bốc. Nếu có kẻ khen mình một tiếng, thì liền có cảm giác lâng lâng, bay bổng. Mê muội như thế thì làm sao thành Phật? Chính mình mà mình còn không rõ biết, cứ mập mờ!

Nếu bạn có thể trì Giới, tu Ðịnh, khai trí Huệ, thì bạn sẽ chẳng động tâm khi bị chửi mắng hay được khen ngợi. Ai nguyền rủa bạn, lòng bạn chẳng hề tức tối; ai khen ngợi bạn, lòng bạn cũng chẳng chút vui thích! Thật ra, chửi hay khen chỉ là một thứ "gió" của thế gian. Có câu rằng:

"Bát phong xuy bất động."

Nghĩa là không bị tám thứ "gió" làm giao động.

Tám thứ "gió" ấy là gì? Ðó là tâng bốc (xưng), chê cười (ky), đau đớn (khổ), vui sướng (lạc), lợi lộc (lợi), suy vi (suy), chửi mắng (hủy), và khen ngợi (dự).

Nếu bạn để tám thứ "gió" này làm cho tâm trí giao động, tức là nền tảng của bạn chưa được vững vàng. Nền tảng của con người là gì? Là đức hạnh!

Người không đủ đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ lớn lắm, vô minh cũng rất nặng nề. Nếu có đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ tiêu tan, vô minh sẽ biến thành trí huệ. Do đó, chúng ta tu hành thì cần phải vun bồi đức hạnh.

Người nào có thể hàng phục Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức, khiến chúng không nhiễu loạn, thì người đó là Bồ-tát. Người nào có thể quét sạch tình cảm, chẳng còn dơ bẩn, thì người đó là Bồ-tát. Bồ-tát thì không khóc, cũng chẳng cười. Ở mọi nơi, mọi lúc, Bồ-tát đều tự tại, chẳng câu thúc, chẳng bó buộc, vô quái vô ngại, chẳng phiền chẳng não, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Người học Phật phải ở nơi chỗ này mà dụng công.
Chúng ta phải tạo Thế Giới Cực Lạc. Làm sao tạo? Ðầu tiên, phải dẹp bỏ thất tình. Thất tình là gì? Ðó là bảy thứ tình cảm vui vẻ (hỷ), giận dữ (nộ), buồn rầu (ai), sợ hãi (cụ), yêu thương (ái), ghét bỏ (ác), và dục vọng (dục).
Chúng ta phải điều phục bảy thứ tình cảm này, khiến chúng không thể nhiễu loạn nữa. Lúc đó, tâm chúng ta sẽ bình an vô sự, mọi thống khổ đều tiêu tan.

Vì sao chúng ta bị thống khổ? Vì tâm ta chẳng bình an! Nếu chúng ta chỉ có an lạc, chẳng còn khổ não, thì cái nhân gian này chính là Thế Giới Cực Lạc vậy.

Khi bạn niệm Phật thì tương tự như bạn gởi điện tín lên Thế Giới Cực Lạcớniệm một câu tức là gởi đi một bức điện tín, niệm hai câu là gởi đi hai bức điện tínớngày ngày niệm Phật là ngày ngày gởi điện tín tới Phật A Di Ðà.
Ở Thế Giới Cực Lạc , Ðức phật A Di Ðà cũng có ra-đa (radar), cũng có máy thâu tín hiệu. Ra-đa và máy thâu tín hiệu là gì? Chính là hoa sen trong ao bảy báu. Bạn niệm một câu thì hoa sen nở lớn một chút. Nếu bạn niệm liên tục thì hoa sen sẽ từ từ nở lớn như bánh xe. Chờ tới khi bạn được vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, thì Phật-tánh và chân-tánh sẽ hóa sanh nơi hoa sen này. Ðến khi hoa sen nở thì Phật-tánh của bạn cũng hiển hiện. Do đó có câu:

Nguyện sanh Tịnh Ðộ cõi Tây phương,

Chín phẩm hoa sen là cha mẹ,

Hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh,

Bất thối Bồ Tát là đồng bạn.

Tin Phật thì có thể khiến chúng ta đắc Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thứ an lạc cứu cánh; do đó, chúng ta nên tin Phật. Song le, "tin Phật" thì chẳng phải nói tin suông là đủ, mà chúng ta cần phải tu hành đúng theo Phật Pháp. Nếu chỉ nói tin, mà không chịu tu hành, thì cũng như mô tả đồ ăn hoặc đếm tiền giùm người, chẳng có ích lợi gì cho bản thân cả. Cổ nhân có nói rằng:
Ðạo là phải hành,

không hành thì Ðạo có ích chi?

Ðức là do tu,

không tu thì Ðức từ đâu lại?

Do đó, chúng ta phải chân chánh thực hành, thường đem hai chữ "sanh tử" treo giữa lông mày, đem hai chữ "đạo đức" đặt dưới chân!

Tại sao lại nói "đem hai chữ đạo đức đặt dưới bàn chân?" Bởi vì đạo đức là nền tảng căn bản của con người, cũng như gốc rễ là căn cội của cây cối vậy. Có đạo đức thì mình mới đứng vững được; bằng không, thì dưới chân không có điểm tựa, không có chỗ để mình lập thế mà đứng vững được. Nếu chúng ta thực hiện được hai chữ "đạo đức" này, thì nhân cách sẽ được thành lập vững vàng, mọi sự sẽ tự nhiên có thể thành công!

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Dịch Việt: Vạn Phật Thánh Thành

http://www.tinhdo.net/khaithi/43-hoathuongtuyenhoa/100-hoasenngayxuan.html?start=9

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch