DẪN NHẬP
Ngược dòng thời gian, quay lại trên 2500 năm về trước, thời điểm đức Phật xuất hiện trên đời với phương châm “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến” khi nhận thấy sự thống khổ trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi của chúng sinh, chỉ với mong muốn giúp chúng sinh nhân loại có được ánh sáng của trí tuệ, đưa đến bến bờ an vui giải thoát. Với mục đích ấy, Ngài từ một vị hoàng tử đã rời bỏ đời sống sung túc, uy quyền trở thành một vị Sa môn với tên gọi là Sa môn Gotama để tìm chân lý chấm dứt khổ đau. Sau khi thành tựu đạo quả, Ngài đã chỉ ra con đường tìm đến sự giải thoát giác ngộ, chấm dứt khổ đau suốt 45 năm bằng nhiều phương tiện, nhiều pháp môn khác nhau tùy thuộc vào căn cơ trình độ của mỗi chúng sinh trên khắp mọi nơi ở xứ Ấn Độ mà không hề cảm thấy mệt mỏi. Chừng ấy năm đức Thế Tôn hoằng dương chính pháp, giáo Pháp mà Ngài để lại sau khi nhập Niết Bàn là một kho tàng đồ sộ và vô giá. Dù trải qua bao thăng trầm, trải qua bao kiếp nạn, đạo Phật vẫn giữ vững, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Một phần là nhờ kho tàng giáo Pháp của đức Phật vừa thiết thực vừa cao siêu. Phần còn lại là nhờ đệ tử của Ngài, là những vị Sa môn Thích Tử có phạm hạnh cao quý, bởi vì “họ là những bậc đa văn, những bậc nâng đỡ Tam tạng, những bậc làm cho giáo pháp được hưng thịnh, trường tồn…”[1].
Một tổ chức, một đoàn thể, một cơ quan hay một tôn giáo bất kỳ nào đều có vị đứng đầu, vị đứng đầu ấy được người ta dùng những danh từ riêng để gọi và tên gọi ở mỗi tổ chức đều khác nhau. Cũng vậy, trong Phật giáo vị dẫn đầu là Sa môn Cồ Đàm, chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là người tự mình giác ngộ, thành tựu đạo quả, tìm ra con đường chân lý, là người chỉ đường cho tất cả chúng sinh. Các đệ tử xuất gia tu học theo con đường mà Ngài chỉ dạy được gọi là Sa môn Thích tử. Để có được danh xưng đó, xứng đáng được mọi người cung kính cúng dường, xứng đáng là bậc mô phạm của Trời và người, thay đức Phật truyền bá chính pháp thì vị ấy phải tinh tấn tu tập theo giáo lý của Như Lai.
NỘI DUNG
CHƯƠNG I: TÌM HIỂU Ý NGHĨA “PHẬT” “PHÁP” “TĂNG”
1. Phật
1.1. Định nghĩa
Theo Bách Khoa Phật học, Phật tiếng Pāli có căn là “Bud” có nghĩa là hiểu biết, là giác ngộ. Vậy Phật (Pāli: Buddha) có nghĩa là người hiểu biết, người giác ngộ. Cái hiểu biết này không phải theo nghĩa thế gian là cái hiểu biết thông thường, do học hỏi mà biết. Cái biết ở đây là biết rõ về bản chất của vạn pháp, hiểu biết này do quán chiếu mà có chứ không phải do học mà có. Quán chiếu về bản chất của vạn pháp, thấy và hiểu rõ bản chất của nó là vô thường, khổ, vô ngã. Vô thường tức là sự thay đổi liên tục, không ngừng nghỉ của các pháp. Khổ là nỗi thống khổ ở hiện tại (về thân, tâm, hoàn cảnh), khổ vì tái sinh, khổ vì luân hồi. Chúng sinh còn chịu nhiều thống khổ, còn tái sinh luân hồi là do thiếu trí tuệ, do dự trữ thức ăn là ái dục và chấp thủ như câu chuyện con lạc đà dự trữ thức ăn trong cổ để tiếp tục hành trình trên vùng sa mạc của mình. Vô ngã là không có cái “tôi’, cái “của tôi”, cái “tự ngã của tôi”.
Theo Wikipedia trình bày “Phật dùng để chỉ đến một con người, chính xác hơn là một chúng sinh đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong đạo đức, trí tuệ thông qua nỗ lực của bản thân trong việc thực hiện các pháp Ba-la-mật ở rất nhiều kiếp sống, tâm trí của chúng sinh ấy đã vắng mặt hoàn toàn vô minh – gốc rễ gây ra sinh tử, do đó chúng sinh ấy cũng có những khả năng siêu vượt và hoàn hảo như ‘Lục thông’ ở mức độ cao nhất, một trí tuệ vĩ đại cùng với sự từ bi vô hạn với mọi chúng sinh khác, không phân biệt đối tượng.”[2]
Theo định nghĩa của Kinh Trung Bộ: “Phật là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”[3]. Với định nghĩa này, cũng chính là mười danh hiệu của đức Phật.
1.2. Tu gì để thành Phật?
Tu gì để thành Phật là một câu hỏi được nhiều người đề cập đến , riêng những ai đang đi theo dấu chân tìm đến sự giải thoát của đức Phật cần phải biết rõ để đi đúng con đường. Được biết rằng, vị được gọi là Phật vì vị ấy đã tự mình chứng trí giác ngộ hoàn toàn chân lý “Tứ thánh đế” tức là hiểu rõ khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ; từ đó lần lượt chứng đạt bốn Thánh đạo, bốn Thánh quả và chứng đắc Niết-bàn, trở thành bậc Thánh nhân. Vì vậy, để trở thành Phật hành giả phải tu “Tứ thánh đế”.
1.3. Tên gọi của Phật
Phật có ba tên gọi: Phật Chánh Đẳng Giác, Phật Độc Giác và Phật Thanh Văn Giác. Để trở thành ba vị Phật này, không chỉ tu tập “Tứ thánh đế” mà còn tu tập thực hành các pháp Ba-la-mật. Tùy thuộc vào sự phát nguyện hành trì bổ sung (các cấp độ pháp Ba-la-mật) khác nhau mà trở thành ba vị Phật với tên gọi khác nhau như thực hành pháp Ba-la-mật bậc hạ (mười pháp) trở thành Phật Thanh Văn Giác, thực hành pháp Ba-la-mật bậc trung (hai mươi pháp) trở thành Phật Độc Giác, thực hành pháp Ba-la-mật bậc thượng (ba mươi pháp) trở thành Phật Chánh Đẳng Giác. Trong đó, Phật Chánh Đẳng Giác có ba hạng: Phật Chánh Đẳng Giác với trí tuệ siêu việt, Phật Chánh Đẳng Giác với lòng tin siêu việt như Phật Thường Bất Khinh Bồ Tát, Phật Chánh Đẳng Giác với tinh tấn siêu việt. Phật Thanh Văn Giác cũng có ba hạng: Phật Thanh Văn Giác hạng thường, là những vị chứng đắc A-la-hán, nhập Niết-bàn; Phật Đại Thánh Thanh Văn Giác, là mười vị đại đệ tử Tăng và mười vị đại đệ tử Ni; Tối Thượng Đại Thánh Thanh Văn Giác, chỉ có hai vị là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên.
2. Pháp
2.1. Định nghĩa
Theo Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt[4], Pháp (P: dhamma ; S: dharma) chữ dharma vốn xuất phát từ tiếng Ấn Độ, ngữ căn dhṛ, có nghĩa là “nắm giữ”, đặc biệt là nắm giữ tính năng hoạt động của con người. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa:
Tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử.
Điều phải làm; nghề nghiệp, bổn phận, nghĩa vụ.
Trật tự xã hội; quy củ trong xã hội.
Điều lành, việc thiện, đức hạnh.
Sự thực, thực tại, chân lý, luật tắc.
Cũng có thể cắt nghĩa Pháp theo năm nghĩa như sau:
Pháp là giáo lý, là những lời dạy của đức Thế Tôn tuyên thuyết suốt 49 năm.
Pháp là những gì có tính cách tốt đẹp, nâng đỡ.
Ngoài ra, có thể xét Pháp theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng, Pháp được hiểu là chỉ cho tất cả hiện tượng trên thế gian; nghĩa hẹp là chỉ cho những lời dạy của đức Phật.
2.2. Phân loại giáo pháp Phật
Giáo pháp của đức Phật được phân thành mười loại gồm có: bốn đạo (sơ, nhị, tam, tứ), bốn quả (sơ, nhị, tam, tứ), một Niết-bàn và một giáo pháp tức là học pháp.
2.3. Tám đặc tính và ba phương diện của Chính pháp
Giáo pháp của đức Phật có tám đặc tính khiến một người khi thấy liền khởi tâm hoan hỷ hành theo và đạt được lợi ích lớn. Trong Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, đức Thế Tôn có đề cập đến tám đặc tính này:
Học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chứng trí thình lình.
Các học pháp do Ngài chỉ dạy, các đệ tử không vì nhân sinh mạng mà vượt qua.
Pháp và Luật như biển lớn không chấp chứa tử thi, nếu có tử thi trong biển lớn lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có hành vi che đậy, nội tâm hôi hám, ứ đầy bất tịnh, tính tình bất tịnh, lập tức bị loại ra khỏi Tăng đoàn.
Dù là giai cấp nào Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ, Phệ-xá hay Thủ-đà-la, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ họ tên và họ của họ từ trước và họ trở thành những Sa-môn Thích tử.
Nếu có nhiều vị Tỳ kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy.
Pháp và Luật chỉ có một vị là vị giải thoát.
Pháp và Luật có nhiều châu báu như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tá ngành.
Pháp và Luật là trú xứ của các chúng sinh lớn như bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến giác ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến giác ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến giác ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến giác ngộ quả A-la-hán.[5]
Bên cạnh tám đặc tính trên, giáo pháp của đức Phật còn có ba phương diện. Thứ nhất là học pháp có nghĩa là học, thông đạt và nắm vững tất cả các giáo lý, các học pháp mà bậc Đạo sư đã chỉ dạy, nói rõ hơn chính là 37 phẩm trợ đạo. Học pháp ví như người biết con đường, biết được pháp nào là pháp làm ô nhiễm tâm, pháp nào là con đường diệt tận phiền não nhiễm ô đưa đến sự thanh tịnh tâm. Phương diện thứ hai là hành pháp, tức là thực hành các giáo pháp đã học, tuân thủ các học giới như Tứ niệm xứ, Giới-Định-Tuệ đó là con đường dẫn đến đạo quả giải thoát. Hành pháp ví như người đang đi trên con đường ấy vậy. Phương diện thứ ba là thể nhập pháp, có nghĩa là thành tựu chứng đắc các đạo quả, Niết-bàn. Thể nhập pháp ví như người đạt đến đích của con đường ấy.
2.4. Là pháp của bậc Thánh, được Phật tôn là Thầy
Vì sao được gọi là Pháp của bậc Thánh? Vì pháp này mang bốn đặc tính: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí chứng hiểu”[6]. Pháp được khéo thuyết giảng bởi đức Thế tôn và được thuyết một cách tốt đẹp bởi ba phương diện: đoạn đầu (Giới), đoạn giữa (Định), đoạn cuối (Tuệ). Đặc tính ‘thiết thực hiện tại’ ở đây là khi một ai thực hành các học pháp liền có thể thấy được kết quả ngay trong đời sống hiện tại của vị đó. Đặc tính thứ ba là pháp vượt ngoài thời gian, tức là khi chứng được đạo là quả đến liền ngay sát na sau đó, không cần thời gian như các pháp thế gian. Có thể hiểu theo một nghĩa khác là pháp không bị thời gian chi phối, pháp của đức Phật từ xưa đến nay vẫn còn đó. Đặc tính cuối cùng là pháp này ‘đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí chứng hiểu’, tức là pháp này không phải chỉ hiểu biết suông mà phải thực hành, tự thân trải nghiệm thực chứng quả vị giải thoát. Người chỉ học suông mà không thực hành chẳng khác nào cái muỗng và vị canh, cái muỗng chẳng bao giờ nếm được vị ngọt của canh.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh, trước khi nhập diệt đức Thế Tôn có dạy các đệ tử: “Những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác; dùng chính pháp làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một thứ gì khác”[7]. Từ đó cho thấy, bậc Đạo sư rất đề cao ‘pháp’, ‘pháp’ được Ngài tôn làm ‘Thầy’ làm chỗ nương tựa cho các hàng đệ tử. Bởi vì, nhờ vào sự tu tập theo chính pháp mà chúng ta thiết lập nên một đời sống an lạc ngay trong hiện tại và được chân chính giác ngộ, đạt quả vị giải thoát.
3. Tăng
3.1. Định nghĩa
Theo Phật học căn bản định nghĩa, “Tăng (P: Sangha), dịch âm là Tăng-già, tên gọi khác là hòa hợp chúng. Đây là khái niệm dùng để chỉ chung cho đoàn thể của những người xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Phật, gồm ít nhất 4 vị Tỳ kheo (hay Tỳ kheo ni) trở lên”[8]. Tăng-già của Đạo Phật có 4 đặc tính: “Diệu hạnh là chúng tăng, đệ tử Thế Tôn; trực hạnh là chúng tăng, đệ tử Thế Tôn; như lý hạnh là chúng tăng, đệ tử Thế Tôn; chánh hạnh là chúng tăng, đệ tử Thế Tôn. Thức là bốn đôi tám vị. Chúng tăng, đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời” [9].
3.2. Phân loại Tăng
Tăng có hai loại là Phàm Tăng và Thánh Tăng.
Phàm Tăng là bậc Thanh văn đệ tử Phật, lắng nghe chính pháp, thực hành giáo pháp của Như Lai nhưng chưa chứng ngộ chân lý ‘Tứ thánh đế’, chưa chứng đắc Thánh đạo Thánh quả.
Thánh Tăng cũng là bậc Thanh văn đệ tử Phật, lắng nghe chính pháp, thực hành giáo pháp của Như Lai, tu tập thiền tuệ nhưng đã chứng ngộ chân lý ‘Tứ thánh đế’, chứng đắc Thánh đạo Thánh quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh nhân.
CHƯƠNG II: TÌM HIỂU Ý NGHĨA SA MÔN THÍCH TỬ
1. Định nghĩa và giải thích từ “Sa môn”
1.1. Định nghĩa Sa môn
“Sa môn (Samana) thường được hiểu là một tu sĩ, là người siêng làm điều thiện (cần giả), người dứt bỏ nghiệp ác (tức giả), người sống nghèo khổ, không có cái gì cho riêng mình (bần giả)”[10].Theo khái niệm trong Kinh Mi tiên Vấn Đáp[11], Sa môn là người đã đoạn trừ các phiền não. ‘Sa môn’ là danh từ chỉ chung cho các đạo sĩ hay tu sĩ. Ngài Tỳ kheo Na Tiên ví tên gọi ‘Sa môn’ như tên gọi ‘hoa’, là tên gọi gom chung của tất cả các loài hoa, dù là hoa bạch liên là loài hoa quý phái, sang trọng, tinh khiết, quý báu nhất cũng đều được gọi là ‘hoa’ như bao loài hoa tầm thường khác. Các tiêu chuẩn trở thành một vị Sa môn là họ rời khỏi gia đình, đi xuất gia, khoát y áo, sống đời khất thực, ngày đêm suy tư con đường đưa đến chấm dứt khổ đau và thành tựu Niết-bàn. Niết-bàn của Sa môn Bà-la-môn là ‘Tiểu ngã’, ‘Đại ngã’. Niết-bàn của đạo Phật là tự thân thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Sa môn có ba hạng là Sa môn ngoại đạo, Sa môn Bà-la-môn, Sa môn Thích tử. Các đệ tử xuất gia học và hành giáo pháp của đức Phật là Sa môn Thích tử. Để được gọi là Sa môn Thích tử đúng nghĩa thì vị Sa môn phải có giới hạnh trang nghiêm, trọn vẹn Sa môn hạnh, xứng đáng là rừng cột chốn tòng lâm, thay Phật tiếp tổ truyền đăng bất tận.
1.2. Ý nghĩa Sa môn Thích tử
Ý nghĩa Sa môn được đức Phật khẳng định rõ ràng trong Kinh Pháp Cú:
“Đầu trọc không Sa môn,
Nếu phóng túng nói láo,
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa môn?”
(Kệ 264)
“Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Được gọi là Sa môn.”
(Kệ 265)
Sa môn là người có phạm hạnh cao quý, tự lợi lợi tha, hoàn thiện chính mình, đã đoạn tận tất cả các kiết sử, trở thành bậc Thánh nhân. Hay là nổ lực học và tu tập các giáo lý của đức Phật để diệt trừ phiền não trong tâm thức, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ.
1.3. Phân loại Sa môn Thích tử
Trong Kinh Ví dụ lõi cây ( Trung Bộ Kinh tập 1- bài kinh số 29), đức Phật có trình bày về 5 loại phạm hạnh:
1. Tu phạm hạnh cành lá: là hạng người xuất gia được lợi dưỡng cung kính tôn trọng nên tự mãn khen mình chê người, xuất gia vì mục đích chưa rõ ràng.
2. Tu phạm hạnh vỏ ngoài: là hạng người xuất gia, có hướng tâm đến đời sống phạm hạnh, có trang nghiêm tu tập một ít Giới, vì có ít Giới nên sinh tâm kêu mạn và đứng lại ở đây.
3. Tu phạm hạnh vỏ trong: là hạng người xuất gia có tâm định, thân khẩu ý thanh tịnh, vì thân khẩu ý được thanh tịnh nên sân với những người không thanh tịnh và dừng lại ở đây.
4. Tu phạm hạnh giác cây: là hạng người xuất gia thành tự tri kiến, nhưng vì không gặp được bậc Đạo sư thành tựu cao hơn nên dừng lại ở đây.
5. Tu phạm hạnh lõi cây: là hạng người xuất gia thành tựu giải thoát bằng sự nổ lực tu tập của mình.
Dựa theo sự phát tâm hay thái độ tu tập , luôn luôn nhớ nghĩ đến mục đích xuất gia là giải thoát, lấy nó làm động lực chính trong suốt quá trình tu tập. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật đã phân thành 4 hạng Sa môn chân chính xuất gia:
1. Hạng Sa môn bất động: hạng này tương đương với phạm hạnh giác cây, hoàn toàn diệt được ba kiết sử đầu, là bậc Thất Lai.
2. Hạng Sa môn Sen trắng: hạng này tương đương với bậc Nhất Lai.
3. Hạng Sa môn Sen hồng: hạng này tương đương với bậc Bất Lai, sinh về Ngũ Tịnh Chư Thiên ở tần thiền thứ tư của sắc giới.
4. Hạng Sa môn Tinh luyện: hạng này đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tương đương với bậc A-la-hán.
Theo Sa di luật giải có ba loại Tăng là si Tăng, á dương Tăng và điểu thử Tăng.
Theo Kinh Pháp Cú:
“Ai mặc áo cà sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo cà sa.”
(Kệ 9)
“Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế sống chân thực,
Thật xứng áo cà sa.”
(Kệ10)
2. Phận sự của Sa môn Thích tử
2.1. Vị trí người xuất gia
Sau khi đức Phật thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế, năm anh em Kiều-trần-như đắc quả A-la-hán, là năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Ngài; tiếp đó, Ngài độ tôn giả Yasa cùng vài chục vị là bạn bè thân thích của tôn giả, họ đều đạt quả vị A-la-hán. Lúc này Tăng đoàn gồm được 60 vị A-la-hán thì đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người. Chớ đi hai người chung với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và trong ngôn từ. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị che mờ bởi đôi chút bụi bặm, nhưng nếu không được nghe giảng pháp thì học không thể đạt được giải thoát: những kẻ ấy sẽ hiểu pháp.”[12] Qua lời dạy trên ta có thể thấy được lòng từ bi bao la, rộng lớn của Như Lai dành cho chúng sinh nhân loại. Đồng thời, thấy được vị trí của người xuất gia là đại diện Như Lai tuyên dương chính pháp và chủ trì Phật pháp. Chính pháp ấy phải do nơi sứ giả Như Lai truyền bá, do vậy, trong xã hội người xuất gia phải giữ địa vị ‘Chúng Trung tôn’.
2.2. Các pháp tác thành vị Sa môn Thích tử
a. Các pháp tác thành thuộc “Pháp học”
Để trở thành một “Chúng Trung tôn” trước hết chúng ta phải trau dồi kiến thức, chuyên tâm học hỏi, nghiên cứu giáo lý, thông suốt về giáo pháp lẫn giáo nghĩa. Pháp học bao gồm Tam Tạng Phật Điển ngang qua tiến trình “Văn-Tư-Tu”. ‘Văn’ là nghe, ‘văn tuệ’ là sự hiểu biết phát sinh từ sự nghe giáo pháp. ‘Tư’ là suy tư, ‘tư tuệ’ là sự hiểu biết qua sự suy tư, suy tư về 37 phẩm trợ đạo. ‘Tu’ là trải qua 5 giai đoạn để thành tựu 16 loại tuệ, có như thế mới có khả năng đoạn trừ lậu hoặc; vậy ‘tu tuệ’ là sự hiểu biết, chứng đạt qua sự thực hành tu tập giáo pháp.
Nền tảng căn bản của giáo lý Phật đều nằm trong giáo lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, nhân quả- nghiệp báo-luân hồi, Tam Pháp Ấn.
b. Các pháp tác thành thuộc “Pháp hành”
Để trở thành một vị sa môn Thích tử xứng đáng là bậc mô phạm cho Trời người noi theo, thay Thế Tôn hoằng pháp lợi sinh thì vị sa môn ấy không những chỉ có ‘pháp học’ song song với đó là ‘pháp hành’. Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đấp, Ngài Na Tiên có trả lời vua Milinda người xuất gia có phẩm hạnh cao quý là nhờ “đời sống viễn ly của chư Tỳ kheo, chẳng hạn: thiểu dục tri túc; ưa thích nơi thanh vắng; không thích đám đông, phe nhóm; không chất chứa, không luyến tiếc; sống đời vô trú, đầy đủ giới hạnh; biết rành rẽ các giá trị, sự lợi ích trong việc thực hành các pháp đầu đà,…”[13].Vì vậy, các pháp tác thành thuộc pháp hành là siêng năng, chuyên tâm hành trì hạnh Đầu đà, hộ trì các căn, tu tập Giới-Định-Tuệ.
Hạnh Đầu đà là một pháp tu khổ hạnh cho những ai theo đuổi con đường của giới luật, ngõ hầu đạt được sự an lạc cũng như quả vị giải thoát do đức Thế Tôn cho phép thực hành. Và Ngài Đại Ca Diếp là đệ tử duy nhất của đức Phật thích tu theo lối khổ hạnh đầu đà này, được xưng là bậc Đầu Đà đệ nhất. Theo Thanh Tịnh Đạo Luận toản yếu trình bày có 13 pháp khổ hạnh:
1. Hạnh mặc y phấn tảo.
2. Hạnh chỉ mặc 3 y.
3. Hạnh sống bằng khất thực.
4. Hạnh khất thực theo thứ lớp.
5. Hạnh nhất tọa thực.
6. Hạnh chỉ ăn một bát.
7. Hạnh không ăn đồ dư tàn.
8. Hạnh ở rừng.
9. Hạnh ở gốc cây.
10. Hạnh ở giữa trời.
11. Hạnh ở giữa nghĩa địa.
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được.
13. Hạnh ngồi không nằm.[14]
Hộ trì các căn có nghĩa là vị hành giả phải hộ trì giữ gìn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần để ‘thức’ được thanh tịnh, đừng cho nhiễm ô, đừng cho chạy theo sáu trần. ‘Thức’ ở đây là sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.Chẳng hạn khi mắt thấy sắc không phân biệt tướng chung, không phân biết tướng riêng, khi sinh khởi thì tìm hiểu nguyên nhân rồi chế ngự điều phục nó, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy.
Hành giả muốn thành tựu được mục đích tối hậu thì hai yếu tố trên vẫn chưa đủ, bởi vì, hai yếu tố trên là một phần thuộc sự tu tập Giới-Định-Tuệ. Hay nói cách khác đó là Bát Chánh Đạo, là con đường trung đạo, là con đường duy nhất đưa ta đến giải thoát Niết-bàn mà đức Phật đã tự khám phá ra. Giới-Định-Tuệ là ba mặt có sự liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng thành tựu “nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ”, cũng giống như kiềng ba chân, không thể đứng được khi thiếu một chân. Trong Trường Bộ Kinh, Kinh Chủng Đức, Thế Tôn có nêu rõ mối liên hệ này: “Này Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng trên đời”[15].
Giới thanh tịnh là tuân thủ, gìn giữ không cho sai phạm giới luật. Giới (sīla), theo nghĩa thông thường là “phòng phi chỉ ác” tức là ngăn ngừa điều quấy, chận đứng điều xấu ác hoặc cũng có nghĩa là “chỉ ác, tác thiện” tức là ngưng làm mọi điều ác và làm mọi điều thiện. Theo Kinh, giới là những giáo điều do đức Phật chế định cho hàng đệ tử Phật để ngăn trừ các tội lỗi, sai quấy giúp cho ba nghiệp về thân, về khẩu, về ý được thanh tịnh. Vậy làm sao đạt thanh tịnh nhờ giới? Theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận có 4 sự thanh tịnh nhờ giới. Đó là giới thuộc sự chế ngự của giới bổn; giới phòng hộ các căn môn; giới thanh tịnh mạng sống, tức là khất thực nuôi mạng sống; giới liên hệ đến bốn vật dụng, tức là sử dụng bốn vật dụng một cách thanh tịnh, như lý giác sát, ví dụ khi sử dụng vật thực phải như lý giác sát thọ dụng không phải vì nô đùa, không phải vì đam mê, không phải làm đẹp, mà hãy nghĩ nó như là vị thuốc trị cơn đói để đoạn trừ tham dục, lậu hoặc.
Định thanh tịnh tức là tiến tu chỉ tịnh để đạt được tâm thanh tịnh. Định (Samādhi) hay nói đầy đủ là Thiền định (Jhāna), có nghĩa là sự vắng lặng, sự trầm tư, gồm có Thiền Chỉ và Thiền Quán[16].Theo Thanh Tịnh Đạo, Định có nghĩa là tập trung, “đó là sự xoay quanh (ādhāna) của tâm và tâm sở một cách đều đặn (samam) và chính đáng (sammā) vào một đối tượng duy nhất”[17]. Định được phân thành ba đó là sát na định, cận hành định, nhập định. Có 40 đề mục để thực hành thiền định. Kết quả của định đó là sự phát sinh niềm hỷ lạc bởi ngăn chặn được các dục (năm triền cái) và các bất thiện pháp, đạt được sự nhất tâm như định cận hành (upacara) hay định an chỉ (appana). Tuy kết quả không dẫn đến sự đoạn trừ các bất thiện pháp triệt để, an lạc, giải thoát, giác ngộ nhưng nó là cơ sở, là bàn đạp giúp hành giả đi từ thiền định sang thiền tuệ để hoàn thiện tuệ giác.
Tuệ giải thoát tức là thực hành thiền Tuệ Minh Sát để đạt được trí tuệ, cắt đứt phiền não. Tuệ giải thoát bao gồm 16 loại trí, trải qua 5 giai đoạn làm thanh tịnh tâm, cuối cùng đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Đó là: kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh. Trong Kinh Trạm Xe, đức Phật ví lộ trình tu tập thiền Tuệ như bảy trạm xe, nhờ leo lên được trạm đầu tiên mà đến được trạm tiếp theo và nhờ từ bỏ trạm này mà đến được trạm kia, cuối cùng đến được đích. “Cũng vậy, này Hiền giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát-niết-bàn”[18].
2.3. Vượt qua 3 điều khó để thành tựu con đường phạm hạnh
Ngoài các pháp tác thành thuộc ‘pháp học’ và ‘pháp hành’, đồng thời hành giả phải nỗ lực vượt qua 3 điều khó và làm lớn mạnh 5 sức mạnh để thành tựu con đường phạm hạnh. Ba điều khó: thứ nhất được xuất gia là khó, mà được xuất gia trong Pháp và Luật của Như Lai lại càng khó vô cùng; thứ hai xuất gia nhưng không hoan hỷ trong đời sống xuất gia, cùng với sự thực hành đúng pháp để đưa đến sự giải thoát là khó; thứ ba là trong tu tập tỏ ra yếu kém, không vững vàng. Năm sức mạnh đó là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, năm lực ấy cần được làm lớn mạnh. Sức mạnh của tín được tìm thấy trong bốn dự lưu phần; sức mạnh của tấn được tìm thấy trong Tứ Chánh Cần; sức mạnh của niệm được tìm thấy trong Tứ Niệm Xứ; sức mạnh của định được tìm thấy trong Tứ thiền; sức mạnh của tuệ được tìm thấy trong Tứ Thánh Đế.
CHƯƠNG III: LỢI ÍCH THIẾT THỰC CỦA TU HẠNH SA MÔN
Qua các phần trình bày ở trên có thể cho ta thấy các pháp tác thành nên ‘pháp học’ ‘pháp hành’ rất quan trọng cho đời sống xuất gia, đồng thời nó mang lại lợi ích to lớn trên lộ trình giải thoát. Nói cụ thể hơn chính là Giới-Định-Tuệ, đó là pháp môn tu tập có giá trị vô cùng to lớn, nó đưa đến quả giải thoát, như đức Phật đã khẳng định: “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu”[19]. Ngoài ra, trong Kinh Sa-môn Quả[20] cũng đề cập đến vấn đề này.
Do đó, để đạt được mục đích tối hậu của mình, hành giả phải siêng năng tu tập trí tuệ. Nhờ vậy, được mọi người kính trọng, diệt trừ các kiết sử, chứng trí, giác ngộ, chứng đạt 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả, giải thoát trong tương lai.
KẾT LUẬN
Con người ngày nay bị chi phối bởi nền văn minh khoa học xã hội phát triển hiện đại, chỉ biết chạy theo danh vọng tiền tài mà chưa bao giờ thử ngoảnh lại quan tâm trau chuốt cho tâm hồn của mình, không biết rằng cái gì là hạnh phúc chân thật, cái gì là tạm bợ, đã khổ lại càng thêm khổ. Một số Tăng Ni trẻ ngày nay cũng vậy, chỉ chạy theo cái học vị, chỉ có học mà không áp dụng thực hạnh, để rồi quên mất “mình là ai?”, quên mất “mục đích, lý tưởng xuất gia ban đầu của mình là gì?”, có phải là sự giác ngộ giải thoát, độ mình độ người. Đã đến lúc cho những ai đang dần lãng quên điều ấy nên thức tỉnh. Qua bài nghiên cứu này, với tất cả những gì trình bày ở trên, sẽ giúp cho những ai đang là sứ giả Như Lai có thể được thức tỉnh, có ý thức về vị trí, mục đích, bổn phận, trách nhiệm của mình mà cố gắng tinh tấn trên con đường tu tập để đi đến đích cuối cùng mà không bị lệch hướng.
Để đạt được mục đích ấy, xứng đáng với danh xưng là Sa môn Thích tử, hành giả phải sống đời sống phạm hạnh, thực hành theo lời dạy của đức Phật, đi trên con đường mà Ngài và các đức Phật quá khứ đã đi là con đường Bát Thánh Đạo, cũng chính là tu tập Giới-Định-Tuệ. Khẳng định lại lần nữa, tu tập Giới-Định-Tuệ là con đường duy nhất đi đến mục đích tối hậu là giải thoát. Nhờ giữ giới, hộ trì các căn, giới được trong sạch; nhờ giới thanh tịnh mà định phát sinh; nhờ định phát sinh làm nền tảng cho thiền tuệ, trí tuệ được sinh khởi, đoạn tận tất cả phiền não, diệt trừ mười kiết sử, chứng đạt Thánh đạo Thánh quả, giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn, trở thành bậc Thánh nhân. Đức Thế Tôn dạy rằng con đường đó phải tự mình đi, tự thân chứng nghiệm, Ngài chỉ là người chỉ đường: “Này các Tỳ kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”[21].Bởi vậy, hành giả hãy khéo tu tập để đi trọn con đường này, trước là lợi ích cho mình, sau là mang lại lợi ích an vui hạnh phúc cho xã hội nhân loại. Đồng thời, lưu truyền Phật pháp, tiếp nối sứ mạng truyền bá giáo lý của đức Phật góp phần làm cho chính pháp được tồn tại lâu dài.
Cho đến như vậy, vị ấy mới chính là vị Sa môn Thích tử , Sa môn con dòng họ Thích vậy.
Thích Chúc Hòa
Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
————————————
CHÚ THÍCH:
[1] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, tr.522.
[2] https://vi.m.wikipedia.org
[3] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Ví dụ tấm vải, tr.52.
[4] Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt, tr.438-439.
[5] Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, tr.326.
[6] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Ví dụ tấm vải, tr.62.
[7] ĐTKVN, Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, tr.299.
[8] Phật học cơ bản, tr.13.
[9] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Ví dụ tấm vải, tr.62.
[10] Tăng già thời đức Phật, tr.26.
[11] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Thế nào gọi là Sa môn?,tr.502.
[12] Tăng già trong thời đức Phật, tr.38.
[13] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, tr.521.
[14] Thanh Tịnh Đạo Luận toản yếu, tr.31-32.
[15] Trường Bộ Kinh, Kinh Chủng Đức, tr.120.
[16] Tăng già thời Đức Phật, tr.143.
[17] Thanh Tịnh Đạo, tập 1, tr.158.
[18] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Trạm Xe, tr.198.
[19] ĐTKVN, Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, tr.315.
[20] ĐTKVN, Trường Bộ Kinh, Kinh Sa-môn Quả.
[21] ĐTKVN, Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, tr.313.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ tập 1, Kinh Sa-môn Quả, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 1, Kinh Ví dụ tấm vải, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 1, Kinh Ví dụ lõi cây, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 1, Kinh Trạm xe, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ tập 2, Chương Tám Pháp, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2017.
7. Thích Giới Nghiêm dịch, Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb. Tôn giáo, 2014.
8. Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.
9. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phật học cơ bản, Nxb. Phương Đông, 2015.
10. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú.
11. Thích Phước Sơn, Thanh Tịnh Đạo toản yếu, Đạo Phật Ngày Nay.
12. Thích Nhuận Châu sửa, Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt, Nxb. Hồng Đức, 2018.
13. Thích nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2016.
Thích Chúc Hòa