Tu học nhập môn
Bàn về đồ mã
09/02/2010 23:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Loài người đó bước vào thế kỷ thứ 21 được một thập niên với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Cuộc sống của mọi người cũng đủ đầy, sung túc hơn rất nhiều.

Nhưng dường như sự dư thừa về vật chất vẫn không bù đắp nỗi bất an, lo lắng sợ hói về tinh thần. Xã hội càng hiện đại, mọi người càng quan tâm đến đời sống tâm linh nhiều hơn. Đến chùa ngày nay không chỉ là các cụ già. Quý vị chỉ cần lướt qua vài chùa lớn ở các thành phố vào ngày mồng một hoặc ngày rằm và đặc biệt vào ngày Tết thì số lượng đông hơn rất nhiều và đủ mọi tầng lớp, thành phần trong xó hội. Mọi người đến chùa là hướng tâm đến ngôi Tam Bảo và ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản với cảm giác bình an như được che chở.

Nhưng bên cạnh đó, việc đi chùa lễ Phật vẫn cũn tồn tại những vấn đề khá nan giải là hiện tượng đốt vàng mã để cúng và cầu nguyện may mắn…. Hầu như mọi người đều làm theo thói quen, hễ “ai làm thế nào mình cũng làm theo như vậy”, mà không biết rừ nguồn gốc của sự việc ấy. Việc đốt vàng mã khi ở chùa, cho đến ở nhà, trong các đám cúng…. đó trở thành tập tục và ai cũng nghĩ không làm thì thiếu sót, sợ không có “lộc”, sợ có lỗi với người quá cố, sợ ông bà tổ tiên quở trách…. Nhưng cũng có nhiều người biết việc đốt vàng mã là không có lợi ích mà họ vẫn làm để giảm bớt đi nỗi bất an trong lòng.              
       Bản thân tôi 10 năm trước đây cũng đó từng làm như rất nhiều người: Dùng tiền thật mua tiền vàng giả trong mỗi lần đi chợ, ngày ông công, ông táo (23 tháng chạp…) ngày rằm, ngày mồng một ở nhà, cũng hình nhân thế mạng… Nhưng thực sự “lộc” đâu chưa thấy mà chỉ thấy mất tiền và cũng không giải quyết được đau khổ của chính mình.
        Thật may mắn và hạnh phúc khi tôi gặp được pháp môn của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Sư Ông và quý Thầy đó chỉ dạy cho tụi con đường chuyển hóa nội tâm để bớt đau khổ, trong đó có việc chấm dứt hoàn toàn việc đốt vàng mã. Tôi cùng hàng ngàn Phật tử Thủ đô đó thực hành theo lời dạy quý báu đó và một điều kỳ diệu, cuộc sống của chúng tôi ngày càng đầy đủ hơn và bình an hơn.
        Đến nay, hội đủ duyên lành và với lòng từ bi thương xót chúng sanh, quý thầy - Tỉnh Thiền TVTL Sùng Phúc đó bỏ công sức, thời gian sưu tầm và biên tập lại bài báo “Bàn về đồ mã” của báo “Đuốc Tuệ” (Phụng sao lục: Khánh Anh) *, cho những ai cũng mờ mờ chưa nhận rõ được lẽ thực. Cầm cuốn sách trên tay lòng tôi rưng rưng xúc động khi nội dung cuốn sách quá đầy đủ rừ ràng về việc vàng mã. Và những ai có đủ duyên lành đọc tập sách mỏng này sẽ tự quyết định cho mình có nên tiếp tục sử dụng đồ vàng mã hay không một cách sáng suốt, đầy trí tuệ.

Vũ trụ tuần hoàn, một mùa xuân mới nữa lại về! Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả gần xa món quà Xuân thật bình dị cùng lời chúc một Năm mới an lành, ngập tràn niềm vui và may mắn!
                                                                                                                                                             Cư sĩ
                                                                                    Huệ An

BÀN VỀ ĐỒ MÃ
(của báo đuốc tuệ)

  Giở xem thế giới sử, sẽ thấy cả toàn cầu vạn quốc, nước nào cũng vậy, hễ văn minh tiến lên bao nhiêu thì dã man phải tụt xuống bấy nhiêu; đó cũng là một cái công lệ bởi trò đời thiên diễn. Những sinh vật giữa vũ trụ đều có sức mạnh vô hình, nó cạnh tranh phấn đấu với nhau, hễ mạnh thì được, yếu thì thua, khôn sống bống chết. Sự cạnh tranh đó dẫn đến bước đường tiến thủ, để thành lập trên trường thiên nhiên tiến hoá, nên gọi là thiên diễn.

Dân tộc Việt Nam ta đã gần trăm năm lại đây (khoảng năm 1967), đã hấp thụ được những phong hoá trào lưu mới, từ bên Âu Mỹ truyền sang, cho nên dân trí ngày một mở mang, tục lệ ngày càng sửa đổi. Đối với giấc mộng mê muội nghìn xưa, hiện nay cũng đã đôi ba phần cắt đứt được bức màn vô minh, mà đưa tầm mắt mở rộng trên con đường tỉnh hồn giác ngộ. Việc các nhà trí thức đồng tình, nhất trí về chuyện hô hào tẩy chay đồ mã, là một ví dụ để đủ làm cho chúng ta thấy rõ sự sự thay đổi đó.

Kìa như bên Trung Hoa, từ dân quốc cách mạng, chính phủ ra huấn lệnh cho nhân gian biết, nên bỏ cái hủ tục đồ mã ấy đi. Nước ta, tại Huế, triều đình đã ra lệnh bỏ tục đồ mã trong việc tế tự.  ngoài Bắc, tỉnh Thái Bình, cụ Thượng thư Văn Đinh đã thi hành bỏ đồ mã (cách nay khoảng 50 năm). Giới báo chí suốt trong nam ngoài Bắc cũng tham gia tích cực vào việc bài trừ đồ mã. Vậy nguồn gốc và lợi hại của đồ mã thế nào? Và vì sao những người có học thức lại phản đối việc dùng đồ mã?
 
NGUỒN GỐC CỦA ĐỒ MÃ

Từ phong hoá, chính trị, cho đến tôn giáo của nước ta đều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa cả; nên bàn đến việc gì đã có trong nước ta, khi phăng cho tận gốc, xét cho thấu nguồn thì phần lớn đều từ Trung Hoa truyền sang cả, điều này hầu như không thể phủ nhận được.

Nước Trung Hoa về đời Thượng cổ(1), khi người chết thì lấy cây củi bó giát lại rồi khiêng ra để ngoài đồng không mông quạnh, chứ không chôn, không dựng bia; thấy trong Kinh Dịch nói như vậy. Đến đời vua Hiên Viên Hoàng đế (2.697 trước DL), cử ông Xích Tương làm chức Xuân quan Mộc chính; ông này mới phát minh chế tạo ra quan quách. Sách Sử Ký nói như vậy.

Về sau, cái lễ đối với người chết ngày càng thêm hậu, nên nhà Hạ (2.205 trước DL) nắn đất ra làm cổ, bàn..., lấy tre, gỗ làm các đồ khí cụ như: đàn, địch, kèn, bồng (trống kiểu cổ, hai đầu bịt da, giữa eo lại), trống, phách, chung, khánh v.v... gọi là đồ Minh khí để chôn theo người chết. Những đồ này cũng gọi là Quỷ khí, nghĩa là đồ để dùng của Thần minh ma quỷ (trong sách Lễ Ký). Cái nguyên lai dùng đồ mã là từ đấy.

Đến nhà Ân (1.765 trước DL) đối với người đã từ trần, thì không chôn theo Minh khí mà lại chôn theo Tế khí (các món hào soạn toàn là đồ thiệt dụng trong khi cúng quảy) là đồ thật dụng cả. Đó là sách Lễ Ký ghi như vậy.

Số người sinh sản càng ngày càng nhiều, các thứ vật dụng là đồ thiệt (Tế khí, Tế phẩm), phải để cung cấp cho người sống mà hạn chế bớt đi, nên nhà Châu (1.122 trước DL) lại phải chia ra làm hai bậc, nghĩa là bậc quới (phú quý) và bậc tiện: Quới là từ quan Đại Phu, lên đến Thiên Tử thì được dùng cả Quỷ khí (đồ giả) và Tế khí (đồ thiệt); bực tiện là từ sỹ phu xuống đến thứ dân thì được dùng một thứ Quỷ khí mà thôi. Đó là lời chép trong sách Châu Lễ.

Đến chính thể độc quyền áp chế của quân chủ nhà Châu thì sự cúng tế đối với người chết, nhất là những người thuộc hàng vua chúa, quý tộc, lại trở nên xa hoa tàn nhẫn! Thậm chí những người mà vua yêu dấu như: Vợ, con, tôi hầu thì sau khi vua chết, bọn họ đều bị chôn sống theo vua cả, thế gọi rằng Tuẫn tán. Cái ác tục này, chẳng riêng gì một thiên tử, các vua chư hầu cũng phải làm như thế cả.

Sách Tả truyện chép rằng: “Năm Văn Công thứ sáu, vua Tần Mục Công tên là Háo Nhâm chết; ba anh em họ Tử Xa đều bị chôn sống theo vua, vì nhà vua lúc sanh tiền yêu thương ba người ấy. Nhân dân trong nước tỏ lòng thương tiếc, nhơn đó làm ra bài thơ “Huỳnh Điểu”. Thư Huỳnh Điếu thUỘC  về Tần Phong, trong thơ đại ý nói : “Thùy tong tuẫn hề Tử Xa tam nhơn, như khả thục hề, nhơn bách kỳ thân”: Nghĩa là ai chết theo Mục Công, ba anh em họ Tử Xa là Yêm Lức, Trọng Hành, Châm Hổ, ba người mà tài trí đức hạnh gấp trăm nghìn người, trời đất quỷ thần ôi! Sao nỡ giết sống, nếu mà chuộc đặng thì ba trăm người như chúng tôi xin vui lòng chết thế cho.

Chao ôi! Dã man tàn khốc còn gì bằng! Nhân dân đã biết cái tục chôn sống là một cái thói vô nhân đạo, nên đến nỗi phải kêu gào Trời đất như thế, lẽ tất nhiên là phải tìm vật khác để thay vào. Nhân đó mới tạo ra Sô linh là một thứ người làm bằng cỏ. Bằng cỏ(1) thì không có chi là mỹ thuật, nhân đó lại chế tạo ra bằng gỗ gọi là Mộc ngẫu hay gọi là Dõng (bồ nhìn). Trong sách Liệt Tử, Thiên Khang Vân chép rằng: Mộc ngẫu có từ đời Chu Mục Vương (1.001 trước DL) do ông Yến Sư phát minh(2)

Rất ác cảm với người gỗ nên Đức Khổng Tử bảo rằng: “Kẻ nào tạo ra Bồ nhìn, là kẻ bất nhân.” Lời đó chép trong sách Lễ Ký. Thầy Mạnh nói: “Thỉ tác dũng giả kỳ vô hậu hồ”: Nghĩa là ai tạo tác ra Bồ nhìn là kẻ tuyệt tự. Vì bởi, do có ác tục từ chôn sống người thật, đến thay người giả bằng cỏ thiêng (Sô linh), và người gỗ Dõng, nó cũng có tai, mắt, mày cử động hẳn hoi, nên nói: “ Kẻ khởi đầu tác Dõng kia, chắc sau này con cháu không khá nổi”!

Từ đời Hán về sau, những người thượng lưu trí thức, ai cũng công nhận Khổng Tử, Mạnh Tử là thầy hướng đạo về nho giáo đối với việc làm Mộc ngẫu để cúng cho người chết, mà hai Ngài đã cự tuyệt bằng lời đau đớn thảm thiết như thế kia, thì ai lại còn dùng đến cái xấu xa đã bất nhân và tuyệt tự ấy nữa!?

Đã thủ tiêu đồ Mộc ngẫu rồi, thì người ta trở lại dùng toàn đồ thiệt cả, nghĩa là từ thằng tôi tớ, con hầu, đến nhà cửa, trâu ngựa, xe cộ, đồ ăn, thức chơi, nhất thiết đều là đồ thiệt, sau khi cúng tế rồi đem hết ra mộ, nhưng không chôn sống theo nữa, mà cho lưu cư ở tại mộ phần.

Đời Hậu hán, vua Hòa Đế, hiệu Nguyên Hưng năm đầu (105 sau kỷ nguyên), có ông Thái Luân(1) bắt đầu chế ra giấy. Đó là Sách Hán Ký chép như vậy. Từ đó đã có giấy rồi, sau đó lại có ông Vương Dư chế ra giấy tiền vàng bạc, để thay cho tiền bạc thiệt trong lúc tang ma tế tự(2).

Sách Pháp Uỷên Chu Lâm chép rằng: Vàng bạc giấy tiền sản xuất ra là từ quan trưởng sử tên là Vương Dư đời Đường, dùng trong việc tang ma tế tự. Trong truyện Vương Dư chép rằng: Từ đời Hậu Hán, trong việc tang ma vẫn dùng tiền bạc thiệt, để chôn theo người chết; đến đời Đường, ông Vương Dư mới dùng tiền bạc bằng giấy thay vào hoặc tẩn liệm, hoặc rải bỏ dọc đường, hoặc đốt đi. Đời Tống, ông Vương Viêm nói: “Đến ngày Thanh Minh, tu tảo phần mộ rồi, dùng giấy tiền vàng bạc và các thứ giấy mầu, để treo hay chôn nơi mộ phần, hoặc dùng áo mão, giày, cùng các thứ khác bằng giấy để cúng, hay thờ quỷ thần. Những lối dùng các thứ đồ bằng giấy đó, mới có từ đời Hậu Hán. Sách Thông Giám Cương mục chép: Đời Đường, Vua Huyền Tôn khai nguyên 26 (737 sau kỷ nguyên), vì nhà vua mê tín theo thuật quỷ thần, dùng người Vương Dư làm chức Thái Thường bác sĩ, để coi việc đốt giấy tiền vàng bạc trong khi cúng tế.

Giấy tiền vàng bạc cùng các thứ giấy khác đã có, thì những cái lốt bóng hình như vợ hầu, con cái, tôi tớ, cửa nhà, xe cộ, đồ đạc, vật dụng, áo quần, lục súc, cho đến tất cả thứ có như trước kia đã nói, để thay thế cho người gỗ hay người sống, kêu bằng hình nhân thế mạng. Lại nữa, trăm nghìn vật khác làm bằng giấy cũng gọi là Minh Khí đồng thời xuất hiện liên miên, thành thử người Trung Hoa thời đó đua nhau chuộng đồ mã.

Lúc đó, Phật giáo đương thịnh hành ở Trung Hoa, người Trung Hoa tìm cách lợi dụng đồ mã cho phổ cập nhân gian. Nhân đó, ngày rằm tháng bảy, phong tục trong nước làm lễ “Trung nguyên” có nhà Đạo sĩ tên là Đạo Tạng, vào triều yết kiến vua Đường Đại Tông (762 sau kỷ nguyên), y tâu rằng: “Hạ thần nghe nói hôm nay Diêm Vương dưới âm phủ xét định tội phước cho các tội phạm và ân xá mở ngục, tha tù; vậy xin Bệ hạ xuống lời thông sức cho nhân dân phải dùng Minh Cụ là các đồ mã, khấn rồi đốt đi, đặng cho vong nhân dùng”. Lời ấy xuất trong kinh “Đạo Tạng” của Đạo Tiên, thế là đồ mã chiến thắng cả hai tông giáo mà đưa chân lý vùi xuống vực sâu vô để(1)!

Không bao lâu, đối với đồ mã, người Trung Hoa lại có ý chán, những hàng đồ mã không tiêu thụ được mấy vì ế ẩm. Cái nghề chuyên môn gia truyền của họ Vương phải gần bị thất nghiệp. Do đó, con cháu họ Vương cố sức tìm cách để chấn hưng trở lại. Sách Trực Ngôn Cảnh Giáo chép: Ông Vương Luân là dòng dõi của Vương Dư, là nhà làm nghề đồ mã và giấy tiền bạc, đương đời vua ẩn Đế nhà Hán (một trong Ngũ quý, 948 sau kỷ nguyên), Vương Luân vì muốn cái nghề của tổ phụ di truyền khỏi phá sản, liền lập mưu với một người bạn thân, cùng nhau thiết kế rất bí mật. Nghĩa là người bạn kia giả đò đau ốm cho ai nấy đều biết, chừng bốn, năm bữa có tin “cáo phó” rằng đã chết và hiện đã tẩm liệm vô quan tài rồi, chỉ đợi đến ngày giờ tốt là di linh cửu táng an phần mộ. Nhưng kỳ thật, người ấy vẫn còn sống và mạnh khoẻ như thường, tuy ở trong quan tài, nhưng vẫn có lỗ trống dưới đáy, để thở và đút đồ ăn uống. Đến ngày khởi hành cất đám, lễ nhạc linh đình, phúng điếu nườm nượp, ông Vương Luân đem đối lụy, giấy tiền vàng bạc, hình nhân thế mạng, cả đồ mã đến làm lễ Tam phủ (thiên phủ, thần phủ, địa phủ) (1), cầu cho người bạn may ra hoàn hồn sống lại. Uý chà chà, linh thay! Quan tài tự nhiên rung động, làm cho ai nấy mười mắt trông vào, cùng nhau dỡ quan tài, người bạn quả nhiên sống lại, cám ơn Vương Luân, và thuật chuyện cho công chúng nghe rằng: “Chư vị Âm thần đã nhận được bạc vàng đồ mã, rồi liền thả ba hồn bảy vía cho về. Do đó, ai nấy đều tin phăm phăm mà đồ mã và giấy tiền vàng bạc lại thêm nức tiếng.

Tìm xét tận nguồn gốc, khám phá thấu kế mưu thì biết đó là cái hủ tục tập quán của Trung Quốc, cái thủ đoạn gian hùng của Vương Luân. Như cái cơ mưu đã bại lộ, cái hủ tục rõ ràng rồi, phàm là người có trí thức, lại dại gì còn bị lừa gạt mà lãng phí một cách vô lý vậy?

Nước Việt Nam ta từ đời ông Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Thảo (906 sau kỷ nguyên) về trước vẫn ở dưới quyền nội thuộc (1) và đô hộ của Trung Hoa. Nghĩa là bắt đầu từ Tây Hán, Vũ Đế sai người là Lộc Bá Đức, Dương Bộc làm tướng, đem binh qua lấy An Nam... cho đến đời Ngũ quý, bấy giờ nước ta có ông Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán về Trung Hoa. Từ đời Tây Hán đến đời Nam Hán, thỉ chung tính được 1.050 năm. Bởi nội thuộc trong khoảng thời gian đó nên hễ phong tục Trung Hoa có những gì, bất luận hay dở, phải trái, nước ta cũng phải bị quyền lực bắt buộc mà học tập tiêm nhiễm theo cả.
 
THỬ XÉT TRONG VIỆC CÚNG QUẢI ĐỐT ĐỒ MÃ CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHÔNG

 Những người đốt đồ mã để dâng cúng cho Phật, Thánh, Thần, Tiên, sự dâng cúng đó phải chăng cung kính hay khinh mạn? Chúng ta thử nghĩ coi, xét như Phật khi còn làm Thái Tử, sẵn có cái sự nghiệp phú hữu tứ hải mà Phụ vương sắp giao phó cho, không thiếu một vật gì quý báu, thế thì Ngài là một ông vua cực kỳ giàu sang rồi. Đối với con mắt phàm tục của nhân gian, thì ai cũng cho cái sự nghiệp đó là bậc duy nhất trên cõi đời thật tế. Nhưng Ngài lại cho sự nghiệp đó là món hữu hình, hữu hoại, không sao bền chắc thường còn được. Ngài liền vứt bỏ đi như giũ bụi trần, mà quyết chí giải thoát để tìm chân lý bất sanh bất diệt.

Sau khi tìm đặng rồi, thì hiển nhiên Ngài đã hoàn toàn một ngôi “Phú hữu vạn đức” cho đến thần thông, trí huệ, thảy đều viên mãn một cách cứu cánh vô thượng.

Còn như các vị Bồ Tát, Thánh Hiền, Thiên, Tiên, Long Thần cũng là những bậc lớp đã tu nhân tích đức tuỳ theo mỗi địa vị, đều có phước đức trí huệ thần thông diệu dụng, không thiếu một món nào cả.

Xét lại chúng ta đây, còn là phàm phu, đem so với các Ngài thì nào là của quý báu, phước đức, trí huệ, thần thông phép lạ ức triệu phần mà chúng ta đã kịp được phần nào chưa? Thế mà chúng ta dám cả gan đem toàn những đồ mã giả dối, xấu xa hèn mạc bởi giấy má, hồ thiêu, a giao thúi làm ra, để dâng cúng cho các Ngài, sao mà vô lễ lắm thế. Nếu các Ngài có thâu nhận đồ mã thì để làm gì? Mấy người làm áo mão giầy vớ đó, đã có so vừa cái thân, cái đầu, cái chân của các Ngài chưa? Nếu không vừa, hoặc nhỏ quá, hay ngắn quá thì các Ngài xử dụng sao đặng? Đã không vừa thì các Ngài bỏ đi, hay để vào đâu? Chúng ta  đã biết mấy anh làm đồ mã không so đầu, mình, chân của các Ngài, nên không vừa, các Ngài xài không đặng mà phải bỏ đi thì chúng ta mua chi cho tốn tiền, dâng cúng chi cho thất lễ! Đối với các Ngài, thì chúng ta đây khác nào như kẻ: Nhà dột cột xiêu, thiếu sau hụt trước, cơm không khẳm miệng, áo chẳng kín thân, hàng ngày vật lộn với công ăn việc làm, đầu tắt mặt tối, bỏ con nhỏ khóc đỏ bong bóng mũi, cả ngày chưa có cơm sữa vào mồm, trong nhà đã là nghèo sát đất, khổ tận mạng đến thế mà lại dám đi làm phách với ông nhà giàu sang (Phật, Thánh, Thần, Tiên), đem tiền của vật dụng giúp cho ông, tưởng rằng ông chẳng bằng mình. Đó, chư thính giả thử coi xem, có quả sự thật như vậy không? Đối với chư Phật và các Thánh, Thần chúng ta khác nào người nghèo khổ (vì không phước đức, trí tuệ) kia, đối với ông nhà giàu nọ. Chúng ta tưởng làm như vậy là cung kính các Ngài, nhưng thực ra làm như vậy lại hóa thành khinh dễ các Ngài, và bêu tiếng xấu cho các Ngài. Vì chúng ta cho các Ngài là keo kiệt lắm, cháy túi không có tiền xài, trắng tay chẳng có vật dụng, phải nhờ chúng ta mới có tiền bạc đồ dùng, nên gọi là khinh dễ. Tưởng cho các Ngài cũng như bọn quan tham ô lại, thi vị tố xan, đối với kẻ tốt lễ dễ kêu, đa kim ngân phá luật lệ. Thế thật ra là bêu xấu mà thôi chứ nào phải cung kính. Đó chư thính giả xét cho rõ ràng như thế, thì không còn lẽ nào dùng giấy tiền vàng bạc đồ mã để cúng Phật Thánh, Thần, Tiên nữa vì vô nghĩa lý, quá ư phi lễ.

Trái lại, nếu chúng ta muốn được các Ngài thương tưởng phù hộ thì chúng ta phải giữ tâm thành thật, mở lượng nhân từ, thương xót người ngay, khuyến hoá kẻ ác, chẩn bần cứu nạn, cùng làm các điều thiện phước đức, làm như vậy chẳng những hiện tiền đây được người gần mến xa trông, quan dân yêu chuộng, mà còn được Thần khâm quỷ phục, danh thơm tiếng tốt, bia truyền miệng thế đến mãi đời sau. Nhất là chúng ta noi theo cái thành tích đại công, đại đức bởi tấm lòng chính đại quang minh của các Ngài, nếu chúng ta tâm thể lực hành theo thì có lẽ một ngày kia còn có thể theo được cái địa vị như các Ngài là khác, chứ chẳng những chỉ được các Ngài thương tưởng phù hộ trong đời hiện tiền mà thôi.
ĐỐT ĐỒ MÃ CHO VONG NHÂN CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHÔNG

Lối thường tình thương cảm của người đời: Vì lòng tương thân tương ái, vì nỗi sanh ly tử biệt, vì niềm thương tiếc nhớ nhung với nhau, thành thử muốn tỏ tấm lòng báo đáp cùng nhau, song không biết xét suy làm việc chính đáng; lại làm theo lối mê tín dị đoan như là: Đi khoa bói, cầu vía hồn, tin theo Bóng chàng, mưu thần chước quỷ, nào sát sanh để tâu rỗi lo lót, nào là đặt mã để gởi nạp thế cho, cứ nhắm mắt đi theo lối “xưa bày nay làm” không chịu xét điều phải lẽ trái.

Xin hỏi: Nếu quả ở dưới âm phủ có dùng các thứ đồ mã thì các dân tộc ở trong vạn quốc khắp thế giới từ thuở chưa tạo đồ mã, cho đến ngày nay đã biết bao là người chết, mà chỉ có nước Trung Hoa và nước Việt Nam mấy nhà có người đốt đồ mã gửi xuống cho, thì vong giả của nhà ấy mới có mà xài dùng; còn các vong giả đời Thượng cổ là đời chưa có đồ mã, và các vong của mọi nhà trong các nước kia, dùng bằng thứ gì? Lại, đốt đồ mã, chỉ đốt nội trong tuần tự ba năm; đến bốn, năm năm về sau, không ai đốt cho nữa, thì vong giả phải dùng bằng thứ gì? Lại, đốt thì chỉ đốt những đứa ở, con đòi, cả lục súc, chứ không đốt cơm, mắm muối, dưa, rau, cỏ, rơm rạ, thì người thế và sáu vật đốt thế xuống đó, chúng nó lấy gì ăn uống? Lại, dẫu có gửi vật thực đốt theo, mà những hình nhơn súc vật đó chúng nó lấy gì ăn uống? Lại, dẫu có gởi vật thực đốt theo, mà những hình nhơn súc vật đó, trong thân nó không có hai hàm răng, cuống họng, ruột non, ruột già, cả ngũ tạng lục phủ là bộ máy tiêu hoá thì làm sao chúng ăn được sống được? Dầu có ăn được, rồi làm sao chứa được và xuất sở? Vì không có bao tử và đường đại tiểu tiện, chắc phải chịu bí rồi chết mà chớ!

Lầu, kho, nhà Minh khí làm chừng bấy cao, cửa chừng bấy rộng, mà làm quần áo thì chừng bấy to bấy dài, giả như bận bộ quần áo lớn thế đó, làm sao lọt vào cái cửa nhỏ như thế kia? Nếu vào không đặng, phải ở mãi ngoài trời để chịu nắng mưa mãi sao? Nhà khi ấy đem xuống để vào đâu? Đã mua được vạt ruộng đất nào chưa? Vậy, có phải làm thêm chuyện rắc rối, nhọc lòng khó liệu định cho vong giả không? Vì nhà không ở được, đất chưa khẩn đến, biết để chỗ nào?

Giấy tiền vàng bạc gởi cho vong nhân đó đã có chữ ký của hai chính phủ (âm phủ dương gian) chưa? Như có chữ ký rồi thì lẽ tất nhiên chúng ta đem giấy tiền, bạc ấy ra chợ mua chác và đem đóng thuế cho nhà nước được, vì đã có chữ “âm dương ngân hàng”. Còn như dương gian xài không đặng thì âm phủ làm sao mà xài được ? Vì không có hai chính phủ nhận thật cho thông hành, vong nhân tất phải ở tù vì xài giấy bạc giả. Còn nếu nói “tiền ma gạo quỷ” ở dưới âm phủ xài đặng, thì ra cho ông bà cha mẹ đã quá vãng đó thành quỷ rồi sao? Thế ra gởi tiền bạc xuống để làm tội làm nghiệp cho vong nhân rồi! Vì phải ở tù, đọa ma quỷ. Phàm là người có tấm lòng hiếu để biết tưởng đến ân nghĩa của ông bà cha mẹ mà nỡ nào làm vậy sao?

Vả lại, làm tuần truy điệu là ý muốn báo đáp cho vong linh, cúng Phật tụng kinh là cốt để cầu siêu về Tịnh độ, mà đã được siêu về Tịnh độ rồi thì mỗi món gì cần dùng, muốn chi có nấy, vì là cảnh rất thanh tịnh, người toàn Thánh hiền, khoái lạc vô biên, không một tý gì thiếu sót, nên gọi là an lạc và an dưỡng Tịnh độ. Thế mà lễ cúng thì dâng sớ cầu siêu về Tịnh độ, còn gởi đồ thì buộc vong nhân phải xuống âm ty, để dùng đồ mã đó, thật là mâu thuẫn hết chỗ nói, vì nói một nơi mà làm một ngả, có phải trống đánh xuôi, kèn thổi ngược đó không? Như vong nhân được siêu sanh về Tịnh độ thì đồ mã dưới âm phủ ai xài? Tất nhiên bỏ đi chứ gì? Hay là đem luôn về Tịnh độ? Vô lý, vì trong kinh A Di Đà, đức Thích Ca nói như vầy: “Bên nước ấy, hẳn không địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đến đỗi cái Danh của ba thứ ấy cũng không có, huống chỉ có cái Thật”. Thế mà nay chúng ta gửi súc vật ấy cho vong nhân đem về Tịnh độ, có lẽ Phật, Bồ Tát, Thánh hiền, đều lấy làm ngạc nhiên, lạ lùng lắm! Mà lại gây giống súc vật về bên nước ấy thì ra uế độ rồi chứ đâu phải Tịnh độ, vì cũng có súc sanh, không đúng như lời của đức Thích Ca nói. Lại nữa, ở Cực lạc Tịnh độ mà còn phải nhờ của chúng ta ở cõi khổ Ta bà gởi qua cho, mới có mà dùng thì đâu phải là An Dưỡng quốc Cực lạc giới, vì còn thiếu thốn vật dụng như mấy cõi phàm phu. Những lầu, kho, nhà, Minh khí, cho đến tiền bạc giấy đó, nếu đem về Tịnh độ thì có coi ra cái quái gì? Vì kinh nói: “Trong nước ấy, lầu, đài, cung điện, đất cát, cây cối, nhất thiết toàn là vàng ngọc châu báu làm thành ra cả”; chứ đâu phải như cây lá, ngói gạch, sắt đá làm ra nhà cửa cảnh vật như ở cõi này, huống lại làm bằng giấy, thì có ra chi so với cõi “huỳnh kim vi địa”.

Lại một điều đặc biệt này nữa, khi làm lễ phần mã, ông “thầy cúng” hay huơ cây hương, miệng đọc thần chú, rằng: “án A án á, biến thiểu thành đa, hoá vô vi hữu, sa số hằng hà”. Nghĩa là biến ít ra nhiều, hoá không ra có. Mới nghe qua, chắc ai cũng cho ông thầy cúng ấy là một đại Tổ sư của nhà hóa học, có phép tài huyền diệu lắm chứ chẳng vừa. Vậy, đương buổi kinh tế khó khăn này, chúng ta đem một đồng bạc nhờ ông làm phép thư phù, đọc chú khiến cho một đồng biến hóa ra ức triệu đồng, cho đến hằng hà sa số đồng đều được như chơi, vì “không” còn hoá ra “có” đặng, như lời ông đọc thần chú đó, huống hồ “ít” hoá ra “nhiều”? Nếu hoá được như vậy thì toàn cầu nhân loại đều nhờ ông, từ đây không còn ai phải làm thân vất vả trên đường sinh hoạt eo hẹp nữa, thần kinh tế sẽ bị đầy Côn lôn chung thân. Nhất là ông thầy ấy kiến trúc một cái lầu cao nhất thế giới, gần đụng cái nhà dưới của Ngọc Hoàng, chớ chẳng như cái lầu chọc trời mà thôi; để phòng khi ông đi cúng đám về, có mệt mỏi, muốn lên lầu nghỉ ngơi chơi thì ông đứng ngoài sân làm phép: Nào hút gió vo vo, nghiến răng trệu trệu, bắt ấn cái chách, dậm chân cái thịch, nhún mình xít một cái là đã vọt tuốt lên đến tận từng lầu cao tít mù. Ôi! Khoái biết chừng nào, chứ đâu chịu lục tục, lẩn quẩn, chung lộn với chúng ta sát mặt đất cái này. Vì lời xưa đã nói: “Có tiền mua tiên cũng được”, huống là ông lại có tiền một cách biến hoá vô cùng, hằng hà sa số thì làm chi chẳng được, huống chi một cái lầu.

Đáng khâm phục lắm, vì mới nghe qua ai cũng tưởng ông thầy cúng đám này đủ quyền pháp linh thiêng, bởi có tài thiên biến vạn hóa sẽ làm một đức Chúa tạo vật thứ nhì, xuất thân giữa đời thật tế khoa học vạn năng này, thì từ đấy về sau chúng sinh trong thế giới sẽ nhờ ông mà được đại đồng hạnh phúc biết chừng nào! Nhưng khốn nỗi, xét lại thì biết ông thầy cúng ấy chỉ có cái tài nói dóc láo, vì nói có không hữu danh vô thật, bởi không biến hoá được nhất điếu nhất xu nào cả. Xưa nay các chủ đám đều vì mấy ông ấy mà hao tài tốn của chẳng ít!

Về Nhân thừa Phật học, đại khái Phật dạy rằng: Phàm là người hiếu tử thuận tôn, có lòng nhiệt thành, muốn làm phước độ vong thì phải làm thế này: “Tuỳ lực làm việc từ thiện, như là chẩn bần, cứu khổ, giúp người tàn tật, ốm đau, kẻ mồ côi, già yếu mà không ai cấp dưỡng, bắt cầu, đắp đường, thí thuốc, thí nước, làm nhà nghỉ mát giữa đường, trồng cây trái theo lộ, thí thực cô hồn...”. Đó là bề ngoài, còn bên trong thì, cả nhà trai giới, niệm Phật tụng kinh, tọa thiền, tu tập để đem công đức ấy hồi hướng cho vong giả được phần tế độ, thế là báo ân báo hiếu mà âm siêu dương thới. Trái lại, nếu miệng nói một đàng, tay phan một nẻo, khác nào trồng giống Bồ hòn, muốn thành Cam mật thì thành thế nào được.

Để số tiền lãng phí vào đồ vàng mã của một người, cho đến ức triệu người, từ một năm đến nhiều năm đó, dự trữ vào kho cứu tế hội phước thiện, phòng khi có xẩy ra thiên tai nhơn họa thì xuất khoản tiền đó ra đặng chẩn cấp cho đồng bào trong khi ngặt nghèo khốn khổ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, há chẳng phải là việc vừa thiện lương vừa ích lợi đó sao?

Lại nữa, số tiền dự trữ trong công quỹ cứu trợ đó, ước chừng năm năm, đã có hàng trăm hàng nghìn, hàng triệu đồng, vì số người 25 triệu (khoảng năm 1.960), trừ ra phần ít người đạo:Thiên chúa, Tin lành, Tân học) còn phần nhiều nếu có đốt vàng mã, mỗi nhà một năm ít nhất cũng tốn bốn năm đồng bạc. Vậy thì lấy số quân bình, một người một đồng góp lại chừng năm năm, thành ra số lớn nói trên, đem số lớn đó ra, hoặc mua ruộng, lập trường, lập xưởng công nghệ, rước thầy thợ chuyên môn dạy học nghề này, nghiệp nọ, ước chừng mười năm, đồng bào ta nhơn đó mà mở mang nghề nghiệp, phát đại hiền tài, quốc phú dân cường, cho đến chi chi nữa là khác.

Việc lợi ích chung lớn lao trước mắt như thế mà chúng ta không chịu làm, lại làm chi cái lãng phí vô ích thì bảo sao đồng bào ta không nghèo mạt, không nô lệ, không chịu vày đạp dưới gót phú cường. Hỡi ai là người có lòng biết suy nghĩ, xin mở rộng con mắt ngó xa, xét kỹ coi lại có thật vậy không?!
ĐIỀU THIỆT HẠI VỀ VIỆC ĐỐT ĐỒ MÃ

  Tuỳ theo mỗi trường hợp công tác và thụ dụng, bất luận việc chi, hễ làm chỉ có ích cho phần mình hay có ích cả mình lẫn người đều gọi là có lợi. Trái lại, làm việc đã tổn cho mình, lại tổn đến người thì gọi là có hại. Xét như đồ mã đây, cả người làm ra và người mua đốt đều thiệt hại cả. Nghĩa là, người làm đồ mã không phải sẵn có nguyên liệu, tất phải mua các màu, giấy cùng các thứ phẩm..., nhưng mấy vật liệu ấy phần nhiều là của ngoại quốc nhập cảng (khoảng thập niên 60), bởi thuế nhập cảng mắc thì họ phải giá cao, người thợ đã mua về mới có nguyên liệu để làm đồ mã. Vậy cả 3 miền - Nam, Trung, Bắc biết bao là thợ mã, số tiền mua các màu, giấy, phẩm… mỗi năm ước có bạc triệu lọt ra ngoại quốc. Vì thế mà thêm một phần nghèo cho nước nhà của đồng bào! Vậy có phải thiệt hại không?

Các nhà thợ mã ấy đã không làm được các vật thật dụng tinh xảo của đời thực tế này để giúp thêm kiến thức về tinh thần, đỡ vớt đói khát về vật chất cho đồng bào thì chớ, mà lại cứ duy trì mãi cái thói hủ tục nhảm nhí, làm những đồ giả dối khiến cho tàn rụi tinh thần, hư hỏng vật chất của giống nòi Việt Nam như vậy, có thiệt hại không?

Vả lại, hàng năm cả tàu nọ, tàu kia chở đầy giấy tiền bạc đem bán cho nước ta; rồi chở đầy nhóc lúa gạo về nước người, mặc dù đổi chác với nhau, kêu bằng tiền trao cháo múc, nhưng xét kỹ ra thì đổi chác một cách quá ư khờ dại, vì thứ nuôi sống đặng thì về người, thứ không ăn được thì về mình, vậy có thiệt hại không?

Về phần người mua đồ mã: Các nhà giàu có, không chịu suy cùng xét cạn, bàn phải luận đúng, chỉ vì cái quan niệm sanh ly tử biệt, chỉ theo cái tập quán xưa bày nay làm, thành thử trong gia sản có những vật dụng gì thì đặt làm đồ mã cho đủ những vật dụng ấy, ước chừng tốn phí có bạc trăm, tiền nghìn chớ chẳng ít. Còn mấy nhà nghèo, cũng chỉ vì cái quan niệm, lối tập quán đó thì đặt làm vài cái lầu kho, đôi ba bộ quần áo, ít ra cũng tốn năm, sáu đồng bạc, mà sau khi đốt rồi, không thấy vong giả về đem đi một món nào cả, thì đã chẳng giúp ích chi cho người vong, lại tổn hại cho người sống, vậy có thiệt hại không?

Đem số tiền thật dụng đó mua lấy đồ giả dối kia, đã không đỡ đói khát gì được, lại rốt cuộc thành đống tro tàn, bụi bay cùng sân; rất nguy nữa là, như bị gió bốc lửa lên cháy rụi cả chùa Minh Tịnh ở Quy Nhơn vào bữa cúng vía Quan Âm tháng 6 năm trước (cách nay hơn 40 năm). Vậy có thiệt hại không!

Phải chi để số tiền lãng phí đó mua bánh trái cùng những đồ thật dụng, trước đã cúng được, sau lại ăn được; hoặc mua thứ chi có thể còn sanh lợi ra được mãi, như mua cây trái, ruộng đất để thường năm có trái, huê lợi, cúng đặng nhiều năm, chẳng là có ích, cái này lại mua đồ vô dụng, thành ra đem số tiền ấy bỏ vào lửa, liệng xuống sông, vậy có thiệt hại không?

Nay đã xét rõ ra cái lẽ giả chơn, lợi hại rồi, thì người làm ra đồ mã bán, người đem về đốt, cả hai đàng đều bị thiệt hại cả, vì một đàng thì cứ bo bo giữ mãi cái thói mê tín cho giống nòi, một đàng thì cứ luôn luôn làm tổn hao cho gia sản, vậy thì ai lại khờ gì còn làm, còn mua đồ mã nữa, nếu các Ngài là bực trí thức!!!

Còn như lo rằng: Thôi làm đồ mã, e các anh thợ ấy phải thất nghiệp? Hồi trước nhiều nhà nấu rượu đế để sanh nhai, đến lúc nha đoan (nhà nước) cấm chỉ, vậy các nhà nấu rượu kia có thất nghiệp đâu, vì họ đổi qua nghề khác ... Lại nữa, các anh chỉ làm nghề bài bạc và các anh ăn trộm ăn cướp sanh nhai nay bị cấm hẳn, thì mấy anh đổ bác, đạo tặc ấy có thất nghiệp không? Nước ta công nghệ hiếm hoi lắm, nếu Nam, Trung, Bắc các anh thợ mã ấy hợp tác với nhau chế tạo ra giấy, mực in thì cả Đông dương các nhà in đều mua giấy mực của các anh, mối lợi ấy, mỗi năm có mấy trăm triệu đồng bạc chứ chẳng ít, chúng tôi cũng mua, để in kinh sách, đặng truyền bá Phật học. Vậy các anh thợ ấy, không những đã làm một việc lợi dân, ích quốc cho đồng bào, lại còn được cao môn phú hộ cho gia đình nữa. Làm được như vậy, có phải công nghệ đã phát đạt, mà sự sống của các anh có chánh đáng không?
GỬI KHO ÂM PHỦ TRẢ NỢ TÀO QUAN

Cái tục này, cũng bởi bên Trung Hoa đem vào nước ta. Sách Liêu Chí chép: “Tục lệ nước Liêu, đến tháng 10 cả quan, dân trong năm Kinh đem nạp các thứ lầu kho vàng mã hội lại kinh sư. Đến ngày rằm, nhà Vua với quan nước Phiên, sắm sanh rượu thịt lễ vật, tả một tờ trạng bảng thứ chữ của nước Phiên mà dâng cúng cho ông Thần ở núi Mộc Diệp, rồi đốt kho vàng mã ấy kêu bằng “ký khố”.”

Đời sau người ta bắt chước theo đó, lúc sanh tiền cúng lễ “điền hườn” gởi kho Minh phủ, hoặc là để sau khi chết xuống đó lấy tiêu xài, hoặc là trả nợ Tào quan, để sau khỏi tù tội. Đó là tục lệ của nước Liêu bên Trung Hoa. Xét ra nước Liêu ở vào khoảng 996 năm trước Dân quốc bây giờ.

Trong sách dạy về chuyện Điền Hườn Thiên Khố nói như vầy: “Người sanh năm Giáp Tý, nguyên kiếp trước là người nước Lỗ, làm quan phụ tá,... phàm người sanh năm Giáp Tý đều thiếu nợ hai vạn ba nghìn quan tiền và ba chục quyển kinh, nay phải trả vào kho thứ ba, giao cho ông chủ kho họ Đoài nhận. Người sanh năm Ât Sửu... cho đến những người sanh năm Quí Hợi, mỗi tuổi, đời trước ở mỗi nước khác nhau, như Tề, Sở, Ngụy, Ngô... đời trước làm sỹ, nông, công, thương, tăng, ni, đạo tục... thiếu nợ, thiếu kinh mỗi tuổi mỗi khác, gởi trả nợ vào mỗi thứ mỗi kho, mỗi ông Tào quan khác họ với nhau, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ nội trong sáu chục năm là từ Giáp Tý, chí Quý Hợi mà thôi”.

Tào quan, thì lấy 12 chi, những chữ tương tự với chữ Tý, chữ Sửu cho đến chữ Tuất, chữ Hợi mà làm họ của ông Tào Quan. Như: “Người sanh năm Dần thì ông Tào Quan họ Huỳnh, vì chữ Huỳnh tương tự chữ Dần; sanh năm Sửu thì Tào quan họ Điền, vì chữ Điền tương tự chữ Sửu, sanh năm Mùi thì Tào quan họ Chu, vì chữ Chu tương tự chữ Vị (mùi) ; sanh năm Mão, Tào quan họ Liễu, vì chữ Liễu giống với chữ Mão; sanh năm Tuất, Tào quan họ Thành, vì chữ Thành giống chữ Tuất, sanh năm Hợi, tào quan họ Viên, vì chữ Viên giống chữ Hợi, v.v.”.  Rõ là ngụy bịa, lừa gạt.

Tỷ như cái lối trá hàng, nhứt thiên đường, nhị thiên đường, bổn lập trai, mộc lập trai... là nhãn hiệu tương tự nhau.

Thử hỏi, chúng ta là người nước Việt Nam, nếu theo tục lệ nước Liêu bên Trung Hoa mà gởi kho, thì gởi kho cho ông Thần ở nước nào? Vì nước Việt Nam không có núi Mộc Diệp và viết lời trạng để dâng kho ấy, phải viết bằng chữ nào? Vì chúng ta không ai biết viết chữ của nước Phiên. Còn nhân dân bên Trung Hoa ở vào khoảng mấy đời trước nước Liêu, không có cái tục lệ gởi kho đó thì cát hung thế nào? Còn cứ thêm mỗi tuổi Tý, Sửu, Dần... phải trả nợ Tào quan thì chỉ có người An nam và người Trung Hoa mới có chữ Nho kêu bằng tuổi Giáp Tý, Ât Sửu.... Còn các dân tộc ở các nước bên Âu, bên Mỹ chẳng hạn, không có thứ chữ kêu bằng tuổi Giáp Tý, Ât Sửu... đó; người ta chỉ nói rằng; tên A sinh nhằm năm thứ mấy trước Chúa giáng sinh; tên B sinh nhằm năm thứ mấy sau kỷ nguyên. Như thế, thì biết đâu tính số thiếu nợ là mấy? Tào quan họ gì? Gởi trả vào kho thứ mấy ở đâu? Vì các nước ấy không có thứ chữ Giáp Tý, Ât Sửu... thì lấy gì định dẹo, đặt điều như ở bên Trung Hoa? Cả các dân tộc ấy, không trả nợ Thiên khố, Điền hườn, Đại hườn chi hết, thì sao? Toàn cầu nhân loại, ai sanh năm Giáp Tý thì cũng đều là đời trước làm quan phụ tá, đều ở nước Lỗ cả hay sao? Vô lý, vì cả nhân số nước toàn là làm quan phụ tá, không ai làm dân sao? Trước khi chưa có nước Lỗ thì người ta ở đâu? Vì chưa có nước Lỗ mà cũng lắm người sanh năm Giáp Tý? Và kiếp trước làm chức nghiệp gì? Bên Trung Hoa, từ Phục Hy về trước, chưa có văn tự kêu bằng Tý, Sửu, Dần, Mão... thì lấy chi kể số nợ của tuổi kia? Mà những người sanh trong khoảng đời đó, không gởi kho trả nợ thì thọ yểu thế nào?

Số nợ ấy, ai là người đứng cho vay? Cho vay có giấy tờ chi không? Người vay để làm gì? Giả như có mười người đồng sanh năm Giáp Tý, như có vay thì cũng có kẻ vay ít, người vay nhiều, cớ sao lại cũng chỉ thiếu nợ đồng một con số như nhau là sao? Còn cho vay, tất phải có kỳ hạn bao nhiêu năm? Mỗi năm lấy lời mấy phân? Có gì làm bằng cứ? Giả như, người vay mà ở vào nước văn minh không tin sự đốt mã trả nợ Thiên khố thì đòi vào đâu? Bọn thực dân Pháp như các ông chủ hãng giàu có ở xứ này, mấy ổng cũng sanh năm Giáp Tý, Quý Hợi... mà không trả nợ nạp kho chi cả, sao không thấy sở Tào quan nào đến đòi? Hay là Tào quan mướn mấy anh thầy bói cúng làm Trưởng toà để đòi giùm cho chăng? Còn đòi, sao không đòi mấy người chánh tín đã tiến hoá, lại cứ đòi lẩn quẩn mấy người mê tín và còn hủ cựu là sao? Người nào có túi tiền còn nặng, trả được thì chẳng nói chi; thoảng như kẻ nghèo tận mạng đi ăn xin, nằm đình ngủ chợ, hào bao rách đáy, không thể trả được, có phải thất công đi đòi không?

Người trả rồi có lấy biên lai của ông chủ kho không? Nếu không, hoặc như ông quên đi, cho là chưa trả thì sao? Những người đã gởi kho xuống âm phủ, vậy sở kho ấy có biên nhận không? Có biên lai cho không?

Người ta thường nói: “Âm dương đồng nhất lý”. Nghĩa là ở đâu cũng theo lẽ phải là công bình chính trực. Cũng như ở dương gian, người ta gởi của vô nhà Băng (ngân hàng), cũng phải có hình ảnh, chữ ký tên, giấy chứng nhận hẳn hoi, về sau mới lấy được chớ đâu phải dễ lấy. Nếu không chi làm bằng thì sau khi xuống làm sao nhận được? Hoặc gởi vào kho nợ dưới âm phủ, sau khi chết lại sanh về cõi khác trên dương gian thì làm sao lãnh đặng? Nếu ở dưới không lãnh được, trên này con cháu tin rằng đã có gởi của trước rồi, không đốt gởi cho nữa thì vong nhân lấy gì tiêu xài?

Còn một lẽ này lại rõ hơn. ễÛ các nước văn minh không một ai trả nợ Thiên khố mà nước họ vẫn giàu mạnh, dân họ vẫn hùng cường, người họ vẫn sang trọng, nhất nhất sự gì cũng lẫy lừng cả. Còn Việt Nam có số người - không phải là ít - gởi của cho “điển hườn”, thế mà họ có giàu sang hơn người ngoại quốc đâu, đôi khi còn thấy họ quê hèn, khiếp nhược và thua sút hơn nhiều so với người các nước Âu Mỹ, là tại sao vậy?

Xét những câu hỏi trên đó, hẳn không thể trả lời nổi, vì không một lý do nào có căn cứ để biện chứng. Thế đủ biết rằng, cái tục gởi kho trả nợ là bởi lòng mê tín thần quyền của nước Liêu bên Trung Hoa thủ xướng. Gia dĩ các nhà nghệ sĩ làm tiểu thuyết, phụ hoạ, bịa đặt chuyện ly kỳ, hoang đàng, cổ động, quảng cáo ra. Thậm chí có một ít anh gian đạo sĩ lại biểu diễn vọng hành, để lợi dụng những người tham cầu mê muội, lâu ngày tập dở thành hay, nhiều đời quen tục theo lệ, lần hồi lan rộng truyền sang Việt Nam, mấy cậu tin ma sợ quỷ, bán thánh buôn thần, in sâu vào óc, cùng nhau hô hào hoạt động, làm đại lý cho cái tà thuyết của nước Liêu, mà hù nhát rủ ren làm hướng đạo cho đồng bào nước Việt. Ôi! Một xẩm dắt bọn mù, đi quanh quẩn mãi trong vòng âm u chưa khai hóa. Rất khốn hại! Ai là người có tai mắt, nghe thấy đồng loại như thế, lại nỡ nào chẳng thương tâm!?

Nay muốn cải cách cái hủ tục ấy, tưởng các Ngài nên làm việc chính đáng. Nghĩa là nếu các Ngài có hy vọng để của và phước qua đời sau thì xin làm như thế này: Người nào nghèo túng lắm, không tiền làm phước, thì dùng lời hay lẽ phải, chuyện tốt điều hay mà giảng diễn khuyến hóa, chỉ vẽ cho những kẻ đương hung hoang, lầm lạc, để họ hồi tâm hướng thiện, yên vui với nhau, thì kết quả thiện cảm sau này kết sao cho xiết. Người mà trước kia mỗi năm gởi vào cái kho đó; từ đây để số tiền ấy cho mấy kẻ đương lúc đói không cơm ăn, đau không thuốc uống, thế cũng là phước lắm rồi, vì khó với khó giúp nhau mới thảo. Người có thế lực, mỗi năm về sự đốt kho vàng mã, tốn có hàng nghìn hàng trăm; nay có số tiền ấy làm các việc phước thiện, mở mang các công nghệ, để cho đồng bào có việc làm ăn, kẻ lao động bần khổ có chỗ nuôi sống. Vả lại, số tiền ấy đã không mất vốn, mà lại còn nảy nở mãi lời lãi ra nữa thì quả phước sau này hưởng sao cho hết. Đó là cái lẽ trồng cây để sau ăn trái, là việc thiệt hiện mà sao không làm, lại làm việc của đốt ra tro;  khác nào đem giống đổ vào lửa, trút xuống sông thì làm sao để có cây trái để sau này hưởng.
 
  KẾT LUẬN
 
Tóm lại, những cái thuyết “Chôn đồ, đốt mã, gởi kho là cái hủ tục bởi bệnh mê tín của nước Trung Hoa truyền nhiễm sang Việt Nam, chứ nguyên lai đạo Phật, đạo Nho không bao giờ có.
Xét như Kinh Vu Lan Bồn thì Phật dạy sám hối những điều thật dụng, trước cúng Tam Bảo sau dâng chúng Tăng để cầu siêu cho “thất thế phụ mẫu”; chứ không nói đến một đồ vật giả gì hoặc chôn, hoặc đốt.
Trong Kinh Lễ thì đức Khổng Tử quở rằng: “Ai bày ra hình nhơn thế mạng để chôn theo người chết đó là kẻ bất nhân”.
Thầy Mạnh cũng nói: “Ai làm ra Bồ nhìn con gỗ bởi cái lệ chôn sống người, là kẻ tuyệt tự”.
Ông Vương Nhựt Hưu là tiến sĩ, làm quan đến chức Quốc học sĩ cũng nói: “Đã khảo cứu hết Kinh sách không thấy chỗ nào có sự gởi kho và trả nợ trong đạo Phật”.
Vậy hiện nay chúng ta đây, người thì giữ đạo nho là một đạo thờ kính ông bà, cha mẹ; người thì học đạo Phật là một đạo tự giác giác tha, phải hóa độ chúng sinh, có lẽ nào lại làm những cái ác tục mà Đức Thích Ca và Khổng Tử không làm?.
 
Phụng sao lục
Khánh Anh.
 

(1) Trong từ điển văn học Việt Nam của nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia xuất bản năm 2001 nói: Việc thờ Mẫu ở Việt Nam đã có vào thế kỷ 3 từ nhân vật Man Nương, mãi cho đến thế kỷ 16-17 mới phát triển phổ biến rộng bởi nhân vật Liễu Hạnh. Và  cũng do tiếp nhận tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẫu trước đó vốn có trong xã hội dân cư nông nghiệp, cũng là một sự nương tựa tinh thần mẫu hệ của dân chúng thời ấy nên trở thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ - trời, Nhạc phủ - rừng, Thoải phủ - nước) trong dân gian, lần hồi biến thành Tứ phủ, trong đó Mẫu Liễu Hạnh thêm vào hệ thống các thần tượng; lúc thì như Mẫu Địa cai quản địa phủ, lúc như hóa thân Mẫu Cửu Thiên. Đồng thời, việc tích hợp các tín ngưỡng bản địa đã đem lại cho Tứ phủ như một thần linh được gọi bao quát là Tứ Phủ Công Đồng, xem Mẫu Liễu Hạnh như là Mẫu Thượng Thiên (cai quản cõi trời, vừa là Địa Tiên Thánh Mẫu (cõi đất), tồn tại bên cạnh Mẫu Thoải (cõi nước) và Mẫu Thượng Ngàn - nhạc phủ (cõi rừng). Từ truyền thuyết đó thâm nhập đã làm thành tín ngưỡng Tứ phủ trong dân gian, cũng được gọi là Đạo Mẫu
   

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch