Tu học nhập môn
Chay - mặn trong ẩm thực Phật giáo
Hạnh Như
20/02/2010 06:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Suy cho cùng, con người chỉ vì miếng ăn mà đã gây ra biết bao tội lỗi, nhưng đó là phạm vi chung của nhân loại. Riêng trong đạo Phật, cũng việc ăn uống, có một vấn đề thường gây thắc mắc, tranh luận đúng sai, nên hay không nên, cho khá nhiều người. Ðó là: Ăn mặn và Ăn chay.

Khi đức Như Lai còn tại thế, người anh họ của Ngài tên là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có ý định chiếm quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Ðể có được hậu thuẫn chắc chắn và niềm tin nơi các vị khác, Devadatta cố gắng tỏ ra nghiêm khắc hơn cả bậc Đạo Sư và muốn chứng minh rằng đức Phật có phần dễ duôi.

Lần nọ, Devadatta đề nghị với đức Phật năm điều buộc Tăng chúng tuân thủ, một trong năm điều đó là buộc chư Tăng ăn chay trường. Như Lai chối từ lời đề nghị này. Lại một lần nữa, Ngài nhắc lại giới luật mà Ngài đã thiết lập nhiều năm về trước, qui định tất cả các Tăng Ni có thể ăn thịt hay cá, khi không nghe, không thấy và không nghi con vật đó bị giết vì bữa ăn của mình. Loại thịt này thường được gọi là Tam tịnh nhục.

Chúng ta nên biết, Phật giáo không đơn thuần là một tôn giáo mà còn là một nền khoa học của mọi nền khoa học. Tuy nhiên, đứng trên bình diện là một tôn giáo thì Phật giáo là một tôn giáo tự do, theo con đuờng Trung đạo. Giáo lý đức Phật đã dạy mang lại lợi ích thiết thực cho cả giới tại gia lẫn xuất gia.

Một số quốc gia theo truyền thống Bắc truyền, tu sĩ Phật giáo hầu hết ăn chay trường, và Phật tử tại gia thường ăn chay theo định kỳ mỗi tháng. Sự tuân hành này dưới danh nghĩa tôn giáo đáng tán dương, ca ngợi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên lên án, đả kích những người không ăn chay.

Phải hiểu ngọn nguồn rằng giới luật trong giáo Lý nguyên thủy của đức Phật không buộc tất cả người Phật tử phải ăn chay, Ngài khuyên là để cá nhân các đệ tử tự mình quyết định việc ăn chay. Rõ ràng đức Phật không coi việc ăn chay hay ăn mặn là một luật lệ đạo lý quan trọng. Đức Phật cũng không đả động gì về vấn đề ăn chay của các cư sĩ Phật giáo trong giáo lý của Ngài.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau giữa các Phật tử về vấn đề này. Cho nên ở đây chỉ xin trình bày những luận chứng của những người tin rằng “ăn chay” là cần thiết cho các Phật tử và của những người không tin điều đó.

Ngược dòng hơn 25 thế kỷ trước, ngay từ lúc đạo Phật được thành lập, chư Tăng, những đệ tử Phật sống theo hạnh trì bình khất thực, không được phép trồng tỉa lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng họ dùng bữa của mình bằng cách sử dụng bất kỳ thứ gì các Phật tử đã tự nguyện dâng cúng cho họ.

Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như là dược phẩm để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích, như thế chư Tăng chỉ nhận các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng, và thông thường thì các thực phẩm đó có chứa thịt cá, và chính đức Phật cũng không phải là người ăn chay.

Ðức Phật sử dụng thực phẩm hàng ngày do Ngài đi khất thực hay do những người ủng hộ mời Ngài đến nhà dùng bữa, và trong cả hai trường hợp, Ngài đã ăn những gì được dâng cúng cho Ngài. Trước khi giác ngộ, đức Phật đã thử dùng nhiều loại thức ăn khác nhau, kể cả loại thức ăn không có thịt. Nhưng cuối cùng Ngài đã bỏ không dùng các loại thức ăn đó vì Ngài tin rằng chúng chẳng giúp gì cho việc phát triển tâm linh.

Ngày nay, người ta thường cho rằng những người theo Bắc tông thì “ăn chay trường” còn những người theo Nam tông thì không. Tuy nhiên, trên thực tế lại có phần phức tạp hơn. Thường thì các Phật tử Nam tông không có bất kỳ giới hạn nào trong chế độ ăn uống, họ không phân biệt ăn chay hay ăn mặn gì cả.

Những nguời ăn chay chỉ dựa trên lý luận đơn giản, đầy thuyết phục là để hỗ trợ cho lý tưởng tu hành của họ. Vì theo họ, ăn thịt khuyến khích một nền công nghiệp tạo ra những hành động tàn ác, gây ra cái chết cho hàng triệu súc vật. Một người có lòng từ bi nhân hậu muốn làm dịu đi tất cả những đau khổ đó, họ nghĩ rằng ăn chay có thể tăng trưởng được lòng từ. Bằng cách từ chối ăn thịt, họ sẽ làm được điều đó.

Những người tin rằng việc ăn chay là không cần thiết đối với Phật tử cũng có các lý luận không kém phần thuyết phục, mặc dù phức tạp hơn, để hỗ trợ cho quan điểm của họ, họ lý luận rằng:

(1) Nếu như đức Phật cảm thấy các thức ăn không thịt là hợp với các giới luật thì ắt hẳn Ngài đã tuyên bố và ít ra cũng đã được ghi chép trong Tam tạng Pāli, nhưng đàng này lại không thấy Ngài đề cập đến.

(2) Trừ phi chính chúng ta thực sự giết con vật để lấy thịt sử dụng, nếu không thì chúng ta không có trách nhiệm trực tiếp về cái chết của con vật đó; và hiểu như vậy thì người ăn chay và không ăn chay cũng không khác biệt gì cả. Những người ăn chay chỉ có thể ăn rau quả vì có người nông dân cày cấy ruộng, như vậy họ cũng đã sát hại biết bao nhiêu sinh vật và phun thuốc trừ sâu họ cũng giết hại nhiều sinh vật vậy.

(3) Cho dù những người ăn chay không ăn thịt, họ cũng phải dùng rất nhiều sản phẩm khác dẫn đến việc sát hại thú vật như xà-phòng, đồ da thuộc, huyết thanh, tơ tằm, v.v… Tại sao chúng ta kiêng không dùng một thứ sản phẩm này, song lại sử dụng các thứ khác?

(4) Các đức tính tốt như cảm thông, nhẫn nại, quảng đại, trung thực, và các tính xấu như ngu dốt, kiêu hãnh, đạo đức giả, ganh tị và lãnh đạm, thờ ơ không tùy thuộc vào những gì chúng ta ăn vào miệng, và như vậy thì thức ăn không phải là nhân tố quan trọng để phát triển tâm linh.

Một số người sẽ chấp nhận quan điểm này, nhưng số người khác thì lại chấp nhận quan điểm kia. Như vậy, gây ra nhiều tranh luận trong vấn đề ẩm thực Phật giáo. Chúng ta hãy quay lại với giáo lý của đức Phật để hiểu rõ thêm vấn đề này.

Ðức Phật rất thực tế, giáo lý của Ngài cũng rất thực tiễn. Khi Ngài đề ra những học giới, Ngài chỉ đề ra những giới luật nào mọi người có thể tuân theo, có thể gìn giữ được. Thí dụ như, Ngài đã không đưa ra một giới luật tu tập cấm bạn không được ăn uống quá độ. Các nhà sư phải sống nhờ khất thực và Ngài đã đề ra rất nhiều giới luật có liên quan đến ăn uống cho các vị chư Tăng - họ chỉ được phép ăn vào giờ ngọ, khi ăn họ không được gây tiếng động với thức ăn nhai trong miệng hay húp xì xụp, họ không được làm rơi vãi cơm, họ không được vét bát, không được nhìn ngó xung quanh, v.v… cũng như Ngài không đưa ra giới luật cấm không được ăn thịt, không chủ trương chư Tăng phải ăn chay, nhưng Ngài vẫn khuyên các thầy không nên ăn mười loại thịt vì sự tôn trọng và bảo vệ cho chính các thầy. Đó là: thịt người, vì những lý do đã quá rõ ràng; thịt voi và thịt ngựa vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó - vì dân chúng thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu - vì người ta tin rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù.

Để xác định rõ thái độ về việc ăn thịt cho chư Tăng, đức Phật dạy:

“Này chư Tỳ-kheo, Ta cho phép các vị dùng thịt cá trong ba truờng hợp sau đây: thịt này phải chưa được các vị nhìn thấy, các vị chưa được nghe biết, hoặc giả chư vị không có gì phải nghi ngờ là con vật đó đã được sát sanh chỉ nhằm mục đích thiết đãi cho chư vị. Nhưng các vị không được cố tình sử dụng thứ thịt đã được giết chỉ dành cho các vị sử dụng mà thôi.” Chúng ta có thể nhận ra lý do tại sao đức Phật lại không chủ trương bó buộc các Phật tử phải ăn chay, vì đó không phải là mục đích cứu cánh của sự giải thoát. Mối bận tâm chính của Ngài tìm ra chân lý tối hậu giải thoát những khổ đau cho nhân loại, nhưng ngay cả mục đích chính đó cũng là tự nguyện, tùy ở mỗi cá nhân có nên tuân thủ theo hay không, qua lời dạy của Ngài, mà trở nên từ bi hơn, khôn ngoan hơn, nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Ngài chỉ vạch ra con đường còn đi hay không là quyền của mỗi cá nhân. Ðường hướng của đức Phật, mục đính chính của giáo lý của Ngài, là khuyến khích để mọi người hiểu biết hơn, từ bi hơn, giúp mỗi cá nhân có thể thực hiện được những sự lựa chọn thích hợp  không chỉ trong việc ăn chay, nhưng còn trong nhiều việc khác nữa.

Như vậy, ăn chay hay ăn mặn tự nó không làm cho một người trở thành bất tịnh, sự thanh lọc được nội tâm của mình không phải dựa trên sự ăn chay hay mặn mà người tự làm mình không trong sạch bởi niềm tin mù quáng, gian dối, thèm muốn, tự đề cao, ô danh và những dụng ý tội lỗi. Do những tư tưởng và hành động xấu xa của mình tự làm mình bất tịnh. Không có một giới luật khắt khe nào trong Phật giáo nói là tín đồ của đức Phật không nên ăn cá thịt. Đức Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc sát hại có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình.

Tuy nhiên những ai ăn chay và không ăn thịt của thú vật đáng được ca ngợi. Ăn chay là một sự lựa chọn rất cao thượng, nhưng sự lựa chọn đó phải phát xuất từ một vị thế đúng, phát xuất từ lòng bi mẫn và sự hiểu biết. Sau khi có một sự lựa chọn như vậy, xin đừng làm ô uế nó qua lòng ác cảm đối với những người không ăn chay. Bởi vì nếu như thế, sự tốt lành phát sinh từ việc lựa chọn đó sẽ trở nên băng hoại, sẽ bị ô nhiễm và cách này hay cách khác bạn sẽ trở nên tệ hơn những người không ăn chay. Chúng ta thực hiện sự lựa chọn này xuất phát từ lòng từ bi, không nên chỉ trích người vì họ không ăn chay.

Hơn thế nữa, chúng ta kính trọng những người ăn chay. Họ có hành động rất cao thượng; đó là một cử chỉ xuất ly. Ăn chay chỉ là chuyện nhỏ nhưng cao thượng, và rất hòa hợp với những lời dạy của đức Phật về lòng bi mẫn và sự hiểu biết. Nhưng chúng ta không được dừng lại ở đó. Ngay cả khi người không ăn chay, cũng xin đừng nghĩ là không còn gì để thực hiện được nữa. Có rất nhiều điều để thực hiện trong cuộc sống này, chúng ta hãy thực hiện bằng cách nói năng, trong hành động, trong mọi sự việc. Xin hãy là người hành động thận trọng, đối xử với nhau bằng tình thương, xin hãy là người không tạo thêm đau khổ cho nhân loại và cho mọi sinh linh trên hành tinh này. Một khi chúng ta có ý định nỗ lực đi theo chiều hướng đúng đắn đó, chúng ta là những đệ tử tốt của đức Phật. Mỗi người chúng ta phải bước đi với nhịp chân của chính mình.

Tóm lại, vấn đề ăn uống trong Phật giáo không phải là chuyện quan trọng hàng đầu, dù ăn mặn hay ăn chay. Mục đích tối hậu phải làm thăng hoa trong đời sống tâm linh của mỗi hành giả. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có một khái niệm khá rõ ràng về vấn đề này, có thể áp dụng vào trong đời sống thực tế hằng ngày. Cổ nhân có dạy: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Nghĩa là: con người sanh ra trên trái đất này ngoài chuyện ăn uống để giữ mạng sống, bồi dưỡng sức khỏe, chúng ta còn nhiều chuyện khác để làm, đem lại ích lợi cho người, cho đời, và chính bản thân. Chuyện ăn uống thuộc về phạm vi thể chất, bồi bổ cho tấm thân tứ đại giả tạm này, để làm phương tiện cho việc tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát.

Con người muốn sống một cuộc sống an nhàn tự tại, không nên chú tâm, không nên lệ thuộc quá nhiều về sự ăn uống. Một người chỉ biết ăn chay, tụng niệm suốt đời, không tìm biết mục đích cứu cánh của đạo Phật, chưa thật xứng đáng là người thực hành giáo lý giải thoát của đức Phật. Việc học hiểu, tu tập để phát triển tuệ giác, và thực hành Chánh pháp, ngay trên cuộc đời, tại thế gian này, cho đến khi được viên mãn, chính chuyện tu tâm dưỡng tánh mới đáng làm chúng ta bận tâm hằng ngày; mới thực sự là việc quan trọng của người Phật tử tại gia và xuất gia; mới là mục đích cứu cánh của đạo Phật. Ăn uống chỉ là một phương tiện, trong bao nhiêu phương tiện khác, mà thôi.

Chúng ta cần nên hiểu biết một thực tế khác về vấn đề ăn mặn và ăn chay. Ðó là các thứ nông phẩm dùng để ăn hằng ngày của chúng ta như cơm gạo, rau cải, hoa quả, trái cây… tất cả đều không phải tự nhiên có được. Tất cả đều thu hoạch được từ mồ hôi, nước mắt của người nông phu, phải trải qua quá trình trồng trọt, tưới tẩm, bón phân và trừ khử các loại sâu rầy phá hoại mùa màng. Khi dùng các nông phẩm đó, chúng ta đã không tránh được sát giới, một cách hoàn toàn, dù không trực tiếp, cũng là gián tiếp, cũng chịu cộng nghiệp với các những người nông phu. Cho nên, người Phật tử tại gia hay xuất gia, mỗi khi thọ thực, cần phát tâm từ bi, thương xót những người đã tạo ra những thức ăn cho chính mình, và cũng nên hướng về những người đang trong cảnh cơ hàn không có miếng cơm manh áo, những người chưa thể ăn chay được, với bất cứ lý do gì, hoặc là các nông gia phải phạm sát giới, để làm nên các nông phẩm chúng ta đang dùng. Bằng mọi cách trước khi ăn, chúng ta hãy hướng tâm đến những người nông phu để hồi hướng phước báu cho họ, hay công đức trì giới của mình, đến tất cả chúng sinh, trong khắp pháp giới. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, ít ra cũng đều có những bữa cơm đạm bạc, có cuộc sống thanh bình, cầu chúc cho mọi sinh linh trên hành tinh luôn được thái bình hạnh phúc.

Theo: Tập san Pháp luân

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch