Tu học nhập môn
Phật tử không nên bài xích các tôn giáo khác
14/10/2012 03:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngay cả khi mình đã hộ trì chân lý, thậm chí mới giác ngộ chân lý cũng chưa được phép bài bác giáo pháp của người khác: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm".

Có lẽ mục đích của tuyệt đại đa số tín đồ đến với tôn giáo là khi người ta cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, muốn đi tìm cho mình một lối giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Nếu cuộc sống đời thường không đáp ứng đủ điều kiện nói trên thì họ lại cầu tìm nó qua niềm tin vào tôn giáo, mặc dù “có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi”.

Người theo Đạo Thiên Chúa hay Đạo Hồi tin vào sự cứu rỗi, có sự sống đời đời sau khi chết do một Đấng Tối Cao ban tặng. Còn Phật tử tu tập theo lộ trình Bát Chánh Đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, và cái đích là để chứng đạt chân lý Diệt Đế (Tâm hết phiền não, không còn tham, sân, si).

Do nhận thức được rằng tôn giáo có ý nghĩa vô cùng lớn lao như vậy đối với mọi tín đồ, các Phật tử lại càng không nên lên tiếng phê phán tôn giáo khác, đặc biệt là trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trước hết, xin được nhắc lại một sự kiện, có thể nói đã thu hút sự chú ý đặc biệt của những nhà lãnh đạo tôn giáo, và cũng là một tin vui với biết bao người trong đó có các Phật tử: Vào ngày 15/12/1999, Khóa họp thứ 54 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã nghị quyết lấy Phật Giáo làm tôn giáo điển hình cho toàn nhân loại. Một chi tiết thú vị ở đây là trong lúc này tại Đại Hội Đồng LHQ có đông đủ đại biểu đại diện cho nhiều tôn giáo khác, họ cũng đưa ra những ý kiến ủng hộ tín ngưỡng của mình, nhưng cuối cùng khóa họp đã đi đến sự thống nhất như trên.

Như vậy, với một sự kiện quan trọng trên đây thì các tôn giáo bạn sẽ có những cách nhìn nhận như thế nào về đạo Phật, trong khi chính nhiều người con Phật đã và đang phê phán đạo Thiên Chúa, Tin Lành…?

Một điều cần lưu ý là con người ta thường thường dính mắc, chấp bám vào ngôn tự chẳng hạn như “tôn giáo” để rồi khởi tâm phân biệt, thành kiến đối với người theo đạo này, người theo đạo nọ. Theo một đạo nào, đức Phật dùng trí tuệ Tam Minh xác định đó là do duyên nghiệp, hạnh nghiệp của họ được huân tập từ lâu. Hơn nữa, các tôn giáo tuy có nhiều điểm khác nhau về giáo lý nhưng cũng có những nét chung nhất định.

Ví dụ, điều răn “Không được giết người” bên Thiên Chúa Giáo thì nằm trong Đức Hiếu Sinh (thương yêu tất cả các loài chúng sinh) bên đạo Phật, tương tự, điều răn “Chớ làm chứng dối” thì nằm trong Đức Thành Thật, “Chớ lấy của người” thì có điểm chung với Đức Ly Tham, “Chớ muốn vợ, chồng người” thì giống với Đức Chung Thủy. Và giả sử, có một trường phái nào đó của đạo Thiên Chúa đưa ra thêm một điều răn nữa là “Chớ uống rượu và dùng các chất kích thích” thì hiển nhiên, nó sẽ tương đương với Đức Minh Mẫn của đạo Phật!

Nếu quán chiếu theo giáo lý Phật Giáo, thì đạo nào cũng là đạo của con người và vì con người, hơn nữa là vì tất cả chúng sanh. Đạo hình thành theo tư tưởng, suy nghĩ của con người, được truyền thừa do bàn tay con người ghi chép lại, huặc bằng lời chứ không phải do một quyển sách từ trên trời rơi xuống hay một tiếng nói từ trên trời vọng xuống.

Bởi vậy dù anh tin Thượng Đế, tin vào sự cứu rỗi của Chúa Jesus, tôn thờ thánh Mohammed, theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay không thì vẫn có một thực tại, một nguyên lý mà anh phải chấp nhận: đó chính là phải học sống có đạo đức trong cuộc đời – tập sống theo những điều răn, đức hạnh nói trên và tránh làm khổ mình, khổ thân tâm đối tượng khác qua hành động, lời nói hay suy nghĩ.

Trở lại vấn đề không nên phê phán tôn giáo khác, thì ngay cả trong kinh Koran của Đạo Hồi cũng dạy: “Tôn trọng quyền tự do của người khác”. Còn đức Phật hoàn toàn nghiêm cấm các đệ tử của mình khi chưa chứng đạt chân lý thì không được phép lên tiếng phủ nhận giáo pháp khác.

Bây giờ chúng ta cùng hướng về lời Phật dạy năm xưa, khi thanh niên Bà-la-môn Kapathika bạch Thế Tôn:

“-- Thưa Tôn giả Gotama, câu chú thuật (mantapadam) của các cổ Bà-la-môn y cứ tiếng đồn, truyền thống và Thánh tạng. Và ở đây, các vị Bà-la-môn chắc chắn đi đến kết luận: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Ở đây, Tôn giả Gotama đã nói gì?”

Sau khi giảng cho thanh niên Bà-la-môn Kapathika về lòng tin thì đức Phật dạy:

“-- Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: "Ðây là lòng tin của tôi", người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý.

Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy hỷ, này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy văn; này Bharadvaja, nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do; này Bharadvaja, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: "Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi", người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trường hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lý.” (Trung Bộ Kinh, Tập II, Kinh Canki)

Như thế, ngay cả khi mình đã hộ trì chân lý, thậm chí mới giác ngộ chân lý cũng chưa được phép bài bác giáo pháp của người khác: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm". Tu tập chừng nào chứng đạt được chân lí, khi chứng đạt được chân lí mới có thể dạy người : “đây là chân pháp cần phải được ngưỡng theo”; Tất nhiên, cho dù phải chỉ thẳng đập mạnh, thì vị ấy cũng nói với tâm từ chứ không phải tâm sân, nói vì lợi ích cho mọi người chứ không phải vì danh lợi.

Tại sao người tu chứng Tứ Thánh Định và Tam Minh mới có thể làm được điều đó? Bởi vì họ có đủ Bốn Thần Lực, Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) và đủ trí tuệ để thấy được đường đi lối về của tất cả chúng sanh, không có một thế lực nào có thể vượt lên trên, làm thối chuyển được vị A-La-Hán cả! (A-La-Hán là một trong Mười Danh Hiệu của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni).

Tâm của người chứng đạt Chân lý dù khi làm bất kỳ việc thiện hữu lậu nào thì vẫn luôn bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn ở trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự. Nhưng sự ra đời của một bậc A-La-Hán không chỉ do duyên lành của riêng người ấy mà còn một phần vì phước báo của mọi người và tất cả chúng sanh! Thấy rõ lợi ích này, chúng ta cần tinh cần tu tập theo Chánh Pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để sống cho đúng hơn với nền đạo đức Nhân Bản – Nhân Quả.

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt ngược vấn đề lại, giả sử có ai đó dùng nhiều phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, lúc ấy những người con Phật sẽ có phản ứng như thế nào? Chắc chắn, ta cần phải sử dụng chánh tư duy, quán xét và như lý tác ý theo lời chỉ dạy của đức Phật trong Trường Bộ Kinh, Tập I, Kinh Phạm Võng, Tụng Phẩm I:

“Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các thầy chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các thầy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các thầy.

- Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các thầy phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - “Như thế này, điểm này không đúng sự thật;như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi” .

“Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các thầy không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các thầy hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các thầy.

- Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các thầy hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”.

Lời Phật dạy trên thật vi diệu, là một phương cách ứng xử tuyệt vời vừa mang lại sự thanh thản cho nội tâm, cũng như thể hiện được tinh thần bất bạo động của nhà Phật. Còn có pháp nào hay hơn chăng? Hãy thử nhìn lại xem hàng ngàn năm nay thế giới, gồm loài người và tất cả các loài chúng sanh, có khi nào ngưng nghỉ chiến tranh và đa dạng các thể loại xung đột?

Sanh tâm phiền não và giận hờn thì khổ mình, công kích và phản bác lại người thì chắc chắn khổ mình, hoặc khổ người, hoặc khổ cả hai tùy theo tính chất đặc tướng của cộng nghiệp hay biệt nghiệp.

Đúng là “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Vượt qua cái gì và như thế nào? Ở đây, bó hẹp trong phạm vi bài viết này, theo tôi vượt qua là tâm không còn dính mắc vào các hình thức tôn giáo, bằng cách tư duy, quán xét về tính bình đẳng về sự sống của loài người và tất cả các loài chúng sanh.

Quán từ bỏ và đoạn diệt tâm phân biệt đối xử một cách cục bộ giữa những người theo đạo khác nhau là một trong những thể hiện của quá trình tu tập trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm.

Tâm Thuận

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch