Hồi xưa có Thiền sư Đạo Lâm ở Trung
Quốc, Ngài rất quyết tâm tu hành. Để đạt được kết quả như sở nguyện,
Ngài dùng cây cột thành chỗ ngồi như một ổ quạ, trên cháng ba của một cổ
đại thụ. Ngài ngồi trên đó tu. Đương thời người ta không biết tên Ngài
là gì nên họ gọi là Ô Sào Thiền sư. Ô là quạ, sào là ổ, Thiền sư ngồi tu
trên ổ quạ. Do quyết tâm tu nên chẳng bao lâu Ngài ngộ đạo. Từ đó,
tiếng đồn vang khắp.
Khi ấy Bạch Cư Dị là một thi sĩ nổi
tiếng và rất mến mộ đạo Phật. Nghe Ngài là người được đắc đạo nên ông
tìm tới. Dưới gốc cây, ông nhìn lên chắp tay thưa: “Bạch Hòa thượng, cúi
xin Ngài vì con nói pháp cương yếu, để con theo đó mà tu.” Ngài liền
đọc bài kệ, nguyên văn chữ Hán là:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Dịch:
Chớ làm các điều ác
Vâng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đây lời chư Phật dạy.
Nghe bài kệ ấy xong ông cười, nói:
- Bạch Hòa thượng, bài kệ này con nít tám tuổi cũng thuộc, Ngài dạy cho con làm gì!
Thiền sư nói:
- Phải, bài kệ này con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng ông già tám mươi làm cũng chưa xong!
Bài kệ này thường được in trong lá phái
qui y của quí Phật tử đó. Chư Phật đã dạy như thế, chớ không phải chỉ
một đức Phật thôi. Chúng ta nên lưu tâm cho rõ. Tôi sẽ thứ tự giải thích
bốn câu kệ này cho quí vị thấy tầm vóc quan trọng của nó.
Chư ác mạc tác là không làm các điều
ác. Điều ác là những điều gì? Phật dạy tất cả người tu khi bước chân vào
đạo, đều phải giữ giới. Nếu cư sĩ thì giữ năm giới; người xuất gia thọ
Sa-di giữ mười giới, Tỳ-kheo giữ hai trăm năm mươi giới; Tỳ-kheo ni ba
trăm bốn mươi tám giới… Như vậy bước đầu vào đạo là phải giữ giới. Giữ
giới là để ngăn ngừa không làm những điều tội lỗi. Cho nên trong giới
luật thường có câu phòng phi chỉ ác, tức là ngừa đón, ngăn dứt tội ác.
Người bước vào đạo, Phật bắt phải giữ giới để ngừa đón, chặn đứng không
cho làm những điều tội ác. Giới không cho chúng ta rơi vào hầm sâu, hố
thẳm, nên giới là hàng rào để ngừa đón sự nguy hiểm cho chúng ta. Người
tu xuất gia hay tại gia, đều phải có hàng rào để ngừa đón tội lỗi. Nếu
không có hàng rào đó, chúng ta dễ rơi vào những chỗ nguy hiểm, hậu quả
không an vui mà còn dẫn đến nhiều khổ đau khác nữa.
Tôi nói gần nhất là giới của cư sĩ tại
gia. Phật không cho sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, xì
ke, ma túy… Phật cấm không được làm những điều này. Nếu Phật tử làm thì
sẽ dẫn đến đau khổ, tội lỗi. Bước đầu vì sợ tội, sợ phạm nên quí vị
không làm những điều đó, tức là không làm điều ác.
Các hành động như giết người, trộm cắp,
tà dâm, nói dối, uống rượu say… có ác không? Năm điều đó là tội ác cho
nên chúng ta ngừa đón, không làm, không làm tức là giữ giới. Nhờ giữ
giới nên tránh được tội ác. Tránh được tội ác rồi, kế đó chúng ta mới
làm các việc lành. Làm các việc lành như tu Thập thiện, tức là mười điều
lành của người tu Thiên thừa Phật giáo. Người tu Thập thiện sau khi
chết sẽ sanh về cõi trời. Trong mười điều lành đó thân có ba, miệng có
bốn, ý có ba điều.
Thân có ba là: “Không sát sanh, không
trộm cắp, không tà dâm”. Miệng có bốn là: “Không nói dối, không nói lời
hung dữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt”. Ý có ba là:
“Bớt tham, bớt sân, bớt si”. Người tu không làm mười điều ác đó sẽ được
sanh về cõi lành. Như vậy bước đầu của người tu Phật là phải ngăn chận
dòng tội lỗi. Không gây tạo tội lỗi là bước thứ nhất trên đường tu.
Người theo đạo Phật mà không chịu giữ giới là người không biết tu.
Trong mười điều đó: thân ba, miệng bốn,
ý ba. Chúng ta có thể giữ được thân, miệng nhưng ba điều của ý, quí
Phật tử có giữ được không? Thí dụ về tham, cái tham hết sức nhỏ như tham
ăn. Bình thường thấy gà vịt nuôi sẵn ở nhà cũng thương, nhưng khi đã
thèm ăn rồi thì cứ đè xuống cắt cổ. Nó giãy giụa mấy cũng mặc, đâu có
xót xa chút nào, miễn được ăn ngon thôi. Vì miếng ăn mà chúng ta tàn sát
chúng sanh không thương tiếc!
Nên tôi nói người tu ăn chay có lợi rất
lớn, dễ tăng trưởng lòng từ bi. Thí dụ chư Tăng Ni ăn chay trường, khi
ra đường có những hồ ao gần bên, cá dưới ao nhảy lên bờ giãy giụa, quí
vị thấy thế thì sao? Thấy thương, lượm bỏ xuống hồ. Còn người không ăn
chay trường, thấy thì sao? Thì mừng, lượm bỏ vô giỏ. Như vậy có một việc
thôi, mà người ăn chay trường thấy thương, còn người ăn mặn thì thấy là
món ăn ngon nên lượm bỏ vô giỏ.
Cái khổ sợ kinh hoàng của nó, mình
không một chút xót thương. Rõ ràng người tu ăn chay thì có lòng từ đối
với chúng sanh hơn. Người tu mà còn tham ăn ngon là còn sát phạt sanh
vật khác, không biết thương tiếc mạng sống của nó. Từ tham ăn rồi tới
tham tiền, tham của.
Tham tiền, tham của thì sao? Thì ra
đường thấy ai làm rơi bóp lượm lên. Lượm được mừng quá giấu luôn. Như
vậy do tham, dù không trực tiếp ăn cắp, nhưng đã gián tiếp làm việc đó
rồi. Người mất của họ buồn rầu, mình lượm được thì mừng vui. Tức là vui
trong sự đau khổ của người khác. Như vậy có tội không?
Chúng ta thấy từ tham làm ra bao nhiêu
tội ác. Sân cũng vậy. Khi nào nổi nóng ít ai bình tĩnh, sáng suốt nói
lời tốt lành. Người ta nói trái ý, mình nổi giận liền kêu tên chửi mắng.
Do giận dấy lên, chúng ta mất hết trí khôn nên nói bậy, gây ra tội lỗi.
Người tu phải bớt nóng giận. Chẳng riêng gì giới Phật tử cư sĩ mà kể cả
người xuất gia có hết được nóng giận chưa? Bình thường quí vị sợ nhưng
tới nổi cơn lên thì hết sợ! Để thấy khi nổi giận lên thì trí tuệ sáng
suốt bị khuất lấp đi, không còn nữa nên nói bậy, làm bậy.
Trong gia đình Phật tử cư sĩ, vợ chồng
có tình ràng buộc từ buổi đầu cho tới ngày nhắm mắt. Nhưng khi nổi giận
thì bất kể, nói những lời hết tình hết nghĩa, làm cho tan nát cả gia
đình. Thế thì nóng giận có phải là tội ác không? Nếu chúng ta bớt nóng
giận thì bớt tội ác. Đó là một cái lẽ thật. Người tu phải làm sao tự
mình kềm chế. Ở đây tôi nói bớt thôi, chớ chưa dám nói hết. Thí dụ trước
kia quí vị nóng một trăm phần trăm, kể từ nay về sau, mỗi tháng bớt
xuống chừng mười phần trăm. Như vậy tới cuối năm sẽ hết hoàn toàn. Dứt
được sân thì mình bớt khổ và những người chung quanh cũng bớt khổ. Nóng
giận làm cho người ta mất hết lương tri, mất hết trí tuệ. Những việc
không nên làm mà cứ làm là điều hết sức nguy hiểm.
Thứ ba là si mê. Sao gọi là si mê?
Nhiều vị khi bị người ta nói “Chị khờ quá!” nổi giận liền. Nói “khờ” còn
nhẹ, nói “ngu quá!” thì sao? Nổi giận đùng đùng lên. Bởi cho rằng người
ta nói ngu là xúc phạm đến giá trị của mình, làm cho mình mất hết uy
tín, danh dự… Nếu nghe nói ngu mà cứ cười: “Họ nói mình ngu mà mình
không ngu thì thôi”, như vậy khỏe biết mấy. Phải chi họ nói ngu mà mình
ngu liền thì nổi giận là đúng. Người ta nói ngu mà mình không ngu thì
thôi, có hệ trọng gì. Vậy mà không bao giờ chịu. Người xưa còn nói:
“Càng học thấy càng dốt”, đây là câu nói của hàng thánh nhân chớ không
phải thường.
Học nhiều lẽ ra phải thông minh, sao
“càng học càng thấy dốt”? Bởi trên thế gian cả trăm cả triệu ngành nghề
khác nhau. Thí dụ như chúng ta học nghề bác sĩ y khoa, giỏi về bệnh
trạng, biết thuốc trị cho bệnh nhân hết bệnh, đó là bác sĩ hay. Nhưng
nếu đưa ông bác sĩ qua ngành điện hoặc ngành hóa chất hay các ngành tầm
thường hơn như thợ hồ, thợ mộc thì ông có biết gì không? Như vậy trăm
ngàn nghề, mình biết có một nghề, còn bao nhiêu nghề không biết, thì đâu
gọi là khôn hoàn toàn. Mình biết có một phần trong muôn phần thì vẫn
còn ngu, chưa thể gọi là thấu suốt được hết.
Ngu mà biết ngu là chưa thật ngu. Ngu
mà không biết ngu đó mới thật là ngu! Khi nghe người ta nói mình ngu,
mình cười thôi: “Trong trăm nghìn muôn ức việc, tôi biết có một hai việc
thôi bảo ngu là phải.” Nói như vậy có thiệt thòi giá trị của mình
không? Người bàng quan nghe thế, họ chê cười hay là khen ngợi? Chúng ta
có những thứ si mê hết sức là vô lý, không đáng si mê mà cứ si mê. Từ si
mê không chấp nhận mình ngu nên sanh ra sân. Từ sân gây tai họa nguy
hiểm thêm.
Trong kinh A-hàm, Phật có kể câu chuyện:
Có một thầy Tỳ-kheo tu hành rất chân
chánh, ngài tránh xa quần chúng, tu trong một khu rừng. Những tiều phu
hái củi thấy thế, họ về nói lại trong xóm nghe. Trong xóm, có một thiếu
nữ rất tâm đạo, nghe vị Tỳ-kheo tu chân chánh như thế, nên cô xin phép
ba mẹ mỗi ngày bưng một bát cơm vào rừng cúng dường cho thầy. Thấy thế,
xóm làng nghi ngờ cô gái có tình ý với thầy. Họ đồn bậy, cô buồn nên
không dâng cơm nữa. Trước khi không dâng cơm, cô thưa với thầy:
- Thưa Thầy, con đã phát tâm cúng dường
cho Thầy, nhưng bây giờ xóm làng đàm tiếu, nói con có ý riêng với Thầy,
nên con không dám dâng cơm cho Thầy nữa.
Nghe xong thầy Tỳ-kheo ấy buồn, vì nghĩ
mình tu chân chánh thế này, mà người ta đàm tiếu những chuyện không
hay, thôi thì chết đi cho rồi. Thầy mới làm một dây thòng lọng treo trên
cây cổ thụ. Lúc thầy vừa đưa cổ vào dây, có vị thần hiện ra hỏi:
- Tại sao Thầy lại tự tử?
Thầy trả lời:
- Tôi tu hành chân chánh mà bị người ta
đồn có tình ý với cô gái cúng dường cơm cho tôi. Vì vậy tôi xấu hổ,
muốn tự tử chết cho rồi.
Vị thần đó hỏi:
- Thưa Thầy, nếu người ta đồn Thầy chứng quả A-la-hán, lúc đó Thầy có thành A-la-hán không?
- Nếu tôi chưa chứng A-la-hán, mà bảo tôi chứng A-la-hán, tôi cũng đâu thành A-la-hán được.
Vị thần hỏi:
- Vậy nếu người ta nói Thầy có tình ý xấu mà Thầy không có, tại sao Thầy lại tự tử?
Nghe thế, thầy Tỳ-kheo mở thòng lọng xuống bỏ. Sau một thời gian tinh cần, thầy chứng quả A-la-hán.
Câu chuyện đó nói với chúng ta điều gì?
Dư luận khen chê có thật hay không? Thí dụ quí vị tu chưa tới đâu, mà
nghe nói “Thầy đã chứng A-la-hán, Thầy đã là Bồ-tát rồi,” quí vị có mừng
không? Lời khen mà không có lẽ thật thì cũng vô giá trị. Ngược lại, nếu
người ta nguyền rủa: “Thầy tu lôi thôi quá coi chừng đọa địa ngục”, quí
vị nổi giận không? Nếu mình tu thanh tịnh, người ta nói đọa địa ngục,
mình có đọa đâu mà sợ. Nên cứ cười thôi, đâu có gì phải nổi nóng.
Trên thế gian người ta nói xấu, nói tốt
đâu có giá trị thật. Vậy mà ai hơi xúc phạm là mình nổi nóng lên, la
hét om sòm. Đó là si mê rồi. Nếu chúng ta không si mê thì cuộc sống có
phải an lành không? Nên đạo Phật thường dạy chúng ta phải tránh si mê.
Bởi vì si mê là nhân đưa chúng ta đến đau khổ. Nên bớt si mê là bớt khổ
đau. Nếu còn si mê là còn đau khổ.
Muốn hết si mê chúng ta phải thường
quán chiếu đúng với lẽ thật. Vì vậy người tu Phật đi vào đạo bằng trí
tuệ, chớ không phải bằng cầu xin. Nhưng hiện nay chẳng những Phật tử, mà
kể cả người tu cầu xin nhiều hơn vận dụng trí tuệ.
Phật tử tới chùa dâng một dĩa quả rồi
lạy, thầy hay cô đánh chuông, bảo: “Phật tử nguyện gì thì cứ nguyện đi.”
Thế là một đàng nhận, một đàng xin, Phật tử cứ thế mà cầu: “Nguyện cho
gia đình con được bình an, cho con cái học giỏi, cho làm ăn phát tài…”
Rõ ràng cúng Phật ít mà xin thì quá nhiều. Như vậy có phải tham không?
Phật dạy bớt tham, bớt sân, bớt si mà chúng sanh tham như vậy, Phật biết
làm sao? Chỉ còn lắc đầu.
Chúng ta tu mà không hiểu được lời Phật
dạy, làm sao tu theo Phật được. Đến chùa, nếu có cầu nguyện, người Phật
tử hiểu đạo nên nguyện thế này: “Nguyện Tam Bảo chứng minh hộ độ cho
tất cả chúng sanh đều hết mê lầm, hết đau khổ.” Như vậy là quá đủ. Bởi
vì trong chúng sanh đã có mình rồi. Còn xin cho một mình mình thì tham
lam, ích kỷ quá, Phật đâu có vui. Nhiều khi tôi cũng hơi buồn khi thấy
Phật tử có ý trao đổi nhiều quá.
Thí dụ Phật tử cúng cho thầy hoặc cô,
mỗi tháng năm ba trăm gì đó. Một hôm có người nhà ấm đầu, bèn đến nhờ
thầy cầu an giùm. Thầy bận việc không đi tới nhà được thì buồn liền,
thầy không thương mình. Như vậy cúng để mong thầy bảo bọc cho gia đình.
Bệnh, chết hay trong gia đình có chuyện gì, nhất nhất thầy đều phải có
mặt để cầu cúng. Như vậy cúng chùa giống như đóng tiền bảo hiểm vậy. Cho
nên từ sự hiểu lầm của Phật tử mà Tăng Ni trở thành khó xử. Bởi khi
nhận của cúng dường tức là thiếu nợ Phật tử. Phật tử yêu cầu mà không
làm theo thì Phật tử buồn, không đi chùa nữa. Cho nên chiều Phật tử,
Tăng Ni đi cầu cúng hoài, thành ra đánh mất ý nghĩa và giá trị thực của
một tu sĩ.
Phật tử sáng suốt, hiểu và hành đúng
đạo lý, thì Tăng Ni dễ tu, dễ hóa duyên. Nói vậy không có nghĩa tôi qui
lỗi về hết cho quí Phật tử. Đôi lúc thầy cô cũng nhiệt tình quá, Phật tử
chưa kịp mời mà quí vị đã hưởng ứng trước rồi! “Nghe nói ông thân của
cô bệnh nhiều, thôi để chiều nay thầy tới cầu an cho.” Sốt sắng quá nên
thành thói quen. Bây giờ chúng ta phải sửa lại. Làm việc gì phải xét xem
việc đó có hợp với chánh pháp, với đạo lý không. Không nên làm những
việc sai lầm, trái với những lời Phật dạy.
Chúng ta tu theo Phật là mở sáng trí
tuệ. Trong kinh Phật thường dạy si mê là tăm tối, trí tuệ là sáng suốt.
Tuy si mê là nhân của tham sân, nó khó trị, nhưng nếu biết trị thì dễ
lắm. Như trong ngôi nhà tối lâu năm không có người ở, bây giờ muốn cho
hết tối, chỉ cần đốt lên một ngọn đèn, hay đem một cây đuốc đến là ngôi
nhà sáng liền.
Như vậy muốn hết tối, chỉ dùng ánh
sáng. Ánh sáng mới phá tan si mê, tăm tối. Trí tuệ cũng vậy, nó giúp
chúng ta diệt được vô minh. Như chúng ta hiểu sai lầm về việc cầu cúng,
khi được nghe quí thầy giảng giải liền nhận ra, sửa đổi ngay là chúng ta
đã sáng rồi. Đâu phải đợi mười năm, hai mươi năm mới sáng. Nghe, biết
trước kia mình mê lầm, bây giờ bỏ mê lầm, bỏ chấp trước là hết mê lầm.
Hết mê lầm là trí tuệ, rất nhanh.
Nên Phật dạy chúng ta tu phải thắp sáng
ngọn đuốc trí tuệ. Có đuốc trí tuệ rồi, chúng ta mới giải hết được
những nỗi khổ đau. Bởi mê lầm cho nên chúng ta đau khổ, nếu hết mê lầm
thì hết đau khổ. Ví như người đi lạc trong rừng, không biết lối ra. Lúc
đó lao đao lận đận, tìm chỗ này chỗ kia nhọc nhằn khổ sở mà vẫn không ra
khỏi rừng. Đến khi gặp được người chỉ đường, nắm vững lối đi rồi, cứ
theo đó mà ra thì hết lạc lầm. Hết lạc lầm thì hết đau khổ. Nên chỉ có
trí tuệ, thấy rõ được lối đi mới hết đau khổ. Không có trí tuệ thì chúng
ta mãi khổ đau.
Tăng Ni cũng như Phật tử, không nên
nghĩ dùng thật nhiều công phu mới gọi là chuyên tu. Chúng ta mở sáng trí
tuệ mới đúng là chuyên tu. Phật dạy chúng ta bước từng bước, ngăn ngừa
không cho rơi vào tội lỗi, đó là giữ giới. Từ giữ giới, tiến lên loại
trừ tham, sân, si để tâm được trong sạch, đó là bắt đầu có trí tuệ. Như
thế dần dần đi tới chỗ bình an.
Đó là câu thứ nhất “Chớ làm các điều ác”.
Đến câu thứ hai “Chúng thiện phụng
hành”, tức là vâng làm các điều lành. Nhiều người nghĩ rằng làm lành,
làm phước thì tốn của tốn công. Như vậy là thiệt thòi cho mình. Hiểu thế
là sai lầm. Tôi dẫn câu chuyện của người xưa kể lại:
Có anh chàng nghèo nọ ở trong một xóm toàn là người khá giả. Khi ấy có người hỏi:
- Trong xóm toàn là người khá giả, một mình chú nghèo, chú có buồn không?
Anh trả lời:
- Tôi tuy nghèo nhưng được ở trong một xóm khá giả, chẳng những tôi không buồn mà còn vui nữa.
- Tại sao?
- Bởi vì tất cả mọi người đều khá, chỉ
có mình tôi nghèo. Khi thiếu thốn, tôi qua nhà này nhà kia mượn tiền, ai
cũng giúp đỡ được cả. Như vậy tuy nghèo mà không đến nỗi khổ, vì có
người giúp tôi.
Như vậy người nghèo thấy người giàu khá
trong lòng mừng vui, không đố kỵ thì mọi người đều thương mến, nên họ
sẵn sàng giúp đỡ những lúc khó khăn. Còn nếu nghèo mà sanh tâm đố kỵ nói
xiên nói xéo người ta, thì dĩ nhiên họ oán ghét mình. Đã thế thì đâu ai
thương và giúp đỡ nữa. Vậy mang tâm đố kỵ là khôn hay dại? Nhưng con
người mang cái bản ngã trầm trọng, thấy thua người ta là đố kỵ, ganh
ghét liền.
Chúng ta cứ nghĩ tài sản trong tay mới
thật là của mình, còn của người khác thì không dính dáng gì tới mình.
Nhưng không phải như vậy. Anh chàng nghèo mà cả làng đều thương, ai cũng
sẵn sàng giúp đỡ thì anh cũng cảm thấy hạnh phúc an vui. Còn người giàu
mà tâm keo sẻn, ích kỷ, bo bo canh giữ sự sản của mình, không ai thương
hết thì khi gặp khổ vẫn cứ khổ như thường.
Ta cứ mong cho mọi người được sung
sướng, còn phần mình không quan trọng. Lo cho mọi người, mới nhìn thấy
như thiệt thòi nhưng sự thật lo cho người tức là lo cho mình. Tại sao?
Bởi vì trong xã hội, cuộc sống luôn liên đới nhau giữa mình và mọi
người, không thể tách rời được. Nếu mọi người được vui, được no ấm thì
mình mới yên vui. Còn mọi người khổ, chỉ một mình mình sung sướng thì
sao? Họ đâu có để yên cho mình, hết rình ngõ trước lại dòm ngõ sau.
Chừng đó mình vui hay lo sợ? Cho nên chỉ khi nào tất cả mọi người đều
được ấm no hạnh phúc thì mình mới an vui.
Trong kinh nói Bồ-tát thấy chúng sanh
khổ như mình khổ, thấy chúng sanh vui như mình vui. Cái vui khổ của mọi
người là cái vui khổ của chính mình, không tách rời nhau. Vì sao? Vì sự
liên đới giữa mình với mọi người là mối tương duyên tương sanh không thể
tách rời được. Thế nhưng ở thế gian nhiều người ích kỷ, muốn tách riêng
một mình, không dính dáng với ai. Đó là quan niệm rất sai lầm, không
hiểu biết gì về lý duyên sanh cả.
Phật dạy chúng ta làm cho tất cả người
đều được an vui, tức là làm lành. Người đói cho họ cơm; người rách cho
họ áo; người bệnh tật cho họ thuốc men v.v… Khi giúp đỡ người chính là
lo cho mình. Bởi vì lo cho mình là mình gieo nhân tốt với mọi người nên
mọi người quí mến. Gieo nhân tốt thì mai kia mất thân này mình được
hưởng quả tốt. Như vậy có thiệt thòi gì đâu. Còn nếu ích kỷ, chỉ lo cho
mình, không biết tới người, đó mới là thiệt thòi. Vì người ta không
thương thì mình gặp khó khăn người ta không giúp đỡ. Chừng đó mình sẽ
khổ. Mình có của, mọi người cùng có của; mình khỏe vui, mọi người cùng
khỏe vui. Đó là chúng ta biết làm lành. Biết làm lành tức là biết thương
người. Thương người tức là thương mình. Cho nên chúng ta phải cố gắng
làm tất cả điều thiện.
Nhiều vị hay than thở: “Người có tiền
của thì kêu gọi lòng từ thiện được, còn tôi nghèo cháy da làm sao làm từ
thiện?” Đó là vì họ không hiểu. Trong nhà Phật dạy bố thí có ba: tài
thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí cũng chia làm hai: nội tài và ngoại
tài.
Nếu mình có tiền của, ai đói thiếu mình
giúp, đó là bố thí ngoại tài. Nếu mình không có tiền của, thấy người
hàng xóm bệnh, đi đứng không vững, mình đến đỡ đần, dẫn họ đi, đó là bố
thí nội tài. Có tình thương, có lòng tốt thì trong trường hợp nào, hoàn
cảnh nào, chúng ta cũng làm việc thiện được. Thiếu tình thương thì không
làm việc lành, việc tốt được. Câu này Phật dạy chúng ta phải tận dụng
khả năng của mình làm tất cả những điều lành.
Nói cụ thể hơn, làm các điều lành là
chẳng những không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói
dối, không uống rượu; mà còn cứu người cứu vật, bố thí giúp đỡ người
nghèo thiếu, dạy người biết sống trinh bạch, nói lời chân thật, hòa nhã
khuyên răn nhắc nhở mọi người, khuyên con cháu xóm làng tránh uống ruợu,
hút xì ke ma túy… Đó là làm lành.
Trên đường tu mỗi ngày chúng ta mỗi bòn
mót công đức. Bòn mót công đức là sao? Không phải tới chùa cúng dường
mới có công đức. Giúp một người hàng xóm qua cơn hoạn nạn, là đã có công
đức. Giúp một con vật bị hành hạ khổ sở, là đã có công đức. Công đức ở
tất cả chỗ, tất cả mọi người. Hiểu như vậy chúng ta mới phát tâm làm
lành một cách dễ dàng được.
Kế đến là bố thí pháp. Sao là bố thí
pháp? Thí dụ như có người cờ bạc rượu chè làm cho gia đình nghèo túng,
trước tiên chúng ta giúp tài vật cho họ qua cơn nghèo túng. Sau đó giải
thích cho họ biết những tai hại của uống rượu và cờ bạc. Dạy thật rành
rõ cho họ hiểu và bỏ, như vậy gọi là pháp thí.
Trong lúc đói khát người ta không thể
nghe đạo lý được. Muốn họ nghe thì phải làm cho họ đỡ đói. Cho nên tài
thí đi đầu rồi tới pháp thí theo sau. Có như vậy việc lành của chúng ta
mới trọn. Nếu mỗi người trong xóm, thấy ai gặp khó khăn, khổ não sẵn
sàng giúp đỡ, thì xóm làng đó tốt không? Nơi đó sẽ trở thành một nơi an
vui, tự tại. Tất cả đều sống trong tình thương bảo bọc cho nhau thì tốt
đẹp biết bao nhiêu. Vì vậy Phật dạy chúng ta phải cố gắng làm tất cả
điều thiện.
Câu thứ ba “tự tịnh kỳ ý” nghĩa là giữ
gìn tâm ý cho thanh tịnh. Câu này là câu then chốt. Quí vị mỗi người tự
nhìn lại xem tâm ý mình có thanh tịnh chưa? Hay là như những con trốt
bay quanh đám rơm, cuốn bụi tứ tung. Tâm chúng ta xáo động lăng xăng,
không yên ổn nên gọi là ngầu đục. Vì tâm ngầu đục nên chúng ta không
sáng suốt. Không sáng suốt thì làm sao tạo được điều tốt, điều lành. Vì
vậy tất cả điều tốt lành đều do ý trong sạch phát ra. Ý nghĩ tốt, miệng
nói tốt, thân làm tốt. Như vậy ý là gốc, là nền tảng của sự tu. Cho nên
Phật nhắm thẳng vào gốc đó là phải gìn giữ tâm ý cho thanh tịnh.
Muốn tâm ý thanh tịnh phải làm sao? Như
người tu Tịnh độ, muốn cho tâm ý thanh tịnh phải dùng câu niệm Phật.
Đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn niệm Phật. Niệm Phật không quên, để ý
không chạy nhảy lung tung. Niệm Phật lâu ngày đã thuần thục rồi thì tâm
không còn lăng xăng nữa. Tâm không còn lăng xăng nữa là ý được thanh
tịnh. Cho nên muốn tâm ý thanh tịnh thì phải chuyên cần dùng một phương
tiện nào đó để trừ dẹp những lăng xăng, lộn xộn trong tâm. Phương tiện
đó gọi là pháp tu, hoặc pháp tu Tịnh độ, hoặc pháp tu Thiền.
Người tu Thiền làm sao để tâm ý thanh
tịnh? Có nhiều cách, tùy theo trình độ sai biệt. Nếu tu thiền Nguyên
thủy thì dùng pháp quán Tứ niệm xứ. Nếu tu thiền Đại thừa thì quán Giả,
quán Không, quán Trung đạo v.v… Nhưng có một pháp tu tôi cho rằng đó là
phương thuốc trị bá bệnh. Khi dấy niệm, chúng ta biết niệm đó là vọng
tưởng hư dối, liền bỏ. Niệm khác dấy lên biết là hư dối vọng tưởng, bỏ.
Phương pháp này như chuyện chăn trâu vậy. Con trâu vừa nghẻo đầu qua bên
tây, mục đồng sợ ăn lúa mạ của người liền giựt lại. Nó nghẻo qua bên
đông cũng giựt lại. Giữ cho con trâu đừng có ngả qua, ngả lại làm hư lúa
của người. Cũng vậy, tâm vừa dấy niệm chạy theo cái này, chạy theo cái
nọ, mình đều bỏ. Đó là vọng tưởng, không theo! Bỏ mãi cho đến khi nào
vọng tưởng yên lặng, gọi là thanh tịnh. Đó là tu Thiền.
Tất cả mầm gốc của bất tịnh đều do tâm
chạy theo cảnh, duyên dính với cảnh. Chúng ta buông, không chạy theo
cảnh nữa thì tâm lặng. Tâm lặng tức là thanh tịnh. Phật dạy tu đến chỗ
cuối cùng là phải trở về với tâm thanh tịnh ban đầu, không còn những ý
niệm lăng xăng nữa. Bởi ý niệm lăng xăng đó không phải là tâm thật của
mình, nó chỉ là bóng dáng của sáu trần mà thôi.
Tôi ví dụ như mặt biển thênh thang, khi
nổi sóng thì mỗi lượn sóng khác nhau. Có lượn cao, có lượn thấp nhưng
mặt biển vẫn không hai. Tâm chúng ta cũng vậy, những thứ lăng xăng đó
chỉ là những lượn sóng, do tâm duyên theo bóng dáng sáu trần. Còn tâm
thể chân thật lúc nào cũng tròn đầy, thanh tịnh. Cho nên tu, dừng được
tâm lăng xăng đó thì thể thanh tịnh hiện tiền. Cũng như sóng nổi ầm ầm
nhưng khi lặng rồi thì mặt biển thênh thang bằng phẳng.
Chúng ta nói những lượn sóng là mặt
biển được không? Không, vì nó có giới hạn. Mặt biển thì phải thênh
thang, nên sóng không là mặt biển. Tuy nhiên sóng không rời mặt biển mà
có được. Nên biết sóng không phải là mặt biển, nhưng cũng không rời mặt
biển. Tâm chúng ta cũng vậy, những nghĩ suy lăng xăng không rời tâm chân
thật, nhưng tâm chân thật thì lặng yên, không giới hạn, còn suy nghĩ
thì có chừng mực, có giới hạn. Cái suy nghĩ không phải là tâm thật thênh
thang, nhưng cũng không rời tâm thênh thang đó. Hiểu như vậy mới thấy
được cội nguồn của tâm thể chân thật.
Phật dạy tu là cứu kính thoát ly sanh
tử. Còn suy nghĩ thì còn rơi theo hai đường: hoặc thiện hoặc ác tức là
nghiệp lành, nghiệp dữ. Nghiệp lành, nghiệp dữ sẽ dẫn chúng ta sanh cõi
lành, cõi dữ. Đó là đi trong sanh tử. Nếu cả hai lành dữ, thiện ác đều
lặng hết, chỉ còn một tâm thanh tịnh thì chúng ta đi theo nghiệp nào? Đó
là giải thoát sanh tử.
Như vậy thì muốn giải thoát sanh tử,
chúng ta phải lặng hết tất cả tâm lành dữ. Tâm lành dữ là tâm tương đối,
sanh diệt, không thật. Nó lặng xuống rồi thì tâm chân thật mới hiện
bày. Tâm chân thật là tâm không sanh diệt. Sống được với tâm này mới gọi
là giải thoát sanh tử. Cho nên Phật dạy phải lặng tâm ý cho trong sạch
là vì thế. Cho nên tu theo Tịnh độ thì phải nhất tâm niệm Phật. Nhất tâm
thì không còn hai, không còn phải quấy. Như vậy là tâm lặng. Còn nhà
Thiền dạy dứt hết niệm tưởng lăng xăng, thì chân tâm hiển lộ. Chân tâm
hiển lộ đó là nhân giải thoát sanh tử.
Câu cuối “Thị chư Phật giáo”, đây là
lời dạy của tất cả chư Phật chớ không riêng gì đức Phật Thích-ca thôi.
Chỉ một bài kệ này chúng ta khéo ứng dụng, tu đúng như vậy thì sẽ được
giải thoát sanh tử. Nếu chưa giải thoát sanh tử, thì ít ra cũng tránh
được các đường dữ, sanh trong các cõi lành. Cho nên bài kệ này thường
được in trong lá phái qui y của Phật tử. Bài kệ nhắc cho quí Phật tử
thấy đó là chân lý, là lẽ thật mà mười phương chư Phật đều đồng thừa
nhận như vậy, chớ không riêng gì đức Phật Thích-ca.
Người tu Phật hiểu rõ và ứng dụng tu
theo bài kệ đó, thì từ một con người lỗi lầm sẽ trở thành con người
lương thiện. Rồi từ con người lương thiện tiến lên con người thanh tịnh,
giải thoát sanh tử. Như vậy trên đường tu, thăng tiến dần từ thấp tới
cao, cho đến giải thoát hẳn mọi khổ đau.
Tóm lại, chúng ta tu giai đoạn đầu là
bỏ ác, làm thiện. Cuối cùng thiện ác đều dẹp luôn, chỉ còn một tâm thanh
tịnh. Đó là chỗ cứu kính. Nếu quí vị nghe nhớ ứng dụng tu thì sẽ thấy
giá trị của việc tu hành ngày càng thâm sâu, ngày càng an lạc. Mong rằng
tất cả hãy nỗ lực tinh tấn tu hành, đến khi nào đạt được kết quả viên
mãn mới thôi.